Cụ thể hóa hay không cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Hình sự để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm

01/03/2017

Tóm tắt: Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam năm 2015, có hai quan điểm trái ngược nhau về việc cụ thể hóa hay không cụ thể hóa các quy định của BLHS để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân; bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội.
Từ khóa: Bộ luật Hình sự; cụ thể hóa; hiệu quả đấu tranh; phòng, chống tội phạm; quyền con người
Abtract: In the process of amending the Vietnam Penal Code of 2015, there have been two diametrically opposed points of view about whether or not to concretize the provisions of this Criminal Code so that it would be able to improve the efficiency of the fight against crime, better protection of human rights and civil rights, ensure the accurate detection and intelligent handling timely offense.
Keywords: Penal Code; Concretise; Fighting Efficiency; Crime Prevention; Human Rights
 Untitled_506.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quan điểm thứ nhất, Bộ luật Hình sự càng cụ thể bao nhiêu thì càng làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm bấy nhiêu
Quan điểm này lập luận trên hai phương diện sau:
Thứ nhất,nếu BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì người phạm tội càng có điều kiện để “lách luật” bấy nhiêu, vì vậy, tội phạm có nguy cơ xảy ra nhiều hơn mà không bị xử lý.
Ví dụ 1: Nếu khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác như sau: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11%...” thì người phạm tội sẽ biết và dễ “lách luật” theo hướng, họ chỉ gây thương tích cho sức khoẻ của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% (và không thuộc các trường hợp đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 134 này)[1].
Ví dụ 2: Nếu khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 quy định tội trộm cắp tài sản như sau: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng…” thì người phạm tội sẽ biết và dễ “lách luật” theo hướng, họ chỉ trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng (và không thuộc các trường hợp đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 173 này)[2].
Thứ hai,nếu BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì người áp dụng các quy định của BLHS càng “lười” bấy nhiêu, họ không cần niềm tin nội tâm, không cần nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vì khi đó tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã quá cụ thể, quá rõ ràng, cho nên họ không phải mất nhiều công sức để phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; không mất nhiều công sức để phân tích, đánh giá tính chất của tình hình tội phạm cũng như nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm, qua đó đề xuất giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
2. Quan điểm thứ hai, Bộ luật Hình sự càng cụ thể bao nhiêu thì càng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm bấy nhiêu
Quan điểm này lập luận trên 02 phương diện sau đây:
Thứ nhất,BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cơ quan càng có điều kiện để nhận thức rõ hành vi nào bị coi là tội phạm. Vì vậy, họ sẽ tránh không đi vào con đường phạm tội và điều này có tác dụng rất tốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Quy định cụ thể trong BLHS giống như đèn đỏ giao thông, nếu nó càng rõ thì người tham gia giao thông càng dễ nhận biết để dừng lại kịp thời, không vi phạm pháp luật và không gây hậu quả xấu cho xã hội.
Thứ hai,BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì mọi cá nhân, doanh nghiệp, mọi tổ chức, đơn vị, cơ quan càng có điều kiện để nhắc nhở, giáo dục, ngăn chặn người thân của mình và những cá nhân khác trong xã hội; ngăn chặn những thành viên trong doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cơ quan mình tránh đi vào con đường phạm tội.
3. Nên ủng hộ quan điểm nào?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai, đó là: “BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì càng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm bấy nhiêu” vì bốn lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất,chúng tôi hoàn toàn nhất trí với hai lý do trên hai phương diện mà quan điểm thứ hai đã nêu trên.
Thứ hai,chúng tôi bác bỏ hai lý do trên hai phương diện mà quan điểm thứ nhất đã đưa ra; cụ thể là:
- Nếu quan điểm thứ nhất cho rằng: “BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì người phạm tội càng có điều kiện để “lách luật” bấy nhiêu, vì vậy, tội phạm có nguy cơ xảy ra nhiều hơn mà không bị xử lý” và để chứng minh cho nhận định này, quan điểm thứ nhất đã đưa ra hai ví dụ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hai ví dụ mà quan điểm thứ nhất đưa ra là không đúng và không phù hợp với quan điểm “BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì… tội phạm có nguy cơ xảy ra nhiều hơn mà không bị xử lý” vì những ví dụ này là những trường hợp không bị coi là tội phạm do không thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và tội trộm cắp tài sản, nhất là chưa thỏa mãn dấu hiệu hậu quả của hành vi phạm tội). Các trường hợp này chỉ bị coi là vi phạm hành chính và người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành[3]. Do đó, kết luận như quan điểm thứ nhất rằng “BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì… tội phạm có nguy cơ xảy ra nhiều hơn mà không bị xử lý” là không chính xác.
- Nếu quan điểm thứ nhất cho rằng: “BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì người áp dụng các quy định của BLHS càng “lười” bấy nhiêu, họ không cần niềm tin nội tâm, không cần nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, vì khi đó họ không phải mất nhiều công sức để phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; cũng không mất nhiều công sức để phân tích, đánh giá tính chất của tình hình tội phạm cũng như nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm để qua đó đề xuất giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm” cũng không chính xác. Bởi lẽ, Điều 50 BLHS đã quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau: “1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. 2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội”.
Quy định này cho thấy, cho dù BLHS có cụ thể bao nhiêu thì người áp dụng các quy định của BLHS vẫn phải “… căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự; tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội” và khi đó, họ càng cần hơn niềm tin nội tâm, cần nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hơn, vì có như vậy họ mới có khả năng phân hóa rõ hơn từng trường hợp phạm tội đã được quy định rất cụ thể trong BLHS.
Thứ ba,chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai còn vì yêu cầu ngày càng cao của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trên cơ sở thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt là yêu cầu thể chế hóa Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “1. Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Thứ tư,BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì càng chống oan sai tốt bấy nhiêu và nhờ vậy, càng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII về nguyên nhân dẫn đến tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự: “Một số quy định của BLHS còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; quy mô thương mại, động vật được ưu tiên bảo vệ...; vấn đề định lượng tài sản trong một số tội phạm”[4] chính là nguyên nhân của tình hình oan sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua[5].
Chính vì bốn lý do cơ bản như đã nêu trên, chúng tôi khẳng định rằng, BLHS càng cụ thể bao nhiêu thì càng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm bấy nhiêu./.
 

 


[1] Các trường hợp được quy định liệt kê tại khoản 1 Điều 134:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n)Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
[2] Các trường hợp được quy định liệt kê tại khoản 1 Điều 173:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
[3]  - Điểm a khoản 3 Điều 5Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau: “3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người khác;” (Nghị định này hiện nay vẫn thiếu quy định về ranh giới tội phạm cố ý gây thương tích và vi phạm cố ý gây thương tích).
 - Khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 49Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau: “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. 2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;…”.
- Điểm a khoản 1 Điều 15Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác như sau: “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Trộm cắp tài sản;…”.
 
[4] Đoạn 1 khoản 2 Mục III Báo cáo số 870/BC-UBTVQH13 ngày 20/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
[5] Xem cụ thể tại Mục I Báo cáo số 870/BC-UBTVQH13 ngày 20/5/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”…