Góp ý các quy định về sở hữu trong Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

01/10/2013

1. Tổng quan các quy định về sở hữu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Quy định về sở hữu là một trong những nội dung mà Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù là Hiến pháp cổ điển hay Hiến pháp hiện đại, đều quy định. Thông thường, Hiến pháp ở các nước có nền kinh tế thị trường (KTTT) thường hiến định nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu (QSH) của công dân. Tuy nhiên, QSH ấy không phải là thứ quyền năng tuyệt đối, không có giới hạn. Ngược lại, Hiến pháp các nước thường quy định rõ giới hạn của loại quyền năng này khi có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích công cộng. Chẳng hạn, Điều 29 Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 quy định: “Quyền tư hữu là quyền bất khả xâm phạm. Quyền tư hữu được xác định bởi pháp luật và phù hợp với quyền lợi chung của cộng đồng. Tài sản cá nhân chỉ được trưng dụng vì mục đích công cộng sau khi có bồi thường tương ứng”[1]. Hiến pháp năm 1987 của Hàn Quốc có quy định: “QSH của mọi công dân được bảo đảm. Các nội dung và giới hạn của nó được xác định bằng pháp luật. Việc thực hiện QSH phải phù hợp với lợi ích công cộng. Việc sung công, sử dụng hoặc hạn chế sở hữu tư nhân (SHTN) vì nhu cầu công cộng và việc bồi thường được điều chỉnh bởi pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phải có sự bồi thường thỏa đáng”[2]. Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 trong các lần sửa đổi gần đây, nhất là lần sửa đổi năm 2004, đã khẳng định rõ hơn về việc bảo hộ QSH của công dân. Cụ thể, Điều 22 Hiến pháp nước này quy định: “Quyền tư hữu về tài sản hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm… Nhà nước có thể tiến hành trưng thu hoặc trưng dụng có bồi thường đối với tài sản tư hữu của công dân theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng”. Bên cạnh đó, Điều 20 Hiến pháp nước này từ năm 2004 cũng khẳng định rõ nguyên tắc: “Nhà nước có thể tiến hành trưng thu hoặc trưng dụng có bồi thường đối với đất đai theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng”[3]. Tu chính án số 5 của Hiến pháp Hoa Kỳ thì khẳng định rõ: “Nor shall private property be taken for public use, without just compensation” (Tài sản tư không thể bị trưng mua/trưng dụng để sử dụng vì mục đích công mà không có sự bồi thường công bằng/thỏa đáng). Điều 14 Hiến pháp Đức năm 1949 quy định: “Quyền tài sản (QTS) và quyền thừa kế (QTK) phải được bảo đảm. Nội dung và các giới hạn của nó được quy định bởi các đạo luật…. QTS luôn đi kèm với các nghĩa vụ. Việc sử dụng tài sản phải đảm bảo phù hợp với lợi ích công cộng... Việc trưng mua tài sản chỉ được phép vì lợi ích công cộng. Việc trưng mua tài sản chỉ được thực hiện theo quy định của đạo luật trong đó quy định rõ bản chất và mức độ bồi thường. Việc bồi thường đó được thực hiện theo nguyên tắc cân bằng một cách công bằng giữa lợi ích công cộng và lợi ích của người bị ảnh hưởng. Trường hợp tranh chấp về mức bồi thường, các bên có thể đưa ra Tòa án để giải quyết”.
Quy định về sở hữu cũng là một thông lệ trong các bản Hiến pháp nước ta từ Hiến pháp năm 1946 đến nay. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các quy định về sở hữu xuất hiện trong các điều khoản cụ thể sau đây:
- Điều 33:
1. Mọi người có QSH về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 57 và Điều 58.
2. QSH tư nhân và QTK được pháp luật bảo hộ.
- Khoản 2Điều 43: QSH trí tuệ được Nhà nước bảo hộ.
- Khoản 1 Điều 54: Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
- Khoản 3Điều 56: Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định.
- Điều 57: Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân (SHTD) do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.
- Khoản 2Điều 58:Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất (NSDĐ)… được chuyển QSDĐ… QSDĐ là QTS được pháp luật bảo hộ.
- Khoản 3 Điều 58:Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
- Khoản 4Điều 101:Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:…Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân;… quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc SHTD;
Trong các quy định kể trên, có thể thấy, Dự thảo đã hiến định một số nội dung cơ bản sau đây:
- Tiếp tục ghi nhận hình thức SHTN, trong đó có SHTN về tư liệu sản xuất, và cam kết không quốc hữu hóa tài sản hợp pháp thuộc SHTN (Điều 33 và Điều 56).
- Tiếp tục ghi nhận QSDĐ của tổ chức, cá nhân (Điều 58), đồng thời ghi rõ “QSDĐ là QTS được pháp luật bảo hộ”.
- Hiến pháp cũng ghi rõ những giới hạn của QSH, QSDĐ của tổ chức, cá nhân đó là việc tài sản hợp pháp có thể bị trưng mua, trưng dụng, đất đang được sử dụng hợp pháp bởi cá nhân, tổ chức có thể bị thu hồi (Điều 56 và Điều 58).
- Hiến pháp tiếp tục ghi nhận loại hình SHTD đối với một số loại tài sản đặc biệt như đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lợi ở biển v.v.. (Điều 58).
Có thể nói, việc tiếp tục ghi nhận nguyên tắc bảo hộ sở hữu tư liệu sản xuất của người dân, không quốc hữu hóa tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cùng với việc ghi nhận các hình thức sở hữu khác là cơ sở hiến định quan trọng để nước ta tiếp tục phát triển nền KTTT định hướng XHCN.
Tuy nhiên, xoay quanh những nội dung này, thời gian qua xuất hiện rất nhiều tranh luận khác nhau nhằm hoàn thiện các quy định của Dự thảo. Chúng tôi phân tích một số nội dung.
2. Sở hữu tư nhân và giới hạn của sở hữu tư nhân
Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “SHTN”: SHTN (quyền tư hữu) là khái niệm được quy định trong Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ (ngoại trừ Hiến pháp năm 1980)[4]. Hiến pháp hiện hành đã thừa nhận sự tồn tại của SHTN, thể hiện một thái độ rộng lượng hơn trong cách nhìn về SHTN với cam kết không quốc hữu hóa[5]. Tuy nhiên, Hiến pháp không giải thích rõ SHTN là gì. Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam hiện hành và cả BLDS trước đó (năm 1995) có định nghĩa SHTN là “sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình. SHTN bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân” (Điều 211 BLDS năm 2005; Điều 220 BLDS năm 1995). Thực ra, định nghĩa như trên chưa hoàn toàn chính xác vì theo định nghĩa này, sở hữu trong các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần hoạt động trong khu vực tư nhân (hoặc sở hữu của các công ty tư nhân đối với tài sản của mình) dường như không thuộc phạm trù “SHTN”, điều rất khác quan niệm về SHTN ở nhiều quốc gia. Đành rằng, SHTN có cái nền quan trọng nhất là “sở hữu của cá nhân” (và dưới góc độ kinh tế chính trị học thì điều cốt lõi phải là “sở hữu của cá nhân đối với tư liệu sản xuất”), nhưng nếu quan niệm SHTN chỉ là “sở hữu của cá nhân” thì rõ ràng có điều gì đó chưa ổn.
Có lẽ vì thế mà Hiến pháp hiện hành cũng như các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa sử dụng thuật ngữ “SHTN” lại vừa sử dụng cụm từ “mọi người có QSHvà cụm từ “tài sản … của tổ chức, cá nhân”. Chúng tôi cho rằng, nếu đã sử dụng cụm từ “mọi người có QSH…” và “tài sản … của tổ chức, cá nhân”, thì có nhất thiết phải sử dụng cụm từ “SHTN” để rồi tiếp tục gây ra tranh luận xem loại “sở hữu” này là “bạn”, là “đồng minh”, là “đối tác” hay “đối tượng” trong việc hoạch định chính sách của ta?
Thứ hai, vấn đề giới hạn của SHTN:Nhìn vào Hiến pháp của các nước, chúng ta có thể thấy một nguyên lý chung là: sở hữu của các tổ chức, cá nhân được tôn trọng, bảo vệ. Mặc dù vậy, việc thực thi QSH này vẫn phải đảm bảo một nguyên tắc chung là phù hợp với lợi ích công cộng (tức là không được xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, của Nhà nước). Điều đáng nói nữa là trong những trường hợp nhất định, lợi ích công cộng được coi là lý do chính đáng để hạn chế QSH của người dân. Vì lẽ đó, có thể nói rằng, quy định như khoản 3 Điều 56: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”về cơ bản là có thể chấp nhận được, ngoại trừ một số điểm về mặt kỹ thuật lập hiến có lẽ cần bàn thêm mà trong phần kiến nghị chúng tôi sẽ trình bày.
3. Đối tượng của sở hữu toàn dân
SHTD và thiết lập cơ chế vận hành, bảo vệ hiệu quả SHTD là vấn đề liên tục cần được giải mã. Nhưng việc giải mã về SHTD và thiết kế cơ chế thực hiện một cách hữu hiệu là một thách đố không nhỏ với khoa học pháp lý suốt nhiều năm qua.
Theo lối chiết tự, SHTD được kết cấu bởi hai từ là “sở hữu” và “toàn dân”, theo đó, đây là loại hình sở hữu mà chủ thể của loại hình sở hữu này là “toàn thể nhân dân Việt Nam”, cũng có nghĩa rằng, đây là toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam. Về mặt pháp lý, mọi công dân Việt Nam đều là thành viên của cộng đồng ấy. Tất nhiên, cách hiểu như vậy, nếu nghĩ kỹ không phải không đưa đến những điều có thể khiến chúng ta giật mình. Thật vậy, có lẽ người dân ở đô thị (hiện đang chiếm khoảng 31,5% dân số Việt Nam) sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, mình cũng là đồng sở hữu của những mảnh ruộng, những mảnh đồi, những mảnh rừng ở các vùng nông thôn, miền núi khá xa xôi. Thêm vào đó, có không ít người dân ở các thôn, làng, ấp bản, có thể cả đời chưa từng đến những mảnh đất “vàng” ở các đô thị, nhưng cũng là đồng sở hữu của những mảnh đất ấy. Những người không may gặp hoàn cảnh lang thang, cơ nhỡ, cơ cực trong đời sống hàng ngày (chắc con số này ở nước ta không phải hiếm) cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng, mình đang là đồng sở hữu của biết bao nhiêu mảnh đất, mảnh rừng, kho tài nguyên ở khắp mọi miền đất nước. Đối với những người đó, ý nghĩa của SHTD đối với họ và để họ cảm nhận đích thực không hề là điều giản đơn. Nhưng có thể, ý nghĩa về SHTD của những người dân ấy và một số người ở vị trí có thể quyết định được giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng như có vị cựu chủ tịch cấp tỉnh nọ có khuôn viên khổng lồ - mà báo chí đã tốn không ít giấy mực bàn luận - chắc là không giống nhau.
Ý thứ hai về SHTD, là vấn đề khái niệm sở hữu. Không khó để tra cứu các từ điển về kinh tế, chính trị, triết học và luật học để trích dẫn vào đây một cách giải thích về sở hữu[6]. Nhưng dù định nghĩa thế nào, thì dưới góc độ pháp lý, chúng ta cũng dễ thấy sở hữu luôn hàm chứa nội dung độc quyền tiếp cận, khai thác, hưởng lợi từ một nguồn lực nhất định và đi kèm với nó là quyền loại trừ những người khác được tiếp cận, khai thác, hưởng lợi từ nguồn lực ấy. Sở hữu, vì thế luôn mang đến cho chủ sở hữu một lợi thế trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng nguồn lực (đối tượng thuộc sở hữu) để mưu cầu lợi ích cho mình. Bởi vậy, để SHTD có ý nghĩa đích thực, vấn đề mấu chốt đặt ra là: phải có cơ chế thế nào đó để dân ta thực sự được hưởng lợi và cảm nhận được sự hưởng lợi đó từ SHTD.
Về đối tượng của QSH toàn dân: Ở nước ta ngày nay, tài sản thuộc SHTD, ngoài đất đai, còn khá nhiều đối tượng khác[7]. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Điều 57) có nêu các loại tài sản thuộc SHTD, ngoài đất đai[8], gồm:tài nguyên thiên nhiên: nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác; nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời; các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Quy định như trên đã hoàn toàn ổn chưa? Nghĩ kỹ, chúng ta thấy có mấy vấn đề sau:
- Cách liệt kê những loại tài sản thuộc SHTD như thế làm cho không ít người đặt ra những câu hỏi, nghe tưởng rất hài hước, nhưng không thể không đáng suy nghĩ. Chẳng hạn:việc người dân đánh bắt cá ở sông, hồ tự nhiên, kiếm củi, kiếm thức ăn trên rừng tự nhiên… có phải là xâm phạm SHTD không? Việc người dân ở các thôn quê đào giếng lấy nước sinh hoạt, nước tưới cây trái ở các thôn quê có phải là xâm phạm SHTD không? Nếu đúng thì biện pháp chế tài ra sao? Liệu những người dân hàng ngày bám biển, giữ chủ quyền, đánh bắt cá có phải là đang xâm phạm SHTD hay họ đang thực hiện hành vi chủ SHTD?
- Quy định tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý cũng là tài sản thuộc SHTD. Điều này nghe qua thì tưởng ổn, nhưng nghĩ kỹ, có thể sẽ gây khó khăn cho chúng ta trong việc hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước trong tương lai. Chúng tôi cho rằng, riêng với trường hợp Nhà nước đã lập ra các tổ chức hoặc dùng tiền, tài sản đầu tư vào các tổ chức, nhất là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thì những tài sản ấy không nên được xếp vào tài sản thuộc SHTDnhư cách mà một số nội dung của Điều 57 tiếp cận. Trong những trường hợp này, chúng ta cần dứt khoát với nhau quan điểm rằng, khi đã thành lập nên một pháp nhân và giao tài sản cho pháp nhân đó, Nhà nước chỉ là chủ sở hữu của pháp nhân chứ không còn là chủ sở hữu trực tiếp đối với tài sản đã giao ấy. Tài sản đã giao khi này sẽ trở thành đối tượng sở hữu của pháp nhân. Pháp nhân, theo quy định của pháp luật, được tiến hành các giao dịch mua bán, chuyển nhượng QSH. Có như thế, chúng ta mới có cơ sở hiến định để quan niệm rằng doanh nghiệp do Nhà nước lập nên có tư cách pháp nhân đầy đủ (chứ không để tình trạng song trùng về chủ sở hữu đối với tài sản như hiện nay), và có cơ sở hiến định để tiếp tục tiến hành cải cách các quy định về quản lý tài sản trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
- Quy định về SHTD tất yếu đặt ra vấn đề thiết kế cơ chế thực hiện và bảo vệ SHTD. Đây là vấn đề lớn mà sự giải mã của chúng ta thời gian qua dường như còn có những điểm chưa thành công. Những bức xúc trong quản lý đất đai, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, những vấn nạn trong chi tiêu công ở nước ta thời gian qua là những minh chứng cho nhận định này. Có thể thấy rằng, việc định danh sở hữu cho các loại tài sản như thế không che khuất đi thực tế là: những tài sản công luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và cần phải có cơ chế bảo vệ đặc biệt. Chúng ta đều biết, cơ chế ấy liên quan tới 3 chủ thể cơ bản: (1) chủ thể của SHTD là toàn thể nhân dân Việt Nam; (2) chủ thể đại diện cho chủ sở hữu là Nhà nước (với các cơ quan cụ thể của mình); và (3) chủ thể trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng, hưởng lợi từ tài sản thuộc SHTD (chủ thể nhận quyền này từ cơ sở được giao, được thuê v.v..).
Giữa chủ thể 1 và 2 tồn tại một quan hệ ủy quyền: của người chủ sở hữu và người đại diện. Giữa chủ thể 2 và 3 cũng tồn tại một quan hệ đặc biệt, có thể là quan hệ hợp đồng, cũng có thể là quan hệ hành chính.
Về mặt lý thuyết, cơ chế quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển tài sản thuộc SHTD được thiết kế để bảo vệ tốt nhất lợi ích của chủ thể 1, tức là để khai thác, sử dụng, phát triển một cách tốt nhất tài sản thuộc SHTD, vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trên thực tế, như đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra, mối quan hệ giữa 3 loại chủ thể kể trên không phải bao giờ cũng là mối quan hệ đồng thuận. Trong thực tế, những cá nhân con người cụ thể, với tư cách là bộ phận hình thành nên 3 chủ thể ấy đều có những lợi ích riêng, và khả năng xung đột, mâu thuẫn lợi ích là luôn hiện hữu. Điều tốt nhất cho chủ thể này, có thể không phải là điều tốt nhất cho chủ thể khác và ngược lại. Đây là câu chuyện mà giới chuyên môn hay gọi là xung đột lợi ích giữa người ủy thác và người đại diện[9]. Một trong những tiền đề để giải quyết được xung đột lợi ích chính là phải thiết kế được cơ chế giám sát, cơ chế thông tin hữu hiệu giữa người chủ sở hữu và người được ủy quyền trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác tài sản, kèm theo đó là cơ chế xử lý vi phạm nghiêm minh, kịp thời các chủ thể vi phạm. Điều này có nghĩa rằng, tính hữu hiệu của cơ chế thực thi SHTD (tức là mang lại lợi ích tốt nhất cho toàn thể dân chúng Việt Nam - chủ thể đích thực của SHTD) đòi hỏi phải xây dựng những tiền đề sau:
(i) Nhân dân phải thực sự ý thức được mình là chủ sở hữu và có động lực thực sự để kiểm tra, giám sát việc khai thác, quản lý, sử dụng tài sản thuộc SHTD (tài sản công). Điều này đòi hỏi một sự kỳ công trong việc xây dựng nền dân chủ, xây dựng ý thức làm chủ của người dân cùng với việc làm sao để người dân thấy mình thực sự làm chủ đối với tài sản thuộc SHTD chứ không chỉ là hư quyền.
(ii)Nhân dân phải thiết lập được cơ chế kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin hữu hiệu đối với Nhà nước (nhất là từng cơ quan nhà nước cụ thể) để sự ủy quyền của mình không bị mất quyền. Tất nhiên, cơ chế như vậy phải được quy định bằng luật và các văn bản có liên quan. Cơ chế này liên quan trực tiếp tới việc thiết kế các quy tắc về kiểm soát quyền lực nhà nước, các quy tắc về sự vận hành của bộ máy nhà nước, về trách nhiệm giải trình trước nhân dân của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, về quyền tiếp cận thông tin của người dân cùng các quyền liên quan tới lĩnh vực ngôn luận và báo chí.
(iii) Cơ chế xử lý vi phạm QSH toàn dân (thể hiện ở việc khai thác, quản lý, sử dụng, định đoạt các tài sản thuộc SHTD mà lại trái với lợi ích của nhân dân) với các mức chế tài phù hợp cần phải được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Qua theo dõi, quan sát của chúng tôi thời gian qua, cả 3 khía cạnh trên đều còn nhiều điểm phải tiếp tục được hoàn thiện. Phải chăng, cốt lõi để có chế độ SHTD một cách đích thực, chính là việc xây dựng hoàn thiện pháp luật để đảm bảo nhân dân kiểm soát được quyền lực nhà nước, phát huy dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc Nhà nước, các cơ quan nhà nước sử dụng các nguồn lực của nhân dân?
- Riêng đối với quan niệm về QSDĐ và vấn đề thu hồi đất, việc quy định “QSDĐ là QTS được pháp luật bảo hộ” như khoản 2 Điều 58 Dự thảo là phù hợp, tuy nhiên, có một vấn đề lấn cấn lớn về việc định danh hành vi Nhà nước lấy lại đất của tổ chức, cá nhân đã có quyền sử dụng hợp pháp trong một số trường hợp nhất định, cũng như việc mở rộng trường hợp được lấy lại đất ấy. Cụ thể, đó là quy định tại khoản 3 Điều 58 Dự thảo như sau: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến cho rằng, không nên sử dụng thuật ngữ “thu hồi đất” mà phải dùng thuật ngữ khác, chẳng hạn “trưng mua đất”. Chúng tôi cho rằng, thuật ngữ “thu hồi đất” không hoàn toàn sai[10] nhưng thuật ngữ này dường như chưa phản ánh trọn vẹn mức độ bảo hộ quyền lợi hợp pháp của NSDĐ mà Nhà nước đã cam kết khi khẳng định “QSDĐ là QTS”. Việc “thu hồi đất” trong trường hợp vì lợi ích công cộng (chứ không phải trường hợp NSDĐ có hành vi vi phạm pháp luật đất đai) thực chất chính là việc Nhà nước bắt buộc NSDĐ phải chuyển nhượng lại QSDĐ của mình cho Nhà nước hoặc cho một chủ thể cụ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ “thu hồi đất” chưa phân định rõ được trường hợp Nhà nước lấy lại đất vì lý do lợi ích công với trường hợp lấy lại đất vì lý do NSDĐ có hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Bởi lẽ đó, nên sử dụng thuật ngữ khác để phản ánh chính xác hơn cam kết bảo hộ QTS của người dân cũng như phản ánh chính xác hơn vị thế, mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, nhất là trong bối cảnh thị trường QSDĐ đã vận hành khá sôi động và đã có lịch sử như thời gian qua. Thuật ngữ mà chúng tôi nghĩ tới chính là thuật ngữ “buộc chuyển nhượng QSDĐ”; còn thuật ngữ “trưng mua đất” cũng không phù hợp vì chúng ta không thừa nhận SHTN đối với đất đai.
Ngoài ra, các trường hợp Nhà nước sẽ tiến hành buộc NSDĐ chuyển nhượng chỉ nên ghi khái quát trong Hiến pháp là vì lợi ích công cộng, bởi khái niệm lợi ích công cộng đã bao hàm nghĩa lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.
4. Kiến nghị
Hiến pháp tiếp tục quy định các loại hình sở hữu khác nhau, về cơ bản là phù hợp với yêu cầu phát triển KTTT bởi lẽ giản đơn KTTT hiện đại thường phải dựa trên nền tảng đa loại hình sở hữu.
Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ nhiều nội dung về sở hữu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, bên cạnh những phân tích như trên, chúng tôi có thêm một số kiến nghị hoàn thiện, cụ thể như sau:
- Nên bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản thuộc SHTD.
- Không nên quy định tài sản do Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc SHTD, mà nên coi tài sản đó thuộc sở hữu của doanh nghiệp đã được Nhà nước đầu tư. Có như thế, doanh nghiệp này mới có tư cách pháp nhân đầy đủ để tham gia quan hệ pháp luật, tránh được tình trạng chồng lấn QSH chủ đối với tài sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để chúng ta xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
- Khoản 2 Điều 33 “QSH tư nhân và QTK được pháp luật bảo hộ” nên được sửa lại thành: “QSH và QTK của cá nhân được pháp luật bảo hộ.”
- Khoản 3 Điều 56 nên sửa lại như sau: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Trình tự, thủ tục trưng mua, trưng dụng do luật định”.
- Khoản 3 Điều 58 không nên sử dụng thuật ngữ “thu hồi đất” hay “trưng mua đất” mà thay vào đó nên sử dụng thuật ngữ “buộc chuyển nhượng QSDĐ”, đồng thời không nên quy định quá chi tiết các trường hợp được thu hồi đất như trong Dự thảo. Vì vậy, khoản 3 Điều 58 nên sửa như sau: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng, Nhà nước buộc tổ chức, cá nhân chuyển nhượng QSDĐ theo trình tự, thủ tục luật định. Tổ chức, cá nhân bị buộc chuyển nhượng QSDĐ được bồi thường theo giá thị trường”./.


[1]Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 21.
[2]Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Tlđd, tr. 42-43.
[3]Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Tlđd, tr. 126.
[4]Xem Điều thứ 12 Hiến pháp năm 1946. Điều này ghi rõ “quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Xem Điều 15, 16 và Điều 19 Hiến pháp năm 1959. Riêng Hiến pháp năm 1980 không thừa nhận bảo hộ SHTN (nhất là QSH tư liệu sản xuất) nhưng thừa nhận bảo hộ “QSH của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ” (Điều 27). Hiến pháp năm 1992 (Điều 15) chính thức thừa nhận trở lại SHTN.
[5]Điều 23 Hiến pháp năm 1992.
[6]BLDS nước ta (Điều 164) thì quan niệm sở hữu gồm 3 quyền năng là: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân… có đủ 3 quyền: chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Đây cũng là quan điểm khá phổ biến trong các giáo trình về luật dân sự và luật đất đai ở nước ta. Xem ví dụ: Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đất đai, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 77; Bàn luận về sở hữu từ góc độ kinh tế chính trị học, xin xem: PGS.TS. Nguyễn Cúc, PGS.TS. Kim Văn Chính, “Sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006; GS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền (chủ biên), “SHTN và kinh tế tư nhân trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006; TS. Chử Văn Lâm (chủ biên), “Sở hữu tập thể và kinh tế tập thể trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam” Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006; PGS.TS. Lương Minh Cừ, Ths. Vũ Văn Thư, “SHTN và kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay: Một số nhận thức về lý luận và thực tiễn”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[7]Xem Điều 17 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
[8]Lý giải về việc vì sao Việt Nam duy trì chế độ SHTD đối với đất đai đã được đề cập nhiều. Xin xem: Trần Quang Huy (chủ biên), “Giáo trình Luật Đất đai”, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr. 76-85. Lập luận về vấn đề này trong thời gian gần đây có thể xem: Đinh Xuân Thảo và Nguyễn Ngọc Điện, “Đất đai thuộc SHTD là phù hợp yêu cầu phát triển”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề tháng 3/2013; PGS.TS. Vũ Văn Phúc, “SHTD về đất đai: Tất yếu lịch sử trong điều kiện nước ta hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử <http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2013/20653/So-huu-toan-dan-ve-dat-dai-Tat-yeu-lich-su-trong.aspx>
[9]Phạm Sỹ Thành, “Hướng tới lộ trình thực sự tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” trong TS. Nguyễn Đức Thành (chủ biên), Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 252-253.
[10]Thuật ngữ “thu hồi” trong tiếng Việt thường được hiểu là “lấy lại cái đã phát ra” (xem: GS.Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 1767) hoặc “thu về lại, lấy lại cái trước đó đã đưa ra, đã cấp phát hoặc bị mất vào tay người khác” (xem: Hoàng Phê -Chủ biên, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr. 958).