Một số góp ý về chế độ tử tuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

06/06/2024

 
Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích những vấn đề được bổ sung và chỉ ra một số điểm còn hạn chế trong các quy định về chế độ tử tuất của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện các quy định về chế độ tử tuất trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Từ khoá: chế độ tử tuất, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất, Luật Bảo hiểm xã hội.
Abstract: Within this article, the authors provide discussions and analyses of newly added contents and also point out a number of shortcomings in the provisions on survivorship allowance benefits under the Draft Law on Social Insurance (amended). On that basis, the authors also give out a number of recommendations for further improvement of the provisions on survivorship allowance benefits in the Draft Law on Social Insurance (amended) so that they meet the requirements of practical performance and protect the rights and benefits of individuals and organizations in society.
Keywords: survivorship allowance benefits, funeral allowance, lump-sum survivorship allowance, Law on Social Insurance of 2014.
Anh-minh-hoa-bai-9.png 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Hiện nay, chế độ tử tuất là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội (BHXH), gồm khoản trợ cấp bằng tiền nhằm bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập từ lao động cho thân nhân của người lao động (NLĐ) khi NLĐ chết, dựa trên cơ sở hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung từ sự tham gia đóng góp của người sử dụng lao động, NLĐ được sự bảo trợ của Nhà nước nhằm ổn định đời sống cho thân nhân trong gia đình của NLĐ[1]. Chế độ tử tuất được xây dựng trong cả loại hình BHXH bắt buộc (là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và người sử dụng lao động phải tham gia[2]) và loại hình BHXH tự nguyện (là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất[3]).
Trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật BHXH năm 2014, trải qua rất nhiều lần chỉnh lý sửa đổi, bản Dự thảo Luật BHXH ngày 13/03/2024 (Dự thảo) là bản mới nhất ghi nhận chế độ tử tuất của BHXH bắt buộc tại Mục 4 Chương V (từ Điều 81a đến Điều 90) và Mục 3 Chương VI (từ Điều 106a đến Điều 112a) đối với chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện.
1. Về đối tượng hưởng chế độ tử tuất
Dự thảo đã bổ sung Điều 81a và Điều 106a về “đối tượng hưởng chế độ tử tuất”. Đối với BHXH bắt buộc tại Điều 81a: “Đối tượng hưởng chế độ tử tuất của người tham gia BHXH bị chết là thân nhân quy định khoản 2 Điều 83, khoản 3 Điều 85 của Luật này; người thừa kế quy định tại khoản 4 Điều 85 của Luật này; tổ chức, cá nhân lo mai táng quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật này”. Đối với BHXH tự nguyện tại Điều 106a: “Đối tượng hưởng chế độ tử tuất của người tham gia BHXH tự nguyện bị chết là tổ chức, cá nhân lo mai táng quy định tại khoản 1 Điều 107 của Luật này; thân nhân quy định tại khoản 2 Điều 107 của Luật này và khoản 1 Điều 108 của Luật này”.
Nhìn chung, hai điều luật này ghi nhận đối tượng được hưởng trợ cấp tử tuất gồm cá nhân, tổ chức lo mai táng; hoặc thân nhân của đối tượng tham gia BHXH chết hoặc người thừa kế của đối tượng tham gia BHXH chết. Quy định nêu trên góp phần làm rõ những chủ thể được thụ hưởng chế độ tử tuất, liệt kê những đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Tuy nhiên, cách triển khai quy định theo hướng dẫn chiếu đến các điều luật khác làm cho điều luật này khá khó hiểu và dễ gây nhầm lẫn. Tác giả cho rằng, việc bổ sung quy định này không thực sự cần thiết, bởi lẽ mỗi quy định về trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần đều ghi nhận đối tượng cụ thể được hưởng từng loại trợ cấp và mỗi loại trợ cấp, đối tượng được hưởng là khác nhau. Với cách quy định bổ sung tại Điều 81a và Điều 106a cho thấy rất dễ gây nên sự nhầm lẫn giữa các đối tượng được hưởng chế độ tử tuất và cũng không giải quyết được hạn chế gì từ bất cập của các quy định về chế độ tử tuất này.
2. Về trợ cấp mai táng
2.1. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Đối tượng áp dụng trợ cấp mai táng
Dự thảo ghi nhận những đối tượng được áp dụng trợ cấp mai táng bao gồm: “1. Đối tượng sau đây khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng: a) Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Luật này có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên; b) Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Luật này chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; c) Người đang hưởng lương hưu hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu hoặc đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc”. Quy định này đã có những thay đổi so với Luật BHXH năm 2014 như sau:
- Đầu tiên, thay đổi thuật ngữ “những người” hoặc “người lao động” thành từ “đối tượng” để bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 3 về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng không có sự ảnh hưởng nhiều bản chất của quy định, bởi bản thân đối tượng tham gia BHXH tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 là NLĐ, là cá nhân chứ không phải là “tổ chức”.
- Thứ hai, thay đổi tại điểm b khoản 1 Điều 82 của Dự thảo về việc giới hạn đối tượng tham gia BHXH bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là đối tượng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, góp phần phân biệt với đối tượng NLĐ tham gia BHXH tự nguyện chết.
- Thứ ba, bổ sung thêm đối tượng “đang tạm dừng hưởng lương hưu”[4] chết thì vẫn là đối tượng được áp dụng trợ cấp mai táng là phù hợp. Tạm dừng hưởng lương hưu là trường hợp mà NLĐ không nhận được lương hưu trong một khoảng thời gian, nếu trong giai đoạn đó, họ chết, chỉ vì quy định không liệt kê trường hợp này mà cá nhân, tổ chức lo mai táng không được hưởng trợ cấp là không bảo đảm quyền lợi của họ.
- Ngoài ra, điểm khác biệt rõ nét nhất trong lần sửa đổi này là Dự thảo mở rộng đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp mai táng cho các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc như NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam (khoản 2 Điều 3). Đồng thời, trợ cấp mai táng cũng áp dụng mở rộng cho NLĐ chết thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc… Sở dĩ có sự thay đổi này là do sự mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo khoản 1 Điều 3 Dự thảo so với khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014. Điều này là phù hợp với xu thế mở rộng diện bao phủ BHXH, phù hợp với tính thần nhân văn của chế độ BHXH.
Mức hưởng trợ cấp mai táng
Khoản 2 Điều 66 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia BHXH chết”. Dự thảo ngày 09/10/2023 sửa đổi theo hướng ghi rõ số tiền trợ cấp là “18.000.000 đồng”. Đồng thời, để đề phòng mức trợ cấp mai táng có thể không phù hợp do biến động thị trường, mức sinh hoạt, chi phí tăng cao, Dự thảo ngày 09/10/2023 đã đưa ra quy định mở khi cho phép mức trợ cấp mai táng có thể thay đổi nếu Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu.
Việc bỏ cách tính trợ cấp mai táng dựa trên mức lương cơ sở là phù hợp theo chủ trương cải cách tiền lương của Trung ương (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp). Từ ngày 01/7/2023, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng so với trước đây là 1,49 triệu đồng/tháng, tương đương với tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đây. Trên thực tế, tại thời điểm này, mức trợ cấp mai táng theo Dự thảo ngày 09/10/2023 cũng tương đương với quy định của Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 10 lần mức lương cơ sở là 18.000.000 đồng. Mức trợ cấp mai táng với ấn định số tiền cụ thể như Dự thảo ngày 09/10/2023 cho thấy không có sự phân biệt về nghề nghiệp, vùng, miền hay mức đóng, nhưng  cũng có thể sẽ phát sinh những hạn chế nhất định khi giá trị đồng tiền chưa ổn định hoặc nếu nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao. Tuy nhiên, đến bản Dự thảo ngày 13/03/2024 đã có sự sửa đổi như sau: “Mức trợ cấp mai táng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực và việc điều chỉnh theo quy định của Chính phủ”. Ở đây, điều luật chỉ ghi nhận “mức điều chỉnh” được thực hiện theo quy định của Chính phủ nhưng không xác định rõ số tiền, hoặc mức đóng cụ thể hiện này là bao nhiêu, cho thấy sự không rõ ràng trong quy định. Vì vậy, tác giả đề xuất điều chỉnh theo hướng: “Mức trợ cấp mai táng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực. Chính phủ quy định cụ thể về mức trợ cấp mai táng này”.
Tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hiệp hội Bảo hiểm y tế (The Health Insurance Association) cũng ấn định số tiền cụ thể là 50.000 Yên để thanh toán chi phí tang lễ trong trường hợp người được bảo hiểm qua đời. Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ thanh toán chi phí này cho người thực tế đã thực hiện việc chôn cất người quá cố trong trường hợp người này không có người thân thích hay bạn bè[5].
2.2. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng trợ cấp mai táng
Điều 80 Luật BHXH năm 2014 ghi nhận đối tượng áp dụng trợ cấp mai táng bao gồm: (i) NLĐ có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên và (ii) Người đang hưởng lương hưu. Điểm a khoản 1 Điều 107 Dự thảo đã bổ sung như sau: “Người có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên. Trường hợp vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên thì trợ cấp mai táng được thực hiện theo quy định của BHXH bắt buộc”. Quy định này cho thấy sự mở rộng đối tượng so với Luật BHXH năm 2014 về trường hợp NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH. Điều này đã cho thấy tính nhân văn của pháp luật BHXH, bởi lẽ bản thân quy định bảo lưu thời gian đóng BHXH giúp bảo vệ lợi ích cho NLĐ, giúp cộng dồn thời gian tham gia BHXH sau đó để bảo đảm điều kiện xét hưởng các chế độ như lương hưu, thất nghiệp hay hưởng BHXH một lần. Vì vậy, nếu một NLĐ đã có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên và đang trong giai đoạn bảo lưu đóng BHXH mà chết thì người lo hậu sự vẫn được nhận trợ cấp mai táng. Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung về trường hợp có sự kết hợp của thời gian đóng BHXH tự nguyện và đóng BHXH bắt buộc đủ 12 tháng thì áp dụng quy định BHXH bắt buộc. Quy định này cho thấy nhà làm luật khuyến khích NLĐ tham gia BHXH bắt buộc hơn.
Thế nhưng, có thể thấy quy định về điều kiện hưởng chế độ mai táng của BHXH tự nguyện có sự khác biệt với BHXH bắt buộc khi BHXH tự nguyện yêu cầu thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên, trong khi BHXH bắt buộc chỉ là 12 tháng. Tác giả cho rằng, Dự thảo nên sửa đổi theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH nhằm bảo đảm sự công bằng giữa NLĐ tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc, để bảo đảm tinh thần nhân văn, tôn trọng truyền thống văn hoá dân tộc nhằm hỗ trợ chi phí để mai táng cho người đã chết và sự sẻ chia tinh thần với thân nhân của NLĐ chết. Vì vậy, điểm a khoản 1 Điều 107 của Dự thảo nên điều chỉnh như sau: “Người lao động đang tham gia BHXH hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên.
Thứ ba, mức hưởng trợ cấp mai táng
Tại khoản 3 Điều 107 của Dự thảo ghi nhận: “Trợ cấp mai táng theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này”. Quy định này không có sự thay đổi so với Luật BHXH năm 2014 khi mức trợ cấp mai táng của BHXH tự nguyện và bắt buộc là như nhau.
Số tiền hưởng trợ cấp mai táng này tương ứng với thời gian đóng BHXH tự nguyện phải từ đủ 60 tháng trở lên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 của Dự thảo: “Người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên. Tuy nhiên, với đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng trợ cấp mai táng với thời gian đóng chỉ còn “từ đủ 12 tháng trở lên”như nội dung đã đề cập ở trên thì việc ghi nhận theo khoản 3 Điều 107 của Dự thảo để mức trợ cấp mai táng của BHXH tự nguyện giống với trợ cấp mai táng của BHXH bắt buộc sẽ không còn phù hợp, và hiện nay trợ cấp mai táng BHXH bắt buộc cũng không quy định rõ mức đóng được thực hiện như thế nào. Bởi lẽ, so với BHXH bắt buộc, khoản đóng góp của NLĐ tham gia BHXH tự nguyện thường thấp hơn rất nhiều.
Vì vậy, cần phải điều chỉnh mức hưởng trợ cấp mai táng phù hợp theo thời gian đóng BHXH tự nguyện. Quy định này nên được điều chỉnh theo hướng: “Trợ cấp mai táng thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Tại văn bản hướng dẫn chi tiết cần xác định, đối với người có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên thì xác định mức trợ cấp với số tiền cụ thể, hoặc trợ cấp mai táng bằng 1/5 lần (tương ứng với thời gian được hưởng là 12 tháng so với 60 tháng) mức trợ cấp mai táng của NLĐ đóng BHXH bắt buộc chết. Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu thì mức trợ cấp mai táng giống trường hợp người đang hưởng lương hưu mà đã tham gia BHXH bắt buộc.
3. Về trợ cấp tuất
3.1. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
3.1.1. Trợ cấp tuất hằng tháng
Thứ nhất, chủ thể được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Dự thảo ngày 13/03/2024 thì trường hợp NLĐ chết là NLĐ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 83 Dự thảo thì thân nhân của NLĐ sẽđược hưởng tuất hằng tháng. Trong đó, Dự thảo đã minh thị trong trường hợp cha mẹ là đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì cha mẹ bắt buộc phải là (i) cha đẻ, mẹ đẻ hoặc (ii) cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi”; đồng thời, tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng khẳng định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật…”. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con không chỉ tồn tại giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ mà còn tồn tại giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi. Con nuôi có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ nuôi; có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ nuôi. Do đó, khi NLĐ là con nuôi chết thì cha nuôi, mẹ nuôi của NLĐ chết phải là đối tượng đương nhiên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tương tự như cha đẻ, mẹ đẻ của NLĐ chết.
Chính vì vậy, quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 83 Dự thảo cần phải được chỉnh sửa lại theo hướng bổ sung thêm cha nuôi, mẹ nuôi của NLĐ chết là chủ thể được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Cụ thể:
“c) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình mà người quy định tại khoản 1 Điều này đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, nếu đủ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 63 của Luật này;
d) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; thành viên khác của gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, nếu chưa đủ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 63 của Luật này mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.
Thứ hai, số lượng chủ thể được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Khoản 2 Điều 84 Dự thảo quy định: “Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người…”. Vậy trong trường hợp NLĐ chết có số thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhiều hơn “04 người” thì lúc này việc xác định thân nhân nào được hưởng, thân nhân nào không được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng sẽ dựa vào quy tắc nào? Đây là vấn đề không chỉ Luật BHXH năm 2014 mà cả Dự thảo cũng “bỏ quên” không ghi nhận hướng xử lý. Thực tế cho thấy, tồn tại khá nhiều tranh chấp giữa những thân nhân của NLĐ đã chết liên quan đến việc ai sẽ là người được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thậm chí có những trường hợp một số thân nhân của NLĐ chết đã hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trong một thời gian dài nhưng sau đó lại bị những thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khác kiện đòi quyền trợ cấp tử tuất[6].
Do đó, Dự thảo cần ghi nhận minh thị về cách thức xác định thứ tự ưu tiên hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trong trường hợp NLĐ chết có số thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhiều hơn “04 người”. Theo đó, thứ tự ưu tiên hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có thể được sắp xếp dựa vào mối quan hệ giữa NLĐ chết với thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, cụ thể khoản 2 Điều 84 của Dự thảo có thể được sửa đổi như sau:
“Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người và được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thứ nhất gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; vợ, chồng; con; hàng thứ hai gồm: cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng; hàng thứ ba gồm: thành viên khác của gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Những người ở hàng sau chỉ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nếu không còn ai ở hàng trước do đã chết hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc nếu số người ở hàng trước không đủ 04 người.
Trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này”.
Thứ ba, quy định hạn chế thân nhân của NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Khác với đối tượng áp dụng trợ cấp mai táng thì trường hợp NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không áp dụng hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng. Điều này là tính toán phù hợp của Ban soạn thảo khi đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng có thân nhân ở nước ngoài. Tuy nhiên, nếu thân nhân họ là người Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc kể cả trường hợp thân nhân của họ là người nước ngoài nhưng đã đăng ký thường trú tại Việt Nam[7] thì không bảo đảm được quyền lợi của họ khi có nguyện vọng nhận trợ cấp tử tuất hằng tháng. Vì vậy, tác giả cho rằng cần bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 83 Dự thảo như sau: “Những người quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này, trừ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này mà có thân nhân sống tại nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng”.
Thứ tư, thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Khoản 3 Điều 84 Dự thảo quy định: “Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính kể từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này chết. Trường hợp con được sinh sau thời điểm người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 83 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh”. Như vậy, tùy thuộc vào thân nhân của NLĐ chết là chủ thể nào mà thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng là khác nhau. Cụ thể:
(i) Trường hợp thân nhân của NLĐ chết là con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ: thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được xác định là tháng mà con được sinh ra. Dự thảo bổ sung thêm trường hợp con được sinh sau thời điểm người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 83 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh”. Việc bổ sung của Dự thảo là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, bởi lẽ, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra (Điều 94), đồng thời, quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra (khoản 2 Điều 98).
(ii) Các trường hợp còn lại: thời điểm bắt đầu hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính kể từ ngày đầu tiên củatháng liền kề sau tháng mà NLĐ chết. Quy định này xác định rõ thời điểm bắt đầu được tính theo ngày đầu tiên của tháng, góp phần tránh những tranh chấp phát sinh về thời điểm tính mức trợ cấp và ưu tiên tính lợi hơn cho đối tượng được hưởng trợ cấp khi xác định từ ngày đầu tiên của tháng.
Tuy nhiên, Dự thảo đã loại bỏ trường hợp “khi cha chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh”. Nếu như việc bổ sung thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của thân nhân là con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ sau thời điểm người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết được xem là “sự tiến bộ” của Dự thảo, thì việc loại bỏ thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của thân nhân là con được sinh ra khi cha chết mà người mẹ đang mang thai lại là “bước thụt lùi” của Dự thảo. Bởi lẽ, con khi người mẹ đang mang thai mà người cha chết vẫn được xem là một trong những thân nhân của NLĐ chết đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 83 Dự thảo.
Do đó, thiết nghĩ để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định về các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, Dự thảo cần “tái ghi nhận” thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con khi người mẹ đang mang thai mà người cha chết. Cụ thể, khoản 3 Điều 84 Dự thảo nên được điều chỉnh lại là: “Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được tính kể từ ngày đầu tiêncủatháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này chết. Trường hợp khi cha chết mà người mẹ đang mang thai hoặc trường hợp con được sinh sau thời điểm người cha hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ chết quy định tại điểm a khoản 2 Điều 83 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh”.
Thứ năm, thay đổi đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
Khi NLĐ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 83 Dự thảo chết thì thân nhân của NLĐ chết có thể được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nếu họ là một trong những đối tượng được ghi nhận tại khoản 2 Điều 83 Dự thảo.
Có thể thấy, những người có thể trở thành đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng là tương đối nhiều, tuy nhiên, không phải tất cả họ đều được nhận trợ cấp tuất hằng tháng khi NLĐ chết mà theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Dự thảo thì số lượng thân nhân của NLĐ chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa chỉ có “04 người”. Lúc này, sẽ có một số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và một số thân nhân thì lại không được hưởng. Trong trường hợp, thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng chết hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì liệu rằng những thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng có được “thay thế” vị trí của thân nhân chết hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hay không? Liên quan đến vấn đề này hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, những thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không được thế vào vị trí của thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng chết hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Bởi lẽ, trợ cấp tuất hằng tháng gắn liền với nhân thân của người được hưởng, do đó, một khi đã xác định chính xác và cụ thể chủ thể được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì không thể thay đổi trong bất kỳ trường hợp nào.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hoàn toàn có thể thực hiện việc thay đổi đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Bởi lẽ, thân nhân của NLĐ chết không đương nhiên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà việc hưởng trợ cấp tuất này xuất phát từ việc NLĐ trước khi chết đã tham gia BHXH và đã đóng BHXH được một thời gian nhất định, hoặc đã đáp ứng được những điều kiện khác mà pháp luật BHXH quy định. Do đó, khi thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng chết hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì những thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khác có thể “thay thế” vị trí của những thân nhân này.
Theo quan điểm của tác giả, bên cạnh việc góp phần ổn định cuộc sống của thân nhân của NLĐ chết, thì việc cho phép thay đổi hoặc bổ sung thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng không được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng do đã “đủ” số lượng thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định, còn bảo đảm “nguyên tắc đóng - hưởng” của pháp luật BHXH. Tuy nhiên, nếu không có sự cẩn trọng trong quá trình xây dựng cơ chế thay đổi đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì có thể dẫn đến tình trạng các chủ thể lợi dụng quy định này để “trục lợi” BHXH. Do đó, việc thay đổi đối tượng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp nhất định và với một số chủ thể nhất định. Chẳng hạn, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Dự thảo, nếu người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng “cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng” mà người tham gia BHXH chết thì “cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng” có thể trở thành một trong những thân nhân của NLĐ chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp người chồng hoặc người vợ của NLĐ chết kết hôn hợp pháp với người khác thì việc “cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng” được tiếp tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng dường như không còn phù hợp. Lúc này, việc cho phép thân nhân khác đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được “thay thế” vị trí của “cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng” trong việc hưởng trợ cấp tuất hằng tháng là điều hợp lý.
3.1.2. Trợ cấp tuất một lần
Điều 69 Luật BHXH năm 2014 quy định các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần bao gồm: “Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần”. Quy định này đã được sửa đổi trong Dự thảo tại Điều 85 như sau: Người đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH quy định tại điểm b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này khi chết thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thân nhân được hưởng tiền tuất một lần”. Đây là quy định thay đổi đáng chú ý của Dự thảo. Điều 69 Luật BHXH năm 2014 quy định để thân nhân được hưởng chế độ tử tuất thì NLĐ đang đóng BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH phải có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên. Thế nhưng, việc bỏ sót trường hợp thân nhân của những NLĐ đã đóng BHXH bắt buộc dưới 12 tháng được hưởng trợ cấp tuất là không bảo đảm quyền lợi của họ và không có sự tương đồng với trợ cấp tuất theo BHXH tự nguyện. Vì theo Điều 81 Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH tự nguyện chưa đủ một năm thì thân nhân của họ vẫn được hưởng mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Do đó, với sự điều chỉnh này, không giới hạn thời gian đóng bảo hiểm, nếu NLĐ đang đóng BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng mà chết thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần. Theo đó, mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (Điều 86 Dự thảo).
3.2. Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thời gian đóng để hưởng trợ cấp tuất theo BHXH
Khoản 2 Điều 81 Luật BHXH năm 2014 có quy định: “Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH”. Trong Dự thảo, quy định này đã được điều chỉnh theo hướng thân nhân NLĐ chết được hưởng: Bằng số tiền đã đóng đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng chưa đủ 60 tháng”. Dự thảo quy định mức khung để thân nhân của NLĐ hưởng chế độ tử tuất của BHXH thì NLĐ phải tham gia ít nhất 60 tháng. Sự điều chỉnh này là phù hợp để hạn chế những trường hợp lợi dụng việc tham gia BHXH trong tình trạng đã biết về tình trạng sức khỏe bệnh tật hoặc có những ý định tiêu cực về cái chết để trục lợi bảo hiểm cho thân nhân. Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm được nguồn quỹ BHXH và khuyến khích NLĐ chủ động tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian dài.
Hạn mức tối thiểu hưởng trợ cấp tuất
Luật BHXH năm 2014 không quy định mức trợ cấp tuất một lần tối thiểu mà thân nhân NLĐ được hưởng. Lý do có thể liên quan đến nguồn quỹ của BHXH tự nguyện chưa dồi dào để có thể chia sẻ và xác định rõ hạn mức. Tuy nhiên, Dự thảo đã có sự bổ sung về hạn mức này đối với trường hợp NLĐ đang hưởng lương hưu chết giống với trợ cấp tuất một lần của BHXH bắt buộc, thân nhân của họ được nhận “mức trợ thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu hiện hưởng”(khoản 4 Điều 108 ). Tuy nhiên, đối với trường hợp trợ cấp tuất một lần cho thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà chết thì vẫn chưa có quy định về hạn mức tối thiểu này.

Vì vậy, tác giả đề xuất cần bổ sung về mức tối thiểu mà họ được nhận đối với trường hợp này giống BHXH bắt buộc như sau: “Mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội”. Sự bổ sung này là cần thiết để bảo đảm ý nghĩa của việc tham gia BHXH tự nguyện và khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, không nên có sự khác biệt trong quy định điều kiện hưởng giữa những người tham gia BHXH, vì họ đều thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào quỹ BHXH để hưởng chế độ hưu trí - tử tuất. Sự khác biệt này không bảo đảm tính công bằng giữa những người tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện./.

 


[1] Nguyễn Thị Hải Yến (2015), Chế độ tử tuất trong Luật Bảo hiểm xã hộiở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 26.
[2] Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH năm 2014.
[3] Khoản 3 Điều 3 Luật BHXH năm 2014.
[4] Các trường hợp “tạm dừng hưởng lương hưu” được ghi nhận tại Điều 73 của Dự thảo.
[5] IBM Japan Health Insurance Association, https://www.ibmjapankenpo.jp/eng/member/benefit/death_a.html, truy cập ngày 17/10/2022.
[6] Hồ Thu (2011), Chế độ tử tuất - Lắm rắc rối, nhiều bất cập, https://www.sggp.org.vn/che-do-tu-tuat-lam-rac-roi-nhieu-bat-cap-post174490.html, truy cập ngày 25/10/2023.
[7] Trường hợp người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.