Tóm tắt: Sử dụng mô hình Mô phỏng thuế thuốc lá do Tổ chức Y tế thế giới phát triển, bài viết đánh giá tác động của các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Mô hình này đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình sử dụng cũng như điều kiện thị trường thuốc lá của Việt Nam. Kết quả cho thấy, trong ba phương án được xem xét, chỉ có một phương án đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Đó là phương án thuế hỗn hợp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, trong đó áp dụng thêm thuế tuyệt đối đồng thời với việc duy trì mức thuế theo tỷ lệ hiện hành.
Từ khoá: Phòng, chống tác hại thuốc lá; thuế thuốc lá; TaXSiM; thuế tiêu thụ đặc biệt.
Abstract: With the WHO Tobacco Tax Simulation Modeldeveloped by the World Health Organization, the article provides an assessment of the impact of options of increasing the special consumption tax on the cigarettes. This model has been customized for appropriate with the usage situation as well as tobacco market charecterictis in Vietnam. The returned results reveal that, of the three options taken into account, only one option might fulfill the goals of the National Strategy on Prevention and Control of Tobacco Harms. That is a combined tax plan recommended by the World Health Organization, which applies an additional option of lump-sum tax while maintaining the current option of the percentage tax.
Keywords: Prevention and control of tobacco harms; tax on the cigarettes; TaXSiM; special consumption tax.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Giới thiệu
1.1. Xu hướng sử dụng thuốc lá và gánh nặng bệnh tật liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021
[1], ước tính Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động gây ra và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Thiệt hại kinh tế liên quan (về chi phí dịch vụ y tế và mất năng suất do bệnh tật và tử vong sớm) ước tính khoảng 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP hằng năm của Việt Nam
[2].
Mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 47,4% năm 2010
[3], xuống còn 45,3% năm 2015
[4]và xuống còn 41,1% năm 2021
[5], nhưng mức giảm này còn khiêm tốn, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá vẫn ở mức cao và không đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020. Ngoài ra, có những dấu hiệu cụ thể và đáng lo ngại cho thấy tiêu thụ thuốc lá đã bắt đầu tăng trở lại kể từ năm 2022-2023. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thuốc lá điếu đã tăng đáng kể từ 6,4 tỷ bao (mỗi bao 20 điếu) vào năm 2021 lên 6,8 tỷ bao vào năm 2022 và lên 7,5 tỷ bao vào năm 2023 (tăng khoảng 17% so với năm 2021)
[6].
1.2. Hệ thống thuế thuốc lá ở Việt Nam và những bấp cập chính sách
Từ góc độ y tế công cộng, thuế thuốc lá ở Việt Nam có hai vấn đề lớn: thuế suất rất thấp và phương pháp áp thuế thuần túy chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm theo giá bán của nhà sản xuất, qua đó xu hướng khuyến khích sự sẵn có của các sản phẩm giá rẻ. Những bất cập này dẫn tới tình trạng giá thuốc lá rẻ, rất dễ mua và điều này chắc chắn góp phần làm chậm tốc độ giảm tỷ lệ hút thuốc trong những năm qua và làm cho tỷ lệ hút thuốc ở nam giới duy trì ở mức cao.
Hiện thuế thuốc lá được ấn định ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất, tương đương khoảng 36% giá bán lẻ, năm 2022. Con số này rất thấp so với mức trung bình toàn cầu là 62% giá bán lẻ và thuộc hàng thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương
[7]. Thuế suất thuốc lá ở Việt Nam là một trong ba mức thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn nhiều so với Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) và Singapore (67,5%)
[8].
Thu nhập hộ gia đình ở Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, trong khi giá các sản phẩm thuốc lá lại tăng chậm hơn, khiến thuốc lá ngày càng có giá cả phải chăng hơn. Giai đoạn 2010-2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 300% (từ 31,5 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 95,6 triệu đồng/người năm 2022)
[9]. Đồng thời, giá một bao thuốc lá Vinataba, nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất tại Việt Nam, chỉ tăng 56% (từ 14.000 đồng/bao năm 2010 lên 21.900 đồng năm 2022)
[10].
Thuế hiện tại đối với các sản phẩm thuốc lá là thuế theo tỷ lệ thuần túy và dựa trên giá bán của nhà sản xuất. Như đã nêu, điều này có xu hướng khuyến khích sản xuất các nhãn giá rẻ vì các sản phẩm này sẽ có thuế trung bình trên mỗi gói thấp hơn so với các thương hiệu cao cấp. Cuối cùng thì các sản phẩm thuốc lá giá rẻ làm cho người trẻ dễ dàng tiếp cận và bắt đầu sử dụng và đa số sẽ trở thành nghiện thuốc lá suốt đời.
Các thông lệ quốc tế tốt nhất về thuế thuốc lá, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đang được thực hiện thành công ở ngày càng nhiều quốc gia; đó là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp hoặc tuyệt đối thuần túy và bảo đảm thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đã tăng từ 48 quốc gia năm 2008 lên 64 quốc gia năm 2022. Ngược lại, trong cùng thời kỳ, số quốc gia có thuế tiêu thụ đặc biệt thuần túy theo tỷ lệ giá bán đã giảm từ 54 xuống còn 34. Thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp sẽ kết hợp cả thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ giá bán. Thuế tuyệt đối là áp số tiền thuế cụ thể trên mỗi đơn vị (ví dụ: mỗi bao thuốc), còn thuế theo tỷ lệ giá, thì dựa trên tỷ lệ phần trăm giá bán của sản phẩm.
Với những lỗ hổng nêu trên trong chính sách thuế thuốc lá ở Việt Nam, quyết định gần đây của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng thuế đối với các sản phẩm có hại hoặc không lành mạnh, bao gồm thuốc lá, theo định hướng của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới là kịp thời và rất quan trọng. Đây là cơ hội đặc biệt để Việt Nam thúc đẩy các mục tiêu y tế và phát triển phù hợp với Chương trình sức khỏe Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.
Tháng 6/2024, Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án tăng thuế thuốc lá, cùng với các đề xuất sửa đổi luật khác để lấy ý kiến công chúng. WHO đã khuyến nghị một phương án thuế thuốc lá tham vọng hơn cho Việt Nam để đạt được các mục tiêu y tế quốc gia và các mục tiêu SDG.
2. Phương pháp
2.1. Mô tả mô hình Mô phỏng thuế thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
Mô hình Mô phỏng thuế thuốc lá (TaXSiM) của WHO đã được phát triển theo cách đặc thù với từng quốc gia mà WHO đã hỗ trợ kỹ thuật về thuế thuốc lá. Các mô hình đặc thù này là nền tảng cho việc phát triển một mô hình chuẩn vào năm 2013 của mô hình TaXSiM dựa trên nền tảng mạng. WHO đã đưa ra hướng dẫn đầy đủ đầu tiên về việc sử dụng mô hình này vào năm 2018
[11].
Dựa trên mô hình chung, WHO đã phát triển mô hình TaXSiM cho Việt Nam từ năm 2013; một phiên bản của mô hình và kết quả của nó cho đến năm 2020 đã được công bố trên Tạp chí Kiểm soát thuốc lá
[12]. Mô hình TaXSiM cho Việt Nam là một công cụ dựa trên bảng tính (Excel), được thiết kế phù hợp với điều kiện thị trường thuốc lá hiện tại ở Việt Nam. Mô hình đánh giá tác động của cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sự tăng giá bán lẻ thuốc lá, sản lượng tiêu thụ, tỷ lệ hút thuốc, mức thu thuế thuốc lá. WHO và các đối tác đã thu thập dữ liệu cơ bản về thị trường thuốc lá điếu của Việt Nam và sử dụng các bằng chứng đã được quốc tế công nhận để dự đoán tác động dự kiến của cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam. Mô hình mới nhất sử dụng dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 2020-2022 bởi WHO và các đối tác chính tại Việt Nam.
Một số dữ liệu đầu vào chính của mô hình bao gồm:
Độ co giãn cầu theo giá thuốc lá và theo thu nhập: Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đã phát hiện ra rằng, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn có xu hướng phản ứng mạnh hơn với sự thay đổi giá thuốc lá
[13]. Gần đây, đặc điểm cầu theo giá này đã được mô tả trong một số nghiên cứu cắt ngang của Ngân hàng thế giới ở một số quốc gia bao gồm Bangladesh, Chile, Indonesia, Moldova, Nam Phi, Nga và Việt Nam
[14]. WHO đã kết hợp bằng chứng này với phương pháp mô hình hóa bằng cách áp dụng các độ co giãn cầu theo giá khác nhau cho từng phân khúc thị trường (-0,3 đối với các thương hiệu cao cấp, -0,5 đối với các thương hiệu giá trung bình và -0,7 đối với các thương hiệu giá thấp).
Thông số quan trọng thứ hai cần xem xét là mối quan hệ giữa tiêu thụ thuốc lá và thu nhập hộ gia đình, còn được gọi là độ co giãn cầu theo thu nhập: Độ co giãn cầu theo thu nhập có xu hướng theo chiều thuận và các bằng chứng cho thấy nó dao động trong khoảng từ 0 đến 0,6 ở các nước đang phát triển, với đặc điểm tương tự như của Việt Nam
[15]. Việt Nam đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kể từ đầu những năm 1990 - cũng là giai đoạn gia tăng rất nhanh chóng về khả năng chi trả với thuốc lá - và kèm với nó là sự gia tăng nhanh mức tiêu thụ trong giai đoạn 1990-2010. Trong những năm gần đây, sự gia tăng tiêu dùng đã ổn định mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn khá cao. Do đó, mô hình sử dụng giá trị ở mức thấp của phạm vi 0,2 làm độ co giãn nhu cầu thuốc lá theo thu nhập ở Việt Nam.
Dữ liệu về giá bán lẻ, sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuế: được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm dữ liệu hành chính từ các cơ quan chức năng cũng như từ các cuộc điều tra do Bộ Y tế, HealthBridge và WHO thực hiện. Dữ liệu về tỷ lệ sử dụng thuốc lá được lấy từ cuộc điều tra có mẫu đại diện quốc gia được tiến hành gần đây nhất đó là Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) 2021.
2.2. Mô tả các phương án thuế khác nhau được đánh giá
Bài viết đánh giá ba phương án thuế, bao gồm hai phương án được Bộ Tài chính đề xuất vào tháng 6/2024 và phương án thứ ba, được WHO khuyến nghị. Hai phương án do Bộ Tài chính đề xuất được thể hiện trong Bảng 1 dưới đây.
Bảng 1. Hai phương án thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu được đề xuất bởi Bộ Tài chính
Năm
|
Phương án 1 của Bộ Tài chính
|
Phương án 2 của Bộ Tài chính
|
Thuế theo tỷ lệ
(% giá bán của nhà sản xuất)
|
Thuế tuyệt đối
(VND/bao thuốc)
|
Thuế tuyệt đối
(VND/bao thuốc)
|
2026
|
2.000
|
5.000
|
75%
|
2027
|
4.000
|
6.000
|
75%
|
2028
|
6.000
|
7.000
|
75%
|
2029
|
8.000
|
8.000
|
75%
|
2030
|
10.000
|
10.000
|
75%
|
WHO khuyến nghị một phương án thuế tham vọng hơn như được trình bày trong Bảng 2, được thiết kế để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 của Việt Nam:
Bảng 2. Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu do WHO khuyến nghị
Năm
|
Thuế tuyệt đối
(VND/bao thuốc)
|
Thuế theo tỷ lệ
(% giá bán của nhà sản xuất)
|
2026
|
5.000
|
75%
|
2027
|
7.500
|
75%
|
2028
|
10.000
|
75%
|
2029
|
12.500
|
75%
|
2030
|
15.000
|
75%
|
3. Kết quả
Tác động ước tính của cả ba phương án được trình bày dưới đây trong Biểu đồ 1 và Bảng 3.
Để hiểu rõ về tác động của các phương án thuế của Bộ Tài chính và khuyến cáo của WHO, trước hết chúng ta cùng xem xét các thông số ở phương án nền, tức là phương án giữ nguyên mức thuế hiện tại. Ở phương án này, ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ tăng và sẽ có thêm gần 2,5 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020. Số tăng này một phần do tăng tỷ lệ hút thuốc và một phần do tăng dân số. Ở phương án này doanh thu thuế thay đổi không đáng kể.
Với 2 phương án của Bộ Tài chính đề xuất, mặc dù năm bắt đầu và các bước tăng thuế qua các năm có phần khác nhau, nhưng tác động tổng thể của hai phương án được Bộ Tài chính đề xuất rất giống nhau, vì vậy chúng được trình bày cùng nhau.
Ước tính cả hai phương án của Bộ Tài chính đều sẽ giúp giảm khoảng 9% tương đối tỷ lệ người lớn hút thuốc lá vào năm 2030 so với năm 2020. Phương án 2 dẫn đến việc giảm hút thuốc nhiều hơn vào năm 2026, vì vậy sẽ mang lại tác động tốt hơn về y tế công cộng, do mang lại lợi ích lớn hơn về phòng ngừa bệnh tật và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe. Theo cả hai phương án, số lượng người hút thuốc sẽ giảm khoảng 2,5 triệu người vào năm 2030 so với kịch bản nền mà trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt không thay đổi. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số trong giai đoạn này, tổng số người hút thuốc sẽ gần như không thay đổi so với năm 2020.
Cả hai phương án cũng sẽ dẫn đến tăng 126% doanh thu thuế thực (đã được điều chỉnh theo lạm phát) hằng năm, từ 17,4 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 39,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2030. Tuy nhiên, bằng cách áp dụng tỷ lệ thuế tuyệt đối cao hơn vào năm 2026, chúng tôi ước tính rằng, Phương án 2 của Bộ Tài chính sẽ tạo ra doanh thu thuế nhiều hơn khoảng 5-10% trên cơ sở tích lũy trong toàn bộ khung thời gian 2026-2030 so với Phương án 1.
Với tỷ lệ hút thuốc, cả 2 phương án của Bộ Tài chính sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc xuống ở nam giới xuống còn khoảng 37,5%, mức giảm này không đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống dưới 36% vào năm 2030. Mức giảm này cũng còn cách rất xa so với mục tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam và SDG là giảm xuống còn khoảng 32% vào năm 2030.
Mặt khác, phương án khuyến cáo của WHO theo Bảng 2 (ở mức 15.000 đồng/gói cộng với 75% vào năm 2030) sẽ giúp tỷ lệ hút thuốc giảm 13% tương đối. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành được dự đoán sẽ giảm xuống còn 35,8% vào năm 2030, nhờ đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá vào năm 2030. Phương án này cũng sẽ dẫn tới giảm hơn 3,2 triệu người hút thuốc vào năm 2030 so với kịch bản nền, khi thuế không thay đổi. Tuy nhiên, do tăng trưởng dân số nên số người hút thuốc thực sẽ giảm vào năm 2030 so với con số của năm 2020 sẽ chỉ là 696.000 người. Phương án này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) hàng năm lên 169%, tương ứng tăng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng doanh thu thuế thuốc lá hàng năm vào năm 2030 so với năm 2020.
Biểu đồ 1 dưới đây cho thấy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc nếu không tăng thuế thuốc lá. Biểu đồ cũng cho thấy, tác động của Phương án 2 của Bộ Tài chính và phương án do WHO đề xuất đối với tỷ lệ hút thuốc.
Biểu đồ 1. Tác động của các phương án thuế đến tỷ lệ hút thuốc của nam giới so với các mục tiêu của Chính phủ
(Nguồn: WHO)
Bảng 3 dưới đây tóm tắt các phương án và ảnh hưởng đến các mục tiêu và nguồn thu của Chính phủ. Như đã nêu ở trên, hai phương án của Bộ Tài chính là tương tự nhau, vì vậy chỉ có Phương án 2 được hiển thị.
Bảng 3. Các phương án và tác động của thuế thuốc lá đến năm 2030 đối với giá bán lẻ, doanh thu của Chính phủ và số người hút thuốc so với dữ liệu năm 2020
Phương án
|
1
|
2
|
3
|
Lộ trình áp dụng
|
Phương án nền (Thuế tiêu thụ đặc biệt không đổi)
|
Phương án 2 của Bộ Tài chính
(10.000 đồng + 75%)
|
Phương án của WHO
(15.000 VNĐ+ 75%)
|
Mức thuế năm 2026
Mức thuế năm 2027
Mức thuế năm 2028
Mức thuế năm 2029
Mức thuế năm 2030
|
75%
75%
75%
75%
75%
|
75% + 5.000
75% + 6.000
75% + 7.000
75% + 8.000
75% + 10.000
|
75% + 5.000
75% + 7.500
75% + 10.000
75% + 12.500
75% + 15.000
|
Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ* (% giá bán lẻ)
|
36,2%
|
59,4%
|
65,3%
|
Tác động đến giá bán lẻ năm 2030 so với 2020
|
Mức tăng trung bình giá bán lẻ thực (đã chỉnh theo lạm phát)
|
0%
|
67%
|
99%
|
Tác động đến nguồn thu của Chính phủ vào năm 2030 so với 2020
|
Mức tăng doanh thu thuế thực hàng năm vào 2030
|
11%
(thêm 1.900 tỷ đồng)
|
126%
(thêm 21.800 tỷ đồng)
|
169%
(thêm 29.000 tỷ đồng)
|
Tác động đến người hút thuốc vào năm 2030 so với 2020
|
Số người hút thuốc lá
|
Tăng 2.463.000 người hút thuốc
|
Giữ nguyên
|
Giảm 696.000
người hút thuốc
|
Tác động đến tỷ lệ hút thuốc lá đến năm 2030
|
Tỷ lệ hút thuốc chung (% người trưởng thành)
|
21,9%
|
19%
|
18,1%
|
Tỷ lệ hút thuốc nam giới** (% người trưởng thành)
|
43,4%
|
37,5%
|
35,8%
|
Tỷ lệ hút thuốc nữ giới** (% người trưởng thành)
|
0,6%
|
0,5%
|
0,5%
|
Ghi chú: * Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ trung bình của các nước thu nhập trung bình là 62% vào năm 2022 (WHO 2023); Thực hành tốt nhất của WHO khuyến cáo cần đạt là 75% (WHO 2021).
** Mục tiêu chiến lược quốc gia kiểm soát thuốc lá: tỷ lệ hút thuốc nam giới trưởng thành <36% vào năm 2030; Tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới trưởng thành <1,4% vào năm 2030. Nguồn: WHO.
4. Thảo luận
4.1. Thảo luận về kết quả
Cả hai phương án được đề xuất của Bộ Tài chính đều bao gồm một số yếu tố rất tích cực phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất và khuyến nghị của WHO.
Thứ nhất, cả hai phương án đều áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp. Điều này sẽ giúp giải quyết những điểm yếu của hệ thống thuế hiện tại, vốn chỉ thuần túy dựa trên thuế theo tỷ lệ. Hệ thống thuế hỗn hợp sẽ giúp giảm sự sẵn có của các thương hiệu thuốc lá giá rẻ; từ đó sẽ giúp ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và bắt đầu hút thuốc. Đồng thời, cũng sẽ giúp khuyến khích những người hút thuốc bỏ thuốc thay vì chuyển sang một thương hiệu giá thấp khi thuế tăng.
Thứ hai, việc tăng thường xuyên thuế tuyệt đối sẽ giúp giảm khả năng chi trả của thuốc lá theo thời gian. Mức tăng thuế hàng năm được đề xuất là phù hợp để bảo đảm giảm khả năng chi trả cho thuốc lá theo thời gian, phù hợp với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam, được Ngân hàng thế giới dự báo ở mức 5,5% cho năm 2024
[16] và có tính đến mức lạm phát, dự kiến khoảng 4%
[17].
Bên cạnh việc bảo đảm rằng doanh thu thuế tiếp tục tăng đều đặn về giá trị thực, mức tăng hàng năm cũng đóng vai trò là thông điệp đối với người hút thuốc rằng thuốc lá sẽ tiếp tục trở nên đắt hơn theo thời gian. Việc áp một lộ trình tăng thuế thường xuyên củng cố các động lực cho người hút thuốc bỏ thuốc hoặc cho trẻ em không bắt đầu hút thuốc.
Trong số hai phương án được Bộ Tài chính đề xuất,WHO đánh giáPhương án 2 là ưu việt hơn vì áp dụng tỷ lệ cao hơn, sớm hơn để giảm hút thuốc nhiều hơn vào năm bắt đầu tăng thuế 2026.
Tuy nhiên, cả hai phương án được đề xuất hiện tại đều không đủ để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo cả hai phương án này, tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm xuống còn khoảng 37,5% so với mức tham chiếu 41,1% vào năm 2021 (khảo sát STEPS).
Trong khi đó, như có thể thấy trong Bảng 3, phương án khuyến nghị của WHO, bắt đầu với mức thuế tăng thêm 5.000 đồng mỗi bao vào năm 2026 và tăng hàng năm để đạt 15.000 đồng mỗi bao vào năm 2030, sẽ giúp giảm tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc xuống dưới 36% (35,8%), đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Hơn nữa, phương án được WHO khuyến nghị sẽ giúp mang lại nguồn thu thuế cao hơn khoảng 25% so với hai phương án của Bộ Tài chính. Doanh thu tăng thêm có thể được đầu tư vào các ưu tiên của Chính phủ và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Phương án do WHO khuyến nghị sẽ đưa thuế suất tính theo tỷ lệ phần trăm của giá bán lẻ ở Việt Nam lên khoảng 65,3%, gần với mức khuyến nghị của WHO là 75%. Việt Nam có thể cố gắng đạt được tỷ lệ 75% này trong các vòng sửa đổi luật tiếp theo. Các phương án được đề xuất của Bộ Tài chính sẽ đưa mức thuế suất lên khoảng 59,4%, thấp hơn nhiều so với mức thuế tối ưu theo khuyến nghị của WHO.
4.2. Giải quyết một số lầm tưởng do ngành công nghiệp thuốc lá nêu ra
Có sự xung đột cơ bản và không thể hòa giải giữa lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá và lợi ích y tế công cộng. Ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất và quảng bá một sản phẩm đã được khoa học chứng minh là gây nghiện, gây bệnh và tử vong, làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, góp phần làm gia tăng nghèo đói.
Quy mô của các tổn thất kinh tế và sức khỏe, tính mạng con người mà thuốc lá gây ra là hết sức nghiệm trọng, tuy nhiên lại là hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Không có sản phẩm hợp pháp nào khác, khi được sử dụng chính xác như hướng dẫn của nhà sản xuất, lại có thể gây bệnh tật và tử vong sớm cho ít nhất một nửa số người tiêu dùng. Mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá dựa trên việc thu hút người tiêu dùng vào sản phẩm của họ khi còn trẻ, vì vậy họ luôn đấu tranh để giữ cho các sản phẩm của mình có giá cả phải chăng và dễ dàng tiếp cận nhất có thể. Vì lý do như vậy, chúng tôi sẽ dành một phần bài viết để phản hồi hai lập luận sai lệch mà ngành công nghiệp thuốc lá đã nêu ra để chống lại việc tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam.
4.2.1. Thuế thuốc lá và buôn lậu
Ngành công nghiệp thuốc lá luôn cố gắng đưa ra lập luận rằng, việc tăng thuế thuốc lá dẫn đến gia tăng buôn lậu sản phẩm. Điều này không đúng. Trái ngược với dự đoán của ngành công nghiệp, ước tính mức tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam đã giảm từ 20,7% trong năm 2012 xuống còn 13,7% thị trường trong năm 2017, mặc dù thuế đã có tăng vào năm 2016. Lý do được ghi nhận là do tăng cường các nỗ lực thực thi chống buôn lậu
[18].
Hơn nữa, những người hút thuốc lá nhập lậu sẵn sàng trả giá cao hơn cho các nhãn hiệu nhập lậu so với các nhãn hiệu sản xuất trong nước. Giá trung bình của Hero và Jet cao hơn 30%-60% so với giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khác tại Việt Nam
[19]. Cho dù thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn hay thấp hơn, thuế tuyệt đối hay theo tỷ lệ thì đây cũng không phải là yếu tố chính quyết định mức độ buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam. Yếu tố quan trọng nhất chính là mức độ thực thi của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm trong phòng chống buôn lậu.
4.2.2. Tăng thuế thuốc lá và việc làm
Ngành công nghiệp thuốc lá cũng đã sử dụng lập luận rằng, tăng thuế ảnh hưởng đến việc làm. Điều này cũng không đúng. Tổng cộng lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá chiếm chưa đến 0,4% tổng số lao động trong nền kinh tế Việt Nam. Khi thuế tăng và giả sử rằng sử dụng thuốc lá giảm, số tiền mà mọi người tiết kiệm được từ việc giảm mua thuốc lá sẽ được sử dụng để mua các sản phẩm tiêu dùng khác sẽ tạo ra sản lượng và việc làm cho nền kinh tế. Ngoài ra, doanh thu tăng từ thuế sẽ được đầu tư trở lại cho nền kinh tế, và một lần nữa cũng sẽ tạo ra nhiều sản lượng và việc làm hơn. Sử dụng mô hình đầu vào-đầu ra (mô hình kinh tế định lượng thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc gia), ước tính mức tăng thuế 60% sẽ dẫn đến tăng tổng sản lượng của nền kinh tế (các ngành công nghiệp không phải thuốc lá) thêm 0,18% và tổng số việc làm (trong các lĩnh vực khác) sẽ tăng 0,24% (tương đương với hơn 120.000 việc làm). Sự gia tăng này đủ lớn để bù đắp cho bất kỳ tổn thất nhỏ nào về việc làm trong ngành công nghiệp thuốc lá, nếu có xảy ra
[20].
5. Kết luận
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp và ở mức cao hơn đối với thuốc lá là một biện pháp dựa trên bằng chứng và mang lại lợi ích cùng thắng: thắng cho sức khỏe cộng đồng và thắng cho doanh thu thuế và ngân sách Chính phủ.
Với tỷ lệ hút thuốc lá bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại và với gánh nặng cao, ngày càng tăng về sức khỏe, chi phí kinh tế của việc sử dụng thuốc lá, đây chính là thời điểm chín muồi để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ với thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá để giải quyết hai điểm yếu cơ bản trong hệ thống thuế thuốc lá hiện tại. Đó là mức thuế thấp và thuế thuần túy theo tỷ lệ dựa trên giá bán của nhà sản xuất (cách đánh thuế mà có xu hướng khuyến khích các thương hiệu giá rẻ). Việc chuyển sang một hệ thống thuế hỗn hợp với mức thuế cao hơn sẽ giúp giải quyết những điểm yếu này.
Mô hình TaXSiM của WHO cho thấy cả hai phương án do Bộ Tài chính đề xuất đều có một số điểm tích cực, bao gồm hệ thống thuế hỗn hợp và tăng thuế thường xuyên hàng năm. Điều này sẽ giúp giảm sự sẵn có của các thương hiệu giá rẻ và giảm khả năng chi trả theo thời gian. Tuy nhiên, cả hai phương án đưa ra hiện nay sẽ không tăng thuế đủ cao để giảm hút thuốc xuống dưới mức mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.
Phương án do WHO khuyến nghị sẽ giúp củng cố hơn nữa những điểm tích cực trong các phương án của Bộ Tài chính và giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia, đó là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Phương án thuế này sẽ mang lại nguồn thu thuế nhiều hơn đáng kể cho Chính phủ.
Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tới là cơ hội để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá để mang lại lợi ích sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai và mang lại nhiều nguồn thu thuế hơn để tái đầu tư vào các ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia■
[1] Institute for Health Metrics and Evaluation (IHME),
Global Burden of Disease (GBD) Study 2021, http://vizhub.healthdata.org/gbd-compare, truy cập ngày 14/9/2024.
[2] Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam (Sarah Bales),
Báo cáo nghiên cứu Phân tích chi phí y tế quy thuộc cho hút thuốc: Cập nhật kết quả ước tính ở Việt Nam, 2023.
[3] Bộ Y tế,
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành 2010.
[4] Bộ Y tế,
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành 2015.
[5] World Health Organization, Viet Nam National NCD Risk Factor Survey (STEPS) 2021 (InPress).
[6] Tổng cục Thống kê,
Số liệu thống kê một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
[7] WHO,
Global Tobacco Control Report 2021, Supplementary materials on price of most sold brands.
[8] SEATCA (Southeast Asia Tobacco Control Alliance), Tobacco Atlas 5th Edition, 2021, p. 88.
[9] Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí Đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước và niên giám thống kê 2022.
[10] HealthBridge Việt Nam,
Điều tra giá một số nhãn thuốc lá tại một số thành phố Việt Nam, 2023.
[11] WHO,
The WHO Tobacco Tax Simulation Model - WHO TaXSiM User Guide, 2018.
[12] Goodchild M, Thu LT, The Son D, et al.,
Modelling the expected impact of cigarette tax and price increases under Viet Nam’s excise tax law 2015–2020, Tobacco Control Published Online First: 23 November 2020.
[13] NCI,
The Economics of Tobacco and Tobacco Control, National Cancer Institute Tobacco Control Monograph 21, NIH Publication No. 16-CA-8029A, Bethesda, MD: U.S. Department of Health and Human Services, National Institutes of Health, National Cancer Institute, 2016.
[14] Fuchs & Icaza,
The distributional effects of increases taxes on tobacco in Vietnam, Washington DC, World Bank, 2019.
Fuchs, Icaza & Paz, Distributional effects of tobacco taxation – a comparative analysis, Washington DC, World Bank, 2019.
[15] IARC,
Effectiveness of tax and price policies for tobacco control, IARC handbooks of cancer prevention: tobacco control, Volume 14, Lyon: International Agency for Research on Cancer, 2011.
Guindon GE, Nguyen TT Hien, Hoang V Kinh, McGirr E, Dang V Trung, Nguyen T Lam, Tobacco Taxation in Vietnam, Paris: International Union Against Tuberculosis and Lung Disease, 2010.
[16] World Bank,
Viet Nam’s Economy Poised for Gradual Recovery, 2024.
[17] Asian Development Bank,
Asian Development Outlook (ADO) April 2024, 2024.
[18] Anh Nguyen and Nguyen Hoang The,
Tobacco excise tax increase and illicit cigarette consumption: evidence from Viet Nam, Tobacco Control, 2020. 29: p. s275-s280.
[19] Bộ Y tế,
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành 2015.
[20] Hien Thu Thi Nguyen, Giang Long Thanh, and Pham Toan Ngoc,
Impacts of higher tobacco tax on output and employment in Viet Nam, Journal of Economics and Development, 2020. 22(1): p. 167-182.