Vấn đề độc quyền ở Việt Nam

01/11/2004

THS. ĐÀO NGỌC BÁU

NCS Đại học Nhân dân Trung Quốc

Nền kinh tế thị trường nước ta mới phát triển, do đó, trong nhận thức cũng như thực tiễn, một số hiện tượng của nền kinh tế thị trường còn được hiểu khác nhau và thậm chí chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có khái niệm độc quyền. Để góp phần nhận thức đúng vấn đề, bài viết nêu lên những nét cơ bản xung quanh khái niệm độc quyền, thực trạng độc quyền và nêu ra một số giải pháp xử lý vấn đề độc quyền trong tình hình hiện nay ở nước ta.
ĐỘC-QUYỀN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Khái niệm độc quyền
Độc quyền và cạnh tranh là hai hiện tượng có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi có chủ trương thúc đẩy cạnh tranh để phát triển thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thì độc quyền cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên, trong thực tế của tất cả các quốc gia, độc quyền vẫn tồn tại trong một số ngành và ở một mức độ nhất định, nó là yếu tố đảm bảo cho cạnh tranh phát triển và duy trì được hiệu quả kinh tế của toàn xã hội.
Vậy, độc quyền là gì và pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay nên điều chỉnh vấn đề này như thế nào? Độc quyền kinh tế được hiểu là “ hiện tượng chỉ có một số ít người độc chiếm thị trường khiến ở đó không có sự tự do cạnh tranh về phía cung” 1 . Trong kinh tế học, hiện  tượng này được gọi là độc quyền tuyệt đối và là biểu hiện của cạnh tranh không hoàn hảo. Đó là hình thức cạnh tranh mà giá cả của hàng hoá trên thị trường bị chi phối bởi một hoặc một số nhà kinh doanh nhất định. Thông thường, một thị trường độc quyền được biểu hiện qua 3 yếu tố như sau: Thứ nhất, toàn bộ thị trường đó được nắm giữ bởi một hoặc một số người bán nhất định. Thứ hai, sản phẩm của nhà sản xuất được bán trên thị trường là duy nhất mà không có sản phẩm thay thế gần tồn tại. Nói cách khác, đó là việc không tồn tại thị trường sản phẩm liên quan . 2 Thứ ba, tồn tại những rào cản để ngăn cản việc các doanh nghiệp khác kinh doanh trên thị trường liên quan. Rào cản được coi là đặc trưng quan trọng nhất của một thị trường độc quyền bởi lẽ, nếu không có rào cản, các doanh nghiệp khác sẽ lập tức tham gia vào thị trường kinh doanh khi nhà độc quyền thực hiện chính sách tăng giá bán hoặc giảm chất lượng và số lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh khi muốn trở thành độc quyền đều cần phải có một rào cản và nhờ vào đó để cản trở các đối thủ khác. Rào cản thị trường được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có các hình thức phổ biến như sau; - Các quy định của pháp luật về hạn chế cạnh tranh. Đây là loại rào cản rất thường gặp, nó tạo ra sự độc quyền hợp pháp cho các doanh nghiệp. Vấn đề cần xem xét ở đây là tính hợp lý của các rào cản thị trường do pháp luật tạo ra. Trong những hoàn cảnh nhất định, Chính phủ ở hầu hết các quốc gia đều cần thiết phải sử dụng rào cản do pháp luật tạo ra để đảm bảo phát triển kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng hoặc bảo hộ sản xuất trong nước. Trong những trường hợp đó, sự tồn tại của các rào cản thị trường là hợp lý. Chẳng hạn, việc nhà nước chỉ cho phép một hoặc một số doanh nghiệp được hoạt động trong các lĩnh vực mà nhà nước cần giữ độc quyền như các ngành thuộc an ninh, quốc phòng hay những ngành dịch vụ công ích hoặc những ngành có tác động mạnh và ảnh hưởng đến đời sống của toàn bộ xã hội như: cấp, thoát nước, nắm giữ mạng lưới truyền tải điện quốc gia, mạng lưới đường sắt tàu hoả... Trong những trường hợp này, pháp luật cần thiết phải tạo ra các rào cản thị trường.  
Nhìn chung bất cứ quốc gia nào cũng thừa nhận sự tồn tại của rào cản thị trường do pháp luật tạo ra, bởi lẽ đây là một trong các điều kiện để đảm bảo lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia. Tuy thế, cũng có những rào cản mà sự tồn tại của nó là bất hợp lý và cần phải được loại bỏ. ở nước ta đã có những rào cản bất hợp lý như vậy tồn tại. Bên cạnh đó, những quy định của Chính phủ về việc đấu thầu hay chỉ định quota trong một số trường hợp cũng là biểu hiện của các rào cản do pháp luật tạo ra trong nền kinh tế thị trường. - Cắt giảm giá bán hàng hoá. Nhờ vào sức mạnh tài chính và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường, doanh nghiệp giảm giá tới mức làm cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường cũng như các doanh nghiệp khác là đối thủ đang kinh doanh trên thị trường không đủ sức cạnh tranh và phải rút lui khỏi thị trường đó. Kết quả là doanh nghiệp sẽ giành phần thắng trong cuộc đua về giá. - Độc quyền tự nhiên (Natural Monopoly). Hiện nay, khái niệm này chưa được hiểu một cách chính xác trong một số sách báo ở nước ta. Nhiều người cho rằng, hiện tượng một doanh nghiệp kinh trên thị trường, bằng nhiều biện pháp và chiến lược khác nhau, doanh nghiệp đó giành phần thắng trong  cuộc đua cạnh tranh và trở thành độc quyền được gọi là độc quyền tự nhiên. Hiểu như vậy là không chính xác đứng về mặt kinh tế học cũng như theo quy định thông thường của pháp luật các nước trên thế giới. Trường hợp này được gọi là độc quyền là kết quả của quá trình kinh doanh chứ không phải độc quyền tự nhiên. Độc quyền tự nhiên phải được hiểu là hiện tượng xảy ra trên thị trường khi toàn bộ sản phẩm của thị trường đó nếu được cung cấp bởi một doanh nghiệp thì sẽ ở mức giá thấp hơn so với việc có hai hay nhiều doanh nghiệp cùng cung cấp sản phẩm đó. Điều này là do tính chất của sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ được cung cấp quyết định. Nói cách khác, độc quyền tự nhiên là mô hình tối ưu trong một số lĩnh vực khi mà chỉ cần một nhà sản xuất là đủ khả năng cung cấp sản phẩm cho thị trường với hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì thế, nếu cho phép các nhà cung cấp khác tham gia vào thị trường sẽ dẫn tới sự “ cạnh tranh lãng  phí” . Ví dụ như trong ngành sản xuất và kinh 3 doanh điện, việc có nhiều nhà sản xuất điện cạnh tranh trên thị trường sẽ làm giảm giá bán điện và nâng cao chất lượng điện được cung cấp. Tuy thế, trong một quốc gia thì không nhất thiết mỗi nhà sản xuất điện phải xây dựng một hệ thống dây truyền tải riêng biệt. Đó là điều không thể làm được đối với tất cả các doanh nghiệp vì nó đòi hỏi chi phí rất lớn cũng như gây ra sự lãng phí không cần thiết. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất điện chỉ cần sử dụng một hệ thống đường truyền tải là đủ. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp nắm giữ hệ thống truyền tải điện sẽ trở thành nhà độc quyền và hiện tượng đó gọi là độc quyền tự nhiên. Những ví dụ khác về độc quyền tự nhiên có thể tìm thấy trong các ngành như vận tải đường sắt, đường hàng không hay viễn thông. Trong các trường hợp này độc quyền tự nhiên tồn tại ở chỗ chỉ cần một nhà cung cấp đường ray, một nhà cung cấp nhà ga sân bay và tương tự như vậy chỉ cần một doanh nghiệp cung cấp đường trục viễn thông là đủ. Các yếu tố mà ở đó độc quyền tự nhiên tồn tại được gọi là các “ phương tiện thiết yếu ”. Người ta gọi đây là độc quyền tự nhiên bởi vì có một lý do “ tự nhiên ” cho độc quyền tồn tại, đó là bản thân sản phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải có một mức độ kinh tế nhất định mới có thể cung cấp được sản phẩm đó ở hiệu qủa cao nhất. Và do vậy, độc quyền tự nhiên là rào cản được hình thành tự nhiên trong thị trường. Việc xác định rõ ranh giới của độc quyền tự nhiên là điều rất quan trọng trong việc xác định độc quyền của một  số ngành nhất định. ở nước ta, việc chưa phân định rõ ràng đã dẫn đến độc quyền của các ngành như viễn thông, điện lực, đường sắt, hàng không... Vấn đề này sẽ được phân tích kỹ ở phần tiếp theo. Ngoài các rào cản phổ biến như trên, trong thực tế còn tồn tại nhiều loại rào cản khác như: quảng cáo và tiếp thị sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu hàng hoá khiến cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường không thể đưa sản phẩm của mình tới khách hàng; hay một loại rào cản khác là việc doanh nghiệp nắm giữ độc quyền là nguyên liệu đầu vào của một ngành sản xuất v.v... Như vậy, không phải mọi rào cản đều là xấu và cần phải loại bỏ, bởi vì có những rào cản là do nỗ lực kinh doanh của doanh nghiệp (như đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để hạ giá thành sản phẩm và đưa ra sản phẩm mới) tạo nên. Chính vì thế, trong những trường hợp này, pháp luật không thể cấm việc doanh nghiệp trở thành độc quyền được mà chỉ đưa ra các quy định để doanh nghiệp đó không thể lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền của mình để gây hạn chế cạnh tranh và làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng.
Độc quyền ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Một số yếu tố bất hợp lý của mô hình kinh tế trước đây vẫn còn tồn tại và đòi hỏi cần phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết trong thời gian tới. Một trong những vấn đề cần giải quyết là tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước. Sự tồn tại quá nhiều doanh nghiệp nhà nước (rất nhiều trong số đó kinh doanh không hiệu quả) và việc độc quyền của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực là một trong những lý do được các luật sư Mỹ sử dụng để khẳng định Việt Nam không có nền kinh tế thị trường trong vụ kiện cá da trơn của Việt Nam . Để 4 hội nhập kinh tế thế giới cũng như đảm bảo các điều kiện gia nhập WTO trong thời gian tới và tránh thua thiệt trong thương mại quốc tế, vấn đề này cần phải được hoàn thiện để quy định một mức độ hợp lý cho sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay có hai loại hình độc quyền sau: Loại thứ nhất là kết quả cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Trường hợp công ty Coca Cola như đã phân tích ở trên được coi là ví dụ về hình thức độc quyền là kết quả của cạnh tranh trên thị trường nước uống có ga của Việt Nam. Tuy thế, như đã đề cập ở trên, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, vì vậy, cho đến nay chỉ có một vài trường hợp liên quan đến độc quyền là kết quả của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Chắc chắn trong tương lai, loại hình độc quyền này sẽ phổ biến hơn. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường của bất kỳ nền kinh tế cạnh tranh nào. Theo kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, vấn đề này sẽ được giải quyết bằng những quy định  về chống độc quyền trong luật cạnh tranh như các quy định về cấm đoán tự thân (per se prohibition), quy định về thoả thuận giá cả giữa các đối thủ cạnh tranh, tẩy chay hàng hoá, lạm dụng sức mạnh thị trường, tập trung kinh tế v.v... Luật cạnh tranh của Việt Nam 5 cũng đã bao gồm các quy định này. Đó là những quy định tại chương 2 về các vấn đề thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền, tập trung kinh tế. Nếu so với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì những quy định trong Luật cạnh tranh của Việt Nam về kiểm soát độc quyền chưa thể nói là đầy đủ. Tuy thế, trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, việc quy định như vậy là tương đối rõ ràng và thống nhất. Trong tương lai, khi tính cạnh tranh của thị trường đạt ở mức độ cao hơn với nhiều hành vi cạnh tranh khác phát sinh, sự bổ sung các quy định mới về kiểm soát độc quyền sẽ là cần thiết. Loại thứ hai là loại hình độc quyền được coi là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là độc quyền là kết quả của cơ chế hành chính trước đây và một số quy định của pháp luật cũng như các chính sách kinh tế hiện hành. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung cao độ trước đây, chúng ta chỉ thừa nhận hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân không tồn tại trong thời gian đó. Chế độ công hữu này đã tạo ra sự độc quyền nhà nước trong tất cả các ngành kinh tế. Nhà nước thành lập các xí nghiệp quốc doanh để sản xuất và cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Cơ chế quản lý kinh tế bằng các mệnh lệnh hành chính đã hình thành nên các doanh nghiệp nhà nước độc quyền mà một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Hơn nữa, hiện nay còn có xu hướng độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp. Việc nắm giữ đường trục viễn thông quốc gia sẽ tạo lợi thế cho VNPT ngăn cản các công ty khác tham gia vào thị trường viễn thông, bởi lẽ nếu các công ty khác muốn cung cấp dịch vụ viễn thông họ buộc phải sử dụng đường trục viễn thông quốc gia do VNPT quản lý. Với lợi thế về thị phần sẵn có từ trước cùng với các quy định của pháp luật, VNPT đã tính giá dịch vụ viễn thông cung  cấp cho người sử dụng cao hơn 30% so với các nước ASEAN . Tình trạng này cũng tương tự như ở Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN). ở nước ta đã có một số doanh nghiệp sản xuất điện nhưng chỉ EVN đ-ợc nắm giữ hệ thống truyền tải điện. Trong thị trường điện lực, việc sản xuất điện có liên quan mật thiết đến việc truyền tải điện. Điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất điện phải phụ thuộc vào EVN - một đối thủ cạnh tranh trên cùng thị trường. Chính vì vậy, độc quyền của EVN đối với việc kinh doanh điện là điều không thể tránh khỏi.
Nói tóm lại, viêc pháp luật quy định nhà nước nắm độc quyền đối với các “ phương tiện thiết yếu” như đường trục viễn thông quốc gia, hệ thống dây tải điện hay các nhà ga sân bay, hệ thống đường sắt nhưng không có sự tách biệt rõ ràng các yếu tố thuộc về cạnh tranh tiềm năng và các yếu tố thuộc về độc quyền tự nhiên đã làm cho độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp. Qua đó cho thấy rằng: những quy định này là không phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường và cần phải được thay đổi trong thời gian tới. Không những thế, một số chính sách kinh tế thời gian qua cũng là nguyên nhân tạo ra độc quyền trong nền kinh tế nước ta. Điển hình là chính sách thành lập các tổng công ty đã tạo ra sự độc quyền của một vài doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như xây dựng, xi măng, lắp máy... Để thành lập các tổng công ty này, một loạt các công ty nhỏ có cùng tính chất ngành nghề được sáp nhập theo quyết định của Chính phủ. Hơn nữa, nhà nước cũng đầu tư một lượng vốn lớn vào các tổng công ty. Kết quả là các công ty có một sức mạnh thị trường đáng kể trong ngành nghề mà nó kinh doanh và nhanh chóng có vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực đó, không một doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh với các tổng công ty nhà nước. Hiện nay, Chính phủ chủ trương thành lập một số tập đoàn kinh tế nhất định. Việc xây dựng các tập đoàn kinh tế là quan trọng bởi vì xét về mức độ tập trung vốn và công nghệ, hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều rất nhỏ bé so với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác đi cùng với cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Để có thể tham gia và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, Việt Nam rất cần thiết phải thành lập các tập đoàn kinh tế đủ mạnh trong những lĩnh vực nhất định. Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trước hết, sẽ có 4 tập đoàn kinh tế được thành lập trong các lĩnh vực điện, ga và khí đốt, viễn thông và xây dựng. Theo chính sách này, các tập đoàn kinh tế được thành lập dựa trên việc sáp nhập các công ty nhỏ thành công ty lớn hơn. Về mặt lý thuyết cũng như thực tế của luật cạnh tranh, việc sáp nhập chỉ bị cấm trong trường hợp làm giảm đáng kể cạnh tranh hoặc đi ngược lại với lợi ích công cộng, liên quan đến các vấn đề như lợi ích khách hàng, giải quyết việc làm và tăng trưởng xuất khẩu. Ngược lại, nếu việc sáp nhập mà có nhiều khả năng mang lại hiệu quả kinh tế vượt qua sự hạn chế cạnh tranh, nó sẽ không bị cấm. Trong trường hợp các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, việc tránh xung đột giữa độc quyền là kết quả của sáp nhập và lợi ích công cộng là rất cần thiết. Khi các tập đoàn kinh tế được thành lập bởi  Chính phủ thì sẽ rất dễ dàng cho các doanh nghiệp này có được vị trí thống lĩnh thị trường và sức mạnh thị trường đáng kể so với các doanh nghiệp khác. Chính vì thế, nếu không có những quy định cụ thể chính sách này có thể tạo ra vị trí độc quyền cho các tập đoàn kinh tế. Thêm vào đó, do hình thức sở hữu mà một số chính sách của nhà nước cũng có ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước được hưởng một số lợi thế khi tiến hành hoạt động kinh doanh trên thị trường so với các thành phần kinh tế khác. Cụ thể là, trong một số trường hợp nhất định, nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm cho các khoản nợ của doanh nghiệp, ưu đãi về quyền sử dụng đất, miễn thuế trong một số trường hợp, được chỉ định ngân hàng cho vay vốn hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Vì thế, có thể nói rằng: ở một chừng mực nhất định, chính sách kinh tế đã trở thành rào cản tạo ra độc quyền trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Một số giải pháp
Từ sự phân tích thực trạng độc quyền ở trên, có thể thấy các rào cản thị trường ở Việt Nam hiện nay rơi vào 3 trường hợp như sau: Thứ nhất, bằng một số hành vi kinh doanh nhất định, các doanh nghiệp trên thị trường đã loại bỏ được các đối thủ khác và trở thành độc quyền trên thị trường đó. Thứ hai, sự tồn tại một số quy định của pháp luật và các chính sách kinh tế đã tạo ra độc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, pháp luật chưa có sự phân định rõ việc sử dụng các “ phương tiện thiết yếu ” liên quan đến độc quyền tự nhiên, vì thế đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Loại rào cản thứ nhất là hình thức tồn tại phổ biến ở tất cả các quốc gia và sẽ không phải là ngoại lệ đối với Việt Nam trong tương lai. Luật Cạnh tranh đã đưa ra một số quy định tương đối phù hợp với hoàn cảnh kinh tế nước ta hiện nay để điều chỉnh quan hệ này.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có các quy định để xử lý sự tồn tại của các loại rào cản thứ hai và thứ ba. Đối với loại hình thứ hai, cần thấy rằng: trong những hoàn cảnh nhất định, sự tồn tại của rào cản thị trường do pháp luật tạo ra là cần thiết. Điều này được chứng minh ở chỗ, hầu hết các quốc gia đều thừa nhận sự tồn tại của độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến lợi ích công cộng hoặc an ninh quốc phòng. Ví dụ như Chính phủ Australia “ thừa nhận rộng rãi sự độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực cấp nước, điện lực, đường sắt, đường bộ, bưu chính, viễn thông. Việc thừa nhận độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực này được giải thích dựa trên cơ sở là các hoạt động nói trên là hình thức độc quyền tự nhiên” . 9 ở Việt Nam hiện nay, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: Nhà nước nắm độc quyền trong các lĩnh vực dịch vụ công ích, trong những ngành công nghiệp then chốt có liên quan mật thiết tới đời sống kinh tế - xã hội hoặc an ninh, quốc phòng như điện lực, viễn thông, cảng biển, thuốc lá, cấp thoát nước, sản xuất vũ khí, thuốc nổ... Thời gian tới, Chính phủ nên cụ thể hoá những quy định này bằng cách đưa  ra danh mục các lĩnh vực độc quyền nhà nước để bảo đảm tính rõ ràng của pháp luật và tránh được việc biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng nên thông tin kế hoạch cụ thể đối với việc xoá bỏ độc quyền trong những ngành nghề nhất định. Thực tế cho thấy rằng, những lĩnh vực thuộc về độc quyền nhà nước không phải giống nhau cho mọi quốc gia và cũng không tồn tại ổn định cho mọi thời kỳ, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi nước. Tuy thế, pháp luật nên quy định theo hướng nhà nước sẽ nắm giữ độc quyền trong các lĩnh vực liên quan đến độc quyền tự nhiên và các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh (sẽ được thành lập theo quy định của Luật Cạnh tranh) cần rà soát lại các văn bản pháp luật để tìm ra những quy định về hạn chế cạnh tranh bất hợp lý, qua đó, đề xuất cơ quan ban hành văn bản đó sửa đổi hoặc huỷ bỏ cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường nước ta. Chính sách về việc thành lập các tập đoàn kinh tế cũng là vấn đề cần xem xét. Các tập đoàn kinh tế khi được thành lập sẽ có sức mạnh rất lớn và có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cùng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế, nên có các quy định để khuyến khích hơn nữa các công ty nước ngoài bao gồm cả các tập đoàn kinh tế đa quốc gia tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường liên quan ở Việt Nam. Điều đó vừa bảo đảm được tính cạnh tranh của nền kinh tế đồng thời tạo môi trường cho các tập đoàn kinh tế nước ta phát triển. Đối với loại hình thứ ba là trường hợp mà các yếu tố độc quyền tự nhiên gắn liền với các hoạt động cạnh tranh tiềm năng (như sản xuất điện, dịch vụ vận chuyển hành khách đường sắt hoặc dịch vụ viễn thông). Nên có quy định tách các yếu tố độc quyền tự nhiên ra khỏi các hoạt động cạnh tranh tiềm năng đó. Ví dụ như dịch vụ cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, hoạt động truyền tải điện, dịch vụ cung cấp nhà ga sân bay lần lượt phải được tách khỏi dịch vụ viễn thông, sản xuất điện, và dịch vụ vận tải hàng không. Chính phủ nên thành lập các doanh nghiệp nhà nước riêng rẽ để quản lý các yếu tố độc quyền tự nhiên đó. Cùng với việc làm này, Chính phủ nên ban hành các quy định về việc sử dụng “ phương tiện thiết yếu ” liên quan đến độc quyền tự nhiên. Trước hết, các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên nắm giữ các “ phương tiện thiết yếu ” nên giao cho các Bộ chuyên ngành quản lý. Ví dụ như Bộ Giao thông vận tải sẽ kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp quản lý nhà ga sân bay, Bộ Công nghiệp sẽ quản lý các doanh nghiệp nắm giữ hệ thống truyền tải điện... Thêm vào đó, cũng cần thấy rằng, không nhất thiết trong mọi trường hợp các doanh nghiệp quản lý “ phương tiện thiết yếu ” liên quan đến độc quyền tự nhiên đều phải đáp ứng yêu cầu việc sử dụng các cơ sở đó. Vì vậy, cần có các quy định về lĩnh vực này. Cụ thể là, nên quy định theo h-ớng các doanh nghiệp đó không phải chịu trách nhiệm cung cấp “ phương tiện thiết yếu ” cho các doanh nghiệp khác trừ khi có nhu cầu cần thiết để  đẩy mạnh sự cạnh tranh có hiệu quả cho nền kinh tế. Ví dụ như, khi nhà ga sân bay đã làm việc hết công suất, các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên không có trách nhiệm cung cấp các “ phương tiện thiết yếu ” ngay cả khi có yêu cầu của một nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng không. Hơn thế nữa, nên có các quy định liên quan đến việc xác định giá cả khi sử dụng các ” phương tiện thiết yếu ”. Trong thực tế, các doanh nghiệp nắm giữ các “ phương tiện thiết yếu” có xu hướng tính giá độc quyền cho các yếu tố đó. Vì vậy, để tránh giá cả độc quyền, Bộ chủ quản nên ấn định giá cho việc sử dụng các dịch vụ thiết yếu này. Việc xác định giá cả sử dụng “ phương tiện thiết yếu” không phải là công việc dễ dàng. Theo kinh nghiệm của một số nước, giá sử dụng các “ phương tiện thiết yếu ” phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ, khả năng cung cấp các “phương tiện thiết yếu” , việc sử dụng theo kế hoạch trong tương lai của các doanh nghiệp, mức độ thu hồi vốn chi phí xây dựng các “ phương tiện thiết yếu ” đó. Đồng thời, cũng nên tính đến tác động của giá cả để thúc đẩy sản xuất và bảo dưỡng các “ phương tiện thiết yếu” cũng như tác động quan trọng của việc khuyến khích đổi mới công nghệ./.

(Nguồn tin: Bài đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11D, tháng 11/2004)


Thống kê truy cập

34483141

Tổng truy cập