Đại diện khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước

01/10/2024

PGS.TS. LÊ VŨ NAM

NCS. NGUYỄN HUY HOÀNG

Trường Đại học Kinh kế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả phân tích vấn đề xác định các chủ thể được pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước; thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về đại diện khởi kiện và tham gia vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước tại Việt Nam; so sánh với các quy định tương ứng của pháp luật một số nước để từ đó đánh giá tính khả thi của các quy định của pháp luật điều chỉnh những quan hệ phát sinh có liên quan. Qua việc xác định khái niệm và bản chất của đại diện trong tố tụng dân sự, trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập trong các quy định hiện hành, các tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam theo hướng bổ sung chủ thể tham gia đại diện khởi kiện các vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Từ khóa: Lợi ích hợp pháp của người khác; lợi ích công cộng; lợi ích của Nhà nước; tố tụng; đại diện.
Abstract: Within this article, the authors give an analysis of the concerned determination of the subjects who are prescribed by law to have the right to initiate civil lawsuits to protect the legitimate rights and interests of others, public interests, and interests of the State; practical application of the relevant provisions of the  Civil Procedure Code of 2015 on representation to sue and participate in civil cases to protect the legitimate rights and interests of others, public interests, and interests of the State in Viet Nam; make comparisons with the corresponding provisions of the laws of some other countries to assess the feasibility of the provisions of the law governing relevant relationships. By defining the concept and nature of representation in civil proceedings, on the basis of identifying limitations and inadequacies in current regulations, the authors also propose solutions to improve the provisions of the law with the aim of supplementing the subjects participating in representing civil lawsuits to protect the legitimate rights and interests of others, public interests, and the interests of the State.
Keywords: Legitimate interests of others; public interest; interests of the State; procedure; representative.
99_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Quyền khởi kiện, quyền được đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự là những quyền quan trọng được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự. Để bảo vệ các quyền trên, pháp luật tố tụng quy định các chủ thể, trong một số trường hợp có quyền khởi kiện vụ án dân sự (VADS) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Các trường hợp này được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự (TTDS)[1]. Quyền khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước là quy định mang tính nhân văn, bảo đảm các quyền con người và tạo ra sự bình đẳng xã hội.
1. Bản chất của người đại diện theo pháp luật trong các vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, có thể hiểu đại diện ở đây là việc chủ thể nhân danh và vì lợi ích của người khác tham gia vào quá trình tố tụng theo pháp luật TTDS để giúp người được đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
BLTTDS không quy định thế nào là người đại diện theo pháp luật mà liên thông, dẫn chiếu pháp luật nội dung. Theo Điều 85 BLTTDS: “Người đại diện trong TTDS bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của BLDS. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự”.
Khoản 2 Điều 68 BLTTDS đã xác định ngoài tư cách là người khởi kiện ra, nguyên đơn còn là “người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện” và là “cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước”. Đồng thời, tại Điều 85 BLTTDS về người đại diện cũng đã xác định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ”. Như vậy, trong các VADS thuộc trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì nguyên đơn luôn có người đại diện theo pháp luật một cách thụ động - người đứng ra khởi kiện cho người khác.
Quy định về đại diện nói chung và đại diện theo pháp luật trong TTDS nói riêng đang có sự liên thông giữa luật nội dung và luật tố tụng. Tuy có những quy định thống nhất về việc xác định các trường hợp cần có người đại diện theo pháp luật và xác định người đại diện theo pháp luật nhưng người đại diện theo pháp luật của đương sự trong TTDS mang những bản chất riêng, cụ thể như sau:
Một, đại diện theo pháp luật của đương sự chỉ xuất hiện trong quan hệ pháp luật TTDS. Sự tham gia của người đại diện trong TTDS bao gồm đại diện pháp lý hay thụ ủy theo khế ước đều có danh nghĩa hành sử tố quyền[2]. Việc thay mặt trong TTDS cũng chỉ ở một vụ việc cụ thể với những quyền và nghĩa vụ tố tụng cố định.
Hai, nếu lợi ích của người đại diện và người được đại diện có mâu thuẫn, đối lập thì người đại diện theo pháp luật trong quan hệ dân sự không thể trở thành người đại diện của đương sự trong TTDS[3].
Trường hợp ly hôn mà một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần theo Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGD) là một ví dụ điển hình. Theo quy định, quyền ly hôn là quyền nhân thân nên các chủ thể phải tự mình khởi kiện, đối với trường hợp không có năng lực hành vi dân sự thì không được tự mình yêu cầu Tòa án cho ly hôn, cũng không có ai có quyền yêu cầu ly hôn thay họ trừ khi họ phải chứng minh là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ[4].
Theo pháp luật dân sự về đại diện theo pháp luật thì đương nhiên người vợ/chồng sẽ trở thành bị đơn nhưng đồng thời là đại diện theo pháp luật cho nguyên đơn. Trong khi đó, khoản 3 Điều 24 Luật HNGD chỉ quy định Tòa án chỉ định người khác đại diện “trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
BLTTDS tại khoản 1 Điều 88 đã đưa ra giải pháp về việc Tòa án chỉ định người đại diện để tham gia TTDS, nhưng không quy định cụ thể là chỉ định ai là người đại diện, chỉ định như thế nào và buộc phải quay lại quy định “người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong TTDS” thì không tìm thấy quy định nào về chỉ định người đại diện trong BLDS. Có quan điểm cho rằng, áp dụng pháp luật tương tự để thay đổi người giám hộ theo Điều 60 BLDS và đồng thời, Tòa án thay đổi người đại diện[5]. Điều này chưa thật sự thuyết phục, bởi lẽ: Không phải BLTTDS không quy định mà BLTTDS quy định dẫn chiếu tới BLDS; quy định về giám hộ, thay đổi giám hộ là hoàn toàn khác so với quy định về đại diện, nhất là đại diện trong TTDS; ngoài ra, phải tính đến trường hợp Tòa án bác đơn ly hôn, họ vẫn là vợ chồng thì việc giám hộ không thay đổi.
Ba, đại diện theo pháp luật của nguyên đơn trong các VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước có nội hàm rộng hơn. Do pháp luật đánh đồng giữa đại diện trong pháp luật nội dung với đại diện trong TTDS nên đã tạo ra những bất cập, cụ thể:
(i) Về điều luật, rõ ràng trong danh sách đại diện theo pháp luật của cá nhân tại Điều 136 BLDS không có tên những trường hợp đại diện theo pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật theo ghi nhận tại khoản 2 Điều 85 BLTTDS. Các tác giả cho rằng, bất cập nằm ở BLTTDS khi quy định người đại diện theo pháp luật của đương sự chính là người đại diện theo pháp luật được quy định trong BLDS.
(ii) Theo khoản 3 Điều 85 BLTTDS thì tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm. Như vậy, chủ thể này không được xếp vào đâu trong các quy định của BLDS về đại diện.
(iii) Theo quy định thì cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước là đại diện theo pháp luật của nguyên đơn trong vụ án đó hoặc là nguyên đơn trong vụ án đó. Dù là với tư cách nào thì tổ chức đó không thể mang nguyên tổ chức hay tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức đến Tòa án để tham gia vụ kiện được mà phải thông qua người đại diện của cơ quan, tổ chức đó.
Nếu là tổ chức có tư cách pháp nhân thì không sao vì BLDS (văn bản mà BLTTDS viện dẫn) có nêu về đại diện theo pháp luật của pháp nhân tại Điều 137. Tuy nhiên, đối với những tổ chức không có tư cách pháp nhân được BLTTDS giao “nhiệm vụ” khởi kiện thay và “chỉ định” tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo pháp luật thì ai sẽ là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó tham gia tố tụng. Ví dụ: Công đoàn Công ty X khởi kiện cho người lao động; Hội Nước mắm PhQ khởi kiện Công ty nước mắm CX liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nếu pháp luật TTDS có quy định riêng, độc lập với pháp luật nội dung thì vấn đề này sẽ được giải quyết bằng quy chế hoạt động của tổ chức đó, bất cập được giải quyết và quan trọng hơn là quy định của luật sẽ không chỉ nằm trên giấy. Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc không đồng nhất đại diện giống như BLTTDS Việt Nam nên cách tiếp cận vấn đề này khá đơn giản: “Pháp nhân sẽ được đại diện hợp pháp của họ đại diện trong tranh tụng. Các tổ chức khác sẽ được đại diện trong tranh tụng bởi các cán bộ phụ trách của họ”[6]; như vậy, đại diện theo pháp luật trong TTDS không nhất thiết phải là đại diện theo pháp luật của luật nội dung.
Qua trình bày trên cho thấy, cần phải xác định đúng bản chất của đại diện theo pháp luật trong TTDS là đại diện tham gia quy trình tố tụng cho các đương sự trong một số trường hợp được quy định trong pháp luật TTDS. Do đó, nên có quy định riêng thành một chương trong BLTTDS để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đại diện nói chung.
2. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật
Thực trạng chung là rất hiếm có các VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước ở Việt Nam, nhất là các vụ án bảo vệ lợi ích công cộng. Có một số vụ án về hôn nhân và gia đình, cha, mẹ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần nhưng số lượng cũng hạn chế.
Trong khi đó, thời gian qua, có nhiều trường hợp cần được bảo vệ được ghi nhận tại khoản 1, khoản 5 Điều 187 BLTTDS liên quan đến quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên…
Về các vụ án liên quan đến tranh chấp lao động, theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2018, số lượng các vụ tranh chấp lao động mà Tòa án các cấp đã thụ lý giải quyết liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, 100% các vụ án được tòa thụ lý giải quyết là tranh chấp lao động cá nhân. Dù pháp luật quy định Công đoàn có quyền đại diện cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp lao động tập thể nhưng Tòa án chưa thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp lao động tập thể nào do tổ chức Công đoàn khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người lao động[7].
Về các vụ kiện liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, trong giai đoạn 2011-2021, chỉ có duy nhất một vụ việc Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre giúp đỡ, hỗ trợ 190 người tiêu dùng thắng kiện trong vụ việc người tiêu dùng bị ngộ độc bánh mỳ kẹp thịt ở Bến Tre năm 2015, đây là vụ đầu tiên Hội Bảo vệ người tiêu dùng hỗ trợ người tiêu dùng khởi kiện ra tòa thành công sau 2 năm theo kiện[8]. Trong vụ án này, Tòa án đã không nhập chung một vụ án mà tách thành 03 vụ án khác nhau. Kết quả là người tiêu dùng đều thắng kiện hoặc hòa giải thành. Tuy nhiên, theo nội dung của bản án thì người đứng đơn khởi kiện vẫn là những người tiêu dùng, thực chất Hội Bảo vệ người tiêu dùng chỉ hỗ trợ người tiêu dùng khởi kiện[9].
Riêng đối với việc khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì đến nay hầu như chưa ghi nhận trường hợp nào. Trong khi, tại Việt Nam nhiều lợi ích công cộng bị xâm phạm, có thể kể đến các lĩnh vực dễ bị xâm phạm như môi trường, tài nguyên, văn hóa, thông tin cá nhân, tiêu dùng, an toàn thực phẩm… là khá phổ biến.
Như vậy, có thể khẳng định, việc hiếm gặp các trường hợp khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước theo quy định tại Điều 187 BLTTDS không phải do thực tế không có nhu cầu mà do các quy định của pháp luật còn thiếu, nhiều bất cập, rào cản. Ngoài ra, các quy định cũng chưa được tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Ở một số quốc gia trên thế giới, khởi kiện và tranh tụng vì lợi ích công đang được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn hoạt động xét xử tại Tòa án, trong đó có thể kể đến là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, hệ thống tranh tụng vì lợi ích công đã khá hoàn thiện. Hoa Kỳ có các đạo luật liên quan cho phép khởi kiện, tranh tụng vì lợi ích công, tập trung ở các lĩnh vực như: công bằng môi trường; bảo vệ người tiêu dùng; việc làm công bằng; vận chuyển; giải quyết các vấn đề địa phương như chất lượng nước, không khí, giao thông.
Sự phát triển của hệ thống tranh tụng vì lợi ích công tại Hoa Kỳ là nhờ có hệ thống luật nội dung cũng như luật tố tụng hoàn chỉnh của các bang và cả của Liên bang quy định về các chủ thể, thủ tục tham gia khởi kiện vì lợi ích công[10].Đồng thời, các tổ chức phi chính phủ, các công ty luật, các luật sư tham gia đại diện tố tụng cho các vụ án lợi ích công cộng, bao gồm cả việc đại diện miễn phí cho những người không có khả năng chi trả, người nghèo.
Tại Trung Quốc, một nước có hệ thống pháp luật gần gũi, tương đồng với Việt Nam, trong những năm gần đây, công tác tố tụng công ích phát triển mạnh mẽ, ngày càng trở thành yếu tố quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng ở Trung Quốc.
Đặc biệt, tại Trung Quốc có hệ thống tố tụng công ích của Viện kiểm sát phát triển rất mạnh, một mô hình nên được nghiên cứu, tham khảo. Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022, các cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã đăng ký và thụ lý 107.000 vụ án tố tụng công ích. Trong số đó, 13.000 vụ kiện về lợi ích công dân sự đã được nộp và 94.000 vụ kiện về lợi ích công hành chính đã được nộp[11].
Những con số thống kê nêu trên đã nói lên khá nhiều về tính hiệu quả của mô hình tố tụng công ích của Viện kiểm sát tại Trung Quốc. Kết quả này xuất phát từ việc Trung Quốc có một hành lang pháp lý hoàn thiện, nhất là pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng công ích. Đầu tiên phải kể đến Luật Tố tụng dân sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, được sửa đổi mới nhất vào năm 2017; tiếp đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn cho các vụ kiện vì lợi ích công của các viện kiểm sát có hiệu lực ngày 02/3/2018. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc cũng ban hành Hướng dẫn xử lý các vụ kiện dân sự vì lợi ích công của các cơ quan kiểm sát (để thực hiện xét xử) vào năm 2018 và được sửa đổi vào ngày 28/8/2020; đồng thời, cơ quan này cũng ban hành Quy tắc xử lý các vụ kiện vì lợi ích công của Viện kiểm sát nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
Theo pháp luật Trung Quốc, các cơ quan được chỉ định hợp pháp và các tổ chức có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân đối với các hành vi gây nguy hại cho lợi ích công cộng như gây ô nhiễm môi trường hoặc làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nói chung[12]. Nếu các tổ chức có liên quan không khởi kiện thì Viện kiểm sát sẽ khởi kiện ra Tòa án[13]. Việc làm trên gần như trở thành chuyên nghiệp và là một mảng công tác quan trọng của Viện kiểm sát Trung Quốc. Điều đó cho thấy tính hiệu quả về thể chế trong các quy định tiến bộ của Trung Quốc.
3. Kiến nghị hoàn thiện
3.1. Mở rộng đối tượng có quyền khởi kiện các vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước
Thứ nhất, mở rộng đối tượng tại khoản 1 Điều 187 BLTTDS.
Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp là cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em tại địa phương. Tuy nhiên, vai trò của UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã còn hạn chế. Lý do là, “quản lý nhà nước” bao hàm nhiều nghĩa và rất rộng. Theo nghĩa hẹp là hướng dẫn chấp pháp, điều hành, quản lý hành chính nhà nước. Trong khi đó, yêu cầu của luật là UBND tham gia tố tụng theo một trình tự, thủ tục nhất định không giống với chức năng liên quan đến quản lý hành chính. Do đó, nếu quy định chung chung thế này thì sẽ không gắn trách nhiệm của UBND được. Ngoài ra, cần phải chỉ đích danh là UBND cấp xã là nơi gắn liền với người dân nhất. Mặt khác, ngoài quản lý nhà nước về gia đình thì UBND còn quản lý về trẻ em. Để nâng cao hiệu quả thì cần quy định cụ thể luôn là “UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện VADS…”.
Khoản 1 Điều 187 BLTTDS quy định “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” là không đúng quy chế hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và không phù hợp với thực tiễn. Việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thường được thực hiện bởi các Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương từ tỉnh đến xã. Điểm d khoản 2 Điều 10 Luật HNGĐ chỉ quy định là “Hội Liên hiệp Phụ nữ” có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Như vậy, quy định tại Điều 187 BLTTDS đã bó hẹp phạm vi đại diện của Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 187 BLTTDS bỏ qua một chủ thể quan trọng đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận[14]. Đây là một tổ chức rộng lớn với các thành viên gắn liền với quyền lợi của người dân ở nhiều góc độ và có các thành viên chuyên đại diện cho phụ nữ, trẻ em, gia đình...
Các quy định về gia đình và trẻ em không chỉ trong phạm vi Luật HNGĐ, mà còn ở nhiều luật khác như: Luật Trẻ em; Luật Nuôi con nuôi. Chẳng hạn, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo Điều 26 Luật Nuôi con nuôi. Khoản 1 Điều 187 BLTTDS quy định: “có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình” là có sai sót. Sai sót này lặp lại tại khoản 5 Điều 187 BLTTDS.
Vì vậy, khoản 1 Điều 187 BLTTDS 2015 cần được điều chỉnh lại theo hướng: “UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện, xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện VADS theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật khác”. Tiến tới có quy định liệt kê cụ thể các VADS và chủ thể có quyền khởi kiện tại chương riêng về đại diện trong TTDS.
Thứ hai, mở rộng đối tượng tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS.
Trước tiên, cần sửa đổi cụm từ “tổ chức đại diện tập thể lao động” tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS, đây là một sai sót và là một rào cản trong việc mở rộng quyền được đại diện của người lao động. Tổ chức đại diện tập thể lao động theo BLTTDS có nghĩa là toàn bộ người lao động của một doanh nghiệp, xí nghiệp là không còn phù hợp khi mà Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm một chủ thể mới có thể đại diện người lao động, đó là “tổ chức đại diện người lao động”. Một doanh nghiệp có thể có nhiều tổ chức đại diện người lao động.
 Như vậy, công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đều có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động. Tuy nhiên, tập thể người lao động ở đây là ai, số lượng bao nhiêu thì được bảo vệ còn chưa rõ. Về lý thuyết, một nhóm người là thành viên của “tổ chức đại diện người lao động” có tranh chấp với người sử dụng lao động thì tổ chức đó được quyền khởi kiện và tham gia tố tụng. Cần thiết phải có hướng dẫn về vấn đề này, tiến tới việc quy định cụ thể các VADS về lao động và chủ thể đại diện người lao động có quyền khởi kiện và đại diện tham gia TTDS tại chương riêng về đại diện trong TTDS.
Thứ ba, mở rộng đối tượng tại khoản 3 Điều 187 BLTTDS.
Khoản 3 Điều 187 BLTTDS có điểm tiến bộ, tạo điều kiện mở rộng chủ thể khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, đó là việc quy định “tổ chức xã hội” nói chung mà không cụ thể là tổ chức nào. Tuy nhiên, vẫn còn có sự hạn chế vì việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, không phải của riêng các tổ chức xã hội.
Đoạn cuối của khoản 3 Điều 187 BLTTDS giới hạn trong phạm vi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cũng giống bình luận về khoản 1 và 5 Điều 187 BLTTDS nêu trên, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể không chỉ được điều chỉnh bởi riêng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc giả sử Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thay bằng một tên khác dẫn tới BLTTDS phải thay đổi theo. Tuy chỉ là kỹ thuật lập pháp, nhưng phần nào làm giảm sức mạnh của cơ chế, biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, trước đây Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có nhiều quy định chồng chéo và mâu thuẫn với BLTTDS. Chỉ xét các vấn đề liên quan đến khoản 3 Điều 187 BLTTDS, theo điều khoản này thì tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hai trường hợp: (i) đại diện người tiêu dùng khởi kiện; (ii) tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng. Tại trường hợp (i) không rõ là đại diện người tiêu dùng khởi kiện chỉ vì lợi ích công cộng hay cả vì quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng”, cũng nêu lên hai trường hợp khởi kiện nhưng chỉ với một mục đích là vì lợi ích công cộng. Nếu thực hiện theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sẽ hạn chế việc bảo vệ người tiêu dùng, nếu chỉ vì lợi ích công cộng thì khó xác định được và không ai khởi kiện. Các hội thành lập nên là để bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong hội chứ không phải vì lợi ích công cộng. Nếu không thực hiện theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì lại trái luật, vi phạm khoản 3 Điều 187 BLTTDS, vi phạm điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Một vấn đề khác, nếu theo quy định tại khoản 3 Điều 187 nêu trên, dẫn chiếu khoản 2 Điều 85 BLTTDS thì không xác định tổ chức xã hội khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tham gia TTDS với tư cách gì[15]. Do đó, khó khăn cho việc thụ lý, giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội ban hành thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã có nhiều sửa đổi theo hướng tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua việc tăng quyền và trách nhiệm của Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ngoài việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để tăng cường hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng thì cần sửa đổi khoản 3 Điều 187 BLTTDS theo hướng: “Tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật”.
Thứ tư, mở rộng đối tượng tại khoản 4 Điều 187 BLTTDS.
Quy định tại khoản 4 Điều 187 BLTTDS về việc cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện VADS để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước là tiền đề rộng mở cho việc phát triển tố tụng đại diện vì lợi ích công.
Tuy nhiên, quy định tại tại khoản 4 Điều 187 BLTTDS vẫn “hẹp” vì quy định chung chung sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm... Việt Nam hiện tại không có quy định pháp lý rõ ràng nào về trình tự, thủ tục của các vụ kiện vì lợi ích công cộng, điều này dẫn đến thực tế như đã nêu là quy định không đi vào cuộc sống, chưa có cơ quan, tổ chức nào khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng tại Việt Nam. So sánh con số không của Việt Nam và con số hàng chục nghìn vụ án vì lợi ích công cộng của Trung Quốc mới thấy thực trạng đáng quan ngại, cần có sự nhìn nhận nghiêm túc.
Các tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể để tăng cường việc khởi kiện, đại diện để bảo vệ lợi ích công cộng tại Việt Nam như sau:
Một là, cần quy định riêng về chủ thể đại diện khởi kiện, tham gia tố tụng; về trình tự, thủ tục; quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng bảo vệ lợi ích công cộng. Khi chưa có quy định riêng thì cần phải quy định rõ những nguyên tắc, thủ tục cơ bản trong BLTTDS và trước tiên phải bãi bỏ nội dung “Người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS là người đại diện theo pháp luật trong TTDS” tại Điều 85 BLTTDS.
Hai là, cho phép cá nhân có quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Hiện nay, không có quy định cho phép cá nhân được khởi kiện vì lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Có nhận định cho rằng, có lẽ xuất phát từ sự phức tạp trong những vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước và những khó khăn, hạn chế trong hoạt động chứng minh của cá nhân đi kiện cho lợi ích chung nên pháp luật chỉ ghi nhận quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức trong trường hợp này[16]. Nhận định này chỉ phù hợp với vụ án liên quan đến lợi ích của Nhà nước. Đối với lợi ích công cộng thì đó là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Rất nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để làm những việc phúc lợi xã hội, cho nên việc quan ngại khó khăn không phải là lý do để luật không ghi nhận.
Nhiều nước trên thế giới ghi nhận việc khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng có thể được thực hiện bởi bất kỳ bên tư nhân nào (cá nhân, tổ chức) như Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Tại Hoa Kỳ, một trong những quốc gia có hệ thống tranh tụng dân sự hiện đại tương đối hoàn chỉnh, thể hiện tư duy đa nguyên của nguyên đơn, Đạo luật Sherman được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1890 và Đạo luật Clayton năm 1914 đều quy định hành vi bị cấm bởi Luật Chống độc quyền, ngoại trừ việc nạn nhân có quyền khởi kiện, công tố viên có thể đưa ra một hành động công bằng, bất kỳ cá nhân và tổ chức nào khác có thể khởi kiện[17].
Để tránh mối lo ngại việc lạm quyền khởi kiện để quấy rối hay trục lợi, chúng ta cần ghi nhận và xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, quy định rõ ràng về đại diện khởi kiện và tham gia tố tụng để mọi cá nhân vì lợi ích chung, lợi ích công cộng đều có thể tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Việc không quy định cá nhân được khởi kiện vì lợi ích công cộng không những cản trở việc mở rộng khả năng đại diện trong TTDS mà còn làm mất đi một nguồn lực lớn cho phát triển xã hội, bảo vệ những người yếu thế.
Ba là, học tập và áp dụng mô hình tố tụng vì lợi ích công bởi các cơ quan kiểm sát của Trung Quốc.
Viện kiểm sát nhân dân được giao nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất[18]. Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân nêu trên là phù hợp để giao nhiệm vụ đại diện khởi kiện và tham gia tố tụng trong các VADS bảo vệ lợi ích công cộng tại Việt Nam…
Thứ tư, mở rộng đối tượng tại khoản 5 Điều 187 BLTTDS.
Pháp luật TTDS đã có quy định nhân văn để bảo vệ cho các chủ thể này bằng quyền khởi kiện của các chủ thể khác theo quy định tại Điều 187 BLTTDS, nhưng lại bị chính pháp luật nội dung cản trở, cụ thể: Khoản 2 Điều 51 Luật HNGD đã cản trở việc thực hiện quyền khởi kiện hoặc nhờ người khác đại diện khởi kiện bằng một quy định rất mơ hồ: “đồng thời, là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Khi họ đã bị mất năng lực dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì làm sao họ chứng minh được họ bị bạo lực gia đình hay không. Với quy định này thì quyền chủ động ly hôn hay không hoàn toàn thuộc về người tỉnh táo, thiệt thòi về phần người yếu thế.
Mặt khác, Luật HNGĐ chỉ mới cho phép cha, mẹ, người thân thích của người tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi được khởi kiện ly hôn thay cho người tâm thần nhưng về quyền đại diện liên quan đến phân chia tài sản chung thì không có quy định cụ thể.
Bất cập trong việc giới hạn quyền khởi kiện chỉ trong phạm vi các quy định được ghi nhận trong Luật HNGĐ tại khoản 5 Điều 187 BLTTDS đã được nêu ở phần trước. Thêm một vấn đề nữa là, nếu giới hạn như thế thì ngoài chủ thể được Luật HNGĐ quy định, những chủ thể khác sẽ không tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác dù việc đó là cần thiết cho xã hội và hợp pháp. Chủ thể nào được tham gia khởi kiện vì mục đích gì, cho ai cần được cân nhắc và quy định cụ thể, chặt chẽ. Tuy vậy, BLTTDS cần có quy định mở, không giới hạn trong Luật HNGĐ và chỉ trong các vụ án hôn nhân, gia đình mà là trong các VADS nói chung.
3.2. Xây dựng cơ chế tham gia tố tụng đại diện phù hợp, thuận tiện và linh hoạt
Để các quy định về quyền khởi kiện VADS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước đi vào thực tế, thực chất thì việc tạo lập cơ chế tham gia tố tụng đại diện phù hợp, thuận tiện và linh hoạt đóng vai trò quyết định.
Các tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định riêng về đại diện TTDS trong BLTTDS, tách biệt với quy định về đại diện trong BLDS. Ở đó có những quy định về chủ thể, trình tự, thủ tục đại diện, quyền, nghĩa vụ của bên đại diện và bên được đại diện và đương nhiên sẽ có những quy định cụ thể về chủ thể được quyền khởi kiện; người được bảo vệ, địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của đương sự, người đại diện trong VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Điều này cũng tránh được tình trạng quy định về một vấn đề nhưng lại nằm rải rác ở nhiều điều luật, nhiều chương khác nhau trong BLTTDS.
Tiếp tục vận dụng thủ tục TTDS tiến bộ như thủ tục rút gọn để giải quyết VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Đặc biệt là quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tòa án là trung tâm của quá trình tố tụng và các thẩm phán là người vận hành trung tâm đó cần trang bị đủ bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng tố tụng để có thể giải quyết các vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước đúng luật và thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức đại diện khởi kiện và tham gia tố tụng. Đồng thời, quá trình xét xử, thẩm phán đóng góp những bản án chất lượng làm nguồn án lệ, không chỉ để tạo ra chuẩn mực mà còn là cẩm nang tuyên truyền hiệu quả trong nhân dân về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước./.
 

[1] Điều 187 BLTTDS ghi nhận về quyền khởi kiện VADS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
[2] Nguyễn Huy Đẩu (1962), Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, tr. 52.
[3] Khoản 1 Điều 87 BLTTDS.
[4] Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[5] Trương Thanh Hòa, Ly hôn một bên bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, Tạp chí Tòa án điện tử, https://tapchitoaan.vn/ly-hon-mot-ben-bi-benh-tam-than-hoac-co-dau-hieu-bi-benh-tam-than, truy cập ngày 01/6/2022.
[6] Điều 48 Luật TTDS Trung Quốc năm 2017.
[7] Minh Châu, “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn”, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-ca-nhan-va-tap-the-cua-to-chuc-cong-doan-500446.html, truy cập ngày 01/6/2022.
[8] http://vcca.gov.vn/.
[9] Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2015/DS-ST ngày 09/02/2015 và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2015/DS-ST ngày 04/3/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre.
[10] Rule 17 The 2020 Federal Rules of Civil Procedure, USA.
[11]https://news.cctv.com/2022/07/21/ARTIlocoFdaPHrtO1nO8HC41220721.shtml?spm=C94212.P4YnMod9m2uD.ENPMkWvfnaiV.196.
[12] Điều 55 Luật TTDS Trung Quốc năm 2017.
[13] Phần đầu tiên của Hướng dẫn xử lý các vụ kiện dân sự vì lợi ích công của các cơ quan kiểm sát ngày 28/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ghi nhận: “Khi thi hành công vụ, cơ quan kiểm sát phát hiện những hành vi xâm hại đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thuốc ... nếu tổ chức không khởi kiện thì có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân”.
 
[14] Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
[15] Khoản 2 Điều 85 BLTTDS quy định về người đại diện không nhắc đến chủ thể này.
[16] Nguyễn Thị Thu Hà, Vũ Hoàng Anh, Nguyên tắc “quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13 (413), tháng 7/2020, tr.39.
[17] https://baike.baidu.com/item/%E5%85%AC%E7%9B%8A%E8%AF%89%E8%AE%BC/2421877.
[18] Khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 9, tháng 5/2024)


Thống kê truy cập

34490644

Tổng truy cập