Tóm tắt: Ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là những quan điểm định hướng quan trọng, mang tầm chiến lược về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và đất nước có nhiều biến động, phát triển, cần được nghiên cứu, quán triệt thấu đáo, nhất là những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Từ khóa: Nghị quyết số 44-NQ/TW; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Abstract: On November 24, 2023, the 13th Party Central Committee, at the Eighth Plenum, issued the Resolution No. 44-NQ/TW on the Strategy for protecting the Fatherland in the new situation. These are important, strategic orientations on protecting the Fatherland in the context of several changes and developments in the world, in the region, and of the country, which need to be thoroughly reviewed and fully understood, especially the particular matters that need to be fully and more deeply understood, to specifize and put the Party's Resolution true enforcement into the living activities.
Keywords: The Resolution No. 44-NQ/TW; Strategy for protecting the Fatherland; Protecting the Fatherland in the new situation
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Nhận thức mới về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sự kế thừa, phát triển Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI), để phù hợp với sự biến động, phát triển của tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong bối cảnh mới. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được thông qua và ban hành có sự bổ sung, phát triển; trong đó, những vấn đề có tính nguyên tắc được giữ ổn định và phát triển, như: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; sức mạnh tổng hợp quốc gia; khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; chuẩn bị đất nước sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột và chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao... Đồng thời, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc cũng xác định những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn.
Thời gian qua, việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bước đầu đạt kết quả tốt. Quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững được độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Quan hệ, hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đúng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng:
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được là cơ bản, to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình thế giới, khu vực đầy biến động, khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua cũng còn những hạn chế cần khắc phục như: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Việc nắm, dự báo chiến lược chất lượng chưa cao, xác định đối tượng, đối tác có mặt chưa theo kịp tình hình. Các lĩnh vực về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có một số mặt còn hạn chế. Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm và phát huy đầy đủ. Việc tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn, hướng chiến lược chưa thực sự hiệu quả, còn biểu hiện đề cao lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích quốc phòng, an ninh...
Trên cơ sở đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và dự báo sát, đúng tình hình, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định các vấn đề cần nhận thức đầy đủ hơn, bổ sung, phát triển mới phù hợp tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Về nội dung, sau khi khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc nêu rõ các vấn đề cần có nhận thức mới, bổ sung, phát triển mới
[2].
2. Định hướng giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc, toàn diện tới Việt Nam. Ở trong nước, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn có thể xảy ra.
Trước bối cảnh đó, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, chúng ta cần tập trung vào một số định hướng giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước, ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Cần sớm phát hiện, xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; triệt tiêu các nhân tố bất lợi, mất ổn định; loại trừ các nguy cơ đe dọa, uy hiếp từ sớm, ngay từ trong trứng nước, điều kiện hình thành, từ xa về không gian địa lý cả bên trong lẫn bên ngoài, theo phương châm: không dùng đến vũ lực và chiến tranh là thượng sách, lấy việc phòng ngừa từ xa, chuẩn bị từ sớm là chủ yếu, giữ vững thế chủ động chiến lược là quyết định để bảo đảm giành thắng lợi.
Điều đó đòi hỏi Quân đội nhân dân nêu cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ khi các vấn đề còn chưa phức tạp, mới khởi nguồn để kịp thời xử lý, “không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ”; chủ động tiến hành nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp, cơ chế phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đề ra các kế sách bảo vệ, tự bảo vệ từ bên trong, chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình; đồng thời, làm rõ và bổ sung những vấn đề lý luận - thực tiễn mới, giúp đưa chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống.
Hai là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điều này cho thấy, trong nhận thức lý luận cũng như trong tổ chức thực tiễn, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng để tổ chức, lãnh đạo và chỉ đạo sự nghiệp tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước là cơ sở chắc chắn nhất bảo đảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Theo đó, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, thống nhất các chiến lược về bảo vệ Tổ quốc và cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ, giải pháp có liên quan vào chương trình, quy hoạch, kế hoạch hằng năm của từng ban, bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, phối hợp hoạt động và huy động sử dụng lực lượng trong xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là vận dụng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, khu vực phòng thủ quân khu ngày càng vững chắc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; lực lượng dự bị động viên hùng hậu; dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, đủ sức răn đe từ thời bình và đánh thắng trong các tình huống chiến tranh, cũng như khả năng đấu tranh, xử lý hiệu quả các tình huống an ninh, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.
Ba là, tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đây vừa là định hướng vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng ta, tạo cơ sở quan trọng cho Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân ta xác định và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Các nhiệm vụ này phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, tác động hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đảng đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu, nhưng không coi nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là thứ yếu. Đảng xem việc củng cố quốc phòng, an ninh là cơ sở tạo điều kiện, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ là tiền đề vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của quốc gia. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cùng với đó, cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Đây là tư duy mới của Đảng, bảo vệ Tổ quốc là sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh không chỉ trên lĩnh vực phát triển kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược. Nội dung của sự kết hợp trên phải được triển khai tổ chức thực hiện cụ thể ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Sự kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh được thể hiện trong quy hoạch tổng thể của quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh trong nhiệm vụ, trong phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay được thể hiện ngay từ khâu thẩm định các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo; quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, bao gồm các tuyến đường giao thông, hệ thống các sân bay, bến cảng, kho, hệ thống thông tin...
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bộ máy nhà nước và trong xã hội. Vấn đề tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo. Thực hiện tốt hay không tốt nhiệm vụ này sẽ tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, liên quan đến sự mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, Đảng ta khẳng định rõ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là trách nhiệm, quyết tâm chính trị của toàn dân. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong xây dựng “thế trận lòng dân”, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và hết sức phức tạp. Để công tác này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, trước hết, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đối với các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng cần nêu cao trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu, có nhiều biện pháp kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất, nhằm bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng và Nhà nước.
Năm là, tăng cường công tác đối ngoại, mở rộng hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong cách ứng xử của Việt Nam trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế và cùng có lợi. Nhất là phát huy đồng bộ vai trò của các lĩnh vực đối ngoại quốc phòng và đối ngoại an ninh trên nguyên tắc: đề cao đối thoại, thái độ chân thành và hành động thiết thực; mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, xác định đối tác và đối tượng; phát huy truyền thống hoà hiếu, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình của dân tộc, ủng hộ mạnh mẽ hoà bình và công lý; chọn chính nghĩa chứ không chọn bên; kiên trì thực hiện “bốn không”: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần nắm vững những thuận lợi và những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Trên cơ sở đó, đánh giá đúng các vấn đề đã được kiểm nghiệm tính đúng đắn trong thực tiễn, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt là nghiên cứu cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược, có chương trình, kế hoạch vận dụng phù hợp, sáng tạo, hiệu quả cao vào từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước; chủ động chuẩn bị đất nước về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam,
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 25.
[2] Cụ thể hơn xem:
Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 24/11/2023.