Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá và chỉ ra những điểm còn hạn chế trong các quy định pháp luật về quyền của người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền của người chưa thành niên nhằm tăng cường bảo đảm quyền của nhóm người dễ bị tổn thương này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Người chưa thành niên; quyền của người chưa thành niên; Tòa gia đình và người chưa thành niên; Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.
Abstract: In this article, the author provides an analysis and assessments of and a number of shortcomings in legal regulations on the rights of juveniles. Accordingly, the author also proposes a number of recommendations for further improvements in legal regulations on the rights of juveniles to strengthen the protection of the rights of this vulnerable group in Vietnam in the coming time.
Keywords: Juvenile; rights of juveniles; Court for family and juvenile; United Nations Convention on the Rights of the Child.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
1. Khái quát quy định pháp luật về quyền của người chưa thành niên
Quyền của người chưa thành niên đã được ghi nhận một cách tương đối đầy đủ trong các văn bản pháp luật quốc tế và được nội luật hóa trong hệ thống văn bản pháp luật của các quốc gia. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 (Công ước) đã ghi nhận tương đối toàn diện các quyền trẻ em, làm cơ sở để các quốc gia thành viên cụ thể hóa trong các quy định pháp luật quốc gia. Nội dung của Công ước đã phân định rõ trẻ em là những người dưới 18 tuổi và người thành niên là nhóm người ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, Công ước cũng có các quy định về quyền trẻ em dưới dạng nguyên tắc được coi là tôn chỉ hành động nhằm bảo đảm cho các quốc gia thành viên của Công ước thống nhất thực hiện, đó là các quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được hưởng những lợi ích tốt nhất, quyền tồn tại và phát triển cuộc sống, quyền được lắng nghe.
Ở Việt Nam, quyền của người chưa thành niên đang được quy định tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013. Trong nội dung của Hiến pháp, tuy không đề cập trực tiếp đến thuật ngữ người chưa thành niên nhưng đã có quy định về quyền của trẻ em để phân biệt với người trưởng thành
[1]. Quy định này đã tạo ra cơ sở pháp lý để cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau nhằm điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên.
Trong số các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về quyền của người chưa thành niên, đầu tiên phải nhắc đến là Luật Trẻ em năm 2016, Luật này gồm có 7 chương và 106 điều quy định về các quyền của trẻ em. Đây là văn bản pháp lý có nội dung điều chỉnh trực tiếp và tương đối toàn diện nhằm bảo vệ các quyền trẻ em và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nguyên tắc trẻ em được hưởng những lợi ích tốt nhất, đã được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, pháp luật dân sự Việt Nam quy định người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổi để phân biệt với người thành niên có độ tuổi từ 18 trở lên, từ đó có các quy định riêng nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên
[2].
Bộ luật Hình sự năm 2015 có các quy định phân định người dưới 18 tuổi và người thành niên: quy định về người dưới 18 tuổi, như độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Điều 12 và toàn bộ Chương 12 với tên gọi là “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”
[3].
Từ góc độ bảo vệ người lao động, Bộ luật Lao động năm 2019 đã dành riêng toàn bộ Chương 11, từ Điều 143 đến Điều 147 để quy định các vấn đề về người lao động chưa thành niên. Cụ thể, Bộ luật quy định độ tuổi tối thiểu được tham gia lao động là đủ 13; và từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi được chia làm hai nhóm lao động: nhóm thứ nhất là người lao động từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi, và nhóm thứ hai là người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, mỗi nhóm này đều có quy định cụ thể là được tham gia những công việc gì. Quy định như vậy giúp bảo vệ người lao động chưa thành niên tránh khỏi tình trạng bị lạm dụng, bóc lột sức lao động và bảo đảm được sự phát triển bền vững cho lực lượng lao động.
Liên quan đến người chưa thành niên, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã có các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm người dễ bị tổn thương này, bằng việc chỉ rõ trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người đủ 16 đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong các vụ án hình sự là các nhóm người được trợ giúp pháp lý
[4].
Luật Thanh niên năm 2020 quy định độ tuổi được coi là thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi
[5], Tuy Luật không quy định rõ thế nào là người chưa thành niên và người thành niên, nhưng đã có quy định riêng về chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi tại Điều 26. Có thể thấy rằng, thanh niên ở độ tuổi này là trẻ nhất, cần nhận được sự quan tâm, ưu tiên để rèn luyện và phát triển.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định liên quan đến người chưa thành niên ở Điều 115 về việc giao người chưa thành niên cho một tổ chức, cá nhân trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục khi họ chưa có người giám hộ.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi ở Chương 28, từ Điều 413 đến Điều 430 nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như bảo đảm những lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Một số hạn chế trong các quy định pháp luật về quyền của người chưa thành niên
Một là, chưa có sự thống nhất giữa quy định của các văn bản pháp luật trong nước với nhau và với pháp luật quốc tế về khái niệm và độ tuổi của người chưa thành niên
Về tên gọi của người chưa thành niên, đối chiếu từ nội dung của các văn bản pháp luật khác nhau, hiện nay đang được chia thành ba nhóm văn bản quy định về tên gọi.
Nhóm thứ nhất, dùng tên gọi “trẻ em” để phân biệt với “người thành niên”, đầu tiên là Hiến pháp năm 2013, tiếp đó là các văn bản luật như Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Trong Luật Trẻ em năm 2016, không có khái niệm về người chưa thành niên được gọi là trẻ em để phân biệt với người thành niên, mà chỉ có khái niệm trẻ em là những người có độ tuổi dưới 16 tuổi.
Nhóm thứ hai, đã sử dụng tên gọi “người chưa thành niên” mà không phải là “trẻ em” để phân biệt với “người thành niên”, như là quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều thống nhất cách gọi chung này.
Nhóm thứ ba, có cách gọi hoàn toàn khác vì không gọi là “người chưa thành niên” hay là “trẻ em”, mà nhóm người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đều được gọi chung là thanh niên giống như độ tuổi từ 18 đến dưới 30
[6].
Về độ tuổi của người chưa thành niên, hiện cũng đang có nhiều cách quy định khác nhau. Ví dụ như quy định trong Hiến pháp năm 2013 không chỉ rõ trẻ em từ độ tuổi bao nhiêu, nhưng đây chính là cơ sở hiến định để cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cụ thể hóa Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã xác định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi. Mặc dù vậy, cách quy định này tạo ra khoảng trống pháp lý đối với nhóm người ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, dẫn đến thiếu cơ sở bảo vệ các quyền của họ.
Bên cạnh đó, cách quy định về độ tuổi này chưa tương thích với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà chúng ta là thành viên, bởi vì độ tuổi trẻ em theo quy định của Công ước là những người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, ở lứa tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là thời kì các em chuẩn bị bước sang độ tuổi trưởng thành và có những thay đổi, biến động về mặt tâm lý, có thể nhận thấy rõ như là phát triển và dần khẳng định cá tính riêng, có xu hướng muốn độc lập, muốn khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, trên thực tế, ở độ tuổi này các em chưa đủ khả năng để nhận thức một cách toàn diện như ở độ tuổi trưởng thành, cho nên rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, định hướng phù hợp để có thể bảo vệ và hỗ trợ các em phát triển.
Thêm vào đó, khi đối chiếu với cách quy định về độ tuổi của Công ước, thì có văn bản pháp luật của chúng ta đã thu hẹp phạm vi quyền con người, đi ngược lại với sự phát triển về quyền con người hiện nay. Thậm chí, Luật Trẻ em năm 2016 còn bỏ ngỏ độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 có thể dẫn đến sự thiệt thòi, cũng như không hiện thực hóa được nguyên tắc được hưởng những lợi ích tốt nhất theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Do đó, cần phải khẩn trương khắc phục hạn chế nêu trên, bởi Luật Trẻ em là luật chuyên ngành trực tiếp điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho nhóm dễ bị tổn thương này.
Ngoài ra, nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý có các quy định để xác định rõ ranh giới giữa trẻ em và những người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 là các nhóm người khác nhau trong đối tượng điều chỉnh của Luật, để từ đó phân biệt với người thành niên.
Còn ở các văn bản pháp luật khác thì dù cách diễn đạt trong nội dung có những điểm khác nhau, nhưng cơ bản đều đi đến cách hiểu thống nhất về người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Theo Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015, người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổi, có nghĩa là người chưa thành niên cũng được hiểu là trẻ em như Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã quy định. Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm năm 2015 cũng có cách hiểu tương tự như thế.
Từ các vấn đề nêu trên cho thấy, việc chưa thống nhất một tên gọi chung cho nhóm người này trong các văn bản pháp luật dẫn đến khó khăn khi áp dụng và chưa thực sự bảo đảm được quyền của những người dưới 18 tuổi trong thực tiễn. Vì vậy, nhà làm luật cần sớm có giải pháp xác định, lựa chọn một tên gọi sao cho phù hợp và thống nhất.
Hai là, hạn chế trong việc quy định về thẩm quyền của Tòa án, thủ tục xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến người chưa thành niên
Thứ nhất, về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên còn một số điểm chưa rõ. Hiện nay, trong Luật Tòa án nhân dân năm 2014 không quy định rõ
[7], nên đang áp dụng theo quy định của Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016, Tòa án giải quyết ba nội dung là vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên, những người bị hại dưới 18 tuổi chịu tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.
Trên thực tế, nếu xác định mức độ tổn hại về thể chất thì còn dễ đo lường, còn tổn thương về tâm lý thì rất khó xác định. Từ đó, dễ dẫn đến việc chúng ta đã bỏ sót trường hợp người bị hại dưới 18 tuổi nhưng chưa đến mức nghiêm trọng hoặc gia đình không rơi vào trường hợp trên thì chưa rõ Tòa án nào giải quyết, vì không thể chuyển sang Tòa án cho người thành niên trong trường hợp này được.
Thứ hai, với ba nội dung mà Tòa gia đình và người chưa thành niên được đảm nhiệm giải quyết có phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực khác nhau, điều này có thực sự hợp lý và công bằng, có bảo đảm được nguyên tắc được hưởng những lợi ích tốt nhất hay không? Trong khi đó, đối với người thành niên thì tùy vào tính chất vụ việc mà có các tòa án chuyên trách giải quyết.
Bên cạnh đó, quy định thẩm phán có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến người chưa thành niên, ngoài việc quy định về thâm niên thì các tiêu chí khác như kiến thức hiểu biết về tâm lý lứa tuổi… chưa được quy định rõ. Ở những phiên toà này, thẩm phán không những phải là người có trình độ pháp luật, mà còn có sự hiểu biết về tâm lý lứa tuổi mới có thể đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.
Thứ ba, đối với thủ tục tố tụng hình sự lâu nay chúng ta đã thiết kế và áp dụng, hầu hết các quy định đều dành cho người thành niên. Tuy hiện nay cũng đã có một số quy định riêng để giải quyết các vấn đề có liên quan đến người chưa thành niên, nhưng vẫn còn chưa thực sự phù hợp với tâm lý lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên
[8].
Thêm vào đó, vẫn còn những hạn chế, như là với trường hợp người chưa thành niên có hành vi phạm tội mà nạn nhân là người thành niên hoặc ngược lại, nạn nhân là người chưa thành niên còn người phạm tội đã thành niên, theo quy định hiện nay là sẽ áp dụng thủ tục dành cho người chưa thành niên. Như vậy, nếu căn cứ vào nguyên tắc xét xử công bằng, bình đẳng trong hoạt động xét xử của Tòa án thì thủ tục này đã đạt được tính hợp lý hay chưa?
Ngoài ra, trong trường hợp thời điểm phạm tội là người chưa thành niên, nhưng lúc đưa ra xét xử người phạm tội đã trở thành người thành niên, thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa gia đình và người chưa thành niên hay Tòa án nào khác
[9]. Điều này dẫn đến việc lúng túng trong hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án, cụ thể là phải lựa chọn thủ tục và Tòa án nào phù hợp để bảo đảm hiện thực hóa được tinh thần của nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Ba là, hạn chế trong việc quy định tiêu chuẩn thẩm phán chuyên trách xét xử các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016 mới chỉ quy định về điều kiện thành lập Tòa án chuyên trách giải quyết các vấn đề có liên quan đến gia đình và người chưa thành niên, như: số lượng vụ việc mà Tòa án thụ lýphải từ 50 vụ/năm trở lên;có biên chế thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án đáp ứng được yêu cầu tổ chức Tòa chuyên trách. Trường hợp tại Tòa án không đáp ứng đủ điều kiện tổ chức Tòa chuyên trách không tổ chức Tòa chuyên trách nhưng phải bố trí thẩm phán chuyên trách để giải quyết (Điều 2)
[10]. Tuy nhiên, dựa trên điều kiện nào để trở thành thẩm phán chuyên trách, tức là những người trực tiếp đưa ra những quyết định làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử, thì chưa có quy định rõ mà vẫn áp dụng quy định về điều kiện tiêu chuẩn trở thành thẩm phán tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân - đây là quy định chung cho tất cả các thẩm phán ở các lĩnh vực khác nhau. Điều này không thể bảo đảm được chất lượng của hoạt động xét xử đối với người chưa thành niên; trong khi đó, chúng ta bước đầu đã có các quy định riêng về thủ tục, thẩm quyền của Tòa án nhằm bảo đảm được quyền của người chưa thành niên.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền của người chưa thành niên
Thứ nhất, về tên gọi, theo tác giả, rất nên có một tên gọi chung là “trẻ em” thay cho tên gọi “người chưa thành niên” vì một số lí do sau đây:
Cần phải bảo đảm đạt được sự tương thích của pháp luật quốc gia với các nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế. Bởi vì, trong nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em chỉ sử dụng thuật ngữ là “trẻ em” để phân biệt giữa người thành niên với trẻ em. Như vậy, nếu chọn cách gọi là trẻ em thì sẽ thống nhất với tên gọi của Công ước mà Việt Nam là thành viên tham gia từ rất sớm, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay
[11].
Bên cạnh đó, việc chọn tên gọi “trẻ em”cũng sẽ bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc về hiệu lực pháp lý trong hệ thống pháp luật.Bởi vì, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thìHiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất
[12] mà Hiến phápnăm 2013 sử dụng thuật ngữ là “trẻ em”, cho nên các văn bản luật khác cũng cần có sự quy định phù hợp với Hiến pháp. Tiếp theo đó, tên gọi là “trẻ em” cũng đã được quy định ở Luật Trẻ em, đây là văn bản điều chỉnh trực tiếp về quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em, cho nên việc thống nhất chung quy định ở các văn bản pháp luật khác về tên gọi giống như Hiến pháp và Luật Trẻ em là thực sự cần thiết.
Thêm vào đó, việcsử dụng tên gọi“trẻ em” thay cho “người chưa thành niên” cũngbảo đảm được tính hội nhập quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật. Bởi vì điều này phù hợp với cách giải thích về trẻ em và khuyến cáo lựa chọn tên gọi là trẻ em đã được nêu ra tại Điều 3 Luật mẫu của Liên hợp quốc (UNODC), đồng thời cũng có điểm tương đồng với một số quốc gia trên thế giới, như là Indonesia đã có Bộ luật về Hệ thống tư pháp hình sự cho trẻ em; hay đạo luật về tội phạm tình dục đối với trẻ em ở Malaysia
[13]…
Ngoài ra, hiện nay, chúng ta đang trong quá trình xây dựng, chỉnh sửa Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định của Dự thảo Luật nhận thấyvẫn còn một số vấn đề bất cập như: tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 có đưa ra cách giải thích về “người chưa thành niên” là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật bằng cách sử dụng quy định về độ tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi, và có giải thích rõ về người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên bị buộc tội là những người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi.
Như vậy, nếu đối chiếu theo quy định về độ tuổi của Luật Trẻ em và Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên thì có một khoảng tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đang có ít nhất hai cách gọi là “trẻ em” hoặc “người chưa thành niên”. Vì vậy, khi có vấn đề phát sinh ở độ tuổi này có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định như là dùng tên gọi nào? Nếu không thống nhất về tên gọi thì sẽ dẫn đến khó tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến rộng rãi người dân trong toàn xã hội. Bởi vì, với cách quy định như hiện nay thì chỉ những người có hiểu biết về chuyên môn mới hiểu được tại sao lại có tên gọi khác nhau như vậy và nên lựa chọn gọi theo cách nào, còn với nhiều người dân là khó khả thi.
Thứ hai, về độ tuổi của trẻ em, tác giả kiến nghị trong thời gian tới các văn bản pháp luật (kể cả Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên) sẽ nên sửa đổi theo hướng quy định thống nhất độ tuổi trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Việc sửa đổi như vậy sẽ bảo đảm việc nội luật hóa quy định về độ tuổi của trẻ em của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, phù hợp với sự phát triển mang tính tích cực trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, cũng bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, từ đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu hoặc áp dụng các quy định pháp luật.
Thứ ba, cần thiết phải có luật riêng quy định cơ quan và thủ tục, quy trình xử lý đối với trẻ em, tức là những người dưới 18 tuổi; các quy định liên quan đến quy trình tố tụng này phải được thiết kế sao cho bảo đảm sự thân thiện, phù hợp với trẻ em. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc áp dụng pháp luật của Tòa án, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất đối với lứa tuổi này.
Thứ tư, đối với quy định về tiêu chuẩn trở thành thẩm phán chuyên trách về trẻ em, bên cạnh việc quy định về chuyên môn như hiện nay, cũng cần phải có thêm các quy định bổ sung về bồi dưỡng chuẩn kiến thức tâm lý trẻ em. Có như vậy, hoạt động xét xử thân thiện mới toàn diện, không chỉ dừng lại ở hình thức (thay đổi cách bài trí phòng xử án), mà phải được thể hiện từ trong chính con người, chính sự hiểu biết về trẻ em của thẩm phán.
Thứ năm, để hoạt động tố tụng đối với trẻ em là đúng nghĩa thân thiện thì chỉ mình thẩm phán không bảo đảm được tất cả, mà còn phải có sự tham gia của các chủ thể khác. Vì vậy, cần có thêm quy định về các tiêu chuẩn đối với các luật sư, thư ký tòa án, kiểm sát viên về kiến thức tâm lý trẻ em khi họ tham gia các phiên tòa có liên quan đến trẻ em./.
[1] Xem khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013.
[2] Xem Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Xem Điều 91, 92 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[4] Xem khoản 3, 5 và điểm d khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
[5] Xem Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020.
[6] Xem Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020.
[7] Tương tự đối với Dự thảo Luật Toà án nhân dân (sửa đổi).
[8] Xem Thông tư số 01/TT-TANDTC quy định về phòng xử án trong đó có đề cập đến phòng xử án thân thiện.
[9] Tạp chí Tòa án nhân dân (2023), Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên, https://tapchitoaan.vn/mot-so-kho-khan-vuong-mac-trong-hoat-dong-cua-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien9163.html, truy cập ngày 8/4/2024.
[10] Xem Điều 1 và Điều 3 Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016 về việc quy định việc tổ chức các tòa chuyên trách tại tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trưc thuộc trung ương; tòa án huyện, quân thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
[11] Hoàng Thị Kim Quế (2018),
Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 212.
[12] Xem Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[13] Tòa án nhân dân tối cao,
Tổng quan về Tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới, tài liệu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XV, tr. 15, 21.