Nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

01/09/2013

TS. NGUYỄN QUANG HIỀN

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là quyền mà theo đó, đương sự tự lựa chọn và quyết định các hành vi được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc dân sự và vụ án hành chính. Quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, Bộ luật TTDS 2004 (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính 2010 (LTTHC). Tuy nhiên, những quy định này cho đến nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định cần sửa đổi, bổ sung.
Untitled_447.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
1.1. Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc yêu cầu giải quyết vụ việc
Trong các quyền con người được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận thì quyền dân sự có ý nghĩa thiết thực, cơ bản và quan trọng. Bộ luật Dân sự quy định quyền dân sự cho phép các chủ thể được chủ động thực hiện các biện pháp, cách thức để bảo vệ các quyền dân sự của mình khi bị xâm phạm. Trong đó, biện pháp dân sự, thương mại, lao động, hành chính được thực hiện thông qua phương thức khởi kiện tại toà án là các biện pháp hữu hiệu và có tính khả thi cao.
Điều 161 BLTTDS quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án… tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Còn theo Điều 103 LTTHC, thì “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính…” tại toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, quyền khởi kiện, quyền yêu cầu là quyềncủa cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Do đó, hai chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu là: những chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm phạm và những chủ thể tuy không có quyền, lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm phạm nhưng họ khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước được pháp luật quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện quyền khởi kiện, quyền yêu cầu vụ án dân sự, thương mại, lao động, hành chính thường là những chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm phạm. Việc thực hiện quyền khởi kiện, quyền yêu cầucủa cá nhân, cơ quan, tổ chức là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự (TTDS), tố tụng hành chính (TTHC). Không có hành vi khởi kiện, hành vi yêu cầu thì sẽ không có quan hệ pháp luật TTDS, TTHC.
1.2. Quyền quyết định và tự định đoạt đưa ra yêu cầu độc lập, phản tố
Về yêu cầu độc lập: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng khi đã hình thành người khởi kiện, người bị kiện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng hoặc là người chỉ có quyền lợi, hoặc là người có nghĩa vụ hoặc là người vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng do chính họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự hoặc theo yêu cầu của toà án. Về nguyên tắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng việc khởi kiện một vụ án độc lập, nhưng khi họ tham gia tố tụng vào vụ kiện giữa người khởi kiện, người bị kiện thì họ có thể bảo vệ mình một cách nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất là đưa ra yêu cầu độc lập. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng có ba dạng: độc lập hoặc đứng về người khởi kiện, hoặc đứng về người bị kiện.
Theo Điều 177 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng độc lập khi có các điều kiện sau: việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ; yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết được chính xác và nhanh hơn. LTTHC cũng đề cập đến loại người này tại Khoản 2 Điều 52. Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có yêu cầu độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng độc lập với người khởi kiện, người bị kiện. Họ là người tham gia vào vụ kiện của người khác để bảo vệ quyền và lợi ích độc lập của mình đối với đối tượng tranh chấp mà toà án đang giải quyết. Do đó, người này hoàn toàn có quyền quyết định có tham gia tố tụng vào vụ kiện của người khác hay không.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có yêu cầu độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tham gia tố tụng phụ thuộc vào người khởi kiện hoặc người bị kiện. Lợi ích pháp lý của họ gắn liền với lợi ích pháp lý của người khởi kiện hoặc người bị kiện. Họ không có quyền tự thoả thuận, định đoạt với đương sự khác, không có quyền thừa nhận một phần hay chấp nhận toàn bộ yêu cầu của đương sự khác nếu không có sự đồng ý của người khởi kiện hoặc người bị kiện mà họ lệ thuộc.
Về yêu cầu phản tố: nếu như người khởi kiện có quyền quyết định và tự định đoạt quyền khởi kiện, thì người bị kiện có quyền quyết định và tự định đoạt phản tố đối với nội dung bị khởi kiện. Tuy nhiên, quyền quyết định và tự định đoạt phản tố của người bị kiện đối với nội dung bị khởi kiện chỉ được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật.
Theo BLTTDS được sửa đổi và bổ sung năm 2011 thì bị đơn có quyền “Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn” (Khoản 4, Điều 60). Và:
“1. Cùng với việc phải nộp cho toà án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm” (Điều 176).
Còn Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS tại phần I, mục 11 có nêu: “được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn nếu yêu cầu đó được coi là độc lập, không cùng về yêu cầu mà người khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết”.
Như vậy, quyền quyết định và tự định đoạt phản tố của người bị kiện chỉ được thực hiện khi có những mối ràng buộc nhất định với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Mặt khác, quyền quyết định và tự định đoạt phản tố chỉ được thực hiện tại những thời điểm, những giai đoạn tố tụng nhất định. Việc quy định cụ thể các trường hợp được phản tố bảo đảm cho người bị kiện thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt đưa ra các yêu cầu độc lập, phản tố để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
1.3. Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
Điều 218 BLTTDS quy định: “1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
2. Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.
Nội dung tương tự được ghi nhận tại Điều 146 LTTHC: “1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của các đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.
Như vậy, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều có quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà việc quyết định và tự định đoạt này có thể được toà án chấp nhận hay không. Trước khi toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì việc quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu là quyền tuyệt đối của đương sự. Tại phiên toà sơ thẩm, việc quyết định và tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự bị hạn chế.
Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP phần III, mục 6 quy định: “Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của người khởi kiện, đơn phản tố của người bị kiện, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà. Trong trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung của đương sự, thì phải ghi trong bản án”.
1.4. Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thoả thuận giải quyết vụ việc
Quyền quyết định và tự định đoạt trong việc thoả thuận giải quyết vụ việc của đương sự được thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào. Trong TTDS, hoà giải là thủ tục có ý nghĩa nhân văn nhằm giúp cho đương sự thoả thuận với nhau để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ việc. Cơ sở của hoà giải là xuất phát từ ý chí chủ quan, tự nguyện quyết định và tự định đoạt của đương sự. Do vậy, chỉ có đương sự là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung mới có quyền thương lượng, thoả thuận hoà giải để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ việc, trừ trường hợp đương sự uỷ quyền cho người khác. Trong quá trình hoà giải, toà án giữ vai trò trung gian, giải thích pháp luật, chứ không được hướng dẫn thương lượng, nội dung thoả thuận, bởi vì quyền thương lượng, nội dung thoả thuận là nội dung của quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, toà án chỉ công nhận thoả thuận của đương sự khi thoả thuận đó phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội (Khoản 2, 3 Điều 180 BLTTDS).
Theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “những quy định chung của BLTTDS năm 2004” phần I, mục 7 quy định: “Trường hợp có tranh chấp và có đơn khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết, nếu sau khi toà án thụ lý vụ án và trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm các đương sự tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì toà án phải lập biên bản về sự tự thoả thuận đó và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự theo quy định tại Điều 187 BLTTDS”.
Còn tại phiên toà sơ thẩm, “trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án” (Điều 220 BLTTDS). “Tại phiên toà phúc thẩm, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của đương sự” (Điều 270 BLTTDS).
Và theo Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP phần III, mục 5 ngày 4/8/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS, thì “Trường hợp trước phiên toà phúc thẩm, các đương sự đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và các đương sự yêu cầu toà án cấp phúc thẩm công nhận sự thoả thuận của họ, thì toà án yêu cầu các đương sự làm văn bản ghi rõ nội dung thoả thuận và nộp cho toà án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Văn bản này được coi là chứng cứ mới bổ sung. Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử phải hỏi các đương sự về thoả thuận của họ là có tự nguyện hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật, đạo đức xã hội hay không. Nếu thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự”.
1.5. Quyền quyết định và tự định đoạt khiếu nại, kháng cáo
- Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của toà án chưa có hiệu lực pháp luật. Theo đó, những phần của bản án, quyết định bị kháng cáo thì chưa được thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành. Có thể nói, quyền khiếu nại, kháng cáo là phương tiện pháp lý, là một trong những nội dung của quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Tuy nhiên, quyền này bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật về đối tượng và thời hạn của quyền khiếu nại, kháng cáo. Mặt khác, đương sự cũng có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo theo Khoản 1, Điều 256 BLTTDS; Khoản 1, Điều 188 Luật TTHC. Theo Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP thì trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo. Trường hợp người kháng cáo đã rút một phần hoặc không kháng cáo nhưng sau đó có kháng cáo mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo thì vẫn được chấp nhận. Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho toà án trong thời hạn kháng cáo. Ngoài việc thay đổi, bổ sung kháng cáo thì đương sự còn có quyền rút kháng cáo. Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo trước khi bắt đầu phiên toà và tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo, kháng nghị) thì vụ án được đình chỉ. Người kháng cáo rút một phần kháng cáo trước khi bắt đầu phiên toà và tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo, kháng nghị) thì toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo khi trong vụ án không còn có kháng cáo, kháng nghị của người khác. Bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực từ ngày toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ.
- Đương sự, người đại diện của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại bản án, quyết định, hành vi tố tụng khi có căn cứ cho rằng bản án, quyết định, hành vi tố tụng đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Căn cứ vào nguyên tắc các cơ quan nhà nước, người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành vi công vụ do công chức của đơn vị mình thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét, giải quyết kịp thời các khiếu nại và thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người khiếu nại.
Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong lĩnh vực khiếu nại, kháng cáo là một trong những quyền tố tụng quan trọng, bảo đảm cho đương sự có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như phát hiện, khắc phục, sửa chữa những sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc.
2. Bất cập trong việc áp dụng pháp luật về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
Thực hiện Nghị quyết 49- NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt luôn được tôn trọng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này pháp luật được áp dụng còn bộc lộ những hạn chế nhất định.
Trong thực tiễn, do đương sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ các quy định của pháp luật nên họ đã không biết sử dụng hoặc sử dụng không hết quyền quyết định và tự định đoạt trong TTDS, TTHC. Mặt khác, nhiều khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa thực sự bảo đảm, tạo điều kiện, hướng dẫn hết quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; còn sai sót trong việc trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu; không xem xét, giải quyết; xem xét, giải quyết không hết các yêu cầu hoặc xem xét, giải quyết vượt quá các yêu cầu; khi xem xét, giải quyết các yêu cầu của đương sự thì gò bó, cưỡng ép… 
Để xảy ra tình trạng này, có các nguyên nhân:
Hệ thống quy phạm pháp luật chưa được đầy đủ
BLTTDS được sửa đổi và bổ sung năm 2011 mới chỉ quy định về đương sự trong vụ án dân sự mà chưa quy định về đương sự trong việc dân sự. Từ đó đã dẫn đến sự lúng túng của người tiến hành tố tụng trong việc xác định địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ những người tham gia tố tụng khi giải quyết vụ việc.
BLTTDS quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bắt buộc phải tham gia tố tụng nếu việc giải quyết vụ việc có liên quan đến họ, theo đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện hoặc do chính toà án quyết định. Quy định này vô hình trung phủ nhận quyền quyết định và tự định đoạt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bởi vì, về nguyên tắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện trong một vụ kiện độc lập. Nói cách khác, quyết định tham gia hay không tham gia vào vụ kiện của người khác hoàn toàn phụ thuộc vào việc lựa chọn, định đoạt của họ. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng cũng không có quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thể hiện yêu cầu độc lập của mình như thế nào cũng như thời điểm tham gia và thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.  
Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đương sự còn có nhiều mâu thuẫn, thiếu thống nhất và không hợp lý. Ví dụ như, Điều 192 khoản 1 điểm c BLTTDS, Điều 120 Khoản 1 điểm b LTTHC quy định căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được toà án chấp nhận. Quy định này vô hình trung đã làm hạn chế quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện và đồng nghĩa với việc toà án có quyền định đoạt, quyết định ép buộc” người khởi kiện phải tiếp tục “cuộc chơi”, mà cuộc chơi này lại là do họ mới là người có toàn quyền quyết định theo Điều 5 BLTTDS và Điều 7 LTTHC.
BLTTDS được sửa đổi và bổ sung năm 2011 quy định thủ tục giải quyết việc dân sự và vụ án dân sự là hai thủ tục khác nhau, mà không có quy định sự chuyển hoá, dẫn đến phức tạp hoá, thiếu tính linh hoạt, mềm dẻo khi giải quyết vụ việc dân sự. Ví dụ, đương sự muốn ly hôn với người mất tích thì toà án phải thụ lý giải quyết việc yêu cầu tuyên bố mất tích trước, rồi tiếp tục thụ lý giải quyết vụ án ly hôn.
Điều 269 BLTTDS, Điều 203 LTTHC quy định “việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm phải được sự đồng ý của người bị kiện” là bất hợp lý, mâu thuẫn, vi phạm nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
Khoản 2 Điều 283 BLTTDS, Khoản 1 Điều 210 LTTHC quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là “Khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là không hợp lý. Bởi vì, trên thực tế nhiều trường hợp đương sự thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng các bên vẫn đồng ý với nội dung bản án, quyết định của toà án và tự nguyện thi hành án, nhưng bản án, quyết định đó vẫn bị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đây là một khiếm khuyết, là sự can thiệp quá sâu vào đời sống dân sự của đương sự, làm mất thời gian, lãng phí tiền bạc, vi phạm nghiêm trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Thêm nữa, chúng ta vẫn chưa thực sự coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách sâu rộng trong nhân dân, dẫn đến nhiều người dân không hiểu biết được các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Trong khi đó, một số người tiến hành tố tụng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, không đồng đều, nên chưa có ý thức cũng như tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, dẫn đến khi giải quyết vụ việc thường hay áp đặt ý chí chủ quan của mình.
3. Giải pháp bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
3.1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
Nhằm xác định rõ địa vị pháp lý, bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của người yêu cầu, người bị yêu cầu, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc dân sự là đương sự tham gia tố tụng khi giải quyết việc dân sự, nhà làm luật nên bổ sung địa vị pháp lý đương sự của các chủ thể trên trong việc dân sự vào Điều 56, quyền và nghĩa vụ của họ như đương sự trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 58 BLTTDS.
Nên quy định rõ việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự vượt quá phạm vi ban đầu theo hướng việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự được coi là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó được thực hiện trong giới hạn của quan hệ pháp luật có tranh chấp được xác định trên cơ sở yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu mà không làm phát sinh quan hệ pháp luật mới.
Hoàn thiện chế định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo hướng phân định rõ sự khác biệt về địa vị pháp lý trong tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập bởi khi tham gia tố tụng, hai loại chủ thể khác nhau có quyền và nghĩa vụ đương nhiên khác nhau. 
Bỏ quy định căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được toà án chấp nhận, mà chỉ nên quy định “căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện”.
Bổ sung, sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự và vụ án dân sự theo hướng có sự chuyển hoá về mối liên hệ giữa hai thủ tục này để linh hoạt, mềm dẻo khi giải quyết vụ việc, kết thúc vụ việc một cách nhanh chóng mà vẫn bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bỏ quy định “việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm phải được sự đồng ý của người bị kiện”, bởi nó mâu thuẫn, vi phạm nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5, Điều 59 và Điều 218 Khoản 2 BLTTDS, Điều 7, Điều 50 và Điều 146 Khoản 1 LTTHC.
Bổ sung vào Khoản 2 Điều 283 BLTTDS, Khoản 1 Điều 210 LTTHC quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là “Khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có khiếu nại của đương sự”.
Ngoài ra, pháp luật cần quy định trách nhiệm của tòa án trong việc bảo đảm thực hiện quyền quyết định và tư định đoạt của đương sự.
3.2. Nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân
Việc hiểu và thực hiện pháp luật tố tụng đối với những người tham gia tố tụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và cần thiết vì, khi những người này hiểu và thực hiện đúng pháp luật tố tụng, họ sẽ bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật. Do đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.
3.3. Nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể xảy ra từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn xét xử, những người tiến hành tố tụng phải có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, vốn sống để hướng dẫn người dân cũng như trong quá trình giải quyết vụ việc đúng pháp luật.
Tóm lại, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những biểu hiện của quyền con người, quyền công dân. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong TTDS, TTHC có quan hệ mật thiết với quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong quan hệ pháp luật nội dung. Theo đó, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong quan hệ pháp luật nội dung là cơ sở cho việc quy định quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong quan hệ pháp luật TTDS, TTHC. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nên việc thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt phải trong khuôn khổ của pháp luật và luôn phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế, chính trị cụ thể cùng với sự phát triển của quốc gia. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được bảo đảm tốt hay không trước hết phụ thuộc vào sự hiểu và thực hiện pháp luật đối với người tham gia tố tụng và vào việc những người tiến hành tố tụng phải có năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm, vốn sống, tâm và tầm khi giải quyết vụ việc.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(249), tháng 9/2013)