Nghị quyết số 674/NQ-UBTVQH15 về Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

06/01/2023

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------------------
Nghị quyết số: 674/NQ-UBTVQH15
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
                                Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2022
 
NGHỊ QUYẾT
 Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
--------------------------------

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;
Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13;
Xét đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nội dung chương trình công tác
1. Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội
1.1. Phối hợp với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến và tổ chức thực hiện chương trình, chủ trì Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; tổ chức kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách.
1.2. Chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. 
1.3. Tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các cuộc họp, hội nghị khác để lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, cơ quan, tổ chức hữu quan về một số dự án luật và các vấn đề quan trọng khác khi cần thiết.
2. Công tác lập pháp
2.1. Chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và triển khai các nhiệm vụ lập pháp được giao, chỉ đạo việc xem xét, bổ sung các nhiệm vụ lập pháp trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước.
2.2. Chỉ đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 khi cần thiết.
2.3. Chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, năm 2024 và các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; siết chặt kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
2.4. Chỉ đạo khẩn trương xây dựng và xem xét, thông qua văn bản hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
2.5. Xem xét, quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
3. Công tác giám sát
3.1. Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 ngày 14/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và các kế hoạch đã được ban hành bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
3.2. Chỉ đạo việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội; quyết định Chương trình giám sát năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giúp Quốc hội chuẩn bị tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6.
3.3. Tăng cường hoạt động giám sát về các nội dung, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát của Đảng và Nhà nước, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
3.4. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
3.5. Thực hiện các hoạt động giám sát khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn.
4. Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng
4.1. Xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách theo đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).
4.2. Cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
4.3. Cho ý kiến về việc chuẩn bị và trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
4.4. Xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2022 (nếu có) và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4.5. Xem xét, quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
5. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế
5.1. Chỉ đạo triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, triển khai chương trình đối ngoại song phương, tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Quốc hội, tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế đa phương[1], từng bước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải ở lĩnh vực và diễn đàn nước ta có khả năng và lợi ích.
5.2. Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Định hướng hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về các định hướng lớn trong công tác đối ngoại.
5.3. Tăng cường đối thoại, hợp tác với Nghị viện một số nước; ưu tiên tăng cường và thúc đẩy hoạt động đối ngoại đi vào chiều sâu đối với Nghị viện các nước láng giềng có chung biên giới, các nước ASEAN, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, thiết thực với các phương thức mới phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy mạnh hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước và các nhóm nghị sĩ hữu nghị; hoạt động của Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ.
Tiếp tục chỉ đạo tham dự các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế định kỳ của IPU, APPF, AIPA, APF; phối hợp với IPU và các tổ chức liên quan (UNDP, UNESCAP...) về những nội dung tăng cường vai trò của Quốc hội trong các mục tiêu phát triển bền vững; phối hợp với các Nghị viện thành viên AIPA, Ban Thư ký AIPA triển khai các sáng kiến và hoạt động trong khuôn khổ AIPA. Chỉ đạo việc tổ chức đăng cai Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu của IPU lần thứ 9.
5.4. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2024.
5.5. Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  và các nhóm nghị sĩ hữu nghị.
5.6. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại của Bộ Chính trị. Đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện song phương và đa phương; chủ động tăng cường sự gắn kết và đảm bảo tính thống nhất giữa thông tin đối ngoại của Quốc hội với thông tin đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án thông tin đối ngoại của Quốc hội toàn khóa và từng năm nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đặt ra trong tình hình mới.
6. Công tác dân nguyện
6.1. Chỉ đạo hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; chỉ đạo tổ chức giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng tại các phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
6.2. Chỉ đạo việc tổng hợp, phân loại, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; chỉ đạo tổ chức giám sát và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6.
6.3. Chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết 759/2014/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
6.4. Phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc thực hiện tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, xây dựng Nghị quyết liên tịch cụ thể hóa khoản 3 Điều 16 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
6.5. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội.
7. Hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội
7.1. Quyết định phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Chỉ đạo tăng cường việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội.
7.2. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội; chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
7.3. Phối hợp chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án “Tăng cường, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội”.
7.4. Chỉ đạo việc theo dõi, nắm bắt tình hình và hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó, quan tâm hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện hoạt động giám sát.
7.5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo thẩm quyền.
8. Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân
8.1. Tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó chú trọng triển khai các văn bản của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc thực hiện chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân.  
8.2. Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023; chỉ đạo tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực trên toàn quốc và các hội nghị chuyên đề khác (nếu có).
8.3. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân. Tăng cường tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức, khóa tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể.
8.4. Tăng cường quan hệ phối hợp, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân.
9. Một số công tác khác
9.1. Tiếp tục cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định trong Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi).
9.2. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Quy chế về công tác thông tin, báo chí của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
9.3. Chỉ đạo mở rộng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự thông suốt, tăng tính kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả. Nghiên cứu, chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
9.4. Chỉ đạo việc thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Hội đồng khoa học.
9.5. Chỉ đạo việc nghiên cứu, cải tiến, đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, hiện đại trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của bộ máy giúp việc Quốc hội. Tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động của bộ máy giúp việc Quốc hội; nghiên cứu quy định một số cơ chế đặc thù để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao vào làm việc trong bộ máy giúp việc Quốc hội; tăng cường sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn có nhiều kinh nghiệm để tham mưu, hỗ trợ cho các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Điều 2. Biện pháp thực hiện
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, đoàn kết, nỗ lực, nghiên cứu, cải tiến, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, chế độ làm việc bảo đảm khoa học, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, các nội dung trong chương trình công tác.
2. Tiếp tục tăng cường, chủ động phối hợp công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó chú trọng việc đổi mới các hình thức làm việc để bảo đảm thiết thực, hiệu quả; phát huy hơn nữa vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra luật, pháp lệnh, nghị quyết, công tác giám sát để chuẩn bị tốt các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thì trong hồ sơ cần kèm theo dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu giảm thời gian đọc tờ trình tại các phiên họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về những vấn đề lớn, có ý kiến khác nhau, những vấn đề cần biểu quyết. 
3. Chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp, trong đó, tập trung vào các biện pháp cụ thể sau đây:
3.1. Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, “từ sớm, từ xa” với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
3.2. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy định về thời gian gửi hồ sơ, tài liệu để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khắc phục triệt để tình trạng bổ sung dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết vào thời điểm sát kỳ họp, phiên họp; xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chuẩn bị dự án, dự thảo không bảo đảm tiến độ, chất lượng để báo cáo Quốc hội, làm cơ sở đánh giá khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
3.3. Đổi mới cách thức tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, bố trí các phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thời gian phù hợp để xem xét, cho ý kiến kịp thời, kỹ lưỡng về các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
3.4. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký, phát huy vai trò của các thành viên Ban Thư ký trong việc tham mưu về trình tự, thủ tục, chuẩn bị nội dung của các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
4. Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các hoạt động giám sát, tập trung vào một số biện pháp cụ thể sau đây:
4.1. Triển khai có hiệu quả Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 ngày 14/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm rà soát, tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
4.2. Nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước mắt là cho năm 2024; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp, phù hợp với từng chuyên đề giám sát, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
4.3. Thống nhất về nội dung, yêu cầu đối với các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan nhằm tạo sự chủ động trong chuẩn bị thông tin, xây dựng báo cáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, thẩm tra báo cáo; tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo;
4.4. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề; đề cao trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì giúp Đoàn giám sát chuyên đề, chú trọng phát huy vai trò của cơ quan tham gia phối hợp theo đúng chuyên môn, lĩnh vực phụ trách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát; tiếp tục đổi mới cách thức triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề; nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
4.5. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn và ban hành nghị quyết về chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thường xuyên xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
5. Bố trí hợp lý về quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng nhưng vẫn tiết giảm được thời gian tiến hành. Phân công thẩm tra các nội dung bảo đảm phù hợp, khoa học, tránh dồn quá nhiều việc vào một cơ quan tại một thời điểm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và giữ ổn định chương trình các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị nội dung và dự họp của các cơ quan hữu quan.
6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, trong đó, đẩy mạnh khai thác, ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác lập pháp. Chỉ đạo xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
7. Căn cứ Nghị quyết này, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan (nếu có) và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến chương trình công tác quý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Căn cứ Chương trình công tác năm, chương trình công tác quý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề, phiên họp khác (nếu có) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.
8. Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác; thường xuyên rà soát, cập nhật các nhiệm vụ được giao trong các văn bản của Đảng, của Quốc hội và kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, điều chỉnh Chương trình công tác khi cần thiết.                                                                 
           
Nơi nhận:
- Chủ tịch nước;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Bí thư;
- Thành viên UBTVQH;
- UBTWMTTQVN;
- TANDTC, VKSNDTC, Tổng KTNN;
- TT HĐDT, các UB của QH;
- Các VP: TW, CTN, CP;
- Lãnh đạo các CQ thuộc UBTVQH; VPQH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Tổng LĐLĐVN;
- Trợ lý và Thư ký CTQH, PCTQH;
- Các đơn vị thuộc VPQH;
- Lưu: HC, TK;
- Epas: 113904
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
 
(Đã ký)
 
Vương Đình Huệ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


[1] Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị thường niên của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), ASEP, Hội  nghị Chủ tịch Nghị viện Á – Âu (MSEAP).

Thống kê truy cập

34936867

Tổng truy cập