Địa vị pháp lý của pháp nhân với tư cách là bên bảo lãnh khi tham gia quan hệ bảo lãnh

01/11/2013

1. Quan hệ bảo lãnh với bên bảo lãnh là pháp nhân
Bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bên bảo lãnh tham gia vào quan hệ bảo lãnh nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho chủ thể có nghĩa vụ nếu chủ thể có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã đến. Như vậy, khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh, bên bảo lãnh đóng vai trò hết sức quan trọng hỗ trợ cho bên được bảo lãnh có thể xác lập quan hệ chính với bên nhận bảo lãnh.
 Chúng tôi phân tích cụ thể về địa vị pháp lý của pháp nhân khi đóng vai trò là bên bảo lãnh trong quan hệ bảo lãnh.  
Trong quan hệ bảo lãnh luôn có ba bên: bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Trong đó bên bảo lãnh là bên cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
 Điều 361 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định“bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh)…”. Như vậy bên bảo lãnh là “người” và “người” này có thể là những chủ thể nào của quan hệ pháp luật dân sự? Liệu pháp nhân có thể đóng vai trò là người bảo lãnh hay không? Hiện nay vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược nhau về vấn đề bảo lãnh của pháp nhân. 
Theo quan điểm thừa nhận địa vị pháp lý của pháp nhân bảo lãnh là đương nhiên mà không cần đến các quy định cụ thể của pháp luật thì cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Bên bảo lãnh có thể là “người” và nếu hiểu “người” theo nghĩa rộng, thì “người” là tất cả các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. “Người” này có thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, Nhà nước Việt Nam khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh với tư cách là bên bảo lãnh. Hơn nữa, bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nên bên bảo lãnh cũng có thể là bất kỳ chủ thể nào có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự để tham gia vào quan hệ bảo lãnh. Theo cách hiểu này thì pháp nhân khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh với vai trò là bên bảo lãnh có thể là bất kỳ pháp nhân nào mà không cần có một quy định cụ thể nào của pháp luật. Bởi vì pháp nhân là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự nên khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh cũng không cần đòi hỏi quy định cụ thể của pháp luật là cho phép hay không cho phép. Bảo lãnh chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, chính vì vậy, pháp nhân khi tham gia vào quan hệ này cũng với tư cách là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thực hiện một nghĩa vụ dân sự. Ngoài ra cũng có cách giải thích cho rằng, đây là một điều hiển nhiên, không phải bàn cãi. Pháp nhân có năng lực chủ thể có quyền tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự để thực hiện nghĩa vụ dân sự[1].
Ngược lại, cũng có quan điểm trái chiều về vấn đề bảo lãnh của pháp nhân. BLDS năm 2005 quy định có 05 loại hình pháp nhân. Việc phân thành 05 loại hình pháp nhân khác nhau là tùy thuộc vào mục đích hoạt động của pháp nhân đó. Khi pháp nhân được thành lập thì căn cứ vào mục đích hoạt động của mình, pháp nhân đó sẽ có những quyền và nghĩa vụ dân sự tương ứng. Những quyền và nghĩa vụ dân sự này chính là năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân mà Nhà nước ghi nhận cho phép pháp nhân thực tế tham gia vào những quan hệ pháp luật dân sự. Chẳng hạn, pháp nhân là các tổ chức kinh tế thì không tham gia vào những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu chính trị, xã hội. Ngược lại, nếu pháp nhân là các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thì không thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự nhằm mục đích kinh doanh được, trừ trường hợp đặc biệt[2]. Quy định trong BLDS Việt Nam cũng tương tự với quy định của pháp luật Nhật Bản hay Thái Lan về năng lực chủ thể của pháp nhân và những quan hệ pháp luật mà pháp nhân tham gia sao cho phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Theo quy định tại Điều 43 của BLDS Nhật Bản thì “việc mở rộng hoặc hạn chế quyền năng của pháp nhân gắn liền với mục đích hoạt động của pháp nhân đó”[3]. Hay theo Điều 69 của Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan có quy định “một pháp nhân có những quyền và nghĩa vụ theo đúng những quy định của pháp luật trong phạm vi mục đích hoạt động của pháp nhân đó như được chỉ ra trong điều lệ hoặc văn bản thành lập”. Như vậy, khi xét đến năng lực chủ thể của pháp nhân, pháp luật Nhật Bản và pháp luật Thái Lan rất quan tâm đến mục đích hoạt động của pháp nhân. Trên cơ sở mục đích hoạt động của pháp nhân có thể xác định được những giao dịch mà pháp nhân đó được phép tham gia vào. Như vậy, việc pháp nhân bảo lãnh có thể hay không cần căn cứ vào quy định của pháp luật và xem xét đến mục đích hoạt động của pháp nhân đó có phù hợp hay không. Chẳng hạn, một pháp nhân kinh tế thì nếu pháp nhân này thực hiện bảo lãnh mà trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của pháp nhân không thể hiện, pháp nhân này đã thực hiện một hoạt động vi phạm điều cấm của pháp luật[4].
Thực tế hiện nay, trong hầu hết các bản án xử các tranh chấp có liên quan đến/về quan hệ bảo lãnh mà bên bảo lãnh là pháp nhân thì Tòa án đều đương nhiên công nhận địa vị pháp lý của bên pháp nhân bảo lãnh.
2. Nhận xét
Với quy định của BLDS Việt Nam năm 2005, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,… pháp luật không đề cập cụ thể đến địa vị pháp lý của pháp nhân khi tham gia vào quan hệ bảo lãnh với tư cách là bên bảo lãnh. Mà chỉ trong những trường hợp đặc thù với quan hệ bảo lãnh đặc thù, thì pháp luật mới quy định.
Hiện nay, chúng ta có Luật các Tổ chức tín dụng (tại Khoản 14 Điều 4) có đề cập đến bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, bảo lãnh ngân hàng là một hoạt động của ngân hàng, cụ thể là hoạt động cấp tín dụng. Trên cơ sở này, có một loạt các văn bản như Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 26/6/2006 về việc ban hành Quy chế bảo lãnh ngân hàng. Tiếp theo là Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại; Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại;…. Như vậy, đối với hoạt động bảo lãnh của ngân hàng, đã có các văn bản pháp luật quy định một cách rất cụ thể khi chủ thể tham gia vào quan hệ bảo lãnh là pháp nhân - các ngân hàng.
Một lĩnh vực cũng khá quan trọng và cũng đã có sự ghi nhận của pháp luật, đó là vấn đề phát hành trái phiếu, chứng khoán. Chúng ta đã có Nghị định số 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 “Đối tượng tham gia đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng Tổ quốc là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các định chế tài chính khác”. Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có quy định về bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Còn đối với những hoạt động bảo lãnh thông thường, không mang tính chất nghiệp vụ như bảo lãnh ngân hàng, bảo lãnh của Chính phủ,…thì pháp luật không ghi nhận cụ thể về tư cách pháp lý của bên bảo lãnh là pháp nhân.
Liệu rằng, pháp luật có thiếu đi quy định thừa nhận tư cách pháp lý của pháp nhân hay không, khi mà trên thực tế, pháp nhân bảo lãnh rất nhiều và vai trò của pháp nhân bảo lãnh cũng rất quan trọng. Theo chúng tôi, nên thừa nhận địa vị pháp lý của pháp nhân bảo lãnh một cách đương nhiên như là cá nhân. Pháp luật không cần bàn gì, cá nhân cũng đương nhiên có thể là bên bảo lãnh và pháp nhân cũng vậy. Vì xét cho cùng, bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Như vậy pháp nhân có quyền tham gia quan hệ bảo lãnh, trở thành pháp nhân bảo lãnh để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Còn về vấn đề năng lực chủ thể của pháp nhân có cho phép hay không, thiết nghĩ, chúng ta nên theo cách giải thích năng lực chủ thể của pháp nhân theo một nghĩa rộng.  
Chẳng hạn, khi đối chiếu với pháp luật Nhật Bản - một nước cũng theo quan điểm giải thích càng ngày càng mở rộng hơn năng lực của pháp nhân, trước đây án lệ không công nhận giá trị của các hoạt động trợ cấp cho người làm thuê, bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ cho người khác bởi vì các hành vi đó thực hiện vượt quá phạm vi năng lực hành vi của pháp nhân. Nhưng dần dần, pháp luật Nhật Bản đã mở rộng giải thích năng lực hành vi của pháp nhân theo hướng công nhận cả những “hành vi cần thiết để thực hiện mục đích mà điều lệ đã quy định” (bản án của Tòa án nhân dân tối cao Nhật Bản ngày 17/12/1931)[5]. Như vậy, theo cách giải thích của án lệ ở Nhật Bản thì chỉ cần pháp nhân đó thực hiện những hành vi được xem là cần thiết đảm bảo được mục đích của pháp nhân thì không cần pháp luật phải quy định cụ thể vẫn được xem là nằm trong năng lực mà pháp luật công nhận. Cụ thể, khi trong văn bản pháp luật không đề cập cụ thể đến vấn đề về bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ của người khác, nhưng nếu  việc bảo lãnh là cần thiết thể hiện được mục đích hoạt động của pháp nhân mà trong điều lệ của pháp nhân đã có quy định, thì pháp nhân có thể tham gia vào quan hệ này để bảo lãnh.  
 Trong BLDS Pháp có hẳn điều luật quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm nếu bên đứng ra bảo đảm là pháp nhân. Tại Điều 1844-2 (Luật số 78-753 ngày 17/7/1978, Điều 64): có thể thỏa thuận về việc thế chấp hoặc mọi biện pháp bảo đảm khác đối với tài sản của công ty căn cứ theo những quyền hạn nêu tại quyết định củacông ty hoặc được xác lập thông qua ủy quyền bằng tư chứng thư, ngay cả khi việc thế chấp hoặc các biện pháp bảo đảm phải lập dưới hình thức văn bản công chứng”. Như vậy, pháp luật Pháp cũng có ghi nhận rất cụ thể vai trò của pháp nhân khi tham gia vào các biện pháp bảo đảm, trong đó có bảo lãnh.
Trên cơ sở thực tế hoạt động áp dụng pháp luật thì pháp nhân, đặc biệt là các tổ chức kinh tế tham gia vào quan hệ bảo lãnh với tư cách là người bảo lãnh, rất nhiều. Thiết nghĩ, cách nhìn nhận cũng như thực tiễn xét xử như vậy là phù hợp. Mục đích hoạt động của pháp nhân nói chung là do luật định, chứ không phải được quy định bởi quyết định thành lập hay điều lệ của pháp nhân. Điều lệ chỉ giới hạn những công việc, ngành nghề chứ không thể giới hạn năng lực pháp luật của pháp nhân. Quyết định thành lập pháp nhân cũng chỉ là văn bản áp dụng pháp luật, thể hiện ý chí chủ quan của người ra quyết định, nên không thể nói rằng, người ra quyết định thành lập pháp nhân đã ban cho pháp nhân đó năng lực pháp luật[6]. Khi nói về hoạt động bảo lãnh nói chung, đây là một biện pháp dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, do vậy những chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự có quyền tham gia vào quan hệ này. Còn khi đề cập đến hoạt động bảo lãnh mang tính chất nghiệp vụ, chẳng hạn bảo lãnh của các tổ chức tín dụng, bảo lãnh phát hành cổ phiếu,… thì lúc này pháp luật đã có những quy định thể hiện yêu cầu cụ thể của chủ thể bảo lãnh.
Pháp luật hiện nay được xây dựng theo hướng càng ngày càng thể hiện rõ tinh thần “công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm” và càng ngày càng mở rộng hơn nữa những ngành nghề kinh tế, quyền tự do trong kinh doanh. Do vậy, thiết nghĩ, mặc dù pháp luật không ghi nhận cụ thể địa vị pháp lý của pháp nhân bảo lãnh, tuy nhiên với vai trò quan trọng của pháp nhân bảo lãnh, từ những thực tế xét xử và cách giải thích pháp luật về năng lực chủ thể của pháp nhân ngày càng mở rộng, chúng ta nên thừa nhận địa vị pháp lý của pháp nhân bảo lãnh./.
 


[1] Xem thêm Sỹ Hồng Nam (2011), “Một số vấn đề bảo lãnh và thực trạng giải quyết tranh chấp có liên quan đến hợp đồng bảo lãnh tại Tòa án nhân dân”, Hội nghị khoa học kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật TP.HCM, Phiên : Hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng, TP.HCM “người bảo lãnh có thể là cá nhân, pháp nhân và những chủ thể khác của pháp luật dân sự”, trang 170.
[2] Theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 BLDS năm 2005 “Trong trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến hoạt động có thu bằng tài sản có được từ hoạt động này”.
[3] Bình luận khoa học BLDS Nhật Bản, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1995, trang 83.
[4] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
[5] Tlđd, xem chú thích số 3 “Theo BLDS Nhật Bản, các hành vi không liên quan đến mục đích của pháp nhân không được công nhận là hành vi của pháp nhân. Nói cách khác, pháp nhân chỉ có năng lực hành vi trong phạm vi mục đich của mình. Cần lưu ý đặc biệt là quyền năng và năng lực hành vi của pháp nhân không bị giới hạn bởi hoạt động được quy định như là mục đích trong điều lệ hoặc trong văn bản thành lập pháp nhân mà còn cả những hành vi của bản thân pháp nhân đó với tính cách là thành viên của xã hội, hoạt động để đạt được mục đích đặt ra. Chẳng hạn pháp nhân có mục đích phục vụ lợi ích công cộng cũng có thể tiến hành hoạt động quyên góp hoặc hoạt động tiền tệ như các lễ hội tôn giáo”, trang 86.
[6]Lê Minh Hùng, Pháp nhân, Tập bài giảng Những vấn đề chung về Luật dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM.