Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả trình bày, phân tích kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về cải cách pháp luật liên quan đến lĩnh vực công chứng trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam khi chúng ta đang tiến hành sửa đổi Luật Công chứng.
Từ khóa: CMCN 4.0; công chứng điện tử trực tuyến; chuyển đổi số.
Abstract: Within this article, the author gives out discussions and analyses of the experience of the French Republic on legal reform related to notarization services under the context of the 4.0 Industrial Revolution. On that basis, the author provides a number of suggestions for Vietnam once the amendment of the Notary Law is under progress.
Keywords: 4.0 Industrial Revolution; online electronic notarization; digital transformation.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực công chứng, nhiều công nghệ đã được ứng dụng để cải thiện hiệu quả cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình cung cấp dịch vụ.Công nghệ phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hình thức công chứng trực tuyến (Remote online notarization) hay còn gọi là dịch vụ công chứng ảo (
Virtual Notary Services)
[1]. Việc sử dụng chữ ký số và các hình thức xác minh khác để bảo đảm tính nguyên gốc, tính xác thực và tính toàn vẹn của tài liệu điện tử; việc sử dụng xác thực sinh trắc học để xác định người ký; việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của công chứng viên; việc sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật của các dữ liệu công chứng… là những điển hình thể hiện xu hướng phát triển này. Trước sự phát triển của công nghệ, thời gian qua, Cộng hòa Pháp đã có những cải cách pháp luật trong lĩnh vực công chứng để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Công chứng, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp về vấn đề này là điều cần thiết.
1. Tổng quan về công chứng viên và pháp luật công chứng của Cộng hòa Pháp
Công chứng ở Pháp thuộc trường phái công chứng Latin và có sự tương đồng với hệ thống công chứng ở Việt Nam. Tính đến tháng 7/2023, ở Pháp có tổng cộng 17.529 công chứng viên, độ tuổi trung bình của công chứng viên là 44 tuổi; số lượng phòng công chứng là 6.961, với 1.370 chi nhánh
[2].
Tại Pháp, ban đầu, hệ thống công chứng hình thành và tồn tại khác nhau giữa hai miền. Ở miền Nam, hệ thống công chứng Latin được áp dụng vào đầu thế kỷ XII. Tuy nhiên, ở miền Bắc, khi đó, các giao dịch pháp lý được thực hiện trước Tòa án; sau này, các giao dịch do công chứng viên soạn thảo nhưng vẫn được thẩm phán đóng dấu xác nhận. Từ thế kỷ XV trở đi, một số cải cách đã mang lại sự hài hòa giữa hoạt động công chứng ở miền Nam và miền Bắc nước Pháp. Sau cách mạng Pháp, một nghị định do Quốc hội ban hành năm 1791 đã dẫn đến sự thống nhất hoàn toàn hệ thống công chứng tại Pháp. Dưới thời Napoleon, Luật 24 Ventose Year XI ngày 16/3/1803 được ban hành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đây được coi là đạo luật cơ bản của hệ thống công chứng Pháp hiện đại và cũng là điểm khởi đầu cho pháp luật công chứng hiện đại ở các nước theo trường phái công chứng Latin
[3].
Hiện nay, pháp luật công chứng của Pháp bao gồm: Luật 24 Ventose Year XI, đạo luật này đã được sửa đổi nhiều lần kể từ khi ban hành năm 1803 (vào các năm: 2006, 2011, 2015…). Bên cạnh đó, hệ thống công chứng của Pháp được điều chỉnh chủ yếu bởi Sắc lệnh số 45-2590 ngày 2/11/1945 và Nghị định số 45-0117 ngày 19/12/1945. Trong đó, các nội dung về địa vị pháp lý của công chứng viên, việc thành lập các tổ chức công chứng, thành lập Hội đồng cấp cao về nghề công chứng đã được quy định. Tiếp theo đó, hàng loạt các nghị định sau này được ban hành nhằm quy định cụ thể các nội dung liên quan đến công chứng đặt nền móng cho sự phát triển của nghề công chứng tại Pháp. Ví dụ như: Nghị định số 71-941 ngày 26/11/1971 liên quan đến các văn bản do công chứng viên soạn thảo; Nghị định số 71-942 ngày 26/11/1971 liên quan đến việc thành lập, chuyển giao và bãi bỏ văn phòng công chứng, về thẩm quyền thiết lập và nơi cư trú của công chứng viên, về việc lưu giữ, chuyển biên bản và sổ đăng ký nghề nghiệp của công chứng viên; Nghị định số 73-1202 ngày 28/12/1973 liên quan đến kỷ luật và tư cách của các văn phòng công chứng; Nghị định số 78-262 ngày 8/3/1978 ấn định mức thù lao của công chứng viên…
2. Cải cách pháp luật trong lĩnh vực công chứng của Pháp trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0
Dưới tác động của CMCN 4.0, để chuẩn bị cho sự phát triển của nghề công chứng trong tương lai, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, pháp luật trong lĩnh vực công chứng và các lĩnh vực khác có liên quan tại Cộng hòa Pháp đã có một số cải cách, cụ thể như:
Thứ nhất, về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự Pháp đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2016 để công nhận giá trị pháp lý của các văn bản điện tử. Theo đó, Điều 1366 Bộ luật Dân sự Pháp quy định:
“Văn bản điện tử có giá trị tương tự như văn bản trên giấy, với điều kiện người tạo ra nó có thể xác định một cách hợp lệ và văn bản đó được thiết lập và lưu giữ trong các điều kiện có khả năng bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản”[4].
Thứ hai, về chữ ký điện tử, là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), hiện nay, Pháp chịu sự điều chỉnh của Quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy (eIDAS) của EU. Quy định eIDAS được ban hành gần đây nhất vào năm 2014
[5] nhằm mục đích nâng cao lòng tin đối với các giao dịch điện tử trên thị trường nội khối, bằng cách cung cấp nền tảng pháp lý chung cho giao dịch điện tử bảo đảm an toàn giữa người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và quốc tế trong thị trường nội khối. Từ đó tăng cường hiệu quả của các dịch vụ trực tuyến công và tư, kinh doanh điện tử và thương mại điện tử trong EU. Quy định eIDAS công nhận ba loại chữ ký điện tử: chữ ký điện tử đơn giản (SES), chữ ký điện tử nâng cao (AES) và chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn (QES). Theo luật của Pháp, chỉ QES mới được chấp nhận giả định về độ tin cậy, nghĩa là nó được coi là đáng tin cậy trừ khi được chứng minh ngược lại. Chữ ký điện tử không đủ tiêu chuẩn (SES và AES) được chấp nhận tại Tòa án, nhưng bên dựa vào chúng phải chứng minh độ tin cậy. Từ đó, năm 2016, Điều 1367 Bộ luật Dân sự Pháp sửa đổi, bổ sung liên quan đến chữ ký và chữ ký điện tử quy định như sau:
“Chữ ký cần thiết để hoàn thành một văn bản pháp lý nhằm xác định danh tính của tác giả văn bản. Chữ ký thể hiện sự đồng ý với các nghĩa vụ phát sinh từ hành động này. Khi nó được xác nhận bởi một viên chức công quyền, nó mang lại tính xác thực của văn bản”. Tiếp đến, đoạn thứ hai quy định về chữ ký điện tử, theo đó:
“Khi chữ ký được thể hiện dưới dạng điện tử, nó bao gồm việc sử dụng quy trình nhận dạng đáng tin cậy. Độ tin cậy của quy trình được giả định cho đến khi được chứng minh ngược lại. Khi chữ ký điện tử được tạo ra, danh tính của người ký được bảo đảm và tính toàn vẹn của hành vi được bảo đảm, theo các điều kiện do Nghị định của Hội đồng Nhà nước đặt ra”[6].
Kế đến, Nghị định số 2017-1416 ban hành ngày 28/9/2017 của Hội đồng Nhà nước đã cụ thể hóa các quy định yêu cầu về chữ ký điện tử, trong đó viện dẫn đến các Quy định eIDAS của EU, lấy đó làm căn cứ để xác định chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn
[7]. Theo đó, chữ ký điện tử tiêu chuẩn phải hội tụ các điều kiện như:
- Có khả năng xác định người ký;
- Có liên kết duy nhất với người ký;
- Được tạo ra bằng các biện pháp mà người ký có thể chứng minh là thuộc quyền kiểm soát duy nhất của họ;
- Được liên kết với dữ liệu có liên quan theo cách mà bất cứ sự thay đổi nào sau đó của dữ liệu đều có thể bị phát hiện
[8].
Để đáp ứng các điều kiện trên, chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn phải được cấp bởi một thiết bị tạo chữ ký an toàn. Thiết bị này phải được Cơ quan An ninh hệ thống thông tin quốc gia của Pháp chứng nhận và được xác minh bằng cách sử dụng chứng chỉ đủ tiêu chuẩn, được cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ
[9].
Từ những quy định trên về chữ ký điện tử, tính đến tháng 10/2021, văn bản công chứng bằng chữ ký điện tử thứ 20 triệu đã được lưu trữ tại Văn phòng công chứng điện tử Pháp. Hiện nay, khoảng hơn 90% chứng thư được ký điện tử
[10].
Thứ ba, về quy định liên quan đến công chứng điện tử, định nghĩa văn bản công chứng (authentic act) được quy định bởi Điều 1369 Bộ luật Dân sự Pháp, đó là: một văn bản chính thức được lập bởi công chứng viên và được ký, đóng dấu bởi công chứng viên. Theo đó, tại đoạn 2, Điều 1369 (sửa đổi, bổ sung bởi Lệnh số 2016-131 ngày 10/2/2016) quy định:
“Văn bản công chứng có thể được soạn thảo trên phương tiện điện tử nếu nó được thiết lập và lưu giữ trong các điều kiện phù hợp theo quy định của Hội đồng Nhà nước”[11]. Như vậy, trước kia, theo quy định của Bộ luật Dân sự Pháp, thông thường văn bản công chứng được lập trên giấy và ký trực tiếp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng như sự phát triển của công nghệ, Bộ luật Dân sự Pháp đã có thay đổi trong quy định nhằm công nhận hiệu lực của văn bản công chứng điện tử. Nếu tuân thủ các quy định liên quan đến soạn thảo, bảo tồn và thu thập chữ ký điện tử thì văn bản công chứng vẫn được bảo đảm các đặc tính của nó bao gồm hiệu lực chứng minh, khả năng thi hành.
Hỗ trợ cho quy định chung tại Bộ luật Dân sự là các quy định cụ thể về công chứng điện tử tại Nghị định số 71-941 ngày 26/11/1971 về các văn bản do công chứng viên soạn thảo (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2020). Cụ thể như sau: Chương III (từ Điều 16 đến Điều 20-1) của Nghị định này đề cập cụ thể về các văn bản công chứng được thực hiện trên phương tiện điện tử cần đáp ứng các quy định như:
“Công chứng viên lập chứng thư điện tử sử dụng hệ thống xử lý và truyền tải thông tin đã được Hội đồng công chứng cấp cao phê duyệt và bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật của nội dung chứng thư”;
“Hệ thống thông tin liên lạc do các công chứng viên triển khai phải có khả năng tương tác với hệ thống của các công chứng viên khác và các tổ chức mà họ phải truyền dữ liệu đến”[12]. Điều 17 Nghị định số 71-941 quy định về ký văn bản công chứng điện tử như sau:
“Văn bản công chứng phải được ký bởi công chứng viên sử dụng chữ ký tiêu chuẩn theo quy trình tuân thủ Quy định tại Nghị định số 2017-1416 ngày 28/9/2017 liên quan đến chữ ký điện tử. Chữ ký này phải được ký bởi công chứng viên sớm nhất sau khi văn bản được soạn thảo, nếu cần thiết thì ngay sau khi tập hợp các phụ lục của chứng thư. Đối với chữ ký của các bên, các bên và nhân chứng phải sử dụng quy trình cho phép dán hình ảnh chữ ký viết tay của họ vào chứng thư công chứng, hiển thị được trên màn hình. Khi hành vi cần phải có chữ ký viết tay của những người tham gia, thì công chứng viên phải khẳng định rằng chữ ký đó đã được dán phù hợp với các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 1174 Bộ luật Dân sự”.
Trong bối cảnh Covid-19, các quy định về công chứng điện tử cũng đã được sửa đổi để cho phép hoạt động công chứng trực tuyến. Theo đó, Điều 20 và 20-1 Nghị định số 71-941 được sửa đổi bởi Nghị định số 2020-1422 ngày 20/11/2020 về việc công chứng trực tuyến đã quy định:
“Công chứng viên có thể soạn thảo văn bản công chứng thông qua phương tiện điện tử, trong đó, một hoặc nhiều bên công chứng có thể không có mặt. Việc trao đổi thông tin cần thiết để soạn thảo văn bản và việc thu thập chữ ký của các bên bởi công chứng viên được sự đồng ý của một bên hoặc các bên tham gia công chứng văn kiện không có mặt sẽ được thực hiện bằng một hệ thống xử lý, truyền tải thông tin bảo đảm sự nhận dạng các bên, bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật nội dung và được Hội đồng công chứng viên chấp thuận. Công chứng viên thu thập đồng thời với sự đồng ý của họ, chữ ký điện tử của một bên hoặc các bên được thu thập thông qua quy trình chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn đáp ứng các yêu cầu của Nghị định số 2017-1416 ban hành ngày 28/9/2017 về chữ ký điện tử. Văn bản công chứng hoàn thành khi công chứng viên đóng dấu, ký chữ ký điện tử tiêu chuẩn của mình vào đó”[13].
Như vậy, theo Nghị định số 2020-1422, công chứng viên có thể thiết lập văn bản công chứng thông qua hệ thống điện tử bảo đảm an ninh, bảo mật khi một hoặc tất cả các bên không thể có mặt. Từ đó, trong thực tế, với sự thay đổi trong quy định pháp luật này, hoạt động công chứng đã trở nên dễ tiếp cận và gần gũi hơn với người dân. Tính đến năm 2022, hơn 85% văn phòng công chứng ở Pháp đã trang bị hệ thống phòng hội nghị truyền hình hoặc phần mềm truy cập hệ thống hội nghị truyền hình
[14].
Theo hướng dẫn của Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, để thực hiện công chứng trực tuyến, các thiết bị và yếu tố cần thiết đối với các bên tham gia là:
- Trang bị máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay với hệ thống phần cứng, phần mềm tương đối cập nhật, sử dụng hệ điều hành Windows hoặc MacOS, trang bị với webcam, micro và loa;
- Có trình duyệt Internet cập nhật, Google Chrome, Mozilla Firefox hoặc Microsoft Edge;
- Có mạng Internet tốc độ tốt; có địa chỉ email để nhận thông báo về việc ký được gửi bởi công chứng viên; truy cập vào ứng dụng hộp thư điện tử quản lý email cá nhân; một điện thoại di động để nhận tin nhắn văn bản;
- Bản scan màu mặt trước/mặt sau hoặc bản gốc giấy tờ tùy thân, chứng minh nhân thân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực;
- Bắt buộc phải xác thực danh tính của mình trực tuyến với công chứng viên trong trường hợp các bên tham gia không gặp công chứng viên đó trong vòng dưới 10 năm. Việc xác thực danh tính trực tuyến sẽ được thực hiện thông qua mã truy cập vào tài khoản cá nhân IDnow
[15] được tạo để lưu trữ chữ ký điện tử cá nhân của các bên;
- Hệ thống hội nghị truyền hình được sử dụng sẽ chỉ là hệ thống do công chứng viên cung cấp. Đó là một hệ thống an toàn được chuyên môn phê duyệt phù hợp với quy định. Nghiêm cấm sử dụng các ứng dụng công cộng
[16].
Quy trình của hoạt động công chứng trực tuyến thông thường diễn ra theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn một: Nộp hồ sơ và kiểm tra danh tính. Các tài liệu và yếu tố liên quan đến vụ việc được trao đổi và cung cấp thông qua một nền tảng kỹ thuật số an toàn.
Nếu các đương sự chưa từng gặp trực tiếp công chứng viên trong vòng 10 năm hoặc nếu tài liệu photo của các giấy tờ không được công chứng viên lưu trữ trong khoảng thời gian này cùng với số điện thoại di động, địa chỉ email cá nhân của đương sự, thì đương sự sẽ phải làm thủ tục xác minh danh tính từ xa, sau đó tạo chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn. Nhà cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử đủ tiêu chuẩn phù hợp với mức độ bảo mật theo yêu cầu của pháp luật, được Cơ quan An ninh hệ thống thông tin quốc gia ủy quyền. Quá trình này diễn ra dựa vào ứng dụng IDnow để xác minh danh tính (ứng dụng này sử dụng các tính năng so sánh, đối chiếu các thông tin cá nhân trên giấy tờ và kỹ thuật sinh trắc học để nhận dạng người dùng)
[17]. Công chứng viên sẽ hướng dẫn các thủ tục. Thủ tục xác minh danh tính này phải luôn được thực hiện trước quá trình ký văn bản công chứng. Thủ tục xác minh danh tính được khuyến nghị tiến hành một ngày trước khi tiến hành ký văn bản công chứng để tránh các trường hợp lỗi kỹ thuật xảy ra.
Nếu đương sự đã trực tiếp gặp công chứng viên trong vòng mười năm qua và các bản sao giấy tờ được công chứng viên lưu giữ trong khoảng thời gian này cùng với số điện thoại và địa chỉ email cá nhân, thì không bắt buộc thực hiện yêu cầu xác định danh tính. Trong trường hợp này, đương sự chỉ cần photo màu hai mặt của giấy tờ tùy thân, cung cấp số điện thoại di động và địa chỉ email cho công chứng viên.
- Giai đoạn hai: Giai đoạn tiến hành ký văn bản công chứng trực tuyến
[18].
Công chứng viên sẽ gửi cho các đương sự lời mời qua email đến một phiên hội nghị truyền hình vào ngày ký kết và các đương sự được yêu cầu kết nối vào đúng thời gian với phần mềm hội nghị truyền hình được cung cấp bởi công chứng viên. Nguồn cung cấp dữ liệu video không bị gián đoạn được thiết lập giữa các đương sự và luật sư (nếu có) trong khi văn bản công chứng được đọc. Điều này đồng nghĩa với việc các đương sự có thể nhìn thấy, trao đổi và thảo luận trực tiếp với luật sư của mình thông qua hệ thống. Công chứng viên thực hiện tất cả các công việc thẩm định từ xa thuộc trách nhiệm của mình. Khi kết thúc quá trình đọc, công chứng viên sẽ gửi cho các đương sự qua email và số điện thoại cá nhân một liên kết cùng với tài liệu mà họ cần phải ký điện tử. Đương sự xác nhận bằng cách nhập mã nhận được thông qua tin nhắn. Sau đó, công chứng viên sẽ ký vào giấy ủy quyền điện tử xác thực, cho phép các đương sự ký vào văn bản công chứng. Việc công chứng hoàn tất khi công chứng viên thu thập đầy đủ các chữ ký của các bên đương sự và công chứng viên ký, đóng dấu của mình vào văn bản.
Thứ tư, về lưu trữ, bảo mật văn bản công chứng điện tử, Điều 1317 Bộ luật Dân sự Pháp được sửa đổi năm 2000 quy định trách nhiệm
“lưu trữ văn bản công chứng điện tử theo điều kiện được quy định bởi Hội đồng Nhà nước”[19]. Cụ thể hóa quy định này, Điều 28 Nghị định số 71-941 ngày 26/11/1971 liên quan đến các văn bản do công chứng viên soạn thảo (sửa đổi năm 2005) quy định như sau
[20]:
“Tài liệu được soạn thảo trên phương tiện điện tử phải được lưu trữ trong các điều kiện có thể bảo toàn tính toàn vẹn và dễ đọc”; “Tất cả các thông tin liên quan đến văn bản công chứng kể từ khi nó được hình thành, ví dụ như: dữ liệu cho phép nhận dạng, xác định thuộc tính và khả năng truy xuất văn bản công chứng đều phải được lưu giữ”; “Văn bản công chứng được lập trên phương tiện điện tử được ghi nhận để bảo quản vào Sổ trung tâm ngay khi được công chứng viên lập. Công chứng viên ký được độc quyền truy cập”; “Quá trình lưu trữ phải cho phép công chứng viên bổ sung thông tin sau khi văn bản công chứng được xác lập nhưng không làm thay đổi dữ liệu trước đó”. Kể từ tháng 9/2017, Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp đã triển khai hệ thống xác thực với mã định danh duy nhất cho nghề công chứng. Mục đích của điều này là xây dựng cầu nối giữa các chủ thể trong nghề công chứng và đơn giản hóa việc sử dụng, lưu trữ văn bản công chứng cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động công chứng trực tuyến. Mỗi công chứng viên sẽ được cấp Real Key, một dạng giống như USB. Real Key sẽ thuộc về công chứng viên và cho phép xác thực văn bản công chứng điện tử bằng cách ký và đóng dấu kỹ thuật số tương tự như trên văn bản giấy. Quy trình cấp Real Key phải tuân thủ Quy định eIDAS của EU kể từ tháng 7/2017. Chữ ký của công chứng viên sử dụng được coi là đủ tiêu chuẩn
[21]. Sau khi hoàn thành việc công chứng văn bản, văn bản được ghi lại, mã hóa và gửi qua mạng của công chứng viên tới Trung tâm quản lý dữ liệu của công chứng viên, mà chỉ có công chứng viên ký mới có quyền truy cập. Thông qua Trung tâm này, các dữ liệu công chứng có thể được truy xuất vào bất kỳ thời điểm nào phục vụ phát hành bản sao. Gần 2 triệu hồ sơ công chứng điện tử đã được lưu trữ ở đây
[22].
3. Một số gợi mở cho Việt Nam
Thứ nhất, việc sửa đổi pháp luật về công chứng là điều cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, phù hợp với thực tiễn có thể phát sinh, ví dụ như: Đối với hợp đồng điện tử, căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Điều này cũng có nghĩa rằng, các giao dịch dân sự thông qua phương thức điện tử cũng có thể được công chứng nếu pháp luật có quy định về công chứng. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn, quá trình sửa đổi Luật Công chứng cần nghiên cứu xây dựng các quy định mang tính nguyên tắc chung nhằm tạo điều kiện cho sự ra đời của hoạt động công chứng điện tử trực tuyến
[23]. Các quy định chung đó có thể bao gồm:
- Về nguyên tắc không phân biệt giá trị pháp lý của văn bản công chứng trực tiếp và công chứng điện tử (trong trường hợp bảo đảm tuân thủ các điều kiện cần thiết);
- Về khái niệm công chứng điện tử, công chứng điện tử trực tuyến;
- Về quy trình công chứng điện tử trực tuyến;
- Về các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để một tổ chức có thể cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, công chứng điện tử trực tuyến;
- Về xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo hướng bảo đảm tính an toàn, bảo mật thông tin ở mức độ cao, quyền truy cập, sao chụp hồ sơ công chứng
[24];
- Về thời gian lưu trữ hồ sơ công chứng
[25].
Thứ hai, từ những quy định mang tính nguyên tắc chung nêu trên, đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công chứng (sửa đổi), một số nội dung liên quan đến công chứng điện tử, công chứng điện tử trực tuyến cần tiếp tục được cụ thể hóa, bao gồm: Quy định rõ các điều kiện cần thiết để một tổ chức hành nghề công chứng có thể cung ứng dịch vụ này, như: các tiêu chuẩn của hệ thống xử lý và truyền tải thông tin cần bảo đảm tính toàn vẹn và bảo mật của nội dung văn bản công chứng; dẫn chiếu đến các văn bản liên quan quy định về tiêu chuẩn chữ ký số được sử dụng; các phương thức để công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng xác thực định danh cá nhân (định danh điện tử) trong quá trình thực hiện công chứng điện tử trực tuyến; quy trình thực hiện công chứng điện tử trực tuyến…
Thứ ba, cần có nghiên cứu, khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực công chứng ở Việt Nam để có lộ trình đồng bộ quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số nói chung và quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực công chứng nói riêng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực công chứng không thể tách rời với quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số. Điều kiện quan trọng để có thể thực hiện các giao dịch điện tử nói chung, đặc biệt là những giao dịch cần tính xác thực cao như công chứng đó là việc sử dụng chữ ký điện tử (chữ ký số). Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2022, trên toàn quốc, số lượng chứng thư số (hay chữ ký số) đang hoạt động đạt 1.959.792 thuê bao
[26]; trong đó, có 1.555.264 chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và 404.528 chứng thư số cá nhân (chứng thư số cá nhân chỉ chiếm tỷ lệ 0,04% dân số). So sánh với Pháp, theo một nghiên cứu của Universign vào tháng 1/2020, 9/10 người được hỏi cho biết đã sử dụng chữ ký số, trong đó 85% những người dưới 55 tuổi được hỏi cho biết đã sử dụng chữ ký số
[27]. Như vậy, có một khoảng cách khá lớn giữa việc sử dụng chữ ký số ở Pháp và Việt Nam. Trong lĩnh vực công chứng nói riêng, điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa công chứng điện tử trực tuyến đó là việc sử dụng chữ ký số của các bên. Do đó, triển vọng để phát triển dịch vụ này ở Việt Nam là hoàn toàn có khả năng và cũng là xu hướng của tương lai. Bởi vậy, trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho quá trình ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động công chứng, cần tăng cường vận động cá nhân, tổ chức sử dụng chữ ký số. Đây cũng là xu hướng chung để thúc đẩy sự phát triển của xã hội số, kinh tế số.
Thứ tư, để các công nghệ của CMCN 4.0 có thể phát huy tác dụng trong lĩnh vực công chứng thì điều quan trọng là chuẩn bị các nền tảng cần thiết để tạo điều kiện ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này cũng như thay đổi dần thói quen của công chứng viên, người dân, tổ chức trong quá trình cung cấp dịch vụ công chứng. Cụ thể như:
- Phát huy tính chủ động của Hiệp hội nghề nghiệp công chứng viên trong kêu gọi nghiên cứu, ứng dụng AI như là giải pháp tăng cường hiệu quả công việc cho các công chứng viên, ví dụ: Ứng dụng các phần mềm AI soạn thảo nội dung văn bản công chứng, rà soát tính hợp pháp của nội dung giao dịch...;
- Tăng cường trang bị cơ sở vật chất, chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của dịch vụ công chứng điện tử trực tuyến, ví dụ như: trang bị kỹ thuật hội nghị truyền hình; trang bị các kỹ thuật để xác định danh tính cá nhân... Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, kể từ năm 2017, các phòng công chứng đã được khuyến khích trang bị giải pháp hội nghị truyền hình. Đến năm 2018, mặc dù chưa có văn bản pháp luật quy định về công chứng điện tử trực tuyến nhưng văn bản công chứng trực tuyến đầu tiên đã được ký với sự tham gia của các công chứng viên ở mỗi đầu hội nghị trực tuyến
[28]. Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra đã thúc đẩy việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến công chứng điện tử trực tuyến và kéo theo dịch vụ công chứng điện tử trực tuyến ở Pháp có một bước phát triển mới■
[1] Notarize Genie,
The rige of Virtual Notary services: Transforming Document Authentication in the Digital Age, https://medium.com/@notarizegenie/the-rise-of-virtual-notary-services-transforming-document-authentication-in-the-digital-age-c74b8b733587,
truy cập ngày 6/5/2024.
[2] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.csn.notaires.fr/en/key-figures-notariat.
[3] Pedro A. Malavet (1996),
Counsel for the Situation: The Latin Notary, a historycal and comparative model, Hastings International and Comparative Law Review, Vol. 19, p. 423.
[4] Xem: Văn bản pháp luật Cộng hòa Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070721/LEGISCTA000006118074/#LEGISCTA000032042346.
[5] Trước đó, kể từ năm 1999, EU đã ban hành Chỉ thị số 1999/93/EC về chữ ký điện tử trên quy mô rộng đầu tiên có hiệu lực ở EU.
[6] Xem: Điều 1377, Bộ luật Dân sự Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc.
[7] Xem: Điều 1 Nghị định số 2017-1416, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/.
[8] Xem: Nghị định số 2017-1416, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/.
[9] Danh sách các tổ chức cung cấp chữ ký điện tử được công khai tại: https://www.entreprises.gouv.fr/files/files/directions_services/biens-double-usage/Liste-PSCe.pdf
.
[10] Nguồn: https://www.csn.notaires.fr/en/notary-and-digital.
[11] Xem: Điều 1369, Bộ luật Dân sự Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc.
[12] Điều 16 Nghị định số 71-941, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/.
[13] Điều 20-1 Nghị định số 71-941, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/.
[14] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.csn.notaires.fr/en/notary-and-digital.
[15] IDnow là nhà cung cấp nền tảng chứng minh danh tính hàng đầu ở châu Âu, đã đạt được chứng nhận xác minh danh tính từ xa, được công nhận bởi Cơ quan An ninh hệ thống thông tin quốc gia của Pháp (ANSSI), https://www.idnow.io/pr/pvid-certification-idcheck-io-and-videoident/.
[16] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.notaires.fr/en/notarial-profession/role-notaries-and-his-principal-activities/power-attorney-notary-how-sign-online.
[17] IDnow, https://www.idnow.io/faq/.
[18] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.notaires.fr/en/notarial-profession/role-notaries-and-his-principal-activities/power-attorney-notary-how-sign-online.
[19]Điều 1317 Bộ luật Dân sự Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc.
[20] Nghị định số 71-941 ngày 26/11/1971, https://www.legifrance.gouv.fr/loda/id/.
[21] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.csn.notaires.fr/en/notary-and-digital.
[22] Nguồn: Hội đồng cấp cao công chứng viên Pháp, https://www.notaires.fr/en/notaire/role-notaire-and-his-principal-activities/notarized-document-authentic-deed.
[23] Công chứng trực tuyến là tổng hòa kết quả của nhiều công nghệ cho phép công chứng viên công chứng tài liệu từ xa bằng cách sử dụng hội nghị truyền hình và các công cụ trực tuyến khác. Công chứng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây do sự tiện lợi và dễ sử dụng của nó. Công chứng viên có thể sử dụng công chứng trực tuyến để công chứng tài liệu từ mọi nơi trên thế giới, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Công chứng trực tuyến cũng có thể cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công chứng cho những người sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc có vấn đề về di chuyển. Xem: Ryan Serrato,
Streamlining Notary Business with AI: How Chat GPT is Revolutionizing the Industry, https://www.phoenixnotarypro.com/post/streamlining-notary-businesses-with-ai-how-chatgpt-is-revolutionizing-the-industry.
[24] Kinh nghiệm ở Pháp là chỉ công chứng viên ký mới có thể truy cập hồ sơ công chứng gốc.
[25] Điều 64 Luật Công chứng năm 2014 quy định:
“Bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là 20 năm tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Tuy nhiên, nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thì có thể nghiên cứu tăng thời gian quy định lưu trữ hồ sơ công chứng trên môi trường điện tử. Theo kinh nghiệm của pháp luật Pháp, văn bản công chứng gốc phải được lưu giữ trong vòng 75 năm hoặc 100 năm nếu các bên là trẻ vị thành niên.
[26] Nhĩ Anh,
Việt Nam đã cấp hơn 6,5 triệu chứng thư số công cộng, https://vneconomy.vn/viet-nam-da-cap-hon-6-5-trieu-chung-thu-so-cong-cong.htm.
[27] Laurine LEANG,
Electronic signature: what is the opinion of the French?, https://monimmeuble.com/actualite/signature-electronique-quel-est-lavis-des-francais.