Tóm tắt: Sau 10 năm thi hành, Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế. Việc sửa đổi Luật Công chứng là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng. Trong bài viết này, các tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và góp phần tạo sự thống nhất với các quy định pháp luật chuyên ngành quan trọng khác.
Từ khóa: Luật Công chứng; công chứng; công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng.
Abstract: After 10 years of enforcement, the Law on Notarization of 2014 has appeared to have a number of shortcomings. The amendment of the Law on Notarization is necessary to establish a legal ground for a new development step of notarization activities according to the policy of socialization, digital transformation, and improvement of the quality and sustainability of notarization activities. Within this article, the authors focus on analyzing a number of legal matters in the Bill of Law on Notarization (amended) to further improve legal regulations and also the consistency with other important specialized legal provisions.
Keywords: Law on Notarization; notarization; notary; professional notary service provider.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Công chứng ra đời xuất phát từ nhu cầu khách quan của đời sống xã hội về ngăn ngừa rủi ro pháp lý, đặc biệt là đối với các giao dịch dân sự có tính chất quan trọng, phức tạp trong điều kiện nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Hiện nay, vị trí, vai trò của hoạt động công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp. Công chứng viên (CCV) là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công. Với ý nghĩa đó, hoạt động công chứng phải góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản. Hoạt động công chứng phải góp phần phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử, qua đó bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế.
Hiện nay, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
1. Quy định về thủ tục công chứng
Theo khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
[1], người yêu cầu công chứng nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng, gồm bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Dự thảo giao dịch;
b) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
c) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó.
d) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính xác thực của các loại giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng thì
“CCV yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ký vào lời chứng và từng trang của giao dịch
”[2]. Trong trường hợp
“các giấy tờ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này mà người yêu cầu công chứng không có bản chính tại thời điểm CCV ký vào lời chứng thì có thể xuất trình bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực”[3].
Như vậy, về mặt nguyên tắc, theo khoản 7 Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để CCV đối chiếu, kiểm tra tính xác thực của các loại giấy tờ do người yêu cầu công chứng cung cấp, ngoại lệ đối với giấy tờ khác có liên quan thì có thể thay thế bằng bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực. Điều đó có nghĩa là đối với giấy tờ là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó” thì người yêu cầu công chứng bắt buộc phải xuất trình bản chính. Tuy nhiên, trong trường hợp người yêu cầu công chứng không xuất trình được bản chính của loại giấy tờ này tại thời điểm CCV yêu cầu, CCV có phải từ chối công chứng hay không thì khoản 7 Điều 39 chưa có quy định cụ thể.
Các loại giấy tờ nêu trên là cơ sở quan trọng để chứng minh về quyền sở hữu tài sản của người yêu cầu công chứng tại thời điểm công chứng. Do đó, việc phải xuất trình được bản chính tại thời điểm này là rất quan trọng, tránh trường hợp người yêu cầu công chứng đã tráo đổi hoặc đã sử dụng bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản vào một giao dịch khác, đặc biệt khi thời hạn công chứng kéo dài nhiều ngày, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên có liên quan. Chính vì vậy, để loại bỏ rủi ro này, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cần quy định rõ, tại thời điểm trước khi CCV ký vào lời chứng và từng trang của giao dịch, người yêu cầu công chứng phải cung cấp được bản chính “Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Trường hợp không cung cấp được bản chính thì CCV từ chối công chứng, trừ trường hợp khác do pháp luật quy định”.
Mặt khác, Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cũng quy định rõ việc xuất trình bản chính chỉ được thực hiện trước khi CCV ký vào lời chứng và từng trang của giao dịch. Trong khi đó, khoản 2 Điều này quy định CCV phải kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, tiếp nhận giải quyết nếu hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật, tuy nhiên lại không quy định người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính tại thời điểm này. Như vậy, CCV dựa vào đâu để kiểm tra các loại giấy tờ do người yêu cầu công chứng cung cấp. Có thể thấy rằng, nếu việc xuất trình bản chính được thực hiện ở thời điểm này sẽ giúp phát hiện sớm một số vấn đề vướng mắc của việc công chứng giao dịch, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức hành nghề công chứng và các bên tham gia giao dịch. Chính vì vậy, các tác giả kiến nghị bổ sung thêm quy định về việc xuất trình các loại bản chính giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Điều này cũng phù hợp với việc thực hiện thủ tục công chứng trên thực tế hiện nay.
2. Quy định về người phiên dịch
Thứ nhất, theo khoản 3 Điều 46 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt hoặc là người khuyết tật nhìn, người khuyết tật nghe, nói thì họ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình. Như vậy, theo quy định này, người phiên dịch phải do người yêu cầu công chứng mời. Tuy nhiên, đối với trường hợp người yêu cầu công chứng không mời được người phiên dịch thì xử lý như thế nào? Trong trường hợp này đề nghị xem xét bổ sung quy định CCV chỉ định người phiên dịch là cộng tác viên dịch thuật của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc phiên dịch. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp CCV không chỉ định được người phiên dịch thì từ chối công chứng.
Thứ hai, theo Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), điều kiện của người phiên dịch phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng hoặc là người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói
và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng”[4]. Như vậy, Dự thảo không loại trừ trường hợp người không ký tên và không điểm chỉ được trở thành người phiên dịch. Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 47 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) thì người phiên dịch phải ký vào từng trang của giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV, trong trường hợp người phiên dịch không ký được thì điểm chỉ theo khoản 3 Điều này. Vấn đề nảy sinh là, trong trường hợp người phiên dịch không ký được và cũng không điểm chỉ được (ví dụ: người bị khuyết tật cả hai tay) thì phải giải quyết như thế nào? Để khắc phục bất cập này, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn về điều kiện để trở thành người phiên dịch. Cụ thể, ngoài quy định điều kiện của người phiên dịch như trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), cần bổ sung thêm người phiên dịch không thuộc trường hợp “
không ký và không điểm chỉ được”.
3. Quy định về tạm đình chỉ công chứng viên
Theo khoản 1 Điều 13 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) thì CCV bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp sau đây:
a) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật này.
Thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng tối đa là 12 tháng
[5]. Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì CCV sẽ bị miễn nhiệm theo điểm e khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tuy nhiên, các quy định này là không phù hợp đối với trường hợp CCV bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng với lý do bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Truy cứu trách nhiệm hình sự có thể hiểu là tổng thể một quá trình bao gồm các hoạt động của chủ thể tiến hành tố tụng nhằm tìm ra các chứng cứ, tài liệu làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự, từ đó giải quyết vụ án đúng pháp luật, xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội phải gánh chịu. Như vậy, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm thời hạn thực hiện tất cả các giai đoạn tố tụng gồm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Trong đó, theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra
[6]. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng[7].
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
[8]. Tổng hợp các khoảng thời gian này lại, có thể thấy, trong một số trường hợp thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với CCV vượt quá 12 tháng. Chẳng hạn như, đối với tội phạm rất nghiêm trọng: thời hạn điều tra là không quá 3 tháng; thời hạn điều tra bổ sung hai lần không quá 8 tháng; thời hạn chuẩn bị xét xử là 2 tháng, được gia hạn không quá 30 ngày. Tổng các khoảng thời hạn này là 14 tháng, đó là chưa tính đến các khoảng thời hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung (nếu có).
Như vậy, khi thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự quá 12 tháng thì CCV sẽ bị miễn nhiệm theo quy định của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Với trường hợp này, khi chưa bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực mà CCV đã bị miễn nhiệm là điều không hợp lý. Tuy nhiên, nếu hết hạn tạm đình chỉ 12 tháng mà CCV không bị miễn nhiệm thì có nghĩa là CCV được tiếp tục hành nghề trong khi vẫn đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này lại càng không hợp lý. Chính vì vậy, để loại bỏ điều bất hợp lý này, các tác giả kiến nghị Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định về thời hạn tạm đình chỉnh công chứng tại khoản 2 Điều 13, cụ thể, bổ sung quy định: “Đối với trường hợp tạm đình chỉ do bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời gian tạm đình chỉ là từ khi Quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên không có tội”.
4. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng
Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (VPCC) được hiểu là việc chấm dứt sự tồn tại cũng như quyền và nghĩa vụ của CCV hợp danh trong VPCC. Điều đó có nghĩa là họ không có quyền tham gia hoạt động tổ chức quản lý và được hưởng quyền lợi từ VPCC nữa. Khoản 1 Điều 26 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định 04 trường hợp CCV chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của VPCC, bao gồm:
a) Tự nguyện rút vốn khỏi VPCC hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho một hoặc một số CCV là thành viên hợp danh khác của VPCC; chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp theo quy định tại Điều 29 của Luật này;
b) Có quyết định miễn nhiệm CCV;
c) Chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích;
d) Bị khai trừ khỏi VPCC.
Một trong những căn cứ để chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của CCV đó là “bị khai trừ khỏi VPCC”.
Khoản 3 Điều 26 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: “Thành viên hợp danh là CCV bị khai trừ khỏi VPCC theo quy định của Luật Doanh nghiệp”. Đối chiếu với khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có 04 trường hợp thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty như sau:
(i) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;
(ii) Vi phạm quy định tại Điều 180 của Luật này;
(iii) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác;
(iv) Không thực hiện đúng nghĩa vụ của thành viên hợp danh.
Các trường hợp vi phạm tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bao gồm:
(i) Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
(ii)Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
(iii) Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Việc Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định khai trừ CCV là thành viên hợp danh ra khỏi VPCC theo quy định của Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp vì VPCC cũng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh. Tuy nhiên, ngoài các trường hợp CCV là thành viên hợp danh bị khai trừ theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì cần lưu ý đến trường hợp CCV là thành viên hợp danh vi phạm quy định về rút vốn khỏi VPCC hoặc chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một hoặc một số CCV là thành viên hợp danh khác của VPCC.
Khoản 2 Điều 26 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định việc rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp của CCV là thành viên hợp danh chỉ được thực hiện khi được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh là CCV của VPCC chấp thuận bằng văn bản và VPCC phải còn ít nhất 02 thành viên hợp danh là CCV tại thời điểm thành viên hợp danh là CCV được rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Thành viên hợp danh là CCV phải thông báo bằng văn bản cho các thành viên hợp danh khác là CCV và Sở Tư pháp nơi VPCC đăng ký hoạt động về yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của VPCC trong năm tài chính đó đã được thông qua. Câu hỏi đặt ra là nếu CCV là thành viên hợp danh vi phạm quy định về thủ tục rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên thì có rơi vào các trường hợp bị khai trừ khỏi VPCC theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hay không?
Đối chiếu với các trường hợp thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì trường hợp CCV là thành viên hợp danh vi phạm quy định về thủ tục rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp có thể bị xếp vào trường hợp “Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác”. Tuy nhiên, theo quan điểm của các tác giả, việc đồng nhất hai trường hợp này với nhau có thể làm phát sinh tranh chấp liên quan đến xác định mức độ thiệt hại xảy ra của hành vi vi phạm quy định về thủ tục rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Trong trường hợp này, muốn khai trừ CCV là thành viên hợp danh cần phải chứng minh vi phạm về rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp đã “gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác”.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định thành viên hợp danh sẽ bị khai trừ khỏi công ty hợp danh nếu vi phạm quy định tại Điều 180 của Luật này, trong đó có trường hợp “
Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại”[9]. Theo quy định này, thành viên hợp danh muốn chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác thì phải được sự chấp thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại; nếu vi phạm sẽ bị công ty hợp danh khai trừ. Trong khi đó, khoản 2 Điều 26 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện khi có từ ba phần tư tổng số thành viên hợp danh là CCV của VPCC chấp thuận bằng văn bản và VPCC phải còn ít nhất 02 thành viên hợp danh là CCV. Như vậy, đã có sự khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp và Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) về điều kiện chuyển nhượng phần vốn góp của CCV là thành viên hợp danh nên nếu CCV vi phạm quy định về chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) thì không thể vận dụng quy định trên của Luật Doanh nghiệp năm 2020 để khai trừ CCV khỏi VPCC được.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, khoản 1 Điều 20 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định:
“VPCC được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh”. Các quy định về loại hình công ty hợp danh được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 3 Luật này quy định:
“Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”. VPCC hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, là một lĩnh vực đặc thù, do đó về cùng một vấn đề mà Luật Doanh nghiệp và Luật Công chứng có quy định khác nhau sẽ áp dụng quy định của Luật Công chứng là văn bản pháp luật chuyên ngành. Hơn nữa, việc áp dụng này cũng phù hợp với nguyên tắc
“Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”[10](Luật Công chứng (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào năm 2025, là văn bản được ban hành sau so với Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Để khắc phục bất cập này, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nên xem xét bổ sung quy định về các trường hợp CCV hợp danh bị khai trừ khỏi VPCC, chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của VPCC. Điều này một mặt tạo ra sự thống nhất với các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, mặt khác tạo căn cứ pháp lý để giải quyết trong trường hợp CCV hợp danh không tuân thủ quy định pháp luật. Theo đó, các tác giả kiến nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 26 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) như sau:
“Điều 26: Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của VPCC
3. Thành viên hợp danh là CCV bị khai trừ khỏi VPCC theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc vi phạm quy định về rút vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Tài liệu chứng minh và văn bản về việc khai trừ thành viên hợp danh là CCV được gửi tới Sở Tư pháp khi đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động. Tư cách thành viên hợp danh của CCV bị khai trừ chấm dứt tại thời điểm được Sở Tư pháp ghi nhận vào Giấy đăng ký hoạt động của VPCC. Trường hợp người bị khai trừ là Trưởng VPCC thì tư cách thành viên hợp danh của CCV chấm dứt kể từ thời điểm được Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của VPCC”./.
[1] Bài viết phân tích dựa trên nội dung Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tháng 9/2024 .
[2] Khoản 7 Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
[3] Khoản 7 Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
[4] Khoản 3 Điều 46 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
[5] Khoản 2 Điều 13 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
[6] Khoản 1 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[7] Khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[8] Khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[9] Khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[10] Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).