Tóm tắt: Có một số quan ngại xung quanh đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Bộ Tài chính, đặc biệt về mức tăng thuế, tác động tới việc làm và buôn lậu. Trong bài viết này, qua phân tích các bằng chứng tổng hợp, các tác giả cho thấy, việc tăng thuế đủ lớn là cần thiết, các tác động tới việc làm và buôn lậu cũng là không đáng kể. Do vậy, cần ưu tiên việc tăng thuế thuốc lá nhằm đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng.
Từ khoá: Thuốc lá; thuế tiêu thụ đặc biệt; việc làm; buôn lậu.
Abstract: A proposed increase the special consumption tax by the Ministry of Finance on cigarettes raises several concerns, particularly with regard to the tax increase, its potential impact on employment, and the potential for smuggling. Within this article, with aggregated evidence analyses, the authors prove that a sufficient tax increase is necessary, and the effects on employment and smuggling are negligible. Therefore, it is necessary to prioritize increasing taxes on cigarettes to achieve the national target of reducing the rate of cigarette consumption.
Keywords: Cigarettes; special consumption tax; employment; smuggling.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ngày 13/6/2024, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý
[1]. Trong Dự thảo, thuế với sản phẩm thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030 với hai phương án. Phương án 1 sẽ bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng/bao vào năm 2026 và có lộ trình tăng dần lên thành 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 sẽ bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và có lộ trình tăng dần lên thành 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Với Dự thảo này, có một số quan ngại
[2] được đưa ra như liệu mức tăng thuế có gây sốc, có tác động tiêu cực tới việc làm và vấn đề buôn lậu thuốc lá hay không? Bài viết này đưa ra các bằng chứng nghiên cứu và lập luận chứng tỏ rằng các quan ngại nêu trên là thiếu cơ sơ.
1. Tăng thuế thuốc lá là cần thiết
Trái với quan điểm cho rằng, mức tăng thuế thuốc lá có thể gây sốc cho nền kinh tế, trước hết cần thấy việc tiếp tục tăng thuế thuốc lá là cần thiết nhằm giảm tiêu dùng, nâng cao sức khỏe và hạn chế các tổn thất do thuốc lá gây ra.
1.1. Tăng thuế là công cụ điều tiết của Nhà nước
Thuế TTĐB có vai trò điều tiết tiêu dùng đối với các sản phẩm có hại đối với sức khoẻ của con người như thuốc lá, rượu, bia và nhiều sản phẩm đồ uống có đường. Theo lý thuyết kinh tế học, quá trình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm này tạo ra một số tác động ngoại ứng (externalities) và tác động nội ứng (internalities) tiêu cực
[3]. Đối với sản phẩm thuốc lá, hiệu ứng tiêu cực bao gồm chi phí gây hại cho sức khoẻ và môi trường. Sự thất bại của thị trường xảy ra khi các nhà sản xuất các sản phẩm gây hại cho xã hội nhưng lại không phải chịu đầy đủ các chi phí này. Đồng thời, người tiêu dùng thuốc lá hôm nay sẽ phải chịu chi phí sức khoẻ trong tương lai. Như vậy, giá thành sản xuất và bán lẻ thuốc lá đang được xác định thấp do không tính toán đầy đủ các chi phí ngoại ứng và nội ứng.
Đây là một thất bại của thị trường mà công cụ thuế TTĐB có thể xử lý và điều tiết bằng cách tăng giá bán và tiêu dùng. Hiện nay, Nhà nước áp dụng khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với nhà sản xuất, nhập khẩu và cũng đã áp dụng thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng. Tuy nhiên, các mức thu này còn chưa đủ. Theo nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế Việt Nam (VHEA), ước tính chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp do bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra tại Việt Nam hằng năm là 108 nghìn tỷ đồng
[4]. Như vậy, với sản lượng tiêu thụ hiện nay vào khoảng 4,3 tỷ bao thuốc lá
[5], thì mỗi bao thuốc lá đang gây ra chi phí y tế cho xã hội lên đến 25 nghìn đồng (ước tính này vẫn còn chưa tính tới các thiệt hại môi trường).
Hình 1 minh hoạ chi phí trung bình trên một bao thuốc lá. Theo số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành toàn cầu (PGATS, năm 2022) của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, người tiêu dùng hiện chi trả trung bình cho mỗi bao thuốc là 15 nghìn đồng. Mức giá này là thấp vì với mỗi bao thuốc lá tiêu dùng, chi phí về y tế ước tính lên đến 25 nghìn đồng. Do vậy, cần sử dụng công cụ thuế TTĐB, mạnh hơn để người tiêu dùng cảm nhận đầy đủ chi phí do thuốc lá gây ra và có mức tiêu dùng hợp lý.
Hình 1. Chi phí y tế tính trên mỗi bao thuốc lá tiêu thụ
(Nguồn: tính toán của tác giả dựa trên số liệu PGATS năm 2022 và VHEA năm 2023)
1.2. Tăng thuế cần đủ lớn bù lại giai đoạn 6 năm không tăng thuế
Kể từ lần tăng thuế gần nhất năm 2019 đến năm 2026, Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn 6 năm không có tăng thuế. Đây là một thời gian quá dài, khiến cho giá thuốc lá vẫn rất rẻ và ngày càng rẻ đi tương đối so với thu nhập vẫn tăng trưởng hằng năm. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới năm 2021 là 41,1%
[6], mặc dù có giảm so với mức 45,3% năm 2015
[7], nhưng số liệu về tiêu thụ cho thấy sau một giai đoạn giảm đã có mức tăng trở lại
[8]. Mức tiêu thụ trong nước đã tăng từ 3.851 triệu bao vào năm 2020 lên 4.235 triệu bao vào năm 2021
[9]. Chính vì vậy, việc tăng thuế thuốc lá ở mức đủ cao là cần thiết để bù lại cho một giai đoạn dài không tăng thuế trước đó và kìm hãm lại sức mua thuốc lá.
1.3. Tăng thuế cần đủ lớn để đạt mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá
Ngoài các phân tích trên, phải thấy rằng, chính sách thuế cần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới cần giảm xuống dưới 36% vào năm 2030. Nội dung Chiến lược cũng đã nêu rõ: “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra”; và “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới”.
Hiện nay, theo các ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các phương án đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 37,5%, tức là mới tiến gần mục tiêu quốc gia. Để đạt được mục tiêu quốc gia thì cần tăng thuế ở mức cao hơn, với lộ trình đạt 15 nghìn đồng/bao vào năm 2030
[10].
2. Tăng thuế thuốc lá không làm gia tăng buôn lậu
2.1. Bằng chứng quốc tế cho thấy không có mối liên hệ giữa tăng thuế với tăng buôn lậu
Trước hết, cần thấy rằng, cho tới nay, các bằng chứng thực nghiệm cho thấy không có mối liên hệ giữa tăng thuế và tăng buôn lậu thuốc lá. Hình 2 minh hoạ tổng hợp của WHO, dựa trên phân tích số liệu từ 94 quốc gia, về mối liên hệ giữa giá bán lẻ thuốc lá và tỷ lệ buôn lậu. Kết quả cho thấy, nhiều quốc gia có tỷ lệ buôn lậu rất cao dù có mức thuế thấp (như Brazil, Pakistan…), trong khi nhiều quốc gia khác đánh thuế rất cao nhưng vẫn giữ được tỷ lệ buôn lậu ở mức thấp (như Úc, Singapore…).
Hình 2. Tỷ lệ thuốc lá lậu và giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá phổ biến (2018)
(Nguồn: WHO, Tobacco Tax Manual 2021)
2.2. Tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam đang có xu hướng giảm
Thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá lậu cũng đang có xu hướng giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN)
[11], tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá lậu đã giảm từ khoảng 20% ở giai đoạn 2010-2012 xuống 17% năm 2015 và dưới 14% năm 2017. Đặc biệt, năm 2016, Việt Nam có tăng thuế, điều này chứng tỏ rằng ngay cả trong giai đoạn tăng thuế thuốc lá thì tiêu thụ thuốc lá lậu vẫn có thể giảm.
Hình 3. Tỷ lệ thuốc lá lậu ngày càng giảm ở Việt Nam
2.3. Tăng thuế không chuyển dịch người tiêu dùng sang thuốc lá lậu
Cũng theo Báo cáo nghiên cứu của DEPOCEN năm 2019, lý do người tiêu dùng sử dụng thuốc lá lậu không phải vì giá rẻ hơn mà vì gu hút rất mạnh. Thị trường thuốc lá lậu có mức độ tập trung rất lớn, với 90% thị phần là một vài nhãn như Jet, Hero (phía Nam), ESSE (phía bắc). Người tiêu dùng mua thuốc lá lậu không phải do giá rẻ hơn, vì giá thuốc lá lậu cao hơn 30%-60% thuốc lá hợp pháp. Điều này có thể diễn giải là tồn tại một thị trường thuốc lá song lập với hai phân khúc người tiêu dùng khác nhau khá độc lập: thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu.
Theo phân tích thực nghiệm của DEPOCEN
[12], khi tăng thuế thuốc lá, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có xu hướng bỏ thuốc. Còn những người chưa bỏ thì chỉ tìm tới các sản phẩm thay thế tương tự: người đang hút thuốc lá nội giá cao hơn sẽ chuyển sang thuốc lá nội với giá thấp hơn, người đang hút thuốc lá ngoại giá cao hơn sẽ chuyển sang thuốc lá ngoại giá thấp hơn hoặc thuốc lá nội giá tương đương. Rất ít người đang hút thuốc lá nội chuyển sang thuốc lá ngoại, trong đó có nhiều sản phẩm nhập lậu.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, nếu kết hợp tăng thuế với tăng cường các biện pháp kiểm soát buôn lậu, một mặt sẽ hạn chế được nguồn cung, mặt khác việc này cũng làm tăng chi phí đối với hệ thống buôn lậu khiến họ buộc phải tăng giá. Kể cả không có ảnh hưởng này, thì động cơ tìm kiếm lợi nhuận cũng có xu hướng khuyến khích các sản phẩm lậu tăng giá cùng với tốc độ tăng của sản phẩm hợp pháp. Như vậy, khả năng người tiêu dùng chuyển dịch sang các sản phẩm lậu càng trở nên thấp hơn.
3. Tăng thuế thuốc lá không gây tác động lớn về việc làm
Lo ngại tăng thuế thuốc lá làm ảnh hưởng tới việc làm trong ngành thuốc lá là không có cơ sở. Trước hết, cần thấy rằng, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế, với tổng số lao động sản xuất hiện có khoảng 10 nghìn lao động
[13]. Hình 4 cho thấy, bản thân ngành sản xuất thuốc lá không cần sử dụng nhiều lao động nên trong giai đoạn từ năm 2010 trở lại đây số lượng lao động đã giảm đi đáng kể dù sản lượng vẫn tăng lên.
Hình 4. Số lao động trong ngành thuốc lá ngày càng giảm khi sản lượng tăng
Các nghiên cứu cũng cho thấy, tăng thuế có thể làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế
[14]. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về thuế thuốc lá năm 2017 chỉ ra rằng: “
Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế”.
Việc làm trong ngành nông nghiệp thuốc lá phụ thuộc vào các đặc tính kỹ thuật hơn là vấn đề thuế. Theo thống kê, mặc dù diện tích đất trồng giảm, nhưng năng suất tăng (Hình 5). Điều này chứng tỏ lao động trong ngành nông nghiệp trồng cây thuốc lá sẽ có xu hướng giảm nhưng không phải vì tăng thuế. Nhiều hộ gia đình cũng có thể không có bổ sung lao động do thanh niên lựa chọn việc làm ở khu vực công nghiệp/thành phố.
Hình 5. Diện tích đất trồng giảm, năng suất cây trồng thuốc lá tăng
(Nguồn: FAO Stat)
Ngoài ra, việc trồng cây thuốc lá cũng không nên coi là một hoạt động cần khuyến khích. Nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng năm 2009 cho thấy, việc trồng cây thuốc lá có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ của người nông dân từ lá, củi sấy… Điều tra của Viện Thiết kế nông nghiệp năm 2019 cho thấy, lợi ích kinh tế của việc trồng thuốc lá không lớn nếu tính đầy đủ các chi phí cơ hội và có thể chuyển dịch sang các loại cây trồng khác.
4. Kết luận và khuyến nghị về thuế thuốc lá ở Việt Nam
Từ các phân tích trên, chúng tôi cho rằng, hầu hết các quan ngại về ảnh hưởng không mong muốn của việc tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở hoặc có thể giải quyết được bằng các biện pháp bổ sung. Các phương án đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp cho từng loại mặt hàng, đặc biệt là việc bổ sung thuế tuyệt đối cho thuốc lá. Đối với sản phẩm thuốc lá: phương án 2 của Bộ Tài chính có tác động lớn hơn về mặt điều tiết tiêu dùng. Cả hai phương án của Bộ Tài chính có thể tiến gần tới mức đạt mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, cần tăng thuế theo khuyến cáo của WHO và đề xuất của Bộ Y tế: bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và có lộ trình tăng lên mức 15.000 đồng/bao năm 2030■
[1] Bộ Tài chính,
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-6598, truy cập ngày 20/9/2024.
[2] Báo Lao động,
Lo ngại tăng sốc thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng thuốc lá nhập lậu, https://laodong.vn/kinh-doanh/lo-ngai-tang-soc-thue-tieu-thu-dac-biet-se-lam-tang-thuoc-la-nhap-lau-1367449.ldo, truy cập ngày 20/9/2024.
[3] WHO, “
Health Taxes: Policies and Practices”, 2022.
[4] VHEA, “
Chi phí y tế của việc sử dụng thuốc lá”, 2023.
[5] Tổng hợp số liệu về sản lượng và tiêu thụ thuốc lá từ Tổng cục Thống kê và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, 2024.
[6] WHO và Bộ Y tế, “
Điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP)”, 2021.
[7] WHO và Bộ Y tế, “
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)”, 2015.
[8] Tổng hợp số liệu về sản lượng và tiêu thụ thuốc lá từ Tổng cục Thống kê và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, 2024.
[9] Tổng hợp số liệu về sản lượng và tiêu thụ thuốc lá từ Tổng cục Thống kê và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, 2024.
[10] WHO, “
Tính toán mô hình TaxSim cho các kịch bản tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam”, 2024.
[11] DEPOCEN, “
Báo cáo nghiên cứu về tiêu thụ thuốc lá lậu tại Việt Nam”, 2019.
[12] Anh Nguyen, Hoang Nguyen The, Nuong Ai Nguyen (2022), “
Brand-switching and tobacco taxation in Vietnam”, Tobacco Control, pp. 88-94.
[13] Tổng hợp số liệu về sản lượng và tiêu thụ thuốc lá từ Tổng cục Thống kê và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, 2024.
[14] Thu Hien Nguyen Thi, Long Thanh Giang, Toan Ngoc Pham (2020), "
Impacts of higher tobacco tax on output and employment in Vietnam", Journal of Economics and Development.