Hoàn thiện pháp luật về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở nước ta

08/01/2025

ThS. NGUYỄN ĐẶNG PHƯƠNG TRUYỀN

Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Nội dung bài viết phân tích những bất cập của pháp luật về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Tứ khoá: Cơ quan chuyên môn; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; bộ máy hành chính nhà nước.
Abstract: This article provides an analysis of the inadequacies of the legal regulations on the organization of functional agencies under the Provincial People's Committee, accordingly provides a number of recommendations for further improvements of the related legal regulations to meet the requirements of promoting the organizational reform, develop the administrative apparatus of State of a socialist rule of law in our country today.
Keywords: Functional agencies; Provincial People's Committee; state administrative apparatus.
 5_70.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những hạn chế trong quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay
Việc ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2004 và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh đã góp phần đáp ứng yêu cầu hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở nước ta, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở nước ta vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về sử dụng thuật ngữ để chỉ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Nghiên cứu những quy định trước đây về các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho thấy, trong nhiều giai đoạn Chính phủ dùng thuật ngữ “Sở và cơ quan tương đương Sở” thông qua quy định “Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm có Sở và cơ quan tương đương Sở (sau đây gọi chung là Sở)”[1]. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP lại dùng thuật ngữ “Sở và cơ quan ngang Sở”[2],quy định này chưa bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), theo đó Luật này quy định: “Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm có các Sở và cơ quan tương đương Sở”. Như vậy, quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chưa có sự thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong sử dụng thuật ngữ để chỉ các cơ quan chuyên môn[3]. Mặt khác, hiện nay có một số cơ quan ở cấp tỉnh được các văn bản quy phạm pháp luật gọi là “cơ quan tương đương Sở” nhưng các cơ quan này không phải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Cụ thể, Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định: “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương Sở[4].
Thứ hai, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Trong các quy định về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước thì “nguyên tắc tổ chức và hoạt động” là quy định quan trọng, định hướng cho việc thiết lập tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước. Đối với các cơ quan hành chính nhà nước thì nghị định của Chính phủ quy định về Bộ, cơ quan ngang Bộ và các nghị định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện đều có quy định này.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, lần đầu tiên tại Điều 2 Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/6/2004 quy định 04 nguyên tắc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 thì 04 nguyên tắc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn và 04 nguyên tắc này được giữ nguyên trong Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP). Theo đó, nguyên tắc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được quy định như sau:
“1. Bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh và sự thống nhất, thông suốt, quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở.
2. Tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không nhất thiết ở Trung ương có Bộ, cơ quan ngang Bộ thì cấp tỉnh có tổ chức tương ứng.
3. Phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.
4. Không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đặt tại địa phương[5].
Tuy nhiên, các nguyên tắc này chỉ mới dừng lại quy định việc tổ chức (thiết kế) các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, chưa có quy định về nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc của các cơ quan chuyên môn. Hiện nay, các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (tương ứng) cũng không có quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc của các cơ quan chuyên môn. Thực tế cho thấy, các quy định về các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đều có các quy định về nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc của cơ quan, tổ chức đó. Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP) chỉ quy định: “Sở thuộc UBND cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng và theo Quy chế làm việc của UBND cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Thiết nghĩ, cần phải có quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ làm việc của cơ quan chuyên môn.
Thứ ba, quy địnhcác cơ quan chuyên môn đặc thù ở cấp tỉnh
Trước đây, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định các cơ quan chuyên môn đặc thù được tổ chức ở một số địa phương bao gồm Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan chuyên môn đặc thù khác. “Cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương[6]. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm Sở Du lịch cũng là một trong bốn Sở đặc thù bên cạnh Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Tuy nhiên, quy định hiện hành không còn quy định “mở” cho phép UBND các tỉnh thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù khác ngoài các Sở đã được Chính phủ quy định. Thực tế, trường hợp của TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu thành lập “Sở An toàn thực phẩm”, tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài Thành phố vẫn chưa thể thành lập Sở này mà vẫn thí điểm mô hình “Ban Quản lý an toàn thực phẩm”[7]. Bên cạnh đó, các Sở này được thành lập chưa bảo đảm nguyên tắc “đa ngành, đa lĩnh vực” trong tổ chức và hoạt động.
Thứ tư, về quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Chi cục, Đơn vị sự nghiệp công lập[8]. Nghị định này cũng quy định không nhất thiết các cơ quan chuyên môn đều có Thanh tra, Chi cục, Đơn vị sự nghiệp. So với Nghị định số 13/2008/NĐ-CP trước đó thì Nghị định 24/2014/NĐ-CP bổ sung quy định mới là không nhất thiết các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải có Thanh tra, riêng Văn phòng UBND cấp tỉnh có Cổng thông tin điện tử. Hiện nay, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Sở, gồm: Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). Như vậy, so với Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP có quy định khác: Trong cơ cấu của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thì “Phòng chuyên môn, nghiệp vụ” là đơn vị bắt buộc phải có còn các đơn vị còn lại (nếu có). Tuy nhiên, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính quy định: “Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh”[9]. Như vậy, trong cơ cấu của Văn phòng UBND cấp tỉnh có “đơn vị hành chính đặc thù” và đơn vị hành chính đặc thùnày xét về tính chất không phải là Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Thanh tra; Văn phòng; Chi cục và tổ chức tương đương; Đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất trong quy định hiện nay.
Thứ năm, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính dùng thuật ngữ “tổ chức hành chính” và “tổ chức hành chính khác” để chỉ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã gây ra sự thiếu thống nhất. Nghị định số 158/2018/NĐ-CP quy định “Tổ chức hành chính là tổ chức được giao chức năng tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cơ quan, tổ chức và được thành lập theo quy định của pháp luật”(khoản 1 Điều 3). Quy định này chưa bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo quy định hiện nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không chỉ có nhiệm vụ tham mưu cho người đứng đầu cơ quan – Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà còn có nhiệm vụ rất quan trọng là tham mưu cho UBND cấp tỉnh trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương.
Về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn hiện nay, nhằm bảo đảmthực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh và sự thống nhất, thông suốt, quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP đã có những sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, bổ sung nhiệm vụ của Sở Nội vụ trong tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng. Bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính của Sở Tư pháp do chức năng này đã được chuyển về Văn phòng UBND cấp tỉnh. Bỏ quy định tham mưu cho UBND tỉnh trong quản lý vật liệu xây dựng, bỏ quy định chức năng về quản lý an toàn thực phẩm của Sở Công Thương. Bổ sung chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế quốc tế của Sở Công Thương. Bổ sung nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường trong tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý chất thải rắn. Bỏ chức năng của Sở Xây dựng trong tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng vì chức năng này được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Đối với Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, chức năng tham mưu về quy hoạch xây dựng và kiến trúc do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện.  Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đổi chức năng “dạy nghề” thành “giáo dục nghề nghiệp” (trừ các trường sư phạm) để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Đổi chức năng “an toàn lao động” thành “an toàn, vệ sinh lao động”;  thay cụm từ “bảo vệ và chăm sóc trẻ em” thành “trẻ em” cho phù hợp với quy định của Luật Trẻ em. Bổ sung quy định đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện. Bổ sung chức năng cho Thanh tra tỉnh trong tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân, trước đây chức năng này thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Bổ sung quy định chức năng về  kiểm soát thủ tục hành chính cho Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc do Văn phòng UBND cấp tỉnh thực hiện.
Mặc dù, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn so với trước đây. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này vẫn chưa bảo đảm sự thống nhất. Ví dụ, trường hợp chức năng Sở Công Thương thì Nghị định số 107/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về “quản lý an toàn thực phẩm”, nhưng Thông tư số 04/2022/TT-BCT ngày 28/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vẫn quy định một trong những nhiệm vụ của Sở Công Thương là: “triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương và các sản phẩm khác, an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở”[10].
2. Một số kiến nghị   
Từ những phân tích trên, để tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tác giả có một số kiến nghị sau đây:
Thứ nhất, quy định về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với đặc thù đơn vị hành chính cấp tỉnh và đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Các quy định của pháp luật về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã được ban hành và từng bước hoàn thiện đã giúp UBND cấp tỉnh thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn những tồn tại bất cập. Do đó cần tiến hành tổ chức tổng kết các quy định pháp luật về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để có những đánh giá và tiếp tục hoàn thiện đểđáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định[11]. Văn kiện cũng đề ra chủ trương: Thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”[12] và phải “xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả[13]. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đại hội XIII và tinh thần Hiến pháp năm 2013 để thiết lập tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh một cách linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, quản trị địa phương. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn ở những thành phố tổ chức chính quyền đô thị. Vì vậy, cần tiếp tục triển khai mở rộng việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị ở một số đô thị và tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện khung pháp lý để tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, hướng đến việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở tất cả các đơn vị hành chính đô thị trên cả nước và có sự phân định với mô hình chính quyền nông thôn, hải đảo, chính quyền ở đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt. Do đó, cần quy định về các cơ quan chuyên môn bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, đồng thời có tính đến đặc thù kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, đặc biệt các cơ quan chuyên môn này phải phù hợp với đặc điểm của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”. Do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục giảm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo hướng sáp nhập các cơ quan chuyên môn hiện có để thành lập các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần có sự phân định giữa các đô thị (các thành phố trực thuộc Trung ương) và các tỉnh, trong đó lưu ý việc thiết kế các cơ quan chuyên môn giữa các tỉnh loại I cũng cần có sự khác biệt với các tỉnh loại II và loại III.
Trong thiết kế các cơ quan chuyên môn đặc thù, cần quan tâm đến nguyên tắc “đa ngành, đa lĩnh vực”. Hiện nay, bốn cơ quan chuyên môn đặc thù (Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở Quy hoạch – Kiến trúc) được tổ chức ở một số địa phương chưa thật sự bảo đảm nguyên tắc này, bởi lẽ các Sở này chỉ tham mưu một hoặc một ít lĩnh vực quản lý nhà nước. Cụ thể, Sở Ngoại vụ tham mưu quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (đối với những tỉnh có đường biên giới); Ban Dân tộc tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Sở Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Sở Quy hoạch - Kiến trúc (được thành lập ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) tham mưu, giúp UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc.
Thứ hai, sửa đổi, thống nhất sử dụng thuật ngữ gọi chung các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định “Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh gồm có các Sở và cơ quan tương đương Sở”. Như vậy, cần sửa đổi quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và thống nhất sử dụng thuật ngữ “cơ quan tương đương Sở” thay vì “cơ quan ngang Sở” cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Một phương án khác cũng có thể tính đến làtrong quá trình tiếp tục hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có thể cân nhắc sử dụng thuật ngữ “Sở và cơ quan ngang Sở”, “Phòng và cơ quan ngang Phòng” để chỉ về các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Điều này sẽ thống nhất với quy định của Trung ương khi đề cập về cơ cấu tổ chức Chính phủ có “Bộ và cơ quan ngang Bộ”.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực
Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn. Hiện nay, một số lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh được giao cho các cơ quan chuyên môn chưa có sự thống nhất còn có sự trùng lắp, chồng chéo, điển hình là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Chỉ thị đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới nhằm đạt mục tiêu: bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ: “Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương”. Do đó, cần nghiên cứu để quy định cơ quan chuyên môn nào là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, một vấn đề đặt ra cần tiếp tục có những nghiên cứu để định hướng hoàn thiện về tổ chức chính quyền địa phương đó là nghiên cứu vai trò của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện liên kết vùng để bảo đảm mối quan hệ của chính quyền địa phương cấp tỉnh với tổ chức bộ máy quản lý vùng trong liên kết vùng. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới"[14],"...Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh[15]. Do đó,xây dựng cơ chế liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm tăng cường liên kết vùng, qua đó thúc đẩy phát triển địa phương, vùng và quốc gia một cách nhanh, bền vững. Vấn đề thiết lập một tổ chức bộ máy để quản lý trong liên kết vùng và mối quan hệ của tổ chức quản lý này với chính quyền địa phương cấp tỉnh là vấn đề cần quan tâm hoàn thiện vì nhiều vấn đề trong quản trị nhà nước hiện nay cần được giải quyết trên cơ sở liên kết vùng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về Các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội đã xác định: “Xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng”. Do vậy, cần bổ sung và quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trong tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện “liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh” nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thứ tư, sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và thẩm quyền quy định hướng dẫn cơ cấu, tổ chức của các cơ quan chuyên môn
Tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hiện nay có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, cần tiếp tục có những sửa đổi để bảo đảm cho tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp hơn. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức của các Sở tại Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 107/2020/NĐ-CP), trong đó quy định cơ cấu tổ chức của Sở gồm: (i) Văn phòng, (ii) Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; (iii) Thanh tra (theo quy định của pháp luật về thanh tra); (iv) Chi cục (nếu có); (v) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có); (vi) tổ chức hành chính khác (nếu có).
Bên cạnh đó, quy định hiện hành đã trao thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thay vì phải phối hợp với Bộ Nội vụ. Điều này phù hợp với nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính” và phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[16]. Đồng thời, trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Sở và quyết định cơ cấu tổ chức của từng Sở. Quy định này mặc dù trao quyền chủ động cho các địa phương, tuy nhiên do thiếu quy định và hướng dẫn thống nhất của Trung ương dẫn đến các địa phương đã quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn rất khác nhau; việc sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị thuộc Sở không dựa trên chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực có liên quan mà chỉ vì tiêu chí đủ số lượng biên chế để thành lập phòng thuộc Sở. Thậm chí, có địa phương còn thành lập tổ chức thuộc Sở chưa thống nhất với quy định chung của pháp luật chuyên ngành, ví dụ việc thành lập “Phòng Thanh tra - Cải cách hành chính”[17]; “Phòng Thanh tra - Hành chính tổng hợp”[18]; “Phòng Thanh tra - Bổ trợ tư pháp”[19]; “Phòng Bổ trợ tư pháp - Thanh tra”[20]... Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định có liên quan đã quy định thống nhất tổ chức thuộc cơ cấu của Sở là “Thanh tra Sở”[21] và người đứng đầu Thanh tra Sở gọi là “Chánh Thanh tra”. Tuy nhiên, nếu theo cách tổ chức của các địa phương nêu trên, “Thanh tra Sở” lại được gọi là Phòng và người đứng đầu được gọi là “Trưởng phòng” sẽ không bảo đảm tính thống nhất.
Do đó, tác giả kiến nghị cần có quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định thống nhất cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ và lẽ dĩ nhiên quy định thống nhất dựa trên tiêu chí thành lập tổ chức hành chính do Chính phủ quy định./.

 


[1] Xem: Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 và Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008.
[2] Xem: khoản 2 Điều 1 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.
[3] Hiện nay, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP xác định cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện gồm có Phòng và cơ quan tương đương Phòng là phù hợp vớiLuật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
[4] Xem: khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14.
[5] Xem: Điều 2 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP).
[6] Xem: Điều 9 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.
[7] Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã để xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm. Ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 thay thế Nghị quyết 51/2017/QH14 chính thức cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố “thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố...” (Điều 9). Tuy nhiên, các địa phương khác nếu có nhu cầu thành lập Sở An toàn thực phẩm thì vẫn chưa có quy định thống nhất, hiện nay ngoài TP. Hồ Chí Minh thì Đà Nẵng là địa phương thứ hai được phép thành lập Sở này theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội (khoản 3 Điều 5), tuy nhiên quy định này là quy định về “thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù”.
[8] Xem: Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP.
[9] Xem: khoản 2 Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
[10] Xem: điểm i khoản 4 Điều 2.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 178.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 178.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 259.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 251.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, tr. 251.
[16] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bãi bỏ thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với nhau. Trước đây chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn bằng Thông tư liên tịch. Hiện nay, được hướng dẫn bằng Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực.
[17] Xem: Quyết định số 16/2022/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh Bến Tre quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre.
[18] Xem: Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của UBDN tỉnh Phú Yên về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên.
[19] Xem: Quyết định 31/2021/QĐ-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh Bến Tre quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre.
[20] Xem: Quyết định số 1148/QĐ-UBND ngày 28/4/2021 của UBND tỉnh Khánh Hoà về sắp xếp cơ cấu tổ chức Sở Tư pháp.
[21] Xem Mục 5 từ Điều 26 đến Điều 29 Luật Thanh tra năm 2022.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 17(496), tháng 9/2024)


Thống kê truy cập

35511691

Tổng truy cập