Tóm tắt: Nội dung của bài viết hướng tới việc nhận diện và phân tích các nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục đối với Nhà nước như: nghĩa vụ thuế phát sinh từ các hoạt động, nghĩa vụ tài chính về đất đai. Qua đó, các tác giả chỉ ra những điểm còn hạn chế và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về các nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục đối với Nhà nước tại Việt Nam.
Từ khoá: Cơ sở giáo dục đại học tư thục; đại học tư thục; nghĩa vụ tài chính.
Abstract: The main content of the article is towards the identification and analysis of financial obligations to the state of private higher education institutions, such as tax obligations arising from their performance and financial obligations on land use. From there, the authors point out a number of shortcomings and also propose relevant recommendations to improve the provisions of law in regulating the financial obligations of private higher education institutions to the state in Vietnam.
Keywords: Private higher education institution; private university; financial obligations.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước ta, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học tư thục ngày càng phát triển mạnh về cả số lượng, quy mô cũng như chất lượng đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong năm học 2019 - 2020, quy mô sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học tư thục là hơn 313 nghìn sinh viên, chiếm 18,7% số lượng sinh viên đại học trên cả nước
[1].
Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã góp phần tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học tư thục với chủ trương khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học tư thục. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề vận hành và phát triển, pháp luật về hoạt động tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục ngày càng bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Pháp luật chưa có một chế định cụ thể, rõ ràng điều chỉnh về hoạt động tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục, nhiều quy định thể hiện sự né tránh bản chất của việc đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh việc nhiều chính sách ưu đãi về nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục còn thiếu khả thi, nhiều quy định cũng thể hiện sự đối xử thiếu công bằng giữa cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học công lập.
1. Thực trạng pháp luật về nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục đối với Nhà nước
Nghĩa vụ tài chính của một tổ chức, cá nhân đối với Nhà nước là những khoản tiền mà chủ thể này phải nộp cho Nhà nước để được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Theo quy định hiện hành, nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục bao gồm: nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính đối với đất đai.
1.1. Các nghĩa vụ thuế của cơ sở giáo dục đại học tư thục
Pháp luật hiện nay không có quy định về loại thuế đặc thù dành riêng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục, theo đó các trường thực hiện nghĩa vụ thuế tương tự như những chủ thể khác. Cụ thể, trong quá trình hoạt động, các cơ sở giáo dục đại học tư thục có thể phải thực hiện các nghĩa vụ thuế sau đây:
1.1.1. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Để đạt được mục tiêu lợi nhuận, trong quá trình sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, các chủ thể kinh doanh phải cộng thêm phần chi phí và lợi nhuận sẽ thu từ người mua vào giá bán. Điều này tạo nên phần GTGT cho quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Các chủ thể thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh thì hành vi sản xuất, kinh doanh này phải chịu sự điều tiết của thuế GTGT. Tương tự như những chủ thể kinh doanh khác, trong quá trình cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo, các sản phẩm do cơ sở giáo dục đại học tư thục tạo ra đều phát sinh phần giá trị tăng thêm. Do đó, cơ sở giáo dục đại học tư thục cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT.
Theo quy định của pháp luật, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không phải chịu thuế GTGT. Theo quy định, hoạt động dạy học (bao gồm cả tiền học, tiền ở nội trú của sinh viên) là đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng là đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, nếu cơ sở giáo dục đại học tư thục cung cấp các hàng hóa, dịch vụ khác thì vẫn phải nộp thuế GTGT.
Xét về phương thức thu thuế, thuế GTGT là thuế gián thu. Cơ sở sản xuất, kinh doanh là chủ thể thực hiện hành vi đăng ký, kê khai và nộp thuế. Tiền thuế sẽ được tính trong giá cả của hàng hóa, dịch vụ và người chịu thuế chính là người tiêu dùng. Trong trường hợp này, người học sẽ là người chịu thuế cũng là đối tượng mà quyền lợi của họ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự điều tiết của thuế GTGT. Do đó, việc ưu đãi, hỗ trợ về thuế thông qua các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như trên là nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người học.
Tuy nhiên, đứng trên lập trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục, quy định trên ngược lại còn là gánh nặng về mặt nghĩa vụ thuế cho các trường, gián tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của người học. Cụ thể, để được hoàn thuế GTGT, người nộp thuế đã phải nộp thuế GTGT đầu vào và phải phát sinh thuế GTGT đầu ra. Trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế GTGT đầu vào nhưng không phát sinh thuế GTGT đầu ra (tức hàng hóa, dịch vụ bán ra là những hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT) thì người nộp thuế không được hoàn thuế
[2].
Theo quy định, Nhà nước chỉ không thu thuế GTGT đối với phần đầu vào là sách, báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu kỹ thuật. Như vậy, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ khác là đầu vào của hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo của cơ sở giáo dục đại học tư thục vẫn là đối tượng chịu thuế GTGT. Trong khi đó, đầu ra là hoạt động dạy học - hoạt động hình thành nguồn thu chủ đạo của nhà trường là đối tượng không chịu thuế GTGT.
Quy định trên dẫn đến tình trạng cơ sở giáo dục đại học tư thục sẽ là đối tượng phải chịu rất nhiều thuế GTGT ở khâu đầu vào mà không được hoàn thuế ở khâu đầu ra. Khi không được hoàn thuế GTGT, phần gánh nặng này gián tiếp sẽ đánh vào quyền lợi của người học thông qua học phí. Bởi lẽ, trong quá trình xây dựng học phí, nhà trường phải đưa vào toàn bộ chi phí có liên quan (bao gồm cả phần thuế họ đã trả cho đầu vào).
1.1.2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là sắc thuế đánh vào khoản thu nhập mang tính kinh doanh của tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh trong xã hội. Do đó, mọi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có phát sinh thu nhập chịu thuế sẽ chịu sự điều tiết của thuế TNDN.
Theo quy định của pháp luật về thuế TNDN, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định sẽ phải nộp thuế TNDN
[3]. Như đã phân tích trước đó, cơ sở giáo dục đại học tư thục là tổ chức có thu từ nhiều hoạt động khác nhau. Những khoản thu này là đối tượng chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo ngoài công lập, Nhà nước miễn
thuế TNDNđối với khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục. Ngoài ra, phần thu nhập không chia để lại cho đầu tư phát triển của nhà trường cũng là thu nhập được miễn thuế
[4].
Về phương thức tính thuế, số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất
[5]. Mức thuế suất áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục là 10% hoặc 20% tùy vào nguồn thu nhập. Cụ thể, phần thu nhập từ hoạt động giáo dục - đào tạo được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, phần thu nhập từ các hoạt động khác chịu thuế suất 20%
[6]. Trong trường hợp các trường xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ từ 1% đối với kinh doanh hàng hóa và cao nhất là 5% đối với dịch vụ. Riêng hoạt động giáo dục và các hoạt động khác là 2%
[7].
Đặc trưng của thuế TNDN là thu vào thu nhập phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Do đó, sắc thuế này có vai trò quan trọng trong việc điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua những quy định cụ thể về thuế suất, chế độ ưu đãi, miễn giảm hoặc các khoản chi được khấu trừ để tính thuế TNDN. Giáo dục đại học nói riêng, giáo dục và đào tạo nói chung là lĩnh vực được xếp vào diện “đầu tư cho tương lai”, luôn được ngân sách nhà nước quan tâm chăm lo
[8]. Mặt khác, thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, chính sách về thuế luôn dành những ưu đãi cao cho hoạt động giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mới thành lập theo diện xã hội hoá. Cụ thể, Nhà nước áp dụng thuế suất 10% suốt dự án, miễn thuế TNDN trong 4 năm, giảm thuế 50% trong 5 năm hoặc 9 năm tiếp theo (tùy thuộc địa bàn thực hiện dự án) đối với thu nhập từ hoạt động giáo dục - đào tạo. Đối với các cơ sở giáo dục đại học đang hoạt động thì được chuyển sang áp dụng mức thuế 10%
[9]. Tuy nhiên, vì nhiều bất cập về điều kiện được hưởng ưu đãi, trên thực tế các cơ sở giáo dục đại học tư thục vẫn chưa được hưởng các ưu đãi này (sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau).
Bên cạnh đó, pháp luật cũng cho thấy nhiều bất cập trong việc xác định thu nhập chịu thuế giữa cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học công lập. Học phí là nguồn thu lớn nhất và cũng là nguồn phải chịu thuế TNDN nhiều nhất của các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Trước đây, khi thực hiện theo cơ chế phí và lệ phí, học phí là một loại phí thuộc ngân sách nhà nước, do đó không phải là đối tượng nộp thuế TNDN
[10]. Tuy nhiên, nguyên tắc trên chỉ áp dụng đối với nguồn thu học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập (theo khung mức thu do Nhà nước quy định). Đối với các trường ngoài công lập, nguồn thu học phí trở thành doanh thu của cơ sở vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN đối với Nhà nước
[11].
Luật Phí, lệ phí năm 2015 đã bỏ học phí ra ngoài danh mục phí, lệ phí do Nhà nước quản lý và coi học phí là giá dịch vụ giáo dục và đào tạo, được điều chỉnh theo Luật Giá năm 2012. Về nguyên tắc, khi thực hiện theo cơ chế về giá, khoản thu học phí phải là đối tượng chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn chưa phải nộp thuế TNDN đối với khoản thu học phí trong phạm vi khung giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, năm 2017, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 7686/BTC-CST ngày 12/6/2017 về chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, theo đó:
“Do học phí và viện phí theo khung giá hiện nay chưa tính đủ chi phí lại là dịch vụ thiết yếu, nhạy cảm nên trước mắt chưa thu thuế TNDN đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục và đào tạo trong phạm vi khung giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành chưa tính đủ các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ”[12].
Trên thực tế, đến nay khi lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và đào tạo đã được ban hành, các trường đại học công lập tự chủ tài chính đã thay đổi học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, pháp luật vẫn chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể về việc thu thuế đối với khoản thu này.
1.1.3. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Theo quy định, đất xây dựng công trình giáo dục và đào tạo phục vụ cho lợi ích công cộng là đối tượng không chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
[13]. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập, việc sử dụng đất làm trụ sở, giảng đường cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu, ký túc xá cho sinh viên là vì lợi ích công cộng, phúc lợi xã hội chứ không vì mục đích kinh doanh nên không phải nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
[14].
Xét về bản chất, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục vẫn hướng đến mục đích kinh doanh, vì lợi nhuận. Do vậy, việc sử dụng đất của các trường vẫn là đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Thuế suất được áp dụng là thuế suất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với mức thuế suất 0,03%
[15]. Tuy nhiên, nhằm khuyến khích phát triển các hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa, Nhà nước thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của các cơ sở thực hiện xã hội hóa
[16]. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tư thục sẽ được miễn thuế sử dụng đất đối với phần đất phục vụ cho hoạt động giáo dục - đào tạo. Đối với phần đất xây dựng các công trình khác được sử dụng vào mục đích kinh doanh thuần túy như nhà xưởng, nhà hàng, bãi gửi xe có thu tiền..., các trường vẫn sẽ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định.
1.2. Nghĩa vụ tài chính đối với đất đai của cơ sở giáo dục đại học tư thục
Hình thức sử dụng đất của cơ sở giáo dục đại học tư thục được áp dụng tương ứng với hình thức sử dụng đất của các đơn vị cung ứng dịch vụ công cộng có mục đích kinh doanh được quy định bởi pháp luật về đất đai. Trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, các cơ sở giáo dục đại học tư thục có thể được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê
[17]. Luật Đất đai năm 2013 sau đó đã giới hạn các chủ thể được Nhà nước giao đất. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học tư thục chỉ có thể được Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê
[18].
Khi được Nhà nước cho thuê đất, tùy thuộc vào hình thức cho thuê cụ thể, cơ sở giáo dục đại học tư thục phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước thông qua việc trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, cơ sở thực hiện xã hội hóa đáp ứng đủ điều kiện sẽ được Nhà nước cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê. Riêng đối với cơ sở sử dụng đất tại các đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực. Mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án; mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, chỉ có phần đất xây dựng trường học, ký túc xá dành cho sinh viên được hưởng ưu đãi trên
[19]. Cơ sở giáo dục đại học tư thục vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất ngoài phần xây dựng trường học và ký túc xá sinh viên.
2. Một số đánh giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục
Qua khảo sát, nghiên cứu pháp luật về nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục, các tác giả nhận thấy một số vấn đề bất cập sau:
Thứ nhất, đối với nghĩa vụ thuế GTGT, quy định hoạt động dạy học không là đối tượng chịu thuế GTGT không những không phát huy mục đích hỗ trợ người học mà còn gây nên áp lực về thuế đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người học. Việc không được hoàn thuế GTGT sẽ trở thành gánh nặng của họ. Mặc dù đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục, khoản thuế này có thể được bù đắp thông qua học phí, nhưng học phí cao cũng trở thành yếu tố bất lợi của các trường trong việc tuyển sinh.
Thứ hai, pháp luật về nghĩa vụ tài chính nói chung của cơ sở giáo dục đại học tư thục cho thấy sự đối xử không công bằng giữa cơ sở giáo dục đại học tư thục và công lập. Cùng là chủ thể cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học, cùng thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, nhưng các cơ sở giáo dục đại học công lập được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cả về đầu tư, cơ sở vật chất; nguồn thu từ người học lại không phải trả thuế TNDN mà được sử dụng để đầu tư trở lại cho cơ sở. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập phải tự lo cả về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên... nhưng họ lại phải nộp thuế TNDN nếu như có chênh lệch thu lớn hơn chi, kể cả trường hợp số chênh lệch đó chưa chia cho các nhà đầu tư góp vốn thành lập cơ sở
[20].
Thứ ba, chính sách ưu tiên, hỗ trợ giảm gánh nặng về nghĩa vụ tài chính cho cơ sở giáo dục đại học tư thục gặp rất nhiều lúng túng, không khả thi và chưa thể triển khai trên thực tế. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã dành cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục nhiều ưu đãi cao về thuế và đất đai. Vấn đề mấu chốt là cơ sở giáo dục đại học tư thục chỉ được hưởng các ưu đãi này khi cơ sở thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn theo quy định.
Cụ thể, theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa, một trong những tiêu chí các trường phải đáp ứng đó là diện tích đất bình quân phải đạt tối thiểu 55 m
2/sinh viên. Tiêu chí này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các cơ sở giáo dục đại học tư thục, vì trên thực tế không riêng gì các trường tư thục mà các trường công lập cũng khó đạt được tiêu chí này. Ngoài ra, các tiêu chí về quy mô sinh viên, số lượng tuyển sinh hằng năm cũng được cho là khó có thể thực hiện được trên thực tế. Do các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn đặt ra không phù hợp với điều kiện trên thực tế, các văn bản hướng dẫn thi hành về thuế TNDN giai đoạn này cũng không đề cập đến các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg mà trực tiếp đưa ra những chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa
[21].
Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ sau đó đã điều chỉnh tiêu chí “Diện tích đất bình quân tối thiểu phải đạt 55 m
2/sinh viên” thành “Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu 2 m
2/sinh viên”. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 sửa đổi một số tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục của Quyết định số 1466/QĐ-TTg. Mặc dù không đề cập đến các cơ sở giáo dục đại học tư thục, Quyết định này lại đưa ra cách hiểu rằng những tiêu chí, tiêu chuẩn đã được sửa đổi tại Quyết định số 693/QĐ-TTg sẽ không được áp dụng. Cụ thể, Quyết định số 1470/QĐ-TTg quy định: “các nội dung khác được quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ không được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này thì vẫn còn hiệu lực thi hành”. Các văn bản hướng dẫn thi hành về thuế TNDN sau đó cũng sửa đổi theo hướng yêu cầu các cơ sở phải đáp ứng các yêu cầu tại Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa mới được hưởng các ưu đãi về thuế
[22].
Như vậy, sau nhiều lần sửa đổi, các quy định về chính sách ưu đãi thuế đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP vẫn chưa thể triển khai trên thực tế. Trước tình hình đó, tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ về việc quy định một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa cho phù hợp với thực tế. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa thì chưa truy thu thuế TNDN.
Tuy nhiên, khi chưa có sự sửa đổi, bổ sung Danh mục trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 71/2021/TT-BTC ngày 17/8/2021 hướng dẫn về thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP. Theo đó, trường hợp cơ sở không đáp ứng được các điều kiện tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg, Quyết định số 693/QĐ-TTg và Quyết định số 1470/QĐ-TTg thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu số thuế TNDN theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đến thời điểm đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các quyết định trên.
Quy định trên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các cơ sở xã hội hóa thuộc lĩnh vực được ưu đãi nói chung. Đa phần các ý kiến cho rằng, các tiêu chí, tiêu chuẩn trong Danh mục tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg, Quyết định số 693/QĐ-TTg, Quyết định số 1470/QĐ-TTg vẫn cần được nghiên cứu một cách toàn diện để ban hành một Quyết định mới thay thế hoàn toàn thay vì sửa đổi từng tiêu chí, tiêu chuẩn nằm trong nhiều văn bản như hiện hành. Nhất là trong xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo hiện nay, các định mức về giảng viên, đất đai, cơ sở vật chất không còn như mô hình đào tạo truyền thống nữa. Một số doanh nghiệp đề nghị chưa tiến hành truy thu thuế TNDN đối với cơ sở xã hội hóa cho đến khi xây dựng và ban hành được Danh mục lĩnh vực, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn mới
[23].
Theo quan điểm của các tác giả, cần có sự xem xét, khắc phục những bất cập đối với pháp luật về nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cụ thể:
Một là, Nhà nước cần có sự đánh giá lại hiệu quả của chính sách về thuế GTGT trong lĩnh vực giáo dục đại học trên thực tế; qua đó đưa ra chính sách phù hợp nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ giáo dục cũng như khuyến khích phát triển lĩnh vực giáo dục đại học nói chung.
Hai là, cần có cơ chế hiện thực hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục, qua đó thể hiện sự đối xử công bằng giữa hệ thống trường công và trường tư. Nhiều quan điểm cho rằng, nên coi giáo dục đại học là lĩnh vực mặc nhiên được hưởng ưu đãi vì tất cả trường đại học tư thục đều đã được xem xét các điều kiện khi thành lập và cấp phép hoạt động. Quy mô đào tạo, tuyển sinh đã được xác định trên nguồn lực cụ thể, được kiểm soát bởi các bộ ngành chức năng. Việc chỉ yêu cầu các trường đáp ứng các tiêu chí mà không quan tâm đến việc các trường có nhận được hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất từ Nhà nước hay không là không hợp lý và nếu áp dụng danh mục để hưởng ưu đãi thì bản thân các trường cũng phải được ưu đãi về đất đai, cơ sở vật chất từ Nhà nước
[24].
Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục ở một số quốc gia châu Á. Ở Lào, các cơ sở giáo dục đại học tư thục được miễn thuế thu nhập, thuế kinh doanh, thuế sử dụng đất cũng như thuế hải quan khi nhập khẩu tài liệu hướng dẫn. Tại Thái Lan, các cơ sở giáo dục đại học tư nhân được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị giáo dục và thuế thu nhập, thuế kinh doanh đối với việc tặng cho bất động sản và chuyển nhượng đất đai. Trong số các quốc gia châu Á, Malaysia là quốc gia chủ động nhất trong việc cung cấp các ưu đãi cho giáo dục đại học tư thục. Các cơ sở giáo dục đại học tư thục nước này nhận được các ưu đãi thuế rất hấp dẫn, ví dụ như hỗ trợ thuế đầu tư 100% trong 5 - 10 năm; miễn thuế đối với thu nhập; phụ cấp xây dựng công nghiệp; trợ cấp vốn tăng tốc; miễn thuế nhập khẩu, thuế bán hàng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thiết bị giáo dục và đa phương tiện
[25].
Tóm lại, để có thể thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, cần thiết phải có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về các nghĩa vụ tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục đối với Nhà nước. Điều này không chỉ nhằm tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục mà còn góp phần hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống trường công lập và trường tư thục; từ đó thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế của giáo dục đại học tại Việt Nam■
[1] Theo số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2019-2020, nguồn tại https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=7389, truy cập ngày 28/8/2021.
[2] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2017),
Giáo trình Luật thuế (tái bản có bổ sung), Nxb. Hồng Đức, tr. 236-237.
[3] Điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
[4] Khoản 7, khoản 10 Điều 4 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
[5] Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế.
[6] Điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).
[7] Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
[8] Nguyễn Văn Phụng,
Chính sách thuế góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục đại học, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/chinh-sach-thue-gop-phan-thuc-day-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-19083.html, truy cập ngày 05/10/2021.
[9] Mục VI, Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
[10] Điều 24 Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về phí và lệ phí.
[11] Điều 17 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.
[12] Công văn số 7686/BTC-CST ngày 12/6/2017 của Bộ Tài chính về chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.
[13] Điều 3 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
[14] Phan Thị Thành Dương - Ngô Gia Hoàng (2020),
Nhận diện nghĩa vụ tài chính của trường đại học công lập tự chủ tài chính, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 2 (132)/2020, tr. 67.
[15] Khoản 4 Điều 7 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
[16] Khoản 2 Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.
[17] Tiểu mục 4, Mục IV, Thông tư số 05/2007/TT-BTNMT ngày 30/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về sử dụng đất và việc quản lý đất đai đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ, môi trường, xã hội, dân số, gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
[18] Điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013.
[19] Tiểu mục 1.1 Mục III, Thông tư số 05/2007/TT-BTNMT.
[20] Nguyễn Văn Phụng, tlđd (89).
[21] Khoản 3 Điều 15, Điều 16 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế TNDN quy định:
“Doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn”.
[22] Điểm a khoản 10 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
[23] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ, http://vibonline.com.vn/bao_cao/vcci_gop-y-du-thao-thong-tu-huong-dan-ve-thue-tndn-doi-voi-co-thuc-hien-xa-hoi-hoa-chua-truy-thu-theo-nghi-quyet-63-nq-cp-ngay-25-8-2014-cua-chinh-phu, truy cập ngày 18/8/2021.