Nguyên tắc công bằng, trung lập trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

04/11/2024

TS. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang trong quá trình đưa ra thảo luận và góp ý kiến. Một số quy định được đề xuất sửa đổi, bổ sung còn tồn tại sự bất hợp lý, còn nhiều ý kiến bất đồng về việc mở rộng cơ sở đánh thuế và tăng thuế suất đối với một số hàng hóa tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá từ một số doanh nghiệp và các hiệp hội. Bài viết nghiên cứu cơ sở lý luận về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và đưa ra một số kiến nghị.     
Từ khóa: Nguyên tắc công bằng, trung lập; thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 
Abstract: The Bill of Law on Special Consumption Tax (amended) is in the public process of being reviewed and commented on. Several provisions proposed to be amended and supplemented are still inconsistencies, and there are several different arguments about the expansion of the taxed objects and increase in tax rates for a number of goods subject to special consumption tax such as wines, beer, and cigarettes from a number of manufacturers and associations. This article focuses on the studies of the theoretical ground for special consumption tax and also provides a number of recommendations accordingly. 
Keywords: Priciple of fairness and neutrality; special consumption tax; Bill of Law on Special Consumption Tax.
 8_22.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 theo định hướng cải cách chính sách của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020. Việc sửa đổi những quy định về thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô nhằm điều tiết tiêu dùng trong xã hội và thực hiện cam kết quốc tế đã góp phần định hướng sản xuất, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường.
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa và dịch vụ thuộc đối tượng hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, sản xuất bán ra và nhập khẩu có nghĩa vụ nộp thuế và người tiêu dùng là người chịu thuế.
 Việc đánh thuế gây hiệu ứng trực tiếp vào giá hàng hóa bởi vì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB là người nộp thuế, sau đó thuế được đưa vào giá cả của hàng hóa rồi thu lại từ người tiêu dùng cuối cùng[1]. Điều này thể hiện rõ trong căn cứ tính thuế gíá trị gia tăng đối với hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB. Cụ thể là giá tính thuế giá trị gia tăng bao gồm giá nhập khẩu có thuế nhập khẩu hoặc giá hàng hóa sản xuất bán ra cộng thuế TTĐB. Theo đó, thuế TTĐB càng cao thì giá tính thuế giá trị gia tăng càng cao, kéo theo khoản thuế người tiêu dùng phải nộp sẽ tăng lên nhiều.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, chi phí đầu vào của sản phẩm cũng gia tăng dẫn tới việc tăng thuế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Theo đó, cơ sở thuế về mặt kinh tế khi cụ thể hóa trong Luật Thuế TTĐB trở thành nghĩa vụ pháp lý buộc phải tuân thủ tạo ra sự bất lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh khi không tuân thủ.
Điều này cũng đã được khẳng định khi đánh thuế TTĐB đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó quá cao thì số thu từ thuế sẽ bắt đầu giảm đi vì lượng tiêu thụ giảm[2]. Có nghĩa là có thể dẫn đến nguy cơ thua lỗ phá sản của doanh nghiệp.   
Do đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) phải kết hợp các mục đích hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng cùng với tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệp lập pháp của một số nước trong thực thi chính sách và pháp luật về thuế TTĐB để không gây tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường tiêu dùng.
2. Nguyên tắc công bằng, trung lập trong đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Đánh thuế theo nguyên tắc công bằng phải dựa trên năng lực chịu thuế[3]. Các chủ thể có điều kiện, hoàn cảnh như nhau có nghĩa vụ nộp thuế như nhau, công bằng trong đánh thuế nhằm bảo đảm khoản thu cho NSNN, nhưng đồng thời phải bảo đảm việc thu thuế không được tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng.
Về bản chất, thuế TTĐB là thuế tiêu dùng nên nguyên tắc công bằng phải được áp dụng trên cơ sở phân biệt chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế và chủ thể không có nghĩa vụ nộp thuế. Hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, hơn thế nữa hàng hóa nhập khẩu còn từ lãnh thổ quốc gia khác và từ khu chế xuất là đơn vị kinh tế trong lãnh thổ quốc gia. Theo đó, bao quát và phân loại chủ thể nộp thuế chính là sự bảo đảm công bằng trong đánh thuế TTĐB.     
Ngoài ra, công bằng còn áp dụng cho chủ thể chịu thuế. Về nguyên tắc, tiêu chí bảo đảm công bằng theo năng lực chịu thuế. Theo đó các hàng hóa và dịch vụ chịu thuế đối với người tiêu dùng cần phải có sự phân biệt. Đánh thuế cao đối với hàng hóa hạn chế tiêu dùng và giảm thuế suất đối với hàng hóa thiết yếu “đại trà”, tiêu dùng bởi đa số.
Bởi vậy, nguyên tắc công bằng cần được tuân thủ khi quy định cơ sở thuế và tăng thuế TTĐB.
Nguyên tắc trung lập (principle of neutrality) là nguyên tắc đánh thuế trong kinh tế học với mục đích giảm thiểu trách nhiệm về thuế cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, việc đánh thuế không làm cản trở hoạt động của cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp[4]. Trung lập được đề cập đến nỗ lực giảm hiệu quả của luật thuế đến các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đến các công ty và một trong những mục đích của thuế là bỏ qua bản chất của nó là làm tăng thu nhập về thuế, phát triển công bằng của các chủ thể trong luật thuế và làm giảm ảnh hưởng của nó tới quá trình quyết định chính sách kinh tế[5].
Bảo đảm tính trung lập của sắc thuế cũng phản ánh nguyên tắc điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa chủ thể nộp thuế, chủ thể chịu thuế và Nhà nước. Theo đó, Nhà nước có thể giảm thuế, tạo lợi ích cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh[6].
Ở Việt Nam, tính trung lập của các sắc thuế trong đó có thuế TTĐB được cụ thể hóa bằng các quy định về miễn giảm thuế cho chủ thể kinh doanh yếu thế, quy định về lộ trình tăng thuế giúp cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh có thể điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp.
3. Tác động của chính sách có liên quan đến hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo tính chất của hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB, hàng hóa có thể thuộc đối tượng hạn chế tiêu dùng, điều tiết tiêu dùng. Chẳng hạn: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu; ô tô sử dụng nhiên liệu có hại cho môi trường; khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hàm lượng đường có hại cho sức khỏe…
Với các chính sách, pháp luật có liên quan đến các hàng hóa và dịch vụ chịu thuế, hàng hóa có thể thuộc diện đưa vào đánh thuế hoặc quy định điều chỉnh mức thuế suất đáp ứng yêu cầu hạn chế, điều tiết tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng thuế có thể dẫn đến tình trạng bất lợi đối với doanh nghiệp, chẳng hạn đối với doanh nghiệp thuốc lá chịu áp lực về giá cạnh tranh trong bối cảnh hàng nhập lậu[7].
Các khuyến nghị về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe là các căn cứ để đề xuất tăng thuế, tuy nhiên, việc du nhập các quy định mở rộng cơ sở thuế cần phải tính đến sự phù hợp và tính hợp lý trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và sự tác động tiêu cực đến hành vi tiêu dùng. 
Việc mở rộng cơ sở thuế hoặc loại bỏ cơ sở thuế do cơ quan có thẩm quyền lập pháp quyết định, tuy nhiên, cần phải bảo đảm tính hợp lý khi quyết định mở rộng cơ sở thuế. Lấy ví dụ, ở Na Uy áp dụng đối với đồ uống có đường từ năm 1981, sau 40 năm thực hiện, thừa cân, béo phì vẫn tiếp tục tăng, do đó nước này bỏ áp thuế từ tháng 7/2021[8]. Theo đó, các chính sách pháp luật này cần được cân nhắc kỹ lưỡng cùng với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng để điều chỉnh phù hợp.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)[9]
Một là, cần bổ sung quy định về nguyên tắc đánh thuế TTĐB, phạm vi áp dụng đối với doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng nội địa.
Thuế TTĐB hay còn gọi là thuế tiêu dùng đặc biệt, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng của khâu lưu thông. Theo đó, các sửa đổi liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng phải dựa trên quy định này.
Hai là, đề xuất sửa đổi đánh thuế đối với hàng hóa đưa vào khu chế xuất là chưa hợp lý, quy định này mâu thuẫn với nguyên tắc đánh thuế tiêu dùng.
Cần giữ nguyên quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thuế TTĐB hiện hành: “Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu vực phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu vực phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB”.
Không thể áp dụng khoản 6 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 làm căn cứ sửa đổi quy định trên để đánh thuế TTĐB, lý do là hàng hóa trên không phải là hàng hóa tiêu dùng nội địa; mặt khác, khi đánh thuế sẽ gia tăng chi phí cho doanh nghiệp khu chế xuất và trái với quy định về quyền lợi của doanh nghiệp khu chế xuất[10].
Ba là, không đánh thuế đối với “nước ngọt có đường”.
Việc bổ sung đối tượng chịu thuế là nước ngọt có đường với thuế suất theo phương án đưa ra trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là chưa hợp lý. Hai phương án: i) đưa nước giải khát sản xuất công nghiệp có hàm lượng đường từ 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế 10% và ii) bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất dự kiến 20%.
WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe[11]. Điều này không có nghĩa đồ uống có đường là tác nhân chính gây ra các căn bệnh tim mạch, béo phì thừa cân... Vấn đề ở đây liên quan đến lượng đường nạp vào cơ thể từ nhiều nguồn chứ không phải chỉ là “nước giải khát có đường” do doanh nghiệp chế biến sẵn theo dây truyền công nghiệp hoặc dưới hình thức khác. Đây là lý do không nên đưa “nước giải khát” vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Mặc dù nhiều nước có đưa đối tượng này vào diện chịu thuế TTĐB, nhưng cũng có quốc gia như Na Uy đã đưa loại hàng hóa này ra khỏi hàng hóa thuộc diện chịu thuế sau nhiều năm đánh thuế mà bệnh tim mạch, béo phì vẫn gia tăng.
Việc xem xét tác hại của “nước giải khát có đường” cần có sự khảo sát về xã hội học về tiêu dùng để xác định tính hợp lý của việc đánh thuế trong bối cảnh sản xuất và tiêu dùng nước giải khát ở Việt Nam. 
Bốn là, giảm thuế suất đối với điều hòa nhiệt độ.
Có ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ[12]. Việc đưa điều hòa nhiệt độ vào đối tượng chịu thuế TTĐB là nhằm hạn chế tiêu dùng hàng hóa xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề giảm, miễn, hoàn thuế TTĐB chưa được đặt ra đối với hàng hóa được người tiêu dùng sử dụng đại trà như điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống. Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) cần xem xét giảm mức thuế TTĐB xuống thấp hơn (so với quy định hiện hành là 10%). Ngoài ra, cần xem xét miễn và hoàn thuế TTĐB đối với mặt hàng này cho người yếu thế. Mức thuế TTĐB thấp cũng không ảnh hưởng trực tiếp hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh và hành vi tiêu dùng.
5. Kết luận
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng và ban hành thể hiện rõ mục đích sử dụng thuế TTĐB là công cụ điều tiết vĩ mô nhằm làm gia tăng nguồn thu NSNN. Cho dù mục đích cuối cùng là như vậy, Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) không thể không cân nhắc hợp lý lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và lợi ích của người tiêu dùng.  
Cần cụ thể hóa nguyên tắc công bằng và nguyên tắc trung lập khi quy định bổ sung cơ sở đánh thuế, tăng thuế suất trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Ngoài ra, trong trường hợp tăng thuế, cần xem xét ảnh hưởng của thuế tới chi phí của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và năng lực chịu thuế của người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát gia tăng hằng năm■

 


[1] Học viện Tài chính (2010), Giáo trình Thuế tiêu dùng, Nxb. Tài chính, tr. 7, 8.
[2] Học viện Tài chính (2010), Giáo trình thuế tiêu dùng, Nxb. Tài chính, tr. 122.
[3] Geofrey Morse and David Williams, Davies (2012), Principle of Tax Law, Sweet&Maxwel, p. 6.
[4] Cabinet Office Home, Japan,  税制と基本原則」(Chế độ thuế và những nguyên tắc cơ bản), https://www.cao.go.jp/zei-cho/history/1996-2009/etc/2000/pdf/zeichof03.pdf.
[5] American Institute of Certified Public Accountants (2001), Guiding principles of good tax policy: a framework for evaluating tax proposals, p. 7, https://www.aicpa.org/advocacy/tax/downloadabledocuments/tax-policy-conceptstatement-no-1-global.pdf.
[6] Tham khảo: “Nguyên tắc đánh thuế phải bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế”. Chủ biên: PGS. TS. Phạm Thị Giang Thu (2019), Giáo trình Thuế Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, tr. 19-20.
[7] Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến trong các hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). 
[8] Tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, Báo Đầu tư, ngày 11/7/2024, https://baodautu.vn.
[9] Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), lần 2, tháng 8/2024.
[10] Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022). 
[11] Thái Bình (2023), Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường?, Báo Sức khỏe và đời sống, ngày 27/3/23.
[12] Ý kiến tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 14/8/2024 tại Hà Nội.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 21 (500), tháng 11/2024)


Thống kê truy cập

35125586

Tổng truy cập