Luật Chứng khoán năm 2019 và việc hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán Việt Nam

31/07/2020

PGS.TS. LÊ VŨ NAM

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, ngày càng khẳng định vai trò là một kênh huy động và luân chuyển các nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán năm 2019 với nhiều nội dung mới, tiến bộ nhằm điều chỉnh có hiệu quả hơn nữa các quan hệ phát sinh ngày càng phức tạp trong lĩnh vực chứng khoán. Đây cũng là một cú hích quan trọng thúc đẩy việc tái cấu trúc và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh mới và quy mô của thị trường.
Từ khóa: Chứng khoán, thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán.
Abstract: Vietnam’s securities market, which has experienced nearly 20 years of establishment and development, it has been asfirmed its role as a channel for mobilization and circulation of financial sources for national developments. The Law on Securities of 2019 was approved by the National Assembly at the 8th session on 26 November 2019 with several progressive contents newly recorded to effectively govern more complicated relationships in securities market. This is also an important impetus for restructure and improvement of the regulatory framework for Vietnamese securities market to achieve compatibility with the new context, as well as the market scope.
Keywords: Securities; securities market; Law on securities.
 CHỨNG-KHOÁN_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Luật Chứng khoán năm 2019 (Luật Chứng khoán) đã đáp ứng cơ bản nhu cầu thực tiễn điều chỉnh thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay với tư cách là một văn bản chủ đạo, có hiệu lực pháp lý cao. Tuy nhiên, việc rà soát, nghiên cứu các văn bản dưới luật được ban hành và áp dụng trong thời gian qua để đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán Việt Nam là một nhu cầu cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hội nhập thị trường tài chính ngày càng sâu rộng như hiện nay.
1.      Những điểm mới của Luật Chứng khoán
Luật Chứng khoán với vai trò là văn bản chủ đạo điều chỉnh các hoạt động liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ có tác động sâu sắc và khá toàn diện đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là ở những nội dung mà Luật có sự thay đổi, điều chỉnh nhiều so với các quy định trong Luật Chứng khoán năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn trước đây. Theo chúng tôi, Luật Chứng khoán thể hiện tính ưu việt ở những khía cạnh sau đây:
Một là, các quy định của Luật Chứng khoán, về cơ bản, bao trùm hầu hết các hoạt động của thị trường chứng khoán, bao gồm cả những nội dung về quản trị công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện chào bán chứng khoán, việc tổ chức và hoạt động của những chủ thể quan trọng của thị trường chứng khoán như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Sở giao dịch chứng khoán; Tổng công ty lưu ký chứng khoán; các quỹ đầu tư chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát.... Điều này giúp cho việc áp dụng Luật Chứng khoán trở nên thuận lợi và thống nhất hơn, đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao và hạn chế được tình trạng tản mạn trong các quy định của pháp luật. Đây là một minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về cải thiện và minh bạch môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hai là, Luật Chứng khoán quy định mô hình và cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng nhằm hướng tới việc bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, điều hành thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế nhu cầu phát triển thị trường ở nước ta. Theo đó, thị trường giao dịch chứng khoán sẽ do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con tổ chức, vận hành thay cho Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý và giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước[1]. Đây là mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phù hợp theo thông lệ quốc tế[2] và tạo tiền đề để hình thành chỉ số chứng khoán duy nhất cho Việt Nam thay thế cho việc tồn tại song song nhiều chỉ số như hiện nay[3] nhằm phản ánh chính xác và trung thực thị trường tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc phân tích, đánh giá thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.
Ba là, việc Luật Chứng khoán có hiệu lực sẽ làm xuất hiện những công cụ mới như: chứng chỉ lưu ký, chứng quyền có bảo đảm và một số loại chứng khoán phái sinh khác; từ đó, dẫn đến nhu cầu hướng dẫn điều chỉnh pháp luật về phát hành và giao dịch các công cụ này. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung, mở rộng và làm rõ hơn một số khái niệm quan trọng như: khái niệm chứng khoán, khái niệm người có liên quan, khái niệm người nội bộ... Việc bổ sung các quy định về những vấn đề nêu trên cho thấy, pháp luật chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận gần với chuẩn mực chung của nhiều nước trên thế giới, góp phần bảo đảm cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động đa dạng, minh bạch và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu huy động và luân chuyển các nguồn vốn đầu tư phục vụ phát triển đất nước.
Bốn là, các yêu cầu, điều kiện về vốn điều lệ khi chào bán chứng khoán được nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của thị trường. Theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán, mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng (thay cho 10 tỷ đồng như trước đây) trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Quy định này là phù hợp với quy mô của nền kinh tế nước ta, phù hợp với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nâng cao chất lượng chứng khoán chào bán và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và cộng đồng.
Năm là, các công ty đại chúng, công ty niêm yết sẽ phải chú trọng và quan tâm hơn đến vấn đề quản trị công ty theo những nội dung, yêu cầu và nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Như đã trình bày ở trên, nếu như trước đây vấn đề về quản trị công ty chỉ được điều chỉnh ở tầm nghị định thì nay các quy định điều chỉnh hoạt động này đã được luật hóa tại Mục 2, Chương 3 gồm những quy định về nguyên tắc và nội dung quản trị công ty đại chúng. Những quy định này về cơ bản là phù hợp với thông lệ tốt nhất về quản trị công ty được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có thị trường chứng khoán phát triển[4].
Sáu là, các quy định về điều kiện và nghĩa vụ của công ty đại chúng được tăng lên để đảm bảo tính minh bạch và giúp nhà đầu tư/cổ đông tiếp cận được thông tin về tình hình kinh doanh, tình hình hoạt động để có thể giám sát và lựa chọn cơ hội đầu tư hiệu quả hơn (Điều 32, 34 và 37). Các quy định này đáp ứng một nhu cầu thực tế là nhiều công ty đáp ứng điều kiện công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên việc tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính và tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty còn hạn chế tạo rủi ro cho nhà đầu tư và hạn chế khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của công ty. Sự ràng buộc về trách nhiệm công khai, minh bạch của các công ty đại chúng sẽ góp phần tạo ra môi trường đầu tư ngày cành minh bạch và bình đẳng hơn.
Bảy là, Luật Chứng khoán quy định về điều kiện công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu của chính mình[5] tương đồng với các quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, hậu quả pháp lý của việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của công ty (Khoản 5 Điều 36) và công ty chỉ được bán cổ phiếu đã mua lại trong một số trường hợp đặc biệt như: a) Công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ; b) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; c) Công ty đại chúng mua lại cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của cổ đông (Khoản 7 Điều 36). Quy định này nhằm hạn chế việc công ty đại chúng, công ty niêm yết mua lại cổ phiếu nhằm mục đích sau đó bán ra thị trường để hưởng chênh lệch (thặng dư) ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán như đã từng xảy ra trong thời gian qua.
2. Định hướng hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán trong thời gian tới
Với những sửa đổi, bổ sung quan trọng nêu trên, chúng tôi cho rằng, sau khi có hiệu lực Luật Chứng khoán sẽ góp phần tạo ra một diện mạo mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tác động và chi phối đến hầu hết các mặt hoạt động của thị trường. Để triển khai thực thi hiệu quả Luật Chứng khoán, cần sớm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền các văn bản này kịp thời đến tất cả các chủ thể của thị trường. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán cần phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tính hiệu lực cao của văn bản.
Trước mắt, những vấn đề mang tính quan trọng và bao quát của thị trường cần được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ như: nghị định về chào bán và niêm yết chứng khoán; về kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; về thanh tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Song song đó, Bộ Tài chính có thể ban hành các văn bản hướng dẫn dưới hình thức thông tư hoặc quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về các vấn đề như: công bố thông tin; giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán; an toàn tài chính trong hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán….
Thực tế hiện nay cho thấy, chúng ta cũng đang có khá nhiều những văn bản dưới luật hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 và bản thân một số văn bản này cũng đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình cập nhật, áp dụng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta không nên tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản này mà nên ban hành những văn bản mới hướng dẫn các nội dung quy định trong Luật Chứng khoán.
Việc xây dựng và ban hành kịp thời những văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng trên đây sẽ tạo tiền đề cho Luật Chứng khoán đi vào cuộc sống năng động của thị trường chứng khoán một cách kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng; từ đó, đảm bảo tính hiệu quả và tính tuân thủ của văn bản luật quan trọng này./.        

 


[1] Xem các khoản 1, 2 và 3 của Điều 43 Luật Chứng khoán năm 2019.
[2] Về mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan xem: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2006), Giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 39-44.
[3] Ví dụ Chỉ số VN Index và VN30 do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh công bố; Chỉ số HNX Index và HNX 30 do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố.
[4] Về thông lệ quản trị công ty tốt nhất xem: Tổ chức tài chính quốc tế IFC (2010), Cẩm nang quản trị công ty, Nxb. Nông Nghiệp.
[5] Về việc công ty đại chúng mua lại cổ phiếu, xem thêm: Lê Vũ Nam (2014), “Quy định về mua lại cổ phần cần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 20/2014.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (410), tháng 5/2020.)