Tóm tắt: Ngày 28/5/2020, sau nửa thế kỷ nỗ lực tiến hành hiện đại hoá và pháp điển hoá hệ thống pháp luật dân sự, Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành Bộ luật Dân sự. Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Hợp đồng năm 1999, Quyển III của Bộ luật Dân sự năm 2020 về hợp đồng đã pháp điển hoá những phát triển trong thực tiễn xét xử của Toà án Trung Quốc, đồng thời tiếp thu tinh hoa luật so sánh để bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều quy định, đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội hiện đại. Trong bài viết này, tác giả phân tích về cấu trúc, nguyên tắc cơ bản; bình luận về tính phổ quát, nét đặc sắc của chế định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc; từ đó, đưa ra một số gợi mở mà Việt Nam có thể tham khảo.
Từ khoá: Bộ luật Dân sự Trung Quốc; chế định về hợp đồng; nguyên tắc tự do hợp đồng; nguyên tắc thiện chí; nguyên tắc xanh.
Abstract: On May 28, 2020, after half a century of efforts to modernize and codify the civil law system, China first promulgated the Civil Code. On the basis of inheriting the provisions of the Chinese Contract Law of 1999, Book III of the Civil Code of 2020 on contracts has codified developments in the judicial practice of Chinese courts and, at the same time, absorbed the essence of comparative law to supplement and improve several regulations to meet the new requirements of modern society. In this article, the author gives an analysis of the structure and basic principles; discussions of the universality and unique features of the regulations on contracts under the Civil Code of China; and accordingly, also gives a number of suggested references for Vietnam.
Keywords: Civil Code of China; regulations on contracts; principle of freedom of contract; principle of good faith; green principle.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Lịch sử phát triển của chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc
Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) xã hội chủ nghĩa ở thập niên 1980, Trung Quốc đã tiếp cận rất thận trọng và lần lượt ban hành các đạo luật điều chỉnh các loại hợp đồng cụ thể, bao gồm Luật Hợp đồng kinh tế năm 1981, Luật Hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài năm 1987 và Luật Hợp đồng công nghệ năm 1987
[1]. Năm 1999, các nhà lập pháp Trung Quốc đã chính thức ban hành Luật Hợp đồng thống nhất để nhất thể hoá hệ thống pháp luật hợp đồng Trung Quốc. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cũng đã ban hành các giải thích tư pháp nhằm làm cụ thể hoá một số điều khoản của Luật Hợp đồng thống nhất năm 1999; trong đó các giải thích tư pháp năm 1999 và năm 2009 đóng vai trò quan trọng để bổ sung và phát triển các quy tắc của luật hợp đồng Trung Quốc
[2].
Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển KTTT, Trung Quốc lần lượt ban hành các đạo luật quan trọng khác trong lĩnh vực luật tư, như Luật Vật quyền năm 2007, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng năm 2009… Từ cuối năm 2014, Trung Quốc khởi động dự án pháp điển hoá Bộ luật Dân sự (BLDS) để xây dựng khung pháp lý tổng thể và toàn diện điều chỉnh một cách hệ thống các quan hệ luật tư. Quá trình pháp điển hoá BLDS Trung Quốc được chia làm hai giai đoạn chính: năm 2017, các nguyên tắc chung của Luật Dân sự Trung Quốc được ban hành để định hướng trở thành Phần chung của BLDS toàn diện trong tương lai
[3]. Từ năm 2017 trở đi, các nhà lập pháp tập trung vào xây dựng các Phần riêng của BLDS tương lai trên cơ sở kế thừa và phát triển các đạo luật cụ thể đã có trong từng lĩnh vực như tài sản, hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…
Ngày 28/5/2020, sau nửa thế kỷ nỗ lực tiến hành hiện đại hoá và pháp điển hoá hệ thống pháp luật dân sự, Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành BLDS. Bộ luật này được xem là
“thành tựu của Nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới”[4] và được chào đón như là “Bách khoa toàn thư về đời sống dân sự” Trung Quốc
[5]. Trên cơ sở kế thừa triết lý, cấu trúc và nội dung cơ bản của Luật Hợp đồng thống nhất năm 1999, Quyển III của BLDS Trung Quốc năm 2020 về Hợp đồng đã pháp điển hoá những phát triển trong thực tiễn xét xử của Toà án Trung Quốc, đồng thời tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới để phù hợp và đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội hiện đại
[6]. Với kết cấu gồm 3 phần lớn, 29 chương và 526 điều khoản, Quyển III về Hợp đồng là quyển có dung lượng đồ sộ nhất – chiếm tới gần một nửa tổng số các điều khoản – trong toàn bộ 7 Quyển của BLDS Trung Quốc; điều này minh chứng cho tầm quan trọng của chế định hợp đồng trong việc thúc đẩy và bảo đảm an toàn pháp lý của giao dịch trong nền KTTT xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.
Về cơ bản, các quy định về hợp đồng trong BLDS Trung Quốc năm 2020 được xây dựng trên nền tảng kế thừa quy định trước đó của Luật Hợp đồng thống nhất năm 1999 và các giải thích tư pháp của Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc. So với nội dung của Luật Hợp đồng thống nhất năm 1999, Quyển III của BLDS đã được thiết kế với 526 điều khoản, trong đó kế thừa và sửa đổi khoảng 300 điều, đồng thời bổ sung khoảng 100 điều khoản mới về hợp đồng
[7]. Quá trình cải cách pháp luật hợp đồng khi xây dựng Quyển III về Hợp đồng của BLDS đã thể hiện các nhà lập pháp Trung Quốc muốn xây dựng hệ thống pháp luật hợp đồng mới, phản ánh và điều chỉnh kịp thời những thách thức và nhu cầu mới đặt ra cho xã hội Trung Quốc.
2. Cấu trúc của chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc
Về mặt kỹ thuật pháp lý, duy trì cách tiếp cận của Luật Hợp đồng thống nhất năm 1999, pháp luật hợp đồng Trung Quốc về cơ bản được thống nhất hoá với vai trò trung tâm của Quyển III - Hợp đồng, BLDS Trung Quốc năm 2020. Về kết cấu chung, Quyển III được thiết kế thành 3 phần. Phần thứ nhất bao gồm 8 chương quy định các quy tắc chung của luật hợp đồng điều chỉnh toàn bộ đời sống hợp đồng từ giai đoạn xác lập hợp đồng, thực hiện hợp đồng cho đến trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Phần thứ hai bao gồm 19 chương quy định về các loại hợp đồng thông dụng (hợp đồng hữu danh). Cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc áp dụng pháp luật chung - riêng theo thông lệ quốc tế được thừa nhận rộng rãi ở Trung Quốc, trong đó Phần thứ nhất là luật chung đưa ra quy định nền tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật hợp đồng, đồng thời tạo điều kiện cho Phần riêng xây dựng các chế định điều tiết các loại hợp đồng cụ thể, riêng biệt.
Tuy nhiên, ngoài hai phần nói trên, Quyển III của BLDS Trung Quốc còn bao gồm Phần thứ ba quy định về chuẩn hợp đồng (Quasi-contract) điều chỉnh những quan hệ pháp lý về thực hiện công việc không có uỷ quyền (negotiorum gestio - 无因管理 ) và được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (unjustified enrichment - 不当得利). Việc đưa các quy định về chuẩn hợp đồng vào cấu trúc ở Quyển III - Hợp đồng, đồng thời không thiết kế Quyển lý thuyết chung về nghĩa vụ là một điểm khác biệt cơ bản của BLDS Trung Quốc so với các BLDS khác trên thế giới - bao gồm BLDS Việt Nam năm 2015
[8]. Mặc dù được biện luận từ nhu cầu hướng tới bảo đảm chức năng và tính hệ thống của chế định hợp đồng trong Quyển III
[9], nhưng cách tiếp cận này cũng tạo nên hoài nghi về sự hợp lý và tính khả thi của việc áp dụng trong tương lai.
Bên cạnh quy định ở Quyển III về Hợp đồng, BLDS Trung Quốc còn thiết kế Quyển I - Phần các điều khoản chung để đưa ra các quy định chung cho toàn bộ các phần riêng của BLDS. Trong đó, xét về cấu trúc, trái với cách tiếp cận của Luật Hợp đồng năm 1999, nhiều quy định quan trọng về hợp đồng như các nguyên tắc của luật hợp đồng và đặc biệt là quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng vô hiệu lại không nằm trong Quyển III về Hợp đồng, mà chỉ có thể tìm thấy trong Quyển I. Điều này tạo ra những khó khăn nhất định khi áp dụng Quyển III về Hợp đồng so với Luật Hợp đồng năm 1999, nhưng nó là hệ quả tất yếu của việc thiết kế mô hình BLDS Trung Quốc theo mô hình Pandekten
[10]. Đặc trưng của mô hình này là việc BLDS tồn tại Phần chung phác thảo các khái niệm nền tảng về chủ thể, về hành vi pháp lý và sử dụng tư duy dẫn chiếu chung - riêng để tạo nên tính hệ thống, duy lý của toàn bộ cấu trúc BLDS. Như vậy, kể từ thời điểm BLDS Trung Quốc năm 2020 có hiệu lực, khi phân tích sự điều chỉnh pháp luật đối với hợp đồng dân sự vô hiệu, cần phải dựa trên bản chất pháp lý của hợp đồng là hành vi pháp lý và viện dẫn trở lại quy định cụ thể ở Chương VI - Hành vi pháp lý thuộc Quyển I, Phần chung của BLDS.
3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng
Về kỹ thuật lập pháp, mặc dù trong Quyển III của BLDS Trung Quốc năm 2020 chỉ nêu một nguyên tắc duy nhất là nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng (Pacta sunt servanda); tuy nhiên, do đặc trưng của mô hình cấu trúc Pandekten nói trên, luật hợp đồng Trung Quốc cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc chung liệt kê tại Quyển I bao gồm các nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, công bằng, thiện chí, bảo đảm trật tự công cộng và đạo đức xã hội, và đặc biệt là “nguyên tắc xanh”- green principle.
3.1. Nguyên tắc tự nguyện
Nguyên tắc tự nguyện (hay tự do hợp đồng) được coi là nguyên tắc nền tảng của pháp luật Trung Quốc
[11]. Việc thừa nhận vai trò của nguyên tắc tự do hợp đồng là sự phát triển bước ngoặt của Luật Hợp đồng năm 1999. Điều này trước hết xuất phát từ nhận thức chung về mối quan hệ giữa luật hợp đồng và nền KTTT: với tư cách là luật chơi chung của các giao dịch trên thị trường, luật hợp đồng có sứ mệnh thúc đẩy các bên tự do tham gia thị trường và bảo đảm thi hành các hợp đồng là kết quả của sự thoả thuận tự do đó. Dưới góc độ kinh tế học, tự do hợp đồng quan trọng bởi lẽ nó là công cụ thiết yếu để tối đa hoá lợi ích cá nhân và qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phúc lợi chung của xã hội. Đồng thời, nguyên tắc tự do hợp đồng được cho là xuất phát từ nguyên tắc tự do ý chí vốn khẳng định vai trò nền tảng của tự do cá nhân trong việc xác lập các quan hệ hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ ràng buộc bản thân mình
[12].
Về nội hàm, nguyên tắc tự do hợp đồng được hiểu theo hai nghĩa:
Thứ nhất, tự do theo nghĩa tích cực (positive freedom of contract), theo đó, các bên được quyền tự do giao kết hay không giao kết hợp đồng, tự do lựa chọn đối tác giao dịch, tự do thoả thuận nội dung của hợp đồng;
thứ hai, tự do theo nghĩa hướng tới giảm thiểu sự can thiệp hành chính vào quan hệ hợp đồng giữa các bên (negative freedom of contract)
[13]. Việc thừa nhận nguyên tắc tự do hợp đồng về mặt logic sẽ dẫn đến thừa nhận nguyên tắc hiệu lực bất biến của hợp đồng được ghi nhận tại Điều 465 BLDS Trung Quốc năm 2020.
Tuy nhiên, tự do hợp đồng ở Trung Quốc không phải là sự tự do tuyệt đối. Ngược lại, trong nhiều trường hợp xảy ra các thất bại thị trường (market failure), chẳng hạn như sự bất cân xứng về thông tin giữa các chủ thể, việc Nhà nước can thiệp vào quan hệ hợp đồng thông qua các quy tắc pháp luật hợp đồng là hiện tượng phổ biến và cần thiết để hiệu chỉnh thị trường. Từ nhận thức đó, nhiều nhà bình luận ở Trung Quốc đã nhấn mạnh ba lý do của sự giới hạn tự do ý chí: nhu cầu cân đối giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng, nhu cầu bảo vệ người yếu thế trong xã hội, và nhu cầu phát triển kinh tế có trật tự đúng hướng theo sự lựa chọn chung
[14].
Cần nhấn mạnh rằng, so với các nền tài phán khác, sự can thiệp của công quyền vào quan hệ hợp đồng ở Trung Quốc không phải hãn hữu. Thực tế, Điều 534 BLDS Trung Quốc tiếp tục quy định:
“trong trường hợp các chủ thể lợi dụng hợp đồng để gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì theo quy định pháp luật, pháp quy hành chính, Cơ quan quản lý giám sát thị trường và các cơ quan hành chính chủ quản khác giám sát xử lý”. Việc trao thẩm quyền quá lớn cho cơ quan hành chính có thể tạo ra các quan ngại chính đáng về nguy cơ can thiệp thái quá, tuỳ tiện vào quyền tự do hợp đồng của các bên
[15].
3.2. Nguyên tắc thiện chí
Nguyên tắc thiện chí luôn được thừa nhận là nguyên tắc nền tảng của pháp luật hợp đồng Trung Quốc điều chỉnh tổng thể toàn bộ đời sống hợp đồng ngay từ giai đoạn đàm phán cho đến khi thực hiện hợp đồng và xử lý vi phạm hợp đồng
[16]. Thiện chí là chuẩn mực cho sự ứng xử cao nhất trong luật hợp đồng, rộng hơn nữa là luật nghĩa vụ và thậm chí toàn bộ luật tư: nghĩa là thành thực, ngay thẳng, trung thành…, hay nói cách khác, là yêu cầu một bên khi hành xử phải quan tâm đến lợi ích của bên kia
[17]. Vì vậy, nguyên tắc thiện chí được hiểu là một phương pháp được sử dụng để đạo đức hóa quan hệ hợp đồng, và nhằm làm giảm đi sự bất công bằng có thể nảy sinh nếu áp dụng tuyệt đối nguyên tắc tự do hợp đồng
[18].
Trên thực tế, nguyên tắc thiện chí thể hiện vai trò thiết yếu của mình trong pháp luật hợp đồng dưới các góc độ sau
[19]:
Thứ nhất, nguyên tắc thiện chí đóng vai trò là tiền đề lập pháp cho rất nhiều quy định của pháp luật hợp đồng Trung Quốc. Xét từ góc độ lịch sử, mặc dù Luật Hợp đồng năm 1999 không quy định về “học thuyết Hardship” cho phép điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, trên cơ sở nền tảng của nguyên tắc thiện chí, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc đã quy định về học thuyết trong giải thích tư pháp năm 2009; quy định này sau đó đã được chính thức pháp điển hoá thành Điều 533 BLDS Trung Quốc năm 2020 về hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Nhiều điều khoản của BLDS Trung Quốc như Điều 500 về trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng, Điều 509 về thực hiện hợp đồng, Điều 558 về chấm dứt nghĩa vụ hợp đồng đã dẫn chiếu trực tiếp đến yêu cầu về thiện chí để điều chỉnh hành vi các bên.
Thứ hai, nguyên tắc thiện chí được xem là cơ sở để giải thích hợp đồng: theo quy định của Điều 466 BLDS Trung Quốc năm 2020 tất cả các hợp đồng đều phải được giải thích theo sự thiện chí. Việc giải thích này ở chừng mực nhất định sẽ dẫn đến việc bổ sung các quyền và nghĩa vụ có thể nảy sinh giữa các bên hợp đồng, mà những quyền và nghĩa vụ này đã không được thỏa thuận trước trong hợp đồng, cũng như không được quy định minh thị trước trong luật thành văn
[20].
3.3. Nguyên tắc xanh
Một trong những nguyên tắc mới của BLDS Trung Quốc là nguyên tắc xanh được quy định tại Điều 9:
“Chủ thể khi tiến hành các hoạt động dân sự phải hành động theo cách thức tiết kiệm tài nguyên và bảo tồn môi trường sinh thái”.Trên cơ sở quy định chung này ở Quyển I, Quyển III về Hợp đồng đã đưa ra một số quy định cụ thể hoá nguyên tắc xanh trong việc điều chỉnh việc thực hiện hợp đồng. Cụ thể, Điều 509 BLDS Trung Quốc quy định:
“Các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng không được gây lãng phí tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường và huỷ hoại hệ sinh thái”. Thậm chí, đối với các hợp đồng thông dụng như hợp đồng mua bán, BLDS Trung Quốc quy định rất cụ thể rằng trong trường hợp các bên không thoả thuận về phương thức đóng gói tài sản, thì tài sản đó phải được đóng gói theo phương thức thích hợp để bảo vệ tài sản, đồng thời tiết kiệm nguyên liệu và bảo vệ môi trường sinh thái
[21].
Trong lịch sử pháp luật dân sự Trung Quốc, đây là lần đầu tiên nguyên tắc “xanh” được thừa nhận là nguyên tắc căn bản của pháp luật dân sự
[22]. Sự xuất hiện của nguyên tắc xanh cũng là một nét nổi bật của BLDS thế hệ mới như BLDS Trung Quốc so với các BLDS cổ điển trên thế giới nhằm thể hiện triết lý lập pháp xây dựng BLDS theo hướng thúc đẩy sự phát triển bền vững
[23]. Tuy nhiên, ở chừng mực nhất định, các quy định trên không thực sự minh thị về nghĩa vụ và hậu quả pháp lý mà chủ thể phải gánh chịu khi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng không thân thiện với môi trường. Vì thế, các quy định về nguyên tắc xanh dường như chỉ mang giá trị định hướng, khuyến khích - hơn là mệnh lệnh, bắt buộc. Mặc dù vậy, chắc chắn nguyên tắc xanh vẫn cần được xem trọng như là một yếu tố mà Toà án cần cân nhắc khi xét xử các tranh chấp hợp đồng có liên quan
[24]. Xa hơn nữa, việc ghi nhận nguyên tắc xanh trong BLDS Trung Quốc là tiền đề định hướng sự phát triển của pháp luật dân sự trong tương lai theo hướng bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái
[25].
4. Tính phổ quát và nét đặc sắc của chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc
4.1. Tiếp nhận pháp luật nước ngoài
Xét một cách tổng quan, cấu trúc và kỹ thuật lập pháp và nội dung quy định hiện hành của pháp luật hợp đồng trung Quốc thể hiện sự lựa chọn có chủ đích trong việc kết hợp giữa các học thuyết của truyền thống dân luật và truyền thống thông luật, trong đó không quá ngạc nhiên khi ảnh hưởng của truyền thống dân luật chiếm ưu thế. Tư duy cấu trúc và nội dung học thuyết truyền thống của các BLDS Đức và Nhật Bản rõ ràng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Quyển III của BLDS Trung Quốc. Bằng chứng rõ nét nhất chính là việc BLDS Trung Quốc tiếp nhận khái niệm “hành vi pháp lý”- một khái niệm đặc trưng của mô hình Pandekten, được du nhập ở châu Á ngay từ những năm 1900 (thông qua việc ban hành BLDS Nhật Bản) và khẳng định vai trò nền tảng của Chương về Hành vi pháp lý thuộc Quyển I - Quyển chung BLDS (Điều 133-160) trong việc xác định hiệu lực của hợp đồng. Sự ảnh hưởng của truyền thống dân luật cũng được minh chứng bằng sự hiện diện của nguyên tắc chung về thiện chí, về tính công bằng - laesio enormis và hệ thống xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng ưu tiên chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Ảnh hưởng của hệ thống thông luật, đặc biệt là luật hợp đồng Hoa Kỳ, tuy không lớn như hệ thống dân luật, nhưng vẫn có thể thấy trong Quyển III của BLDS Trung Quốc. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc tiếp nhận các học thuyết “vi phạm hợp đồng trước thời hạn”
[26] và học thuyết về “bồi thường thiệt hại ước định” vào BLDS năm 2020
[27]. Sự tiếp nhận này phản ánh cách tiếp cận linh hoạt và khéo léo của các nhà lập pháp Trung Quốc để phản ứng trước đòi hỏi của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Quyền III - Hợp đồng của BLDS Trung Quốc năm 2020 cũng đã tiếp nhận khá nhiều quy tắc của các công ước quốc tế và luật mẫu về hợp đồng như Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và Bộ Nguyên tắc của UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC). Ở tầng các nguyên tắc chung, BLDS Trung Quốc thừa nhận và bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc quan trọng được CISG, PICC thúc đẩy như nguyên tắc tự do hợp đồng, thiện chí và trung thực... Ở tầng cấu trúc quy phạm, BLDS Trung Quốc cũng xây dựng những quy tắc về giao kết hợp đồng, giải thích hợp đồng, chế tài do vi phạm hợp đồng thể hiện rõ nét tính tương đồng với các quy định cơ bản của CISG. Theo đánh giá của nhiều học giả, phạm vi ảnh hưởng của CISG đối với pháp luật hợp đồng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở phạm vi hợp đồng mua bán hàng hoá, hay mở rộng tới các quy định chung điều phối hợp đồng, mà ở ý nghĩa lịch sử của nó trong việc góp phần kiến tạo niềm tin vào tự do hợp đồng
[28]. Việc gia nhập CISG có ý nghĩa quan trọng đối với pháp luật hợp đồng Trung Quốc. Chính vào thời điểm đó, Trung Quốc đang bắt đầu chuyển mình và từng bước hồi sinh sau đại khủng hoảng của Cách mạng Văn hoá và nền kinh tế kế hoạch, rất cần học hỏi, tham chiếu một hệ thống giá trị pháp lý làm nền tảng cho thúc đẩy giao dịch thương mại, một hệ thống quy tắc pháp lý “trung lập”, “đáng tin cậy” để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Việc trở thành thành viên của CISG đã cho phép hệ thống pháp luật Trung Quốc được tiếp cận và thử nghiệm những quy tắc pháp lý hợp đồng: (i) phản ánh thông lệ chung trên thế giới, (ii) đồng thời giới hạn phạm vi áp dụng nhất định là quan hệ mua bán hàng hoá. Quá trình vận hành thử nghiệm đó đã trao một cơ hội quý giá để trang bị thuật ngữ, kỹ thuật pháp lý điển hình của luật hợp đồng cho các luật gia và thẩm phán Trung Quốc; từ đó, thúc đẩy họ có niềm tin vào tự do hợp đồng và từng bước xây dựng hệ thống luật hợp đồng của riêng mình.
Việc xây dựng hệ thống pháp luật hợp đồng dựa trên nghiên cứu và tham chiếu rộng rãi hệ thống pháp luật nước ngoài và các công ước, luật mẫu điển hình trên thế giới là cách tiếp cận xuyên suốt của các nhà lập pháp Trung Quốc
[29]. Điều này, một mặt đáp ứng nhu cầu tự thân của Trung Quốc cần phải du nhập các giải pháp tiến bộ về hợp đồng trên thế giới để cải cách và hiện đại hoá hệ thống pháp luật của riêng mình. Mặt khác, cách tiếp cận này giúp cho pháp luật hợp đồng của Trung Quốc phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; từ đó, giúp cho việc quảng bá Trung Quốc với một môi trường pháp lý thân thiện, bình đẳng và đáng tin cậy cho cả giao dịch thương mại quốc tế và trong nước.
4.2. Pháp điển hoá những nét đặc sắc trong thực tiễn luật hợp đồng Trung Quốc
BLDS Trung Quốc nói chung và chế định hợp đồng nói riêng có sứ mệnh quan trọng tiếp tục thúc đẩy xây dựng và phát triển giao dịch trong nền KTTT xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Kể từ khi “mở cửa”, Trung Quốc đã nỗ lực thay đổi cách thức hoạt động và quản lý các doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi trong chức năng ra quyết định kinh doanh từ chủ thể công - “cơ quan lập kế hoạch” sang các chủ thể tư - cá nhân và pháp nhân. Các giao dịch dựa trên hợp đồng là bộ phận cấu thành và động lực chủ yếu của nền KTTT xã hội chủ nghĩa Trung Quốc: “hợp đồng” thay thế “chỉ tiêu, pháp lệnh kế hoạch của Nhà nước” để trở thành công cụ pháp lý cơ bản cho hoạt động kinh doanh. Phản ánh triết lý đó, thành tựu nổi bật của quá trình cải cách luật hợp đồng Trung Quốc là nhấn mạnh tầm quan trọng nền tảng của nguyên tắc tự do hợp đồng trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền tự định đoạt của các chủ thể hợp đồng
[30]. Mặc dù vậy, cơ quan quản lý nhà nước vẫn được trao quyền giám sát và điều tiết quan hệ hợp đồng; tuy nhiên, điều này có thể tạo ra những hoài nghi nhất định về mối quan hệ giữa tự do hợp đồng và kiểm soát của Nhà nước trong tương lai
[31].
Về cấu trúc, Quyển III - Hợp đồng của BLDS Trung Quốc, một mặt được thiết kế dựa trên mối quan hệ truyền thống giữa quy định chung (luật chung cho tất cả các hợp đồng) - quy định riêng (luật riêng cho một số loại hợp đồng hữu danh) vốn phổ biến ở các BLDS khác trên thế giới, mặt khác đã thể hiện những nét độc đáo ở hai khía cạnh nổi bật. Thứ nhất, phần chung của Quyển III - Hợp đồng được thiết kế một cách rất sáng tạo để đảm nhiệm vai trò kép, đóng vai trò là quy định chung cho cả chế định hợp đồng lẫn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này không chỉ được giải thích gián tiếp từ việc thiếu vắng Phần quy định chung về lý thuyết nghĩa vụ như thường thấy ở các BLDS khác theo mô hình Pandekten, mà thực tế đã được quy định minh thị tại Điều 468 BLDS Trung Quốc năm 2020. Trên cơ sở đó, nhiều quy định vốn được thiết kế riêng cho hợp đồng như các quy định về nghĩa vụ liên đới (Điều 518-521) sẽ phải được thiết kế để áp dụng cho cả các trường hợp nghĩa vụ liên đới phát sinh từ hành vi trái pháp luật. Cách tiếp cận riêng biệt này được luận giải chủ yếu từ mô hình hai giai đoạn xây dựng BLDS: theo đó, ở giai đoạn hai khi tập hợp các đạo luật đã được ban hành và kiểm nghiệm trên thực tế thành các phần tương ứng của BLDS Trung Quốc, các nhà lập pháp cố gắng bảo toàn cấu trúc ổn định của đạo luật đó. Vì vậy, Trung Quốc đặt ưu tiên duy trì và bảo toàn tính hệ thống của Luật Hợp đồng năm 1999 - vốn được thừa nhận là đã phát huy tương đối thành công vai trò điều tiết và thúc đẩy giao dịch dân sự, thương mại trong suốt 20 năm qua. Thứ hai, cũng xuất phát từ việc thiếu vắng Quyển chung về luật nghĩa vụ, Quyển III – Hợp đồng lại điều tiết cả chế định thực hiện công việc không có uỷ quyền và chế định được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật trong Phần thứ ba của Quyển này. Cách tiếp cận này được luận giải ở việc hai chế định này về bản chất là các nguồn gốc “chuẩn hợp đồng” (quasi-contracts) của các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ. Tuy nhiên, rõ ràng sự thiết kế này chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật và chức năng trong bối cảnh BLDS Trung Quốc không có Quy định chung về nghĩa vụ.
Một trong những nét đặc sắc của quá trình xây dựng Quyển III - Hợp đồng trong BLDS Trung Quốc là sự “pháp điển hoá” các giải thích tư pháp về hợp đồng của Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc. Những năm gần đây, với việc được trao thẩm quyền rộng lớn trong việc đưa ra các giải thích pháp luật và công bố các bản án mẫu mang tính hướng dẫn (guiding cases), Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc đã rất tích cực đưa ra cách tiếp cận, giải pháp sáng tạo cho nhiều vấn đề pháp lý mới, phức tạp về hợp đồng; qua đó, hướng tới thúc đẩy việc áp dụng pháp luật hợp đồng một cách thống nhất và góp phần quan trọng vào cải cách hệ thống pháp luật hợp đồng. Nhiều quy tắc đổi mới và tiến bộ gần đây về hợp đồng đều bắt nguồn từ thực tiễn tư pháp trước khi được pháp điển hóa vào BLDS. Tiêu biểu nhất là việc các nhà lập pháp đã pháp điển hoá quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, vốn được lần đầu tiên ghi nhận trong giải thích tư pháp của Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc năm 2009 nhằm giải quyết những khoảng trống pháp lý mà Luật Hợp đồng năm 1999 chưa dự liệu
[32]. Hay quy định về cơ chế điều chỉnh khoản bồi thường thiệt hại ước định trước (liquidated damages) khi vi phạm hợp đồng đã được pháp điển hoá trong BLDS trên cơ sở kế thừa và phát triển giải thích tư pháp số II năm 2009 của Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc
[33]. Với việc BLDS có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã bãi bỏ các giải thích tư pháp cũ đã được pháp điển hoá, đồng thời tiếp tục duy trì một số giải thích tư pháp chưa được pháp điển hoá vào BLDS. Điều này cho thấy vai trò của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc được ví như một “cơ quan lập pháp”, tiên phong trong việc ban hành các diễn giải tư pháp; mặt khác, thực tế không phải giải thích tư pháp nào cũng được pháp điển hoá: chỉ những giải thích đã chứng tỏ được giá trị và sức sống của mình mới được pháp điển hoá vào BLDS. Từ góc nhìn này có thể thấy, việc pháp điển hoá pháp luật hợp đồng trong BLDS Trung Quốc phản ánh cơ chế phát triển luật hợp đồng một cách thận trọng, tiệm tiến và nhấn mạnh tính thuyết phục của giải pháp thực tiễn, trên cơ sở nhận được sự phản biện và đồng thuận của cả ngành tư pháp và thậm chí cả giới luật học Trung Quốc.
5. Thay lời kết: một số gợi mở cho pháp luật hợp đồng Việt Nam
Xét từ bối cảnh, triết lý và kỹ thuật lập pháp, sự vận động và phát triển của pháp luật hợp đồng Trung Quốc có những nét đặc trưng tương đồng với pháp luật hợp đồng Việt Nam. Quá trình cải cách pháp luật hợp đồng ở cả hai quốc gia đều gắn liền với quá trình tranh luận về vai trò của Nhà nước khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền KTTT. Về triết lý, đặc trưng của làn sóng chuyển đổi này ở cả hai quốc gia đều là sự chuyển dịch các quy phạm pháp luật hợp đồng, từ chỗ chịu ảnh hưởng tư duy quản lý nhà nước sang tư duy tôn trọng tự do hợp đồng, nhằm tạo điều kiện, khuyến khích và bảo hộ cho người dân, doanh nghiệp được tự do, tự chủ cam kết, thỏa thuận, qua đó tự kiến thiết sự thịnh vượng của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Về mặt kỹ thuật lập pháp, quá trình chuyển đổi này cũng đều là quá trình nhất thể hoá pháp luật hợp đồng, từ chỗ tồn tại đồng thời nhiều đạo luật cùng điều tiết quan hệ hợp đồng với các sứ mệnh và triết lý lập pháp khác nhau, sang việc ban hành BLDS thống nhất, khẳng định vai trò nền tảng của nguyên tắc tự do hợp đồng, đồng thời qua đó, điều tiết tổng thể đời sống hợp đồng từ giai đoạn giao kết hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, giải thích và thực hiện hợp đồng đến vi phạm hợp đồng và xử lý vi phạm hợp đồng
[34].
Tuy nhiên, xét từ góc độ pháp luật hợp đồng so sánh, có thể nói, pháp luật Trung Quốc đã phản ánh cách tiếp cận rất linh hoạt, thực tế vượt qua khỏi khung tư duy phân loại truyền thống pháp luật thành hệ thống dân luật và thông luật… để nghiên cứu tiếp thu các giải pháp pháp lý tiến bộ và hiệu quả nhất, nhằm đáp ứng đòi hỏi mới của nền KTTT. Với cách tiếp cận đó, mặc dù xây dựng bộ khung cấu trúc chế định hợp đồng trên mô hình BLDS của hệ thống dân luật, các nhà lập pháp Trung Quốc đã mạnh dạn nghiên cứu rất nhiều học thuyết và quy tắc nổi bật của hệ thống thông luật. Trong đó, tiêu biểu là việc BLDS Trung Quốc đã tiếp nhận và pháp điển hoá các học thuyết điển hình của hệ thống thông luật là học thuyết “vi phạm hợp đồng trước thời hạn” (Anticipatory breach of contract) và học thuyết về “bồi thường thiệt hại ước định” (Liquidated Damages). Về mặt lý thuyết, việc tiếp nhận những học thuyết này có thể gây ra một số quan ngại về tính đồng bộ và hệ thống của toàn bộ chế định hợp đồng; tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nó đem lại cho BLDS sức sống mới, phản ánh và điều chỉnh hiệu quả những thách thức mới do sự phát triển của bối cảnh mới, từ đó bảo đảm tốt hơn tính an toàn pháp lý và quảng bá môi trường pháp lý thân thiện, linh hoạt với hoạt động thương mại. Đó là những kinh nghiệm, luận cứ quý giá để tiếp tục nghiên cứu cải cách và hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam trong tương lai■
[1] Mễ Lương (2008),
Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật hợp đồng Trung Quốc, Tạp chí Luật học, số 12, tr. 55-57.
[2] Han Shiyuan (2012),
A snapshot of Chinese contract law from an historical and comparative perspective, Towards a Chinese Civil Code, Brill Nijhoff, pp. 249-251.
[3] Zhang Mingqi (2017),
Enactment of the General Principles of the Civil Law of the People's Republic of China, 2 China Legal Science.
[4] 张樵苏 (2020) Dẫn theo Đào Thị Phương Hồng (2021),
Khái quát chung về BLDS Trung Quốc 2020- BLDS đầu tiên sau bốn thập niên cải cách mở cửa, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 6, tr. 18.
[5] Zhang Mingqi (2020),
The Compilation of Specific Laws of the Civil Code, China Legal Science, No. 4, p. 15.
[6] Bing Ling (2020),
The New Contract Law in the Chinese Civil Code, The Chinese Journal of Comparative Law, No.3, p. 559.
[7] Bing Ling, tlđd, tr. 560.
[8] Liu Qiao (2023),
The Chinese Civil Code: The Problem of Systematization,
The making of the Civil Codes: A Twenty-First Century perspective, Springer Nature Singapore, p. 216. So sánh với cấu trúc truyền thống của BGB, Dannemann G, Schulze R, German civil code volume I: Books 1–3 article-by-article commentary. Beck, Munich, Nomos, Baden-Baden (2020).
[9] Zhang Mingqi (2020),
The compilation of specific laws of the Civil Code, China Legal Science, No. 4, p. 25.
[10] Liu Qiao (2023), tlđd, p. 209.
[11] Mo Zhang (2020),
Chinese Contract Law - Theory & Practice, Second Edition, Brill, p. 69.
[12] Liming Wang & Chuanxi Xu (1999),
Fundamental Principles of China’s Contract Law, 13 Colum J Asian L 1, p. 3.
[13] Zhao, Jun (2010),
The Puzzle of Freedom of Contract in China's Contract Law, ILSA J. Int'l & Comp. L. 17, p. 105; Mo Zhang (2020), p. 73.
[14] Mo Zhang, tlđd, tr. 77-78
[15] Jiang, Hao & Von Appen, Antonia (2022),
The New Validity Rules in Chinese Civil Code and Chinese State-owned Enterprises’ Freedom in Contracting: One Step too Far, The Chinese Journal of Comparative Law, Forthcoming, Bocconi Legal Studies Research Paper No. 4101471.
[16] Liming Wang & Chuanxi Xu (1999),
Fundamental Principles of China’s Contract Law, 13 Colum J Asian L 1, p. 22.
[17] Liming Wang & Chuanxi Xu, tlđd, tr. 16.
[18] BLDS Trung Quốc cũng đồng thời ghi nhận minh thị nguyên tắc công bằng trong quan hệ hợp đồng. Về chức năng, hai nguyên tắc này có vai trò bổ sung, hỗ trợ nhau để hướng tới kiểm soát tính bất công trong quan hệ hợp đồng; tuy nhiên, về phạm vi nguyên tắc thiện chí có lẽ được giải thích rộng rãi hơn - là tiền đề phát triển các quy định mới (ví dụ quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản) để điều tiết mối quan hệ hợp đồng giữa các bên. E McKendrick & Q Liu (2017),
Good Faith in Contract Performance in the Chinese and Common Laws, DiMatteo & L Chen (eds), Chinese Contract Law: Civil and Common Law Perspectives, Cambridge University Press, p. 44.
[19] Shiyuan Han (2017), General Principles under the CCL, DiMatteo, Larry A., & Chen Lei, eds,
Chinese Contract Law: Civil and Common Law Perspectives, Cambridge University Press, 2017, p. 32; Guo, Peng & Shu Zhang (2019),
Is theCISG an appropriate option for Australian and Chinese businesses? A good faith perspective, Vindobona Journal of International commercial law and arbitration, 23, p. 81.
[20] E McKendrick and Q Liu (2017), tlđd, tr. 45.
[21] Xem Điều 619 BLDS Trung Quốc.
[22] Zhai, Tiantian & Yen-Chiang Chang (2019),
The contribution of China’s civil law to sustainable development: Progress and prospects, Sustainability, 11.1, p. 294.
[23] Về những bình luận, đánh giá ý nghĩa của nguyên tắc xanh từ góc nhìn so sánh, xem Lanni Sabrina (2023), tlđd, tr. 385.
[24] Ouyang Jie (2023),
Unleashing the Green Principle in the Chinese Civil Code: Embedding Private Law into the Green Transition, Journal of European Consumer and Market Law, Vol. 12, Issue 5, p. 205.
[25] Ouyang Jie, tldd, tr. 208.
[26] Xem Điều 563 và Điều 578 BLDS Trung Quốc năm 2020.
[27] Xem Điều 585 BLDS Trung Quốc năm 2020.
[28] Han, Shiyuan (2021),
The CISG and Modernisation on Chinese Contract Law, International Trade/ADR in the South Pacific, disponibil pe: https://www. wgtn. ac. nz/__data/assets/pdf_file.
[29] Jingen, Wang & DiMatteo, Larry A (2016),
Chinese Reception and Transplantation of Western Contract Law, Berkeley Journal of International Law (BJIL), Vol. 34, No. 2, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=3189961.
[30] Liming Wang & Chuanxi Xu (1999),
Fundamental Principles of China’s Contract Law, 13 Colum J Asian L 1, p. 5.
[31] Jiang, Hao & Von Appen, Antonia (2022),
The New Validity Rules in Chinese Civil Code and Chinese State-owned Enterprises’ Freedom in Contracting: One Step too Far, The Chinese Journal of Comparative Law, Forthcoming, Bocconi Legal Studies Research Paper No. 4101471.
[32] Xem Điều 533 BLDS Trung Quốc năm 2020.
[33] Du Wanhua et al (2018),
Ajudicative Guidance of Contract Cases, Law Press, p. 463, dẫn theo Mo Zhang (2020),
Chinese Contract Law - Theory & Practice, Second Ed., Brill, p. 374.
[34] Đỗ Giang Nam (2020),
Hướng tới hệ thống pháp luật hợp đồng thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế thị trường, in trong Nguyễn Thị Quế Anh, Lê Thị Hoài Thu,
Xây dựng môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững và lành mạnh của kinh tế tư nhân, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 220.