Trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân

10/11/2021

TS. VŨ QUANG

Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tóm tắt: Các quy định của pháp luật hiện hành về việc phân định trách nhiệm dân sự của pháp nhân và của người đại diện vẫn chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến tình trạng thoái thác trách nhiệm của pháp nhân, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên trong quan hệ với pháp nhân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thực trạng pháp luật và những vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật về trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân (tập trung vào pháp nhân thương mại) ở Việt Nam và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Trách nhiệm dân sự, người đại diện pháp nhân.
Abstract: The current legal provisions on the delimitation of civil liability between legal entities and representatives are still unclear, whichleads to the abolition of the legal entity's responsibilities, affecting the legal rights of the parties in relation to legal entities. The following article will discuss the legal situation and the issues raised during the implementation of legal provisions on civil liability of legal representative (focusing on commercial legal entities) in Vietnam.
Keywwords: Civil liability; representative of legal entity.
ĐẠI-DIỆN-PHÁP-NHÂN.jpg
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.   Trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân
1.1.  Người đại diện của pháp nhân
Pháp nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật hoạt động thông qua người đại diện. Pháp nhân “dù được nhân cách hóa, không phải là con người cụ thể và do đó, không thể tự mình xử sự… Suy cho cùng, pháp nhân luôn phải được đại diện bởi con người cụ thể, từ khi thành lập cho đến khi chấm dứt, trong tất cả các hoạt động của mình. Năng lực hành vi của pháp nhân thực ra là năng lực hành vi mà pháp nhân vay mượn của những con người mà pháp nhân hóa thân vào[1]. Thông qua các hoạt động của người đại diện, pháp nhân “được hưởng những quyền và có những nghĩa vụ tương tự như thể nhân, trừ những quyền và nghĩa vụ, vì tính chất của chúng, chỉ có thể dành cho hoặc mắc chịu bởi một thể nhân[2].
Người đại diện là người thay mặt, nhân danh pháp nhân tiến hành các hoạt động vì lợi ích của pháp nhân theo quy định của điều lệ và pháp luật. “Ý chí của một pháp nhân được bày tỏ thông qua những người đại diện của pháp nhân đó”[3]. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đại diện cho pháp nhân theo pháp luật hoặc theo ủy quyền. Trong hoạt động của mình, “sự biểu lộ ý chí bởi người đại diện thể hiện rằng sự biểu lộ ý chí đó được lập ra nhân danh người được đại diện trong phạm vi thẩm quyền của người đại diện ràng buộc người được đại diện[4]. Như vậy, trong mọi hoạt động, hành vi của người đại diện luôn phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân. Pháp nhân phải chịu sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ các quan hệ pháp luật mà người đại diện nhân danh pháp nhân tham gia. Phạm vi đại diện người đại diện của pháp nhân là “có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”[5]. Theo quy định này, việc xác định phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân căn cứ vào mục đích tham gia giao dịch của người đại diện. Điều này có nghĩa là, giao dịch mà người đại diện theo pháp luật tham gia phải nhằm đáp ứng lợi ích của pháp nhân, chứ không phải vì lợi ích cá nhân của người đại diện.
Người đại diện theo pháp luật là người đại diện đương nhiên thường xuyên của pháp nhân trong các quan hệ với người thứ ba. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. “Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật”[6]. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần (chưa kể trong công ty hợp danh thì tất cả các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện cho công ty) có thể có từ hai đại diện theo pháp luật trở lên và “điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[7].
Bên cạnh người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, theo BLDS năm 2015 thì “pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[8]. Nếu như trước đây, theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 thì “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự[9]. Như vậy, BLDS năm 2015 đã thay đổi quan điểm về đại diện theo ủy quyền là của pháp nhân hay của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện những hoạt động trong phạm vi và thời hạn theo văn bản ủy quyền. Hành vi của người được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền được coi là hành vi của pháp nhân, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự với pháp nhân.
1.2. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân và người đại diện pháp nhân
Trong bất cứ trường hợp nào, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự của người đại diện nhân danh vì lợi ích của pháp nhân và được coi là hành vi của pháp nhân. Pháp nhân không thể chối bỏ trách nhiệm của mình, khi người đại diện tham gia xác lập các giao dịch với tư cách của pháp nhân và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của điều lệ hoặc của pháp luật. “Một pháp nhân buộc phải bồi thường về bất cứ thiệt hại nào, do người quản lý hoặc những người đại diện khác của pháp nhân gây ra cho những người khác trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, đồng thời dành quyền khiếu nại những người gây ra thiệt hại đó[10].
Trong quá trình hoạt động, pháp nhân có thể gây thiệt hại cho bên thứ ba bởi hành động của người đại diện. Nếu người đại diện của pháp nhân đã thực hiện các hoạt động nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân trong phạm vi thẩm quyền của người đại diện, thì pháp nhân không thể chối bỏ trách nhiệm dân sự của mình. Hoạt động của người đại diện của pháp nhân trên cơ sở quy định của điều lệ pháp nhân được quyền tự mình quyết định và được coi là hành vi của pháp nhân.
Trong trường hợp, pháp nhân chối bỏ trách nhiệm bằng cách thay đổi các văn bản nội bộ của mình, pháp luật Thái Lan dự liệu và đưa ra quy định cụ thể: “Bất cứ sự hạn chế hoặc sửa đổi nào về quyền hạn đại diện của những người quản lý, không được thiết lập nhằm chống lại những người thứ ba có thiện chí”[11]. Vấn đề này chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam hiện hành.
Trong thực tiễn, cần phần định rõ trách nhiệm dân sự của pháp nhân và trách nhiệm dân sự của cá nhân người đại diện. Người đại diện của pháp nhân hành động vì quyền lợi riêng của mình hoặc phải được các cơ quan có thẩm quyền trong nội bộ pháp nhân chấp thuận. Hoạt động đó sẽ không làm phát sinh trách nhiệm dân sự cho pháp nhân, mà trách nhiệm đó phát sinh đối với người đại diện của pháp nhân. Vì thế, pháp luật đặt ra trách nhiệm dân sự đối với người đại diện của pháp nhân nhằm đảm bảo lợi ích của pháp nhân, chủ sở hữu của pháp nhân và cho bên thứ ba.
Trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân là trách nhiệm về tài sản của cá nhân người đại diện đối với pháp nhân hoặc đối với bên thứ ba có quan hệ pháp luật với pháp nhân. Trách nhiệm đó phát sinh trong quá trình người đại diện thực hiện các hoạt động nhân danh pháp nhân, nhưng đã vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm vi đại diện theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc của pháp luật.
Trách nhiệm dân sự của người đại diện là một hậu quả pháp lý bất lợi cho người đại diện và là một loại chế tài áp dụng cho vi phạm nghĩa vụ dân sự. Trách nhiệm dân sự của đại diện pháp nhân có thể phát sinh do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc trong quan hệ ngoài hợp đồng. Trách nhiệm dân sự của người đại diện có thể được đặt ra chỉ đối với cá nhân người đại diện hoặc liên đới với chính pháp nhân, với người khác có liên quan.
Trong quan hệ đại diện của mình, người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp nhân về việc thực hiện đúng đắn nghĩa vụ của mình, pháp nhân có quyền yêu cầu người đại diện bồi thường thiệt hại do hành vi mà người đó gây ra cho pháp nhân.
2. Các trường hợp đặt ra trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân
Trong các hoạt động nhân danh, đại diện cho pháp nhân, người đại diện phải thực hiện trách nhiệm của mình trên cơ sở quy định của điều lệ và của pháp luật. Trách nhiệm dân sự của cá nhân người đại diện có thể đối với pháp nhân, chủ sở hữu của pháp nhân hoặc với bên thứ ba. Các trường hợp đặt ra trách nhiệm dân sự của người đại diện của pháp nhân nếu thực hiện các hoạt động như:
-Trường hợp thứ nhất, người đại diện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
Người đại diện nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó lại nằm ngoài hoặc vượt quá phạm vi đại diện. Trong trường hợp pháp nhân biết hoặc có thể kiểm soát được hành vi của người đại diện, thì pháp nhân vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với người đại diện vi phạm. Bởi lẽ, nếu không có danh nghĩa của pháp nhân thì cá nhân người đại diện sẽ không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Trường hợp người đại diện thực hiện hành vi ngoài phạm vi đại diện mà pháp nhân không thể biết và cũng không thể kiểm soát, thì pháp nhân không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm dân sự. Người đại diện phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình. Vấn đề này được pháp luật Thái Lan quy định: “Nếu thiệt hại gây ra cho những người khác là do một hành vi không nằm trong phạm vi mục đích hoạt động của pháp nhân, thì những thành viên hoặc những người quản lý tán thành hành vi đó, những người quản lý và những người đại diện khác thực thi hành vi đó phải liên đới chịu bồi thường[12].
Pháp luật dân sự Nhật Bản quy định: “Khi người đại diện thực hiện hành vi trái pháp luật ngoài phạm vi nghĩa vụ đại diện thì người chịu trách nhiệm không phải là pháp nhân mà là người đại diện, theo quy định chung về bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc người đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp lợi dụng uy tín của pháp nhân hoặc khi người bị thiệt hại là số đông công dân thì Bộ luật Dân sự quy định cả pháp nhân và giám đốc đều liên đới chịu trách nhiệm[13].
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về trách nhiệm dân sự của người đại diện trong việc để cổ đông rút lợi nhuận hoặc rút vốn khỏi pháp nhân trái quy định của pháp luật như sau: Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút[14].
-Trường hợp thứ hai, người đại diện không phục vụ lợi ích của pháp nhân
Người đại diện xác lập và thực hiện các giao dịch, hợp đồng nhưng không phục vụ lợi ích của pháp nhân, lợi ích của các chủ sở hữu pháp nhân. Hoạt động của người đại diện có thể làm gây thiệt hại cho pháp nhân hoặc chủ sở hữu pháp nhân. Không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
Bộ luật Dân sự và Thương mại của Thái Lan quy định: “Trong một vấn đề mà quyền lợi của một pháp nhân xung đột quyền lợi của một người quản lý, thì người quản lý không có quyền đại diện[15]. Tương tự, Bộ luật Dân sự Nhật bản quy định: “Các giám đốc không có quyền đại diện trong các vấn đề mà quyền lợi của pháp nhân và của bản thân họ xung đột với nhau. Trong những trường hợp như vậy, một đại diện đặc biệt sẽ được chỉ định[16]. Những quy định này cho thấy, pháp luật minh định rằng, nếu quyền lợi xung đột giữa pháp nhân và người quản lý thì người đó không có quyền đại diện cho pháp nhân trong vấn đề đó. Trong đó, pháp luật Nhật Bản đưa ra giải pháp là chỉ định người “đại diện đặc biệt” để đại diện thay thế.
-Trường hợp thứ ba, người đại diện thực hiện việc thanh toán khoản nợ trước hạn
   Người đại diện của pháp nhân thực hiện việc thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn của pháp nhân dẫn đến nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản. Trong hoạt động quản lý, đại diện của mình, người đại diện phải biết được tình trạng tài chính của pháp nhân,nhưng người đại diện đã thực hiện việc thanh toán những khoản nợ khi chưa đến hạn trả, làm cho tình trạng tài chính của pháp nhân lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Hoạt động này có thể vì lợi ích của chính người đại diện hoặc của một người nào đó, nhưng dẫn đến ảnh hưởng đến các quyền lợi hợp pháp của chủ nợ hoặc chủ sở hữu khác của pháp nhân.
-Trường hợp thứ tư, người đại diện nhân danh pháp nhân giao kết hợp đồng hoặc giao dịch chưa được phê duyệt
 Người đại diện công ty có hành vi nhân danh pháp nhân tham gia giao kết các hợp đồng hoặc giao dịch với người liên quan không được sự phê duyệt của người hoặc cơ quan có thẩm quyền của pháp nhân. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối với các loại hình doanh nghiệp, các hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (nếu là công ty cổ phần), hoặc được Hội đồng thành viên (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) chấp thuận.
             Trong trường hợp hợp đồng, giao dịch được ký kết hoặc thực hiện mà chưa được chấp thuận hợp lệ và gây thiệt hại cho công ty, thì người ký kết hợp đồng, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải chịu trách nhiệm: thứ nhất, liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh; thứ hai, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
Trong trường hợp, người đại diện nhân danh pháp nhân nhưng xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: “a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện[17].
 Trách nhiệm của người đại diện của pháp nhân được đặt ra trong trường hợp “người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”[18]. Như vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm dân sự của người đại diện và của bên thứ ba là “liên đới” với nhau để bồi thường thiệt hại gây ra cho pháp nhân.
 Tuy vậy, có thể thấy rằng, nếu điều lệ là cơ sở để hạn chế quyền hạn người đại diện của pháp nhân bằng các đòi hỏi phải có sự đồng ý trước Hội đồng quản trị, nếu giá trị hợp đồng ký vượt quá một mức nào đó. Nhưng giới hạn này không có giá trị với người ngoài, người ngoài vẫn có quyền đòi phải thi hành hợp đồng dù chưa có phê chuẩn. Bởi lẽ, người đại diện của pháp nhân mặc dù xác lập và thực hiện giao dịch vượt quá thẩm quyền của mình, nhưng vẫn vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp này, sau đó có thể yêu cầu người đại diện phải thực hiện trách nhiệm dân sự với pháp nhân về phần vượt quá thẩm quyền. BLDS Nhật Bản quy định “không có sự hạn chế nào trong quyền đại diện của bất kỳ giám đốc nào có thể được sử dụng chống người thứ ba ngay tình[19].
Trong pháp luật Việt Nam, Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận”. Nếu người đại diện theo pháp luật của công ty thực hiện các giao dịch thuộc Điều 167 mà không có sự chấp của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thì giao dịch đó bị coi là vượt quá thẩm quyền. Bên thứ ba không thể bắt công ty thực hiện nghĩa vụ của mình, mà chỉ có thể yêu cầu người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm cá nhân mà thôi. Quy định hiện hành chưa bảo vệ người thứ ba trong giao dịch với pháp nhân, là bên được coi là yếu thế đối với các vấn đề nội bộ của công ty.
-Trường hợp thứ năm, người đại diện của công ty mẹ can thiệp vào hoạt động của công ty con theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty mẹ với tư cách là cổ đông kiểm soát công ty con, thì người đại diện của công ty mẹ nếu là người quản lý công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới đền bù thiệt hại cho công ty con nếu can thiệp vào các hoạt động của công ty con. Sự can thiệp của người đại diện của công ty mẹ có thể là can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý[20]. Đối với hành vi này, chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con[21].
3. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm dân sự của người đại diện pháp nhân
Như đã phân tích ở trên, sự phân biệt không rõ ràng trong các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đại diện và của pháp nhân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ với bên thứ ba đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba. Khi người đại diện của pháp nhân thực hiện việc giao dịch đối với bên thứ ba theo đúng thẩm quyền theo quy chế nội bộ công ty đang áp dụng, thì phát sinh trách nhiệm của pháp nhân đối với bên thứ ba trong việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba. Pháp nhân không thể chối bỏ trách nhiệm của mình khi cho rằng, người đại diện đã vi phạm các quy trình, hoặc có dấu hiệu lạm quyền trong quá trình thực hiện giao dịch.
Rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc pháp nhân chối bỏ trách nhiệm của giao dịch do người đại diện của mình đã xác lập, bằng cách yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người đại diện theo pháp luật của mình về tội lạm dụng quyền hạn… Nguyên nhân của những thực trạng này, xuất phát từ việc không rõ ràng về trách nhiệm của pháp nhân do người đại diện của mình xác lập.
Khi tham gia giao dịch đối với các bên liên quan, người đại diện theo pháp luật phải thông qua sự chấp thuận của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông. Quy định này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau là sự hạn chế phạm vi thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật hoặc chỉ là các thủ tục mà người đại diện phải thực hiện trước khi giao kết các hợp đồng, giao dịch thuộc các trường hợp của Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật phải đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba, là bên yếu thế trong quan hệ với công ty trước những hành vi mang tính nội bộ của công ty. Vì vậy, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bổ sung quy định bảo đảm quyền lợi của bên thứ ba trong giao dịch với pháp nhân. Cụ thể bổ sung quy định “Nếu điều lệ hạn chế quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc/Giám đốc bằng các đòi hỏi phải có sự đồng ý trước Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông, hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch ký vượt quá một mức nào đó, thìnhng giới hạn này không có giá trị với bên thứ ba; bên thứ ba vẫn có quyền đòi phải thực hiện hợp đồng, giao dịch dù chưa có ý kiến của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông…”.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cho phép một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, việc có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ kéo theo sự phân quyền quản lý và quyết định các vấn đề thường trực của pháp nhân như thế nào để có thể phù hợp cho các hoạt động của pháp nhân. Người thứ ba có quan hệ giao dịch hoặc hợp đồng với pháp nhân sẽ gặp khó khăn trong việc xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân và thẩm quyền ký kết hợp đồng theo điều lệ của pháp nhân hay không. Cần thiết phải quy định về trách nhiệm của pháp nhân trong trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật theo hướng “Mọi quy định hạn chế của pháp nhân về phân công thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật của mình đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba”.
Về vấn đề này, pháp luật của Nhật Bản quy định “pháp nhân có một hoặc nhiều giám đốc. Trường hợp có nhiều giám đốc, công việc của pháp nhân sẽ được giải quyết bởi đa số giám đốc nếu như điều khoản thành lập pháp nhân hoặc văn bản góp vốn không có quy định khác[22]. Về vấn đề đại diện, Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng có quy định: “Từng giám đốc sẽ đại diện cho pháp nhân trong tất cả mọi hoạt động song không được làm trái với điều khoản về thành lập hay nội dung của văn bản góp vốn[23]. Việc quy định nhiều đại diện cho pháp nhân sẽ tạo điều kiện cho pháp nhân trong quá trình hoạt động. Tuy vậy, pháp luật cần thiết phải đưa ra những quy định rõ hơn về phân định thẩm quyền và trách nhiệm của các đại diện của pháp nhân./.
 

 


[1] Nguyễn Ngọc Điện (2010), Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 246
[2] Điều 70 Bộ luât Dân sự và thương mại Thái Lan (1925), các quyển I - VI theo bản dịch năm 1995 của Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Điều 89 BLDS năm 2015.
[4] Điều 99 BLDS Nhật Bản năm 2005.
[5] Khoản 1 Điều 144 BLDS năm 2015.
[6] Khoản 2 Điều 13 BLDS năm 2015.
[7] Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[8]  Khoản 1 Điều 138 BLDS năm 2015.
[9] Khoản 1 Điều 143 BLDS năm 2005.
[10] Điều 76 Bộ luât Dân sự và thương mại Thái Lan (1925),  các quyển I - VI theo bản dịch năm 1995 của Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[11] Điều 76 Bộ luât Dân sự và thương mại Thái Lan (1925), tlđd.
[12] Điều 76 Bộ luât Dân sự và thương mại Thái Lan (1925), tlđd.
[13] Xaca Vacaxum, Tori Aritdumi, Bình luận khoa học Bộ luật Nhật Bản, Theo bản dịch của Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 1995, tr.90.
[14] Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2020, .
[15] Điều 80 Bộ luât Dân sự và thương mại Thái Lan (1925), tlđd.
[16] Điều 76 BLDS Nhật bản năm 2005.
[17] Điều 143 BLDS năm 2015.
[18] Khoản 4 Điều 143 BLDS năm 2015.
[19] Điều 54 BLDS Nhật Bản năm 2005.
[20] Khoản 3, 4 Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[21] Khoản 5 Điều 196 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[22] Điều 52 BLDS Nhật bản năm 2005.
[23] Điều 53 BLDS Nhật bản năm 2005.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 7/2021.)


Thống kê truy cập

32946151

Tổng truy cập