Kiểm soát và hạn chế quyền lực nhà nước thời Lê Thánh Tông - những giá trị hiện đại

01/06/2015

TS. PHẠM THỊ DUYÊN THẢO

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, thời Lê Thánh Tông trị vì (1442-1497) được đánh giá là thời kỳ phát triển rực rỡ. Với mục đích tập quyền mạnh, Lê Thánh Tông đã có những cải cách tương ứng trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, việc kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền vẫn được thể hiện rõ nét, đặc biệt qua hai lĩnh vực tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và áp dụng pháp luật. Kiểm soát, hạn chế quyền lực vừa được chủ động sử dụng như một phương tiện, vừa được đặt ra như một mục đích trong tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước thời Lê Thánh Tông.
Untitled_232.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Kiểm soát, hạn chế quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước
Xây dựng cơ chế người đứng đầu nhà nước trực tiếp điều hành, kiểm soát tối cao quyền lực nhà nước, hạn chế các khâu trung gian
 Ý thức được sự lạm quyền rất dễ xảy ra ở những vị trí “đứng dưới một người và đứng trên trăm người”, Lê Thánh Tông đã bãi bỏ các chức Tể tướng, Đại hành khiển, Tam tư - vốn là các chức quan có nhiều quyền hành trong triều đình phong kiến (Tể tướng thường được giao điều hành toàn bộ quan lại triều đình, Đại hành khiển đứng đầu quan văn, ba chức Tam tư là những quan lại cao cấp trong bộ máy nhà nước). Bên cạnh đó, ý thức được sự thao túng quyền lực còn dễ xảy ra ở các đại thần thuộc hàng “khai quốc”, Lê Thánh Tông cũng chỉ giao cho các vị này chức vụ mang tính hình thức, chủ yếu cho hưởng phẩm cao bổng hậu mà không được đảm nhiệm các trọng trách trong bộ máy nhà nước.
Lê Thánh Tông còn trực tiếp điều tiết công việc của các cơ quan nhà nước ở trung ương như các văn phòng, cơ quan chuyên môn, lục Bộ, lục Khoa, lục Tự, Ngự sử đài mà không phải thông qua các chức quan như Tả, Hữu tướng quốc thời đầu Lê Sơ.
Chuyên môn hoá các lĩnh vực, các cơ quan trong quá trình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước
 Lục Bộ, tính đến thời Lê Thánh Tông đã rất phát triển, với các chức năng chuyên biệt và hệ thống các cơ quan thừa hành trong từng bộ. Đứng đầu mỗi bộ là một quan thượng thư với hai chức phó là tả, hữu thị lang. Mỗi bộ đều có Tư vụ sảnh với chức năng văn phòng điều hành chung và các Thanh lại ty điều hành từng lĩnh vực công việc chuyên môn thuộc bộ. Việc giám sát các công việc chuyên môn trong từng bộ cũng được tăng cường. Các bộ phải kiểm tra từng lĩnh vực công việc quan trọng mà bộ mình phụ trách, đồng thời giám sát chéo các lĩnh vực khác theo thẩm quyền.
Đông các viện và Trung thư gián là hai cơ quan chuyên môn được đặc biệt chú trọng. Đông các viện có chức năng sửa chữa văn bản do Hàn lâm viện soạn thảo, Trung thư gián đảm trách việc sao chép các dự thảo văn bản trên thành văn bản dự thảo chính thức để trình lên nhà vua phê chuẩn. Hàn lâm viện cũng được bổ sung các vị trí chuyên môn như Thị độc phụ trách đọc sách, Thị giảng phụ trách việc giải thích, bình luận các văn bản, Thị thư giữ việc vào sổ các văn thư. Hoạt động của ba cơ quan có chức năng văn phòng này của nhà vua đã tạo nên một quy trình soạn thảo văn bản chặt chẽ, vừa phối hợp, vừa kiểm soát nhau nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ ban hành văn bản của nhà vua và triều đình.
Ngự sử  đài, cơ quan có chức năng giữ phong hóa pháp độ, giám sát hệ thống quan lại cũng có sự phát triển vượt bậc so với thời nhà Trần. Ngự sử đài gồm: Đô, Phó đô ngự sử, Tư vụ tỉnh, Kinh lịch ty, Án ngục ty, Chiếu ma sở và 6 Ty ngự sử trực thuộc đóng ở các đạo. Trong đó, các bộ phận đều có các chức năng chuyên biệt, như Tư vụ tỉnh nắm các việc văn phòng tổng hợp; Kinh lịch ty phụ trách đăng lục các án; Án ngục ty phụ trách về hình ngục; Chiếu ma sở phụ trách việc văn án, sổ sách.
Các cơ quan chuyên môn được bổ sung như: Thông chính ty chuyên việc chuyển đạt công văn của nhà vua và chuyển đơn từ của dân lên triều đình; Tư thiên giám chuyên việc làm lịch, dự báo thời tiết; Sở đồn điền mới được thành lập để quản lý đồn điền, Sở tầm tang để quản lý việc trồng dâu, nuôi tằm, Sở thực thái phụ trách trồng rau màu, Sở điền mục chuyên trông coi việc chăn nuôi súc vật.
Việc phân tán quyền lực nhà nước được thực hiện toàn diện ở cả trung ương và địa phương. Ở địa phương, cải cách mạnh mẽ nhất phải kể đến việc Lê Thánh Tông không chỉ cho chia cả nước thành nhiều đạo nhỏ (13 đạo thừa tuyên thay cho 5 đạo thời đầu Lê Sơ) nhằm để quyền lực của một cấp hành chính không quá lớn, hạn chế các thế lực phong kiến và nạn cát cứ, mà còn mạnh dạn thay việc quản lý đạo vốn chỉ bởi một cá nhân (Đại hành khiển) bằng sự quản lý của một hệ thống các cơ quan - tam ty là Thừa ty, Đô ty và Hiến ty. Thừa ty phụ trách hành chính, tài chính, dân sự; Đô ty trông coi việc quân, phụ trách các vấn đề về quân sự, và Hiến ty có chức năng xét xử và giám sát các ty trên cũng như giám sát các công việc trong đạo để tâu lên triều đình.
Xây dựng một cơ chế giám sát, kiểm soát, ràng buộc quyền lực hữu hiệu giữa bản thân các cơ quan nhà nước với nhau
Ở trung ương, Lê Thánh Tông cho thành lập lục Tự và duy trì, hoàn thiện lục Khoa. Lục Khoa được đổi tên cho phù hợp với từng bộ, từng lĩnh vực mà lục Khoa giám sát, bao gồm: Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Chức năng giám sát của lục Khoa đối với lục Bộ được xác định cụ thể: “Phát tiền, thu tiền là chức việc của Bộ Hộ mà giúp việc vào việc đó phải có khoa Hộ, bộ Lại tuyển dùng không đúng nhân tài thì khoa Lại được quyền bác đổi, bộ Lễ để nghi chế mất trật tự thì khoa Lễ được quyền đàn hặc, khoa Hình được bàn về việc xử đoán của bộ Hình trái hay phải, khoa Công được kiểm về việc làm của bộ Công chăm hay lười”[1]. Các Khoa hoạt động độc lập, không bị chi phối bởi Thượng thư các bộ. Nếu các Bộ có sai phạm trong hoạt động, người đứng đầu các Khoa được phép báo cáo trực tiếp lên nhà vua.
Lục Tự chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhà vua, không thuộc lục Bộ, phụ trách những việc mà lục Bộ không quản lý hết. Lục Tự gồm Đại lí tự - xem xét lại những án nặng đã xử rồi chuyển kết quả điều tra sang Bộ Hình để xin ý kiến quyết định của vua; Thái thường tự phụ trách nghi lễ, thờ cúng; Hồng lô tự phụ trách nghi lễ tiếp khách của vua, xướng danh các tân khoa; Thường bảo tự lo việc đóng ấn vào các quyển thi của thí sinh ở các kỳ thi hội... Như vậy, qua lục Tự, Lê Thánh Tông có thể nắm và kiểm soát trực tiếp những công việc của hai Bộ vào diện quan trọng nhất nhì trong lục Bộ là Bộ Lễ và Bộ Hình.
Ở địa phương, cơ chế kiểm soát quyền lực cũng được tăng cường. Lần đầu tiên, các Ty ngự sử do Ngự sử đài thành lập, được đặt ở các đạo, làm chức năng giám sát đạo. Có 6 Ty ngự sử, đứng đầu là Giám sát ngự sử, mỗi ty giám sát từ 2 - 3 đạo trên cả nước. Như vậy, mặc dù đóng trên địa bàn các đạo, nhưng Ty ngự sử lại hoạt động độc lập, trực thuộc và báo cáo trực tiếp hoạt động giám sát các đạo lên Ngự sử đài ở trung ương.
Ở cấp xã, Lê Thánh Tông thực hiện nhiều cải cách quan trọng nhằm kiểm soát, tăng cường hiệu quả hoạt động, tính chịu trách nhiệm của chính quyền cấp thấp nhất nhưng đặc biệt trọng yếu này. Trước tiên, là việc phân định lại các xã với các mức đại xã (từ 500 hộ), trung xã (từ 300 hộ) và tiểu xã (từ 100 hộ). Đại xã nào có số hộ đến 600 thì cho tách ra, lập thành một tiểu xã. Các làng xã đều phải tuân thủ pháp luật của nhà nước, hạn chế việc sử dụng hương ước, lệ làng. Hương ước, lệ làng do triều đình kiểm duyệt, và có quy định cụ thể đối với việc lưu giữ, sử dụng, xây dựng mới nhằm mục đích hạn chế xu hướng tự trị của làng xã. Đặc biệt, Lê Thánh Tông đã thực hiện chế độ bầu xã trưởng, đặt tiêu chuẩn xã trưởng phải có trình độ, tư cách đạo đức “con nhà hiền lành tử tế, biết chữ, có hạnh kiểm”, thải loại xã trưởng không có năng lực hoặc già yếu, quy định anh em họ hàng không được cùng làm xã trưởng “để cho chức xã trưởng chọn đúng người, mà trong xã không có cái tệ cùng phe”[2]...
2. Kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước trong hoạt động áp dụng pháp luật
Đề cao trách nhiệm cá nhân và đạo đức công vụ của người áp dụng pháp luật
Trách nhiệm cá nhân được đề cập toàn diện. Ở góc độ nghĩa vụ tích cực, có thể thấy qua từng lĩnh vực áp dụng pháp luật, trách nhiệm của các chủ thể tương ứng đều được chỉ rõ, với mục đích kiểm soát và phát huy cao nhất hiệu quả áp dụng pháp luật được giao. Ví như, khi định chức trưởng của chức đề hình, Lê Thánh Tông quy định:"Từ Thượng thư Hình bộ trở xuống cho đến Đại lý tự và các ngục quan, người nào làm không đúng phép, tha buộc tội cho người, phải nên tâu hặc. Người có tội bị oan uổng cũng nên xét lại cho rõ oan. Vệ cẩm y xét kiện và Điện tiền xét án, có sự gì oan khuất thảm hại, phải nên tâu lên, ngày ngày phải thân đến xét hỏi.”[3] Hoặc “Xử lý việc kiện tụng, luận tội, xử trí việc công không thể hồ nghi, do dự, dùng dằng không quyết định. Những việc công vụ thì phải làm bằng được khi đã có quyết định”[4]… Đặc biệt hơn, một dạng như trách nhiệm chính trị cũng đã sớm được vua Lê Thánh Tông đề cập đến: “Nếu các xứ có trộm cướp nhóm họp thì các quan thừa tuyên phủ châu huyện và các xã thôn trưởng đều phải trị tội theo luật”[5]...
Ở góc độ trách nhiệm pháp lý, có thể thấy được sự thể hiện cơ bản qua kỹ thuật lập pháp thời Lê Thánh Tông. Các điều luật thường gắn chế tài cụ thể để dự liệu xử lý đối với những vi phạm có thể xảy ra từ phía các cá nhân công quyền. Chế tài thường mang tính cố định, vi phạm nào thì có chế tài ấy, các mức tăng giảm cũng được quy định kèm theo cụ thể. Đơn cử, tại Điều 680, bộ Quốc triều hình luật quy định: “Đàn bà phạm tội tử hình trở xuống, nếu đang mang thai thì phải đợi sau khi sinh đẻ 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị biếm hai tư, ngục lại bị tội đồ làm bản cục đinh”, hay tại Điều 349 quy định: “Trong hạt có nơi nào mà bị nạn lụt, hạn mưa đá, sâu keo, châu chấu phá hoại lúa má, quan chủ ty đáng phải tâu mà không tâu hay là tâu sai sự thật thì xử tội trượng hay phạt. Quan kiểm tra không xét đúng sự thật thì biếm ba tư và bãi chức...”. Với cách thức thiết kế điều luật độc đáo như vậy, chắc chắn sẽ làm tăng ý thức của các chủ thể có thẩm quyền, góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân, hạn chế lạm quyền.
Đảm bảo thẩm quyền, thời hạn và trình tự áp dụng pháp luật
Áp dụng pháp luật trong tố tụng được chú trọng đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông. Quy trình, thủ tục tố tụng có thể tìm thấy rõ nét nhất qua các chương Bộ vong, Đoán ngục của bộ Quốc triều hình luật, bộ Lê triều hội điển, bộ Quốc triều khám tụng điều lệ và các sắc, chỉ, dụ đơn hành của nhà vua. Về cơ bản, thẩm quyền xét xử được chia làm ba cấp: cấp địa phương, cấp lộ, cấp phủ. Cấp địa phương gồm cấp xã, huyện, trong đó cấp xã chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hoà giải hoặc phân xử những vụ tranh chấp nhỏ trong làng; cấp huyện xét xử lại những vụ từ xã đưa lên. Ở cấp lộ, phủ thì quan lộ xét xử những vụ nhỏ theo thẩm quyền và xử lại những vụ ở cấp huyện, quan phủ xử những vụ trung bình. Cấp triều đình xét xử những vụ lớn, đặc biệt hoặc xử lại những vụ việc của cấp lộ, phủ giải quyết chưa hợp lý. “Nếu xã quan xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan huyện; quan huyện xử đoán không hợp lẽ thì kêu đến quan lộ, quan lộ xử đoán không hợp lẽ thì (mới) đến kinh tâu bày”[6].
Pháp luật tố tụng cũng có quy định từ chống ép cung, thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, xét xử công khai đến các quy định tạo điều kiện cho người yêu cầu phúc kiện nhằm hạn chế tối đa sự lạm quyền và những oan trái có thể đem đến cho người dân. Đặc biệt, là vấn đề đảm bảo thời hạn giải quyết vụ việc: “chiếu cho các nha môn trong ngoài khám xét việc kiện, hễ người bị chỉ tên làm chứng tá bắt đến xét hỏi, thì quan xét phải xét kỹ rõ ràng. Việc kiện nhỏ hạn trong năm ngày, việc lớn hạn trong mười ngày, phải lấy giấy dung khai cho xong hết, không được bỏ trễ quá ký hạn”[7]; “Việc trộm cướp thì xét trong ba tháng, việc huỷ báng (gièm pha, chê bai, nói xấu) trong bốn tháng, việc điền thổ trong ba tháng, hộ hôn, trái luật lặt vặt, đánh chửi nhau, việc tạp tụng thì hai tháng”[8]. Khi quan lại vi phạm về thời hạn xét xử, phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc: “quá kỳ hạn đến một tháng thì xử tội biếm, quá ba tháng thì xử tội bãi chức; quá năm tháng thì xử tội đồ”[9].
Về trình tự xét xử phải theo nguyên tắc: trước hết “các quan xét án phải theo tờ cáo trạng mà xét hỏi”, quy định này không áp dụng đối với những việc phản nghịch. Thứ đến, phải tuân thủ nguyên tắc khách quan, quyết định theo đa số trên cơ sở thảo luận kỹ càng: “Ngày xử án, các quan xử án đều phải hội nhau để xét hỏi kỹ càng cho rõ phải trái, cốt để mọi người đều yên lòng. Nếu có điều chưa rõ phải thẩm xét lại, không được cố chấp ý riêng mình, bắt mọi người phải theo, bày ra lý này lý khác để có người mắc oan”[10]. Khi luận tội và quyết định các mức trách nhiệm pháp lý, phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về mặt thể thức để đảm bảo tính khách quan và hợp pháp của bản án: “Các quan xử án, trong các bản án, chỗ luận tội phải dẫn đủ chính văn và cách thức của luật lệnh; làm trái thì xử phạt. Tự ý mình xét xử, thì bị biếm một tư. Nếu có thêm bớt thì xử theo tội thêm bớt tội người”[11], hoặc “... tra xét rõ ràng minh bạch, lập bản án. Nếu như có điều gì chưa rõ ràng thì phải thẩm vấn thêm. Cốt sao cho khỏi bị oan uổng”[12].
Đề cao tính chính đáng và hợp pháp của quyết định áp dụng pháp luật
Một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử thời Lê Thánh Tông là nguyên tắc "vô luật bất hình". Tức là khi xét xử, các quan xử án chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự khi có tội danh đã được pháp luật ghi nhận cụ thể cho hành vi phạm tội tương ứng, còn nếu hành vi chưa được quy định, chưa có tên trong pháp luật hình sự thì không được xử lý hình sự, không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây cũng chính là tiền đề cho một nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự hiện đại ngày nay: “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”[13]. Bên cạnh đó, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành của vi phạm pháp luật tương ứng. Trong đó, yếu tố mặt chủ quan, chủ thể được lưu tâm đặc biệt, từ việc xem xét nhân thân chủ thể vi phạm cho đến xác định tính chất lỗi của hành vi. Tuy không ghi nhận trực tiếp nhưng qua các quy định của pháp luật thời Lê Thánh Tông, có thể thấy, khi xác định trách nhiệm, việc xem xét lỗi đã trở thành một nguyên tắc bắt buộc đối với các chủ thể áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo tính khách quan của quyết định áp dụng: giống nhau, nhưng phải phân biệt sự phạm tội vì “tha người lầm lỡ không kể tội nặng, bắt tội người cố ý không kể tội nhẹ” và “những người phạm tội, tuy tên gọi tội không lầm lỡ hay cố ý, phải xem xét tội nặng nhẹ mà thêm bớt”[14].
Trong quá trình tố tụng, việc áp dụng pháp luật tương tự, xét xử theo lương tâm cũng đã được ghi nhận: “Khi định tội mà không có điều luật như đáng giảm tội thì dù tội nặng cũng có thể cho là tội nhẹ (như cho phạm tội vì lầm lỡ, nếu đáng thêm tội thì dù tội nhẹ cũng có thể cho là tội nặng) như cố ý”[15]. Quy định cho thấy, pháp luật thời kỳ này đã chú trọng đến lương tâm bên cạnh kỹ năng xét xử của các quan án. Họ đã có những "khoảng không" hợp pháp để đảm bảo được tính khách quan của vụ việc, bảo vệ được công lý, công bằng. Đồng thời khoảng không đó cũng chính là sự ràng buộc đối với bản thân mỗi thẩm phán, để họ không thể lạm dụng quyền lực, không thể tuỳ tiện giải quyết vụ việc trong khi pháp luật còn có khoảng trống chưa kịp bổ sung, hoàn thiện.
Song song với việc hạn chế quyền lực của người áp dụng pháp luật, tính chính đáng của quyết định áp dụng pháp luật còn được thể hiện ở sự linh hoạt hóa nguyên tắc không áp dụng hiệu lực hồi tố của văn bản: “Khi phạm tội chưa già cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới phát giác thì xử theo luật già cả tàn tật, khi ở nơi bị đồ, mà già cả tàn tật thì cũng thế. Khi còn bé nhỏ phạm tội đến khi lớn mới phát giác thì xử tội theo luật khi còn nhỏ”[16]. Cách thức áp dụng pháp luật theo xu hướng có lợi cho người dân vi phạm, nhất là khi họ ở vào vị trí của nhóm người yếu thế trong xã hội đã là một trong những đảm bảo quan trọng của việc hạn chế quyền lực nhà nước thời Lê Thánh Tông.
Không chỉ đảm bảo tính chính đáng về mặt nội dung, hình thức của các quyết định áp dụng pháp luật cũng đặc biệt được chú trọng. Có thể thấy rõ điều này qua các quy định về cách thức ghi bản án:Bản án phải có “luận đoán về sự trái phải để các bên đều hiểu biết, không được lược chia trái phải, úp mở trong luận án, để bịt đường phúc kêu của người kiện, trái thế lấy tội biếm phạt mà luận”[17]; về công bố bản án: “luận bàn xong, phải treo niêm yết về luận tích để cho hai bên sao chép lấy, không được bàn ngầm. Nếu quan khám xét dụng tình viết dôi năm tháng tới 2-3 tháng về việc đã luận đoán, hoặc khi đã luận đoán, bên nào là phải qua thời gian sau, lại ngầm chuyển là trái để lấp đường phúc thẩm thì cho bên muốn phúc thẩm kêu để phản luận”[18].
Có cơ chế hạn chế quyền lực của chính nhà vua - chủ thể tối cao của hoạt động áp dụng pháp luật
Vua là người có quyền ra phán quyết cao nhất, hoặc phán quyết cuối cùng. Đối với các vụ việc quan trọng, phức tạp vua đều có thể quyết định hoặc cho ý kiến. Vua cũng có toàn quyền trong việc đại xá, đặc xá đối với tù nhân mà nhiều khi không phụ thuộc vào sự cố gắng của đối tượng được đặc xá, đại xá, mà phụ thuộc vào các lý do chủ quan hoặc khách quan như nhân dịp vua lên ngôi, mừng thọ, hoặc khi thiên tai, giặc giã. Tuy nhiên, bản thân nhà vua vẫn phải chịu một cơ chế kiểm soát quyền lực từ pháp luật và các thiết chế hữu quan như Hàn lâm viện, Bí thư giám, Chính sự viện, Nội mật viện. Các cơ quan này có chức năng cùng vua bàn bạc những việc trọng đại của đất nước, hoặc tư vấn, can gián vua để vua có được những quyết định hợp lý, hạn chế cao nhất những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình điều hành đất nước. Quyền lực của vua còn bị hạn chế ở quy định một số vụ do vua xét xử, nếu không điển hình, không có khả năng trở thành khuôn mẫu cho các vụ việc tương tự về sau thì không được phép sử dụng như những tiền lệ: “những chế sắc (của vua) luận tội gì, chỉ là xét xử nhất thời chứ không phải là sắc lệnh vĩnh viễn thì không được viện dẫn sắc lệnh ấy mà xử đoán việc sau: nếu ai viện ra xét xử, không đúng thì khép vào tội cố ý làm sai luật”[19]. Quy định này đã thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật trong quá trình xét xử, mang lại một giá trị cao cả trong bảo vệ quyền con người, hạn chế quyền lực nhà nước ở giai đoạn này.
3. Tại sao lại có việc kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước trong một nhà nước quân chủ?   
Dù không thật trùng khớp với các quan điểm hiện đại, nhưng tư tưởng hạn chế, kiểm soát quyền lực nhà nước thời Lê Thánh Tông đã thể hiện được những yếu tố căn cốt và nhân bản nhất, mà giá trị không chỉ phát huy trong bối cảnh bấy giờ. Những yếu tố này cần có một sự lý giải nhất định, đặc biệt khi các biểu hiện của việc hạn chế, kiểm soát quyền lực nhà nước lại được định hình trong một môi trường chính thể quân chủ điển hình. Xin bước đầu đề cập đến các nguyên nhân sau:
Sự chi phối mạnh mẽ của lý thuyết Nho giáo - cơ sở tư tưởng chính thống thời Lê Thánh Tông
Nếu như ở các triều đại trước, Phật giáo được xem là quốc giáo, là chất keo cho sự cố kết toàn dân, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền, thì ở thời Lê Thánh Tông, Nho giáo mới là cơ sở tư tưởng chính thống. Nho giáo đã được Lê Thánh Tông nhận thức và dày công xây dựng thành một tư tưởng chủ đạo trong xã hội, trong khi Phật giáo chỉ đơn thuần được xem như một tôn giáo. Ông đã tìm thấy trong Nho giáo lý thuyết trị quốc, tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, khuôn mẫu cho quản lý, sử dụng quan lại, vị thế, quyền và nghĩa của người đứng đầu nhà nước, về bổn phận trước nhân dân, về các cách ứng xử trong xã hội... Theo Nho giáo, trong vũ trụ, "nhân" - con người là quý nhất, nhân là yêu người. Yêu người là yêu cả nhân loại và yêu từng con người cụ thể, không ích kỷ. Trong chính trị, muốn thực hiện đạo nhân, phải coi nhân là gốc của mọi công việc. Muốn xây dựng và phát triển một nhà nước, các nhà cầm quyền phải lấy yếu tố con người làm căn bản. Đó cũng chính là mô hình nhà nước nhân bản mà Nho giáo hướng đến. Trong nhà nước nhân bản, thì phẩm chất, vị thế của người cầm quyền có tính quyết định. Người cầm quyền phải có đức, tài, trí, phải biết sửa mình, phải dưỡng dân, làm cho xã hội ổn định. Tư tưởng dưỡng dân của Nho giáo được đánh giá là một "cam kết" của giới cầm quyền trong việc sử dụng hữu ích khối tài sản quốc gia mà nhân dân đã mang lại cho nhà nước, "tạo ra một mối ràng buộc của nhà cầm quyền vào lợi ích của nhân dân" và "ở một khía cạnh nào đó, có ý nghĩa hạn chế sự lạm quyền của các nhà cầm quyền"[20]. Từ xuất phát điểm cốt lõi đó, tư tưởng kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Lê Thánh Tông hiện thực hóa hài hòa vì mục tiêu quan trọng nhất - "dân vi bản" của Nho giáo.
Bên cạnh "dân vi bản" thì "pháp tiên vương" cũng là một tư tưởng Nho giáo quan trọng đã chi phối chính sách cai trị của Lê Thánh Tông. Theo tư tưởng này, chính sách, pháp luật của các triều đại trước là kim chỉ nam cho triều đại sau: "Dân trị, hay loạn là ở đó. Hãy theo những việc đã làm của ông cha"[21]. Trước vua Lê Thánh Tông, các vị vua Hậu Lê, từ Lê Thái Tổ đến Lê Nhân Tông, ngay cả Lê Nghi Dân, tư tưởng kiểm soát, hạn chế quyền lực đã được thể hiện ở nhiều phương diện. Từ việc đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý, vận hành bộ máy nhà nước, chuyên môn hóa các cơ quan, đến xây dựng riêng một bộ máy giám sát, thì mục đích đều là hướng đến: "Quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau, chức trọng chức khinh đều kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng, thế nước vậy là khó lay...". Đó là cơ sở, sự ràng buộc và cũng là bài học để Lê Thánh Tông xây dựng một cơ chế kiểm soát, hạn chế quyền lực trong triều đại của ông.
Áp lực trong việc thực hiện các chức năng xã hội của nhà nước do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên lãnh thổ quốc gia mang lại
Là một quốc gia ven biển, địa hình dốc, nhiều sông ngòi, lại nằm liền kề với một nước lớn luôn có tham vọng bành trướng, nên việc đắp đê trị thủy và chống giặc ngoại xâm là những chức năng thường xuyên, quan trọng của nhà nước Việt Nam. Muốn thực hiện được các chức năng xã hội này, phải tập hợp được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhà nước phải trở thành một chủ thể thay mặt xã hội, đại diện cho toàn thể xã hội để giải quyết các vấn đề trọng đại đó trên cơ sở sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân. Vậy nên, không chỉ riêng thời Lê Thánh Tông, việc đảm bảo sự đồng thuận, đảm bảo niềm tin trước nhân dân đã trở thành một mục tiêu của nhà nước. Nhân dân trở thành chủ thể để đánh giá về hiệu quả hoạt động của nhà nước. Việc hiện thực hóa các chức năng xã hội trở thành một áp lực của nhân dân lên nhà nước. Nhà nước - do đó, không thể không tính đến một trong những cách thức để tăng cường hiệu quả hoạt động, đó chính là kiểm soát và hạn chế sự lạm dụng quyền lực của chính mình.
Mong muốn tác động đến truyền thống cố kết làng xã Việt Nam  
Làng, xã Việt Nam là những đơn vị tụ cư tự nhiên được hình thành trong quá trình phát triển của công xã thị tộc huyết thống. Sự cố kết làng xã đã trở thành truyền thống do đặc thù sản xuất nông nghiệp lúa nước và yêu cầu khách quan của lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Truyền thống cố kết làng xã là một trong những nhân tố làm nên sức mạnh dân tộc, giúp chúng ta từng bước chống lại âm mưu đồng hóa của chính quyền phong kiến phương Bắc, xây dựng nền độc lập. Tuy nhiên, ở phương diện quản lý nhà nước, thì sự cố kết làng xã lại là một trong những khó khăn, rào cản đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước và rộng hơn là phát triển xã hội. Chính quyền Lê Thánh Tông qua việc kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước, đặc biệt ở cấp xã chính là đã nhận thức và muốn thay đổi thực tế này. Kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời biến làng xã thành những hạt nhân, mắt xích quan trọng trong hệ thống quyền lực là một trong những chiến lược lớn của Lê Thánh Tông.
 Tự bản thân tài năng và phẩm hạnh con người Lê Thánh Tông
 Sẽ là thiếu toàn diện khi không đề cập đến nhân tố con người Lê Thánh Tông. Có nhiều tư liệu kể lại rằng, ông được sinh ra tại một ngôi chùa bên ngoài cung cấm, sống giữa chốn nhân gian từ nhỏ cho đến khi được mẹ vua Nhân Tông cho đón về nuôi dạy. Do đó, ông đã có ít nhiều điều kiện trực tiếp chứng kiến và gần gũi với đời sống nhân dân. Lịch sử đã ghi nhận ông "tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh đáng làm vua, bậc trí dũng đủ giữ nước"[22]. Ông còn là một nhà thơ xuất chúng, một nhà văn hóa lớn, và cũng là vị vua luôn tha thiết với vấn đề chủ quyền dân tộc. Hơn cả, ở ông là trách nhiệm, sự thấu hiểu sâu sắc tình cảnh của nhân dân. Do đó, có thể nói, tư tưởng "dân vi bản" trong ông mang tính chủ động, tư tưởng này được gầy dựng từ phẩm hạnh con người Lê Thánh Tông. Và có lẽ, hơn ai hết, sau loạn Nghi Dân, Lê Thánh Tông cũng là người hiểu rõ nhất độ nguy hiểm của sự tha hóa của quyền lực, thấy được việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế lạm quyền trong triều đại của ông là một yêu cầu cấp thiết.
4. Những giá trị hiện đại
Dù cách thức kiểm soát, hạn chế quyền lực chưa thật hoàn bị, nhưng có thể thấy, tư tưởng về quyền lực nhà nước phải thường xuyên bị giám sát ở tất cả các cấp, lĩnh vực trong quá trình tổ chức và hoạt động của nhà nước là một trong những tư tưởng có giá trị hiện đại nhất thời Lê Thánh Tông. Các nội dung thuộc tổ chức bộ máy nhà nước và áp dụng pháp luật phân tích trên đây đều ít nhiều thể hiện tư tưởng này.
 Trước hết, là giá trị mang lại từ cách thức, mức độ giám sát nhà nước với cấp chính quyền địa phương cao nhất (đạo) và thấp nhất (xã) ở thời Lê Thánh Tông. Ở cấp đạo, chính quyền trung ương đã thiết lập một cơ quan giám sát - Ty ngự sử - do Ngự sử đài quản lý về đóng tại địa bàn đạo. Vị trí của Ty ngự sử ngang với các Ty của đạo, vận hành cùng quá trình vận hành của các ty, trực tiếp giám sát hoạt động của các ty và của cả đạo, nhưng độc lập với đạo ở tất cả các khâu, sau đó báo cáo trực tiếp kết quả giám sát lên cơ quan chủ quản trung ương, thậm chí trực tiếp lên nhà vua. Dễ nhận thấy ưu điểm đặc biệt của mô hình này là vừa đảm bảo được tính trực tiếp, vừa đảm bảo tính độc lập - những tiêu chí căn bản của hoạt động giám sát. Thiết chế giám sát độc đáo này là một trong những gợi ý không nhỏ cho chúng ta hôm nay, khi mà nâng cao chất lượng hoạt động giám sát quyền lực nhà nước đang trở thành một yêu cầu cấp bách trong đời sống pháp lý Việt Nam. Còn ở cấp xã, giám sát được đặt ra ở nhiều khâu, từ việc bầu xã trưởng đến các hoạt động cụ thể. Người đứng đầu cấp xã phải là người có tài đức, đáp ứng các yêu cầu của nhà nước, do nhân dân xã sở tại trực tiếp bầu nên, đồng thời phải được sự chuẩn y của chính quyền cấp trên. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, bộ máy chính quyền cấp xã còn phải chịu quy trình khảo hạch khắt khe theo định kỳ của nhà nước. So với cơ chế hiện nay, cách bầu ra người đứng đầu cấp đơn vị hành chính địa phương có mức độ gần dân nhất này mang nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt đã phát huy được cao nhất tinh thần dân chủ, phản ánh đúng quy luật vận động và phát triển của xã hội: nhân dân phải là chủ thể trực tiếp lựa chọn ra người để mình ủy thác quyền lực, sẽ thay mình gánh vác các trọng trách chung, đảm bảo lợi ích chung của địa phương.
 Thứ đến, là giá trị từ việc đề cao trách nhiệm của các chủ thể công quyền, gắn trách nhiệm công vụ với trách nhiệm pháp lý cá nhân. Hiếm thấy trong hệ thống pháp luật thực định nào, vấn đề trách nhiệm công vụ, trách nhiệm pháp lý cá nhân lại được đề cập mạnh mẽ như thời Lê Thánh Tông. Hầu hết trong những văn bản pháp luật quan trọng như bộ Quốc triều hình luật, bộ Quốc triều khám tụng điều lệ, các quy định liên quan đến trách nhiệm công vụ đều dự liệu kèm theo trách nhiệm pháp lý cá nhân của công chức thừa hành nếu vi phạm, thậm chí còn được nhấn mạnh như bộ phận chính của quy phạm pháp luật. Vấn đề trách nhiệm pháp lý liên đới cũng được chú trọng. Nếu so sánh sẽ thấy rằng, hiện nay ở nước ta, trách nhiệm đối với người áp dụng pháp luật thường được đặt ra chung chung, thiếu định lượng, như “Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân...”[23]  hay “…vi phạm…thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Đây là một điểm đáng để cho những nhà lập pháp hiện đại phải suy ngẫm.
Và cũng không thể không tính đến các tư tưởng khá gần gũi với minh bạch và liêm chính tư pháp thời Lê Thánh Tông. Có thể thấy, trong bộ Quốc triều khám tụng điều lệ thời Lê, hàng loạt quy định thể hiện yêu cầu nghiêm ngặt, kịp thời về các thủ tục tố tụng; yêu cầu bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo, những người liên quan ở hầu hết các giai đoạn tố tụng từ nộp đơn, khám nghiệm hiện trường, tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản… Bên cạnh đó, ở cả 31 lệ của Bộ luật, luôn hiện diện quy định về trách nhiệm, đạo đức công vụ của các chủ thể tiến hành tố tụng liên quan. Những quy định này đã thể hiện tư tưởng vượt trước của các nhà lập pháp thời Lê trong việc nhận thức các nhóm nguy cơ, đó là: nguy cơ phải chịu rủi ro, oan ức của nhóm người yếu thế gồm bị cáo, bị can, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, với nguy cơ lạm quyền, lộng quyền từ phía chủ thể tiến hành tố tụng - đại diện cho uy quyền và sức mạnh cưỡng chế của nhà nước luôn có thể xảy ra trong quá trình tố tụng.
Bên cạnh đó, yêu cầu thể hiện “luận đoán sai trái để các bên đều biết”[24] trong bản án chính là yêu cầu về phần lý lẽ - phần chứa đựng lập luận, phân tích, giải thích pháp luật cần thiết của thẩm phán, hội đồng xét xử trong bản án - đã chứng tỏ một tiến bộ vượt bậc về tố tụng trong đời sống pháp lý thời kỳ này. Bản án với các nội dung bắt buộc: phần luận cứ, phần lý lẽ, lập luận và phần phán quyết đã được các nhà lập pháp và áp dụng pháp luật thời Lê Thánh Tông thực hiện cách đây vài thế kỷ quả là điều hiếm thấy. Đặc biệt hơn, cơ chế xét xử theo lương tâm, sự tự quyết theo trái tim, theo công lý của người xét xử đã được đề cập và được đảm bảo như một trong những nguyên tắc của quá trình tố tụng. Đây là điều mà cho đến hiện nay, không phải mọi nền tư pháp hiện đại đều có thể đạt được.
Phải đặt các tư tưởng tiến bộ thể hiện tính minh bạch và liêm chính tư pháp (cách nay gần chục thế kỷ) thời Lê Thánh Tông trong bối cảnh ra đời và vận hành Hiến pháp năm 2013, bản Hiến pháp được đánh giá là bước đột phá trong việc chính thức hiến định cơ chế bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế trong tố tụng (người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), đồng thời hiến định trách nhiệm pháp lý với những người vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác (Điều 31 Hiến pháp năm 2013), mới thấy hết giá trị hiện đại của nó trong việc hạn chế, kiểm soát quyền lực nhà nước. Những tư tưởng kiểm soát, hạn chế quyền lực nhà nước này thực sự là kinh nghiệm, nền tảng tư tưởng cho công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN hiện nay ở Việt Nam./.

* TS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, 2006, tr. 120 
[2] Thiên Nam dư hạ tập, Quyển thứ nhất (người dịch Trần Kim Anh, người hiệu đính Nguyễn Văn Lãng) in trong sách Viện Nhà nước và pháp luật, Một số văn bản pháp luật Việt Nam, thế kỷ XV-XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.241-242
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 663
[4] Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, sđd, tr. 354-359
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, chỉ dụ ban hành ngày 28/5/1475, tr. 675
[6] Điều 672 Quốc triều hình luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1991,
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 710
[8] Điều 67 Quốc triều hình luật, Sđd,
[9] Điều 671 Quốc triều hình luật, Sđd,
[10] Điều 720 Quốc triều hình luật, Sđd,
[11] Điều 638 Quốc triều hình luật, Sđd,
[12] Một số văn bản và điển chế, Sđd, tr. 370
[13] Điều 2 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2013, tr.40
[14] Điều 47 Quốc triều hình luật, Sđd.
[15] Điều 41 Quốc triều hình luật, Sđd.
[16] Điều 17 Quốc triều hình luật, Sđd.
[17] Quốc triều khám tụng điều lệ, Sđd, tr. 303
[18] Quốc triều khám tụng điều lệ, Sđd, tr. 303-304
[19] Điều 685 Quốc triều hình luật, Sđd.
[20] Giáo trình Lịch sử học thuyết chính trị, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 59 - 88.
[21] Kinh Thư, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.360
[22] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.610
[23] Điều 8 Luật Cán bộ, công chức, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội, tr.9
[24] Quốc triều khám tụng điều lệ, Sđd, tr. 303

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12(292), tháng 6/2015)


Thống kê truy cập

33006952

Tổng truy cập