Kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và định hướng hoàn thiện

16/10/2024

TS. CAO VŨ MINH

ThS. NGUYỄN NHẬT KHANH

Trường Đại học Kinh tế _ Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều có điểm chung là được tiêu chuẩn hóa và mang tính chất áp đặt từ một phía. Bên còn lại không được quyền yêu cầu thay đổi bất kỳ nội dung nào trong đó mà chỉ được quyền chấp nhận toàn bộ nếu muốn giao kết. Chính vì sự tự do trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được thể hiện trọn vẹn nên sự kiểm soát hành chính đối hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là rất cần thiết. Trong bài viết này, các tác giả trình bày vấn đề kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đánh giá các hạn chế và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Hợp đồng theo mẫu; điều kiện giao dịch chung; kiểm soát hành chính; quản lý nhà nước.
Abstract: An adhesion contract and general conditions of trade all have in common the fact that they are prepared in a standardized format and imposed on the other party by that party. The other party is not entitled to request to negotiate any contents, but only has the right to accept the whole thing if it wants to enter into a contract. Because the freedom format of the adhesion contracts and general conditions of trade are not fully described, administrative control over the adhesion contracts and general conditions of trade is necessarily required. Within this article, the authors present administrative control over the adhision contracts and general conditions of trade, provide assessments of inadequacies, and propose recommendations for further improvements to relevant legal regulations.
Keywords: Adhesion contract; general conditions of trade; administrative control; state management.
9_32.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Dưới góc độ ngôn ngữ, hợp đồng theo mẫu là hợp đồng mà các điều khoản chỉ do một bên soạn thảo từ trước, bên còn lại chỉ có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng[1]. Dưới góc độ pháp lý, theo khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như đã chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”.
Đặc trưng của hợp đồng theo mẫu là không có sự đàm phán về nội dung hợp đồng, không có sự trao đổi về vai trò của các bên như trong việc giao kết các hợp đồng thông thường. Bên được đề nghị chỉ có lựa chọn là chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc từ chối giao kết hợp đồng. Nói cách khác, người được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu tham gia vào loại hợp đồng này theo nguyên tắc chọn hoặc bỏ (take it or leave it). Họ không có quyền thỏa thuận hay sửa đổi các nội dung trong hợp đồng theo mẫu mà chỉ có thể chọn đồng ý với tất cả nội dung của hợp đồng và tiến hành giao kết. Ngược lại, việc không đồng ý với bất cứ nội dung nào trong hợp đồng theo mẫu thì được xem là từ chối giao kết hợp đồng đó. 
Đối với các hợp đồng thông thường, việc thỏa thuận của các bên là một yêu cầu mang tính tất yếu. Trong quá trình thỏa thuận, các bên đàm phán với nhau trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Chính vì vậy, trong trường hợp không trái với các quy định và nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, hợp đồng được xem là “luật chơi” quan trọng nhất của các bên khi tham gia vào “sân chơi” này. Tuy nhiên, hợp đồng theo mẫu lại không thể hiện được sự bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên, mà thể hiện rõ tính chất chủ động của một bên khi họ là bên đưa ra hợp đồng, trong khi bên còn lại chỉ có thể chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng được đề nghị hoặc từ chối giao kết hợp đồng[2]. Điều đó có nghĩa bên được đề nghị giao kết trong hợp đồng phải đối mặt với áp lực về việc chấp nhận toàn bộ hoặc từ chối giao kết hợp đồng. Điều này hạn chế khả năng “mặc cả”, đàm phán của người được đề nghị[3].
Bên cạnh hợp đồng theo mẫu thì pháp luật Việt Nam còn quy định về điều kiện giao dịch chung. Theo khoản 1 Điều 406 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì điều kiện giao dịch chung là những điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng. Nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này. Về cơ bản, điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng (NTD)[4]. Như vậy, điểm chung của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung là nội dung của chúng đều được tiêu chuẩn hóa và mang tính chất áp đặt từ một phía.
Theo quy định pháp luật, hợp đồng theo mẫu được áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Việc cung cấp các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu này lại được thực hiện bởi những chủ thể nắm ưu thế, thậm chí là độc quyền. Do đó, bên được đề nghị giao kết - NTD không có quá nhiều sự lựa chọn về đối tác[5]. Áp lực đồng ý toàn bộ với những rủi ro, bất lợi cho dù lớn vẫn có thể tạo ra sự thỏa hiệp chấp nhận hợp đồng theo mẫu hơn là không chấp nhận để rồi không được cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu[6]. Đến lượt mình, điều kiện giao dịch chung cũng không cho phép bên còn lại có quyền thỏa thuận thay đổi bất cứ nội dung nào. Như vậy, cả hai khái niệm đều chỉ đến một hiện tượng khi mà các điều khoản mẫu do một bên đơn phương soạn thảo hoặc công bố và được sử dụng trên thực tế với đối tác mà không có sự thỏa thuận, mặc cả về nội dung của điều khoản mẫu đó[7]. Chính vì sự tự do trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được thể hiện trọn vẹn nên sự can thiệp của Nhà nước vào hình thức, nội dung hợp đồng, điều kiện giao dịch chung thông qua các quy định về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là điều cần thiết[8]. Trong các loại hình kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì kiểm soát hành chính đóng vai trò rất quan trọng.
Kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được hiểu là việc các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đánh giá các hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc công khai, sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với NTD, bao gồm các giai đoạn từ trước khi giao kết, trong quá trình áp dụng, thậm chí là giải quyết tranh chấp hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Mục đích của việc kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là nhằm phát hiện các hành vi có nguy cơ đi ngược với các quy tắc đã được xác lập, gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của NTD.
2. Quy định pháp luật về kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Việc kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD đặt ra các nghĩa vụ bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đây là những nghĩa vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đúng và đầy đủ trong quá trình soạn thảo, công khai, áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với NTD. Đó có thể là những yêu cầu về hình thức, nội dung đối với bản thân hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ, cũng có thể là các thủ tục hành chính mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành trước khi sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để giao kết với NTD. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh chính là thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với thị trường và nền kinh tế. Bằng các cách thức, công cụ khác nhau, các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, nhận diện các tổ chức, cá nhân kinh doanh có sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với NTD, từ đó kiểm tra và thực hiện các biện pháp tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hướng ngăn cản họ thực hiện các hành vi không công bằng, gây tác động tiêu cực cho lợi ích NTD.
Hiện nay, pháp luật quy định khá cụ thể về quá trình kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Thứ hai, pháp luật quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD.
Thứ ba, pháp luật quy định rõ ràng về kiểm soát hành chính đối với việc thực hiện hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung.Cụ thể,khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng[9]. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trường hợp hợp đồng do NTD giữ bị mất hoặc hư hỏng thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu từ NTD, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng[10]. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch[11]. Ngoài ra, nhà làm luật còn quy định rõ điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với NTD trong trường hợp điều kiện giao dịch chung đã được công khai để NTD biết về điều kiện đó trước khi giao dịch[12].
Thứ tư, pháp luật quy định cụ thể về hình thức hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung.Theo đó, hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: i. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; ii. Trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Times New Roman hoặc kích cỡ tương đương; iii. Màu chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau; iv. Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi; v. Nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD[13].
Cuối cùng, pháp luật quy định vấn đề đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp sau: i. Khi pháp luật thay đổi làm thay đổi nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; ii. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; iii. Khi toàn bộ hoặc một phần hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bị hủy bỏ hoặc sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 55/2024/NĐ-CP[14]. Thủ tục đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thực hiện như đăng ký lần đầu.
3. Một số hạn chế trong các quy định pháp luật về kiểm soát hành chính đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Thứ nhất, sự mâu thuẫn trong quy định về ngôn ngữ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khiến cho việc áp dụng trách nhiệm hành chính khó có thể thực hiện một cách hiệu quả
Điều 6 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định điều kiện giao dịch chung phải thể hiện bằng tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác như tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Với cách quy đày này, có thể hiểu, ngôn ngữ được ưu tiên sử dụng trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt.Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) lại không quy định chế tài trong trường hợp điều kiện giao dịch chung không thể hiện bằng tiếng Việt. Câu hỏi có tính pháp lý đặt ra là nếu điều kiện giao dịch chung không thể hiện bằng tiếng Việt thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có bị áp dụng trách nhiệm hành chính hay không?
Khảo cứu Điều 50 nói riêng và cả Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) nói chung, tác giả không tìm thấy cơ sở pháp lý để xử phạt đối với trường hợp này. Hiện nay, điểm b khoản 1 Điều 50 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) chỉ xử phạt đối với vi phạm “ngôn ngữ hợp đồng không phải là tiếng Việt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Điều khoản này chỉ áp dụng đối với hợp đồng và không bao gồm điều kiện giao dịch chung. Do đó, với thực trạng các quy định pháp luật hiện hành, các tác giả cho rằng, người có thẩm quyền sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở pháp lý để xử phạt đối với hành vi sử dụng ngôn ngữ mà không phải là tiếng Việt trong điều kiện giao dịch chung.
Thứ hai, pháp luật hiện hành không quy định chế tài hoặc quy định chế tài không chính xác trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng theo mẫu
Nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng. Việc dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng theo mẫu là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023. Trong các loại hợp đồng khác, trước khi giao kết, các bên luôn dành cho nhau một khoảng thời gian nhất định để cùng nghiên cứu kỹ lưỡng từng điều khoản. Điều này sẽ giúp các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cùng thiện chí thực hiện hợp đồng. Đối với hợp đồng theo mẫu - loại hợp đồng có thiên hướng trao lợi ích lớn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì trước khi giao kết, càng phải dành thời gian để NTD nghiên cứu kỹ lưỡng. Pháp luật gọi đây là khoảng “thời gian hợp lý”. Với khoảng thời gian hợp lý được trao cho, NTD có sự cân nhắc và lường hết những rủi ro khi đặt bút chấp nhận toàn bộ các điều khoản của hợp đồng theo mẫu. Thế nhưng, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu thì lại không có chế tài pháp lý. Hiện nay, tuy Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 quy định nghĩa vụ cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) lại không quy định chế tài trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này. Điều này làm cho quyền lợi của NTD không được bảo vệ ngay cả trong giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng theo mẫu.
Bên cạnh việc không quy định chế tài, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) còn quy định chế tài không chính xác khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng theo mẫu. Điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi “không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD theo quy định”. Điều khoản này quy định hai hành vi vi phạm hoàn toàn khác nhau là “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” “không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.
Theo Điều 13 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP thì khi pháp luật thay đổi làm thay đổi nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải thực hiện việc đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Trường hợp không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD thì bị xem là vi phạm hành chính và bị xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Như vậy, quy định nghĩa vụ đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong Nghị định số 55/2024/NĐ-CP và chế tài áp dụng khi vi phạm nghĩa vụ này trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) có sự thống nhất với nhau. Tuy nhiên, quy định chế tài xử phạt đối với hành vi “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” lại không chính xác xét dưới góc độ cấu thành vi phạm.
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP thì trước khi sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký do Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi để giao kết với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được sử dụng để giao kết hoặc áp dụng đối với NTD khi việc đăng ký được hoàn thành theo quy định pháp luật[15]. Như vậy, kể từ thời điểm đăng ký được hoàn thành thì hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mới được áp dụng đối với NTD. Do đó, nếu hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được đăng ký thì đương nhiên không thể áp dụng cho NTD. Tuy nhiên, việc không đăng ký không cấu thành một vi phạm hành chính mà chính hành vi áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không được đăng ký mới cấu thành một vi phạm hành chính. Nói cách khác, việc “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” chưa thể xem là vi phạm và bị xử phạt. Việc xử phạt chỉ diễn ra khi tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Với tư duy đó, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” là hoàn toàn không chính xác.
Thứ ba, có sự chồng chéo về chế tài khi quy định mức tiền phạt khác nhau đối với các vi phạm liên quan đến hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có biểu hiện tương đồng, giống nhau
Điểm a khoản 2 Điều 51 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “không thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với NTD theo quy định”. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 47 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) cũng quy định xử phạt hành vi “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định”với mức tiền phạt nhẹ hơn khá nhiều (phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng).
Dưới góc độ ngôn ngữ, công khai là không giữ kín, không che giấu mà mọi người biết một cách đầy đủ, chính xác[16]. Như vậy, bản chất của công khai là làm cho NTD hiểu biết một cách chính xác, đầy đủ về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Trong khi đó, sự hiểu biết một cách chính xác, đầy đủ chỉ có thể được bảo đảm thông qua phương thức công khai[17]. Như vậy, hành vi “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định” hoàn toàn có thể là “không thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với NTD theo quy định”. Ngược lại, hành vi “không thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với NTD theo quy định” vẫn có thể là “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thì“không thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với NTD theo quy định” “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định” là hai hành vi có mức phạt khác nhau. Trong khi đó, nếu đây là hai hành vi khác nhau thì cũng không có cơ sở để phân biệt, còn nếu giống nhau thì mức phạt tiền lại khác nhau.       
4. Định hướng hoàn thiện
Để bảo đảm tính khách quan, công khai cũng như bảo đảm quyền lợi của bên yếu thế trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, các tác giả kiến nghị:
Một là, trong bối cảnh Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực pháp luật thì cần bổ sung chế tài đối với hành vi không sử dụng tiếng Việt trong điều kiện giao dịch chung. Như vậy, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) có thể được sửa đổi như sau:
Điều 50. Hành vi vi phạm về hình thức hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch với NTD có một trong các vi phạm sau đây:
a) Có cỡ chữ nhỏ hơn quy định;
b) Ngôn ngữ thể hiện không phải là tiếng Việt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;
c) Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không tương phản nhau”.
Hai là, theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm yêu cầu “có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Với tư duy đó, có thể hiểu một khi pháp luật quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng mẫu thì phải quy định chế tài xử lý nếu vi phạm nghĩa vụ này. Hiện nay, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) không quy định chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ này là một điều bất hợp lý. Do đó, Chính phủ cần bổ sung quy định chế tài đối với hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng theo mẫu trước khi ký kết. Tuy nhiên, trước khi quy định chế tài đối với hành vi vi phạm thì nhà làm luật cũng cần xác định cụ thể thế nào là “thời gian hợp lý”. Kinh nghiệm cho thấy, để hạn chế tình trạng tranh cãi thì nhà làm luật có thể quy định cụ thể khoảng thời gian này là bao nhiêu ngày hoặc bao nhiêu tháng[18]. Nếu chưa đủ thời gian này mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thúc ép NTD giao kết hợp đồng theo mẫu thì xem như vi phạm điều cấm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngược lại, trong trường hợp tuy chưa hết khoảng thời gian nêu trên nhưng NTD có văn bản xác nhận đã nghiên cứu kỹ lưỡng hợp đồng theo mẫu thì xem như tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã thực hiện đúng nghĩa vụ và không thể bị xử phạt.
Về tính chất, mức độ nguy hiểm thì hành vi “không dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu” tương tự hành vi “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 47Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP). Do đó, có thể bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 47Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) với mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng áp dụng đối với hành vi của “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định hoặc không dành thời gian hợp lý để NTD nghiên cứu hợp đồng theo mẫu trước khi giao kết”.
Ngoài ra, cần sửa đổi sự không chính xác trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) về hành vi “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”. Như đã trình bày,hành vi “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” không thể là vi phạm pháp luật. Vi phạm pháp luật chỉ xảy ra khi tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó, cần sửa đổi quy định xử phạt hành vi “không đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” thành “áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung mà chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Cuối cùng, để khắc phục tình trạng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thống nhất thì cần sửa đổi các quy định này. Theo tác giả, hành vi “không thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với NTD theo quy định” và hành vi “không thông báo chính xác, đầy đủ cho NTD về điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định” có tính chất, mức độ, biểu hiện giống nhau. Do đó, Chính phủ cần thống nhất mức tiền phạt đối với các vi phạm này. Theo đó, có thể tích hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 và điểm d khoản 1 Điều 47 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) thành vi phạm “không thông báo công khai, chính xác, đầy đủ cho NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định” với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng./.
 

[1] Doãn Hồng Nhung - Hoàng Anh Dũng (2017), Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu khi mua bán căn hộ chung cư tại Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 9.
[2] Hugh Beale (2002), Unfair terms in contracts: Proposals for reform in the UK, Journal of Consumer Policy, Vol. 27.
[3] Azimon Abdul Aziz, Sakina Shaik Ahmad Yusoff (2010), Regulating standard form of Consumer contracts: The legal treatment of selected Asian jurisdictions, Asian Journal of Accounting and Governance, Vol. 1.
[4] Dương Hồng Phương (2016), Triển khai thực hiện “Hợp đồng theo mẫu - Điều kiện giao dịch chung” trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, số 10.
[5] Nguyễn Thị Hằng Nga (2012), Một số bất cập của pháp luật về đăng ký hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, Tạp chí Nghề luật, số 4.
[6] Wendy K. Mariner (1998), Standards of Care and Standard Form Contracts, Journal of Contemporary Health Law and Policy, No. 15.
[7] Đỗ Giang Nam (2015), Bình luận về các quy định liên quan đến hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5.
[8] Phillip Hellwege (2015), It is Necessary to Strictly Distinguish Two Forms of Fairness Control, Journal of European Consumer and Market Law, Vol. 4, Issue 4.
[9] Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023.
[10] Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023.
[11] Khoản 7 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023.
[12] Khoản 3 Điều 27 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023.
[13] Điều 6 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP.
[14] Điều 13 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP.
[15] Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 55/2024/NĐ-CP.
[16] Nguyễn Lân (2006), Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 422.
[17] Phạm Mạnh Hùng (2016), Công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 7.
[18] Tobias Caspary (2006), Consequences of Premature Self-Cure: The Lawless Buyer - A Critical Review of Bundesgerichtshof’s Verdict of 23 February 2005, German Law Journal, Volume 7, No. 1.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 12(491), tháng 6/2024)


Thống kê truy cập

34969783

Tổng truy cập