QUỐC HỘI
Luật số:.../20.../QH...
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
LUẬT
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
_____________
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:
“8. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.”.
b) Bổ sung khoản 15 vào sau khoản 14 như sau:
“15. Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo và có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động quảng cáo, chính sách phát triển ngành công nghiệp quảng cáo;
b) Thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo;
c) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về quảng cáo; đào tạo, bồi dưỡng; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý trong hoạt động quảng cáo, quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật;
đ) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quảng cáo;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên báo chí, quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật;
b) Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép sản xuất kênh chương trình chuyên quảng cáo trên báo nói, báo hình;
c) Tiếp nhận thủ tục thông báo ra phụ trương chuyên quảng cáo đối với báo in; cấp Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam;
d) Tiếp nhận, xử lý các thông báo về quảng cáo vi phạm pháp luật đối với hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam; thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng;
đ) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên mạng viễn thông, trên mạng internet, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
3. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực y tế;
b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vĩnh vực y tế.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn;
b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.”.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại địa phương; tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động quảng cáo;
b) Chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật này về việc thông báo sản phẩm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo tại địa phương;
c) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam;
d) Tổ chức xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu giá vị trí quảng cáo trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản;
đ) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo tại địa phương;
e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ về quảng cáo tại địa phương;
g) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền;
h) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 như sau:
“b) Xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo.”.
4. Bổ sung Điều 15a vào sau Điều 15 như sau:
“Điều 15a. Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
1. Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này.
3. Khi quảng cáo trên mạng xã hội cùng với hoạt động khác thì phải tự đưa ra dấu hiệu hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung quảng cáo với nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường.
4. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này và các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; tuân thủ nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo;
c) Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.”.
5. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 của Điều 18 như sau:
“1a. Từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:
“Điều 19. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
1. Nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
2. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận.
3. Nội dung quảng cáo không bao gồm:
b) Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; nội dung phải công bố công khai và cung cấp cho khách hàng, người tiêu dùng; nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của hàng hóa; các nội dung thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin khác theo quy định của pháp luật có liên quan.”.
7. Bổ sung Điều 19a vào sau Điều 19 như sau:
“19a. Yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt
Nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải tuân thủ quy định tại Điều 19 của Luật này và các yêu cầu sau đây:
1. Quảng cáo mỹ phẩm
a) Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế; trường hợp tên mỹ phẩm đã bao gồm các thông tin về tính năng, công dụng thì không phải thể hiện nội dung này trong sản phẩm quảng cáo.
b) Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
c) Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế;
d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác.
2. Quảng cáo thực phẩm
a) Nội dung quảng cáo thực phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; tên, địa chỉ nhà sản xuất sản phẩm.
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải có cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; thực phẩm bổ sung phải có cụm từ: “Thực phẩm bổ sung”; thực phẩm dinh dưỡng y học phải có cụm từ “Thực phẩm dinh dưỡng y học" và “sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế”; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải có cụm từ “Sản phẩm dinh dưỡng cho đối tượng cụ thể”.
b) Nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này và các nội dung sau: công dụng của sản phẩm, các cảnh báo sức khoẻ (nếu có); Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Quảng cáo có sử dụng âm thanh phải đọc rõ khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; việc quảng cáo có sử dụng âm thanh với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo”.
3. Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và các quy định hiện hành. Việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
a) Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ";
b) Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phù hợp với quy định về tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ theo quy định của pháp luật.
a) Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
b) Tính năng, công dụng; tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành;
c) Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”;
d) Thông tin cảnh báo về đặc tính nguy hiểm của hóa chất và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của hóa chất.
5. Quảng cáo thiết bị y tế phải có các nội dung sau đây:
b) Tính năng, tác dụng, hướng dẫn sử dụng, điều kiện bảo quản (nếu có);
c) Tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành; cơ sở mua bán hoặcnhập khẩu hoặc chuyển nhượng thiết bị y tế.
6. Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Phạm vi hoạt động chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền về y tế phê duyệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
7. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thuốc;
b) Tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
d) Cảnh báo về mức độ nguy hiểm, độc hại và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.
8. Quảng cáo thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, giống vật nuôi phải có các nội dung sau đây:
a) Tên chế phẩm sinh học phục vụ thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống vật nuôi sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản;
b) Xuất xứ nguyên liệu trong chế biến;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
9. Quảng cáo phân bón phải có các nội dung sau đây:
a) Tên phân bón, phương thức sử dụng;
b) Tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
10. Nội dung quảng cáo giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về trồng trọt.
11. Nội dung quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về dược và y tế.
12. Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế”.
8. Sửa đổi, bổ sung lời dẫn và một số điểm của khoản 4 Điều 20 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung lời dẫn như sau:
“4. Khi quảng cáo hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt phải có văn bản hoặc thông tin chứng nhận hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đó được phép lưu hành hoặc thực hiện tại Việt Nam còn hiệu lực theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không thuộc danh mục phải cấp phép vàbảo đảm các điều kiện sau đây:”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a như sau:
“a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về dược; phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn; không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phải có Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d như sau:
"d) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy tờ, chứng nhận được phép lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực."
d) Sửa đổi, bổ sung điểm g như sau:
“g) Nội dung quảng cáo thiết bị y tế phải phù hợp với nội dung đã được phê duyệt, công bố trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế hoặc hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu hoặc hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành. Đối với những thiết bị y tế không thuộc danh mục phải cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu thì nội dung quảng cáo phải phù hợp với thông tin do chủ sở hữu thiết bị y tế ban hành.".
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm k như sau:
“k) Quảng cáo phân bón phải có Quyết định công nhận lưu hành phân bón tại Việt Nam; quảng cáo giống cây trồng phải có Quyết định công nhận lưu hành, Quyết định công nhận lưu hành đặc cách, bản công bố các thông tin về giống cây trồng tự công bố lưu hành, Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp; chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt; thức ăn chăn nuôi; chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 như sau:
“1. Diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác”.
10. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 22 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh chương trình chuyên quảng cáo.”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút.”.
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì sản phẩm quảng cáo không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Quảng cáo trên mạng
1. Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet.
2. Hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Phải có dấu hiệu nhận diện bằng từ ngữ, ký hiệu hoặc các hình thức tương tự để phân biệt giữa thông tin quảng cáo với các thông tin khác không phải quảng cáo;
c) Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin điện tử khác thì nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; người cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phải có giải pháp để kiểm tra, giám sát nội dung của trang thông tin điện tử được dẫn đến;
d) Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi cho phép người sử dụng thực hiện quảng cáo phải có tính năng, ký hiệu để người sử dụng tự phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác;
đ) Người sử dụng mạng xã hội phải đưa ra tuyên bố hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ.
3. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ:
a) Các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với doanh thu phát sinh từ dịch vụ quảng cáo theo quy định pháp luật về thuế.
b) Sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc đặt cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định pháp luật của Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam;
c) Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử, ứng dụng trên mạng, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều này; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.
4. Người quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo khi giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thì có quyền sau đây:
a) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo tuân thủ quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
b) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
5. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng có nghĩa vụ tuân thủ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này và các quy định sau:
a) Thông báo thông tin đầu mối liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuân thủ hoạt động quảng cáo trên mạng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã thực hiện đăng ký kinh doanh về quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Hình thức và thời gian thông báo: 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử). Trường hợp nộp qua môi trường điện tử, phải có chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân;
b) Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thông tin cần thông báo bao gồm: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, căn cước công dân hoặc mã số thuế (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.
Hình thức và thời gian thông báo thực hiện theo quy định điểm a khoản khoản 5 Điều này. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân;
b) Xác minh danh tính của người quảng cáo.
c) Lưu trữ thông tin, hồ sơ về hoạt động quảng cáo, bao gồm: thông tin về tên, địa chỉ và thông tin liên hệ để xác minh danh tính người quảng cáo; tên sản phẩm quảng cáo; mẫu quảng cáo hoặc đường dẫn để truy cập vào mẫu quảng cáo; thời gian cung cấp dịch vụ quảng cáo; các tài liệu theo quy định khi thực hiện hoạt động quảng cáo: hợp đồng, thoả thuận, các tài liệu do người quảng cáo cung cấp liên quan đến nội dung sản phẩm quảng cáo.
Thời gian lưu trữ: trong 01 năm kể từ ngày cuối cùng quảng cáo được hiển thị.
d) Có giải phải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
đ) Lưu trữ các thông tin về quy tắc của phương thức phân phối quảng cáo, thuật toán phân phối quảng cáo được sử dụng để phát hành quảng cáo trên mạng.
e) Thiết lập cơ chế để tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo trên mạng.
g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có thiết lập, vận hành nềntảng số để cung cấp dịch vụ, thực hiện duy trì tài khoản báo cáo trực tuyến theo quy định tại điểm l khoản 3 Điều 39 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thời hạn báo cáo: trước ngày 31 tháng 12 đối với báo cáo định kỳ hằng năm hoặc 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu đối với báo cáo đột xuất.
6. Quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng:
a) Đối với hoạt động quảng cáo trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước thực hiện:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định quảng cáo vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao về quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nghĩa vụ thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. Sau thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Trường hợp phát hiện quảng cáo trên mạng vi phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh quốc gia, cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
b) Đối với hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo
1. Việc đặt màn hình chuyên quảng cáo phải thực hiện theo quy định của Luật này, Luật khác có liên quan và quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương.
2. Khi thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Không sử dụng âm thanh;
b) Độ sáng màn hình tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình chiếu sáng;
c) Chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp màn hình có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng đối với màn hình chuyên quảng cáo.
3. Quảng cáo trên màn hình không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này được sử dụng âm thanh theo quy định của pháp luật về môi trường.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 29 như sau:
“8. Bản sao Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có Giấy phép xây dựng hoặc Bản cam kết về chất lượng công trình xây dựng của chủ sở hữu đối với công trình theo quy định tại khoản 5 Điều 31 của Luật này.”.
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 của Điều 30 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn có phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện”.
15. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 31 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 40 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;”.
b) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau:
“5. Chủ sở hữu biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) đến 40 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn công trình, phòng, chống cháy, nổ của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt thại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 36 như sau:
“c) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo tại địa phương trước khi thực hiện quảng cáo.
Hồ sơ thông báo gồm: Văn bản thông báo ghi rõ thời gian, địa điểm, lộ trình thực hiện, số lượng người tham gia, phương tiện sử dụng và nội dung, hình thức sản phẩm quảng cáo; bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội; makét sản phẩm quảng cáo.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo tại địa phương không đồng ý với thông báo thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quá thời hạn trên mà không có văn bản trả lời, tổ chức, cá nhân được thực hiện quảng cáo theo nội dung đã thông báo”.
17. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 37 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải xác định: Kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng, phương tiện quảng cáo theo vùng, khu vực, từng tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; trong nội thành, nội thị; phân bổ, khoanh vùng vị trí cho hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời tại khu vực trung tâm đô thị; phương hướng phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Không mâu thuẫn hoặc xung đột với quy hoạch cao hơn; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với quy hoạch xây dựng tại địa phương, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.”.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
“c) Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Bảo đảm sự thống nhất, hài hòa giữa các địa phương tại các khu vực giáp ranh;”.
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 như sau:
“đ) Kế thừa các vị trí đang thực hiện quảng cáo phù hợp với quy định hiện hành; trường hợp thực hiện quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức bồi thường theo quy định của pháp luật;”
e)Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 như sau:
“2a. Đất đã được phê duyệt cho vị trí quảng cáo ngoài trời được sử dụng cho mục đích quảng cáo theo quy định của pháp luật về đất đai.”.
g) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình xây dựng, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời và hình thức khai thác, sử dụng các vị trí quy hoạch.”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38 như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương;
b) Bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện quy hoạch;
c) Nội dung quy hoạch phải được đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan lập quy hoạch và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.
d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời;
đ) Phê duyệt bổ sung mục đích sử dụng đất đối với đất tại các vị trí quy hoạch quảng cáo ngoài trời.”
Điều 2. Bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản của Luật Quảng cáo
1. Bãi bỏ điểm đ khoản 4 Điều 20, khoản 2 Điều 29, điểm b khoản 3 Điều 31.
2. Bãi bỏ cụm từ “hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu” tại điểm c khoản 3 Điều 31.
3. Thay thế cụm từ “kênh, chương trình chuyên quảng cáo” bằng cụm từ “kênh chương trình chuyên quảng cáo” tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 22.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) đến 40 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo Giấy phép xây dựng đã được cấp.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn hoặc thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo nhưng chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo tại thời điểm Luật này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa....., kỳ họp thứ... thông qua ngày... tháng... năm...
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Trần Thanh Mẫn
|