Ứng dụng Học thuyết về tính bất hợp lý để kiểm soát thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động tại Việt Nam

25/01/2023

Tóm tắt: Thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động được xem là công cụ để người sử dụng lao động bảo vệ bí mật kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nếu pháp luật không đặt ra các giới hạn cho loại thỏa thuận này, người sử dụng lao động có thể lạm dụng vị thế thương lượng của mình để buộc người lao động ký kết các thỏa thuận không công bằng. Vì vậy, học thuyết về tính bất hợp lý (doctrine of unconscionability) có thể được ứng dụng để hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm kiểm soát thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động.
Từ khóa: Thỏa thuận không cạnh tranh, quan hệ lao động, học thuyết về tính bất hợp lý.
Abstract: Non-compete agreements in labor relations are considered as tools for the employers to protect their business secrets. However, if it is not to limit by law the scope of application of this type of agreements, the employers can ovetake their bargaining position to force the employees to enter into an unfair agreement. Therefore, the doctrine of unconscionability might be applied to improve the Vietnamese law to control non-compete agreements in the labor relation.
Keywords:Non-compete agreement; labor relation; doctrine of unconscionability.
 THỎA-THUẬN-LAO-ĐỘNG_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và những tác động của đại dịch COVID-19, công nghệ được xem là nhân tố then chốt quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh, đặc biệt là bí mật công nghệ, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Khác với các tài sản truyền thống khác, việc bảo vệ bí mật kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn khi mà doanh nghiệp buộc phải chuyển giao một phần, thậm chí toàn bộ, cho người lao động trong quá trình họ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để bảo vệ được tài sản phi truyền thống này, doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giao kết thỏa thuận không cạnh tranh với người lao động. Nội dung của thỏa thuận không cạnh tranh thường là buộc người lao động phải cam kết và tuân thủ những giới hạn về thời gian, không gian, lĩnh vực khi tìm việc làm mới sau khi nghỉ việc[1]. Ở Việt Nam, việc sử dụng thỏa thuận không cạnh tranh để bảo vệ bí mật kinh doanh đã mở rộng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang các doanh nghiệp trong nước, từ các nhân sự cấp cao sang các nhân viên bình thường, và ngày càng trở nên phổ biến[2].
Mặc dù thỏa thuận không cạnh tranh là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động, nó cũng hạn chế quyền tự do làm việc và tìm kiếm việc làm của người lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình thương lượng để giao kết các thỏa thuận, người lao động luôn ở vị thế kém thuận lợi hơn nên năng lực thương lượng của họ cũng kém hơn người sử dụng lao động[3]. Vì vậy, có trường hợp người sử dụng lao động lạm dụng vị thế của mình để buộc người lao động giao kết các thỏa thuận chứa đựng các nội dung bất hợp lý, trong đó có thỏa thuận không cạnh tranh. Các nội dung bất hợp lý trong thỏa thuận không cạnh tranh thường liên quan đến giới hạn về thời gian, không gian, lĩnh vực mà người lao động bị hạn chế khi tìm việc làm mới sau khi nghỉ việc. Việc người sử dụng lao động không thanh toán cho người lao động một khoản tiền để đổi lấy cam kết không cạnh tranh của họ cũng có thể được xem là một sự bất hợp lý.
Nguyên tắc tự do ý chí hay tự do hợp đồng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật về hợp đồng. Theo đó, hợp đồng là sự thống nhất về mặt ý chí giữa các bên trên cơ sở tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và không một bên thứ ba nào có thể can thiệp[4]. Thông thường, khi xem xét hiệu lực của một hợp đồng, Tòa án sẽ xem xét liệu quy trình đàm phán, thỏa thuận có bảo đảm đạt được sự thống nhất ý chí giữa các bên hay chưa (đánh giá xem hợp đồng có công bằng về thủ tục hay không)[5]. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cho phép Tòa án được can thiệp, điều chỉnh nội dung hợp đồng trong một số trường hợp. Chẳng hạn, trong trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất vay vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, thì khi xảy ra tranh chấp, Tòa án có thể điều chỉnh lãi suất về mức 20%/năm (chỉ phần lãi suất vượt mức trần theo quy định là vô hiệu) chứ không tuyên bố hợp đồng vay hoặc điều khoản về lãi suất vô hiệu[6]. Hay trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nếu các bên không thể thỏa thuận lại hợp đồng, thì một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án can thiệp vào nội dung hợp đồng để bảo đảm cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên[7].
2. Giới thiệu học thuyết về tính bất hợp lý
Học thuyết về tính bất hợp lý được cho là bắt nguồn từ nước Anh vào khoảng thế kỷ thứ 17[8]. Tuy nhiên, những nghiên cứu nền tảng cho sự ra đời của học thuyết mà chủ yếu liên quan đến công lý trong các giao dịch dân sự đã bắt đầu từ rất sớm. Suốt chiều dài phát triển xã hội loài người, công lý là phạm trù được xem xét từ nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau và được đề cập trong nhiều thư tịch thời cổ đại như Bộ luật Hammurabi, Kinh Thánh,…[9]. Phát triển tư tưởng về công lý trong giao dịch, Aristole cho rằng, những thứ được trao đổi phải tương đương về giá trị, không đơn thuần chỉ là tương đương về số lượng (chẳng hạn việc trao đổi một đôi giày để lấy một ngôi nhà sẽ là không công bằng)[10]. Đến thời La Mã, quan điểm về công lý của Aristole chỉ được chấp nhận ở mức độ hạn chế. Theo đó, pháp luật La Mã chấp nhận cho thực thi một thỏa thuận được giao kết với sự đồng ý của các bên, ngay cả khi giá cả thỏa thuận thấp hơn một chút so với giá trị thực của đối tượng giao dịch[11]. Mặc dù vậy, pháp luật La Mã cũng thừa nhận một số nguyên tắc giúp bảo đảm công bằng trong giao dịch. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao dịch nhà đất, học thuyết laesio enormis được thừa nhận, cho phép một bên ký kết có khả năng hủy bỏ thỏa thuận nếu giá trao đổi thấp hơn một số tiền nhất định (ví dụ 1/2 hoặc 2/3) giá trị thực của nó[12]. Luật gia La Mã Pomponius cũng đã tuyên bố rằng: “Theo luật tự nhiên, là công bằng nếu không ai trở nên giàu có bằng sự mất mát và bất công đối với người khác[13][14]. Trong thời Trung cổ, học thuyết laesio enormis tiếp tục được phát triển bởi Thomas Aquinas và có ảnh hưởng đến pháp luật ở châu Âu trong những thế kỷ tiếp theo[15].
Trong hệ thống Thông luật, học thuyết về tính bất hợp lý ban đầu được xem xét bởi các Tòa án công lý ở Anh để bảo vệ những người thừa kế vì lý do tuổi tác và dễ bị tổn thương, sau đó được mở rộng sang đối tượng là những người nghèo, kém hiểu biết[16]. Học thuyết về tính bất hợp lý được cho là xuất hiện lần đầu tiên trong vụ James v. Morgan tại Anh năm 1663. Theo đó, bị đơn đã mua một con ngựa của nguyên đơn kèm theo 32 chiếc đinh đóng móng ngựa. Tuy nhiên, giá của 32 chiếc đinh đóng móng này được tính hơn 100 bảng Anh, trong khi giá của con ngựa chỉ là 8,9 bảng Anh. Cuối cùng, Tòa án chỉ tính giá trị con ngựa để giải quyết tranh chấp[17]. Trường hợp này thường được cho là bằng chứng về sự thừa nhận học thuyết về tính bất hợp lý trong Thông luật[18]. Một trường hợp khác, trong vụ Fry v. Lane năm 1889, Tòa án Anh đã nhận định rằng, trong trường hợp giao dịch mua bán có giá thấp hơn đáng kể so với giá trị thật của đối tượng mua bán, được thực hiện bởi bên bán là người nghèo khó, kém hiểu biết và không được tư vấn chuyên môn, thì Tòa án cần phải xem xét tính công bằng, chính đáng và hợp lý của giao dịch đó[19]. Sau vụ Fry v. Lane, học thuyết về tính bất hợp lý không được đề cập cho đến vụ Cresswell v. Potter năm 1978. Trong vụ án này, bà Cresswell đã sang tên ngôi nhà (là tài sản chung của vợ chồng) cho ông Potter sau khi ly hôn để được miễn trách nhiệm đối với khoản thế chấp. Sau đó, ông Potter đã bán căn nhà và thu lợi 1.400 bảng Anh. Tòa án đã dựa trên các yếu tố để quyết định chia cho Cresswell một nửa số lợi nhuận thu được từ việc bán lại căn nhà, gồm: (1) Cresswell là người nghèo khó và kém hiểu biết; (2) giao dịch (giữa Cresswell và Potter) được thực hiện với mức giá thấp đáng kể; (3) Cresswell đã không nhận được sự tư vấn chuyên môn[20]. Các yếu tố này đã trở thành cơ sở để các thẩm phán khác xem xét khi đánh giá một giao dịch bất hợp lý sau khi thẩm phán Peter Millett QC, khi đó là Phó Chánh án Tòa án cấp cao, tái khẳng định trong vụ Alec Lobb Ltd v. Total Oil Ltd năm 1983: “Nếu các vụ án được xem xét, có ba yếu tố hầu như luôn có mặt trước khi Tòa án can thiệp. Thứ nhất, một bên gặp bất lợi nghiêm trọng so với bên kia do sự nghèo khó, sự thiếu hiểu biết, thiếu sự tư vấn chuyên môn, hoặc lý do khác, mà lợi thế không công bằng có thể được sử dụng trong những trường hợp đó. Thứ hai, điểm yếu của một bên đã bị bên kia lạm dụng theo cách thức đáng trách về mặt đạo đức. Thứ ba, hậu quả của giao dịch không những gây ra khó khăn đơn thuần, mà còn quá đáng và nặng nề[21][22].
Tại Hoa Kỳ, vào đầu thế kỷ 19, các Tòa án đã vận dụng học thuyết về tính bất hợp lý để giải quyết một số vụ án. Đến những năm 1950, học thuyết này được trình bày rõ ràng khi được Bộ luật Thương mại thống nhất quy định về hợp đồng hoặc điều khoản bất hợp lý tại Điều 2-302(1), rằng: “Nếu Tòa án xét thấy hợp đồng hoặc bất kỳ điều khoản nào của hợp đồng là bất hợp lý vào thời điểm nó được đưa ra, Tòa án có thể từ chối thực thi hợp đồng hoặc có thể thi hành phần còn lại của hợp đồng mà không có điều khoản bất hợp lý, hoặc hạn chế việc áp dụng điều khoản bất hợp lý để tránh bất kỳ kết quả bất hợp lý nào[23]”.
Trong hệ thống Dân luật, những nghiên cứu về các thỏa thuận mang tính không công bằng cũng đã được thực hiện từ nhiều thế kỷ trước trong luật của Pháp và Đức[24]. Ở Đức, học thuyết về tính bất hợp lý cũng được ứng dụng trong việc xây dựng các quy định của luật thành văn và là cơ sở lý luận để các Tòa án giải quyết các tranh chấp. Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Dân sự Đức đã cụ thể học thuyết về tính bất hợp lý thành quy định: “Một giao dịch hợp pháp bị vô hiệu khi một người, bằng cách khai thác tình trạng khó khăn, thiếu kinh nghiệm, phán đoán không đúng đắn hoặc sự yếu kém đáng kể về ý chí của người khác, khiến cho bản thân hoặc bên thứ ba, để đổi lấy việc thực hiện nghĩa vụ, được hứa hoặc được một khoản lợi về tiền bạc mà không tương xứng với việc thực hiện nghĩa vụ của họ[25]”. Hay ở Thụy Sĩ, học thuyết về tính bất hợp lý được quy định tại Điều 21 Đạo luật Nghĩa vụ (Phần 5 Đạo luật liên bang về sửa đổi Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ), cụ thể: “Trong trường hợp có sự khác biệt rõ ràng giữa việc thực hiện và vật đánh đổi theo hợp đồng được ký kết do một bên khai thác tình trạng thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu suy nghĩ của bên kia, bên bị thiệt hại có thể tuyên bố trong vòng một năm rằng họ sẽ không thực hiện hợp đồng và yêu cầu trả lại bất cứ thứ gì họ đã thực hiện[26]”.
3. Hiệu lực của thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động tại Việt Nam
Trước năm 2012, trong bối cảnh mới vừa thoát ra khỏi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, pháp luật lao động Việt Nam hầu như không công nhận hiệu lực của thỏa thuận không cạnh tranh[27]. Thậm chí, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 1994 còn quy định theo hướng cấm các thỏa thuận hạn chế quyền của người lao động. Cụ thể, nếu nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung. Nếu không sửa đổi, bổ sung thì nội dung đó có thể bị buộc phải hủy bỏ bởi Thanh tra lao động.
Bộ luật Lao động năm 2012 được coi là văn bản pháp lý “bật đèn xanh” cho sự tồn tại của thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động tại Việt Nam[28]. Khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm”. Đến Bộ luật Lao động năm 2019, quy định này hầu như không thay đổi. Mặc dù các nhà lập pháp Việt Nam đã cởi mở hơn trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động thông qua việc cho phép các bên thỏa thuận các nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật kinh doanh, nhưng thuật ngữ “thỏa thuận không cạnh tranh” vẫn chưa được chính thức đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 vẫn còn chung chung và chưa quy định rõ hiệu lực của thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động.
Trên thực tế, đã có một số vụ việc liên quan đến thỏa thuận không cạnh tranh được Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết. Chẳng hạn, trong một vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH X và bà Đỗ Thị Mai T đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết, Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận hiệu lực của thỏa thuận không cạnh tranh giữa bà T và Công ty X. Theo đó, Hội đồng Trọng tài đã buộc bà T đã bồi thường cho Công ty X vì đã vi phạm nghĩa vụ không cạnh tranh. Sau đó, bà T đã nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ toàn bộ phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã không chấp nhận yêu cầu của bà T. Đây là ví dụ điển hình cho thấy hiệu lực của thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động đã được thừa nhận trên thực tế. Bên cạnh đó, dưới góc độ hành pháp, trên Báo Điện tử Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khẳng định rằng, thỏa thuận không cạnh tranh không vi phạm pháp luật khi trả lời thắc mắc có liên quan của công dân[29].
Trong quan hệ lao động, vị thế đàm phán và giao kết hợp đồng của người lao động thường yếu hơn so với người sử dụng lao động[30]. Thậm chí, khi người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động, vị thế thương lượng của người lao động còn yếu hơn[31]. Vì vậy, nếu không đặt ra những giới hạn cho thỏa thuận không cạnh tranh, người sử dụng lao động có thể lạm dụng vị thế của mình để buộc người lao động giao kết các thỏa thuận bất hợp lý. Trong trường hợp thỏa thuận không cạnh tranh, việc xác định thời hạn không cạnh tranh quá dài, phạm vi địa lý quá rộng hoặc không có đền bù vật chất cho người lao động đều có thể được xem là bất hợp lý.
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đặt ra các quy định để hạn chế việc giao kết các thỏa thuận bất hợp lý. Thứ nhất, Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Trong đó, có quy định về sự tự nguyện của chủ thể tham gia giao dịch dân sự và mục đích, nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Thứ hai, khoản 3 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định nguyên tắc thiện chí trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể. Tuy nhiên, các quy định này còn mang tính nguyên tắc và người khởi kiện vẫn phải chứng minh cho các yêu cầu của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Việc chứng minh này đôi khi là rất khó khăn, thậm chí là “bất khả thi”.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật để kiểm soát thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động từ ứng dụng học thuyết về tính bất hợp lý
Thứ nhất, pháp luật cần quy định rõ vấn đề hiệu lực của thỏa thuận bất hợp lý.
Như đã phân tích ở trên, với các quy định của pháp luật hiện hành, Tòa án chỉ có thể căn cứ vào việc đánh giá nội dung thỏa thuận có trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự hoặc có thỏa mãn các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực hay không để xác định hiệu lực của một thỏa thuận. Bên cạnh đó, bên yêu cầu Tòa án tuyên thỏa thuận vô hiệu phải chứng minh thỏa thuận đó không đảm bảo các điều kiện để có hiệu lực. Với thực trạng pháp luật đó, trong một số trường hợp, rất khó để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên yếu thế khi họ xác lập các thỏa thuận bất hợp lý. Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Thụy Sĩ, pháp luật cần quy định rõ trường hợp Tòa án xét thấy nội dung thỏa thuận là bất hợp lý thì có thể tuyên bố thỏa thuận vô hiệu hoặc có thể can thiệp để điều chỉnh nội dung thỏa thuận theo hướng hợp lý hơn.
Thứ hai, pháp luật cần đặt ra giới hạn cho thỏa thuận không cạnh tranh trong quan hệ lao động.  
Việc đặt ra các giới hạn cho thỏa thuận không cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên, đồng thời là cơ sở để Tòa án xác định một thỏa thuận không cạnh tranh là hợp lý hay không. Những giới hạn cho thỏa thuận không cạnh tranh có thể gồm giới hạn về trường hợp áp dụng thỏa thuận không cạnh tranh, giới hạn về thời hạn không cạnh tranh, giới hạn về khu vực địa lý và yêu cầu đền bù vật chất cho người lao động để đổi lấy cam kết không cạnh tranh[32].
Thứ ba, pháp luật cần trao quyền cho Tòa án để có thể can thiệp vào ý chí của các bên khi nội dung thỏa thuận không cạnh tranh là bất hợp lý.
Việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi không đảm bảo các điều kiện theo luật định đôi khi không phải là giải pháp phù hợp nhất đối với các bên; đặc biệt, trong trường hợp các bên mong muốn thực hiện hợp đồng đó[33]. Bên cạnh đó, việc tuyên bố một hợp đồng vô hiệu có thể làm tăng chi phí giao dịch khi các bên phải thương lượng lại các nội dung của hợp đồng nếu muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng đó.
Trên thế giới, trong nhiều hệ thống pháp luật, thẩm phán được trao quyền để sửa đổi các điều khoản hợp đồng bất hợp lý; trong đó, các quốc gia theo truyền thống Dân luật có xu hướng chấp nhận cho thẩm phán can thiệp để điều chỉnh nội dung hợp đồng nhiều hơn các quốc gia theo truyền thống Thông luật[34]. Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định tương tự cho phép Tòa án can thiệp sửa đổi hợp đồng để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:…; b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”. Như vậy, pháp luật Việt Nam có thể quy định tương tự đối với trường hợp hợp đồng bất hợp lý nói chung, và trường hợp thỏa thuận không cạnh tranh bất hợp lý nói riêng./.

 


[1] Đoàn Thị Phương Diệp (2015), Điều khoản bảo mật - hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng lao động, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24(304)/kỳ 2, tr. 46-51.
[2] Lạc Duy & Nguyễn Hữu Phước (2019), Ứng xử với thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, https://thesaigontimes.vn/ung-xu-voi-thoa-thuan-khong-lam-viec-cho-doi-thu-canh-tranh/, truy cập ngày 09/9/2022.
[3] Phạm Thị Thu Lan (2021), Thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, Tạp chí Cộng sản, số 961, tr. 64-68.
[4] Phạm Hồ Hoàng Long & Ngô Quốc Chiến (2019), Hợp đồng “không hoàn hảo” và sự can thiệp của tòa án, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24(400), tr. 6-15.
[5] Đỗ Giang Nam (2020), Từ công bằng thủ tục đến công bằng nội dung: Thành tựu và thách thức của chế định kiểm soát điều khoản mẫu trong pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 06(406), tr. 15-25.
[6] Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7] Điểm b khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[8] Ying Khai Liew & Debbie Yu (2020), The Conscionable Bargains Doctrine in England and Australia: Cousins or Siblings?, https://law.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0007/3846526/Liew-and-Yu-451-Advance.pdf, truy cập ngày 09/9/2022.
[9] Vũ Công Giao & Hoàng Thị Bích Ngọc (2020), Bảo vệ công lý trong cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19(419)/kỳ 1, tr. 4-13.
[10] Brian M. McCall (2020), Demystifying Unconscionability: A Historical and Empirical Analysis, Villanova Law Review, số 65, tr. 773-846.
[11] James Gordley (1981), Equality in Exchange, California Law Review, số 69, quyển 6, tr. 1587-1656.
[12] Brian M. McCall (2020), Demystifying Unconscionability: A Historical and Empirical Analysis, tlđd.
[13] Nguyên văn tiếng Latin: “Iure naturae aequum est neminem cum alterius detrimento et injuira fieri locupletiorem
[14] Gerald Henry Louis Fridman (2004), Unjust Enrichment (Dis)Contented, Kỷ yếu hội thảo Understanding Unjust Enrichment, University of Western Ontario, Hart Publishing, tr. 35-44.
[15] Henri Mazeaud, Léon Mazeaud, Jean Mazeaud, François Chabas (1991), Leçon de droit civil, Obligations: Théorie générale (tome 2, vol. 1), 8e édition, Montchrestien, Paris, tr. 196-197.
[16] Ying Khai Liew & Debbie Yu (2020), The Conscionable Bargains Doctrine in England and Australia: Cousins or Siblings?, tlđd.
[17] James v. Morgan, 1 Lev. 111 (1663).
[18] Per Gustafsson (2010), The unconscionability doctrine in U.S. contract law, Luận văn thạc sĩ (Lund University), tr.6.
[19] Fry v Lane (1889) 40 Ch D 312.
[20] Cresswell v Potter (1978) 1 WLR 255.
[21] Nguyên văn: “If the case are examined, it will be seen that three elements have almost invariably been present before the court has interfered. First, one party has been at a serious disadvantage to the other, whether through poverty, or ignorance, or lack of advice, or otherwise, so that circumstances existed of which unfair advantage could be taken … secondly, this weakness of the one party has been exploited by the other in some morally culpable manner … and thirdly, the resulting transaction has been, not merely hard or improvident, but overreaching and oppressive”.
[22] Alec Lobb Ltd v Total Oil Ltd (1983) 1 WLR 87.
[23] Nguyên văn: “If the court as a matter of law finds the contractor any clause of the contract to have been unconscionable at the time it was made the court may refuse to enforce the contract, or it may enforce the remainder of the contract without the unconscionable clause, or it may so limit the application of any unconscionable clause as to avoid any unconscionable result”.
[24] John P. Dawson (1937), Economic duress and the fair exchange in French and German Law, Tulane Law Review, số 11, tập 3, tr. 345-376.
[25] Nguyên văn: “A legal transaction is void by which a person, by exploiting the predicament, inexperience, lack of sound judgement or considerable weakness of will of another, causes himself or a third party, in exchange for an act of performance, to be promised or granted pecuniary advantages which are clearly disproportionate to the performance”.
[26] Nguyên văn: “Where there is a clear discrepancy between performance and consideration under a contract concluded as a result of one party’s exploitation of the other’s straitened circumstances, inexperience or thoughtlessness, the person suffering damage may declare within one year that he will not honour the contract and demand restitution of any performance already made”.
[27] Lê Đình Quang Phúc (2021), Proposing the application of inevitable disclosure doctrine to recognize non-compete agreements in Vietnam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối trường kinh tế và kinh doanh năm 2021 (ICYREB 2021), tr. 503-511.
[28] Đoàn Thị Phương Diệp (2015), Điều khoản bảo mật - hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng lao động, tlđd.
[29] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020), Thỏa thuận trong hợp đồng lao động thế nào là không vi phạm?, https://baochinhphu.vn/thoa-thuan-trong-hop-dong-lao-dong-the-nao-la-khong-vi-pham-102275614.htm, truy cập ngày 09/9/2022.
[30] Trần Hoàng Hải & Nguyễn Thị Hoa Tâm (2012), Một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, số 02(69)/2012, tr. 43-48.
[31] Michael J. Garrison & John T. Wendt (2015), Employee Non-competes and Consideration: A Proposed Good Faith Standard for the “Afterthought” Agreement, Kansas Law Review, số 64, tập 2, tr. 409-465.
[32] Đoàn Thị Phương Diệp (2015), Điều khoản bảo mật - hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng lao động, tlđd.
[33] Phạm Hồ Hoàng Long & Ngô Quốc Chiến (2019), Hợp đồng “không hoàn hảo” và sự can thiệp của tòa án, tlđd.
[34] Aristides N. Hatzis & Eleni Zervogianni (2006), Judge-Made Contracts: Reconstructing Unconscionable Contracts, SSRN Electronic Journal, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=953669, truy cập ngày 09/9/2022.