Hoàn thiện quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

08/01/2025

GS.TS. ĐỖ VĂN ĐẠI

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

HUỲNH ĐĂNG HIẾU

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Tóm tắt: Nội dungbài viết phân tích một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này; trên cơ sở đó, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Bộ luật Tố tụng dân sự;phán quyết trọng tài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Abstract: The contents of the article focus on analyses of a number of inadequacies in the provisions of the Code of Civil Procedure of 2015 on recognition and enforcement of foreign arbitration awards, as well as the practical application of the law on this matter; accordingly a number of recommendations are also proposed for further improvements of relevant legal provisions.
Keywords: The Code  of Civil Procedure; arbitration award; recognization and enforcement of foreign arbitral award.
 5_79.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Về đối tượng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
Khoản 2 Điều 424 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: Phán quyết của Trọng tài nước ngoài(TTNN) quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành
Với quy định trên, để là đối tượng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, đó phải là quyết định của TTNN về “nội dung tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài”. Trên thực tế, tuyệt đại đa số các quyết định TTNN được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là quyết định giải quyết nội dung tranh chấp nên phù hợp với quy định nêu trên.
Thực tế, TTNN có thể ra quyết định về thẩm quyền như ra quyết định theo hướng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết nội dung tranh chấp, đồng thời quyết định một bên chịu trách nhiệm đối với chi phí trong tố tụng trọng tài. Quyết định như trên có thể là đối tượng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam không?
Ở khía cạnh quy định, chúng ta không có cơ sở để xem xét công nhận và cho thi hành vì quyết định này không giải quyết “nội dung tranh chấp” mặc dù chấm dứt tố tụng trọng tài. Thực tế, đã có trường hợp Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành quyết định như nêu trên[1].
Cụ thể, một công dân Mỹ (nguyên đơn) có tranh chấp với Chính phủ Việt Nam (bị đơn) và TTNN ra quyết định “Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền để xét xử hoặc phán quyết bất cứ khiếu kiện nào được đưa ra trong vụ việc trọng tài này. Nguyên đơn thanh toán cho bị đơn 1.039.124,46 USD về chi phí đại diện pháp lý và trợ giúp pháp lý của bị đơn trong vòng 28 ngày kể từ ngày của phán quyết” (Mục số 273 của Quyết định trọng tài). Ở đây, Tòa án Việt Nam tiến hành công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài vừa nêu tại Việt Nam. Trong vụ việc này, TTNN “không giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp” vì Hội đồng trọng tài đã xác định không có thẩm quyền giải quyết nội dung tranh chấp nhưng TTNN có quyết định có nội dung cần được thi hành liên quan đến chi phí trong tố tụng trọng tài.
Ở vụ việc trên, Tòa án Việt Nam đã ra quyết định “công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Hội đồng trọng tài quốc tế ngày 11/12/2013” và áp dụng BLTTDS năm 2015 như: Chương X, Điều 424 về phán quyết của TTNN được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, Điều 451 về thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành, Điều 452 về đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN, Điều 459 về những trường hợp không công nhận.
Phân tích trên cho thấy, chưa có sự thống nhất giữa quy định của BLTTDS năm 2015 và thực tiễn áp dụng. BLTTDS năm 2015 tập trung vào quyết định của TTNN giải quyết nội dung tranh chấp còn thực tiễn lại ghi nhận cả trường hợp TTNN ra quyết định không giải quyết nội dung tranh chấp mà ra quyết định về không có thẩm quyền, đồng thời buộc một bên chịu chi phí cho tố tụng trọng tài. Quy định như trong BLTTDS năm 2015 là khá hạn chế và chưa bao quát hết được các trường hợp có nhu cầu được công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam.
Thiết nghĩ, khi sửa đổi BLTTDS năm 2015, chúng ta nên mở rộng thêm đối tượng được xem xét công nhận và cho thi hành hành phán quyết của TTNN ở Việt Nam. BLTTDS năm 2015 nên bổ sung quy định trường hợp quyết định của TTNN về thẩm quyền có nội dung một bên phải thi hành về chi phí tố tụng trọng tài.
2. Về điều kiện để được yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
Điểm e khoản 2 Điều 35 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định: “Tòa án nơi người phải thi hành quyết định của TTNN cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của TTNN có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của TTNN”. Khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015 vẫn duy trì quy định này tại điểm e với nội dung: Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:Tòa án nơi người phải thi hành phán quyết của TTNN cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của TTNN có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 425 BLTTDS năm 2015 quy định: “Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của TTNN có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu”.
Với quy định trên, quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN là quyền có điều kiện và các điều kiện đã được thể hiện trong các quy định trên. Việc yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài là quyền có điều kiện còn được thể hiện ở hệ quả của việc bên phải thi hành không có các yếu tố nêu trên ở Việt Nam. Cụ thể, khoản 3 Điều 457 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu khi có một trong các căn cứ sau đây: Tòa án không xác định được địa điểm nơi có tài sản tại Việt Nam của người phải thi hành theo yêu cầu của người được thi hành phán quyết trọng tài”. Ở đây, Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN nếu người phải thi hành không có tài sản ở Việt Nam, không ở Việt Nam[2].
Theo quy định trên, quyền được yêu cầu Tòa án Việt Nam xét đơn công nhận và cho thi hành phán quyết TTNN phụ thuộc vào một trong các yếu tố sau: “cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam”, hoặc “tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của TTNN có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu”.
Việc quy định theo hướng yêu cầu công nhận và cho thi hành là để thi hành phán quyết trọng tài như vậy nhìn chung là đúng, nhưng không phải đúng trong mọi trường hợp. Thực ra, việc công nhận và cho thi hành mới chỉ trao cho bên được thi hành một quyết định được coi là có hiệu lực thi hành ở Việt Nam chứ chưa phải là thi hành quyết định này. Việc trao cho quyết định TTNN hiệu lực được ghi nhận tại khoản 3 Điều 427 BLTTDS năm 2015, theo đó “phán quyết của TTNN được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như quyết định của Tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự”. Ở đây, thủ tục công nhận và cho thi hành mang lại mới chỉ là hiệu lực của quyết định và khả năng thi hành tại Việt Nam chứ không phải là thi hành tại Việt Nam.
Việc công nhận và cho thi hành (chỉ cho thi hành chứ chưa phải là thi hành trong thực tế) còn có thể đem lại cho bên thụ hưởng lợi ích khác việc thi hành. Cụ thể, nếu chúng ta công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, tức là thừa nhận hiệu lực của phán quyết TTNN đối với tranh chấp đã được giải quyết trong phán quyết trọng tài. Do đó, bên thụ hưởng có thể viện dẫn một số quy định để phản đối bên kia yêu cầu Tòa án giải quyết lại nội dung tranh chấp. Theo đó, “Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài” (điểm d khoản 1 Điều 472 BLTTDS năm 2015).
Khi đối chiếu với đơn yêu cầu thi hành án dân sự, nhận thấy yêu cầu để công nhận và cho thi hành còn khắt khe hơn yêu cầu để thi hành án, vì theo điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020 và 2022): “Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây: Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có”. Như vậy, ngay cả ở giai đoạn thi hành án dân sự, chúng ta không bắt buộc phải cung cấp “thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” vì thông tin này chỉ phải đưa ra “nếu có” và đó chính là sự bất cập trong cùng một hệ thống.
Chúng ta không nên giới hạn quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết TTNN tại Việt Nam ở việc chứng minh được rằng bên phải thi hành “nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của TTNN có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu”. Quy định như vậy nên được loại bỏ và chỉ cần yêu cầu bên thụ hưởng có lợi ích liên quan đến việc xin công nhận và cho thi hành phán quyết TTNN tại Việt Nam.
3. Về hệ quả của hết thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành
Sau khi có được phán quyết của TTNN và mong muốn phán quyết trọng tài này được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, bên được thi hành phải tiến hành thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN trong khoảng thời gian nhất định.
BLTTDS năm 2015 đã dành một điều luật riêng quy định về thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 451 BLTTDS năm 2015, “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày phán quyết của TTNN có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó”. Khi áp đặt một thời hiệu cho yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, chúng ta buộc phải xem xét hậu quả của việc hết thời hiệu.
BLTTDS năm 2015 có quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tại Điều 457 nhưng các quy định này không có nội dung về trường hợp hết thời hiệu đang được xem xét. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 có quy định về trả lại đơn yêu cầu tại Điều 364 và một số quy định về đình chỉ giải quyết việc dân sự nhưng lại không có nội dung liên quan đến hết thời hạn của Điều 451.
Trong khi đó, BLTTDS năm 2015 có quy định về trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192 và đình chỉ vụ án dân sự tại Điều 217, theo đó hết thời hiệu không dẫn tới trả lại đơn mà đình chỉ vụ án dân sự. Quy định vừa nêu có được áp dụng cho vấn đề đang được bàn ở đây hay không? Rất khó có câu trả lời vì thiếu cơ sở để khẳng định yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN là vụ án dân sự và cũng chưa có quy định nào theo hướng được áp dụng các quy định về vụ án dân sự cho yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN.
Trong thực tiễn, sau khi khẳng định hết thời hiệu yêu cầu, có Tòa án đã theo hướng “không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đối với phán quyết của TTNN ”[3].
Ở đây, kết quả không phải là trả lại đơn yêu cầu và cũng không là đình chỉ giải quyết việc yêu cầu mà là phán quyết của TTNN không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Hướng này cũng được ghi nhận ở một nước[4].
Chúng ta cân nhắc nên ghi nhận hướng này vào BLTTDS năm 2015 để chủ thể liên quan biết được quyền lợi của mình khi hết thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam.
4. Về giám đốc thẩm quyết định về công nhận và cho thi hành
Điều 325 BLTTDS năm 2015 quy định: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật này”; tức là khi: “a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba” (Khoản 1 Điều 326BLTTDS năm 2015).
BLTTDS năm 2015 có điểm mới là bổ sung quy định về khả năng giám đốc thẩm đối với quyết định về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Cụ thể, theo khoản 6 Điều 462 BLTTDS năm 2015, quyết định của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao trong trường hợp nêu trên “có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật này”. Quy định này ghi nhận khả năng giám đốc thẩm đối với quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao, tức là “vấn đề kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm đã được xây dựng và quy định tại khoản 6 Điều 462 BLTTDS năm 2015”[5]. Thực tế, đã có nhiều quyết định phúc thẩm về phán quyết của TTNN đã được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm tại TAND tối cao.
Việc ghi nhận khả năng giám đốc thẩm như hiện nay có một số bất cập, nhất là về đối tượng được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đối với quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh/thành phố về vấn đề này, chúng ta không thấy quy định trên đề cập đến khả năng giám đốc thẩm mà chỉ quy định về khả năng giám đốc thẩm quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao. Thực tế, có trường hợp TAND cấp cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm quyết định của TAND cấp tỉnh/thành phố nhưng quy định trên lại tập trung vào giám đốc thẩm quyết định phúc thẩm, không đề cập tới khả năng giám đốc thẩm tại TAND tối cao đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao.
Thực ra, nếu các quyết định của TAND cấp tỉnh không bị phúc thẩm (do không có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm) mà đã có hiệu lực nhưng thuộc các trường hợp bị giám đốc thẩm, chúng ta cũng cần ghi nhận khả năng giám đốc thẩm trên cơ sở các quy định chung. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án cũng ghi nhận khả năng giám đốc thẩm đối với quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh/thành phố[6].
Đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, quy định trong phần công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN của BLTTDS năm 2015 không có nội dung về khả năng giám đốc thẩm tại TAND tối cao. Trong thực tiễn, quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao đã từng là đối tượng giám đốc thẩm ở TAND tối cao[7].
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vấn đề giám đốc thẩm quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh/thành phố và giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao nên được ghi nhận cụ thể trong BLTTDS năm 2015, khi chúng ta sửa đổi.
5. Về khả năng giải quyết lại nội dung khi không công nhận và cho thi hành
Trong trường hợp Tòa án ra quyết định không công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc đã được TTNN giải quyết không nếu tiêu chí thông thường về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được đáp ứng?
Theo điểm đ khoản 1 Điều 472 BLTTDS năm 2015: “Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của TTNN không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó”.
Trên cơ sở quy định vừa nêu, pháp luật đã ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam để giải quyết lại vụ việc đã được TTNN giải quyết nếu tiêu chí thông thường về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam được đáp ứng. Chẳng hạn, theo một quyết định giám đốc thẩm, “Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận và cho thi hành phán quyết TNA4 (2017) là có cơ sở. Trường hợp Công ty Khải Hưng vi phạm nghĩa vụ giao hàng theo hợp đồng mua bán hạt điều, nếu còn tranh chấp Công ty Grower có quyền khởi kiện vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Grower theo quy định của pháp luật”[8].
Việt Nam là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Thực tế, Công ước này không chỉ có quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN mà còn có cả quy định về thực thi thỏa thuận trọng tài và quy định nêu trên của chúng ta có điểm chưa tương đồng với Công ước New York.
Cụ thể, khoản 3 Điều II Công ước này quy định: “Tòa án của một quốc gia thành viên, khi nhận được một đơn kiện về một vấn đề mà đối với vấn đề đó các bên đã có thỏa thuận theo nội dung của điều này, sẽ theo yêu cầu của một bên, đưa các bên tới trọng tài, trừ khi Tòa án thấy rằng thỏa thuận nói trên không có hiệu lực, không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được”. Theo đó, Tòa án (được yêu cầu giải quyết tranh chấp) phải từ chối giải quyết tranh chấp nếu có thỏa thuận trọng tài và một bên phản đối thẩm quyền của Tòa án, trừ khi “Tòa án thấy rằng thỏa thuận nói trên không có hiệu lực, không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được”.
Với quy định này, một khi thỏa thuận trọng tài hợp pháp và phù hợp với các nội dung tại Điều II, trong đó có điều kiện thỏa thuận trọng tài “liên quan đến một đối tượng có khả năng giải quyết được bằng trọng tài” thì các bên có “nghĩa vụ đưa tranh chấp nêu trong thỏa thuận trọng tài ra Trọng tài để giải quyết”[9] và Tòa án phải từ chối giải quyết tranh chấp khi có một bên phản đối thẩm quyền của Tòa án.
Từ những phân tích trên, các tác giả kiến nghị BLTTDS năm 2015 nên sửa đổi quy định về vấn đề này theo hướng bảo đảm sự phù hợp với Công ước New York .
Ngoài ra, BLTTDS năm 2015 hiện đang quy thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN luôn đồng hành với nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp chủ thể liên quan không có nhu cầu yêu cầu cho thi hành mà chỉ có nhu cầu công nhận phán quyết của TTNN tại Việt Nam để phản đối việc một bên yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết lại nội dung tranh chấp đã được TTNN giải quyết[10]. Như vậy, pháp luật hiện hành chưa dự liệu trường hợp một bên chỉ cần công nhận phán quyết của TTNN. Trong tương lai, BLTTDS năm 2015 nên cân nhắc bổ sung trường hợp này, tức là bổ sung cơ chế cho phép chủ thể liên quan chỉ yêu cầu công nhận phán quyết của TTNN ■

 


[1] Đỗ Văn Đại (2023), Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam - Bản án và bình luận bản án,Nxb. Hồng Đức (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 240-242.
[2] Thực trạng này đã tồn tại đối với quyết định, bản án của Tòa án nước ngoài (nên hướng giải quyết tương tự cũng sẽ được áp dụng đối với phán quyết TTNN). Ví dụ, một quyết định đã xét rằng: “theo khoản 1 Điều 344 BLTTDS năm 2004 thì việc nộp đơn yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được Tòa án xem xét trong các trường hợp cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm gửi đơn yêu cầu. Do ông Hiếu cư trú tại Canada nên bà Hà chưa đủ điều kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài” (Quyết định số 133/2010/QĐST-HN ngày 26/1/2010 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh).
[3] Xem: Đỗ Văn Đại, sđd, Bản án số 248-249.
[4]Xem: Đỗ Văn Đại, sđd, Bản án số 248-249.
[5] Trần Anh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học BLTTDS năm 2015, Nxb. Tư pháp, 2017, tr. 994.
[6] Xem: Đỗ Văn Đại, sđd, Bản án số 263-266.
[7] Xem: Đỗ Văn Đại, sđd, Bản án số 263-266.
[8] Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ và Ngô Quốc Chiến (2023), Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb. Hồng Đức (xuất bản lần thứ ba), phần số 235; Đỗ Văn Đại, sđd, Bản án số 252-255.
[9] Ph. Fouchard, E. Gaillard et B. Goldman, Traité de l’arbitrage commercial international, Nxb. Litec 1996, phần số 629.
[10] Về sự khác biệt giữa các yêu cầu này, xem thêm: Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ và Ngô Quốc Chiến, sđd, phần số 210.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 20(499), tháng 10/2024)


Thống kê truy cập

35754867

Tổng truy cập