Pháp luật Hàn Quốc về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội và một số gợi mở cho Việt Nam

09/12/2024

ThS. TRẦN HÀ THU

Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

THS. LEE HYUNG YEON

Viện Nghiên cứu Luật Việt

Hàn DAHM.

Tóm tắt: Hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là một nội dung cốt lõi của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài viết, các tác giả nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc và gợi mở hướng giải quyết vấn đề này tại Việt Nam ở ba khía cạnh sau: (i) Cách tiếp cận người chưa thành niên phạm tội độc lập so với người thành niên phạm tội; (ii) Cách tiếp cận vấn đề hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội riêng biệt so với người thành niên phạm tội và (iii) Hoàn thiện Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam cần thống nhất với không chỉ Bộ luật Hình sự mà còn với các quy định pháp luật khác liên quan đến người chưa thành niên nhằm hướng tới mục đích phát triển lành mạnh, tái hoà nhập cộng đồng hiệu quả.
Từ khoá: Người chưa thành niên; hình phạt; Luật Hình sự; Tư pháp người chưa thành niên.
Abstract: Punishment for juvenile offenders is a core content of the Bill of Law on Juvenile Justice; however, there are many different opinions. Within this article, the authors provide their studies of experiences from Korea and suggestions of ways to solve this problem in the following three aspects: (i) how to approach juvenile offenders independently of adult offenders; (ii) how to approach punishment for juvenile offenders separately of adult offenders; and (iii) improvement of the Bill of Law on Juvenile Justice of Vietnam in accordance with not only the Code of Criminal but also with other legal regulations related to juvenile offenders for the purpose of healthy development and effective community reintegration.
Keywords: Juvenile; punishment; criminal law; juvenile justice.
 5_47.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Pháp luật Hàn Quốc về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội
1.1. Mục đích, đối tượng áp dụng hình phạt
Hệ thống pháp luật của Hàn Quốc điều chỉnh vấn đề hình phạt đối với người chưa thành niên (NCTN)  phạm tội hiện nay bao gồm: Luật Hình sự năm 2023[1]và Luật NCTN năm 2018[2]. Hai đạo luật này có cách tiếp cận vấn đề hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, cụ thể như sau:
Về mục đích áp dụng hình phạt
Luật Hình sự năm 2023 (Criminal Act) quy định về tội phạm và hình phạt. Không có điều luật nào định nghĩa hình phạt hay quy định mục đích của hình phạt. Tuy nhiên, đối với NCTN, Điều 9 Luật này xác định: “Hành vi của người dưới 14 tuổi sẽ không bị trừng phạt”. Như vậy, các quy định về tội phạm và hình phạt của Luật Hình sự Hàn Quốc không điều chỉnh đối với NCTN dưới 14 tuổi. Ngoài quy định tại Điều 9, Luật Hình sự không có quy định nào khác liên quan đến NCTN  
Luật NCTN năm 2018 (Juvenile Act) xác định mục đích: “bảo đảm việc phát triển lành mạnh cho NCTN bằng cách thực hiện các biện pháp cần thiết bao gồm biện pháp bảo vệ,... nhằm thay đổi môi trường, và sửa chữa tính cách của NCTN có biểu hiện chống đối xã hội và bằng cách cung cấp các biện pháp đặc biệt liên quan đến việc xử lý tội phạm” (Điều 1). Như vậy, Luật này xử lý vấn đề NCTN bằng cả các biện pháp phi hình sự và các biện pháp hình sự. Tuy nhiên, pháp luật của Hàn Quốc không đề cập đến mục đích trừng phạt, răn đe mà chỉ nhấn mạnh vào mục đích chung là bảo đảm sự phát triển lành mạnh cho NCTN.
Về đối tượng áp dụng hình phạt
Điều 2 Luật NCTN năm 2018 xác định: “Người chưa thành niên trong Luật này được hiểu là người dưới 19 tuổi”. Phù hợp với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh, Luật NCTN của Hàn Quốc được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề của NCTN là người dưới 19 tuổi có biểu hiện chống đối xã hội. Luật này được thiết kế thành 04 chương, tương ứng với 71 điều, quy định về 02 vấn đề chính: (1) các tình huống được bảo vệ (Protection cases) và (2) các tình huống hình sự (Criminal cases).
Theo đó, hệ thống pháp luật của Hàn Quốc gồm Luật Hình sự và Luật NCTN giúp phân biệt rõ “quy trình bảo vệ” với “quy trình xử lý hình sự” dành cho NCTN “có biểu hiện chống đối xã hội” (anti-social behavior). Đây là hai hệ thống quy trình độc lập với nhau. Sự khác nhau của hai quy trình này dựa trên cách tiếp cận phân loại: NCTN cần được bảo vệ hay NCTN cần được xử lý theo quy định của Luật Hình sự.
Quy trình bảo vệ cho phép NCTN được áp dụng các biện pháp bảo vệ với 10 cấp độ, trong khi quy trình xử lý hình sự buộc áp dụng hình phạt đối với NCTN.
Đối với quy trình bảo vệ, Luật này xác định những trường hợp sau thuộc phạm vi điều chỉnh: (1) NCTN phạm tội; (2) NCTN từ đủ 10 tuổi đến dưới 14 tuổi vi phạm pháp luật và quy định liên quan đến xử lý hình sự và (3) NCTN từ đủ 10 tuổi trở lên được dự đoán là có khuynh hướng vi phạm pháp luật xét về đặc điểm tính cách và môi trường sống do: thường xuyên gây khó chịu cho người xung quanh; bỏ nhà đi mà không có lý do chính đáng; uống rượu, gây rối hoặc tiếp xúc với nhiều tiêu cực... (Điều 4 Luật NCTN).
Đối với quy trình xử lý hình sự, Luật này xác định tất cả các trường hợp xử lý hình sự đối với NCTN sẽ tuân theo quy định chung của Luật Hình sự nếu Luật NCTN không có quy định khác (Điều 48).
Như vậy, đối tượng áp dụng hình phạt được pháp luật của Hàn Quốc xác định như sau:
Nhóm người dưới 10 tuổi: nhóm này không phải chịu bất kỳ một biện pháp hay hình phạt hình sự nào trong mọi trường hợp;
 Nhóm người từ đủ 10 tuổi đến dưới 14 tuổi: nhóm này không phải chịu trách nhiệm hình sự và không phải chịu hình phạt, nhưng có thể phải bị áp dụng biện pháp bảo vệ (10 cấp độ) nếu: (i) vi phạm pháp luật hoặc (ii) được dự đoán có xu hướng vi phạm pháp luật;  
Nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 19 tuổi: nhóm này phải chịu trách nhiệm hình sự, có thể bị áp dụng biện pháp bảo vệ (10 cấp độ) (theo quy trình bảo vệ) hoặc hình phạt (theo quy trình xử lý hình sự).
Luật Hình sự và Luật NCTN Hàn Quốc không có định nghĩa về “NCTN phạm tội” mà chỉ sử dụng thuật ngữ này như một trong các trường hợp liên quan đến NCTN (juvenile cases) mà pháp luật cần quan tâm và điều chỉnh[3]. Cụ thể, Luật NCTN của Hàn Quốc tiếp cận và điều chỉnh tất cả NCTN dưới 19 tuổi, bao gồm cả những người chưa đủ và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Luật Hàn Quốc gọi chung là những người có biểu hiện chống đối xã hội (antisocial)[4]”, có nghĩa là “thực hiện điều gì đó có hại hoặc thù địch với xã hội”[5]. Luật can thiệp để điều chỉnh môi trường cho những người có hành vi nêu trên, với ý nghĩa cải thiện môi trường xã hội để giải quyết vấn đề chung của NCTN[6].
Nghiên cứu kinh nghiệm trong xây dựng và hoàn thiện Luật NCTN về mục đích và đối tượng áp dụng hình phạt ở Hàn Quốc cho thấy một số ưu điểm như sau:
Thứ nhất, trong 66 năm qua, kể từ khi ban hành lần đầu vào ngày 24/7/1958, điều khoản về mục đích của Luật NCTN hầu như không thay đổi. Đối với NCTN, dù áp dụng biện pháp phi hình sự hay hình sự thì mục đích cuối cùng phải là: giúp NCTN sửa chữa và vì sự phát triển lành mạnh của NCTN.
Thứ hai, trong 23 lần sửa đổi Luật NCTN, Hàn Quốc có 03 lần sửa đổi liên quan đến việc xác định đối tượng áp dụng hình phạt thông qua độ tuổi của NCTN. Cụ thể như sau:
- Độ tuổi NCTN chịu sự điều chỉnh của Luật NCTN từ đủ 12 tuổi đến dưới 20 tuổi, trong đó, độ tuổi có thể chịu hình phạt từ đủ 14 tuổi đến dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi thứ hai năm 1977, độ tuổi không áp dụng hình phạt tù đã giảm từ 20 tuổi xuống dưới 18 tuổi (Điều 55). Lần sửa đổi thứ 3 năm 1988, độ tuổi không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân thay đổi từ mốc dưới 19 tuổi xuống dưới 18 tuổi vào thời điểm phạm tội (Điều 59)[7]. Việc sửa đổi này cho thấy sự mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tù đối với nhóm NCTN từ đủ 18 tuổi đến dưới 20 tuổi và áp dụng hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình đối với nhóm người có độ tuổi từ đủ 18 đến dưới 19 tuổi.
- Trong lần sửa đổi thứ 6 năm 2007, độ tuổi NCTN chịu sự điều chỉnh của Luật NCTN thay đổi từ 12 đến dưới 20 tuổi sang từ 10 đến dưới 19 tuổi, trong đó, độ tuổi có thể chịu hình phạt từ đủ 14 tuổi xuống dưới 19 tuổi (Điều 2 và Điều 4). Việc sửa đổi này được thực hiện dựa trên mức độ trưởng thành của thanh niên, yêu cầu của xã hội đối với xu hướng phạm tội của NCTN và đặc biệt là để thống nhất với Đạo luật Bảo vệ thanh thiếu niên[8].
1.2. Về loại và mức hình phạt áp dụng
Pháp luật Hàn Quốc, kể từ lần sửa đổi năm 2007 đến nay, không có sự phân chia về loại hình phạt và mức hình phạt áp dụng theo nhóm tuổi. Theo đó, hệ thống hình phạt áp dụng cho NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 19 tuổi nếu phạm tội bao gồm: Phạt tù và phạt tiền (bất kể có hay không có tài sản hoặc thu nhập).
Về hình phạt tù, Luật NCTN Hàn Quốc không có điều luật riêng hay mục/chương về hình phạt đối với NCTN phạm tội, chỉ quy định nguyên tắc đặc thù khi quyết định mức hình phạt cho NCTN phạm tội, cụ thể như sau:
- NCTN từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi vào thời điểm phạm tội, mức hình phạt cao nhất là 15 năm nếu phạm tội mà khung cao nhất của điều luật là hình phạt tử hình hoặc tù chung thân (Điều 59 Luật NCTN)[9].
- Áp dụng hình phạt không xác định thời hạn: Trường hợp NCTN phạm tội mà điều luật quy định phạt tù trên 2 năm trở lên thì hình phạt được áp dụng cho NCTN phạm tội có thể phân thành 02 loại gồm: hình phạt dài hạn và hình phạt ngắn hạn. Thời hạn của hình phạt không được xác định cụ thể trong bản án nhưng phải tuân theo nguyên tắc: hình phạt dài hạn không quá 10 năm và hình phạt ngắn hạn không quá 5 năm (khoản 1 Điều 60 Luật NCTN). Điều này cho phép thẩm phán linh hoạt hơn trong quyết định hình phạt tù đối với NCTN phạm tội.
- Hình phạt có thể được giảm do nhân thân của NCTN và việc giảm này được coi là hợp lý (khoản 2 Điều 60 Luật NCTN);
- Trường hợp ngoại lệ: vượt ra khỏi quy định của Điều 59 và Điều 60 Luật NCTN, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm trong trường hợp NCTN dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm bạo lực[10] mà khung cao nhất của điều luật là tử hình hoặc tù chung thân (Điều 4-1 Luật Đặc biệt về trừng phạt các tội phạm bạo lực cụ thể - Luật số 19068 ngày 13/12/2022). Và việc áp dụng hình phạt không xác định thời hạn sẽ là không quá 15 năm (hình phạt dài hạn) và không quá 7 năm (hình phạt ngắn hạn) (Điều 4-2 Luật Đặc biệt về trừng phạt các tội phạm bạo lực cụ thể).
Về hình phạt tiền, do không có quy tắc riêng cho việc tính mức phạt tiền đối với NCTN phạm tội trong Luật NCTN nên việc áp dụng hình phạt tiền đối với NCTN phạm tội tuân theo các quy định của Luật Hình sự.
Như vậy, bên cạnh những nguyên tắc áp dụng hình phạt phổ biến như: không áp dụng hình phạt tử hình hoặc chung thân đối với NCTN phạm tội; việc quyết định mức hình phạt tù đối với NCTN có tính đến yếu tố nhân thân và đặc điểm riêng của NCTN, thì một trong những ưu điểm của pháp luật Hàn Quốc về quy định loại và mức hình phạt áp dụng đối với NCTN đó là:
Thứ nhất, không quy định tỷ lệ quy đổi từ hình phạt của người đã thành niên sang hình phạt của NCTN, pháp luật chỉ đưa ra mức tối đa cho hình phạt tù được áp dụng đối với NCTN.
Thứ hai, việc quy định các bản án không xác định thời hạn (chỉ phân loại thành dài hạn và ngắn hạn) và khả năng giảm mức hình phạt dựa trên nhân thân, đặc điểm riêng của NCTN theo Luật NCTN cho thấy sự linh hoạt trong quyết định hình phạt, thi hành án, thúc đẩy việc cải tạo NCTN phạm tội. Điều này góp phần làm tăng tính hiệu quả của chính sách hình sự trong việc hỗ trợ NCTN nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, thẩm phán không bị bó buộc bởi khung hình phạt cố định do pháp luật quy định mà tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể quyết định một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Luật Hình sự và Luật NCTN ở Hàn Quốc về hình phạt:
Luật Hình sự của Hàn Quốc chỉ quy định về tội phạm và hình phạt, không có quy định về NCTN phạm tội hay bất kỳ quy tắc nào áp dụng hình phạt cho NCTN phạm tội. Quy định duy nhất liên quan đến NCTN trong Luật Hình sự của Hàn Quốc đó là loại trừ người dưới 14 tuổi khỏi trách nhiệm hình sự (Điều 9). Trong khi đó, Luật NCTN của nước này quy định các nguyên tắc áp dụng hình phạt riêng biệt cho NCTN. Ngoại trừ đối với hình phạt tiền thì các quy định của Luật Hình sự được áp dụng chung cho NCTN và người thành niên phạm tội. Việc quy định hình phạt đối với NCTN trong Luật Hình sự và Luật NCTN ở Hàn Quốc cho phép áp dụng một cách độc lập hai hệ thống pháp luật này. Theo hệ thống pháp luật NCTN thì NCTN được áp dụng các biện pháp bảo vệ 10 cấp độ. Trường hợp NCTN phạm tội phải xử lý bằng hình sự thì các nguyên tắc riêng biệt của Luật NCTN được áp dụng, trừ một số trường hợp ngoại lệ áp dụng theo Luật Hình sự.
2.Pháp luật Việt Nam về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội và những so sánh
2.1. Mục đích, đối tượng áp dụng hình phạt
Mục đích của hình phạt đối với NCTN phạm tội ở Việt Nam được quy định tại Điều 31, khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) và tại khoản 2 Điều 12 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN[11]. Theo đó, Điều 31 quy định mục đích chung của hình phạt: “không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”, đồng thời Điều 91 BLHS nhấn mạnh nguyên tắc xử lý riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đó là: “phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”. Trong khi đó, Điều 12 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN khẳng định: “Hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên không nhằm mục đích trừng trị mà nhằm giáo dục họ ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới nhưng đủ nghiêm khắc, có tác dụng phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”. Như vậy, quy định của BLHS và của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN hiện nay thống nhất về mục đích “phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm” của hình phạt. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng cum từ “không nhằm mục đích trừng trị mà nhằm giáo dục” để thay cho cụm từ “không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục”, “ch yếu nhằm mục đích giáo dục” của BLHS, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã mạnh mẽ loại bỏ mục đích “trừng trị” và chỉ nhấn mạnh mục đích “giáo dục” khi đề cập đến hình phạt dành cho NCTN phạm tội. Điều này khẳng định sự khác biệt về mục đích của hình phạt đối với NCTN phạm tội so với hình phạt đối với nhóm đối tượng phạm tội khác, đồng thời, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc cải thiện chính sách, pháp luật đối với NCTN phạm tội.
Về đối tượng áp dụng hình phạt, ở Việt Nam NCTN phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) là: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 90 BLHS về Áp dụng BLHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và khoản 2 Điều 4 về Giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN). Tuy nhiên, BLHS Việt Nam chia thành hai nhóm tuổi để có hướng xử lý khác nhau, bao gồm: nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. (Điều 12 BLHS về Tuổi chịu TNHS và Điều 91 BLHS về Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội). Đối với mỗi nhóm tuổi, BLHS Việt Nam quy định điều kiện khác nhau về loại tội phạm, về mức độ phạm tội để tiếp tục xem xét việc truy cứu TNHS. Nhóm từ 14 đến dưới 16 tuổi bị truy cứu TNHS nếu phạm một trong 28 tội phạm được quy định bởi BLHS[12], và chỉ truy cứu TNHS khi phạm tội với mức độ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi phải chịu TNHS đối với mọi tội phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 12 BLHS về Tuổi chịu TNHS). Tuy nhiên, dù thỏa mãn các điều kiện về độ tuổi, về loại tội phạm và phân loại tội phạm để bị truy cứu TNHS thì chính sách hình sự của Việt Nam không áp dụng ngay hình phạt cho NCTN phạm tội. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội sẽ xét trước tiên người đó có thỏa mãn các điều kiện để được miễn TNHS hay không? Nếu không được miễn TNHS thì có thể được áp dụng biện pháp thay thế hình phạt (biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng) hay không? Và khi không thể áp dụng hai loại trên thì thẩm phán xem xét đến việc áp dụng hình phạt. 
Như vậy, pháp luật hình sự Việt Nam quy định ba cấp độ:
- Cấp độ thứ nhất: NCTN phạm tội được miễn TNHS (do thỏa mãn một số điều kiện và phạm một số tội do BLHS quy định)[13], không bị kết án, và được áp dụng các biện pháp giáo dục, giám sát.
- Cấp độ thứ hai: NCTN phạm tội không thuộc các trường hợp được miễn TNHS đã nêu ở trên, bị kết án, và được áp dụng biện pháp tư pháp thay thế hình phạt (biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng).
- Cấp độ thứ ba (nặng nhất): NCTN phạm tội không thuộc các trường hợp được miễn TNHS đã nêu ở đoạn 1, bị kết án và phải chịu hình phạt.  
Dự thảo Luật Tư pháp NCTN xử lý NCTN phạm tội ở hai cấp độ:
- Cấp độ thứ nhất: áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (bao gồm 11 biện pháp) cho NCTN phạm tội nhưng được miễn TNHS do thỏa mãn các điều kiện mà luật quy định.
- Cấp độ thứ hai: áp dụng hình phạt cho NCTN bị truy cứu TNHS, bị kết án.
2.2.Loại và mức hình phạt áp dụng
Về loại hình phạt áp dụng
BLHS Việt Nam quy định ba loại hình phạt áp dụng cho nhóm NCTN từ 14 đến dưới 16 tuổi (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn) và bốn loại hình phạt áp dụng cho nhóm NCTN từ 16 đến dưới 18 tuổi (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và phạt tiền). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với NCTN phạm tội như BLHS bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với NCTN. Tuy nhiên, Dự thảo Luật này đã mở rộng đối tượng NCTN từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng hoặc cha mẹ, người thân thích của NCTN có tài sản và tự nguyện thực hiện thì có thể áp dụng hình phạt tiền. Như vậy, bốn loại hình phạt được áp dụng cho NCTN phạm tội[14] ở hai nhóm tuổi khác nhau với các điều kiện cụ thể.
Về mức hình phạt áp dụng
Đối với hình phạt tiền, giữ nguyên mức phạt tiền được quy định bởi BLHS dành cho NCTN phạm tội từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: không qua 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định[15]; đồng thời, bổ sung thêm mức phạt tiền dành cho NCTN phạm tội từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định[16].
Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, giữ nguyên mức hình phạt được quy định bởi BLHS: Thời hạn cải tạo không giam giữ không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định[17].
Đối với hình phạt tù có thời hạn, so với BLHS, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 09 năm tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy[18]. Đồng thời, Dự thảo Luật này thay đổi tỷ lệ quy đổi hình phạt tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy[19], cụ thể là: (1) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: thay đổi tỉ lệ quy đổi từ cao nhất = 1/2 mức hình phạt mà điều luật quy định thành cao nhất = 2/5 mức phạt tù mà điều luật quy định; (2) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: áp dụng mức hình phạt =1/3 mức phạt tù mà điều luật quy định thành cao nhất = 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định[20].  
2.3.Những điểm tương đồng và khác biệt so với pháp luật Hàn Quốc
Về mục đích áp dụng hình phạt
Pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc có điểm tương đồng về mục đích của hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội khi loại bỏ hoàn toàn mục đích “trừng trị”, nhấn mạnh mục đích “giáo dục, tạo điều kiện phát triển” cho NCTN phạm tội. Bằng cách này, pháp luật của hai quốc gia đã có sự phân biệt giữa mục đích hình phạt đối với NCTN phạm tội với mục đích của hình phạt đối với nhóm chủ thể phạm tội khác.
Về đối tượng áp dụng hình phạt
Pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc vừa có điểm tương đồng và có điểm khác biệt. Sự tương đồng thể hiện trong việc xác định đối tượng áp dụng hình phạt dựa trên khoảng tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt thể hiện ở chỗ: khoảng tuổi NCTN chịu hình phạt ở Hàn Quốc rộng hơn ở Việt Nam (Hàn Quốc: từ đủ 14 tuổi đến dưới 19 tuổi, Việt Nam: từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi). Thêm vào đó, trong khoảng tuổi mà pháp luật quy định phải chịu TNHS và hình phạt thì pháp luật Việt Nam chia nhiều nhóm tuổi để áp dụng loại và mức hình phạt khác nhau, trong khi Hàn Quốc không có sự phân chia này.
Về loại và mức hình phạt
Pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc tương đồng trong việc không áp dụng hình phạt tử hình và chung thân đối với NCTN phạm tội. Tuy nhiên, pháp luật hai quốc gia có nhiều điểm khác biệt khi quy định về loại và mức hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội. Một là, pháp luật Việt Nam quy định nhiều loại hình phạt áp dụng hơn so với pháp luật Hàn Quốc (Việt Nam quy định 04 loại hình phạt, trong khi Hàn Quốc chỉ quy định 02 loại hình phạt). Hai là, pháp luật Việt Nam vừa quy định về mức hình phạt cao nhất, vừa quy định tỷ lệ quy đổi hình phạt cụ thể để xác định mức hình phạt dành cho NCTN phạm tội. Điều này cho phép xác định rõ mức hình phạt áp dụng, tuy nhiên, bộc lộ hạn chế về tính linh hoạt khi quyết định và áp dụng hình phạt cho NCTN phạm tội ở Việt Nam.
3. Một số đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam
Thứ nhất, NCTN cần được coi là đối tượng độc lập với người đã thành niên trong việc xử lý trách nhiệm hình sự và hình phạt. Như vậy, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN của Việt Nam cần tiếp cận vấn đề NCTN phạm tội một cách độc lập so với người thành niên phạm tội. Với tinh thần đó, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN của Việt Nam không nên nhắc lại những quy định đã có trong BLHS trừ những quy định mang tính riêng biệt dành cho NCTN (chẳng hạn như các nguyên tắc áp dụng hình phạt riêng cho NCTN). Tội phạm không thay đổi về bản chất do các chủ thể thực hiện, nhưng trách nhiệm hình sự và hình phạt sẽ khác nhau giữa người thành niên và NCTN. Điều này lý giải tại sao chỉ vấn đề hình phạt nên được quy định trong Dự thảo Luật Tư pháp NCTN mà vấn đề về tội phạm thì không.
Hơn nữa, bên cạnh việc bổ sung giải thích thuật ngữ NCTN phạm tội, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN cần bổ sung thêm điều khoản nhằm giải thích thuật ngữ hình phạt đối với NCTN phạm tội theo hướng là một hình thức, biện pháp can thiệp ở mức độ mạnh trong hệ thống các biện pháp can thiệp đối với vấn đề NCTN, thay cho khái niệm hình phạt truyền thống trong BLHS, dùng chung cho cả người thành niên và NCTN “là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”. (Điều 30 BLHS). Đồng thời, có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc từ quy định về mục đích của Luật NCTN, theo đó, mục đích của hình phạt đối với NCTN phạm tội trong Dự thảo Luật Tư pháp NCTN của Việt Nam cần bổ sung thêm mục đích “thay đổi môi trường” cho NCTN phạm tội, bên cạnh các mục đích đã được nêu tại Điều 12 nhằm làm tăng tính chuyên biệt của hình phạt đối với NCTN phạm tội.
Thứ hai, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN có thể quy định theo hướng làm tăng tính linh hoạt trong việc xử lý NCTN phạm tội bằng hình phạt, thống nhất với BLHS hiện hành. Quá trình này sẽ được tiếp tục mở rộng hơn bằng việc sửa đổi, bổ sung BLHS trong thời gian tới. Cụ thể, cần có sự thay đổi đột phá về cách xác định mức hình phạt đối với NCTN phạm tội theo hướng: loại bỏ tỷ lệ quy đổi từ hình phạt dành cho người trưởng thành (theo kinh nghiệm của Hàn Quốc), nhằm làm tăng sự linh hoạt trong quyết định hình phạt dành cho nhóm người đặc biệt này.
Thứ ba, để có những bước tiến mới trong các quy định về hình phạt đối với NCTN phạm tội nhằm nhấn mạnh sự chuyên biệt dành cho NCTN phạm tội, cần có lộ trình để thống nhất với các quy định của BLHS, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định của Luật Trẻ em. Trong tiến trình này, việc xây dựng và thông qua Luật Tư pháp NCTN sẽ là bước khởi đầu, đặt nền tảng cho những sửa đổi tiếp theo của pháp luật hình sự, hành chính và trẻ em liên quan đến vấn đề của NCTN. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, kể cả đã trải qua 12 lần sửa đổi Luật NCTN, 23 lần sửa đổi Luật Hình sự, thì hình phạt đối với NCTN phạm tội vẫn là một chủ đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau và cần tiếp tục hoàn thiện[21]

 


[1] Luật số 19582, ngày 8/8/2023.
[2] Luật số 15757, ngày 18/9/2018.
[3] “(1) Các trường hợp NCTN sau đây được xử lý theo thủ tục bảo vệ và bởi Bộ phận Thanh thiếu niên thuộc Tòa án gia đình:
1. Người chưa thành niên phạm tội; …” (Điều 4 Luật NCTN).
[4] Theo Từ điển Oxford: “Chống đối xã hội: có hại cho xã hội, cũng có nghĩa là không muốn dành thời gian hoặc thân thiện với người khác”.
[5] Chống đối xã hội là: “Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những rối loạn nhân cách. Rối loạn nhân cách đề cập đến tình trạng trong đó quan điểm của một người về bản thân hoặc xã hội có thành kiến vượt xa quan điểm của một người bình thường. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và xã hội”. Theo Trung tâm y tế Seoul Asan, Bách khoa toàn thư về bệnh tật,
https://www.amc.seoul.kr/asan/healthinfo/disease/diseaseDetail.do?contentId=31894, truy cập ngày 6/4/2024.
[6] Yoon Haeseong (2022), Nghiên cứu biện pháp sửa đổi Luật NCTN và các quy định liên quan theo những thay đổi của thời đại: Rà soát những vấn đề lớn trong Luật NCTN hiện hành, tr. 49.
[7] Tòa án Hành chính (2014), Bản tóm tắt thực hành Tòa án dành cho NCTN, tr. 460.
[8] Choi Byeong-gak (1999), Yêu cầu áp dụng và tác động pháp lý của việc giảm thiểu vị thành niên, Nghiên cứu Luật Hình sự, số 12, tr. 469.
[9] Trong số 12 lần sửa đổi Luật NCTN kể từ khi năm 1958, có hai lần sửa đổi liên quan đến độ tuổi bị hình phạt theo Luật NCTN. Đầu tiên, vào năm 1988, độ tuổi cấm tử hình và tù chung thân đối với người chưa thành niên phạm tội đã được nâng từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi. Thứ hai, trong lần sửa đổi năm 2007, do Bộ luật Dân sự sửa quy định tiêu chuẩn tuổi thành niên từ dưới 20 đến dưới 19 tuổi nên tuổi của NCTN được hạ từ 20 xuống 19 tuổi để thống nhất với các luật khác.
[10] Điều 2-1 (Phạm vi áp dụng) của Luật Đặc biệt về trừng phạt các tội phạm bạo lực cụ thể: “Trong Đạo luật này, “tội phạm bạo lực cụ thể” đề cập đến bất kỳ tội phạm nào sau đây: Giết người, giết người thân (cha mẹ), giết người theo ủy quyền, bắt cóc, dụ dỗ và buôn bán người,các thương tích như hiếp dâm, giết người và các thương tích như hiếp dâm; các tội ngoại tình, hành hung không đứng đắn, hiếp dâm và hành hung người chưa thành niên; cướp bóc, cướp bóc nghiêm trọng, gần như cướp (một tội trong đó hành hung và đe dọa được thêm vào hành vi trộm cắp); cướp con tin, cướp gây thương tích, cướp-giết người, cướp-chết, cướp-hiếp, cướp hàng hải, phạm tội thường xuyên”.
[11] Dự thảo 2 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
[12] 28 tội theo quy định của BLHS bao gồm:
+ Tội giết người (Điều 123); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); 
+ Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); 
+ Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); 
+ Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); Tội đua xe trái phép (Điều 266); 
+ Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); 
+ Tội khủng bố (Điều 299); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304).
[13] Khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 quy định các điều kiện và trường hợp được miễn TNHS.
- Điều kiện được miễn: có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục hậu quả; 
- Đối tượng được miễn: 
+ Người thuộc nhóm 01 từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng ngoại trừ các tội: Tội giết người (Điều 123), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), Tội mua bán người (Điều 150), Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), Tội cướp tài sản (Điều 168), Tội cướp giật tài sản (Điều 171), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
+ Người thuộc nhóm 02 từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng ngoại trừ các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
[14] Điều 107 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN về Các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội.
[15] Điều 99 BLHS và khoản 2 Điều 109 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN.
[16] Khoản 3 Điều 109 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN.
[17] Điều 100 BLHS và Điều 110 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN.
[18] (1) Tội giết người; (2) Tội hiếp dâm; (3) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (4) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (5) Tội sản xuất trái phép chất ma túy.
[19] (1) Tội giết người; (2) Tội hiếp dâm; (3) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (4) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (5) Tội sản xuất trái phép chất ma túy.
[20] Điều 101 BLHS và Điều 11 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN.
[21] Trước yêu cầu của xã hội về việc xử lý mạnh mẽ loại tội phạm vị thành niên này, Quốc hội khóa 20 (từ ngày 30/5/2016 - 29/5/2020) và Quốc hội khóa 21 (từ ngày 30/5/2020 - nay) đã ban hành các luật: Luật số 13719 ngày 06/01/2016; Luật số 14178 ngày 29/5/2016; Luật số 15163 ngày 12/12/2017; Luật số 15793 ngày 16/10/2018; Luật số 15982 ngày 18/12/2018; Luật số 17265 ngày 19/5/2020; Luật số 17511 ngày 20/10/2020; Luật số 17571 ngày 8/12/2020; Luật số 19582 ngày 8/8/2023 và Luật hiện hành(chủ yếu là sửa đổi Đạo luật vị thành niên) nhằm ứng phó mạnh mẽ với tội phạm vị thành niên, chẳng hạn như hạ thấp độ tuổi đối với trẻ vị thành niên cũng như tăng cường hình phạt và trừng phạt đối với trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng, đã được đề xuất và vẫn đang được thảo luận”, theo Cơ quan dịch vụ nghiên cứu Nghị viện (NAR), Báo cáo 220 về những thảo luận về cải thiện Hệ thống tư pháp NCTN và định hướng mới (Report 220 Previous discussion over improving the Juvenile justice and new direction (Korean)), ngày 10/11/2021.
Nhu cầu xã hội về việc trừng phạt người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng, nhưng sở dĩ việc sửa đổi các luật liên quan hay phản ánh yêu cầu của dư luận không dễ dàng là do vấn đề hạ thấp tuổi người chưa thành niên phạm tội nằm ở điểm giao thoa giữa mục đích trách nhiệm hình sự và tư tưởng bảo vệ thanh thiếu niên (Lee Deok-in, 2012). Vì nhiều nghiên cứu của phương Tây đã chỉ rõ rằng, chỉ hình phạt khắc nghiệt không phải là câu trả lời (Cullen và Jonson, 2016), nên cần phải đánh giá và xác minh tính hiệu quả cũng như lợi ích của các luật và hệ thống mới được ban hành, theo Tạp chí Tội phạm học Hàn Quốc, Đánh giá và triển vọng của nghiên cứu dựa trên bằng chứng xung quanh độ tuổi phạm tội của thanh thiếu niên, tập 34, số 3 (Tập số 135, Mùa thu năm 2023, tr. 5).
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 14(493), tháng 7/2024)


Thống kê truy cập

35147338

Tổng truy cập