Bàn thêm về các quyền nhân thân của cá nhân trong bộ luật dân sự năm 2005

01/09/2013

PGS. TS. PHÙNG TRUNG TẬP

Trường Đại học Luật Hà Nội

Ở Việt Nam, kể từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945) và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (2/9/1945) đến nay, quyền nhân thân (QNT) của cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ và ngày càng được coi trọng. Các QNT của cá nhân được quy định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và được cụ thể hoá trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 và hiện nay là BLDS năm 2005. Các quyền đó được thể hiện ở những nội dung rất cơ bản của quyền con người. Đó là quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, tên gọi, danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền mang họ tên, quyền thay đổi họ tên, quyền kết hôn, ly hôn, quyền cư trú, quyền tự do báo chí, quyền tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật, quyền phát minh, sáng chế, quyền tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, quyền bí mật đời tư, quyền về hình ảnh…
Untitled_446.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Điều 32 BLDS năm 2005 được hiểu như một nguyên tắc trong việc tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe và thân thể của cá nhân. Đó là quyền bất khả xâm phạm thân thể của cá nhân trong trường hợp cá nhân còn sống và quyền bất khả xâm phạm thi thể trong trường hợp cá nhân chết. Pháp luật tôn trọng quyền tự định đoạt ý chí của cá nhân đối với thân thể của mình.
Quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự (LDS) có đặc điểm không mang tính vật chất, không biểu hiện bằng tiền, mang tính chất phi tài sản. Do vậy, không phải bất kỳ một quyền nào của công dân được quy định trong Hiến pháp thì cũng lại được quy định trong BLDS; tuy rằng BLDS là đạo luật cụ thể hoá những tư tưởng chỉ đạo của Hiến pháp, nhưng chỉ cụ thể hoá những quan hệ nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS. Với lập luận này, cần thiết phải phân biệt hai khái niệm: quyền công dân (QCD) và quyền dân sự(QDS).
QCD là quyền chính trị và quyền bầu cử, ứng cử, còn QNT trong quan hệ pháp luật dân sự là căn cứ để xác định tư cách của chủ thể trong quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá - tiền tệ. Với những cơ sở khoa học được xác định, BLDS cần căn cứ vào đó để quy định các QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS. Những QNT không thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS thì tuyệt nhiên không nên quy định trong BLDS.
QNT được hiểu là QDS gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, QNT có mối quan hệ hữu cơ với cá nhân kể từ thời điểm cá nhân được sinh ra và chấm dứt khi cá nhân chết. QNT có mối quan hệ mật thiết với năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, có nghĩa là QNT của cá nhân gắn với cá nhân suốt cuộc đời. Do đặc điểm của QNT là quyền gắn liền với chủ thể, không thể mất đi vì QNT mang tính phi vật chất. Vì vậy, khi cá nhân chết, thì QNT của cá nhân vẫn gắn với cá nhân cho tới thời điểm đó; QNT của cá nhân vẫn được bảo vệ về thi thể, mồ mả và danh dự của cá nhân. QNT có đặc điểm đặc biệt như vậy, cho nên QNT là cơ sở để xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ tài sản khi cá nhân còn sống, đồng thời QNT mang tính chất phi vật chất gắn với cá nhân vĩnh viễn kể từ khi cá nhân chết. Những yếu tố liên quan đến thi thể, mồ mả, danh dự của cá nhân được pháp luật bảo vệ, vì những yếu tố này là QNT phi vật chất của cá nhân.
Vì vậy, pháp luật dân sự đã có những quy định về bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân; bảo vệ thi thể và mồ mả của cá nhân; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật dân sự còn quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về thi thể, mồ mả, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Hành vi xâm phạm mồ mả, thi thể của cá nhân, hành vi vu khống được Bộ luật Hình sự quy định là các tội danh; người có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả của người khác và có hành vi vu khống người khác phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ có hiểu như vậy mới giải quyết được vấn đề xác định trách nhiệm dân sự và hình sự khi có hành vi xâm phạm đến các QNT của cá nhân.
QNT có những điểm đặc biệt như vậy, nên khi xác định QNT của cá nhân cần thiết phải xác định rõ những đặc điểm này để tránh sự hiểu lầm là cá nhân đã chết thì QNT cũng chấm dứt theo.
Việc xác định QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS rất quan trọng, để có căn cứ xác định các QNT này bị xâm phạm trong những trường hợp nào và trách nhiệm BTTH khi các QNT bị xâm phạm. Hơn nữa, việc xác định chuẩn xác các QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS, để cá biệt hoá các hành vi xâm phạm QNT thuộc trách nhiệm dân sự hoặc thuộc về loại trách nhiệm khác.
Ở các nước trên thế giới, QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS đã thật sự rõ ràng và mọi quan điểm tranh cãi trong việc xác định QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS hầu như không còn tồn tại nhiều. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì việc nhầm lẫn giữa việc xác định QDS và quyền chính trị, quyền bầu cử vẫn còn tồn tại, không rõ ràng từ chính những quy định của pháp luật. Quy định nhầm lẫn về QDS và QCD được thể hiện tại mục 2 Chương III BLDS năm 2005 với 28 điều, nhưng đã có tới 13 điều quy định về các quyền cơ bản của công dân, không thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS. Dường như các nhà làm luật đã đồng nhất các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp với các QNT là đối tượng điều chỉnh của LDS.
Về bản chất thì QNT của cá nhân là quyền phi tài sản, không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Do vậy, QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS và có những đặc điểm pháp lý cơ bản như: (i) QNT thuộc phạm trù pháp lý và là một bộ phận của quyền con người, mang giá trị tinh thần, không biểu hiện bằng vật chất; (ii) QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS và gắn liền với cá nhân, không thể chuyển dịch. Một vấn đề đặt ra là trong xã hội còn tồn tại nhiều quan hệ nhân thân liên quan đến cá nhân thì dựa trên căn cứ nào để xác định QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS và các quyền phi vật chất khác của cá nhân nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS?
Để xác định các quyền nào là QNT và các quyền nào không thể được xem là QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS, trước hết cần phân biệt QDS là quyền tách rời quyền bầu cử và quyền chính trị. Một cá nhân sống trong một chế độ chính trị nhất định có thể cá nhân đó không có quyền tham gia bầu cử, ứng cử và hưởng các quyền chính trị khác nhưng cá nhân đó vẫn có các QDS mà không phụ thuộc vào độ tuổi, sự phát triển của trí tuệ, địa vị xã hội, giới tính, thành phần xuất thân, đảng phái, tôn giáo, ý thức chính trị...
Từ lập luận trên, có thể nhận định rằng, LDS chỉ điều chỉnh các QNT là căn cứ để xác định địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá - tiền tệ. Những quyền của công dân liên quan đến quyền chính trị và quyền bầu cử không thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS. Hay nói cách khác, QNT thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS là các quyền gắn liền với cá nhân và không thể là đối tượng chuyển dịch cho người khác, đồng thời là quyền có tính độc lập, cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. QNT gắn liền với chủ thể, có tính độc lập và có tính chất cá biệt hoá chủ thể tuyệt đối. Theo quy định tại Điều 25 BLDS hiện hành của Việt Nam thì: “QNT được quy định trong Bộ luật này là QDS gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, QNT của cá nhân là QDS, để phân biệt với quyền bầu cử và quyền chính trị, không thể là đối tượng của bất kỳ một giao dịch nào. Đặc điểm của QNT là quyền không mang giá trị kinh tế, không quy đổi thành tiền, mà mang giá trị tinh thần, phi tài sản tuyệt đối. Vì vậy, ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1995 (năm 1995, BLDS được ban hành - 28/10/1995) không có một quy định nào về  BTTH do các QNT của cá nhân bị xâm phạm. Do nhận thức QNT của cá nhân mang tính phi vật chất tuyệt đối, cho nên không thể xác định tính chất phi tài sản của quyền này để quy đổi bằng vật chất trong bồi thường khi có hành vi xâm phạm. Cơ chế để giải quyết những tranh chấp do có hành vi xâm phạm đến QNT của cá nhân được giải quyết bằng biện pháp hoà giải, buộc người xâm phạm xin lỗi.
Như phần trên đã nhận định, QNT của cá nhân ở Việt Nam trong một phần hai thế kỷ tính từ năm 1945 đến năm 1995, khi bị xâm phạm không được bồi thường bằng tài sản do có quan điểm nhận thức của cơ quan lập pháp là QNT phi tài sản tuyệt đối, cho nên không thể quy đổi thành tiền trong việc bồi thường. Hơn nữa, các nhà làm luật còn có sự nhầm lẫn giữa QCD và QDS. Hệ quả là những QDS cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp kể từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và Hiến pháp hiện hành (ban hành năm 1992) đều được quy định lại trong BLDS năm 1995 và hiện nay trong BLDS năm 2005. Vì vậy, một số QCD cũng được quy định tại mục 2 Phần thứ nhất về những quy định chung trong BLDS năm 1995 và hiện nay trong mục 2 BLDS năm 2005.
Theo chúng tôi, quy định về QNT của cá nhân trong BLDS 2005 khi được sửa đổi, bổ sung chỉ bao gồm những quyền: quyền đối với họ, tên; quyền thay đổi họ, tên; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền bí mật đời tư; quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết; quyền xác định lại giới tính là nhóm khách thể được pháp luật bảo hộ. Các quyền này gắn với mỗi cá nhân và mang tính độc lập. Các quyền này là những lợi ích nhân thân của cá nhân được bảo hộ.Mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm đến một trong các quyền trên, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm BTTH.
Hơn nữa, khi quy định về QNT trong BLDS cũng cần quan tâm hơn đến cơ chế bảo vệ trong trường hợp danh dự, uy tín của cá nhân bị xâm phạm. Thực tế nhiều năm trở lại đây, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng thư điện tử (Email) là một hình thức thông tin hiện đại qua mạng Internet, ngày càng phổ biến. Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng thư điện tử, là mặt trái của nó về mặt xã hội, do những người có hành vi trái pháp luật đã sử dụng thư điện tử làm phương tiện để truyền bá những thông tin thất thiệt hoặc nhằm để vu khống hoặc bôi nhọ danh dự của người khác có chủ đích. Người sử dụng thư điện tử nhằm mục đích đen tối đã gây ra những tổn thất không dễ khôi phục được, nhất là khi nó lan truyền ở phạm vi không gian rộng. Hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là hành vi trái pháp luật, ngoài trách nhiệm hình sự, còn phải chịu trách nhiệm theo những chế tài khác, trong đó có chế tài dân sự. Tuy nhiên, thực trạng quản lý quy trình đăng ký sử dụng thư điện tử hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập, cho nên việc xác định hành vi trái pháp luật của một người cụ thể để quy trách nhiệm dân sự là một việc rất phức tạp, khó khăn, hiệu quả không cao.
Ngoài ra, khi sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2005 cần loại bỏ một số quyền đã được quy định trong Bộ luật này là:quyền kết hôn (Điều 39); quyền bình đẳng của vợ chồng (Điều 40); quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (Điều 41); quyền ly hôn ( Điều 42); quyền được nuôi con nuôi và quyền được, nhận làm con nuôi (Điều 44); quyền đối với quốc tịch (Điều 45); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 46); quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 47); quyền tự do đi lại, tự do cư trú (Điều 48); quyền lao động (Điều 49); quyền tự do kinh doanh (Điều 50); quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 51). Những quyền trên là QCD, không thuộc đối tượng điều chỉnh của LDS, do vậy nếu các quyền này bị xâm phạm thì được áp dụng các quy phạm pháp luật thuộc chuyên ngành luật khác như luật hình sự, luật hành chính để giải quyết.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(249), tháng 9/2013)