Đảng ta : Đảng của trí tuệ, bản lĩnh và khoa học

01/02/2010

TS. BÙI NGỌC THANH

Nguyên Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trải qua chặng đường dài 80 năm, với cương lĩnh đúng đắn của mình, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh kiên cường, bất khuất, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và đến nay đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Mỗi cuộc cách mạng (cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa) có tính chất và nội dung rất khác nhau, nhưng với tư duy khoa học, thực tiễn, trí tuệ và bản lĩnh cách mạng, Đảng ta đã vạch ra chiến lược, sách lược, chiến thuật, nắm chắc thời cơ và hành động quyết liệt để đi đến chiến thắng, thắng lợi trong mỗi cuộc cách mạng.
Untitled_912.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng ta đã khái quát tình hình đất nước khi chưa có Đảng như sau:"Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra"[1].  
Từ khi ra đời tới nay, với cương lĩnh đúng đắn của mình, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh kiên cường, bất khuất, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và đến nay đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. "Kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp"[2].
1. Đảng lãnh đạo Cách mạng tháng Tám - cuộc cách mạng "long trời lở đất"- đại thành công
Bằng sự phân tích sắc bén tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và cục diện tình hình thế giới cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) tháng 5/1941, Đảng ta đã chỉ rõ "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[3].Từ chỉ báo đó, Đảng ta đã có một quyết tâm chiến lược, sắt đá. Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do. Phương pháp cách mạng lúc này là, Đảng lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn[4]. Bởi vậy toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, sẵn sàng đưa quần chúng nhân dân ra chiến đấu.
Dự báo được thời cơ khởi nghĩa đã là điều không đơn giản, nhưng dự báo thời điểm xuất hiện của thời cơ lại càng khó hơn. Vậy mà Đảng ta đã dự báo rất chính xác. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc tháng 10/1944, đồng chí Hồ Chí Minh chỉ rõ "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!"[5]. Tiên đoán này là tuyệt đối chính xác. Xuất phát từ nhận định tình hình thực tiễn, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng (họp ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh) từ ngày 9 đến ngày 12/3/1945 đã ra chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Chỉ thị là cương lĩnh hành động gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa. Chỉ thị nói rõ "Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa" và "sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện"[6]. Đúng như dự kiến, sau Hội nghị Đình Bảng, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp các địa phương và đều giành được thắng lợi. Tiếp theo Hội nghị Đình Bảng là Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân Tân Trào (Tuyên Quang) diễn ra trong hai ngày 14 và 15/8/1945. Xuất phát từ tình hình chiến tranh thế giới thứ hai đang đi đến giai đoạn kết thúc (ngày 2/5/1945 Liên Xô đánh chiếm Béc-lin, tiêu diệt phát xít Đức tận hang ổ, tại sào huyệt của chúng; ngày 8/5/1945 phát xít Đức đầu hàng không điều kiện; ở châu Á, phát xít Nhật đang lao nhanh tới thảm bại hoàn toàn...), Hội nghị nhận định "cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới" và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị đã đề ra ba nguyên tắc hành động: Tập trung, thống nhấtkịp thời. Đồng thời Hội nghị cũng quyết định những chủ trương lớn để chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa: Quân sự và chính trị phải phối hợp; làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh; đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê.
Trước giờ phút quyết định, đồng chí Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"[7]­­(7).
Cả nước ta sôi sục khí thế cách mạng, bốn tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất là Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Tuyên Quang, song cuộc tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi có tính chất quyết định khi các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8) và Sài Gòn (25/8) hoàn toàn thắng lợi. Tổng khởi nghĩa đã diễn ra đúng như chỉ báo của Đảng, quân sự và chính trị phối hợp hài hòa, làm cho địch tan rã từng mảng và đầu hàng cách mạng; đánh chiếm trước những nơi chắc thắng, không kể là thành thị hay nông thôn. Tổng khởi nghĩa đã diễn ra theo những quá trình rất sinh động và linh hoạt, ở 28 tỉnh, phần lớn là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, khởi nghĩa nổ ra từ xã lên huyện rồi lên tỉnh; 24 tỉnh thuộc Nam Kỳ và Trung Kỳ, khởi nghĩa nổ ra trước ở tỉnh rồi kết thúc thắng lợi ở huyện và xã; 7 tỉnh, khởi nghĩa nổ ra đồng thời ở tỉnh, huyện và xã.
Dự báo đúng thời cơ, chỉ báo đúng thời điểm, phát động toàn dân khởi nghĩa, hành động mau lẹ, kịp thời, kiên quyết và quả cảm trong những giờ phút quyết định của lịch sử là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Đúng như Lênin đã tổng kết "Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ, vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả"[8]. Theo quan điểm của Lênin thì chúng ta đã được, được lớn và được nhiều; chúng ta chỉ mất một thứ mà từ lâu chúng ta muốn trút bỏ, đó là xiềng xích nô lệ.
2. Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, kết thúc  bằng một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
Sau Cách mạng tháng 8, thực dân Pháp mang dã tâm ngông cuồng, gây chiến tranh hòng cướp nước ta một lần nữa. Tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn bất lợi cho ta, nhưng bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, Đảng ta đã chỉ báo ngay từ đầu là "Kháng chiến nhất định thắng lợi"[9] và ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Chỉ báo này được phát ra chỉ sau 3 ngày kể từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Với sự phân tích địch, ta một cách khoa học, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc kháng chiến trải qua ba giai đoạn có tính cột mốc để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đó là chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, Việt Bắc trở thành mồ chôn quân thù; Chiến thắng biên giới Thu - Đông năm 1950, phá tan kế hoạch "Khóa cửa biên giới" của địch đối với ta; cuộc Tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 và chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (chỉ riêng mặt trận Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt và bắt sống 1,6 vạn tên giặc, trong đó có một tướng, 16 tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí).Với những thắng lợi vô cùng to lớn đó của chúng ta, ngày 20/7/1954, tại Giơ-ne-vơ, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định đình chiến với Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Chỉ báo của Đảng "Kháng chiến nhất định thắng lợi" đã trở thành hiện thực sống động. Các thế hệ sau chiến thắng Điện Biên Phủ khi đọc lại những trang sử hào hùng của dân tộc đều vô cùng thú vị về những chỉ báo khoa học này. Bởi vì trong điều kiện chính quyền còn non trẻ vừa mới ra đời, nạn đói năm 1945 do phát xít - đế quốc gây ra cướp đi hai triệu sinh mạng con người, hậu quả còn nghiêm trọng; tiếp đến là lũ lụt lớn đã làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, sau lũ lụt lại đến hạn hán làm cho 50% ruộng đất bị bỏ hoang; sản xuất công nghiệp bị đình đốn vì bị địch phá hủy, hàng vạn công nhân mất việc làm... Trong rối ren và khó khăn chồng chất mà nhìn được tường tận đường đi, nước bước và khẳng định sẽ chiến thắng trong tương lai là một sự kiện hết sức kỳ diệu, chỉ có một Đảng có nhân sinh quan cách mạng, trí tuệ khoa học và thực tiễn mới có được cái nhìn thấu suốt như thế.
 “Trong rối ren và khó khăn chồng chất mà nhìn được tường tận đường đi, nước bước và khẳng định sẽ chiến thắng trong tương lai là một sự kiện hết sức kỳ diệu, chỉ có một Đảng có nhân sinh quan cách mạng, trí tuệ khoa học và thực tiễn mới có được cái nhìn thấu suốt như thế”
3. Đảng lãnh đạo mưu lược, tài trí, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đế quốc Mỹ cậy lắm tiền, nhiều của, tiềm lực quân sự là vô địch nên đã nhảy vào miền Nam nước ta, hất cẳng Pháp, hòng nhanh chóng biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Một lần nữa nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu, giải phóng đất nước. Ngay từ đầu của cuộc chiến đấu không cân sức, Đảng ta đã chỉ báo "Cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới là: Chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta"[10]. Cách mạng (nghệ thuật để chiến thắng) là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"[11]. Dưới sự lãnh đạo tài trí của Đảng, kết hợp nhuần nhuyễn ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, nhân dân ta đã trải qua năm chặng đường chiến tháng để cuối cùng đi đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
     - Trước hết làm phá sản chiến lược Ai-xen-hao, một hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới trong những năm 1954-1960 với kết thúc thắng lợi của phong trào Đồng Khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960.
     - Đánh bại "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ trong những năm 1960-1963 bằng một loạt các chiến thắng có tầm vóc lịch sử (Ấp Bắc tháng 01/1963; Bình Giã tháng 12/1964; Ba Gia, Bà Rá, Núi Thành tháng 5/1965; Vạn Tường tháng 8/1965... làm phá sản hoàn toàn kế hoạch Xta-lây/Tay-lơ và kế hoạch Giôn-xơn/Mắc-na-ma-ra).
     - Đánh bại "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ trong những năm 1965-1968 với những chiến thắng ở một trình độ quân sự cao. Đó là chiến thắng mùa khô 1965-1966 đánh bại "Chiến dịch 5 mũi tên" của địch nhằm tấn công vào cửa ngõ Tây Bắc và Đông Bắc Sài Gòn, vào nam Phú Yên, nam Quảng Ngãi và bắc Bình Định: chiến thắng mùa khô 1966-1967 phá tan ba cuộc hành quân lớn của Mỹ (Át-tơn Bo-rơ với ba vạn quân đánh vào khu Dương Minh Châu; Xê-đa-phôn với 3 lữ đoàn đánh vào Bến Súc; Gian-xơn Xi-ti với 4,5 vạn quân, 1000 xe tăng, thiết giáp và cơ giới đánh vào bắc Tây Ninh). Tiếp đến là cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân, dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968, đánh vào 64 thành phố, thị xã, huyện lỵ, chi khu quân sự, cùng hàng trăm sân bay, kho tàng, khu hậu cần dự trữ chiến lược của địch. Hàng triệu quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm giành quyền làm chủ với mức độ khác nhau.
     - Làm thất bại hoàn toàn "học thuyết Nich-xơn" thể hiện trong kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" vào những năm 1969-1973 với những chiến thắng vang dội, đặc biệt là những chiến thắng trong năm 1972 (ở miền Nam, nửa triệu quân ngụy phải loại khỏi vòng chiến, hơn 50% số sư đoàn, gần 70% số trung đoàn và lữ đoàn ngụy bị tiêu diệt hoặc bị đánh thiệt hại nặng, địa phương quân và phòng vệ dân sự tan rã từng mảng; ở miền Bắc quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, trong 12 ngày đêm ta đã bắn hạ 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B52 và 5 chiếc F111 cánh cụp cánh xòe). Ngày 27/01/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam với những điều khoản bảo đảm các yêu cầu cơ bản của ta. Ngày 29/3/1973, Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ, toàn bộ quân viễn chinh Mỹ và chư hầu phải rút hết về nước.
     - Đánh bại bọn xâm lược Mỹ và tay sai âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng và vùng tranh chấp trong những năm 1973-1975 và bằng cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 với chủ trương, biện pháp của Bộ Chính trị "thần tốc, táo bạo, bất ngờ" tiến lên giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
     Từ tư duy cách mạng khoa học, từ những chỉ báo chuẩn xác của Đảng về mục tiêu chiến đấu, về chiến lược, chiến thuật tiến công, chúng ta đã đánh bại một đối phương có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới, có lực lượng quân sự khổng lồ và có những phương tiện chiến tranh hiện đại không đâu sánh nổi. Với chiến thắng hết sức trọn vẹn của công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta, nhân dân ta đã hoàn thành vẻ vang Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước...
 
“Từ tư duy cách mạng khoa học, từ những chỉ báo chuẩn xác của Đảng về mục tiêu chiến đấu, về chiến lược, chiến thuật tiến công, chúng ta đã đánh bại một đối phương có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới, có lực lượng quân sự khổng lồ và có những phương tiện chiến tranh hiện đại không đâu sánh nổi. Với chiến thắng hết sức trọn vẹn của công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta, nhân dân ta đã hoàn thành vẻ vang Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước”
Giờ đây trong những giờ phút thanh bình, có dịp nghiên cứu lại những văn kiện của Đảng về xây dựng phong trào cách mạng từ khi còn "trứng nước", xây dựng lực lượng vũ trang, giờ khắc phát lệnh tổng khởi nghĩa, phương châm chỉ đạo đánh chiếm các cứ điểm chắc thắng trong những ngày sôi sục của Cách mạng tháng 8, trong kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và những nhật lệnh tiến quân "thần tốc, táo bạo, bất ngờ", "thần tốc, thần tốc, thần tốc nữa" trong các cuộc tiến công mùa xuân năm 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta càng thấy sáng rõ sự vận dụng hết sức anh minh, sáng tạo, đúng đắn, nhuần nhuyễn và tinh tế năm vấn đề ở tầm quốc tế, có tính quy luật của khởi nghĩa vũ trang, của chiến tranh cách mạng, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc:
      1. Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa, và một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì cần nắm chắc một điều là phải tiến hành đến cùng.
      2. Phải tập hợp ở một điểm quyết định, trong một thời cơ quyết định những lực lượng có ưu thế lớn, nếu không thì địch được chuẩn bị kỹ hơn và có tổ chức hơn sẽ tiêu diệt những người khởi nghĩa.
      3. Một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng phải tuyệt đối chuyển sang tấn công. "Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang".
      4. Phải cố gắng đánh bất thình lình vào địch, cố gắng nắm đúng thời cơ khi quân địch còn phân tán.
      5. Mỗi ngày (ở thành phố là mỗi giờ) phải thu được thắng lợi dù là thắng lợi không lớn lắm, đồng thời nhất thiết phải giữ cho được "ưu thế tinh thần"[12].
Dù cho những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, những ngày đầu tiến hành chiến tranh cách mạng là vô cùng khó khăn, muôn vàn gian khổ, nhưng Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn tin tưởng sắt đá ở thắng lợi cuối cùng. Niềm tin mãnh liệt đó được Đảng "truyền lửa", thấm sâu tới từng chiến sĩ, từng người dân trong cả nước. Ai cũng biết, tháng 8/1945 cách mạng mới thành công, nhưng trước đó một năm, Đảng ta đã ước lượng khá chắc chắn ngày thắng lợi, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đã cho hay "Hỡi người bạn vui lên đi Ất Dậu/Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công". Ai cũng biết ngày 10/10/1954, chúng ta mới từ núi rừng trở về tiếp quản Thủ đô, nhưng từ năm 1948, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - văn nghệ ở chiến khu, ở bưng biền đã cất cao tiếng hát "Tiến về Hà Nội" với khí thế vô cùng hào sảng. Ai cũng biết, ngày 30/4/1975, đại quân như vũ, như bão, từ mọi hướng kéo về Sài Gòn, cờ giải phóng mới tung bay trên đỉnh dinh Độc lập, nhưng từ năm 1966 (trước đó 9 năm) "Tiến về Sài Gòn" đã là tráng ca râm ran khắp cả nước và đúng ngày giải phóng, "Tiến về Sài Gòn" đã vang lên hùng tráng khắp đô thành, rộn ràng trong khắp cả nước, trước sự ngỡ ngàng đến không hiểu nổi của quân thù.
4. Đảng lãnh đạo toàn dân tộc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa
Chúng ta đều biết cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (đánh đuổi thực dân, đế quốc, lật nhào chế độ cũ), thiết lập chính quyền mới của nhân dân là vô cùng gian khổ, đầy hy sinh, tổn thất... nhưng đó mới chỉ là giai đoạn mở đầu đột phá khẩu quan trọng. Nhiệm vụ nặng nề tiếp theo là mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa, cải tạo toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội cũ, xây dựng toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Đây là công việc không đơn giản, không phải một sớm một chiều mà là nhiệm vụ vô cùng to lớn, vô cùng nặng nề, cực kỳ phức tạp, lâu dài, gian khổ và muôn vàn sóng gió của nhiều thế hệ. Ở đây đã xuất hiện một tình huống là, có những nước thế hệ cha anh làm cách mạng giải phóng dân tộc, cướp chính quyền thì rất "bài bản", thắng lợi hết sức vang dội, nhưng ở các thế hệ bảo vệ chính quyền, xây dựng một xã hội mới theo mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa thì lại xảy ra nhiều "sự cố". "Cải tổ" dẫn đến "sụp đổ" vì mất phương hướng, sai lầm đường lối chiến lược, lệch lạc về sách lược, nhầm lẫn trong chỉ đạo thực hiện và tệ hại hơn nữa là "nửa vời quay ngược", phản bội lại sự nghiệp cách mạng của cha anh - những lớp người tiền nhiệm. Từ đó các thế lực thù địch càng coi thường, hạ thấp và đi đến phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản cầm quyền. Vì vậy một vấn đề được đặt ra là, việc chuyển giao thế hệ nếu không đầy đủ, không tỉ mỉ, không chi tiết, không cặn kẽ, không chọn được mặt để gửi vàng thì chắc chắn sẽ xuất hiện những trục trặc lớn. Đặc biệt là càng về sau, càng lùi xa chiến tranh cách mạng, các "hậu duệ" càng ít thấm nhuần những gian khổ, hy sinh, tổn thất của các thế hệ cha ông nếu họ không được giáo dục kỹ càng, nếu họ không có sự hiểu biết sâu sắc lịch sử đất nước, dân tộc. Vì vậy việc "giữ lửa, truyền lửa cách mạng" cho các thế hệ tiếp nối là vấn đề cực kỳ quan trọng và vô cùng công phu phải được tiến hành thường xuyên, đến nơi, đến chốn...
Trong sự biến động chính trị chấn động trời đất trên thế giới như thế, nhưng ở nước ta, Đảng cộng sản Việt Nam trước sau như một, vẫn kiên định con đường đã chọn - con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nền tảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mớiđi đến thắng lợi. Đổi mới ở nước ta hay cải tổ, cải cách ở các nước, điều đầu tiên hết sức then chốt là phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Nếu xác định không chuẩn xác, bước đi ban đầu bị lệch chuẩn thì chính đây là nguy cơ cho đổi mới, cho cải tổ. Năm 1992, sau khi thảm họa xảy ra, một nhân chứng của đất nước sụp đổ đã viết trong hồi ký của mình rằng: Bước vào cải tổ, những vấn đề tư tưởng, chính trị, tự do, dân chủ không thể nào tiêu hóa được trong cái dạ dày kinh tế rách nát... Câu nói đó như một kết luận thực tiễn, không thể cải tổ chính trị trước khi cải cách kinh tế. Ở nước ta, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã tư duy rất mạch lạc, rất đúng đắn rằng, "trong quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chúng ta tập trung làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới"[13]. Thực tiễn đã chứng minh con đường đổi mới sáng tạo của Đảng ta (một luận điểm chưa hề có trong tiền lệ) là hoàn toàn đúng đắn và có độ chính xác rất cao. Kết quả là, "sau 20 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ta... đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kinh tế tăng trưởng khá nhanh, bước đầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc do Đảng lãnh đạo được củng cố và tăng cường; sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên nhiều; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao"[14].
Dự báo các tình huống, các sự kiện trong đường lối chiến lược là một loại công việc, một công đoạn có tầm quan trọng hàng đầu trong lãnh đạo cách mạng. Ở mỗi lĩnh vực công việc này đã khó; dự báo có tính chất chỉ dẫn, chỉ báo cho vận mệnh cả một dân tộc, cả một đất nước trong mỗi cuộc cách mạng càng khó gấp bội lần. Nhưng với sứ mệnh cao cả mà nhân dân đã tin tưởng và giao phó, Đảng ta đã tập trung mọi sức lực trí tuệ, vận dụng nhuần nhuyễn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các khoa học khác, vạch đường lối chiến lược và chỉ báo chính xác, khoa học cho mỗi giai đoạn cách mạng để đi tới chiến thắng. Đó là nghệ thuật cách mạng, là cơ sở, là căn cứ vững chắc cho kết luận: Đảng ta - Người thiết kế, kiến tạo, tổ chức mọi thắng lợi của đất nước, của dân tộc.
 
“Đảng ta đã tập trung mọi sức lực trí tuệ, vận dụng nhuần nhuyễn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các khoa học khác, vạch đường lối chiến lược và chỉ báo chính xác, khoa học cho mỗi giai đoạn cách mạng để đi tới chiến thắng. Đó là nghệ thuật cách mạng, là cơ sở, là căn cứ vững chắc cho kết luận: Đảng ta - Người thiết kế, kiến tạo, tổ chức mọi thắng lợi của đất nước, của dân tộc”
 
Ngay từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã tuyên bố: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật, nói hết sự thật. Từ đó đến nay, Đảng ta thường xuyên phát huy dân chủ rộng rải, ra sức tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, hoàn thiện đường lối đổi mới và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện; tăng cường công tác tư tưởng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và của cả hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính tri nội bộ; xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng để làm tròn sứ mệnh của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, đưa đất nước ta từng thời gian bước lên những tầm cao mới của sự phát triển./.
 

 


 
[1] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1960, tr 30; 
 
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 17
 
[3] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), NXB Chính trị Quốc gia, tr 113;
 
[4] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), NXB Chính trị Quốc gia, tr 131-132.
 
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 505-506;
 
[6]Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), NXB Chính trị Quốc gia; Hà Nội, tr 267.
  
 
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tr 554
 
 
[8]Lênin toàn tập, tập 34, NXB Tiến bộ Mat-xcơ-va, 1976, tr 571.
 
[9]Tác phẩm của đồng chí Trường Chinh, phát triển theo chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Trung ương Đảng ngày 22/12/1946.
 
[10]Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, khóa II.
 
[11]Thư chúc tết của Bác Hồ đầu năm 1969.
 
[12] Lênin toàn tập, tập 34, NXB Tiến bộ Mat-xcơ-va 1976; tr 502.
 
 
[13]Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa VI.
 
[14]Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, tr 126;
    
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3+4(164+165), tháng 2/2010)


Thống kê truy cập

34742100

Tổng truy cập