Tóm tắt: Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam hiện hành ghi nhận một quy định mới về hành vi “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày khái quát về hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; nhận diện và phân tích một số điểm hạn chế trong các quy định pháp luật về vấn đề này; từ đó, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Gây thiệt hại; bắt giữ người phạm tội; loại trừ trách nhiệm hình sự.
Abstract: The applicable Penal Code of 2015 of Vietnam recognizes the new provision on the act of "the infliction of bodily harm while capturing criminals" as one of the cases of exemption from criminal responsibility. Within this article, the author focuses on presenting an overview of acts of the infliction of bodily harm while capturing criminals; provides identification and analysis of a number of shortcomings in legal regulations on this matter; accordingly, gives relevant recommendations for further improvements.
Keywords: The infliction of bodily harm while capturing criminals; cases of exemption from criminal responsibility.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
Thực tiễn tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy, trường hợp người dân tham gia bắt giữ người phạm tội mà gây thương tích cho người này thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về hành vi gây thương tích hoặc thậm chí hành vi giết người. Để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần quy định rõ về vấn đề này
[1].
Trong khoa học pháp lý hình sự, thừa nhận bắt giữ người phạm pháp (bên cạnh phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết) là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Vì hành vi này tuy có gây ra thiệt hại nhất định nhưng từ khía cạnh xã hội lại mang ý nghĩa tích cực vì nó phù hợp với các đòi hỏi cũng như lợi ích của xã hội
[2].
Từ thực tiễn và trên cơ sở được ghi nhận trong khoa học pháp lý hình sự, Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định về hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là một trong những trường hợp loại trừ TNHS mới. Theo đó, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Việc sử dụng vũ lực chỉ được xem là hợp pháp khi không vượt quá giới hạn cần thiết, nghĩa là phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh khách quan xảy ra sự việc, với các điều kiện khách quan và chủ quan khác
[3].
Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu TNHS. BLHS năm 2015 quy định hai trường hợp cụ thể tại Điều 126 về Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội và Điều 136 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Trong đó:
- Giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được hiểu là hành vi giết người trong trường hợp bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực nhưng đã sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết dẫn đến hậu quả chết người[4].
- Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được hiểu là hành vi vì bắt giữ người phạm tội nhưng vượt quá mức cần thiết mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của họ với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên[5].
2. Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
2.1. Đối tượng của hành vi bắt giữ người phạm tội
Cơ sở thực tế làm phát sinh quyền bắt người phạm tội là một người nào đó thực hiện một tội phạm. Vì thế, việc bắt người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác không có ý nghĩa là một tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật của hành vi trong Luật Hình sự
[6].
Theo tên Điều 24, đối tượng của hành vi bắt giữ người phạm tội là “người phạm tội”. Tuy nhiên, trong nội hàm tại khoản 1 Điều 24 lại quy định là “người thực hiện hành vi phạm tội”. Điều này dẫn đến một số cách hiểu khác nhau như sau:
Thứ nhất, nếu theo tên Điều 24 là “người phạm tội” thì đối tượng của hành vi này đang bị thu hẹp phạm vi là “người có tội”. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội
[7], người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo nguyên tắc này, người bị buộc tội hay người mới bị khởi tố về hình sự thì chưa được xem là “người phạm tội”. Chỉ khi đã chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội hay người bị khởi tố về hình sự mới được xem là người phạm tội
[8].
Thứ hai, nếu theo nội hàm tại khoản 1 Điều 24 là “người thực hiện hành vi phạm tội”, đối tượng tác động của hành vi bắt giữ người này bao gồm người phạm tội quả tang và người bị truy nã
[9]. Theo tác giả, cách hiểu này phù hợp với các quy định liên quan trong BLTTHS. Trong đó, người phạm tội quả tang là người đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt
[10]. Người bị truy nã gồm bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; người bị kết án phạt tù bỏ trốn; người bị kết án tử hình bỏ trốn; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn
[11].
2.2. Phạm vi các trường hợp bắt giữ người phạm tội
Một trong những nội dung cần xem xét để loại trừ TNHS cho hành vi gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội là phạm vi các trường hợp bắt giữ người. Về vấn đề này, còn có các cách hiểu khác nhau:
[12]
Thứ nhất, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” chỉ bao gồm trường hợp bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã. Trong các trường hợp bắt người khác, chủ thể bắt giữ là lực lượng Công an nhân dân có quyền sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ lực, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi phạm tội
[13]. Trong khi đó, bất cứ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã.
Thứ hai, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” bao gồm tất cả các trường hợp bắt người theo quy định của BLTTHS. Trong đó, thuật ngữ “bắt giữ” được hiểu theo nghĩa hẹp là các trường hợp bắt người bao gồm bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ
[14]. Cách hiểu này là về mặt ngôn ngữ, “bắt” và “bắt giữ” đều được hiểu với nghĩa là “bắt” (hạn chế sự tự do của người nào đó). Mặt khác, khi quy định về các biện pháp ngăn chặn trong BLTTHS, nhà làm luật đều có sự phân biệt rõ “bắt người” và “giữ người” trong các điều luật về thủ tục, thẩm quyền mà không có quy định gọi chung các trường bắt người, giữ người là “bắt giữ”. Bên cạnh đó, khi quy định về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật trong BLHS năm 2015, nhà làm luật cũng phân biệt rõ các hành vi “bắt” và “giữ” tại Điều 157 - Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Thứ ba, các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” bao gồm tất cả các trường hợp bắt người và giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của BLTTHS. Theo đó, thuật ngữ “bắt giữ” được hiểu theo nghĩa rộng hơn, gồm các trường hợp bắt người theo như cách hiểu thứ hai (phân tích ở trên) và trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp
[15]. Bởi lẽ, ngoài các trường hợp bắt người, giữ người trong trường hợp khẩn cấp cũng là biện pháp để kịp thời ngăn chặn tội phạm, là việc giữ người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; hoặc xét thấy cần ngăn chặn ngay việc một người bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ sau khi thực hiện tội phạm
[16]. Khi áp dụng biện pháp này rất dễ xảy ra trường hợp người bị giữ chống trả. Nếu chỉ hiểu “bắt giữ” là các biện pháp bắt người thì vô tình đã bỏ qua việc bảo vệ người thi hành công vụ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Tác giả đồng quan điểm với cách hiểu thứ ba này. Tuy nhiên, theo cách hiểu này thì vấn đề về đối tượng của hành vi bắt giữ người cần mở rộng cho phù hợp.
2.3. Thiệt hại gây ra từ hành vi bắt giữ người phạm tội
Quá trình bắt giữ người phạm tội luôn gắn liền với việc gây ra một thiệt hại nhất định về sức khỏe, tính mạng hoặc về tài sản của người bị bắt giữ
[17]. Theo quy định của BLHS năm 2015, nhà làm luật chỉ ghi nhận thiệt hại về tính mạng tại Điều 126 và sức khoẻ tại Điều 136. Đối với thiệt hại về tài sản, trong Chương về các tội xâm phạm sở hữu, nhà làm luật không quy định tội danh tương ứng với trường hợp này.
Với quy định hiện hành của BLHS năm 2015, trong trường hợp khi bắt giữ người phạm tội, chủ thể bắt giữ gây thiệt hại đến tài sản thì có thể áp dụng tội cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 và tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” tại điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, theo tác giả, việc áp dụng quy định này không thể hiện đúng bản chất của hành vi gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội.
2.4. Kỹ thuật lập pháp của quy định về hành vi gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội
Trong Chương IV của BLHS năm 2015 về những trường hợp loại trừ TNHS, nhà làm luật quy định riêng biệt về phòng vệ chính đáng tại Điều 22 và gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội tại Điều 24. Tuy nhiên, trong chương XIV, về tội danh tương ứng, nhà làm luật lại quy định chung hai trường hợp trong cùng một điều luật. Trong đó:
- Điều 126 - Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
- Điều 136 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Theo tác giả, hành vi bắt giữ người phạm tội và phòng vệ chính đáng tuy đều là những tình tiết loại trừ TNHS, nhưng mỗi trường hợp có những đặc điểm riêng, cụ thể là:
- Hành vi bắt giữ người thực hiện tội phạm có thể xuất hiện sau khi đã loại trừ được sự nguy hiểm trực tiếp đối với khách thể của tội phạm
[18]. Trong khi phòng vệ chính đáng chỉ có thể xuất hiện khi có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật
[19].
- Quyền bắt giữ người thực hiện tội phạm xuất hiện khi có sự thực hiện tội phạm. Trong khi đó, quyền phòng vệ xuất hiện khi hành vi tấn công đang hiện hữu, nghĩa là hành vi tấn công đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc
[20].
- Mục đích bắt giữ người thực hiện tội phạm là chuyển cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Còn mục đích của phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công, nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công
[21].
Ngoài ra, quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 136 BLHS năm 2015 cho thấy sự không tương thích về cách thức quy định của các trường hợp định khung tăng nặng và hình phạt, cụ thể:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Với những phân tích về một số hạn chế trong quy định của BLHS hiện hành về hành vi gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chế định này như sau:
- Về thuật ngữ “người phạm tội” theo tên các Điều 24, Điều 126 và Điều 136 BLHS năm 2015 nên được thay đổi là “người thực hiện hành vi phạm tội”.
-
Về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật cần tách riêng trường hợp giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
[22]. Theo đó:
+ Điều 24: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội;
+ Điều 126a: Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội;
+ Điều 136a: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
- Về đối tượng của hành vi bắt giữ người phạm tội, nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể. Theo đó “người phạm tội” tại các Điều 24, Điều 126 và Điều 136 BLHS năm 2015 cần được hiểu thống nhất trong cả BLHS và BLTTHS, gồm: người phạm tội quả tang; người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc người đã thực hiện tội phạm mà bỏ trốn (không gồm trường hợp bị truy nã); người bị truy nã; người bị yêu cầu dẫn độ.
- Phạm vi các trường hợp “bắt giữ người phạm tội” bao gồm tất cả các trường hợp bắt người và giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của BLTTHS theo cách hiểu thứ ba.
- Về thiệt hại tài sản do hành vi bắt giữ người phạm tội gây ra, nhà làm luật cần có sự ghi nhận trong BLHS để loại trừ TNHS và quy định tội phạm mới tương ứng với hành vi. Tác giả đưa ra hai đề xuất sau:
+ Thứ nhất: trường hợp người bắt giữ gây thiệt hại cho tài sản của chính người bị bắt giữ thì áp dụng Điều luật mới: Điều 178a.Tội cố ý làm hư hỏng tài sản do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội.
+ Thứ hai: trường hợp người bắt giữ gây thiệt hại cho tài sản của người khác thì không áp dụng Điều luật mới mà áp dụng Điều luật tương ứng với hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý tại Điều 178 hoặc Điều 180 và tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định điểm đ khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
- Về kỹ thuật lập pháp tại 3 Điều 136 BLHS năm 2015, tác giả đưa ra cách thức sửa đổi như sau:
3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết người.
Hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện triệt để nguyên tắc: không một tội phạm nào không bị phát hiện và xử lý. Việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời tội phạm xảy ra yêu cầu sự phối hợp của các cơ quan chức năng và người dân. Dù việc bắt giữ người phạm tội là hành vi có ích cho xã hội nhưng với một số hạn chế nhất định trong bài phân tích, phần nào dẫn đến tâm lý e ngại cho cả chính người thực thi nhiệm vụ bắt giữ và cả người dân■
[1] Xem:
Bản Thuyết minh chi tiết về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)(tháng 4/2015), Mục 4: Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
[2] Xem: Nguyễn Thị Ánh Hồng trong Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2012) – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,
Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 244-247. Khoa học pháp lý hình sự thừa nhận một số tình tiết khác gồm thi hành mệnh lệnh cấp trên, thực hiện các chức năng nghề nghiệp, rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học.
[3] Nguyễn Thị Ánh Hồng trong Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2019) - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,
Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần chung (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 247-248.
[4] Trần Thị Quang Vinh trong Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2021) - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,
Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm – Quyển 1 (tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung), Nxb. Hồng Đức, tr. 68.
[5] Trần Thị Quang Vinh (2021),
tlđd, tr. 94.
[6] Kiều Đình Thụ (1998),
Tìm hiểu Luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Đồng Nai, tr.152.
[7] Điều 13 BLTTHS năm 2015.
[8] Nguyễn Duy Hưng và Lê Huỳnh Tấn Duy trong Võ Thị Kim Oanh (Chủ biên, 2018) - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,
Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức, tr. 61-62. Một người khi bị coi là có tội và phải chịu hình phạt sẽ gánh chịu hậu quả rất nặng nề về danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản và thậm chí cả quyền sống. Vì vậy, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm hại một cách tuỳ tiện, pháp luật quy định chỉ có Toà án là cơ quan duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước kết tội và quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
[9] Nguyễn Thị Ánh Hồng (2019),
tlđd, tr. 247.
[10] Khoản 1 Điều 111 BLTTHS năm 2015 về Bắt người phạm tội quả tang.
[11] Điều 2 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao
hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.
[13] Khoản 15 Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018 về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân.
Công an nhân dân là lực lượng được trang bị đầy đủ kỹ năng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ nên trong khi bắt giữ sẽ bảo đảm hạn chế tối đa việc gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.
[14] Khoản 2 Điều 109 BLTTHS năm 2015: về các biện pháp ngăn chặn.
[15] Điều 110 BLTTHS năm 2015: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
[16] Lê Huỳnh Tấn Duy trong Võ Thị Kim Oanh (Chủ biên, 2018) - Trường Đại học Luật TP. HCM,
Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức, tr. 288.
[17] Kiều Đình Thụ (1998),
tlđd, tr.151.
[18] Kiều Đình Thụ (1998),
tlđd, tr. 153.
[19] Nguyễn Thị Ánh Hồng (2019),
tlđd, tr. 237-238.
[20] Nguyễn Thị Ánh Hồng (2019),
tlđd, tr. 239-240.
[21] Nguyễn Thị Ánh Hồng (2019),
tlđd, tr. 240.
[22]Khi tra cứu các bản án, quyết định được Toà án nhân dân tối cao công bố trên
https://congbobanan.toaan.gov.vn/, tác giả nhận thấy chỉ có các bản án, quyết định về tội danh liên quan đến hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126 hiện có 21 bản án, quyết định; Điều 136 có 02 bản án). Tuy nhiên, trong phần nội dung tóm tắt các bản án khi hiển thị trên trang này luôn hiển thị tên đầy đủ theo Điều 126 và Điều 136. Theo tác giả, việc này gây khó khăn trong việc tra cứu bản án, quyết định liên quan đến từng trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.