Hệ thống cảnh báo và giám sát từ xa: Công cụ đảm bảo an ninh kinh tế - tài chính

01/02/2008

Với quyết tâm thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, qua hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng khá cao, ngày càng vững chắc, khẳng định là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế thế giới. Quá trình chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là quá trình nới lỏng và từng bước tự do hoá cơ chế quản lý kinh tế - tài chính, từ chỗ nhà nước quản lý nền kinh tế bằng biện pháp mệnh lệnh hành chính là chủ yếu chuyển sang quản lý và điều hành bằng luật pháp và biện pháp kinh tế, bằng cơ chế, chính sách. Vấn đề thực sự cấp bách đối với nền kinh tế - xã hội là phải có chính sách và chiến lược kinh tế, chiến lược tài chính phù hợp, hiệu quả để duy trì sự phát triển nhanh, ổn định và ngăn chặn, phát hiện, phòng ngừa có hiệu quả và ứng phó kịp thời các mất cân đối kinh tế tài chính vĩ mô và các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính có thể xảy ra trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần phải nhìn nhận những điều kiện có thể tạo nguy cơ gây mất ổn định, mất an ninh cho nền kinh tế - tài chính. Cần chủ động tạo lập hệ thống kiểm soát và cảnh báo từ xa để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đặc biệt là chủ động có giải pháp đối phó, ứng phó, hạn chế tối đa những bất lợi cho nền kinh tế - tài chính.
Yêu cầu phải xây dựng hệ thống cảnh báo và giám sát từ xa
Duy trì nền kinh tế - tài chính ổn định là cần thiết, nhưng phải hiểu ổn định trong sự vận động và phát triển. An toàn và an ninh cho nền kinh tế - tài chính là trạng thái không bị nguy hiểm từ phía các tác động bất lợi từ bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Giữ an toàn và an ninh cho nền kinh tế - tài chính là không tự mình gây hại cho mình, đồng thời ngăn chặn, hạn chế và ứng phó với những tác động bất lợi từ bên ngoài.
Vì vậy, cần phải tạo lập và duy trì một hệ thống cảnh báo, hệ thống giám sát từ xa để kiểm soát và hạn chế những tác động bất lợi từ bên trong nền kinh tế, phòng ngừa, phát hiện và chủ động có giải pháp ứng phó với những biến động gây tác động bất lợi đối với nền kinh tế. Cần phải thấy hết những rủi ro tiềm ẩn ngay trong nền kinh tế và những chính sách cũng như sự vận hành chính sách gây nên. Yêu cầu đặt ra với hệ thống cảnh báo, hệ thống giám sát từ xa là:
- Cần có hệ thống tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, an ninh của nền kinh tế - tài chính. Đó phải là một hệ thống tiêu chí có tính hệ thống, toàn diện, tính phân nhóm, tính điển hình, tính khả thi, tính phát triển và tính quốc tế. Đồng thời phải phù hợp đặc điểm và trình độ phát triển của Việt Nam.
- Phải lường hết và thấy được những rủi ro tiềm ẩn của bản thân nền kinh tế. Đặc biệt là các tiềm ẩn trong bản thân các chính sách, bản thân hệ thống hành chính, hệ thống quản lý. Từ đó có sự chủ động trong đề ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ xa. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các giải pháp ứng phó trong những hoàn cảnh cụ thể.
- Phân tích và đánh giá đúng mức những yếu kém, tồn tại trong nền kinh tế, trong hoạt động tài chính, đặc biệt là trong hoạt động đầu tư, huy động vốn đầu tư, trong hoạt động của thị trường tài chính và hoạt động ngân hàng, tín dụng, hoạt động của doanh nghiệp... Không chỉ thấy thực chất của những yếu kém mà phải thấy được nguyên nhân, căn nguyên của nguyên nhân để ngăn ngừa các tác động bất lợi và có giải pháp sớm hạn chế tác động bất lợi đối với nền kinh tế.
- Đánh giá và có sự nhìn nhận đúng mức những biến động bên ngoài và những bất ổn trong quan hệ kinh tế quốc tế, kể cả kinh tế đối ngoại, tài chính đối ngoại, cả trong vay và sử dụng vốn vay, trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong huy động vốn đầu tư gián tiếp, trong thị trường tài chính mở... Từ đánh giá để thiết lập hệ thống kiểm soát trong nước và biện pháp ngăn chặn, ứng phó.
- Nhận thức và đánh giá đúng mức các nguy cơ đe doạ an ninh kinh tế - tài chính do tăng trưởng nóng, thiếu bền vững, trong các hoạt động đầu tư, tín dụng, ngân hàng, trong hoạt động thương mại và cán cân thanh toán quốc tế.
- Thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống công cụ bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính trong nước, bao gồm hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm, thiết lập hệ thống dự phòng để bù đắp những tổn thất trong hoạt động kinh tế - tài chính (nếu xảy ra), xây dựng hệ thống các chính sách, cơ chế quy định quản lý và kiểm soát các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các thiết chế tài chính và thị trường tài chính, tăng cường hiệu quả và hiệu lực của các công cụ quy hoạch, kế hoạch, công cụ tài chính: thuế phí, lệ phí, phân bổ ngân sách và công cụ tiền tệ; tạo dựng và duy trì hệ thống giám sát kinh tế, giám sát tài chính.
- Cần duy trì an ninh an toàn kinh tế, tài chính cả ở tầm vĩ mô và vi mô, cả an ninh về các cân đối vĩ mô, an ninh về ngân sách nhà nước, về nợ quốc gia, nợ chính phủ, trong khu vực kinh tế doanh nghiệp và kinh tế dân doanh.
Mô hình và công cụ của hệ thống cảnh báo sớm
Thứ nhất, thiết lập mô hình phân tích, dự báo tác động và ảnh hưởng của các chính sáchđã ban hành và sẽ ban hành tác động đến nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài
Mỗi chính sách kinh tế, mỗi chính sách tài chính đều có độ trễ nhất định. Vì vậy, cần có sự phân tích mang tính định lượng và dự báo tác động của từng chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự ổn định phát triển, đến ngân sách nhà nước, đến từng nhóm lợi ích, từng tầng lớp dân cư và giai tầng xã hội.
 Thứ hai, thiết lập và vận hành mô hình phân tích dự báo tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam.
Mô hình dự báo tạo lập mối liên hệ giữa các biến số kinh tế, kể cả biến số ngoại sinh và biến số nội sinh. Mô hình phân tích dự báo phải đảm bảo tính đồng nhất, tính vững chắc và khả năng dự báo tốt. Mô hình phân tích và dự báo phải bao gồm cả khối cân đối kinh tế vĩ mô, khối sản xuất, khối đầu tư, khối kinh tế ngoại thương, khối tài chính quốc gia và ngân sách nhà nước. Mô hình phân tích dự báo phải đưa ra được các phương án khác nhau để từ đó chủ động trong chính sách kinh tế đối với tăng trưởng, đối với hoạt động thương mại quốc tế và chính sách huy động vốn đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ phát triển. Đồng thời, về mặt tài chính cần chủ động trong chính sách thu chi ngân sách, chính sách nâng cao tiềm lực nền tài chính quốc gia.
Thứ ba, xây dựng hệ thống tiêu thức, chuẩn mực để đánh giá và đảm bảo sự an toàn của nền kinh tế và an ninh tài chính
Các chỉ tiêu và tiêu thức phải vừa mang tính định tính, vừa định lượng. Các chỉ tiêu cần đạt được độ chính xác tương đối phụ thuộc chất lượng của thông tin hạch toán kế toán và thống kê. Việc thiết lập các tiêu chí và chỉ tiêu phụ thuộc khá nhiều vào bản chất kinh tế của các chỉ tiêu, cơ sở thu thập xử lý thông tin và độ tin cậy của thông tin thu nhận được. Sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng công khai hoá, minh bạch hoá sẽ tạo ra cơ hội và những thuận lợi rất căn bản cho hình thành các tiêu chí và tiêu thức này. Nhìn chung các tiêu chí và tiêu thức hình thành từ tổng kết thực tiễn còn ít cơ sở khoa học và diễn biến khá phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố đa dạng nên không ít chỉ tiêu được hình thành từ kết quả thực chứng.
Hệ thống tiêu chí đánh giá sự an toàn, an ninh của nền kinh tế, an ninh tài chính quốc gia cần phải thoả mãn các yêu cầu về tính hệ thống, toàn diện, phân nhóm, điển hình, tính khả thi, tính quốc tế và tính phát triển.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính nhà nước
 Cho đến nay, đã có khá nhiều luật về kinh tế - tài chính được ban hành, trong đó có nhiều luật đã và đang phát huy tác dụng trong đời sống kinh tế và xã hội như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ngân hàng, Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Thống kê, các luật thuế và quản lý thuế... Nhưng vẫn chưa có luật điều chỉnh toàn bộ tài chính quốc gia, tài chính nhà nước. Các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, các hoạt động vay nợ, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ, quản lý và sử dụng tài sản của nhà nước... chưa được điều chỉnh bằng luật. Do vậy, cần sớm ban hành Luật Tài chính nhà nước hoặc Luật Quản lý ngân quỹ nhà nước với những quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và có tính khả thi cao. Để phù hợp và đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý tài chính ngày càng đa dạng, phức tạp và thực hiện các cam kết quốc tế, đòi hỏi luật pháp tài chính phải có hiệu lực pháp lý cao, rõ ràng, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế.  
 Thứ năm, thiết lập hệ thống và phương tiện kiểm soát kinh tế - tài chính của nhà nước
 Giám sát kinh tế - tài chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khi các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính - tiền tệ xảy ra liên tục, có quy mô và mức độ nguy hiểm ngày càng lớn. Các nước phát triển cũng như đang phát triển đều chú trọng xây dựng và hoàn thiện các thể chế giám sát kinh tế, giám sát tài chính có hiệu quả thông qua tăng cường kỷ luật thị trường, thiết lập các cơ chế báo cáo bắt buộc một cách chính xác, trung thực, nâng cao độ tin cậy của các thông tin tài chính, kế toán, mở rộng công khai hoá và minh bạch hoá tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp.
- Cần thiết lập hệ thống giám sát và kiểm soát đối với các doanh nghiệp có vốn của nhà nước trên cơ sở hệ thống thông tin và khai báo công khai các thông tin tài chính của doanh nghiệp. Cần bảo vệ và phát triển vốn của nhà nước tại các công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn của nhà nước. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của đại diện tài chính nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần và công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.
- Thiết lập hệ thống và phương tiện kiểm soát và thực hiện việc kiểm tra giám sát thông qua hệ thống khai báo thông tin bắt buộc. Tuỳ theo quy mô và tính chất và lĩnh vực hoạt động của công ty để có quy định về các báo cáo tài chính và các chỉ tiêu kinh tế - tài chính bắt buộc phải gửi cho cơ quan thuế và xuất trình cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đối với các công ty cổ phần, cần thực hiện chế độ công khai hoá thông tin tài chính và thông tin về kết quả kinh doanh định kỳ cho các cổ đông và cơ quan quản lý nhà nước.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về kế toán, về chuẩn mực kế toán. Thực hiện việc đăng ký sổ kế toán tại toà án, mở rộng hình thức công khai hoá và minh bạch hoá các thông tin tài chính của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng sử dụng hai hoặc nhiều hệ thống sổ kế toán.
- Thực hiện kiểm toán bắt buộc với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các quỹ, các công ty tài chính, chứng khoán và tất cả các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước. Khuyến khích thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
- Yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và bộ máy kiểm toán nội bộ trong các đơn vị, cơ quan quản lý và sử dụng ngân quỹ nhà nước, các doanh nghiệp có vốn của nhà nước. Trong hoàn cảnh phức tạp, kiểm soát từ bên ngoài đối với nền kinh tế, đối với hệ thống tài chính là chưa đủ, các cơ quan cấp trên cần chuyển hướng sang hình thức đánh giá chất lượng quản lý của các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức tài chính - ngân hàng đặt trọng tâm vào kiểm soát từ bên trong, khuyến khích các tổ chức tài chính - ngân hàng tự kiểm soát các giao dịch bằng cả quy trình nghiệp vụ, quy chế tổ chức và các quy định mang tính hành chính.
- Cần tổ chức lại hệ thống thanh tra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, đặc biệt là các hệ thống thanh tra chuyên ngành.
Toàn cầu hoá đã và đang thách thức tất cả hệ thống kinh tế - tài chính, hệ thống giám sát, kể cả các nước phát triển, các nước đang phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế. Vấn đề kiện toàn hệ thống giám sát, hệ thống cảnh báo sớm được các nước đặc biệt quan tâm, xem đó là chìa khoá đảm bảo sự ổn định trong phát triển và an ninh tài chính, lá chắn cho phép phát hiện, phòng ngừa nguy cơ khủng hoảng, nguy cơ tạo ra các bất ổn của nền kinh tế. Kinh tế thị trường nhấn mạnh và coi trọng tính chủ động, độc lập của các tổ chức kinh tế, coi trọng vai trò kiểm soát, kiểm tra từ bên trong, nhưng cũng nhấn mạnh tính chủ động trong cảnh báo, kiểm tra, giám sát từ phía nhà nước, lá chắn không thể thiếu cho một nền kinh tế ổn định và phát triển, một nền tài chính quốc gia tiềm lực cao và lành mạnh. Nhà nước có vai trò quan trọng trong thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống giám sát từ xa cho nền kinh tế. Từng doanh nghiệp, từng tổ chức kinh tế cần quan tâm xây dựng hệ thống phân tích dự báo và giám sát từ xa cho hoạt động của mình.