Hoàn thiện một số quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

17/12/2024

PGS.TS. NGUYỄN THỊ THỦY

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 thay thế cho Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010. Mặc dù đã có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi và phát triển của các quan hệ kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra và phân tích những quy định còn hạn chế trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đồng thời đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Kinh doanh bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm; Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Abstract: The Law on Insurance Business was passed by the National Assembly on June 16, 2022, as a substitution of the Law on Insurance Business of 2000 and the Law amending and supplementing a number of articles of the Law on Insurance Business of 2010. Although several provisions were amended to keep up with the changes and developments of insurance business relationships, the Law on Insurance Business of 2022 still has certain shortcomings. In this article, the author gives out an analysis of the provisions of shortcomings in the Law on Insurance Business of 2022 and accordingly provides a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Insurance business; insurance company; Law on Insurance Business.
5_52.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Bản chất của kinh doanh bảo hiểm
Trong cuộc sống, tổ chức, cá nhân có thể gặp những trở ngại, bất trắc do những rủi ro không lường trước bất ngờ xảy ra. Khi rủi ro xảy ra, tổ chức, cá nhân thường phải gánh chịu những thiệt hại nhất định về tài chính, chẳng hạn: tài sản bị hư hỏng, mất mát; con người bị ốm đau, tai nạn hoặc tử vong; tổ chức, cá nhân phát sinh trách nhiệm buộc phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại… Để không phải chịu những tổn thất về mặt tài chính khi có rủi ro xảy ra, tổ chức, cá nhân có thể chuyển giao những rủi ro này sang nhà bảo hiểm để họ gánh chịu thay, đó là mục đích cơ bản của kinh doanh bảo hiểm.
Khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.
Bản chất của kinh doanh bảo hiểm là nhà bảo hiểm bằng khả năng tài chính của mình đứng ra cam kết bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm, hoặc người thụ hưởng khi có rủi ro trong phạm vi bảo hiểm xảy ra. Để bảo đảm cam kết của mình, nhà bảo hiểm phải tạo lập quỹ bảo hiểm. Quỹ bảo hiểm được hình thành từ vốn của nhà bảo hiểm và phí bảo hiểm thu từ người mua bảo hiểm.
Do phí bảo hiểm luôn phải nhỏ hơn số tiền bảo hiểm mà nhà bảo hiểm cam kết chi trả và nguyên tắc của kinh doanh là phải có lợi nhuận nên mục tiêu của kinh doanh bảo hiểm là số phí bảo hiểm thu được phải luôn lớn hơn số tiền mà nhà bảo hiểm phải chi trả. Muốn thực hiện được điều này, nhà bảo hiểm phải lựa chọn rủi ro để bảo hiểm trên nguyên tắc số đông bù cho số ít. Điều này có nghĩa rằng, nhiều người tham gia bảo hiểm nhưng nhà bảo hiểm chỉ trả tiền bảo hiểm cho một số ít người không may gặp rủi ro.
Đối tượng của kinh doanh bảo hiểm là rủi ro. Rủi ro là yếu tố tồn tại trong tương lai, là yếu tố có thể xảy ra hoặc không. Khi tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm, cả người mua bảo hiểm và người bán bảo hiểm đều không muốn rủi ro xảy ra. Điều này cho thấy, sự kiện bảo hiểm xảy ra là kết quả không mong muốn của những chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Chính vì vậy, trong quá trình tham gia bảo hiểm, đôi bên (người mua bảo hiểm và người bán bảo hiểm) phải có sự hợp tác lẫn nhau trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến rủi ro cũng như các điều khoản xác định trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bảo hiểm.
Kinh doanh bảo hiểm được thực hiện dựa trên cơ sở niềm tin giữa những người tham gia bảo hiểm với bên bán bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài). Niềm tin này được xác lập dựa trên khả năng tài chính, uy tín của bên bán bảo hiểm và sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Khi các quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm cụ thể, rõ ràng sẽ tránh được các tranh chấp xảy ra, đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân tự tin mua bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.
2. Những quy định còn bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm buộc phải hiểu rõ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.
Quy tắc, điều khoản bảo hiểm do bên bán bảo hiểm (gồm doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài) soạn thảo và ban hành. Quy tắc, điều khoản bảo hiểm chính là sản phẩm bảo hiểm. Do lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là lĩnh vực khá phức tạp và trừu tượng, nên sản phẩm bảo hiểm được bên bán bảo hiểm thiết kế (bằng câu chữ) thể hiện thông qua quy tắc, điều khoản bảo hiểm. Về lý luận và trên thực tế, chỉ có bên bán bảo hiểm là chủ thể hiểu rõ nhất các quy định trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm. Nếu người mua bảo hiểm là những chủ thể không có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ không thể hiểu rõ các nội dung được quy định trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm.
Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 lại quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm: “Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm”. Sự bất cập của quy định trên thể hiện, do bản chất của kinh doanh bảo hiểm có đối tượng kinh doanh là rủi ro. Như đã đề cập, rủi ro là yếu tố không chắc chắn, có thể xảy ra hoặc không, vì vậy sản phẩm bảo hiểm mang tính trừu tượng. Nói một cách cụ thể, sản phẩm bảo hiểm do bên bán bảo hiểm thiết kế với những thuật ngữ chuyên môn khá phức tạp. Để thiết kế được sản phẩm bảo hiểm (thể hiện qua quy tắc, điều khoản bảo hiểm), bên bán bảo hiểm phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Với những người có kiến thức thông thường sẽ rất khó hình dung được các nội dung chuyên môn được thiết kế trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm.
Chính vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm: “Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm[1]. Nghĩa vụ này cũng đồng thời là quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Vì là quyền lợi, nên nếu bên mua bảo hiểm sau khi đã được bên bán bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ giải thích hợp đồng bảo hiểm và tiến hành ký kết hợp đồng thì tự chịu trách nhiệm với việc ký kết hợp đồng của mình. Nếu pháp luật yêu cầu bên mua bảo hiểm phải có nghĩa vụ đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng là điều vô lý. Vậy nếu bên mua bảo hiểm không hiểu rõ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm thì cấm họ giao kết hợp đồng hoặc đã ký rồi thì phải chịu chế tài từ phía Nhà nước? Điều này là không thể vì như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng.
Để đảm bảo tính song vụ của hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo tính đặc thù của quan hệ kinh doanh bảo hiểm như đã phân tích ở trên, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cần bỏ quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm: “Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21.
Thứ hai, quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Trong kinh doanh bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin rất quan trọng. Thông tin do các bên cung cấp có thể dẫn đến quyết định bên mua bảo hiểm có mua bảo hiểm hay không và bên bán bảo hiểm có bán bảo hiểm cho bên đề nghị mua bảo hiểm hay không. Việc cung cấp này là trách nhiệm theo luật định[2]. Chính vì lẽ đó, nếu một trong các bên tham gia vào hợp đồng bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật thì phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định. Hậu quả pháp lý này phải theo hướng bất lợi cho bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Bản chất của kinh doanh bảo hiểm là bên bán bảo hiểm sẽ gánh chịu tổn thất trong phạm vi bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng trong suốt thời gian bảo hiểm. Trong quãng thời gian này, có thể sẽ có những biến cố, thay đổi đối với đối tượng bảo hiểm, hoặc sự thay đổi đối với bên bán bảo hiểm, vì vậy, việc cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm cũng phải được duy trì trong suốt thời gian bảo hiểm.
Một quá trình của quan hệ kinh doanh bảo hiểm diễn ra ở ba giai đoạn: giai đoạn giao kết hợp đồng bảo hiểm; giai đoạn thực hiện hợp đồng bảo hiểm; giai đoạn sự kiện bảo hiểm xảy ra. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong quan hệ này cũng phải được thực hiện xuyên suốt cả ba giai đoạn. Tuy nhiên, Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chỉ quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, nếu các bên cố ý cung cấp thông tin không đầy đủ, cung cấp thông tin sai sự thật thì hậu quả pháp lý sẽ như thế nào? Trong Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 về “Đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm” không thấy quy định trường hợp bên mua bảo hiểm, bên bán bảo hiểm được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nếu bên còn lại vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong thời gian thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 22 vềTrách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin phần quy định cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (bên bán bảo hiểm) là chưa thỏa đáng và công bằng. Cụ thể, nếu bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai thì bên bán bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên mua và hoàn lại phí bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (khoản 2 Điều 22). Còn nếu do lỗi của bên bán bảo hiểm thì hoàn lại phí bảo hiểm bên mua đã đóng và bồi thường thiệt hại phát sinh. Tuy nhiên, mục đích của bên mua bảo hiểm khi tham gia hợp đồng bảo hiểm là chuyển giao rủi ro sang bên bán bảo hiểm. Điều mà bên mua bảo hiểm cần là duy trì hợp đồng bảo hiểm để nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra, họ sẽ được bên bán bảo hiểm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, nội dung của khoản 3 Điều 22 phải là: “Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì buộc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải cung cấp lại thông tin chính xác giúp bên mua bảo hiểm cập nhật lại thông tin để tiếp tục hợp đồng và giảm phí bảo hiểm nếu có cơ sở; bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có)”.
Như vậy, việc thêm đoạn: “thì buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp lại thông tin chính xác giúp bên mua cập nhật lại thông tin để tiếp tục hợp đồng và giảm phí bảo hiểm nếu có cơ sở” là nhằmbảo vệ sự công bằng và quyền lợi cho bên mua bảo hiểm và cũng cảnh báo hậu quả pháp lý đối với bên bán bảo hiểm, góp phần làm cho quan hệ bảo hiểm ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.
Thứ ba, quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm con người là những lợi ích có được từ người được bảo hiểm. Lợi ích này có thể là lợi ích vật chất và cũng có thể là lợi ích về tinh thần.
Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe là mối quan hệ giữa người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Mối quan hệ này là các quan hệ liên quan đến huyết thống, vợ chồng, quan hệ ràng buộc tài chính. Theo quy định tại Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bên mua bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm cho chính mình hoặc những người có quan hệ vợ chồng, huyết thống[3]. Trường hợp bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho người không thuộc các mối quan hệ trên thì buộc phải có quan hệ về quyền lợi tài chính hoặc quan hệ lao động. Sự hạn chế trong Điều 34 thể hiện ở nội dung của điểm c, cụ thể là: “Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng”.
Trước hết, cần tìm hiểu nuôi dưỡng, cấp dưỡng được hiểu như thế nào theo luật định. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”[4]. Như vậy, cấp dưỡng có các đặc điểm sau:
- Cấp dưỡng bản chất là một nghĩa vụ tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và một bên là người nhận cấp dưỡng (người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người gặp khó khăn, túng thiếu, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Theo đó: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”[5].
- Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện.
Trong khi đó điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về quyền lợi được bảo hiểm vẫn tách bạch giữa vợ, chồng, con, cha, mẹ, anh, chị, em ruột với các chủ thể còn lại là giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột là chưa hợp lý, vì các chủ thể này có nghĩa vụ cấp dưỡng theo luật định thì đương nhiên họ phải có quyền lợi được bảo hiểm hay nói cách khác họ không cần phải chứng minh quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
- Kế đến, nuôi dưỡng và cấp dưỡng không thể cùng tồn tại, vì như đã phân tích ở trên, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện, do đó sử dụng chung cụm từ “nuôi dưỡng và cấp dưỡng” hay “nuôi dưỡng, cấp dưỡng” cũng chưa hợp lý.
- Cuối cùng, cấp dưỡng bản chất là một “nghĩa vụ” được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014mà tính chất của nghĩa vụ thì khác biệt so với “quan hệ” trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, đã có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng luật. Ví dụ: Một người chú họ hằng tháng cho tiền người cháu chưa thành niên gặp hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa thì rõ ràng quan hệ cấp dưỡng đã được thiết lập hoàn toàn phù hợp với đạo đức xã hội, không trái với pháp luật; và nếu căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 34 LuậtKinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì người này hoàn toàn có thể là bên mua bảo hiểm cho bên được bảo hiểm (người cháu).
Vì vậy, tác giả kiến nghị sửa điểm c khoản 1 Điều 34 từ Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm thành: “Anh ruột, chị ruột, em ruột và những người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng hay cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm”.
Thứ, chưa quy định rõ cách tính “giá trị hoàn lại”.
Giá trị hoàn lại là một thuật ngữ rất quan trọng trong kinh doanh bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm là thông tin giúp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hiểu được quyền lợi của mình khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Giá trị hoàn lại áp dụng cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chứa giá trị hoàn lại. Người tham gia bảo hiểm cần phải hiểu rõ và nắm được cách tính giá trị hoàn lại trước khi ký kết hợp đồng. 
Như vậy, giá trị hoàn lại là số tiền mà người tham gia bảo hiểm được nhận khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì những lý do nhất định. Thông thường, khi quyết định mua bảo hiểm, người mua bảo hiểm không hề muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì mục đích của họ là nhận được số tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc khi đến hạn hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể vì những lý do nào đó mà người mua bảo hiểm không thể tiếp tục theo đuổi hợp đồng và họ buộc phải chấp nhận lấy một khoản tiền nhất định gọi là giá trị hoàn lại. Do đó, quy định về giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm và đồng thời cũng tránh tình trạng các doanh nghiệp bảo hiểm tính và áp dụng không thống nhất gây tranh chấp và ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm. Sự quan trọng của quy định về giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại khá rõ, nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chưa quy định thế nào là giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại, mặc dù khoản 4 Điều 37, khoản 3 Điều 27 có nhắc đến cụm từ này[6]. Trên thực tế, khái niệm giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại do các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quy định trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Để bảo đảm sự thống nhất quy định về thuật ngữ giá trị hoàn lại và cách tính giá trị hoàn lại, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cần bổ sung khái niệm giá trị hoàn lại vào Điều 4 như sau: “Giá trị hoàn lại là số tiền mà bên mua bảo hiểm sẽ nhận được khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn hoặc trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Giá trị hoàn lại chỉ áp dụng đối với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại”. Đồng thời, Điều 37 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cần bổ sung thêm khoản 5 với nội dung như sau: Cách tính giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ = Giá trị tài khoản (tại ngày chấm dứt hợp đồng) – Chi phí chấm dứt hợp đồng hoặc khoản nợ (nếu có).
Thứ năm, quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn chưa hợp lý.
Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm tài sản là việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thế quyền bên được bảo hiểm để đòi người gây ra thiệt hại hoàn trả lại số tiền đã bồi thường trong phạm vi mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại. Quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm tài sản là hoàn toàn hợp lý, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên bán bảo hiểm trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây ra thiệt hại cho bên được bảo hiểm.
Khoản 1 Điều 54 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định về chuyển yêu cầu bồi hoàn:
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, trường hợp người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm thì thực hiện như sau:
a) Sau khi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trả tiền bồi thường, người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn”.
Như vậy, theo quy định trên thì bên bán bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài) chỉ được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu đòi bồi thường cho mình khi có đủ hai điều kiện:
Một là, người thứ ba phải có lỗi trong việc gây ra tổn thất cho người được bảo hiểm;
Hai là, bên bán bảo hiểm đã phải trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm.
Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 lại quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn”. Theo quy định tại điểm a thì bên bán bảo hiểm đã phải trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm mới được quyền yêu cầu người được bảo hiểm chuyển quyền khiếu nại sang cho mình. Nhưng điểm b lại quy định, nếu người được bảo hiểm không bảo lưu quyền khiếu nại hoặc không chuyển giao quyền yêu cầu thì bên bán bảo hiểm có quyền khấu trừ tiền bồi thường theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm. Sự bất hợp lý ở đây thể hiện, sau khi bên bán bảo hiểm đã trả tiền bồi thường, nếu người được bảo hiểm có lỗi trong việc bảo đảm quyền khiếu nại của bên bán bảo hiểm đối với người gây ra thiệt hại thì liệu bên bán bảo hiểm có thực hiện được quyền khấu trừ tiền bồi thường được nữa hay không. Số tiền bồi thường này, người được bảo hiểm đã nắm giữ. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài muốn thực hiện quyền khấu trừ thì phải làm thủ tục để đòi lại. Nếu người được bảo hiểm không chịu trả thì phải kiện ra tòa và như vậy sẽ mất thời gian và tốn kém chi phí. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho cả bên bán bảo hiểm và người được bảo hiểm, pháp luật cần phải sửa đổi theo hướng: khi bên bán bảo hiểm đồng ý bồi thường thì người được bảo hiểm phải thế quyền cho bên bán bảo hiểm để đòi người gây ra thiệt hại trong giới hạn số tiền mà bên bán bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường.
Do đó, tác giả kiến nghị, gộp điểm a, b khoản 1 Điều 54 thành khoản 1 của Điều 54 với nội dung: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có văn bản đồng ý trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài”■

 


[1] Điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[2] Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
[3] Khoản 1 Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với những người sau đây: a) Bản thân bên mua bảo hiểm; b) Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bên mua bảo hiểm; c) Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm; d) Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm; đ) Người được bảo hiểm đồng ý bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm sức khỏe cho mình”.
[4] Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5] Khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[6] Khoản 4 Điều 37 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được tự ý khấu trừ phí bảo hiểm từ giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm và không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm nhóm”; khoản 3 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: “Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của Luật này, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 15(494), tháng 8/2024)


Thống kê truy cập

35147088

Tổng truy cập