Góp ý quy định của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên về các biện pháp xử lý chuyển hướng

10/06/2024

Tóm tắt: Xử lý chuyển hướng là một biện pháp xử lý rất phù hợp đối với người chưa thành niên không thông qua thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Trong bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá một số quy định có liên quan đến xử lý chuyển hướng của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trên cơ sở so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế; từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định này.
Từ khoá: Biện pháp xử lý chuyển hướng, người chưa thành niên, tư pháp người chưa thành niên.
Abstract: Diversion is an appropriate measure for dealing with juveniles without resorting to normal criminal proceedings. In this article, the author provides an analysis and assessment of a number of provisions governing diversion of the Bill of Law on Juvenile Justice, which is based on a comparison with relevant international standards. Accordingly, the author also gives out a number of recommendations for further improvements to these provisions.
Keywords: Diversionary measures; the juvenile; juvenile justice.
Juvenile-Justice.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
1. Tiêu chuẩn quốc tế về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên trong tư pháp hình sự
Do xử lý chuyển hướng lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (Dự thảo)[1] nên để đánh giá các quy định có liên quan và từ đó đưa ra những góp ý đúng đắn đòi hỏi phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật một số quốc gia. Trong các văn kiện quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, thuật ngữ “xử lý chuyển hướng” xuất hiện trước cả khi Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 ra đời. Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về quản lý tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh)[2] năm 1985 đã sử dụng thuật ngữ này tại Quy tắc số 11. Tuy nhiên, Quy tắc Bắc Kinh chưa đưa ra một định nghĩa chính thức về xử lý chuyển hướng mà chỉ sử dụng cụm từ “xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không phải đưa ra xét xử chính thức”[3]. Cách diễn đạt này sau đó đã được điều chỉnh bởiCông ước về Quyền trẻ em, cụ thể đó là: “xử lý người chưa thành niên mà không dựa vào thủ tục tố tụng tư pháp (judicial proceedings)” (điểm b khoản 3 Điều 40).
Đến năm 2014, khi Liên hợp quốc ban hành Chiến lược mẫu và các biện pháp thực tế loại trừ bạo lực đối với trẻ em trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự[4] thì định nghĩa về xử lý chuyển hướng chính thức được đưa ra. Theo đó, xử lý chuyển hướng “ám chỉ một quá trình xử lý những trẻ em bị cho là bị buộc tội hoặc bị xác nhận đã vi phạm pháp luật hình sự như một sự thay thế cho quá trình tố tụng tư pháp, với sự đồng ý của đứa trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp” (điểm i Điều 6)[5]. Gần đây nhất, Ủy ban Quyền trẻ em trong Bình luận chung số 24 năm 2019 về quyền của trẻ em trong hệ thống tư pháp trẻ em[6] đã định nghĩa lại về xử lý chuyển hướng cô đọng nhưng bao quát hơn, đó là: “những biện pháp để chuyển trẻ em ra khỏi hệ thống tư pháp, vào bất cứ thời điểm nào trước hoặc trong quá trình tố tụng có liên quan” (đoạn số 08)[7].
Quy tắc Bắc Kinh, như đã đề cập, mặc dù không đưa ra định nghĩa về xử lý chuyển hướng nhưng đã xây dựng được một số tiêu chuẩn nền tảng của xử lý chuyển hướng trong tư pháp người chưa thành niên tại Quy tắc số 11, cụ thể như sau:
“11.1. Bất cứ khi nào thích hợp, phải xem xét về việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không phải đưa ra xét xử chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền, như được đề cập đến trong Quy tắc 14.1 dưới đây.
11.2. Cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác có trách nhiệm giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên cần được toàn quyền xử lý những vụ án như vậy mà không dùng đến những phiên tòa chính thức, theo tiêu chuẩn đã được định ra cho mục đích đó trong từng hệ thống pháp luật và theo các nguyên tắc đã được nêu trong văn kiện này.
11.3. Bất cứ sự xử lý chuyển hướng nào bao gồm việc chuyển giao cho cộng đồng hay các dịch vụ thích hợp khác đều phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc của cha mẹ hay người giám hộ của người đó, với điều kiện là quyết định chuyển giao vụ án như vậy phải được một cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi thi hành.
11.4. Để tạo điều kiện cho việc tùy nghi xử lý các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, cần phải nỗ lực cung cấp các chương trình cộng đồng, ví dụ như hướng dẫn và giám sát tạm thời, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường cho nạn nhân”.
Những tiêu chuẩn cơ bản này, đặc biệt là các chương trình cộng đồng đề cập tại Quy tắc 11.4, về sau đã được lồng ghép và phát triển bởi Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc khi xây dựng văn kiện Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong các vấn đề hình sự năm 2002[8]. Bình luận chung số 24 của Ủy ban Quyền trẻ em sau đó đã nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến xử lý chuyển hướng đã được ghi nhận trong văn kiện của Ủy ban Kinh tế và xã hội tại đoạn số 18 như sau:
“(a) Xử lý chuyển hướng chỉ nên được sử dụng khi có chứng cứ thuyết phục rằng đứa trẻ đã thực hiện tội phạm, đứa trẻ đó tự do và tự nguyện thừa nhận trách nhiệm mà không bị đe dọa hoặc bị áp lực, và việc thừa nhận này sẽ không được sử dụng để chống lại đứa trẻ trong bất kỳ tố tụng pháp lý nào sau đó.
(b) Sự đồng ý một cách tự do và tự nguyện của đứa trẻ đối với xử lý chuyển hướng nên dựa trên những thông tin cụ thể và đầy đủ về bản chất, nội dung và thời hạn của biện pháp, và sự hiểu biết về những hậu quả của việc không hợp tác hoặc hoàn thành biện pháp;
(c) Pháp luật nên xác định những vụ án có thể được xử lý chuyển hướng, và những quyết định có liên quan của cảnh sát, công tố viên và/hoặc những cơ quan khác nên được điều chỉnh và có thể xem xét lại. Tất cả nhân viên nhà nước và chủ thể tham gia vào quá trình xử lý chuyển hướng nên nhận được sự hỗ trợ và đào tạo cần thiết;
(d) Đứa trẻ được trao cơ hội tìm kiếm sự trợ giúp về pháp lý và các trợ giúp khác liên quan đến xử lý chuyển hướng đưa ra bởi các cơ quan có thẩm quyền, và khả năng xem xét lại biện pháp;
(e) Xử lý chuyển hướng không nên bao gồm sự tước tự do;
(f) Việc hoàn thành xử lý chuyển hướng nên dẫn đến sự chấm dứt rõ ràng và cuối cùng của vụ án. Mặc dù hồ sơ bảo mật của xử lý chuyển hướng có thể được lưu trữ vì những mục đích như quản lý hành chính, xem xét lại và nghiên cứu, chúng không nên được xem như sự kết tội hoặc án tích”.
2. Khái niệm, nguyên tắc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và mục đích xử lý chuyển hướng
2.1. Khái niệm, nguyên tắc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Dự thảo đã đưa ra hai khái niệm có liên quan mật thiết với nhau là “xử lý chuyển hướng” và “biện pháp xử lý chuyển hướng” tại các khoản 8, 9 Điều 4. Theo đó, xử lý chuyển hướnglà “trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội theo quy định của Luật này”; còn biện pháp xử lý chuyển hướng được hiểu là “biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Luật này, bao gồmcác biện pháp khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình (biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng) và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng”. Có thể nhận thấy, Ban soạn thảo đã có sự sáng tạo khi xây dựng hai khái niệm này. Khái niệm biện pháp xử lý chuyển hướng thiên về luật nội dung còn khái niệm xử lý chuyển hướng nhấn mạnh tính thủ tục. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, các văn kiện quốc tế không có sự phân biệt này mà chỉ có một khái niệm về xử lý chuyển hướng.
Khi phân tích kỹ hai khái niệm của Dự thảo cho thấy có một vài nội dung cần được hoàn thiện. Khái niệm xử lý chuyển hướng là một khái niệm mang tính dẫn chiếu và không phản ánh được đặc điểm của xử lý chuyển hướng để phân biệt với thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Khái niệm biện pháp xử lý chuyển hướng sử dụng một số thuật ngữ chưa rõ ràng, chưa chính xác. Cụ thể, “phòng ngừa” là phòng ngừa vấn đề gì? Biện pháp xử lý chuyển hướng có thể và nên được áp dụng trước khi xét xử sơ thẩm. Như vậy, tại thời điểm này, chưa có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật, do đó không thể dùng thuật ngữ “người chưa thành niên phạm tội”. Việc sử dụng thuật ngữ này cũng thể hiện sự thiếu nhất quán về kỹ thuật lập pháp khi trong khái niệm xử lý chuyển hướng trước đó lại là “người chưa thành niên bị buộc tội”. Ngoài ra, khái niệm biện pháp xử lý chuyển hướng còn liệt kê tên gọi của từng biện pháp không cần thiết.  
Theo tác giả, Ban soạn thảo chỉ nên giữ lại một khái niệm về xử lý chuyển hướng và sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tham khảo khái niệm xử lý chuyển hướng của Ủy ban Quyền trẻ em nêu trong Bình luận chung số 24; đồng thời phải bảo đảm tính tương thích với các quy định khác có liên quan trong Dự thảo. Khái niệm sau đây có thể được xem xét: “Xử lý chuyển hướng là những biện pháp để chuyển người chưa thành niên bị buộc tội ra khỏi quá trình tố tụng hình sự do người có thẩm quyền quyềt định sau khi nhận được kế hoạch xử lý chuyển hướng trong giai đoạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”.
Nguyên tắc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được ghi nhận tại Điều 11 Dự thảo với nội dung ngắn gọn như sau: Biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng đối với người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải phù hợp với lợi ích của họ và cộng đồng”.
Tên gọi và nội dung nguyên tắc thể hiện quan điểm đề cao việc ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên và đặt ra trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng phải luôn xem xét áp dụng các biện pháp này khi thích hợp. Phân tích những quy định tại Điều 11 Dự thảo, tác giả nhận thấy có một vài điểm chưa cụ thể và chặt chẽ. Nội dung thứ nhất của Điều luật quy định biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 54 Dự thảo, thời điểm muộn nhất để mở phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Nội dung thứ hai của Điều luật chỉ đặt ra một yêu cầu đối với việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là phải phù hợp với lợi ích của người chưa thành niên và cộng đồng. Nội dung này, theo tác giả, là chưa đầy đủ vì biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ được áp dụng khi thuộc các trường hợp, đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể và tuân thủ nguyên tắc được quy định ở các điều luật khác như Điều 35, Điều 37 và Điều 38. Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 11 Dự thảo như sau:
“1. Biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
2. Biện pháp xử lý chuyển hướng được áp dụng khi thích hợp, tuân thủ đúng quy định của Luật này, vì lợi ích của người chưa thành niên và cộng đồng”.
2.2. Mục đích xử lý chuyển hướng
Điều 33 Dự thảo liệt kê 07 nhóm mục đích của xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo tác giả, điều luật này không cần thiết vì mục đích của xử lý chuyển hướng là một trong những vấn đề mang tính lý luận, không phù hợp để ghi nhận dưới hình thức các quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, tên gọi của điều luật là mục đích nhưng nội dung còn có sự pha lẫn với một số lợi ích của xử lý chuyển hướng[9].
Ngoài ra, mục đích thứ ba: Đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm của người chưa thành niên và mục đích thứ tư: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho bị hại tham gia vào việc đưa ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”chưa được quy định hợp lý và hầu như khó có thể đạt được với hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng như thiết kế hiện nay của Ban soạn thảo. Cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm của người chưa thành niên tiến hành hòa giải với người chưa thành niên được hiểu như thế nào? Hoà giải về vấn đề gì? Tại sao mục đích thứ tư lại không bao gồm cộng đồng? Theo tác giả, trong số 12 biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ có hai biện pháp là xin lỗi bị hại và bồi thường thiệt hại (khoản 2, 3 Điều 33 Dự thảo) có sự tham gia của bị hại. Đối với biện pháp thứ nhất, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn là chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng, bị hại giữ vai trò thụ động và Dự thảo cũng chưa quy định nếu bị hại không chấp nhận lời xin lỗi của người chưa thành niên thì giải quyết như thế nào. Vì những lý do trên, tác giả cho rằng, Ban soạn thảo không cần giữ lại Điều 33 (mục đích xử lý chuyển hướng) của Dự thảo[10].
3. Hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng và điều kiện áp dụng
3.1. Hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng
Dự thảo ghi nhận 12 biện pháp xử lý chuyển hướng. Nghiên cứu chi tiết quy định về hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng, tác giả nhận thấy có một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, các biện pháp xử lý chuyển hướng mang một phần đặc điểm của các chương trình tư pháp phục hồi, nhấn mạnh vai trò của bị hại trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, trong hệ thống các biện pháp xử lý chuyển hướng hiện nay chính xác chỉ có biện pháp bồi thường thiệt hại cần đến ý chí của người bị hại. Các biện pháp còn lại đa phần là sự tự quyết của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở sự đồng ý của người chưa thành niên.
Thứ hai, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng xét về bản chất mặc dù khác hình phạt tù có thời hạn nhưng theo pháp luật quốc tế vẫn là một biện pháp tước tự do của người chưa thành niên[11]. Trong khi đó, Bình luận chung số 24 của Uỷ ban Quyền trẻ em đã nhấn mạnh “các biện pháp xử lý chuyển hướng không nên bao gồm việc tước tự do” (đoạn 18(e)). Vì vậy, nên giữ nguyên biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng như hiện nay là một biện pháp tư pháp có mức độ nghiêm khắc cao hơn biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng thấp hơn hình phạt tù có thời hạn.
Cũng có ý kiến cho rằng,quy định như Dự thảo là hợp lý bởi vì trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhẹ hơn mà không hiệu quả thì sẽ chuyển sang áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nhằm mục đích cải tạo họ. Ngoài ra, những trường hợp người chưa thành niên phạm tội có tính chất nghiêm trọng thì việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa bảo đảm mục đích cải tạo họ mà không phải quay lại quy trình tố tụng hình sự phức tạp[12].
Tác giả cho rằng, những lập luận trên chưa thật sự thuyết phục, vì khi đối chiếu với chuẩn mực quốc tế và cả pháp luật Việt Nam hiện hành đã cho thấy, biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là một hình thức của trách nhiệm hình sự khá nghiêm khắc khi tước tự do của người chưa thành niên. Đây không phải biện pháp xử lý dựa vào cộng đồng và xã hội. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào tên gọi, mục đích của biện pháp này trên lý thuyết mà làm thay đổi bản chất của nó.
3.2. Điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Điều 37 Dự thảo quy định 03 điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bao gồm: (i) Có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; (ii) Người chưa thành niên thừa nhận hành vi phạm tội; (iii) Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng. Để xây dựng các điều kiện này, Ban soạn thảo chắc chắn đã có sự tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật của một số quốc gia. Mặc dù vậy, theo tác giả, có một số vấn đề liên quan đến điều kiện thứ ba cần được bàn luận.
So với các bản dự thảo trước đây thì Dự thảo mới nhất đã không còn giữ lại cụm từ “tự nguyện” trong điều kiện thứ hai và thứ ba. Đối chiếu với giải thích của Ủy ban Quyền trẻ em trong Bình luận chung số 24 cho thấy hai yếu tố “tự do” và “tự nguyện” của người chưa thành niên trong việc thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là rất quan trọng và có cơ sở. Thiếu vắng bất kỳ yếu tố nào đều có khả năng dẫn đến sự thất bại trong quá trình giám sát, giáo dục người chưa thành niên khi xử lý chuyển hướng. Chỉ khi bản thân người chưa thành niên có sự tự do ý chí và tự nguyện thừa nhận hành vi sai phạm thì họ mới có trách nhiệm và mong muốn được giáo dục, cải tạo cũng như khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Vì vậy, theo tác giả, cần phải bổ sung yêu cầu về sự “tự do và tự nguyện” của người chưa thành niên trong điều kiện thứ hai và thứ ba tại Điều 37 Dự thảo.
Đối với điều kiện thứ ba, Ban soạn thảo cũng đã có sự điều chỉnh so với quy định tại Điều 92 của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi đã bỏ cụm từ “người đại diện hợp pháp của họ”. Điều này có nghĩa chỉ cần người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là được mà không cần xét đến ý chí của người đại diện. Sự điều chỉnh này tương thích với Bình luận chung số 24 của Ủy ban Quyền trẻ em hơn so với Quy tắc Bắc Kinh (có thể căn cứ vào sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ)[13]. Tuy nhiên, về vấn đề này, Ban soạn thảo nên tham khảo thêm các giải thích của Ủy ban Quyền trẻ em tại các đoạn 35-37 và 52 của Bình luận chung số 12 về quyền được lắng nghe của trẻ em[14]. Theo đó, Ủy ban Quyền trẻ em khuyến nghị bất kỳ lúc nào có thể trẻ em nên được trao cơ hội để được lắng nghe trực tiếp trong tất cả các loại tố tụng. Nếu đứa trẻ lựa chọn được lắng nghe thông qua người đại diện (có thể là cha mẹ, luật sư hoặc người khác ví dụ như nhân viên xã hội) thì điều quan trọng là phải bảo đảm rằng người đại diện chuyển tải chính xác ý kiến của đứa trẻ đến người có thẩm quyền. Đặc biệt là liên quan đến xử lý chuyển hướng, bao gồm việc hoà giải, Ủy ban Quyền trẻ em nhấn mạnh đứa trẻ phải có cơ hội thể hiện sự đồng ý một cách tự do, tự nguyện và cơ hội được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý và các vấn đề khác trong việc xác định sự phù hợp và mong muốn đối với biện pháp xử lý chuyển hướng được đề nghị áp dụng[15]. Vì vậy, khi Dự thảo được thông qua, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng quy định về điều kiện thứ ba này.
4. Xử lý trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vi phạm nghĩa vụ
Theo quy định của Dự thảo, tùy thuộc vào số lần vi phạm nghĩa vụ, người chưa thành niên sẽ bị gia hạn thời hạn áp dụng (Điều 74) hoặc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 76). Ban soạn thảo cho rằng, cách tiếp cận này nhằm “bảo đảm nghiêm minh, cũng như nâng cao hiệu quả giáo dục người chưa thành niên”[16]. Về cơ bản, người được áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng (trừ biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng) có thể bị gia hạn thời gian áp dụng biện pháp đó nếu trong thời gian thực hiện nghĩa vụ mà cố ý vi phạm nghĩa vụ 01 lần (khoản 1 Điều 74). Trong khi đó, người chưa thành niên có thể được thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng nếu xét thấy biện pháp được áp dụng không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khách quan hoặc không đạt được mục đích giáo dục, cải tạo (khoản 1 Điều 76). Nghiêm trọng nhất là trường hợp người chưa thành niên bị thay đổi sang áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Điều này xảy ra khi họ cố ý vi phạm nghĩa vụ 01 lần trong thời gian thực hiện nghĩa vụ đã được gia hạn; hoặc cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên trong thời gian thực hiện nghĩa vụ (khoản 2 Điều 76).
Những quy định trên của Dự thảo có điểm khác biệt so với tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật của một số quốc gia. Thay vì phải quay trở lại thủ tục tố tụng hình sự để giải quyết vụ án khi người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ trong quá trình xử lý chuyển hướng thì Việt Nam gia hạn thời gian áp dụng hoặc chuyển sang biện pháp xử lý chuyển hướng khác mang tính nghiêm khắc hơn. Điều này có nghĩa một khi đã được xử lý chuyển hướng thì trong mọi trường hợp người chưa thành niên sẽ không bị đưa trở lại quá trình tố tụng hình sự thông thường, trừ khi họ thực hiện hành vi phạm tội mới (khoản 4 Điều 81). 
Mặc dù cách tiếp cận này mang tính nhân đạo và phù hợp với nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)[17] nhưng cần cân nhắc một cách cẩn trọng. Thống kê cho thấy, từ trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018 có đến gần 70% người chưa thành niên phạm tội ở nước ta bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn[18]. Do vậy, việc đột ngột chuyển sang áp dụng một cách quá “mềm dẻo” với người chưa thành niên có phù hợp với tình hình tội phạm và bảo đảm được mục đích giáo dục, răn đe hay không, đặc biệt là đối với những trường hợp vi phạm các nghĩa vụ kèm theo biện pháp xử lý chuyển hướng, cần được phân tích và đánh giá khoa học dựa trên việc tìm hiểu đầy đủ thực tiễn. Bên cạnh đó, các nguồn lực hỗ trợ việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên khi đang áp dụng xử lý chuyển hướng ở nước ta chưa được chuẩn bị đầy đủ cũng là một yếu tố cần phải chú ý. Sự thiếu vắng hoặc hoạt động không hiệu quả của các nguồn lực này rất dễ dẫn đến tình trạng người chưa thành niên vi phạm các nghĩa vụ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy định của luật, nhiều người chưa thành niên có khả năng bị đưa vào trường giáo dưỡng và như vậy sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn khi trước đây đã từng giải thể trường giáo dưỡng để thành lập trại giam[19], còn tương lai có thể thực hiện điều ngược lại. Trong khi đó, giáo dục tại trường giáo dưỡng vẫn là một biện pháp tước tự do theo quan điểm của Ủy ban Quyền trẻ em và không thể là biện pháp xử lý chuyển hướng.
5. Thẩm quyền, thời điểm và thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
5.1. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Hiện nay, Dự thảo quy định thẩm quyền và thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Chương V (từ Điều 51 đến Điều 68). Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Điều 51 Dự thảo nêu ra hai phương án như sau:
“Phương án 1
1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 34 của Luật này.
2. Thẩm phán, Hội đồng xét xử có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 34 của Luật này.
Phương án 2
Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 34 của Luật này theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát”.
Theo phương án thứ nhất, cả ba cơ quan tiến hành tố tụng đều có quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên tương ứng với giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tuy nhiên, phạm vi thẩm quyền Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát bị giới hạn hơn thể hiện ở chỗ họ không có quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà chỉ có quyền đề nghị Toà án xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp này; còn theo phương án thứ hai thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý chuyển hướng nào mà chỉ có quyền đề nghị Toà án áp dụng.
Mỗi phương án trên đều có những ưu nhược điểm nhất định. Ưu điểm của phương án này là nhược điểm của phương án kia và ngược lại. Nếu giao cho một cơ quan duy nhất là Toà án quyết định thì vừa bảo đảm áp dụng thống nhất, tránh dàn trải; vừa bảo đảm tính chặt chẽ, cẩn trọng trong việc xem xét, quyết định các chế tài xử lý người chưa thành niên không tuân thủ việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng[20]. Ngoài ra, phiên họp còn có sự tham gia của Kiểm sát viên và các chủ thể khác nên Toà án sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin từ nhiều phía làm cơ sở cho việc ra quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hợp lý, đúng đắn. Tuy nhiên, nếu quy định theo phương án này thì sẽ làm chậm quá trình xem xét đưa người chưa thành niên ra khỏi quá trình tố tụng hình sự thông thường do phải qua nhiều thủ tục.
Đối với vấn đề này nhà làm luật buộc phải lựa chọn phương án nào phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhất. Trong phần diễn giải của Quy tắc Bắc Kinh về xử lý chuyển hướng (Quy tắc số 11) cũng đã nói rõ: “thẩm quyền này có thể giao cho một cơ quan hoặc một số sơ quan hoặc tất cả cơ quan, tùy thuộc vào các quy tắc và chính sách của hệ thống pháp luật quốc gia”. Tác giả ủng hộ phương án thứ nhất vì giúp bảo đảm được một nguyên tắc đặc thù của tư pháp người chưa thành niên là giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời; qua đó hạn chế những tác động tiêu cực của tố tụng hình sự thông thường đối với người chưa thành niên bị buộc tội. Phương án thứ nhất cũng phù hợp với quy định hiện nay về thẩm quyền áp dụng ba biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 92 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 426 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và Quy tắc 11.2 Quy tắc Bắc Kinh, cụ thể đó là: Cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác có trách nhiệm giải quyết những vụ án liên quan đến người chưa thành niên cần được toàn quyền xử lý những vụ án như vậy mà không dùng đến những phiên tòa chính thức, theo tiêu chuẩn đã được định ra cho mục đích đó trong từng hệ thống pháp luật và theo các nguyên tắc đã được nêu trong văn kiện này”. Phương án này cũng được sự ủng hộ của nhiều cơ quan như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[21].
Hơn nữa, Dự thảo cũng đã quy định phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng có sự tham gia của Kiểm sát viên (trong trường hợp người ra quyết định mở phiên họp là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thẩm phán); có sự tham gia của Điều tra viên (trong trường hợp người ra quyết định mở phiên họp là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát). Quy định này hướng đến mục đích bảo đảm có sự kiểm tra, giám sát và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra liên quan đến việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm.
Một vấn đề khác là tại phương án thứ nhất nêu trong khoản 2 Điều 51 Dự thảo, Ban soạn thảo đã liệt kê “Hội đồng xét xử” như một chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Quy định này phải xem xét lại vì không tương thích với quy định tại khoản 4 Điều 54 Dự thảo. Theo đó, thời điểm muộn nhất để quyết định mở phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và thẩm quyền này thuộc về Thẩm phán. Nói cách khác, sẽ không có trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Hội đồng xét xử lại mở phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
5.2. Thời điểm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Như trên đã đề cập, thời điểm sớm nhất để Cơ quan điều tra đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là sau khi có quyết định khởi tố bị can và thời điểm muộn nhất là khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Liên quan đến vấn đề này hiện nay có hai loại ý kiến:[22] Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như Dự thảo là phù hợp. Khi thấy người chưa thành niên có đủ căn cứ để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (chưa cần có kết luận điều tra hoặc cáo trạng) thì phải đề nghị áp dụng ngay để bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Ngược lại, loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải có đủ căn cứ xác định người chưa thành niên có phạm tội hay không, phạm tội được quy định tại điều nào của Bộ luật Hình sự. Nếu chưa có kết luận điều tra hoặc cáo trạng thì Tòa án chưa đủ căn cứ vững chắc để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Tác giả ủng hộ ý kiến thứ nhất vì như đã đề cập, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên là một trong những nguyên tắc đặc thù của tư pháp người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (khoản 7 Điều 414) và Dự thảo (Điều 10). Việc để người chưa thành niên quá lâu trong quá trình tố tụng hình sự thông thường được chứng minh đã để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với họ. Ủy ban Quyền trẻ em tại Bình luận chung số 24 (đoạn số 16) đã nhấn mạnh rằng, các cơ hội để xử lý chuyển hướng nên được đưa ra càng sớm càng tốt sau khi đứa trẻ tiếp xúc với hệ thống tư pháp, và trong nhiều giai đoạn của quá trình tố tụng[23]. Quan điểm này được nhắc lại một lần nữa tại đoạn số 72 của Bình luận chung số 24. Loại ý kiến thứ hai mặc dù xuất phát từ sự thận trọng nhưng không phù hợp với chuẩn mực quốc tế về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên. Nếu đợi đến khi có kết luận điều tra mới đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì khá trễ và bị can là người chưa thành niên đã trải qua toàn bộ giai đoạn điều tra với nhiều hoạt động tố tụng lẫn nghiệp vụ có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của họ, và như vậy không bảo đảm được mục đích của xử lý chuyển hướng. Quan điểm này cũng chưa chú ý đến những điều kiện cần phải đáp ứng trước khi áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 37 Dự thảo).
5.3. Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Dự thảo quy định thủ tục xem xét, quyết định áp dụng đối với hai loại biện pháp xử lý chuyển hướng là xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng và giáo dục tại trường giáo dưỡng (từ Điều 56 đến Điều 64). Ban soạn thảo quy định chi tiết thủ tục tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 62). Đối với phiên họp xem xét việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng khác thì quy định mang tính dẫn chiếu đến thủ tục tại Điều 62 (khoản 4 Điều 57). Tác giả nhận thấy, quy định mang tính dẫn chiếu này không hợp lý vì phiên họp xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng do Thẩm phán tiến hành còn phiên họp xem xét áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng khác có thể do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện.
Tiếp đến, trong trường hợp Toà án không chấp nhận đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì Toà án sẽ trả hồ sơ vụ việc cho hai cơ quan này để giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự thông thường (Điều 64 Dự thảo). Tuy nhiên, Ban soạn thảo lại thiếu sót khi không quy định cách thức giải quyết đối với trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đã được đề nghị áp dụng bởi chính người chưa thành niên (khoản 6 Điều 21 Dự thảo). Hiện nay, Dự thảo chỉ dừng lại ở các quy định về giải quyết khiếu nại đối với việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sau khi giải quyết khiếu nại vẫn giữ nguyên quyết định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì vụ án chắc chắn phải quay về thủ tục tố tụng hình sự thông thường để giải quyết.

Ngoài ra, Ban soạn thảo còn bỏ sót một quy định rất quan trọng đã được nhấn mạnh trong văn kiện Những nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng các chương trình tư pháp phục hồi trong các vấn đề hình sự của Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (nguyên tắc số 08) và Bình luận chung số 24 (đoạn 18(a)) của Ủy ban Quyền trẻ em, đó là sự tham gia hoặc chấp nhận trách nhiệm của người chưa thành niên trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không được sử dụng làm chứng cứ để chống lại họ trong quá trình tố tụng hình sự sau đó. Thiếu vắng quy định này sẽ tạo rào cản cho người chưa thành niên trong việc thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, cũng như gây bất lợi cho họ trong việc thực hiện quyền bào chữa khi quay lại thủ tục tố tụng thông thường[24]./.



[1] Dự thảo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, tháng 4/2024.
[2] United Nations Standard Minimum Rules for the Administration of Juvenile Justice (The Beijing Rules).
[3] Rule 11.1: “dealing with juvenile offenders without resorting to formal trial”.
[4] United Nations Model strategies and practical measures on the elimination of violence against children in the field of crime prevention and criminal justice.
[5] “Diversion” refers to a process for dealing with children alleged as, accused of or recognized as having infringed criminal law as an alternative to judicial proceedings, with the consent of the child and the child’s parents or legal guardian.
[6] General comment No. 24 (2019) on children’s rights in the child justice system.
[7] Diversion: measures for referring children away from the judicial system, at any time prior to or during the relevant proceedings.
[8] Basic principles on the use of restorative justice programmes in criminal matters.
[9] Lê Huỳnh Tấn Duy, “04 điều cần lưu ý về biện pháp xử lý chuyển hướng”, trích dẫn trong Nhóm phóng viên, Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có gì khác hình phạt tù có thời hạn, https://plo.vn/bien-phap-giao-duc-tai-truong-giao-duong-co-gi-khac-hinh-phat-tu-co-thoi-han-post789395.html, truy cập ngày 11/5/2024.
[10] Lê Huỳnh Tấn Duy, tlđd.
[11] Tham khảo thêm: Nguyễn Thị Phương Hoa, Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong quy định của Bộ luật hình sự, tr.152-169, trong Nguyễn Thị Phương Hoa và Lê Huỳnh Tấn Duy (2022), Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, Nxb. Công an nhân dân.
[12] Toà án nhân dân tối cao (2023), Giới thiệu một số vấn đề lớn và gợi ý nội dung thảo luận đối với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Tài liệu phục vụ Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo, tr.1.
[13] Quy tắc 11.3 của Quy tắc Bắc Kinh.
[14] General comments no. 12, 2009, “The right of the child to be heard”.
[15] “In case of diversion, including mediation, a child must have the opportunity to give free and voluntary consent and must be given the opportunity to obtain legal and other advice and assistance in determining the appropriateness and desirability of the diversion proposed”.
[16] Toà án nhân dân tối cao, Tờ trình số 48/TTr-TANDTC về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, ngày 30/3/2024, tr.8.
[17] UNICEF Regional Office for Europe and Central Asia (2022), Diversion of Children in Conflict with the Law from Formal Judicial Proceedings in Europe and Central Asia, p.16.
[18] Bộ Tư pháp và UNICEF (2019), Báo cáo nghiên cứu pháp luật về phòng ngừa, xử lý, phục hồi, tái hoà nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại Việt Nam, tr.81-82.
[19] [19] Điển hình như Trại giam Long Hoà được thành lập vào năm 2015 trên cơ sở giải thể Trường giáo dưỡng số 5, chuyển giao Phân trại số 3, Phân trại số 5 của Trại giam Thạnh Hoà. Nguồn: Văn Vĩnh, “Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác tại Trại giam Long Hoà”, Công an nhân dân online (ngày 02/6/2017).
[20] Toà án nhân dân tối cao (2023), tlđd, tr.2.
[21] Toà án nhân dân tối cao (2024), Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Bộ, ngành đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, tr.3-4. 
[22] Toà án nhân dân tối cao (2023), tlđd, tr.2.
[23] Opportunities for diversion should be available from as early as possible after contact with the system, and at various stages throughout the process.
[24] Lê Huỳnh Tấn Duy, tlđd.