UBTVQH cho ý kiến về các Dự thảo luật

01/03/2008

Tại phiên họp thứ 6 (từ 25/02 - 1/03/2008), ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số Dự luật sẽ trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII. Đồng thời, UBTVQH quyết định sẽ tiến hành chất vấn các Bộ trưởng vào phiên họp thứ 7 của UBTVQH và từng bước thực hiện truyền hình trực tiếp hoạt động này từ phiên họp thứ 8.
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế: Nâng mức đóng bảo hiểm y tế, hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân
Theo tờ trình của Chính phủ về Luật Bảo hiểm y tế, dự luật sẽ quy định hai hình thức thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) là bắt buộc và tự nguyện, quy định lộ trình để thực hiện BHYT bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng (trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo), xây dựng lộ trình BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên vào năm 2010, xã viên hợp tác xã từ năm 2012. Quy định nguyên tắc xác định mức đóng BHYT tối đa bằng 6% trên tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức học bổng hoặc mức lương tối thiểu chung.
Báo cáo thẩm tra của ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ: lộ trình đóng BHYT bắt buộc quá ngắn (1 - 3 năm) và nếu thực hiện lộ trình như Dự thảo thì cần lưu ý đến việc gắn kết giữa lộ trình BHYT bắt buộc toàn dân với mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm, lộ trình tăng ngân sách đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, chính sách cải cách tiền lương... đồng thời chuyển hướng từ đầu tư trực tiếp cho bệnh viện sang đầu tư cho người thụ hưởng thông qua BHYT. Về phương án tăng mức phí BHYT bắt buộc tối đa bằng 6% đối với người lao động có hưởng tiền lương, tiền công thì chủ sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3 mức đóng, ủy ban cho rằng, “BHYT hụt quỹ chủ yếu là do mệnh giá thẻ BHYT tự nguyện và BHYT người nghèo quá thấp. Tại sao không giải quyết nguyên nhân thâm hụt bằng cách điều chỉnh tăng mức đóng cho BHYT tự nguyện, người nghèo mà lại dự kiến tăng mức đóng BHYT bắt buộc? Liệu mức đóng tăng thì chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh có được cải thiện hay không? Quy định như vậy sẽ gây tâm lý tiêu cực cho người sử dụng lao động, người hưởng lương, người có thu nhập cao, gây mất bình đẳng trong chính sách BHYT. Uỷ ban cho rằng, phương án hai quy định mức đóng của đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm bằng 3% mức lương tối thiểu chung, các đối tượng còn lại mức đóng bảo hiểm y tế bằng 5% mức tiền lương, tiền công hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; đối tượng có tiền lương, tiền công thì chủ sử dụng đóng 3%, người lao động đóng 2% có tính khả thi hơn (cao hơn nhiều so với hiện tại; góp phần giải quyết nguyên nhân làm hụt quỹ BHYT). Việc tăng mức đóng BHYT bắt buộc lên 5% có thể giải thích bằng việc giúp BHYT hấp dẫn hơn khi mà có nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật y tế hiện đại đắt tiền được đưa vào sử dụng, mức đóng tăng đồng loạt cả BHYT bắt buộc và tự nguyện cũng tạo ra sự bình đẳng hơn.
Còn có nhiều ý kiến đa chiều từ các Uỷ viên UBTVQH, nhất là đối với quy định mở rộng đối tượng đóng BHYT bắt buộc toàn dân và nâng mức phí đóng bảo hiểm bắt buộc lên 6% như tờ trình của Chính phủ. Trước quy định này, đề nghị Bộ Y tế phải xem xét khả năng cân đối quỹ BHYT, vì hiện nay số người nghèo vẫn còn khoảng 16 triệu, người 85 tuổi trở lên khoảng 6 triệu, trẻ em dưới 6 tuổi là 8,5 triệu, người dân tộc thiểu số là 12 triệu, cận nghèo là 8 triệu...; cơ sở khoa học của việc quy định tỷ lệ tối đa là 6%, dự báo mức cân đối quỹ, có tính đến khả năng tham gia của Nhà nước. Với mức đóng tối đa 6% cho mọi đối tượng - sẽ gấp đôi hiện nay - thì sẽ hình thành được một quỹ BHYT với bao nhiêu tiền và khả năng quỹ đó có đáp ứng được yêu cầu đặt ra không? Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng của mỗi người dân và ngân sách nhà nước hiện nay đều rất khó khăn, nên Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo trước Quốc hội với 24 đối tượng như quy định trong dự thảo này, hàng năm Nhà nước phải chi bao nhiêu tiền? Cân đối ngân sách như thế nào? Thực trạng hiện nay, việc người dân mang thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh phải nhận một chế độ đối xử khác biệt so với những người trả “tiền tươi, thóc thật”, nên người dân có điều kiện hơn vẫn muốn đến một cơ sở y tế tư nhân có chất lượng tốt hơn, chứ không muốn sử dụng đến thẻ bảo hiểm y tế. Vậy, mức đóng bắt buộc cho BHYT (trong đó nhà nước phải trả tới 2/3) mà người có thẻ bảo hiểm không sử dụng có quá lãng phí? Đối với nhóm đối tượng là sinh viên, hộ cận nghèo Chính phủ phải có khảo sát, đánh giá tình hình thực tế về khả năng kinh tế của người dân. Hiện nay nhiều hộ nông dân phải nuôi 1- 2 con học đại học nên rất khó khăn, nếu họ phải chi thêm khoản BHYT bắt buộc nữa thì liệu có chịu nổi?  
 UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng hiện nay trong việc quản lý, sử dụng và điều tiết quỹ BHYT, những khó khăn và thuận lợi trong việc sử dụng nguồn này. Về mức đóng góp BHYT, UBTVQH sẽ đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Dự thảo Luật Công vụ: Tách bạch khối hành chính và sự nghiệp công
Đây là lần đầu Dự thảo Luật Công vụ được xin ý kiến UBTVQH. Vấn đề gây sốc nhất là dự luật đã mạnh dạn loại gần 2 triệu công chức hiện nay khỏi đối tượng điều chỉnh và lập tức, sự mạnh dạn này đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau từ các Uỷ viên UBTVQH. 
Tờ trình của Chính phủ nêu ra nhiều hạn chế của nền hành chính hiện nay. Các hạn chế đó đã làm cho hoạt động công vụ chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, phát sinh các tiêu cực ảnh hưởng đến đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của công chức, giảm sức sáng tạo trong hoạt động công vụ, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức Nhà nước trong quá trình phục vụ nhân dân. Các biểu hiện về thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về năng lực, chuyên môn, kỹ năng hành chính, phong cách làm việc ở một bộ phận cán bộ, công chức đã làm cho bộ máy hành chính trì trệ, kém hiệu quả.
Do đó, việc xây dựng dự Luật Công vụ là đổi mới một cách cơ bản hoạt động công vụ, công chức phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Luật Công vụ quy định rõ đối tượng áp dụng Luật Công vụ là công chức và các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.... là các tổ chức được Nhà nước thành lập và uỷ quyền để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Dự luật đưa toàn bộ các công chức, viên chức làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, thể thao ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này và chỉ giữ lại những người được tuyển dụng, bổ nhiệm để giữ chức vụ quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập là công chức.
UBTVQH đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ về đối tượng điều chỉnh của dự án luật. Theo quy định của dự thảo thì một số lượng rất lớn những người đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay sẽ không được coi là công chức. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương đổi mới tổ chức các đơn vị cung cấp dịch vụ công, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và trực tiếp tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, đặc biệt đối với những người đang công tác tại ngành giáo dục và y tế. Vì vậy, phải có thuyết trình rõ hơn về công tác chuẩn bị và lộ trình thực hiện, cơ chế chuyển đổi, chính sách tiền lương, các quy định về quyền, trách nhiệm, chế độ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo đối với những người này cũng như dự báo những hệ quả của việc chuyển đổi.
 Nhiều Uỷ viên UBTVQH ủng hộ việc tách khối sự nghiệp ra khỏi khối hành chính. Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, “trước kia các cơ quan sự nghiệp, các cơ quan chuyên môn cứ phải tuân theo những quy định đối với công chức mà quy định của công chức rất hay quên đặc thù của cán bộ cơ quan sự nghiệp. Bởi vậy từ tuyển dụng, tiêu chuẩn đến quản lý đều vướng. Thay vì tuyển được một nguời có chuyên môn giỏi thì chúng ta lại chỉ tuyển được một người chỉ có khả năng làm những công việc mang tính chất hành chính, học thuộc lòng những quy định hành chính”. Tuy nhiên, ông không ủng hộ việc quy định lãnh đạo đơn vị sự nghiệp là công chức: "Làm quản lý một cơ quan chuyên môn mà anh không có chuyên môn, chỉ thuần túy năng lực hành chính thì không đủ. Làm sao có thể quản lý một đề tài khoa học khi không hiểu về nó? Phải hiểu biết về các hoạt động chuyên môn thì mới quản lý được mọi hoạt động chuyên môn”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị cần thận trọng khi quy định về các đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Luật Công vụ. Hiện nay, chúng ta có gần 2 triệu cán bộ, nhân viên tại các đơn vị sự nghiệp. Đội ngũ này đa số là ở những vùng nông thôn, miền núi sống và thu nhập từ nguồn ngân sách nhà nước, nên bây giờ đặt vấn đề bỏ đối tượng này ra khỏi nhóm đối tượng là công chức có nên không, hay phải có lộ trình phù hợp?  
 Các Uỷ viên UBTVQH đồng ý với nhận định dự luật chưa thể hiện được đây là luật về công vụ mà mới chỉ là luật về công chức. Công vụ là nhiệm vụ công nhưng dự luật đang tập trung chủ yếu cho những quy định về quyền, về trách nhiệm, tuyển dụng, khen thưởng, bãi miễn công chức, chứ chưa xác định được công vụ là gì. Tại Điều 1 và Điều 2 của dự thảo đã mâu thuẫn với nhau. Điều 1 quy định: "Luật này quy định về hoạt động công vụ, công chức gồm các nguyên tắc hoạt động công vụ, điều kiện đảm bảo thực hiện công vụ, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công chức", thì trong Điều 2 lại khẳng định "công vụ ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm các hoạt động của các cơ quan Nhà nước tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, hoạt động của bộ máy lãnh đạo và quản lý các dịch vụ công". Về cơ bản, dự luật này đang là dự luật về công chức, chưa thể hiện rõ ràng ý tưởng xây dựng một luật về công vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, với những gì dự luật đang thể hiện thì mới chỉ ở dạng nâng Pháp lệnh Cán bộ, công chức lên thành Luật Cán bộ, công chức, chứ chưa thể là Luật Công vụ, vì nội dung của dự luật chưa toát lên tinh thần công vụ, chưa định nghĩa rõ ràng thế nào là công vụ. Chủ tịch Quốc hội đưa ra hai phương án để hoàn chỉnh dự luật, một là từ công tác tổng kết tình hình thực tiễn thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức, nâng tầm vị trí pháp lý, bổ sung những hạn chế để xây dựng một Luật về Cán bộ, công chức; hai là theo ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên xây dựng một đạo luật có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, điều chỉnh những đối tượng đang hoạt động trong lĩnh vực hành chính, phù hợp với đặc thù của Việt Nam, với tên gọi là Luật Công vụ hành chính nhà nước hoặc là Luật Công vụ cán bộ, công chức hành chính nhà nước.  
Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi): Quan điểm chưa thống nhất giữa cơ quan soạn thảo và ủy ban thẩm tra
Theo tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (Pháp lệnh) hiện hành có nhiều điểm không phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là mức xử phạt thấp. Do vậy, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi lần này đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước từ 70 triệu đồng hiện nay lên 500 triệu đồng và xác định từng mức phạt theo thẩm quyền, có sự phân biệt giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND phường các thành phố trực thuộc trung ương, giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND quận.  
 Tại báo cáo thẩm tra của ủy ban Pháp luật, ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ khi đề xuất sửa đổi tới 44 vấn đề trong 50 điều. UBPL cho rằng, lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề bức xức cần giải quyết ngay trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh. Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện sẽ được tiến hành khi nghiên cứu, xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Lý do ủy ban Pháp luật đưa ra ý kiến trên là xuất phát từ thực tế, Pháp lệnh hiện hành là pháp lệnh khung, muốn thi hành được cần có văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó cơ quan trình dự án cũng chưa báo cáo rõ, với phạm vi sửa đổi như vậy thì có bao nhiêu văn bản trong số trên 70 nghị định và hàng trăm thông tư phải sửa đổi, bổ sung và bao nhiêu văn bản cần ban hành mới để bảo đảm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung) và các cơ quan cần bao nhiêu thời gian, trong khi đó Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được nghiên cứu trình Quốc hội thông qua. Riêng đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh khác mà chưa được quy định trong luật hoặc pháp lệnh khác thì cần bổ sung, vì việc xử phạt có liên quan đến quyền công dân, không thể quy định trong nghị định, thông tư.
  Quan điểm của ủy ban thẩm tra nhận được sự đồng tình của nhiều ủy viên UBTVQH, nhất là về việc quy định thẩm quyền khác nhau về mức tiền phạt là không phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước là cùng một loại chức danh thì có nhiệm vụ, thẩm quyền như nhau. Pháp lệnh không nên phân biệt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cùng cấp giữa nông thôn và thành thị mà trái lại, cần quy định thống nhất thẩm quyền của các đối tượng này để bảo đảm phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật.  
Với đề nghị bổ sung quy định phạt tiền với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính cũng không nhận được sự đồng tình của ủy ban Pháp luật. Theo Uỷ ban Pháp luật thì quy định buộc cha mẹ hoặc người giám hộ nộp thay tiền phạt là không đúng nguyên tắc về trách nhiệm hành chính và thực tế, lứa tuổi này không phải là người lao động làm ra tiền. Do vậy, không nên mở rộng phạm vi, đối tượng bị xử phạt tiền thuộc thành phần trẻ vị thành niên.
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có giải trình thêm trước UBTVQH về lý do có quy định khác nhau về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính giữa chính quyền các đô thị lớn và nông thôn: “Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh từng nói là xử phạt giao thông mà chỉ là mức 20 nghìn, 40 nghìn ở thành phố thì không có ý nghĩa gì”. Ông đề nghị, nếu UBTVQH cho phép thì có thể có những quy định đặc thù cho thành phố Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng hợp các ý kiến thảo luận về dự thảo Pháp lệnh   và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Ban soạn thảo, ủy ban thẩm tra và các đại biểu tham dự phiên họp. Phó Chủ tịch đề nghị Ban soạn thảo, ủy ban thẩm tra chỉnh lý, xem xét lại các quy định cho phù hợp với thực tế.
*
  UBTVQH còn xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, Luật sửa đổi bổ sung Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; thảo luận, cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007 so với báo cáo Quốc hội, thông qua kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008, cho ý kiến về một số công tác khác của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.