Sự phối hợp giữa Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và nhân dân: những vấn đề đang đặt ra và hướng hoàn thiện

09/01/2025

PGS. TS. BÙI XUÂN ĐỨC

Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Khoa Luật _ Trường Đại học Đại Nam.

Tóm tắt: Tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng của các thiết chế chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...) xuất phát từ quan điểm bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân: Nhân dân vừa trực tiếp thực hiện, vừa ủy quyền cho các thiết chế đại diện thay mình thực hiện dưới sự giám sát của mình. Còn các thiết chế đại diện phải thể hiện và thực hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, quan tâm giải quyết những yêu cầu, kể cả tiếp thu các hiến kế của Nhân dân. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích thực trạng về sự phối hợp giữa Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tập hợp, phản ánh ý kiến của cử tri và Nhân dân và gợi mở hướng hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyền lực nhà nước; cử tri; Nhân dân.
Abstract: Collection and reviews of the people's opinions and petitions are critical tasks of political institutions (Party, State, Vietnam Fatherland Front...) from the perspective of ensuring the power belongs to the People: The People both directly implement and authorize representative institutions to perform on their behalf under their supervision. The representative institutions must express and enforce the will and aspirations of the People, must take into account the People's thoughts, aspirations, opinions, and petitions, and pay attention to resolving requests, including continuing to collect the People's recommendations. Within this article, the author provides an analysis of the current situation of coordination between the National Assembly and the Vietnam Fatherland Front in collecting and reviewing the opinions of voters and the People and provides a number of directorial recommendations for further improvements of the law.
Keywords: National Assembly; Vietnam Fatherland Front; state power; voters; the People.
 5_77.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Sự phối hợp giữa Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tập hợp, phản ánh ý kiến của cử tri và Nhân dân
Trong phương thức hoạt động của mình, Quốc hội - "cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" - có sự phối hợp thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam – "tổ chức liên minh chính trị", “nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, “nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động”1 của các thành viên để cùng với Đảng và Nhà nước phấn đấu vì mục tiêu chung là giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự phối hợp này được thực hiện theo nhiều mặt:
a. Phối hợp trong bầu cử để thành lập ra Quốc hội.
b. Phối hợp củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
c. Phối hợp trong việc tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và tập hợp, phản ánh ý kiến của cử tri và Nhân dân.
d. Phối hợp trong xây dựng chính sách, pháp luật.
đ. Phối hợp trong hoạt động giám sát. 
e. Phối hợp trong việc giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Ở đây xin nói về hoạt động phối hợp trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và Nhân dân - một trong những hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhất về phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội hiện nay.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo” (Điều 79). Nhiệm vụ này, về tính chất, đương nhiên phải nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan thường trực của Quốc hội. Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định một trong 7 quyền và là trách nhiệm lớn của Mặt trận là: “Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước” (khoản 6 Điều 3). Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp có trách nhiệm thực hiện. Trong việc thực hiện hai nhiệm vụ tương đồng này, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội với MTTQ Tổ quốc Việt Nam và là phương thức tốt mang lại hiệu quả.
Cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và MTTQ Việt Nam trong vấn đề này được quy định như sau:
 Lúc đầu, theo Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2002 (tại các điều 44, 45) thì: tại kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri đối với cơ quan đại diện quyền lực của mình và giám sát việc giải quyết, còn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình Quốc hội “Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội”. Ở đây có sự phân biệt: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiểu như những đòi hỏi (ủy quyền) của cử tri, còn báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ được hiểu là ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cả nước khi thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội tức để lập ra cơ quan đại biểu của mình, gửi đến Quốc hội và chỉ báo cáo tại kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa Quốc hội.
Đến Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký kết năm 2003 đã mở rộng thêm nhiệm vụ của Mặt trận là báo cáo tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội: “Để phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, của Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cử đại diện đọc Báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị đó trong các kỳ họp Quốc hội” (Điều 3). Như vậy, từ đây MTTQ thực hiện việc báo cáo thường xuyên ý kiến Nhân dân ra trước mỗi kỳ họp Quốc hội chứ không chỉ tại kỳ họp đầu tiên. Và lúc này chỉ nói đến việc tập hợp và báo cáo ý kiến của Nhân dân.
Đến Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 10/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri có một điểm mới: ghi nhận chính thức nhiệm vụ của Mặt trận trong việc tập hợp và tổng hợp ý kiến của cử tri – vốn trước đó vẫn do đại biểu Quốc hội và cao nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ban Dân nguyện) tập hợp: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tricả nước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội”, còn “Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Dân nguyện tập hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu giải quyết và báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”. Quy định này ghép cùng với quy định trên ấn định cho MTTQ nhiệm vụ tập hợp cả ý kiến cử tri và ý kiến Nhân dân từ lúc này.
 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã thống nhất hóa quy định việc Mặt trận tổng hợp và báo cáo ra trước kỳ họp Quốc hội cả ý kiến cử tri và cả ý kiến Nhân dân: “Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội”.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hằng năm đều có Quy chế phối hợp hoạt động, trong đó có sự phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp tổ chức, tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước và sau các kỳ họp đảm bảo hiệu quả thiết thực theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 06 ngày 10/9/2004 trước đây và Nghị quyết liên tịch số 525 ngày 27/9/2012 hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội tại các kỳ họp, đồng thời giám sát và đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc giải quyết.
2. Những vấn đề đặt ra
Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả, hoạt động phối hợp trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến cử tri và Nhân dân của Quốc hội (cụ thể là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và MTTQ Việt Nam (cụ thể là Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương) đã và đang bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết sau:
- Do tính chất và truyền thống của mình, hiện MTTQ Việt Nam được quy định hai nhiệm vụ trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội: 1) Tổ chức và phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như: Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, hướng dẫn, giúp các đại biểu tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri; 2) Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và gửi cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước để trình ra kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam còn có một chức năng riêng là thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến với Đảng và Nhà nước. Công tác này của MTTQ Việt Nam, về hình thức có những nét giống với hoạt động tiếp xúc cử tri nêu trên (và trên thực tế hai việc này đang được kết hợp với nhau), song xét về tính chất thì đây là một công tác có tính chất riêng, đặc trưng của MTTQ. Khác với việc tham gia vào tiếp xúc cử tri là MTTQ phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc, tạo điều kiện để các đại biểu tiếp xúc, phối hợp xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để (đại biểu hoặc cơ cấu được quy định) báo cáo trước các cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp và gửi các cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết thì công tác này của MTTQ Tổ quốc Việt Nam được xác định là: “Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước” (Điều 3 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015). Công tác này của MTTQ rộng hơn, có tính chất chủ động, độc lập riêng phù hợp với tính chất tổ chức liên minh chính trị của Mặt trận. Mặt trận phải thu thập, nghiên cứu, thể hiện, phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp, nhân sỹ, trí thức và phản ánh để Đảng và Nhà nước nắm bắt được nguyện vọng của Nhân dân nói chung, cùng với các cấp có thẩm quyền tìm ra cách giải quyết phù hợp. Pháp luật phân biệt rõ việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm của các đại biểu và các cơ cấu của cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền giải quyết; còn hoạt động phản ánh ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân là phải bao hàm ý kiến, nguyện vọng của tất cả các tầng lớp nhân dân, tổ chức thành viên và đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước nói chung, phù hợp với cấp độ và thẩm quyền của từng cơ quan.
Tuy nhiên, khi các quy chế phối hợp giữa Quốc hội và MTTQ quy định cho MTTQ trách nhiệm “xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội” đã gây ra sự lẫn lộn, trùng lắp của hai hoạt động này trong công tác Mặt trận hiện nay.
- Với trách nhiệm “chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước để trình ra kỳ họp Quốc hội, cử đại diện đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị đó trong các kỳ họp Quốc hội”; từ đây, Mặt trận Trung ương chỉ chú trọng vào việc xây dựng Báo cáo này, tức chủ yếu chỉ phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội, còn việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân và hơn nữa, đến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước khác có phần bị sao nhãng, nếu không muốn nói là hầu như không thực hiện.
 - Với tính chất là một bản Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trình ra trước mỗi kỳ họp Quốc hội như hiện nay, thì cho dù là “tổng hợp ý kiến”, MTTQ vẫn chủ yếu là phản ánh trung thành ý kiến của cử tri chứ không thể nêu ý kiến (hay chính kiến) của mình như quy định tại Điều 2 và Điều 7 Luật MTTQ Việt Nam được, vì khi đó cơ quan phối hợp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội - có thể sẽ không nhất trí, cho rằng cử tri không có ý kiến như vậy. Thành ra, cho dù có biện hộ gì thì báo cáo này không thể thay thế cho việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân được, mà phải có một báo cáo riêng khác. Cũng do nhu cầu cần có tư liệu để xây dựng Báo cáo tổng hợp này, trong khi chờ các báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về (theo quy định) hoặc do không thể chờ, hoặc do muốn có những ý kiến, kiến nghị được Mặt trận cấp dưới tập hợp từ cơ sở, Mặt trận Trung ương thường yêu cầu MTTQ cấp tỉnh gửi Báo cáo tổng hợp tiếp xúc cử tri tại tỉnh về Mặt trận Trung ương dẫn đến tình trạng báo cáo trùng lặp; hoặc đáng lẽ ra Báo cáo do Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì xây dựng thì có nơi lại do chính Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố lập.
- Trách nhiệm, phạm vi về tập hợp phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân của MTTQ là hết sức rộng lớn, bao quát mọi vấn đề quốc kế dân sinh và được gửi đến các cấp có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét, giải quyết. Các vấn đề trên do MTTQ các cấp tập hợp, nghiên cứu, đưa ra quan điểm, chính kiến của Mặt trận rõ ràng là rất có ý nghĩa. Tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân không phải thu thập và đề xuất những nguyện vọng, mong muốn đơn thuần mà phải là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến về đường lối, chính sách và các hoạt động của các thiết chế công quyền, tức ý kiến nhân dân được thu thập, tập hợp lại thành chính kiến của Mặt trận để nêu ra đối với Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải xem xét, tiếp thu, giải trình, khắc phục nếu có khiếm khuyết. Đó là tập hợp, phản ánh ý kiến về những vấn đề đang nổi lên trong đời sống chính trị của đất nước, tức những vụ việc có tính chất điểm nóng liên quan đến đường lối, chính sách, pháp luật, hoạt động của người cầm quyền và ý kiến, thái độ, chính kiến của các giai cấp, tầng lớp nhân dân về những vấn đề, vụ việc đó.Và không chỉ phản ánh đến các cơ quan đại diện (Quốc hội và Hội đồng nhân dân) mà phải và chủ yếu đến các cấp có thẩm quyền, có trách nhiệm cao của cả Đảng và Nhà nước. Chính ở đây, Mặt trận phải tập hợp trí tuệ chung của toàn thể nhân dân, các tổ chức thành viên của Mặt trận để kiến nghị, đề đạt kể cả đóng góp, hiến kế với Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, do chưa được chú ý hoặc giả định là đã có phản ánh qua Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và Nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân rồi nên Mặt trận không phải làm thêm gì khác nữa. Hậu quả là Mặt trận chưa thể hiện được vai trò của mình trước những vấn đề bức xúc, nóng bỏng trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương. Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng gần đây, trong nhiều các vấn đề bức xúc của đất nước, MTTQ dường như đang đứng ngoài cuộc.
Có thể thấy, quy định việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và trình ra trước Quốc hội do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ thực hiện rõ ràng không hợp lý xét trên vị trí, vai trò cũng như lô gích công việc. Việc các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan quyền lực nhà nước thì phải do chính các các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ cấu của Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội) thực hiện, còn MTTQ Việt Nam không nên sa vào việc này mà phải tập trung vào việc tập hợp, phản ánh ý kiến của các tầng lớp nhân dân và phản ánh đến tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải chỉ phản ánh trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
- Ngoài ra, việc theo dõi, thúc đẩy việc tiếp thu; giám sát, thúc đẩy việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân của MTTQ cũng còn một số hạn chế.
3. Phương hướng, giải pháp đổi mới, hoàn thiện sự phối hợp giữa Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tập hợp, phản ánh ý kiến của cử tri và Nhân dân
Thứ nhất, cần phân định rạch ròi công tác tiếp xúc cử tri và thu thập, phản ánh ý kiến nguyện vọng của cử tri, của đại biểu dân cử và của cơ quan đại diện với công tác tập hợp, phản ánh ý kiến các tầng lớp Nhân dân của MTTQ Việt Nam. Công tác phản ánh ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đến Đảng và Nhà nước; đôn đốc, thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải được coi là một nhiệm vụ độc lập, chủ yếu của MTTQ Việt Nam các cấp trong giai đoạn hiện nay và phải được tập trung thực hiện, tăng cường các điều kiện để thực hiện cho tốt. Khắc phục tình trạng nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội được báo chí, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia, Nhân dân nói nhiều nhưng hầu như không thấy ý kiến của MTTQ.
Thứ hai, trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần quy về một đầu mối là Đoàn đại biểu Quốc hội và tổng hợp chung tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không nên để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp và đọc Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri ra trước kỳ họp Quốc hội mà việc này phải do các cơ cấu của Quốc hội (cụ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đảm nhiệm. Từ đó để Mặt trận tập trung vào việc tập hợp, phản ánh ý kiến các tầng lớp nhân dân như những nhận xét, đánh giá, chính kiến của Mặt trận về các hoạt động công quyền của Đảng và Nhà nước.
Liên quan đến việc này, cần sửa đổi quy định tại Nghị quyết liên tịch số 525 nêu trên và các văn bản hướng dẫn liên quan, cụ thể là bỏ khoản 1 Điều 18 của Bản hướng dẫn công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội để trả công việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri về đúng với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Quy chế kỳ họp Quốc hội. Thay đổi này còn là để nâng cao trách nhiệm của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân phải chủ động hơn trong việc tổ chức thu thập (dưới nhiều hình thức chứ không chỉ có mỗi cuộc tiếp xúc), tập hợp và phản ánh ý kiến của cử tri đã bầu ra mình, không nên dựa dẫm quá nhiều vào Ủy ban MTTQ các cấp như hiện nay. Đồng thời, có thể nghiên cứu bổ sung vào đó quy định: tại các kỳ họp của Quốc hội, đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đọc Thông báo về tình hình, kết quả công tác Mặt trận tham gia xây dựng Nhà nước và ý kiến, kiến nghị, bức xúc của các tầng lớp nhân dân để Mặt trận thực hiện đúng chức năng phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Việc này phải làm thường xuyên chứ không chỉ trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Kinh nghiệm ở một số địa phương như Hà Nội cho thấy, đã tách riêng hai việc này: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xây dựng Thông báo về việc MTTQ tham gia xây dựng chính quyền còn Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri Thủ đô với kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố do Thường trực Hội đồng nhân dânđảm nhiệm2. Đồng thời, phải có những hình thức phản ánh mạnh mẽ đến các cấp có thẩm quyền, nhất là đến các đồng chí có trách nhiệm cao và đeo bám để cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiến nghị phải tiếp thu, giải trình thỏa đáng.
Nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trình bày trước các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đẩy mạnh việc tổ chức lấy ý kiến, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên của Mặt trận và đặc biệt là ý kiến của các thành viên cá nhân tiêu biểu là các nhân sỹ, trí thức, chuyên gia trong Ủy ban Mặt trận các cấp và trong Nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, ý kiến của các thành viên này được rút ra từ cuộc sống hàng ngày của Nhân dân nên thường rất sinh động, sâu sắc. Tăng cường hoạt động phản ánh trực tiếp đến các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan tổ chức mà Mặt trận được mời tham dự, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước được phân công trực tiếp theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận chứ không chỉ tập trung vào các cơ quan quyền lực nhà nước và các bộ ngành như hiện nay. Ý kiến phải được tập hợp và đưa đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan hữu quan thường xuyên hơn (ít nhất 3 tháng 1 lần) chứ không phải chỉ trước mỗi kỳ họp (6 tháng 1 lần) như hiện nay. Phát huy vai trò của các đơn vị báo chí, truyền thông của Mặt trận Trung ương và địa phương trong hoạt động phản ánh ý kiến Nhân dân.
Cần có những hình thức phản ánh mạnh mẽ đến các cấp có thẩm quyền, nhất là đến các đồng chí có trách nhiệm, kể cả đến lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Có cách thức mới về phản ánh, như để cho Mặt trận thảo luận và phát biểu một cách trực tiếp tại kỳ họp chính kiến của mình về các đề án kinh tế - xã hội, dự án pháp luật ... mà Chính phủ, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan trình ra Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Hoặc chính kiến có thể đưa ra trước bằng văn bản, nhưng Ủy viên Mặt trận được tham dự kỳ họp để nghe tiếp thu và giải trình. Kinh nghiệm Hội nghị hiệp thương chính trị (Chính hiệp) Trung Quốc: Kỳ họp Chính hiệp luôn song hành với kỳ họp Đại hội nhân dân toàn quốc (Nhân đại) và kéo dài nhiều ngày (13-14 ngày) để các Ban chuyên đề, Ủy viên của Chính hiệp nêu ý kiến về tình hình đất nước và thảo luận các đề án, dự án mà Chính phủ, các ban ngành trình tới Nhân đại (gần như là thẩm tra song song với thẩm tra của các ủy ban của Nhân đại). Sau khi ý kiến Chính hiệp được chuyển tới Nhân đại thì Ủy viên Chính hiệp được tham dự kỳ họp Nhân đại để theo dõi việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của Chính hiệp chuyển đến.
Thứ ba, để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đề cao vai trò của MTTQ trong công tác này, cần quy định rõ và cụ thể hơn nữa những chức năng, nhiệm vụ, thậm chí cả quy trình hoạt động của MTTQ các cấp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước trong các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương. Bảo đảm sự tham gia thiết thực của Ủy ban MTTQ các cấp đối với các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp khi bàn những vấn đề có liên quan; để qua đó thể hiện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với Nhà nước trước các vấn đề đang đặt ra. Việc lấy ý kiến Nhân dân cũng như ý kiến MTTQ về các chương trình, dự án… phải bảo đảm thực chất, tránh qua loa hoặc đặt Mặt trận trước những việc đã rồi■

 


1 Điều 9 Hiến pháp năm 2013.
2 Xem: Tổng hợp ý kiến của cử tri Thủ đô với kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Báo Nhân dân, ngày 4/12/2009).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 20(499), tháng 10/2024)


Thống kê truy cập

35755096

Tổng truy cập