Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích khái quát về tài sản và đặc điểm pháp lý của tài sản, tác giả bài viết bình luận về định nghĩa "tài sản số" được đề cập trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và đưa ra một số ý kiến góp ý.
Từ khóa: Tài sản; tài sản số; Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Abstract: Based on a general analysis of assets and legal characteristics of the assets, the author of the article provides discussions on the definition of "digital assets" as reconiged in the Bill of Law on Digital Technology Industry and also gives a number of relevant recommendations.
Key words: Assets; digital assets; Bill of Law on Digital Technology Industry.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số
[1] (Dự thảo Luật) nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết vướng mắc pháp lý hiện nay là chưa có quy định pháp luật nào khẳng định "tài sản số" là một loại tài sản
[2]. Một trong những nội dung của Dự thảo Luật là khái niệm “tài sản số” lần đầu được định nghĩa. Khoản 1 Điều 14 Dự thảo Luật quy định: “
tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan”. Định nghĩa này đặt ra câu hỏi là liệu tiền ảo (virtual currency), tiền số (digital currency), tiền mã hóa (cryptocurrency), chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép (NFT), thông tin số (digital information), dữ liệu số (digital data), nội dung số (digital content), tên miền Internet (domain name), thư điện tử (email), tài khoản điện tử (electric account), trang tin điện tử (website), các vật thể khác tồn tại dưới hình thức điện tử như bản ghi âm, bản ghi hình, tranh, truyện... có được coi là tài sản số hay không?
1. Khái quát chung về tài sản và đặc điểm pháp lý của nó
Trước khi bàn về bản chất của khái niệm “tài sản số” (tài sản kỹ thuật số) - vốn có nguồn gốc từ thuật ngữ tiếng Anh “digital asset”- chúng ta cần trở lại khái niệm “tài sản”. Nếu như nhiều từ điển tiếng Việt còn định nghĩa khá sơ sài về tài sản, chẳng hạn “tài sản là của cải vật chất dùng để sản xuất hoặc tiêu dùng” hoặc “tài sản là mọi giá trị hữu hình (vật chất) hoặc vô hình (tinh thần) đem lại lợi ích thiết thực đối với chủ sở hữu”
[3], thì các bộ từ điển tiếng Anh định nghĩa rõ ràng hơn. Ví dụ, theo Collins Dictionary, “tài sản (asset hoặc property) là bất kỳ cái gì sở hữu được mà có giá trị trao đổi” hay Trung tâm Thông tin pháp lý của Đại học Luật Cornel (Hoa Kỳ) định nghĩa: “tài sản là một thứ gì đó có giá trị được sở hữu bởi một cá nhân hoặc tổ chức. Tài sản có thể là tài sản vật lý giống như một tòa nhà hoặc tài sản vô hình chẳng hạn như bằng độc quyền sáng chế”
[4]. Trong khi đó, Chuẩn mực kế toán quốc tế về Tài sản cố định vô hình (IAS 38) của Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IASB) định nghĩa: “tài sản là một nguồn lực: (1) được kiểm soát bởi doanh nghiệp dựa trên các sự kiện trong quá khứ và (2) từ đó các lợi ích kinh tế trong tương lai được mong đợi sẽ chảy vào doanh nghiệp đó”
[5].
Nếu phân loại tài sản dựa trên tiêu chí vật lý thì tài sản gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình là vật hữu hình (tòa nhà, xe cộ, điện thoại thông minh) với đặc trưng là chúng luôn có hình dạng vật lý khiến cho chúng có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy được. Tài sản cũng có thể tồn tại dưới dạng vật vô hình (quyền sử dụng đất, quyền cấp dưỡng, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ) có đặc trưng ở chỗ chúng không có hình dạng vật lý, không sờ hoặc không nhìn thấy được. Theo Black’s Law Dictionary, tài sản vô hình là cái gì đó không có hình dạng vật lý, một khái niệm trừu tượng, chẳng hạn như trách nhiệm, tài sản trí tuệ
[6]. Bộ tiêu chuẩn thống nhất thực hành thẩm định giá (USPAP) cũng cho rằng, tài sản vô hình là tài sản phi vật lý, bao gồm nhưng không giới hạn ở nhượng quyền kinh doanh, nhãn hiệu, bằng sáng chế, quyền tác giả, uy tín, vốn chủ sở hữu, quyền khai thác khoáng sản, chứng khoán và hợp đồng, khác với tài sản vật lý như các phương tiện và thiết bị
[7].
Tuy nhiên, không phải mọi thứ trong tự nhiên hoặc trong vũ trụ, dù là hữu hình hay vô hình, đều được coi là tài sản. Ví dụ, không ai có thể đòi quyền sở hữu đối với không khí trong tự nhiên dựa trên tuyên bố rằng nó là tài sản của mình, trừ khi anh ta có khả năng chiếm hữu, chi phối hoặc kiểm soát được không khí tự nhiên đó tách bạch hẳn với toàn bộ không gian chứa không khí tự nhiên đó. Cụ thể, anh ta thu nạp và tinh chế không khí tự nhiên vào một cabin (giả sử có công dụng chữa bệnh để có thể bán được) thì không khí tự nhiên trong cabin này trở thành tài sản của anh ta. Ví dụ này cho phép chúng ta suy luận được rằng, chiếm hữu, chi phối hoặc kiểm soát là yếu tố quan trọng để xem liệu một thứ bất kỳ có phải là tài sản hay không.
Khi giới thiệu nguyên tắc chiếm hữu trong Luật La Mã, một học giả giải thích rằng, chiếm hữu (possession) được [người La Mã] xây dựng bằng hai yếu tố căn bản: yếu tố vật chất khách quan (
corpus) là việc thực hiện trên thực tế các hành vi mang tính chất thể hiện quyền năng đối với tài sản và yếu tố ý chí chủ quan (
animus) là thái độ tâm lý thể hiện thành cung cách cư xử phù hợp với các quyền năng mà người chiếm hữu tự cho là có được đối với tài sản
[8]. Các học giả trên thế giới nhìn chung cùng đồng thuận cho rằng, chiếm hữu không thể áp dụng cho vật vô hình mà chỉ phù hợp với vật hữu hình
[9]. Đối với vật vô hình, chẳng hạn như dữ liệu số (digital data) hoặc đối tượng số (digital object), Viện quốc tế về thống nhất luật tư trong báo cáo có tên “Unidroit Principles on Digital Assets and Private Law” (Báo cáo Unidroit)
[10] cũng có quan điểm tương tự khi họ đề xuất thuật ngữ “kiểm soát” thay thế thuật ngữ “chiếm hữu”.
Như vậy, vì “tài sản số” là tập hợp con của “tài sản” nên theo quan điểm của tác giả, định nghĩa “tài sản số” vẫn phải bảo đảm hội đủ cả 3 đặc điểm pháp lý cơ bản (chứ không chỉ gồm 2 đặc điểm pháp lý)
[11]: (1) một cái gì đó (vô hình hoặc hữu hình); (2) có thể chịu sự quản lý và kiểm soát được sự tồn tại của chúng (nếu là vật vô hình) hoặc chiếm hữu/sở hữu được (nếu là vật hữu hình); và (3) có giá trị trao đổi.
2. Định nghĩa tài sản số trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chưa chỉ đích danh được cái gì vô hình là tài sản số
Tài sản số là thuật ngữ có nội hàm rất rộng, gồm rất nhiều thứ khác nhau như tệp số (digital file), bản ghi số (digital record), tài khoản thư điện tử (email account), tên miền (domain name), tài sản số trong trò chơi điện tử (in-game digital asset), tín chỉ carbon số (digital carbon credit), mã thông báo (crypto-token), NFT (non-fungible token)
[12]. Có thể khẳng định rằng, tài sản số có giá trị trao đổi trên thị trường toàn cầu, nghĩa là đặc điểm pháp lý thứ 3 của tài sản số đã tồn tại khách quan không cần bàn cãi. Ví dụ, tác phẩm nghệ thuật số “Everydays: The First 5.000 Days” của nghệ sĩ Mike Winkelmann (nghệ danh là Beeple) được bán với giá kỷ lục 69 triệu đô la Mỹ bởi nhà đấu giá Christie’s
[13].
Tuy nhiên, định nghĩa tài sản số ở Dự thảo Luật chưa thỏa mãn đặc điểm pháp lý số 1 “một cái gì đó vô hình hoặc hữu hình” vì 7 lý do sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 14 Dự thảo Luật không nêu tên ít nhất một vài dạng tài sản số đặc trưng, chẳng hạn như tiền mã hóa (cryptocurrency), NFT
[14] mà mới chỉ xác định tính chất (vô hình), hình thức thể hiện (dữ liệu số), thuộc tính kỹ thuật (xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử) làm cho định nghĩa về tài sản số trở nên mơ hồ, khó xác định được đối tượng vô hình (đặc trưng) nào được coi là tài sản số. Mặt khác, dường như ý định của Ban soạn thảo là xác định “đối tượng số” là “tài sản số” theo nghĩa rất rộng nhưng việc chỉ chọn cách giải thích “tài sản mã hóa là một loại tài sản số” ở khoản 2 Điều 14 chưa cho thấy rõ ý định thực sự của Ban soạn thảo là chọn cách tiếp cận định nghĩa rộng hay định nghĩa hẹp? Cách định nghĩa ở Dự thảo Luật làm nảy sinh câu hỏi là liệu tệp dữ liệu số (văn bản, tài liệu, hình ảnh tĩnh, bản ghi âm, bản ghi hình), tên miền Internet, emails, đồ chơi ở game trực tuyến, tài khoản mạng xã hội có được coi là tài sản số theo định nghĩa này hay không?
Thứ hai, cách định nghĩa này ở Dự thảo Luật không nhất quán với cách định nghĩa ở Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015): “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Để nhất quán với định nghĩa tài sản ở Điều 105, lẽ ra cần định nghĩa “tài sản số là quyền tài sản…” thay vì mở đầu định nghĩa nói rằng “tài sản số là tài sản vô hình”.
Thứ ba, các đặc trưng “vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử” ở định nghĩa tài sản số chỉ mang ý nghĩa giải thích thuật ngữ hơn là định nghĩa pháp lý về tài sản số, dẫn tới dễ làm người ta nhầm tưởng rằng định nghĩa này đang giải thích thuật ngữ “đối tượng số” (digital object) hơn là định nghĩa bản chất pháp lý của “tài sản số” (digital asset).
Thứ tư, không có bất kỳ điều luật nào ở BLDS 2015 đề cập đến “tài sản vô hình” mà chỉ để cập đến tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, do vậy, việc khẳng định “tài sản số là tài sản vô hình” sẽ làm phát sinh nhiều rắc rối, phức tạp cho quá trình áp dụng và giải thích pháp luật về sau.
Thứ năm, trong khi công chúng chưa rõ tài sản số là gì ở Dự thảo Luật thì họ lại phải dẫn chiếu đến tiêu chuẩn pháp lý khác được quy định bởi pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ hoặc luật khác để xác định liệu tài sản số được định nghĩa đó có phải là tài sản số được pháp luật bảo vệ hay không. Viện dẫn tới luật khác làm căn cứ bổ sung để xác định khi nào đối tượng số là tài sản số trong trường hợp này vừa làm cho định nghĩa thiếu tính dứt khoát, triệt để vừa không bảo đảm chính xác. Sở dĩ như vậy là vì định nghĩa tài sản ở Điều 105 BLDS 2015 về cơ bản là không phù hợp hoặc không thể áp dụng cho tài sản số vì tài sản số không phải là “vật”, cũng không phải là “tiền, giấy tờ có giá”.
Thứ sáu, việc định nghĩa xác định “tài sản số” là “quyền tài sản” - một dạng tài sản tồn tại độc lập bên cạnh “vật, tiền, giấy tờ có giá” theo tinh thần của BLDS 2015 theo tác giả cũng không thực sự phù hợp. Lý do ở đây là tài sản số không phải là quyền sử dụng đất, cũng không phải là bất kỳ quyền tài sản nào khác được quy định trong BLDS 2015 (chẳng hạn như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền của bên bảo đảm đối với tài sản bảo đảm)
[15].
Thứ bảy, về khía cạnh “tài sản số” được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật sở hữu trí tuệ, dường như Ban soạn thảo coi tài sản số là quyền tài sản được bảo hộ như quyền sở hữu trí tuệ. Về vấn đề này, tác giả thấy rằng, tài sản số cũng không phải là quyền sở hữu trí tuệ vì trong khi tài sản số có đặc trưng ở tính cạnh tranh (rivalrous) thì quyền sở hữu trí tuệ có bản chất không cạnh tranh (non-rivalrous). Để minh họa cho sự khác biệt về bản chất không cạnh tranh và cạnh tranh của quyền sở hữu trí tuệ và tài sản số, chúng ta có thể dẫn chiếu đến ví dụ của Giáo sư Juliet M. Moringiello thuộc Trường Luật Widener University Commonwealth (Mỹ). Theo đó, tài sản số là quyền đối với tài sản trên môi trường điện tử và mang tính cạnh tranh. Với ý nghĩa đó, tài sản số giống với tài sản hữu hình, cụ thể là khi một người ngồi ở một chiếc ghế này thì người khác không thể ngồi lên chiếc ghế đó nữa, một người đã đăng ký tên miền Internet thì người khác không thể đăng ký, hay đối với tài khoản mạng xã hội cũng tương tự như vậy. Khác với tài sản số, quyền sở hữu trí tuệ mang tính không cạnh tranh, chẳng hạn như một tác phẩm âm nhạc hoặc tác phẩm văn học có thể được thưởng thức bởi nhiều người cùng lúc nên dẫn tới hệ quả là tác giả bản nhạc hoặc tác phẩm văn học có quyền chống lại cả thể giới để tác giả đó có thể phân phối bản sao tác phẩm của anh ta thông qua việc cấp phép sử dụng (cấp li-xăng)
[16].
3. Định nghĩa tài sản số trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chưa xác định được cách thức nó được kiểm soát
Lý luận về tài sản vô hình đều thừa nhận rằng, tài sản vô hình luôn có 3 thuộc tính quan trọng. Chẳng hạn, Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, chỉ ra rằng 3 thuộc tính của tài sản vô hình gồm: (1) có khả năng xác định được; (2) khả năng kiểm soát (quyền thu được lợi ích từ tài sản); và (3) đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai (chẳng hạn như doanh thu hoặc giảm chi phí trong tương lai)
[17].
Theo quan niệm này, tài sản số được định nghĩa ở Dự thảo Luật chưa thỏa mãn thuộc tính “kiểm soát” hoặc “chịu sự kiểm soát”. Thuộc tính chịu sự kiểm soát đối với tài sản vô hình, trong đó có tài sản số được làm rõ hơn ở Báo cáo Unidroit, cụ thể Nguyên tắc 2 định nghĩa: “tài sản số (digital asset) có nghĩa là bản ghi điện tử (electric record) mà có khả năng chịu sự kiểm soát”, trong đó “bản ghi điện tử có nghĩa là thông tin mà: (1) được lưu trữ ở phương tiện điện tử, và (2) có khả năng truy xuất”.
Chịu sự kiểm soát ở đây được Báo cáo Unidroit giải thích là việc một người có khả năng kiểm soát tài sản số - tập hợp con của bản ghi điện tử. Cụ thể hơn, Nguyên tắc 6 quy định rằng, một người có khả năng kiểm soát tài sản số nếu: Tùy thuộc khả năng người này thay đổi quyền kiểm soát, và chấp thuận chia sẻ quyền kiểm soát tài sản số cho người khác, người đó có: (a) khả năng độc quyền ngăn người khác thu được hầu hết lợi ích từ tài sản số; (b) khả năng thu được hầu hết lợi ích từ tài sản số; và (c) khả năng độc quyền chuyển giao các khả năng này cho người khác.
Báo cáo Unidroit chứng minh vai trò quan trọng của yếu tố chịu sự kiểm soát bằng ví dụ sau: Ba bộ thông tin tạo nên bản ghi điện tử: một bộ là “Info Alpha” và bộ thứ hai là “Key Information”, theo mật mã khóa công khai, khiến hai bộ thông tin này có khả năng chịu sự kiểm soát thông qua khóa riêng liên quan. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là "Key Information” nhất thiết phải chứa khóa riêng, mà chỉ chứa thông tin khiến thông tin đó có thể kiểm soát được bằng khóa riêng. Hai bộ thông tin này tạo nên tài sản kỹ thuật số “Digital Asset Alpha”. Bộ thông tin thứ ba là “Info Beta”.
Mặc dù Info Beta được liên kết và có trong cùng một bản ghi điện tử với Digital Asset Alpha, nhưng việc thay đổi quyền kiểm soát Digital Asset Alpha để nó trở thành đối tượng kiểm soát thông qua "Key Information” khác nhau của bên chuyển nhượng sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát Info Beta. Thật vậy, Info Beta không có khả năng chịu sự kiểm soát. Chẳng hạn, quyền lợi đối với Bitcoin bao gồm một giao dịch đầu ra chưa chi tiêu (UTXO). UTXO có thể được liên kết với thông tin, chẳng hạn như thông tin có trong tiêu đề, là một phần của cùng một bản ghi điện tử như UTXO nhưng không có khả năng chịu sự kiểm soát. Thông tin tiêu đề không nhất thiết phải được chuyển giao do chi tiêu UTXO. Thông tin có trong tài sản kỹ thuật số cũng phải được phân biệt với thông tin liên quan như Info Beta hoặc bất kỳ tài sản nào khác theo bất kỳ cách nào được liên kết hoặc liên quan đến tài sản kỹ thuật số.
Vẫn theo ví dụ trên, Báo cáo Unidroit cho rằng, người mua ngay tình X mua Digital Asset Alpha mà không có quyền khiếu nại quyền sở hữu. Nhưng điều này không có nghĩa là X mua Info Alpha (ví dụ: X “sở hữu” Info Alpha, ngay cả khi thông tin đó có thể được xem là “sở hữu được” theo luật hiện hành). Thay vào đó, X chỉ mua Info Alpha trong chừng mực nó được liên kết với Key Information như một phần của Digital Asset Alpha. Info Alpha không chỉ tồn tại như một cấu phần của Digital Asset mà còn độc lập và tách biệt với Digital Asset. Inform Alpha cũng vậy – Info Alpha là Info Alpha bất kể thông tin đó được lưu trữ, tồn tại hay nhận thức như thế nào. Tuy nhiên, Digital Asset Alpha lại khác biệt, vì nó không chỉ bao gồm Info Alpha mà còn gồm Key Information. Info Alpha có thể là hình ảnh, bài thơ, sách, video, bài hát, cơ sở dữ liệu hoặc bất kỳ loại thông tin nào khác.
4. Nhận xét và đề xuất
Rất khó đưa ra định nghĩa pháp lý chuẩn mực về “tài sản” nói chung và “tài sản số” nói riêng, vì tài sản có thuộc tính động và có nội hàm rất rộng, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ Blockchain, Metaverse, Internet vạn vật (IoT) sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới (chẳng hạn như Nhật Bản, Pháp, Canada) chỉ quy định về tài sản thông qua việc phân loại chúng
[18].
Xác định bản chất pháp lý của “tài sản số” bằng định nghĩa ở Dự thảo Luật đặt trong bối cảnh khung pháp lý hiện hành về tài sản ở Việt Nam lại càng trở nên khó khăn hơn nữa vì các quy phạm pháp luật về “tài sản” dưới dạng “quyền tài sản” trong BLDS 2015 hiện hành đã trở nên tương đối lạc hậu, đặc biệt là hoàn toàn không phù hợp với tài sản số. Điều 450 BLDS 2015 về mua bán quyền tài sản là một minh chứng cho thấy tính lạc hậu của BLDS 2015 vì điều luật này không đủ khả năng điều chỉnh quan hệ mua bán các quyền tài sản có tính chất vô hình như tài sản số hoặc vô hình tuyệt đối (như quyền sở hữu trí tuệ)
[19].
Một vấn đề nữa quan trọng không kém là mối liên hệ phức tạp giữa tài sản số và tài sản cơ sở (underlying asset), nghĩa là tài sản số còn có mối liên hệ với tài sản cơ cở là tài sản vật lý ở thế giới thực mà người ta hay gọi là “asset-backed token” (tạm dịch là mã thông báo được hỗ trợ/bảo đảm bằng tài sản). Ví dụ, bản thân NFT là mã thông báo duy nhất và không thể thay thế thì cũng không thể bảo đảm rằng NFT là tài sản số hợp pháp để trở thành đối tượng của giao dịch mua bán hợp pháp như trong trường hợp một người dùng cuối (end-user) tạo ra tác phẩm nghệ thuật “Con hổ béo đang được tiêm vắc xin” dưới dạng tác phẩm nghệ thuật số NFT và chào bán trên sàn giao dịch BigVerse dẫn tới bị tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm này khởi kiện xâm phạm quyền tác giả tại Tòa án Internet Hàng Châu (Trung Quốc)
[20].
Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều nước phát triển đã ban hành báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về tài sản số ở Báo cáo Unidroit và Báo cáo tài sản số của Ủy ban cải cách luật pháp (thuộc Vương quốc Anh) trình Nghị viện Anh, tác giả xin đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu lựa chọn một trong ba phương án sau:
- Phương án 1: Xây dựng lại định nghĩa tài sản số theo Báo cáo Unidroit.
- Phương án 2: Bỏ định nghĩa tài sản số (bỏ Điều 14 Dự thảo Luật), sửa đổi các điều luật khác có liên quan ở Dự thảo Luật để chỉ tập trung vào phân loại tài sản số và tiêu chí xác định tài sản số (đặc biệt là tiêu chí “chịu sự kiểm soát”) và cũng chỉ nên áp dụng cho một vài loại tài sản số.
- Phương án 3: Bỏ định nghĩa tài sản số ở Dự thảo Luật và đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng định nghĩa tài sản số phù hợp với khái niệm tài sản trong BLDS 2015 (đặc biệt là các điều 105, 115, 450 và các điều luật liên quan khác)■
[2] Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo:
Một số vấn đề về sở hữu, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 01/7/2022 do Bộ Tư pháp tổ chức. Nguồn:
Nhiều vướng mắc pháp lý quy định về “tài sản số”, xem tại: https://baochinhphu.vn.
[3] Xem: Nguyễn Như Ý (chủ biên),
Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Từ điển học,
Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, năm 2013.
[4] Collins Dictionary, định nghĩa ASSET: ASSET definition and meaning | Collins English Dictionary, xem tại: https://www.collinsdictionary.com, truy cập ngày 8/9/2024;
Legal Information Institue (Cornell Law School), định nghĩa ASSET, xem tại: https://www.law.cornell.edu/wex/asset, truy cập ngày 08/9/2024.
[5] Theo International Accounting Standard 38 (IAS 38) được ban hành bởi Hội đồng Tiêu chuẩn kế toán quốc tế (tên gọi trong tiếng Anh là “International Accounting Standards Board” hoặc viết tắt là “IASB”) thuộc Quỹ IFRS, một tổ chức vì lợi ích công cộng, phi lợi nhuận được thành lập để phát triển các tiêu chuẩn công bố về kế toán và tính bền vững chất lượng cao, dễ hiểu, có thể thực thi và được chấp nhận trên toàn cầu. Xem: IFRS - Home.
[6] Black's Law Dictionary, 8th Ed., 2004.
[7] Uniform Standards of Professional Appraisal Practice (USPAP), Appraisal Standards Board, 2004 Ed.
[8] Nguyễn Ngọc Điện,
Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14/2010.
[9] João Marinotti, Phó giáo sư của Trường Luật Maurer, Đại học Indiana (Hoa Kỳ),
Possessing Intangibles, tr. 1; Eric Descheemaeker, Giáo sư của Melbourne Law School (Australia),
The Consequences of Possession, Edinburgh University Press, phần tóm tắt.
[10] Unidroit Principles on Digital Assets and Private Law, Digital Assets and Private Law - UNIDROIT, điểm 6.4 và điểm 6.5, tr. 53.
[11] Vũ Thị Hồng Yến,
Khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự và kiến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, xem tại: https://lapphap.vn/Pages/trangchu.aspx, truy cập ngày 8/9/2024. Tác giả cho rằng, để nhận diện tài sản nhất định phải chỉ ra được đặc điểm pháp lý của chúng, theo đó tài sản phải có ít nhất 2 đặc điểm pháp lý gồm: (1) tài sản là đối tượng mà con người có thể sở hữu được (nếu tài sản là vật vô hình thì con người phải có cách thức để quản lý và kiểm soát sự tồn tại của chúng); và (2) tài sản phải mang lại những lợi ích nhất định cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền.
[12] Báo cáo tài sản số của Ủy ban cải cách luật pháp (thuộc Vương quốc Anh) trình Nghị viện Anh, Digital Assets: Final Report, Law Commission Reforming the Law, Law Com No 412 (2023), tr. 1.
[13] Forbes, Beeple NFT Sells For $69.3 Million, Becoming Most-Expensive Ever: Beeple NFT Sells For $69.3 Million, Becoming Most-Expensive Ever, xem tại: https://forbes.com, truy cập ngày 21/9/2024.
[14] Công ty cổ phần chứng khoán DNSE,
Tiền điện tử là gì? Các loại tiền điện tử ở Việt Nam, xem tại: https://dnse.com.vn, truy cập ngày 8/9/2024. Theo DNSE, thuật ngữ cryptocurrency thường được hiểu là các loại tiền mã hóa (hay còn gọi là tiền điện tử) đang hoạt động trên Internet. Tiền điện tử thực ra là thuật ngữ có nghĩa rộng hơn tiền mã hóa, nói cách khác tiền điện tử gồm có 3 loại chính: tiền số pháp định, tiền ảo (virtual money) và tiền mã hóa (điển hình nhất là Bitcoin và Ethereum).
Báo điện tử VnExpress, NFT là gì? Nguồn gốc, cách sử dụng và nguy cơ ra sao?, xem tại: https://vnexpress.net), truy cập ngày 8/9/2024. VnExpress giải thích NFT có ý nghĩa khi mỗi đơn vị của tài sản khác biệt với tất cả đơn vị khác và không thể thay thế cho nhau. NFT là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một Blockchain và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. Nhờ vào bản chất an toàn của công nghệ Blockchain, hồ sơ về quyền sở hữu luôn có sẵn, không thể được sửa đổi và bảo đảm rằng chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm.
[15] Điều 115 BLDS 2015. Quyền tài sản: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
[16] Juliet M. Moringiello, Widener University Commonwealth Law school, Digital assets in bankcrupcy and secured transactions or, contracted property: SBLI 2019.pdf, xem tại: https://sbli-inc.org, truy cập ngày 7/9/2024.
[17] Deloitte, IAS 38 - Intangible Assets, xem tại: https://iasplus.com, truy cập ngày 07/9/2024. Deloitte cho rằng, tài sản vô hình là tài sản phi tiền tệ có thể xác định được mà không có hình thái vật lý. Tài sản là nguồn lực do đơn vị kiểm soát, do các sự kiện trong quá khứ (ví dụ, mua hoặc tự tạo) và từ đó kỳ vọng sẽ có lợi ích kinh tế trong tương lai (dòng tiền vào hoặc tài sản khác) [IAS 38.8]. Do đó, ba thuộc tính quan trọng của tài sản vô hình là: (1) khả năng xác định được; (2) khả năng kiểm soát (quyền thu được lợi ích từ tài sản); và (3) lợi ích kinh tế trong tương lai (như doanh thu hoặc chi phí trong tương lai giảm).
[18] Unidroit Principles on Digital Assets and Private Law, tlđd.
[19] Điều 450 BLDS 2015. Mua bán quyền tài sản
1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.
[20] Lê Quang Vinh, NFT xâm phạm quyền tác giả và xác định trách nhiệm pháp lý của OSP lần đầu tiên được quyết định bởi một Tòa án của Trung Quốc, xem tại: https://bross.vn, truy cập ngày 09/9/2024.