Trách nhiệm xã hội của ngân hàng thương mại - giải pháp chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng

01/12/2013

Nghiên cứu và luận giải về cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM) trong hoạt động ngân hàng ở nước ta cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm ở những khía cạnh khác nhau. Song cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu làm rõ vấn đề nâng cao nhận thức trách nhiệm của ngân hàng thương mại (NHTM) như là một công cụ nhằm chống CTKLM trong lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro này. Những năm gần đây, cùng với tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế, ở nước ta cũng đã xuất hiện những quan niệm mới về kinh doanh, trong đó có vấn đề trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp. Đã có nhiều nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về TNXH, phần nào cho thấy vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, thực thi TNXH của doanh nghiệp ở nước ta trong những năm tới[1].
Hoạt động ngân hàng, về bản chất là hành vi kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh tại các địa bàn lớn và đông dân cư thể hiện trong mối tương quan với sự phát triển gia tăng của số lượng các TCTD đã ở giai đoạn bão hòa, các NHTM muốn tồn tại được trong điều kiện môi trường cạnh tranh này thì chỉ còn cách tìm lối đi riêng - một biện pháp “ghi dấu ấn” hình ảnh ngân hàng mình trong tâm trí người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Để làm được điều này, trong mỗi NHTM cần phải quan tâm đến việc thực hiện TNXH của mình. Nghiên cứu nội dung TNXH của doanh nghiệp, chúng ta có thể nhận thấy TNXH của doanh nghiệp là công cụ quan trọng để chống CTKLM, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
1_147.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với việc chống cạnh tranh không lành mạnh
Hiện nay, còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về TNXH của doanh nghiệp, trong đó, thuật ngữ TNXH thường sử dụng định nghĩa của Nhóm phát triển kinh tế tư nhân của Ngân hàng Thế giới về TNXH của doanh nghiệp. Theo đó, “TNXH của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng gópvào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”[2]. Tuy nhiên, nội dung TNXH của doanh nghiệp vẫn chưa được giải thích một cách thống nhất.
Có quan điểm cho rằng, TNXH của doanh nghiệp bao gồm bốn trách nhiệm chính: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và đóng góp cộng đồng[3]. Quan niệm khác lại cho rằng, TNXH của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các yếu tố, các mặt, như: 1. Bảo vệ môi trường; 2. Đóng góp cho cộng đồng xã hội; 3. Thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp; 4. Bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng; 5. Quan hệ tốt với người lao động; và 6. Đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp[4]. TNXH được coi là một phạm trù của đạo đức kinh doanh (Business Ethics), có liên quan đến mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy, ít nhất đã có bốn nhóm đối tượng mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong ứng xử: Thị trường và người tiêu dùng, bao gồm cả nhà đầu tư, ngân hàng, nhà cung ứng và hợp tác; Người lao động; Cộng đồng trong khu vực và trong xã hội trong nước và thế giới; Môi trường sống[5].
Ngày nay, TNXH của doanh nghiệp bao hàm nhiều khía cạnh hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một doanh nghiệp hiện đại chỉ được xem là có TNXH khi: Đảm bảo được hoạt động của mình không gây ra những tác hại đối với môi trường sinh thái, tức là phải thể hiện sự thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất của mình, đây là một tiêu chí rất quan trọng đối với người tiêu dùng; Phải biết quan tâm đến người lao động, người làm công cho mình không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, buộc người lao động làm việc đến kiệt sức hoặc không có giải pháp giúp họ tái tạo sức lao động của mình là điều hoàn toàn xa lạ với TNXH của doanh nghiệp; Phải tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ, không được phân biệt đối xử về mặt giới tính trong tuyển dụng lao động và trả lương mà phải dựa trên sự công bằng về năng lực của mỗi người; Không được phân biệt đối xử, từ chối hoặc trả lương thấp giữa người bình thường và người bị khiếm khuyết về mặt cơ thể hoặc quá khứ của họ; Phải cung cấp những sản phẩm có chất lượng tốt, không gây tổn hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; Dành một phần lợi nhuận của mình đóng góp cho các hoạt động trợ giúp cộng đồng[6].
Mặc dù còn nhiều quan niệm khác nhau về TNXH của doanh nghiệp, song chúng ta có thể nhận thấy những nội dung cốt lõi đối với TNXH của doanh nghiệp là:
- Đây là một sự cam kết của công ty trong ứng xử phù hợp với lợi ích của xã hội trong các hoạt động liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà cung ứng, nhân viên, cổ đông, cộng đồng, môi trường[7]. Đó phải là những hành xử hợp đạo đức, pháp luật, phải trong sạch, đàng hoàng.
- TNXH là trách nhiệm trong từng hành vi kinh doanh, nghĩa là, hoạt động kinh doanh không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn phải hướng tới bảo vệ lợi ích của cộng đồng xã hội, nhất là người dân (những người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hành vi kinh doanh), của người tiêu dùng (những người sẽ phải bỏ tiền để sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp cung cấp, song những sản phẩm này phải không ảnh hưởng, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng). Đây là cơ sở quan trọng cho xã hội, nhà nước và từng người dân, người tiêu dùng giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại nếu như nó gặp phải các chiến dịch tẩy chay hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất, nếu như những hàng hóa đó làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến xã hội.
- TNXH của doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp hướng tới các hành vi cạnh tranh lành mạnh, bởi lẽ, nếu doanh nghiệp thực hiện hành vi CTKLM nó sẽ gây hại cho đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng và Nhà nước.
- TNXH của doanh nghiệp là thước đo thang giá trị doanh nghiệp trên thị trường, khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, từ đó có thể khẳng định thực hiện tốt TNXH doanh nghiệp sẽ có vị thế và uy tín lớn trên thị trường.
- TNXH rất gần với phạm trù “đạo đức kinh doanh”, đó là những thôi thúc của lương tâm, là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện những hành vi kinh doanh hướng tới cái thiện tâm và xa lánh cái ác. Suy rộng ra, thực hiện tốt TNXH chúng ta sẽ xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, có đạo đức và trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng xã hội.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy, nâng cao nhận thức và thực hành TNXH của doanh nghiệp trong thực tiễn kinh doanh có ý nghĩa rất lớn đối với việc chống CTKLM. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, cũng như đạo đức kinh doanh, TNXH của doanh nghiệp thể hiện tính trong sạch, đàng hoàng, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh của mình, trong khi đó, CTKLM là những hành vi cạnh tranh đi ngược lại các nguyên tắc xã hội, tập quán và truyền thống kinh doanh, xâm phạm đến lợi ích của chủ thể kinh doanh khác, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích chung của xã hội[8]. Đó là những hành vi cụ thể, đơn phương, vì mục đích cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh luôn thể hiện tính không lành mạnh (chứ không chỉ là bất hợp pháp) mà mục đích của nó là gây cho một hay một số đối thủ cạnh tranh cụ thể sự bất lợi hay gây thiệt hại trong hoạt động kinh doanh[9]. Do vậy, chống CTKLM hay xác lập và thực hành TNXH của doanh nghiệp thực chất là quá trình phát hiện, loại bỏ những hành vi kinh doanh trái với pháp luật, trái đạo đức kinh doanh, hướng hành vi kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường theo hướng tốt đẹp, nó thể hiện quá trình tự nhận thức và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện hành vi kinh doanh có trách nhiệm.
Thứ hai, việc đánh giá TNXH của doanh nghiệp được dựa trên những tiêu chí nhất định. Doanh nghiệp thực hiện TNXH của mình thông qua việc áp dụng các bộ Quy tắc ứng xử (CoC) và các tiêu chuẩn như SA8000, ISO 14000… Điều quan trọng là ý thức về TNXH phải là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, bất kể họ tuân thủ bộ quy tắc ứng xử nào, hay thậm chí thực hiện TNXH theo các quy tắc đạo đức mà họ cho là phù hợp với yêu cầu của xã hội và được xã hội chấp nhận[10].
Tương tự như vậy, việc đánh giá một hành vi cạnh tranh có lành mạnh hay không người ta cũng phải dựa trên các tiêu chí nhất định, nghĩa là xem xét hành vi đó có trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng[11] hay không?
Thứ ba, về bản chất, TNXH của doanh nghiệp luôn là sự thể hiện của “sự trừng phạt của lương tri, người ta gọi là trừng phạt bên trong tạo nên sự xấu hổ để gạt bỏ cái xấu, thúc đẩy xã hội vận động tốt đẹp hơn”[12]. Để thực hiện được mục tiêu TNXH của doanh nghiệp đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có những phương châm hành động nhất định phù hợp với pháp luật, tập quán và đạo đức kinh doanh. TNXH của doanh nghiệp thể hiện sự phát triển của nền kinh tế thị trường, của giới doanh nhân trong từng quốc gia.
Để chống CTKLM hiệu quả, trước hết và chủ yếu cần tập trung vào việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, người quản trị doanh nghiệp có đạo đức, lương tâm và trách nhiệm. Bởi lẽ, họ chính là người nhân danh công ty để đưa ra các quy định kinh doanh, hành vi kinh doanh, cạnh tranh của công ty, tính chất của hành vi cạnh tranh của công ty phụ thuộc vào quyết định, phương thức thực hiện hành vi cạnh tranh của người quản trị, điều hành công ty trên thực tế.
2. Trách nhiệm xã hội của ngân hàng thương mại - giải pháp chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
Về phương diện lý luận, các nghiên cứu nhằm làm rõ bản chất của TNXH của NHTM chưa nhiều. Các nghiên cứu về TNXH của NHTM tập trung vào việc xác lập và nâng cao nền tảng đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng[13] hoặc nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa kinh doanh ngân hàng[14]. Trên cơ sở nội dung TNXH của doanh nghiệp, về phương diện lý thuyết, chúng tôi cho rằng, nội dung TNXH của NHTM bao gồm các nhân tố:
Thứ nhất, bảo đảm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế. Với vai trò là trung gian tài chính, các NHTM là TCTD thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng nên nó là trung tâm trên thị trường ngân hàng. Khi thực hiện chức năng trung gian tài chính, NHTM đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn. Với chức năng này, NHTM vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay và hưởng lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa lãi suất nhận gửi và lãi suất cho vay và góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người gửi tiền và người đi vay... Bên cạnh đó, NHTM còn thực hiện vai trò là thủ quỹ cho các doanh nghiệp và cá nhân, thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như trích tiền từ tài khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và các khoản thu khác theo lệnh của họ. Các NHTM cung cấp cho khách hàng nhiều phương tiện thanh toán tiện lợi như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ rút tiền, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn cho mình phương thức thanh toán phù hợp[15]. Như vậy, làm tốt vai trò cung ứng nguồn vốn và nhu cầu thanh toán cho nền kinh tế sẽ là cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, bảo đảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Nghĩa là, NHTM không được ban hành hoặc có các hành vi cản trở khác đối với khách hàng khi họ tiếp cận nguồn vốn vay tại ngân hàng. Ở đây có một vấn đề cần làm rõ về phương diện lý luận là: các NHTM có trách nhiệm trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng đối với các đối tượng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn như hộ nghèo, người vay tiền không có tài sản bảo đảm, thực hiện đồng tài trợ vốn cho những dự án trọng điểm quốc gia không, bởi lẽ, ở nước ta những hoạt động này là chức năng của Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển Việt Nam?
Trả lời câu hỏi trên, về mặt pháp lý, chúng ta đã tách biệt tín dụng chính sách và tín dụng thương mại trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD năm 2004. Sự phân tách này vẫn được thể hiện trong Luật các TCTD năm 2010. Vì vậy, theo chúng tôi, nội dung này, trong những nội dung TNXH của NHTM và nếu các NHTM có thể trong phạm vi cho phép thì Nhà nước khuyến khích họ thực hiện cho những đối tượng trên tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thứ ba, bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền. Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là trách nhiệm pháp lý đã được quy định trong Luật các TCTD[16]. Hiện nay, có một xu hướng cần nhận diện và xử lý, đó là tình trạng các NHTM chạy đua lãi suất huy động vốn và đưa ra nhiều chính sách khuyến mại để thu hút tiền gửi[17]. Đây là điều đáng lo ngại trên thị trường ngân hàng Việt Nam thời gian qua và nó cũng đã dẫn đến nhiều hậu quả xấu đối với thị trường ngân hàng và nền kinh tế.
Bốn là, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD. Đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của tất cả các NHTM. Đây vừa là trách nhiệm pháp lý được Luật CTCTD quy định[18], vừa là trách nhiệm của NHTM đối với người gửi tiền, bởi lẽ, nếu để xảy ra đổ vỡ hệ thống các TCTD sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Để thực hiện tốt nội dung TNXH này của NHTM đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội trong đó có Ngân hàng Nhà nước để quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định của các NHTM.
Hai là, về thực tiễn, hiện nay, nhiều NHTM đã chú trọng và nhấn mạnh đến TNXH của mình trong hoạt động ngân hàng như: “Gắn xã hội trong kinh doanh” phương châm là hoạt động mang tính lâu dài của Ngân hàng LienVietPostBank; Phát triển bền vững là một trong những chiến lược kinh doanh chủ chốt của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) từ cấp lãnh đạo cao nhất đến sự tham gia của tất cả nhân viên trong Ngân hàng[19]; Để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Công thương Việt Nam đã triển khai và áp dụng những bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực (CoC)[20]; Sứ mạng của Ngân hàng thương mại NHTM cổ phần Đông Á là Bằng trách nhiệm, niềm đam mê và trí tuệ, chúng ta cùng nhau kiến tạo nên những điều kiện hợp tác hấp dẫn khách hàng, đối tác, cổ đông, cộng sự và cộng đồng[21]; Các nguyên tắc hướng dẫn hành động  của Ngân hàng ACB là: Chỉ có một ACB; Liên tục cách tân; và Hài hòa lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan[22];Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa của Ngân hàng này là “Trung thực, Kỷ cương, Sáng tạo, Chất lượng, Hiệu quả” với các đặc trưng: Gắn kết, Thân thiện, Nghĩa tình, Địa phương, Tam nông[23].
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn về TNXH của NHTM, dưới góc nhìn của việc chống CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi cho rằng, xác lập và thực hành tốt TNXH của mỗi NHTM sẽ là công cụ quan trọng, là giải pháp cơ bản và lâu dài cho việc chống CTKLM trong hoạt động ngân hàng, bởi lẽ:
Thứ nhất, các NHTM sẽ dần chuyển từ mục tiêu kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận của chính mình sang mục tiêu kinh doanh bảo đảm hài hòa lợi ích của ngân hàng, người tiêu dùng (khách hàng) và đối thủ cạnh tranh. Để làm được điều này cần nhanh chóng xác lập nền tảng đạo đức kinh doanh ngân hàng bao gồm đạo đức của người quản trị, điều hành và đạo đức cán bộ ngân hàng được xây dựng trên nền tảng chế độ đãi ngộ hợp lý để hạn chế việc bị lòng tham tha hóa, bởi vì, vấn đề trách nhiệm luôn liên quan đến hành vi con người dù ở cấp độ toàn cầu hay quốc gia, cộng đồng hay cá nhân và nó là một phạm trù cơ bản của triết học đạo đức[24].
Thứ hai, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh ngân hàng minh bạch, sòng phẳng, lành mạnh. Các nghiên cứu về xây dựng văn hóa kinh doanh ngân hàng ở nước ta thời gian qua đã khẳng định, văn hóa kinh doanh ngân hàng là yếu tố sự phát triển bền vững[25], là bí quyết thành công[26] của các NHTM, nghĩa là, khi dựa trên nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc, các NHTM sẽ loại bỏ những cái “giả” trong thực tiễn kinh doanh[27]. Để có bản lĩnh vượt qua những hành vi CTKLM, không minh bạch, không sòng phẳng, các NHTM cần phải dựa trên nền tảng văn hóa kinh doanh ngân hàng vững chắc. Thực tiễn đã chứng minh, khi đã xác lập và thực hành TNXH, các NHTM xa lánh, không thực hiện các hành vi trái pháp luật, trái tập quán, đạo đức kinh doanh, nghĩa là không thực hiện hành vi CTKLM.
Thứ ba, nét đặc thù trong cạnh tranh của các NHTM là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh có như vậy mới tạo sự ổn định cho hệ thống, song trên thị trường vẫn còn hiện tượng chơi xấu nhau[28], hiện tượng tung tin đồn thất thiệt để trục lợi vẫn còn tồn tại; tình trạng các cổ đông lớn lạm dụng vị trí của mình để trục lợi, người quản trị điều hành ngân hàng chưa trung thành với lợi ích của ngân hàng vẫn còn diễn ra phổ biến… Còn hiện tượng này là do các NHTM chưa xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, quy tắc trong đạo đức kinh doanh, nhất là các quy tắc giải quyết mối quan hệ giữa người quản trị, điều hành với cổ đông, với nhân viên, với đối thủ cạnh tranh, với các cơ quan công quyền…, nghĩa là chưa xây dựng được xây dựng môi trường kinh doanh trên tinh thần hợp tác hài hòa không chỉ giữa các đối thủ cạnh tranh mà còn đối với cả khách hàng, người tiêu dùng những đối tượng có nguy cơ bị thiệt hại từ hành vi CTKLM./.

 


[1] Để khuyến khích và tạo phong trào cho các doanh nghiệp Việt Nam, ngày 30/03/2013 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng TNXH doanh nghiệp năm 2012 cho 41 doanh nghiệp trong hai lĩnh vực lao động và môi trường.
[2] Phạm Văn Đức (2009), TNXH của doanh nghiệp - một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách, Tạp chí Triết học, (2), tr.16-23
[3] Ngô Vân Hoài, Nghiên cứu chính sách TNXH doanh nghiệp ở Việt Nam, Bản tin số 26 Viện Khoa học Lao động xã hội
[4] Phạm Văn Đức, tldd.
[5] Lê Đăng Doanh (2009), Một số vấn đề về TNXH của doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Triết học, (3), tr.29-34.
[6] Trần Hồng Minh (2009), TNXH của doanh nghiệp: Nhận thức và thực tiễn ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 3 (443) năm 2009.
[7] Lê Đăng Doanh., tlđd.
[8] Đặng Vũ Huân (2004), Pháp luật về kiểm soát độc quyền và CTKLM ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.30,31.
[9] Nguyễn Như Phát, Bùi Nguyên Khánh (2001), Tiến tới xây dựng pháp luật cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 241.
[10] Trần Hồng Minh  tlđd..
[11] Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004.
[12] Vũ Trọng Dung (2011), Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật trong việc điều chỉnh hành vi của con người, Thông tin Khoa học xã hội số 8 năm 2011, tr.14.
[13] Xem thêm:
- Viên Thế Giang (2011), Nhận diện nguy cơ vi phạm đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 23, tháng 11/2011, tr.35-40.
- Ngô Thái Phượng (2011), Đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ số 18 (339) ngày 15/09/2011, tr. 15.
[14] Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2007), Xây dựng văn hóa kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[16] Xem Điều 10 Luật các TCTD năm 2010 và Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam năm 2012.
[17] Xem thêm: Viên Thế Giang (2011), Hiệu quả chính sách nhìn từ cuộc đua lãi suất huy động vốn, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng số 9/2011.
[18] Xem cụ thể tại Chương VI từ Điều 126 đến Điều 135 Luật các Tổ chức tín dụng 2010.
[20] Nguyễn Văn Hiệu, TNXH - Triết lý kinh doanh hiện đại hình thành hệ giá trị của VietinBank, http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/08/081215_trachnhiem.html
[24] Vũ Huy Tuấn (2009), TNXH và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta, Tạp chí Triết học, (5), tr.21.
[25] Xem thêm: Nguyễn Thị Mùi, “Văn hóa kinh doanh – yếu tố phát triển bền vững của các NHTM Việt Nam”, in trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2007), Xây dựng văn hóa kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.14-19.
[26] Xem thêm: Dương Thị Bích Thủy, “Văn hóa doanh nghiệp – bí quyết thành công của các ngân hàng”, in trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2007), Xây dựng văn hóa kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.29-38
[27] Xem thêm: Vũ Đình Ánh, “Chữ “hoạt” trong văn hóa kinh doanh của các NHTM Việt Nam hay một góc nhìn phê phán về văn hóa kinh doanh”, in trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2007), Xây dựng văn hóa kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.86-96
[28] Xem các thông tin liên quan đến vụ các ngân hàng tố nhau vi phạm trần lãi suất huy động năm 2011