Tóm tắt: Luật Công chứng năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng cho các chủ thể tham gia xác lập, thay đổi, chấm dứt các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Luật Công chứng năm 2014 vẫn còn một số hạn chế cần được tiếp tục hoàn thiện. Do đó, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang trong quá trình xây dựng và ban hành được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc của pháp luật hiện hành. Trong bài viết, tác giả phân tích, góp ý đối với một số quy định trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm góp phần hoàn thiện và tạo sự thống nhất với các quy định pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Từ khóa: Luật Công chứng; công chứng;công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng.
Abstract: The Law on Notarization of 2014 is considered an important legal lobby to facilitate the participants to establish, amend and terminate civil transactions. However, there are a number of provisions under the Law on Notarization of 2014 still have certain drawbacks that need to be reviewed for further improvements. Therefore, the Draft Law on Notarization (amended) is expected to be able to tackle those shortcomings and obstacles of the existing law, ensure and further improve the enforcement of the provisions of the laws on notarization. Within this article, the author provides discussions and comments on a number of provisions of Draft Law on Notarization (amended) to improve legal regulations and contribute to creating consistency with other important specialized legal regulations.
Keywords: Law on Notarization; notarization; the notary; professional notary service provider.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Về phạm vi điều chỉnh
Theo Tờ trình số 183/TTr-CP ngày 25/4/2024 của Chính phủ thì một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) (sau đây gọi là Dự thảo Luật) là: “Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi điều chỉnh, bao gồm các quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Tuy nhiên, các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh đều được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản nhằm bảo đảm tính đồng bộ về thể chế, phù hợp với mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)”. Do đó, Dự thảo Luật nếu được ban hành sẽ đáp ứng nhu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động công chứng ở tầm cao nhất. Nói cách khác, đây sẽ là một đạo luật quan trọng và điều chỉnh có hiệu quả những vấn đề liên quan đến hoạt động công chứng. Muốn thực hiện được điều này thì trước hết Dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể, khả thi để có thể áp dụng được ngay mà không cần phải giải thích, hướng dẫn thi hành.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh thì Dự thảo Luật
[1] đưa ra 02 phương án như sau:
“Phương án 1:
Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Phương án 2:
1. Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
2. Luật này áp dụng đối với các giao dịch dân sự bằng văn bản (sau đây gọi là giao dịch) phải công chứng được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Luật này và các giao dịch khác do tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Nghiên cứu 02 phương án trên, có thể nhận thấy, sự khác biệt giữa hai phương án là quy định về áp dụng Luật này đối với các giao dịch dân sự bằng văn bản phải công chứng được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo cũng như các giao dịch khác do tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng. Trong 02 phương án trên, tác giả đồng ý với phương án 2. Nếu phạm vi điều chỉnh chỉ đơn thuần quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng như quy định của phương án 1 thìDự thảo Luật thực chất chỉ là việc sửa đổi các quy định đã lỗi thời trong Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, sự sửa đổi này là không cơ bản và cũng không phù hợp với quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Dự thảo Luật là: “Các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh đều được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản nhằm bảo đảm tính đồng bộ về thể chế, phù hợp với mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)”.
Phải nhận thức được rằng, Dự thảo Luật là đạo luật hoàn thiện nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động công chứng, bao gồm cả vấn đề áp dụng Luật này đối với các giao dịch dân sự bằng văn bản phải công chứng được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo cũng như các giao dịch khác do tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng. Do đó, Dự thảo Luật không thể “từ bỏ” việc điều chỉnh nội dung này mà “nhường quyền” lại cho các văn bản khác. Nếu bất kỳ một văn bản pháp luật nào cũng đặt ra một “lối đi riêng” và chỉ xem Dự thảo Luật đóng vai trò “dự bị” thì hệ thống pháp luật sẽ phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo và trong nhiều trường hợp Dự thảo Luật sẽ bị “vô hiệu hóa”. Vì lẽ này mà phương án 2 nên được ưu tiên lựa chọn.
2. Về những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên
Trong hoạt động công chứng, công chứng viên giữ vai trò rất quan trọng và được xem là“Thẩm phán phòng ngừa”
[2]. Chính vai trò quan trọng này của công chứng viên mà việc bổ nhiệm công chứng viên được pháp luật quy định rất cụ thể. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định chi tiết về những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên. Theo Điều 12 Dự thảo Luật thì những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên bao gồm:
“1. Không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
2. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
3. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
5. Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức của Phòng công chứng hoặc viên chức, công chức khác của Sở Tư pháp thuộc đối tượng điều động, luân chuyển về Phòng công chứng sau khi được bổ nhiệm công chứng viên; đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
6. Người đang là thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá hoặc đang kiêm nhiệm các công việc theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 7 của Luật này.
7. Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm; công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc.
8. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực; người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá viên, quản tài viên, bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại, tư vấn viên pháp luật, thẩm định viên về giá mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng đó”.
Theo quy định trên, có 08 trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên. Trong 08 trường hợp này có thể chia ra các lý do dẫn đến không bổ nhiệm công chứng viên. Thứ nhất, cá nhân không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên (như không đáp ứng được độ tuổi hoặc bằng cấp…) hoặc không còn đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi để thực hiện hoạt động của một công chứng viên (khoản 1, khoản 4 Điều 12 Dự thảo Luật). Thứ hai, cá nhân đang đảm nhận một chức vụ, chức danh mà không thể kiêm nhiệm công chứng viên (khoản 5, khoản 6 Điều 12 Dự thảo Luật). Thứ ba, cá nhân đang bị áp dụng chế tài pháp lý như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (khoản 2, khoản 3 Điều 12 Dự thảo Luật). Thứ tư, cá nhân bị kết án hình sự mà chưa được xóa án tích hoặc đã được xóa án tích nhưng bị kết án về tội phạm do lỗi cố ý (khoản 2 Điều 12 Dự thảo Luật). Thứ năm, cá nhân đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết một thời hạn nhất định kể từ ngày quyết địnhkỷ luật hoặc quyết định xử phạt có hiệu lực pháp luật (khoản 8 Điều 12 Dự thảo Luật). Như vậy, trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Dự thảo Luật không thuộc nhóm các lý do kể trên. Vậy lý do gì khiến cho nhà làm luật quy định không bổ nhiệm công chứng viên đối với những cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 12 Dự thảo Luật này?
Nghiên cứu khoản 7 Điều 12 Dự thảo Luật, có thể thấy, những cá nhân này thực hiện các hoạt động mang tính quyền lực công (cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp…) hoặc dịch vụ công (viên chức)
[3]. Đối với những chủ thể này, khi vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xử lý kỷ luật. Những cá nhân khi bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất (bãi nhiệm đối với cán bộ; buộc thôi việc đối với công chức, viên chức; tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp) thì sẽ không được bổ nhiệm công chứng viên.
Theo tác giả, quy định trên có phần quá khắt khe đối với viên chức. Xuất phát từ sự khác biệt giữa cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp (thực thi công vụ có tính quyền lực nhà nước) với viên chức (thực hiện công việc mang tính chuyên môn nghiệp vụ) nên việc áp dụng chung mô hình quản lý cán bộ, công chức đối với viên chức là không phù hợp. Nói cách khác, nếu như hoạt động của cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp mang tính quyền lực nhà nước thì hoạt động của viên chức chỉ thuần túy mang tính chuyên môn, nghiệp vụ. Khi cán bộ, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp bị áp dụng hình thức kỷ luật nặng nhất tương ứng với vị trí việc làm thì đã thể hiện sự “trừng trị” nặng nề của Nhà nước đối với những người thực thi công quyền. Những người này tuy đại diện cho Nhà nước nhưng đã thực hiện quyền lực nhà nước không phù hợp nên dẫn đến việc bị bãi nhiệm, bị buộc thôi việc, bị tước dan hiệu Quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân... Do đó, họ không còn uy tín và cơ hội để trở thành “Thẩm phán phòng ngừa”. Tuy nhiên, đối với viên chức - những người làm công ăn lương và thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ thì thiết nghĩ không nên cấm đoán họ được trở thành công chứng viên ngay cả khi trong quá khứ họ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Tham khảo Điều 19 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP) thì có nhiều vi phạm dẫn đến việc viên chức bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Tuy nhiên, các vi phạm này không liên quan đến việc thực hiện quyền lực nhà nước. Đơn cử, trường hợp viên chức được cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận là nghiện ma túy thì sẽ bị buộc thôi việc
[4]. Câu hỏi đặt ra là sau khi bị buộc thôi việc và viên chức đã cai nghiện ma túy thành công thì có được bổ nhiệm công chứng viên hay không nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên quy định tại Điều 8Dự thảo Luật?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 12 Dự thảo Luật thì viên chức sẽ không được bổ nhiệm công chứng viên. Tuy nhiên, quy định này có phần khiên cưỡng và có thể tạo ra sự không nhất quán với các quy định pháp luật hiện hành. Điểm c khoản 1 Điều 40 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2023/NĐ-CP) quy định: “sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước”. Như vậy, sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, người bị buộc thôi việc hoàn toàn có thể đăng ký dự tuyển viên chức vào phòng công chứng - một đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Tư pháp. Quá trình làm việc và phấn đấu của viên chức này hoàn toàn có thể được ghi nhận bằng chức danh nghề nghiệp công chứng viên nếu khoản 7 Điều 12 Dự thảo Luật không đưa ra quy định cấm đoán.
Một điều đáng lưu ý là ngay cả khi một người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với thời gian dài nhất là 24 tháng
[5] thì khi cai nghiện thành công, họ vẫn có cơ hội được bổ nhiệm công chứng viên. Do đó, việc không bổ nhiệm công chứng viên đối với viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc cần được nghiên cứu thấu đáo. Theo tác giả, có thể tiếp thu tinh thần của khoản 8 Điều 12 Dự thảo Luật khi quy định về việc không bổ nhiệm công chứng viên đối với viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc trong trường hợp chưa hết một thời hạn nhất định. Cụ thể, Dự thảo Luật có thể quy định “không bổ nhiệm công chứng viên đối với viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc khi chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực”. Thiết nghĩ 03 năm cũng là khoảng thời gian cần thiết để viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc tự xem xét, điều chỉnh hành vi và phấn đấu để có thể được bổ nhiệm công chứng viên. Tất nhiên, việc bổ nhiệm công chứng viên đối với viên chức đã từng bị kỷ luật bằng hìnhthức buộc thôi việc cũng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Dự thảo Luật.
3. Về những trường hợp tạm đình chỉ hành nghề công chứng
Điều 13 Dự thảo Luật quy định về các trường hợp tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Theo đó, công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp: i. bị truy cứu trách nhiệm hình sự; ii. bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với công chứng viên, Sở Tư pháp nơi cấp Thẻ công chứng viên ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Khi bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng thì công chứng viên không được tiến hành hoạt động công chứng.
Cũng theo Dự thảo Luật thì thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng từ 01 tháng đến 12 tháng và quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng có thể chấm dứt trước thời hạn trong các trường hợp công chứng viên không còn bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên công chứng viên không có tội. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh về việc chấm dứt việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng, Sở Tư pháp ra quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng
[6]. Trường hợp hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng - tức là quá thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng tối đa là 12 tháng mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì công chứng viên sẽ bị miễn nhiệm
[7].
Theo Điều 89, 93, 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022) thì thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng, thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng và thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng. Như vậy, khi công chứng viên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc mà thời hạn áp dụng dưới 12 tháng thì quy định về tạm đình chỉ hành nghề công chứng có ý nghĩa pháp lý. Tuy nhiên, nếu công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì quy định về tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý. Khi công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cho dù với thời hạn tối thiểu là 12 tháng thì thời hạn này cũng bằng thời hạn tối đa tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Trên thực tế, hầu như không có khả năng công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không quá thời hạn tối đa tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Đó là chưa tính đến khoảng thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của công chứng viên kèm theo giấy tờ chứng minh về việc chấm dứt việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng thì Sở Tư pháp mới ra quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Tổng hợp các mốc thời hạn này lại với nhau, sẽ không thể tồn tại trường hợp công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không quá thời hạn tạm đình chỉ hành nghề công chứng. Như vậy, trong trường hợp công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì sẽ luôn bị miễn nhiệm. Việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng đối với công chứng viên chỉ là một bước đệm để dẫn đến hậu quả chắc chắn là công chứng viên bị miễn nhiệm. Do đó, để loại trừ quy định không có ý nghĩa pháp lý này thì cần sửa đổi khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật là: “công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chínhgiáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc”. Đồng thời, bổ sung vào khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật một điểm với quy định rõ ràng, công chứng viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì sẽ bị miễn nhiệm.
4. Vấn đề công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng
Hiện nay, khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 quy định việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Theo quy định này, một trong những lý do công chứng viên có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở là người yêu cầu công chứng “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.
Thực tiễn triển khai thi hành cho thấy, đây là một quy định tùy nghi, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Quy định này nếu không được giải thích cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng tiến hành công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng một cách tùy tiện, mở đường cho hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện nay, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng ngoài trụ sở khá phổ biến vì có thể cho rằng người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng (bận việc, đau ốm, địa lý cách trở nên khó đi lại)
[8]. Đổi lại, người yêu cầu công chứng sẽ phải trả một khoản thù lao cao hơn để thực hiện công chứng ngoài trụ sở
[9].
Về nguyên tắc, việc công chứng phải thực hiện tại trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng. Đây là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ của văn bản công chứng. Dự thảo Luật bên cạnh việc duy trì các trường hợp cho phép công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng như khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 (không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù) thì còn bổ sung thêm các trường hợp được xem là lý do chính đáng khác mà không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Cụ thể, đó là các trường hợp: i. đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; ii. đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng; iii. đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Nhìn chung, (i) và (ii) là những trường hợp mà người yêu cầu công chứng không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để công chứng vì các lý do chính đáng. Do đó, việc cho phép công chứng được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, đối với trường hợp (iii) thì nhà làm luật cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì biện pháp xử lý hành chính bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khác với ba biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không cách ly người bị áp dụng ra khỏi cộng đồng. Nói cách khác, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng ngay tại địa phương, không tước tự do của người bị áp dụng, vì vậy, người bị áp dụng biện pháp này vẫn có thể sinh sống, học tập, làm việc ngay tại địa phương. Mặc dù người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chịu sự giáo dục, quản lý của cơ quan, tổ chức xã hội và người được phân công giúp đỡ
[10] nhưng do không bị cách ly khỏi cộng đồng nên người này hoàn toàn có thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để công chứng. Do đó, Dự thảo Luật cho phép người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của của tổ chức hành nghề công chứng là không hợp lý.
Thiết nghĩ,việc công chứng tại trụ sở không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tham gia mà còn bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự. Hiện nay, hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng đều được đặt ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho hoạt động công chứng. Trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng lại được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động công chứng. Do đó, cần hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng mà xét thấy không cần thiết như trường hợp cá nhânđang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, ngoài biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên thì Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 còn quy định biện pháp cai nghiện ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thì người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi không tự nguyện cai nghiện ma túy. Biện pháp cai nghiện này do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính[11].
Khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật quy định: “Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch mà mình thực hiện”. Ngoại trừ các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý thì người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự
[12]. Vì lẽ này mà người chưa thành niên có thể trở thành người yêu cầu công chứng. Trên thực tế, người chưa thành niên thường yêu cầu công chứng các giao dịch liên quan đến mua bán, tặng cho, khai nhận di sản
[13]… Vấn đề có tính pháp lý đặt ra là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đang bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng hay không?
Xem xét toàn bộ Dự thảo Luật thì không có quy định cho phép người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp cai nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quyền yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Khi người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp cai nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì mặc dù bị cách ly khỏi cộng đồng nhưng do biện pháp này không phải là biện pháp xử lý hành chính nên chắc chắn không được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Đây là một điều không hợp lý. Do đó, bên cạnh việc loại bỏ trường hợp được quyền yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng là cá nhânđang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì Dự thảo Luật cần bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niênđang bị áp dụng biện pháp cai nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền yêu cầu công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
5. Vấn đề giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng
Khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật quy định khi yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng phải nộp giấy tờ tùy thân. Ở nước ta, mặc dù có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về thuật ngữ “giấy tờ tùy thân”
[14] nhưng chưa có văn bản nào định nghĩa thế nào là giấy tờ tùy thân và cũng chưa có văn bản nào liệt kê đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2020/NĐ-CP và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP) (sau đây gọi là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) thì:“Người yêu cầu đăng ký khai sinh, khai tử xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân”. Như vậy, khi quy định về “giấy tờ tùy thân”, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngoài việc liệt kê một số giấy tờ cụ thể (như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân) thì còn áp dụng kỹ thuật khái quát hóa là “các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2013) thì: “Chứng minh nhân dân là một loại
giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và
thực hiện các giao dịchtrên lãnh thổ Việt Nam”. Nghị định số 130/2008/NĐ-CP ngày 19/12/2008 của Chính phủ quy định Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ cấp cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đang phục vụ tại ngũ. Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được sử dụng để thực hiện các giao dịch dân sự
[15]. Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp
Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng cho người được cấp nhằm chứng minh họ là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Người được cấp có thể sử dụng loại giấy tờ này để thực hiện các giao dịch dân sự
[16].
Điều 20 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: “Thẻ Căn cước công dân là
giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ
để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2023) thì
hộ chiếu làgiấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Do hộ chiếu có chứa các thông tin về nhân thân và có thể được sử dụng để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam
[17] nên hộ chiếu cũng được xem là một loại giấy tờ tùy thân
[18].
Hiện nay, Luật Căn cước năm 2023 còn quy định thêm hai loại giấy tờ tùy thân là
thẻ căn cước và
giấy chứng nhận căn cước. Cụ thể,
thẻ căn cước là “
giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp”
[19]. Trong khi đó,
giấy chứng nhận căn cước là
“giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp”
[20]. Cả thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước đều có thể được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam
[21].
Từ việc phân tích các quy định pháp luật trên, theo tác giả, “giấy tờ tùy thân” phải là loại giấy tờ đáp ứng được các đặc điểm sau: i. là loại giấy tờ được quy định trong hệ thống pháp luật, ii. phải do cơ quan có thẩm quyền cấp, iii. có thông tin về nhân thân và có dấu vết nhận dạng, iv. còn thời hạn sử dụng và là loại giấy tờ giúp cho cá nhân có quyền tham gia các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Loại giấy tờ nào thỏa mãn đầy đủ các điều kiện trên mới có thể được xem là “giấy tờ tùy thân”. Do đó, không phải bất cứ giấy tờ nào có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng đều được xem là giấy tờ tùy thân. Chính vì lý do này mà quy định dự phòng “các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp” trong Nghị định số 123/2015/NĐ-CP là chưa thật sự chính xác.
Cần lưu ý là hiện nay, bên cạnh Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì pháp luật còn quy định về Giấy chứng minh Công an nhân dân. Theo Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 08/5/2008 của Chính phủ thì Giấy chứng minh Công an nhân dân là loại giấy chỉ cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đang phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2008/NĐ-CP không quy định việc sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân vào mục đích giao dịch dân sự. Do đó, Giấy chứng minh Công an nhân dân cũng không phải là một loại giấy tờ tùy thân được sử dụng khi yêu cầu công chứng theo quy định tại Điều 39 Dự thảo Luật. Tương tự, các loại giấy tờ khác như thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe… cũng không thể được xem là giấy tờ tùy thân để có thể sử dụng trong các giao dịch dân sự và tham gia quan hệ pháp luật công chứng.
Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính minh bạch, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Do đó, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể các loại giấy tờ tùy thân mà cá nhân phải nộp khi yêu cầu công chứng. Theo thống kê của tác giả, Dự thảo Luật chỉ một lần đề cập đến thuật ngữ “giấy tờ tùy thân” nên có thể thay thế thuật ngữ này bằng việc liệt kê các loại giấy tờ có chứa các thông tin về nhân thân và có thể được sử dụng khi tham gia vào quan hệ pháp luật công chứng.
Như đã trình bày, chứng minh nhân dân; chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cước công dân; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; hộ chiếu sẽ là các loại giấy tờ được sử dụng để yêu cầu công chứng. Ngoài ra, các loại giấy tờ khác sẽ không thể là giấy tờ được sử dụng để yêu cầu công chứng. Quy định cụ thể như trên không chỉ bảo đảm tính rõ ràng trong quy phạm pháp luật mà còn tạo sự thống nhất trong thực hiện pháp luật■
[1] Dự thảo xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức, tháng 9/2024.
[2] Tuấn Đạo Thanh (2006), “
Góp ý Dự thảo Luật Công chứng: xã hội hóa công chứng - những yêu cầu đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5.
[3] Cao Vũ Minh (2012), “
Một số điểm tiến bộ và hạn chế của Luật Viên chức năm 2010”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 6.
[4] Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 71/2023/NĐ-CP).
[5] Khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022) quy định: “Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng”.
[6] Điểm b khoản 3 Điều 13 Dự thảo Luật Công chứng.
[7] Điểm e khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật Công chứng.
[8] Đặng Thu In (2021), “Hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15.
[9] Phan Hải Hồ (2012), “
Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với Văn phòng công chứng”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14.
[10] Điểm c khoản 2 Điều 36 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
[11] Khoản 4 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
[12] Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[13] Báo cáo số 345/BC-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ngày 30/11/2020 tổng kết công tác tư pháp năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
[14] Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019, Điều 130 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[15] Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 130/2008/NĐ-CP.
[16] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP.
[17] Điểm e khoản 1 Điều 5 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (sửa đổi, bổ sung năm 2023).
[18] Nguyễn Chí Dũng (2007),
Từ hộ chiếu tới mã số nhận dạng cá nhân trong giao dịch dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, Số chủ đề hiến kế lập pháp số 29 (110), tr.43-51.
[19] Khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023.
[20] Khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước năm 2023.
[21] Điểm d khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Căn cước năm 2023.