Vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong Công ước Viên năm 1980 và khuyến nghị cho Việt Nam

19/07/2023

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong Công ước Viên năm 1980 và nêu lên một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Từ khóa: Hợp đồng, lỗi trong hợp đồng, vi phạm hợp đồng.
Abstract: Within this article, the author provides an analysis of the provisions on anticipatory breach of contract under the Vienna Convention of 1980 and also gives out a number of recommendations for Vietnam.
Keywords: Contract; contract tort; breach of contract.
 HỢP-ĐỒNG_6.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong Công ước Viên năm 1980
Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (gọi tắt là CISG) với 93 thành viên, có hiệu lực từ ngày 01/01/1988. Là một trong những điều ước quốc tế quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế hiện nay. CISG gồm 101 điều, trong đó có 03 điều quy định về vi phạm hợp đồng (VPHĐ) trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ và hợp đồng giao hàng từng phần (Anticipatory breach and instalment contracts).
VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là hành vi vi phạm ở hiện tại rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến thời hạn. Một VPHĐ trước thời hạn là một vi phạm xảy ra ở hiện tại, bởi vì nó được chứng minh trong ngôn từ hoặc hành vi “ở hiện tại” của một bên. VPHĐ trước thời hạn không phải là vi phạm trong tương lai. Đó là một sự vi phạm ở hiện tại của một nghĩa vụ trong tương lai[1]. VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là một dạng của VPHĐ, bên cạnh những dấu hiệu, đặc điểm chung thì VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ cũng có những đặc điểm, căn cứ xác định đặc thù. Đây là VPHĐ được “dự đoán, suy luận” (Anticipatory) từ những dấu hiệu ở hiện tại của một bên trong hợp đồng làm căn cứ xác định có hay không VPHĐ khi đến hạn. VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã được quy định và áp dụng phổ biến trên thế giới, nhưng chưa được quy định trong pháp luật hợp đồng Việt Nam.
1.1. Căn cứ xác định vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ
Là một dạng của VPHĐ, VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 71, Điều 72 và Điều 73 CISG được xác định qua một trong hai căn cứ: (i) trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn; hoặc (ii) trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng thông báo (tuyên bố) không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ[2].
 (i) Về căn cứ: Trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn. CISG quy định sau khi ký kết hợp đồng, một bên (bên có quyền) trong hợp đồng được tạm ngừng (hoãn) hoặc hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn khi có căn cứ rõ ràng bên kia (bên có nghĩa vụ) sẽ VPHĐ khi đến hạn thực hiện theo thỏa thuận. Căn cứ được xác định thông qua dấu hiệu, biểu hiện của bên có nghĩa vụ ở hiện tại, như “mất khả năng”, “mất tín nhiệm của bên kia”hoặc bất kỳ“hành vi của bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện hợp đồng”. Theo đó, những biểu hiện này là rõ ràng sẽ dẫn đến VPHĐ đến hạn[3].
Như vậy, VPHĐ trước thời hạn được xác định thông qua các dấu hiệu đang diễn ra ở hiện tại của bên có nghĩa vụ. Những biểu hiện đó phải rõ ràng sẽ dẫn đến hệ quả là không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn. Đây chính là điểm khác biệt của VPHĐ trước hạn, khá phức tạp và thể hiện bản chất của VPHĐ khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ, đòi hỏi bên có quyền phải “dự đoán, suy luận” có hay không có vi phạm ở hiện tại - thời điểm chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ, đối với nghĩa vụ đến hạn của bên có nghĩa vụ.
CISG xây dựng khung pháp lý nhưng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về VPHĐ trước thời hạn. Việc một bên trong hợp đồng ở hiện tại mất khả năng, mất tín nhiệm, thiếu sự chuẩn bị, không mong muốn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đã cam kết... có là nguyên nhân dẫn đến VPHĐ đến hạn hay không? Điều đó đòi hỏi phải xem xét, suy luận rõ ràng ở cả ba yếu tố:
Thứ nhất, bên có nghĩa vụ, ở hiện tại “mất khả năng”, “mất tín nhiệm”hoặc bất kỳ“hành vi của bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện hợp đồng”. Những dấu hiệu, hành vi nêu trên của bên có nghĩa vụ là đang xảy ra, đang tồn tại khách quan. Đơn cử, những biểu hiện đó có thể là không có khả năng tài chính, không trả nợ được cho bên thứ ba bất kỳ, không giao hàng hoặc giao hàng không đủ, không có nguyên vật liệu, không có nhân công, không có kho xưởng để nhận hàng, không có người bảo lãnh... Những dấu hiệu đó tham chiếu thông qua bất kỳ hành vi, tình huống hiện tại nào thì bất kỳ người bình thường nào cũng có thể nhận thấy. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, những hành vi biểu hiện trên cần phải suy đoán, suy luận hợp lý căn cứ vào những dấu hiệu, hành vi của bên có nghĩa vụ. Một VPHĐ có thể đoán trước, cơ bản là, ngoại trừ khi có tuyên bố rõ ràng của người có nghĩa vụ, một giả định dựa trên các yếu tố khách quan tại một thời điểm cụ thể[4].
Thứ hai, hành vi ở hiện tại của bên vi phạm phải rõ ràng sẽ dẫn đến VPHĐ khi đến hạn (clear that one of the parties will commit a fundamental breach of contract). Ở hiện tại, những dấu hiệu như “mất khả năng”, “mất tín nhiệm”hoặc bất kỳ“hành vi của bên kia trong việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện hợp đồng” của bên vi phạm không chỉ đang tồn tại, đang diễn ra mà những hành vi, tình huống đó phải đang tồn tại và sẽ là nguyên nhân dẫn đến một VPHĐ khi đến hạn có thể xảy ra trong điều kiện bình thường. Nghĩa là hành vi ở hiện tại có mối liên hệ biện chứng với nghĩa vụ phải thực hiện khi đến hạn. Một loạt những biểu hiện, hành vi của bên có nghĩa vụ có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều đó có nghĩa đây là một chuỗi hành động mà theo kết quả tự nhiên những hành động này sẽ khiến anh ta mất khả năng hoàn thành hợp đồng khi đến lúc phải làm như vậy. Đó là nguyên nhân và kết quả, là khả năng và hiện thực.
Thứ ba, việc xem xét, đánh giá, phán đoán, suy luận hành vi của bên vi phạm đang diễn ra phải có cơ sở, căn cứ thực tế, khoa học, không được áp đặt, chủ quan. 
Biểu hiện mất khả năng, thiếu tín nhiệm, hành vi không chuẩn bị, không thực hiện hợp đồng của bên có nghĩa vụ không phải từ sự lo sợ, sự suy diễn chủ quan của bên có quyền, mà phải được đặt trong điều kiện hoàn cảnh khách quan, xem xét cụ thể, toàn diện các tình huống, biểu hiện, hành vi của bên vi phạm. Việc mất khả năng thực hiện phải được nhận biết khách quan. Việc rõ ràng không có khả năng thực hiện không chỉ gây ra nỗi sợ hãi chủ quan về việc thực hiện hợp đồng mà còn phải cho phép những người quan sát khách quan thấy trước việc không thực hiện được. Đặc biệt, trong việc đánh giá đâu là hợp lý, bản chất và mục đích của hợp đồng, hoàn cảnh của trường hợp, và tập quán và thực hành của các ngành nghề liên quan cần được tính đến[5] và mức độ cần thiết để thiết lập một suy luận hợp lý; VPHĐ trong tương lai chỉ được suy luận hợp lý khi nó có ít nhất 51% khả năng xảy ra[6]. Như vậy, có thể thấy rằng, để xem xét, suy luận hành vi hiện tại của bên có nghĩa vụ có vi phạm hay không thì bên có quyền phải suy luận khách quan, toàn diện, cụ thể, đánh giá đó phải được đa số người trong cùng lĩnh vực chuyên môn thừa nhận.
(ii) Về căn cứ: Trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng thông báo (tuyên bố) không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Khoản 3 Điều 72 CISG quy định: “bên kia tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ”. Khác với căn cứ (i) bên có nghĩa vụ im lặng, căn cứ (ii) bên có nghĩa vụ chủ động tuyên bố với bên có quyền về việc không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện hợp đồng trước thời hạn. Thông báo, tuyên bố đó có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Hợp đồng đó sẽ bị hủy bỏ. Theo David Kelly, một VPHĐ có thể xảy ra khi một bên, trước thời hạn thực hiện hợp đồng, tuyên bố rằng, họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm trước thời hạn)[7].
1.2. Biện pháp xử lý đối với vi phạm hợp đồng trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ
Sau khi ký kết hợp đồng, có căn cứ xác định vi phạm như nêu trên, CISG quy định hai biện pháp xử lý, đó là: tạm ngừng (suspend) thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ (avoided) hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với biện pháp tạm ngừng thực hiện hợp đồng: Điều 71 CISG quy định bên có quyền được tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi thỏa mãn ba điều kiện: (1) Trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn; (2) vi phạm đó là việc không thực hiện một phần quan trọng nghĩa vụ khi đến hạn; (3) bên có quyền phải thông báo cho bên có nghĩa vụ biết việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng, và bên có quyền phải tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu bên vi phạm cam kết bảo đảm thỏa đáng rằng bên kia sẽ thực hiện nghĩa vụ.
Là vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ nên bên có quyền phải gửi thông báo cho bên có nghĩa vụ trong thời gian hợp lý có thể. Đây chính là khẳng định về sự bảo đảm đầy đủ cho việc có hay không vi phạm sẽ xảy ra khi đến hạn. Nếu bên có nghĩa vụ không trả lời, không có biện pháp bảo đảm đầy đủ cho việc thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn thì bên có quyền có thể tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hoặc hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn.
Đối với biện pháp hủy bỏ hợp đồng: khi bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp. Với mục đích cơ bản của Công ước là duy trì việc thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế nguyên vẹn và cho phép thực hiện chúng ngay cả trong những trường hợp bất lợi, nhằm thúc đẩy lòng trung thành và thiện chí trong các giao dịch thương mại quốc tế. Do đó, Công ước được soạn thảo để chỉ cho phép hủy bỏ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong những trường hợp rõ rang; việc tiếp tục sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho một bên hoặc cả hai bên. Nói cách khác, hợp đồng được ký kết không phải là để bị hủy bỏ mà để được thực hiện nhằm mang đến cho các bên lợi ích hợp pháp mong đợi. Vì vậy, hủy bỏ hợp đồng chỉ được áp dụng khi đó là biện pháp cuối cùng, khi vi phạm đó là vi phạm cơ bản mà một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Điều 72, Điều 73 CISG quy định việc hủy bỏ hợp đồng trong hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn nếu đó là vi phạm cơ bản.
Tương tự như việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng, biện pháp hủy hợp đồng trong trường hợp khi thỏa mãn ba điều kiện: (1) trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn; (2) vi phạm được suy đoán sẽ xảy ra khi đến hạn là vi phạm cơ bản; (3) bên có quyền phải gửi thông báo trong thời gian hợp lý cho bên có nghĩa vụ biết về việc hủy bỏ hợp đồng, nếu bên có nghĩa vụ cam kết bảo đảm đầy đủ và thỏa đáng cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên có quyền không được hủy hợp đồng.
Trường hợp thứ hai: trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ, một bên trong hợp đồng thông báo (tuyên bố) không thực hiện, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ là dạng vi phạm được suy luận của một bên thông qua hành vi hiện tại của bên kia và mối liên hệ với nghĩa vụ cần thực hiện khi đến hạn. Vì vậy, nếu một bên tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng, bên có quyền không phải suy luận, không cần phải thông báo. Khoản 3 Điều 72 CISG khẳng định: “quy định tại khoản trên không áp dụng nếu bên kia tuyên bố rằng họ sẽ không thực hiện nghĩa vụ”.Một hợp đồng bị từ chối, bất kể ràng buộc về mặt pháp luật, ngay lập tức sẽ không còn là một nguồn lực kinh doanh hiệu quả[8].
2. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Hiện nay, quyền tạm ngừng (hoãn), quyền hủy bỏ hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015[9] và Luật Thương mại năm 2005[10]. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, pháp luật hợp đồng Việt Nam đã có “bóng dáng” của chế định VPHĐ trước thời hạn[11]. Cụ thể, khoản 1 Điều 411 BLDS năm 2015 quy định: “Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Ngoài ra, khoản 3 Điều 313 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: “Trường hợp một bên đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ thì bên đó vẫn có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hoá đã giao, dịch vụ đã cung ứng không thể được sử dụng theo đúng mục đích mà các bên đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, nếu đặt các điều luật trên vào đúng vị trí được sắp xếp trong bố cục của BLDS năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005, xem xét nội dung từng điều luật, cụm từ “VPHĐ trước thời hạn” không được ghi nhận trong bất kỳ điều khoản nào.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng vào các thể chế kinh tế quốc tế, đặc biệt Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 84 của CISG từ ngày 01/01/2017, thiết nghĩ, cần phải có sự cải cách thích ứng hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về hợp đồng. Theo đó, pháp luật hợp đồng Việt Nam có thể tiếp thu chọn lọc những quy định pháp luật hợp đồng hợp lý của các quốc gia và các điều ước quốc tế. Trong đó, cần thiết phải bổ sung quy định về vi phạm trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong BLDS năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Điều đó xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, bảo đảm cam kết và phù hợp với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế.
Văn kiện Đại hội Đảng lầ thứ XIII khẳng định: “Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết[12]. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các thể chế đa phương, song phương trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế thương mại với hơn 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký gần 100 hiệp định thương mại, trên 60 hiệp định ký kết và bảo hộ đầu tư; có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là thành viên của CISG[13]. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, việc bổ sung quy định về VPHĐ khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trong BLDS năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 nhằm góp phần thực hiện cam kết, hội nhập quốc tế và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng.
Thứ hai, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực trong thực hiện hợp đồng.
Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong pháp luật hợp đồng. Khoản 3 Điều 3 BLDS năm 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Quy định trên có nghĩa, các bên trong hợp đồng phải thực hiện thiện chí, trung thực các cam kết của mình. Mọi chủ thể có quyền tự do hợp đồng, tự do thỏa thuận, cam kết để đạt mục đích của mình trong quan hệ hợp đồng, tuy nhiên sự tự do đó cũng có giới hạn và trong khuôn khổ pháp định. Để đạt mục đích, trước hết đòi hỏi các bên phải tự do, tự nguyện và trung thực, thiện chí thực hiện sự thỏa thuận ấy; thiện chí, trung thực phải là chuẩn mực ứng xử, là nền tảng bảo vệ niềm tin nhận thức. Để nguyên tắc đó được thực thi thì cần phải có các biện pháp xử lý khi nguyên tắc đó không được thực hiện trên thực tế. Vì vậy, pháp luật hợp đồng quy định về VPHĐ trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính là sự ghi nhận bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực.
Thứ ba, hạn chế tổn thất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng.
Khoản 2 Điều 401 BLDS năm 2015 quy định: “từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết”. Qua quy định trên, có thể thấy, hợp đồng có hiệu lực ràng buộc các bên. Như vậy, các bên có trách nhiệm ngay từ khi hợp đồng được ký kết. Quyền và lợi ích của mỗi bên chỉ có thể đạt được khi bên kia thực hiện đúng hợp đồng; mục đích của hợp đồng đạt được sẽ không gây ra tổn thất cho bất kỳ bên nào. Nếu biết rõ ràng bên có nghĩa vụ sẽ không thực hiện, không có khả năng thực hiện hợp đồng hoặc tuyên bố không thực hiện hợp đồng, bên có quyền phải chờ đợi đến hạn thực hiện thì rõ ràng là lãng phí thời gian, công sức. Điều đó không chỉ gây tổn hại cho bên có quyền mà còn có thể gây ra tổn thất cho cả bên có nghĩa vụ và những bên liên quan khác. Trong bối cảnh ngày nay, những tác động của toàn cầu hóa, của nền kinh tế thị trường và đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ thông tin thời đại công nghệ 4.0, nếu hành vi không thực hiện, không có khả năng thực hiện hợp đồng trước thời hạn của một bên không được coi là vi phạm thì bên có quyền sẽ phải lãng phí tài nguyên của mình vào một hợp đồng vô ích vì chủ thể đó sẽ bị ràng buộc vào hợp đồng được duy trì để sẵn sàng thực hiện. Theo quan điểm của John Stuart Mill, việc tuyên bố không thực hiện hợp đồng trước thời hạn còn được coi là VPHĐ hiệu quả (Efficient Breach), nhằm hạn chế tổn thất cho các bên liên quan[14]./.
           

 


[1] Qiao Liu, Anticipatory breach, Oxford and Portland, Oregon, 2011.
[2] Chengwei Liu, “Remedies for Non-performance: Perspectives from CISG, UNIDROIT Principles and PECL”, Law School of Renmin University of China(International Law), P.O. Box 9-01 No. 1, 2003.
[3] Điểm a, điểm b khoản 1 Điều 71, khoản 1 Điều 72, khoản 2 Điều 73 CISG.
[4] Mercédeh Azeredo da Silveira, “Anticipatory Breach under the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods”, Nordic Journal of Commercial Law, 2005.
[5] Mercédeh Azeredo da Silveira, “Anticipatory Breach under the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods”, Nordic Journal of Commercial Law, 2005.
[6] Qiao Liu, Anticipatory breach, Oxford and Portland, Oregon, 2011.
[7] David Kelly, Business Law, Cavendish Publishing, UK, 2002.
[8] Keith A. Rowley, “A Brief History of Anticipatory Repudiation in American Contract Law”, University of Cincinnati Law Review, 2001.
[9] Khoản 1 Điều 411, Điều 425 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[10] Khoản 2 Điều 313 Luật Thương mại năm 2005.
[11] Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2007, tr. 72.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2021, tr. 114.
[13] http://www.mofa.gov.vn/vi/cn_vakv/, truy cập ngày 15/3/2021.
[14] Giản Thị Lê Na, “Vi phạm hợp đồng hiệu quả: Từ thuyết vị lợi của Jeremy Bentham đến tư tưởng tự do của John Stuart Mill”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/2020.
.