Phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

01/03/2009

Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (từ ngày 23 đến 27 tháng 2 năm 2009), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về một số dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Dự án Luật người cao tuổi; Cho ý kiến và thông qua các dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án; Xem xét quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán Toà án Nhân dân các cấp năm 2009 và 2010. Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về Phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, nâng cấp Báo người đại biểu nhân dân, việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 của UBTVQH, sửa đổi Nghị quyết 1157/NQ-UBTVQH11 quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cho ý kiến về tổ chức – biên chế năm 2009 của Văn phòng Quốc hội. Dưới đây là một số nội dung chính của phiên họp:
 Untitled_1014.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai: mở rộng đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam
Quốc hội đã thông qua Luật nhà ở năm 2005 và Luật đất đai năm 2003, trong đó có quy định về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình thực tiễn hiện nay cho thấy quy định về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam đối với kiều bào vẫn còn hạn chế. Do vậy, tại phiên họp thứ 17 của UBTVQH, Chính phủ đã trình xin ý kiến việc sửa đổi đồng thời Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, tạo sự gắn kết giữa kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước, tạo điều kiện về chỗ ở cho kiều bào khi về Việt Nam làm ăn, sinh sống hoặc thăm thân nhân.
Theo Tờ trình UBTVQH của Chính phủ, đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam được mở rộng, bao gồm: người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên; người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật quốc tịch năm 2008 cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mà thuộc các đối tượng: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư, người có công với đất nước, nhà văn hoá, nhà khoa học, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại Việt Nam. Đồng thời, điều 121 của Luật đất đai cũng được Chính phủ đề nghị sửa đổi theo hướng: những người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được sở hữu nhà ở theo quy định tại Luật này thì có các quyền và nghĩa vụ về sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở như công dân Việt Nam ở trong nước theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các Ủy viên UBTVQH đều thống nhất cần phải sửa đổi đồng thời Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai nhằm bảo đảm tính thống nhất của các văn luật, xử lý được hết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc mở rộng đối tượng sở hữu nhà tại Việt Nam sao cho vừa thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích người Việt Nam góp sức xây dựng đất nước đồng thời có những quy định để không vượt khỏi khả năng quản lý, gây phương hại đến an ninh trật tự, cũng như ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở, đất ở của công dân Việt Nam sống ở trong nước… Đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ việc quy định quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên cơ sở có những phân biệt nhất định giữa quyền và nghĩa vụ về sở hữu nhà và sử dụng đất giữa công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (theo quy định của Điều 129 của Luật nhà ở thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại; quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...), đồng thời có thể cho phép mở rộng quyền và nghĩa vụ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (như quyền được đền bù khi nhà nước thu hồi đất...).
Dự án Luật người cao tuổi: Cân nhắc tính khả thi của các quy định
Trong 8 năm thi hành, Pháp lệnh người cao tuổi đã thể hiện được quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi- lực lượng xã hội chiếm gần 10% dân số nước ta. Cùng với các chính sách khác, Pháp lệnh người cao tuổi là bước đi thích hợp của Nhà nước trong tổng thể các chính sách xã hội. Tuy nhiên, đến nay Pháp lệnh người cao tuổi chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi. Do vậy, việc ban hành Luật Người cao tuổi nhằm khắc phục những bất cập, thể hiện được truyền thống, kính già yêu trẻ, kính trọng những người lớn tuổi của người Việt Nam nhận được sự thống nhất cao của UBTVQH.
Điểm khác biệt lớn nhất của dự án Luật Người cao tuổi so với Pháp lệnh người cao tuổi là dự luật đã giới hạn phạm vi đối tượng được áp dụng chỉ bao gồm người cao tuổi là người Việt Nam, không bao gồm người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Sửa đổi này được đa số Ủy viên UBTVQH đồng tình. Theo UBTVQH, trong nhiều năm qua, chúng ta chưa thực hiện chính sách cụ thể nào cho người cao tuổi là người nước ngoài. Một số quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi quy định trong dự luật cũng chỉ phù hợp với người cao tuổi là công dân Việt Nam. Đồng thời, khả năng ngân sách nhà nước hiện nay còn hạn chế nên cần xác định ưu tiên thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, UBTVQH cũng cân nhắc, để phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Ban soạn thảo cũng cần xem xét áp dụng một số chính sách với người nước ngoài từ 60 tuổi đang sinh sống tại Việt Nam.
Tán thành với việc ban hành Luật người cao tuổi, song Ủy ban thẩm tra và đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc những vấn đề liên quan đến chính sách, đánh giá tính khả thi của các chính sách được xây dựng. Ban soạn thảo cần xem xét cẩn trọng về những chính sách được nêu trong dự thảo luật để phù hợp với nguồn ngân sách nhà nước. Những chính sách có liên quan đến lợi ích, đặc biệt là liên quan đến sử dụng ngân sách nhà nước phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và phù hợp với nền kinh tế đang vận hành theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là, một số chính sách mà Ban soạn thảo đã nêu trong Dự thảo luật cũng đã được quy định trong một số Luật hiện hành (như Luật Bảo hiểm xã hội quy định chính sách với người nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi...).
Quy định về hệ thống tổ chức và vị trí của Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng nhận được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận. Tờ trình của Hội người cao tuổi Việt Nam đề nghị, hệ thống tổ chức của Hội cần được hoàn chỉnh ở 4 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đồng thời Hội cũng là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người cao tuổi, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì theo quy định hiện hành hiện Hội Người cao tuổi Việt Nam đã được ghi nhận là tổ chức xã hội, đồng thời, Chính phủ đang thực hiện chương trình cải cách hành chính, đổi mới hoạt động và hạn chế việc “hành chính hóa” các tổ chức hội, nên việc hình thành hệ thống cơ quan về người cao tuổi ở 4 cấp sẽ thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế suy giảm, nguồn lực tài chính còn hạn chế nên tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, hạn chế tối đa việc thành lập thêm các cơ quan mới chưa thực sự cần thiết.
Dự án Luật sẽ được xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, diễn ra vào khoảng tháng 5 tới.
Cho ý kiến về phương án phân bổ trái phiếu Chính phủ năm 2009
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc điều hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua vẫn chưa đạt được như mong muốn, tình trạng giải ngân chậm, một số dự án, công trình kéo dài, gây lãng phí, hiệu quả thấp, làm tổng mức đầu tư tăng cao và không có điểm dừng; công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả vẫn chưa được quan tâm, cụ thể: Việc phân bổ và bố trí vốn trái phiếu Chính phủ chưa cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thi công kéo dài, kém hiệu quả; tiến độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm; hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chưa cao. Bên cạnh đó, có những dự án, công trình không có khả năng hấp thụ vốn vẫn được bố trí vốn thỏa đáng theo tiến độ thực hiện. Việc sử dụng trái phiếu Chính phủ có hiệu quả sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; do vậy, các Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần sớm đưa ra biện pháp khắc phục những bất cập trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ thời gian qua.
Năm 2009, Chính phủ xác định việc phân bổ tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 36.000 tỷ đồng (tính cả 7.733 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đã có kế hoạch phát hành năm 2008 cho các dự án công trình nhưng chưa thực hiện được chuyển nguồn sang năm 2009 thì nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 là 43.733 tỷ đồng­), trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đường tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông; các dự án thuỷ lợi, di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La; chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Trong điều kiện kinh tế suy giảm, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, giá dầu thô lên xuống khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn ngân sách trung ương, UBTVQH tán thành đề xuất của Chính phủ phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009 để đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách theo Nghị quyết của Quốc hội, lưu ý bố trí vốn hợp lý cho các công trình thiết yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực, các vùng lúa đảm bảo an ninh lương thực như vùng lúa Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế Dung Quất, kinh tế cảng biển và khí, điện, đạm ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu …. Tuy nhiên, UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ cần tính toán việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, làm rõ dự kiến phát hành tăng thêm là bao nhiêu, dùng vào cho những việc gì, bố trí vào những công trình nào, ở khu vực nào để Quốc hội quyết định trên nguyên tắc bảo đảm được an ninh tài chính và thực hiện được khả năng kiểm soát, không tạo ra khả năng tái lạm phát và phải đáp ứng được một yêu cầu nâng cao tỷ lệ các dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chi tiết, tính toán đầy đủ khả năng phát hành thêm theo hướng bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong giới hạn nợ cho phép, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Tiến hành rà soát danh mục các dự án, ưu tiên cho các dự án thực sự cấp bách, cần thiết, đồng thời, kết hợp huy động các nguồn vốn khác để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Nâng cấp Báo người đại biểu nhân dân thành Báo đại biểu nhân dân trực thuộc UBTVQH
Việc nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân (NĐBND) thành tờ báo của Quốc hội đã được đặt ra từ nhiệm kỳ Quốc hội các khóa trước. Báo NĐBND là đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, đã có sự trưởng thành, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Hiện nay, Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới về  tổ chức, hoạt động. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đòi hỏi công tác lập pháp phải tăng cường về số lượng và chất lượng. Công tác giám sát phải chuyên sâu và hướng tới các vấn đề lớn mà cử tri quan tâm. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được bàn bạc dân chủ và quyết định thực chất. Quốc hội phải hoạt động thường xuyên hơn để đưa ra các quyết sách kịp thời cho đất nước. Những bước đổi mới như vậy yêu cầu công tác thông tin báo chí, nhất là báo chí của Quốc hội, trong đó có báo NĐBND, phải phản ánh một cách thường xuyên, đầy đủ và kịp thời các hoạt động của Quốc hội. Chính vì vậy, Báo cần sự quản lý, chỉ đạo, định hướng từ UBTVQH để bảo đảm tính bao quát và hoạt động đúng với vị trí, chức năng.
UBTVQH đã quyết định chuyển báo NĐBND thuộc Văn phòng Quốc hội thành Báo Đại biểu nhân dân trực thuộc UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc nâng cấp và đổi tên báo NĐBND là chủ trương đúng, cần thiết. Đó không phải chỉ đơn giản là sự thay đổi tên hay nâng cấp cơ quan chủ quản mà phải thực sự nâng tầm tờ báo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đổi mới hoạt động và tổ chức của Quốc hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Báo Đại biểu nhân dân trước hết phải tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước, phổ biến Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, UBTVQH; phản ánh hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH, HĐND...; phản ánh thực tiễn cuộc sống, việc thực thi pháp luật; giới thiệu các kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của nghị viện các nước trên thế giới đồng thời có những bài viết sắc sảo nhằm định hướng dư luận, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, bác bỏ luận điệu của các thế lực thù địch…