Phiên họp thứ 18 của UBTVQH

01/04/2009

Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (từ ngày 19 đến 25 tháng 3 năm 2009), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về một số dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Luật tần số vô tuyến điện, Luật các vùng biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật cơ yếu; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XII; tổ chức phiên họp chất vấn ba thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch; thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1157/NQ –UBTVQH11 ngày 10 tháng 7 năm 2007 quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội…
Untitled_1001.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước
Tại phiên họp thứ 16 của UBTVQH diễn ra vào tháng 1/2009, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến về việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật điện ảnh hiện hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau hai năm thực hiện đồng thời bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng như các cam kết WTO mà Việt Nam đã ký kết. Để tiếp tục hoàn thiện dự luật này, tại phiên họp thứ 18, UBTVQH một lần nữa thảo luận, góp ý về những nội dung lớn hoặc nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật, như: việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim (Điều 30); việc thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh (Điều 13); Về quản lý nhà nước về điện ảnh (Điều 9)...
Về nội dung xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim, với mục đích bảo hộ nền điện ảnh non trẻ trong nước, Điều 30 Luật Điện ảnh hiện hành đưa ra một số quy định nhằm hạn chế việc nhập khẩu phim. Theo đó, doanh nghiệp phát hành phim muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim. Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, nhưng số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số lượng phim sản xuất. Đối với các đài truyền hình, số tập phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số tập phim sản xuất. Tuân thủ cam kết với WTO, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đã xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim nhưng quy định điều kiện đối với doanh nghiệp nhập khẩu phim chặt hơn trước, cụ thể là: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu”, có nghĩa là kể cả những doanh nghiệp sản xuất phim mà không có rạp chiếu phim thì cũng không được nhập khẩu phim. Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các ủy viên UBTVQH cho rằng, điều kiện có rạp chiếu phim được nêu ra không thật rõ ràng. Thực tế hiện nay có rất nhiều loại rạp, như các dạng thức rạp mini, nên yếu tố "rạp" không có ý nghĩa đáng kể trong việc hạn chế phim nhập. Để kiểm soát nội dung phim nhập khẩu thì khâu duyệt phim mới là quan trọng. Do đó, đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị nên bỏ điều kiện "có rạp" như quy định tại Điều 30 của dự thảo Luật sửa đổi đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động của hội đồng thẩm định phim.
Quy định về quản lý nhà nước về điện ảnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm của UBTVQH. Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì, sau khi có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, chức năng này được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên thực tế, là cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ duyệt phim chiếu tại các rạp và hệ thống video gia đình, còn phim phổ biến trên truyền hình do người đứng đầu cơ quan truyền hình chịu trách nhiệm, trong khi các đơn vị này là cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực do Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý nhà nước. Điều này phần nào gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhất là việc phát triển rất nhanh và mạnh của công nghệ truyền hình thời gian qua (truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh và truyền hình internet…; nhiều kênh phát sóng phim truyện nước ngoài liên tục 24/24 giờ như kênh HBO, Starmovies, Cinemax….)  đã gây khó khăn trong việc quản lý phổ biến phim trên truyền hình, nhất là đối với việc kiểm duyệt nội dung phim cũng như vấn đề bản quyền của nhà cung cấp.
Đồng tình với quan điểm cho rằng, việc hiện nay quản lý nội dung phim trên truyền hình còn nhiều bất cập, đa số Ủy viên UBTVQH đề nghị, dự thảo cần thể hiện rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, để  bảo đảm chất lượng nội dung phim đưa đến công chúng, dự thảo luật cần quy định theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu những cơ quan trực tiếp phổ biến, phát hành phim.
Dự án Luật Luật tần số vô tuyến điện: Không quy định cơ quan quản lý chuyên ngành
Theo Tờ trình số 22 /TTr – CP của Chính Phủ tại phiên họp UBTVQH thứ 18, sự phát triển của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng làm cho nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tần số vô tuyến điện trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải xây dựng một Luật để quản lý tần số vô tuyến điện, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên tần số, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Do đây là lần đầu trình xin ý kiến UBTVQH nên dự án luật nhận được nhiều quan tâm của các thành viên UBTVQH, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước đối với vô tuyến điện hay việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng như vấn đề thu phí hay áp dụng thuế tài nguyên đối với nguồn tài nguyên vô hình này.
Về nội dung liên quan đến cơ quan quản lý chuyên ngành đối với vô tuyến điện, Tờ trình của Chính phủ đề xuất cần có một cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện chức năng tham mưu và thực thi quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này trên phạm vi toàn quốc; giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan này (khoản 4, điều 7). Giải trình của Chính phủ cho rằng, quy định này có ý nghĩa bước đầu phân định cơ quan hoạch định chính sách (Bộ) và cơ quan trực tiếp quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng chính là nội dung mà nhiều thành viên UBTVQH không đồng tình. Theo đa số Ủy viên UBTVQH, có thể thành lập một cơ quan chuyên ngành về tần số vô tuyến điện để tham mưu cho bộ trưởng, song cơ quan này không thể có thẩm quyền và không đủ tư cách pháp lý để “thực thi quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này trên phạm vi toàn quốc”. Thẩm quyền quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc phải là quyền và trách nhiệm của bộ trưởng theo đúng quy định của các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ đã quy định, chỉ có Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới có quyền quản lý Nhà nước về một phạm vi, một lĩnh vực nào đó trên phạm vi cả nước và người đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội. Do vậy, UBTVQH đề nghị không quy định cơ quan này có trách nhiệm quản lý nhà nước, đồng thời nhấn mạnh Bộ trưởng là người duy nhất chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước pháp luật về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
 Vấn đề sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 31 dự thảo luật) nên được thu phí hay áp dụng thu thuế tài nguyên cũng là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Tờ trình của Chính phủ, phí sử dụng tần số vô tuyến điện là khoản thu do nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng; mật độ sử dụng kênh tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phát. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH lại cho rằng, tần số vô tuyến điện là loại tài nguyên đặc biệt, ai được sử dụng băng tần, dải tần sẽ có được một sức mạnh về mặt kinh tế, kinh doanh và có được nguồn lợi nhuận. Vì vậy, nên coi đây là một loại tài nguyên và phải áp dụng thuế tài nguyên, chứ không thể thu phí và lệ phí. Và nếu việc thu phí khi sử dụng tần số vô tuyến điện cũng được thể hiện ở luật pháp các nước khác cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế thì Chính phủ phải có báo cáo phụ lục kèm theo để UBTVQH hiểu lý do tại sao không thu thuế, mà là thu phí và lệ phí nội dung này.
Chất vấn các thành viên Chính phủ  
Cũng tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là lần thứ ba trong vòng 01 năm qua UBTVQH tổ chức việc chất vấn và trả lời chất vấn thành viên Chính phủ tại phiên họp của UBTVQH. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp này tập trung vào những vấn đề gây bức xúc và nhận được nhiều quan tâm của cử tri thời gian qua.
Ba nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là: trợ cấp các hộ nghèo trong dịp tết Nguyên đán Kỷ sửu; việc giải quyết việc làm và chính sách đối với người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế ở nước ta; việc sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện một số chính sách đối với các đối tượng người có công. Theo Bộ trưởng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với một số bộ khác tham mưu Chính phủ hỗ trợ cho người nghèo đón tết. Cơ bản các hộ nghèo trên cả nước đã nhận được tiền hỗ trợ đúng, đủ và kịp thời. Tuy nhiên, tại một số địa phương còn xảy ra sai phạm trong quá trình cấp hỗ trợ cho hộ nghèo, tái phạm diễn ra chủ yếu tại cấp thôn, xã. Nguyên nhân là do sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra để thực hiện ở chính quyền các cấp chưa thật tốt. Một số nơi thiếu trách nhiệm, phó mặc cho cấp cơ sở, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự tùy tiện, tắc trách của cán bộ cơ sở. Việc rà soát, quản lý hộ nghèo tại một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu công khai, khách quan, chạy theo thành tích nên khi có chế độ với hộ nghèo đã lúng túng trong giải quyết, hoặc cào bằng hoặc bỏ sót đối tượng. Đồng thời, do thời gian thực hiện chính sách ngắn nên công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát không được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Liên quan tới sự chênh lệch giữa tổng dự toán hỗ trợ là hơn 2.500 tỷ đồng và số tiền giải ngân thực tế chỉ khoảng 1.800 tỷ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, sự chênh lệch giữa dự toán và thực tế là bình thường bởi liên tục có người ra được khỏi diện nghèo và có người được bổ sung vào diện nghèo. Theo Bộ trưởng, sự chênh lệch này một phần do sự lúng túng ở địa phương trong việc xác định hộ nghèo.
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự phiên chất vấn cho rằng, Bộ trưởng phải làm rõ trách nhiệm của Bộ trong việc tham mưu chính sách quá gấp, trong việc rà soát chính xác danh sách người nghèo (nghiêm khắc chấn chỉnh kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở sẽ giảm bớt sai phạm), vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính, đặc biệt về đội ngũ cán bộ ở cơ sở. UBTVQH đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ suy nghĩ thêm về chính sách đối với cán bộ cơ sở để thu hút được đội ngũ cán bộ cơ sở có cả nhiệt tình và trình độ để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Về vấn đề giải quyết việc làm và chính sách đối với người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế ở nước ta, Bộ trưởng Bộ Lao đông thương binh và Xã hội dự báo, cả năm 2009 sẽ có khoảng 300.000 lao động bị mất việc. Bên cạnh đó, còn có khoảng 10.000 người lao động VN ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn. Đây là con số thống kê chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao đông thương binh và Xã hội đã đề xuất những chính sách để hỗ trợ cho những người lao động trong khu vực doanh nghiệp mất việc làm giải quyết bớt những khó khăn như: đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn mà không có khả năng để thanh toán tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội hoặc là không có tiền để trợ cấp mất việc theo quy định của luật cho người lao động khi mất việc làm, những doanh nghiệp này nhà nước có thể cho vay với lãi suất là 0%, thời gian cho vay là 12 tháng để có tiền trả cho người lao động; đối với những doanh nghiệp mà chủ nước ngoài đã bỏ trốn thì Thủ tướng giao cho Chủ tịch Uỷ ban dân tỉnh dùng ngân sách địa phương ứng ra để chi trả cho đối tượng lao động này trong danh sách bản lương tại thời điểm mất việc; người lao động mất việc làm, kể cả người lao động mất việc làm trong nước và người ở nước ngoài về trước thời hạn thì Chính phủ sẽ bổ sung vào đối tượng được cho vay ưu đãi để giải quyết việc làm thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 120 (cho vay để tạo việc làm, cả trong nước và ngoài nước)...
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn yêu cầu Bộ trưởng trả lời việc bên cạnh số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (dễ nắm bắt và dễ đưa ra cách giải quyết) thì số lao đông còn lại mất việc trong năm tới (làng nghề, hợp tác xã...) sẽ là bao nhiêu? Bộ đã có ý tưởng gì để nắm được tình hình lao động việc làm trong các khu vực còn lại? Đây là câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội khẳng định tuy khó nhưng Bộ sẽ làm được và sẽ báo cáo con số cụ thể trước cử tri, đại biểu Quốc hội và trước Quốc hội.
 Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: thủ tục đầu tư; việc phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương; việc thực hiện chủ trương kích cầu kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, về thủ tục đầu tư, nhất là đầu tư trong xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn đầu tư của doanh nghiệp và kể cả vốn đầu tư nước ngoài còn chậm. Theo Bộ trưởng, vấn đề là ở các văn bản pháp quy liên quan đến các khâu chuẩn bị dự án, khâu chuẩn bị đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng… vẫn còn chồng chéo.
Về chủ trương kích cầu kinh tế, Theo Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, nhờ triển khai quyết liệt 5 nhóm giải pháp của Chính phủ (thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; kích cầu đầu tư, tiêu dùng; chính sách tài chính, tiền tệ…), tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Theo thống kê mới nhất, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý 1 đạt 3,1% (tăng trưởng quý 1 theo thông lệ thường thấp hơn các quý sau của năm). Trong 170 nước trên thế giới đã có số liệu, chỉ có 12 nước tăng trưởng dương. Lạm phát 3 tháng là 1,47% so với tháng 12 năm ngoái. Về khả năng hấp thụ gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng, tương ứng với việc cho vay ra 600.000 tỷ đồng, Bộ trưởng khẳng định,  tuy hiện nay việc giải ngân mới dừng ở con số 150 nghìn tỷ (tính đến ngày 13/3/2009), song việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng trong năm nay là khả thi và sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kế hoạch sử dụng khoản tiền này để Quốc hội thực hiện giám sát. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế quý I tương đối khả quan, là có sự cố gắng phấn đấu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả những giải pháp đồng bộ chúng ta chỉ đạo rất quyết liệt, và kích cầu chiếm một vai trò rất quan trọng.
UBTVQH đề nghị Chính phủ không được phép chủ quan vì tình hình kinh tế, khủng hoảng tài chính này mang tính hệ thống, nên không thể  sớm khắc phục được. Chính phủ cần làm tốt công tác dự báo, thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có những biện pháp xử lý đúng, nhất là có tính hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng gói kích cầu, tăng cường kiểm tra để bảo đảm gói kích cầu sử dụng được đúng mục đích, đúng mục tiêu./.