Quản lý nhà nước đối với các trường Đại học tư thục trong bối cảnh chuyển đổi số

01/10/2024

ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC UYỂN

ThS. HỒ HỒNG NHUNG

Khoa Kinh doanh và Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

 

Tóm tắt: Hiện nay, các trường đại học tư thục ngày càng có vị thế cao trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội ở Việt Nam. Xu hướng phát triển của trường đại học tư thục ở Việt Nam trong tương lai là tất yếu và phù hợp với xu thế các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc quản lý nhà nước đối với nhóm trường đại học cần thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển mới. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích những quy định hiện hành của pháp luật về việc quản lý đối với các trường đại học tư thục và kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Quản lý nhà nước; trường đại học tư thục; chuyển đổi số.
Abstract: Currently, private universities play an increasingly important role in supplementing quality human resources for society in Vietnam. The future development trend of private universities in Vietnam is both inevitable and consistent with global trends. In particular, in the context of digital transformation, the state management of this university category needs to change to accommodate the new development situation. In this article, the authors focus on analyzing the current legal regulations on the state management of private universities and give out a number of recommendations for relevant improvements.
Keywords: State management; private university; digital transformation
99_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về quản lý nhà nước đối với các trường đại học tư thục
- Khái niệm quản lý nhà nước đối với các trường đại học tư thục
Quản lý nhà nước đối với trường đại học tư thục là việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyền lực công để điều hành, điều chỉnh các hoạt động giáo dục và đào tạo của các trường đại học tư thục (ĐHTT), nhằm mục tiêu bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các hoạt động giáo dục và đào tạo, thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
- Đặc điểm quản lý nhà nước với các trường đại học tư thục  
Thứ nhất, quản lý nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cho các trường ĐHTT hoạt động; ngăn ngừa và xử lý vi phạm của các trường ĐHTT. Đặc điểm này có thể xem là đặc điểm chung của quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Nhà nước quản lý các trường đại học bằng một hệ thống pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đây sẽ là các cơ sở pháp lý làm căn cứ để các cơ quan chức năng và cả trường đại học thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình tổ chức và tiến hành hoạt động GDĐH. Nếu hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện sẽ giúp trường đại học hoạt động ngày càng hiệu quả cũng như ngăn ngừa, xử lý các vi phạm (nếu có).
Thứ hai, quản lý nhà nước mang tính định hướng phát triển cho các trường ĐHTT trong khuôn khổ pháp luật và bảo đảm các trường ĐHTT phát triển phù hợp theo xu hướng của thị trường. Đây là đặc điểm riêng của trường ĐHTT. Nếu các trường đại học công lập (ĐHCL) phải phụ thuộc hoàn toàn từ Nhà nước thì trường ĐHTT được quyền tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhân lực, chỉ có trách nhiệm báo cáo hoạt động tài chính hằng năm cho cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan tài chính có thẩm quyền ở địa phương. Tài sản, tài chính của trường ĐHTT được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quản lý nhà nước nhằm hướng dẫn xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý của các trường ĐHTT được thống nhất, hiệu quả và nhằm nâng cao chất lượng quản lý. Khi hoạt động, các trường ĐHTT tự chủ về tài chính, nhân sự và được tổ chức, hoạt động như một doanh nghiệp. Vì thế, cơ cấu tổ chức và xây dựng bộ máy quản lý hoặc vốn điều lệ vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Thứ tư, quản lý nhà nước đối với trường ĐHTT là việc Nhà nước tạo điều kiện để các trường ĐHTT được bảo đảm tự chủ, tự quyết cùng với đó là tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của các trường ĐHTT. Nhà nước hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để trường ĐHTT tự đưa ra các quyết định của mình. Nói cách khác, quản lý nhà nước ở đây là xây dựng khuôn mẫu để cho các trường ĐHTT có thể tự lựa chọn ưu tiên phát triển và chịu trách nhiệm đối với phần công việc của mình mà không bị can thiệp từ Nhà nước. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với trường ĐHTT còn tạo ra thiết chế để xác lập trách nhiệm pháp lý về báo cáo, giải trình… của trường đối với Nhà nước, người lao động trong trường ĐHTT và chính người học. Điều này một mặt giúp cho các trường ĐHTT có thể linh hoạt trong việc kịp thời đưa ra các quyết định của mình, nhưng mặt khác cũng ràng buộc trường ĐHTT vào cơ chế chịu trách nhiệm và giải trình. 
2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với các trường đại học tư thục trong bối cảnh chuyển đổi số
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu như năm 1993, nước ta mới có trường ĐHTT đầu tiên, năm 1994 chỉ có 5 trường đại học ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 8,6% thì đến hết năm 2020 đã là 65 trường (trên tổng số 237 trường đại học)[1]. Các trường ĐTTT chiếm khoảng 27,4% tổng số trường đại học trên cả nước và phân bố ở 29/63 tỉnh, thành phố; nhiều nhất là thành phố Hà Nội: 14 trường, kế đến TP. Hồ Chí Minh: 12 trường[2]. Tỷ lệ sinh viên của các trường ĐHTT trong nhiều năm ở mức xấp xỉ 17% quy mô sinh viên cả nước.
Từ năm 2017 - 2020, số lượng sinh viên mới chọn học ở các trường ĐHTT tăng nhanh hơn so với trường ĐHCL: năm học 2018 - 2019 tăng 5%, năm 2019 - 2020 tăng 9,8% (trong khi đó số lượng sinh viên mới lựa chọn trường ĐHCL năm học 2018 - 2019 giảm 8%, năm 2019 - 2020 tăng 7,8%)[3]. Vì những ưu điểm riêng biệt của trường ĐHTT nên nhóm tác giả tin rằng xu hướng phát triển đi lên của trường ĐHTT trong tương lai là tất yếu, phù hợp với xu thế các nước trên thế giới.
Trong năm học 2019 - 2020, khi tính toán tỷ lệ số sinh viên trên số giảng viên ở cơ sở GDĐH tư thục và GDĐH công lập cũng có sự khác biệt đáng kể (16,4 sinh viên/cán bộ, giảng viên trường ĐHTT) và 20,6 sinh viên/cán bộ, giảng viên trường ĐHCL. Tương tự, tỷ lệ sinh viên trên số giảng viên cơ hữu ở trường ĐHTT lại thấp hơn so với trường ĐHCL, gần 19,4 sinh viên/giảng viên cơ hữu ở trường ĐHTT và gần 23,85 sinh viên/giảng viên cơ hữu ở trường ĐHCL. Ngoài ra, số lượng giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 23%, thạc sĩ chiếm 63%, đại học chiếm 13% và trình độ khác 1%. Từ đó, cho thấy các trường ĐHTT đầu tư về số lượng giảng viên tốt hơn trường ĐHCL và chỉ số sinh viên ở mỗi lớp học trong trường ĐHTT cũng thấp, tạo điều kiện sinh viên học tập hiệu quả hơn[4]
Bên cạnh những mặt được, việc quản lý nhà nước đối với trường ĐHTT trong bối cảnh chuyển đổi số có một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với trường ĐHTT trong bối cảnh chuyển đổi số chưa đầy đủ và chưa có định hướng rõ ràng.
Nhà nước đã có sự quan tâm về giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số và có tầm nhìn phát triển lâu dài khi đã ban hành các chính sách phát triển công nghệ thông tin vào lĩnh vực dạy học: Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo và dục đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chú trọng triển khai chuyển đổi số ở bốn vấn đề cơ bản bao gồm: phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục và đào tạo; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Nội dung điều chỉnh của các văn bản nêu trên đề cập đến: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, giảng dạy; tổ chức đào tạo trực tuyến, hình thành các quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, sau đại học; quản lý, vận hành sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành. Công tác chuyển đổi số trong ngành tập trung vào ba mảng chính thông qua: Công tác giảng dạy như đào tạo e-learning, đào tạo qua thực tế ảo; quản lý giáo dục như quản lý trường học, tài sản, tra cứu thông tin; vận hành và quản lý doanh nghiệp giáo dục. Các văn bản trên vẫn áp dụng chung cho các cơ sở giáo dục, mà chưa có quy định riêng đối với trường ĐHTT. Trên thực tế, các trường ĐHTT sẽ tự chủ động và phát triển trường theo khả năng của mình, do vậy quá trình chuyển đổi số của từng trường ĐHTT sẽ khác nhau. Để Nhà nước có thể quản lý được quá trình cũng như chất lượng đầu ra giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số của các trường ĐHTT là vấn đề còn nhiều khó khăn. 
Hơn nữa, nhiều văn bản dưới luật vẫn chưa kịp thời cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Điển hình như: Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế trường đại học dân lập vẫn còn hiệu lực, trong khi hiện nay ở Việt Nam trường Đại học dân lập không còn nữa (đã chuyển thành trường ĐHTT theo Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường ĐHTT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Bên cạnh đó, một số quy định trong Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg cũng không còn phù hợp với hiện tại: Hội đồng quản trị thay bằng Hội đồng trường, tài sản của trường ĐHTT thuộc sở hữu của nhà trường chứ không phải tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường[5].
Thứ hai, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học thống nhất.
Việt Nam đã có hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhưng chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu này, Nhà nước sẽ quản lý dễ dàng, chặt chẽ hơn, đồng thời tiết kiệm được thời gian tra cứu, báo cáo, liên lạc giữa nhà trường với cơ quan quản lý. Hơn nữa, các trường đại học có thể xem những dữ liệu cơ bản từ các trường khác, tạo tính minh bạch và động lực phấn đấu giữa các trường với nhau. Đối với người học, phụ huynh học sinh, doanh nghiệp có một kênh tham khảo chính thống để lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp. Cơ sở dữ liệu có thể gồm các dữ liệu thành phần sau: Dữ liệu về trường học; dữ liệu về lớp học; dữ liệu về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên; dữ liệu về sinh viên; công trình nghiên cứu khoa học từ cấp trường trở lên; dữ liệu văn bằng, chứng chỉ; dữ liệu về cơ sở vật chất trường học và các dữ liệu thành phần khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Thứ ba, phân biệt trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận và ĐHTT vì lợi nhuận chưa có quy định rõ ràng.
 Số lượng trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận Việt Nam hiện nay rất ít. Trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam là Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Đây là một trường đại học độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài dưới sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, hoạt động không vì lợi nhuận. Tiếp đến, trường đại học VinUni cũng là trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Trường đại học VinUni đã được Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập vào ngày 17/12/2019, với tổng đầu tư lên tới 6.500 tỉ đồng từ tập đoàn Vingroup.
Cơ cấu quản trị của các trường ĐHTT vì lợi nhuận và trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận không có sự khác biệt. Vì cả hai mô hình này đều có Hội nghị Nhà đầu tư là tổ chức có quyền lực cao nhất. Mặc dù Hội đồng trường của trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể hơn và có một số thành phần do Hội nghị (đại biểu) toàn trường bầu chọn, nhưng về tổng thể, số lượng từng thành phần vẫn do Hội nghị Nhà đầu tư quyết định. Luật Giáo dục đại học quy định ưu tiên trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận nên các hồ sơ xin thành lập trường không vì lợi nhuận thường được xét duyệt dễ hơn và nhanh hơn. Do vậy, điểm khác biệt để công nhận một trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận là Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu xem xét liệu trường đại học đó có cam kết không chia lợi nhuận không, và cơ cấu tổ chức của trường có đúng với luật định không. Sự phân biệt giữa mô hình ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận và ĐHTT vì lợi nhuận ngày càng mang tính hình thức, bởi vì chưa có những quy định đủ chặt chẽ phân định hai loại hình này và cũng không có những công cụ giám sát hiệu quả dẫn đến dễ tạo kẽ hở pháp lý cho các nhà đầu tư, nhằm vào mục đích kinh tế.
Thứ tư, cơ chế kiểm định chất lượng vẫn còn nhiều bất cập.
Có thể nói, kiểm định chất lượng giáo dục của nước ta chưa có tác dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH, một phần vì Cục Quản lý chất lượng là cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hoạt động của cơ quan này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo Bộ và kinh phí hoạt động rất hạn hẹp. Mặt khác, các trường ĐHTT chưa thật sự coi trọng việc kiểm định chất lượng giáo dục vì còn có tâm lý xem đây chỉ là thủ tục kiểm tra đơn thuần của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà chưa nhìn thấy đây là động lực tăng cường chất lượng đào tạo của trường. Đơn cử như vào năm 2017, hai trường đại học đã không hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm định chất lượng. Đó là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TP. Hồ Chí Minh[6]. Ngoài ra, nhiều trường ĐHTT đối phó và lựa chọn những Trung tâm kiểm định chất lượng không uy tín. Đặc biệt, gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành lập thêm Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục (Quyết định số 969/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ giáo dục Hà Nội và Quyết định số 979/QĐ-BGDĐT cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn, trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục TP. Hồ Chí Minh). Do đó, trong tương lai, các trường ĐHTT, các chương trình đào tạo được thông qua và cấp chứng nhận bởi những tổ chức kiểm định không uy tín thì có khả năng chất lượng đào tạo của trường đó không bảo đảm, không đáp ứng được nhu cầu của người học và xã hội. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế tước giấy phép chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, vậy nên vấn đề này cần phải điều chỉnh.
Thứ năm, lực lượng Thanh tra giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mỏng.
Nhân sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo vốn rất khiêm tốn so với lượng công việc đảm nhận. Với nhân sự chỉ có vài chục người, nhưng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đảm nhận công việc thanh tra hơn 400 trường đại học, cao đẳng và chưa kể hàng nghìn trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở[7]… Trong bối cảnh chuyển đổi số, không những ở cấp cơ sở giáo dục mà các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra cần áp dụng các phần mềm, công nghệ quản lý tiên tiến, tăng cường sử dụng phương thức liên lạc qua phương tiện kỹ thuật số nhiều hơn.
Thứ sáu, kết quả xử lý thanh tra các cơ sở GDĐH tư thục chưa được công khai, minh bạch đầy đủ.
Khi kết quả thanh tra các trường ĐHTT không được công khai thì có những hệ luỵ sau: một là, cả xã hội không ai biết vi phạm của cơ sở giáo dục tư thục đó, vẫn tiếp tục gửi con em vào ngành đó học; hai là, các trường ĐHTT không khắc phục những lỗi vi phạm của mình hoặc nếu có khắc phục cũng không ai giám sát, biết, trừ cơ quan thanh tra; ba là, những người có liên quan thiếu thông tin chính thống, họ lựa chọn tham khảo những nguồn “tin vặt” dẫn đến đưa ra quyết định không đúng, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà trường hiện tại hoặc trong tương lai.
Thực tế là số lượng các vụ việc được báo chí ghi nhận và công bố đến công chúng còn khá khiêm tốn so với những gì mà lực lượng thanh tra thực hiện được. Bản thân cổng thông tin điện tử của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa cập nhật đầy đủ và thường xuyên về tiến trình xử lý hay các kết luận thanh tra các cơ sở GDĐH. Người dân chủ yếu tiếp cận thông qua báo chí. Tuy nhiên, tiếp cận thông tin qua báo chí đôi khi không phản ánh khách quan, chính xác kết quả thanh tra. Khi nhóm tác giả truy cập vào website của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thấy có 3 kết luận thanh tra được công bố từ trước đến nay[8]. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, tính công khai, minh bạch của các cơ quan thanh tra cần được bảo đảm chặt chẽ, là phương tiện để người học, doanh nghiệp, xã hội kiểm tra, giám sát sự chấp hành pháp luật của các trường ĐHTT.
3. Các kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, trongbối cảnh chuyển đổi số, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các trường ĐHTT theo hướng sau:
(1) Nhà nước cần ban hành các văn bản định hướng riêng cho trường ĐHTT.
(2) Nhà nước tiếp tục thực hiện việc rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển trường ĐHTT để sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh kịp thời, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Muốn tổ chức quản lý có hiệu quả, cần phải có một hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, phù hợp và một chế tài thực thi nghiêm túc, đủ mạnh. Nhà nước cần ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi pháp luật và các chính sách liên quan đến giáo dục ĐHTT.
(3) Nhà nước cần ban hành những văn bản mang tính chất bắt buộc các trường phải sử dụng các phần mềm công nghệ trong giáo dục đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng trong các ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, trường ĐHTT cần đăng ký các phần mềm công nghệ được sử dụng trong giáo dục, đào tạo và cập nhật thường xuyên sự thay đổi của trường trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để từ đó Nhà nước nắm được tình hình chung nhất của các trường đang thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học nói chung cũng như cơ sở giáo dục ĐHTT nói riêng; yêu cầu các trường đại học đăng tải, cập nhật dữ liệu trường mình lên hệ thống chung. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét những nội dung nào có thể công khai, tra cứu giữa các trường với nhau để tạo động lực học tập, phát triển giữa các khối trường.
Thứ ba, các cơ quan quản lý giáo dục cần thay đổi tư duy pháp lý trong quản lý các trường ĐHTT, cần phải nắm bắt và tận dụng lợi thế của chuyển đổi số, trau dồi và trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể làm chủ công nghệ và hiểu giới hạn của nó. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng áp dụng số hoá thông tin quản lý, công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...), quản lý, vận hành, dự báo và hỗ trợ ra quyết định trong giáo dục nhanh chóng và chính xác hơn[9].
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi tài chính và miễn thuế cho những nhà đầu tư trong trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận. Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành nghị định hoặc thông tư điều chỉnh các hoạt động của trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận: Quy định rõ cơ chế giám sát về lợi nhuận của trường; tổ chức hoạt động, chế độ tài chính trong trường, xây dựng chế tài xử phạt khi phát hiện các nhà đầu tư phân chia lợi nhuận trong trường ĐHTT hoạt động không vì lợi nhuận.
Thứ năm, cần ban hành quy định kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trung tâm kiểm định chất lượng định kỳ cũng như quy chế, tổ chức hoạt động của các trung tâm này, vì hiện nay, văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động các Trung tâm kiểm định chất lượng khá đơn giản và chưa đầy đủ (Thông tư số 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; Thông tư số 18/2013/TT-BGDĐT ngày 14/5/2013 về chương trình đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp). Bên cạnh đó, cần bổ sung chế tài tước giấy phép chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nếu xác định có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong công tác kiểm định chất lượng.
Thứ sáu, một mặt tinh giản nhân sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặt khác cần đẩy mạnh thực cơ chế giám sát khác để đảm bảo công tác thanh tra đạt hiệu quả cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tinh giản nhân sự, bên cạnh đó cần kết hợp với các cơ chế khác để đảm bảo vi phạm được phát hiện kịp thời. Cụ thể, ủy quyền cho Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh trong trường hợp cần thiết, quy định về trách nhiệm công khai các thông tin hoạt động của các trường ĐHTT lên website của trường để bất kì chủ thể nào cũng có thể tiếp cận được thông tin, và cơ chế thông tin công khai của chính Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cổng thông tin điện tử của mình.
Dưới áp lực phải công khai, minh bạch thông tin như vậy, chính các trường ĐHTT phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của mình, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để không bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai vi phạm trên website. Đây là động lực cần thiết để các trường đại học tuân thủ pháp luật nghiêm minh./.

 


[1] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=7389.
[2] Đặng Văn Định, Phân tích cơ chế, chính sách phát triển giáo dục Đại học tư thục Việt Nam thời kỳ 1988 – 2018, Tạp chí Giáo dục và xã hội, số 2/2019.
[3] Xem: https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=6636, truy cập ngày 02/8/2021.
[4] https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=7389, truy cập ngày 02/8/2021.
[5] Xem Điều 1 Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18/7/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế trường đại học dân lập.
[6]  http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/2-truong-dh-quay-lung-voi-tham-dinh-chat-luong-bo-gddt-noi-gi-20171203132825595.htm.
[7] Nguyễn Thị Thu Hà (2012), Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học, Luận án tiến sĩ, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 97.
[8] Xem: http://thanhtra.moet.gov.vn/cac-ket-luan-thanh-tra.
[9] Phung The Vinh (2021), Digital Transformation at Universities:Global Trends and Vietnam's Chances, Proceedings of the International Conference on Emerging Challenges: Business Transformation and Circular Economy, tr. 75, https://www.researchgate.net/publication/356884126_Digital_Transformation_at_Universities_Global_Trends_and_Vietnam's_Chances, truy cập ngày 01/2/2023.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 9, tháng 5/2024)


Thống kê truy cập

34490323

Tổng truy cập