Pháp luật cạnh tranh trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam

08/08/2022

Tóm tắt: Thực tế cho thấy cạnh tranh và chống tham nhũng trong mua sắm công có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể, tham nhũng có quan hệ tỷ lệ nghịch với mức độ cạnh tranh trong quá trình mua sắm công. Sự giao thoa giữa các hành vi phản cạnh tranh và tham nhũng đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực mua sắm công thông qua các hành vi thông thầu. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích vai trò của pháp luật về cạnh tranh trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Từ khoá: Tham nhũng, đấu thầu, mua sắm công, pháp luật cạnh tranh.
Abstract: Practical performance reveals that competition and anti-corruption in public procurement are closely linked. Specifically, corruption has an inverse relationship with the openness of competition in the process of public procurements. The intersection between anticompetitive and corrupt practices is particularly evident in the public procurement sector through practices of collusion. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the role of legal regulations on competition against anti-corruption in public procurements and proposes a number of recommendations to enhance the role of legal regulations of competition in public procurements.
Keywords: Corruption; bidding; public procurement; competition law.
VẬT-TƯ-Y-TẾ.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Nhận diện tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam
1.1. Mua sắm công trong mối liên hệ với hoạt động đấu thầu
Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Chính phủ và các cơ quan công quyền cần phải được tiếp cận với các nguồn lực vật chất phù hợp. Những yếu tố này thường được cung cấp trong nội bộ các tổ chức công hoặc doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp cần phải trao đổi, giao dịch với khu vực tư nhân thông qua các quy trình mua sắm công. Mục tiêu chính của mua sắm công là cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ của Chính phủ một cách kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả.
Mua sắm công, dù trong bối cảnh của từng quốc gia là khác nhau, đều được hiểu chung là việc chính phủ hoặc các tổ chức thuộc khu vực công thực hiện chức năng mua hoặc đặt mua các hàng hóa và dịch vụ[1]. Nếu xét cụ thể về cả mục đích và yêu cầu đặt ra, mua sắm công có thể hiểu là việc chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước mua hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho các hoạt động của Nhà nước, với mục đích cơ bản là đảm bảo giá trị tốt nhất cho đồng tiền công[2]. Cách tiếp cận trên này cho thấy hai đặc điểm quan trọng nhất của hoạt động mua sắm công là: (i) chủ thể mua sắm công luôn là chính phủ hoặc các tổ chức thuộc khu vực công và (ii) tài chính phục vụ mua sắm công chủ yếu được huy động từ nguồn “đồng tiền công”, tức ngân sách nhà nước. Đồng thời, yêu cầu sử dụng hiệu quả ở mức độ cao nhất vốn ngân sách nhà nước vào thực hiện mua sắm công thông qua một quy trình mua sắm hiệu quả và cạnh tranh chính là chìa khóa để thu được hàng hóa và dịch vụ với giá trị tốt nhất của đồng tiền công, vì lợi ích của người nộp thuế, người tiêu dùng cuối cùng và người sử dụng dịch vụ công nói chung. Vì vậy, các quốc gia và các tổ chức quốc tế hiện nay luôn có quy định bắt buộc hoạt động mua sắm công phải được thực hiện thông qua đấu thầu.
    Khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”. Như vậy, đấu thầu hàng hoá, dịch vụ nói chung, đấu thầu mua sắm công nói riêng là quá trình chủ đầu tư hay bên mua (trong mua sắm công chính là chính phủ và các tổ chức công) lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để bên bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kỹ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể. Như vậy, bản chất của đấu thầu đã được xã hội thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để được thực hiện một công việc nào đó, một yêu cầu nào đó.
Tóm lại, mua sắm công khi được tổ chức theo dạng đấu thầu sẽ là cách thức hiệu quả nhất để đạt được mục đích tìm kiếm, chọn lựa nhà đầu tư, nhà thầu có tiềm lực về kỹ thuật, chất lượng và có mức giá tối ưu nhất đối với ngân sách nhà nước. Đấu thầu là hình thức giúp tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân của doanh nghiệp một cách tích cực. Đồng thời, đối với việc mua sắm công thì hình thức đấu thầu còn tạo tính minh bạch, công bằng ở mức cao nhất trong quá trình lựa chọn nhà thầu chất lượng.
1.2. Biểu hiện của tham nhũng trong hoạt động đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam
Như đã đề cập ở trên, mục đích cơ bản của hoạt động mua sắm công là việc cơ quan công quyền có được hàng hóa và dịch vụ ở mức giá thấp nhất hoặc đạt được giá trị đồng tiền ở mức tốt nhất có thể. Việc đảm bảo thị trường mua sắm công hoạt động hiệu quả đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết hai thách thức riêng biệt nhưng có liên quan đến nhau: (i) thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả giữa các nhà cung cấp và (ii) đảm bảo tính toàn vẹn trong quy trình mua sắm. Quy mô của các cuộc đấu thầu công khai chính là nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, một mặt, các doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách thoát khỏi áp lực cạnh tranh thông qua sự cấu kết (thông thầu) và hối lộ; mặt khác, mua sắm công cũng thường liên quan đến các dự án lớn với giá trị cao và nhiều rào cản gia nhập, là cơ hội hấp dẫn cho cả tham nhũng và thông thầu. Kết quả, tính hiệu quả của hoạt động mua sắm công có thể bị bóp méo bởi các vấn đề thông thầu - tham nhũng.
Trong trường hợp tham nhũng xảy ra thông qua hợp đồng mua sắm công, sự thông đồng giữa các nhà thầu dưới hình thức “quân xanh, quân đỏ”, bồi thường hoặc cấp các hợp đồng phụ … thường được sử dụng để đảm bảo rằng các nhà thầu thua cuộc không để lộ hành vi bất hợp pháp cho cơ quan công quyền. Trong vụ việc tham nhũng liên quan đến gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội”[3], lãnh đạo công ty Đông Kinh, gồm Võ Việt Hùng, Giám đốc và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh, đã nhờ các công ty cổ phần TECOTEC Group, công ty TNHH công nghệ Thiên Phúc làm “quân xanh”, nộp hồ sơ dự thầu để đảm bảo có đủ số lượng nhà thầu tham gia và bỏ giá thầu khi cần thiết để tạo điều kiện cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu[4].
Đặc lợi kinh tế thu được từ sự thông đồng, đến lượt mình, trở thành một “dây bấc” dẫn dắt đến tham nhũng khi sự thông đồng này được chính chủ thể có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc cung cấp cho các nhà thầu thông tin cần thiết. Đồng thời, những “người trong cuộc” này có thể hoạt động như một cơ chế thực thi các thoả thuận hạn chế cạnh tranh.Trong vụ việc tham nhũng liên quan đến gói thầu 10 tỷ đồng mua vật tư y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Sơn La[5], vào đầu năm 2021, Tổng giám đốc công ty Hưng Phát, bà Bùi Thị Thu, biết được Sở Y tế Sơn La cần mua sắm vật tư y tế nên đã nhờ bà Bùi Thị Hoa (cựu Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính) giúp doanh nghiệp mình trúng thầu. Bà Hoa đã chỉ đạo Giám đốc Công ty Toàn Cầu Tạ Ngọc Chức (được Sở Y tế Sơn La ký hợp đồng thuê) không tổ chức thẩm định giá nhưng ban hành chứng thư với mức hơn 9,995 tỷ đồng. Hai bị can khác là cộng tác viên Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vietmed) cũng liên hệ bà Hoa để xin làm tư vấn đấu thầu. Dù chưa mở thầu, bà Hoa đã khẳng định gói thầu đã có doanh nghiệp thực hiện và giới thiệu hai bị can nêu trên gặp Thu để “hợp tác”. Tháng 7/2019, Sở Y tế Sơn La mở thầu có 3 đơn vị tham gia, trong đó cài cắm 2 “quân xanh” cố ý đưa mức giá lên trên 10 tỷ đồng. Việc này đã giúp Công ty Hưng Phát của Thu trúng thầu với giá 9,965 tỷ đồng. Thực hiện thỏa thuận, Hoa chỉ đạo một công ty sân sau của mình mua thiết bị y tế từ Vietmed, giá hơn 4,1 tỷ đồng. Công ty sân sau lập khống hợp đồng, bán những thiết bị này cho Công ty Hưng Phát, giá hơn 6,7 tỷ. Số hàng này được Hưng Phát bán Sở Y tế Sơn La theo giá bỏ thầu, tức tăng hơn hai lần so với giá ban đầu.
Bên cạnh những hành vi nêu trên, các quan chức mua sắm công khi tham nhũng còn có thể thao túng luật và quy định để bỏ qua đấu thầu cạnh tranh, bỏ qua các cơ chế giám sát bổ sung. Có một số cách thức mà các quan chức mua sắm công tham nhũng thường sử dụng để hạn chế cạnh tranh, bao gồm: (i) đặt ra các quy định của hợp đồng được thiết kế theo cách có lợi cho một doanh nghiệp (đưa hối lộ) cụ thể; (2) chia nhỏ hợp đồng có giá trị cao thành một số hợp đồng nhỏ hơn, để giá trị của hợp đồng này giảm xuống dưới ngưỡng giá trị yêu cầu hợp đồng phải được mở đấu thầu để cạnh tranh; và (iii) gộp nhiều hợp đồng khác nhau lại với nhau để tạo ra một gói thầu phức tạp đến mức chỉ một doanh nghiệp (đưa hối lộ) cụ thể mới có thể thực hiện và do đó có thể được sử dụng để tránh các thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh[6].
2. Tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công và sự xâm phạm đến các quy luật cạnh tranh
Dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ là quá trình lựa chọn bên cung cấp hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ để ký kết và thực hiện hợp đồng trên cơ sở bên mời thầu sẽ lựa chọn bên dự thầu có chất lượng hàng hoá, dịch vụ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Để đạt được mục đích của đấu thầu, nguyên tắc cạnh tranh công bằng cần được tuân thủ tuyệt đối. Nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong hoạt động đấu thầu thể hiện ở sự độc lập về tài chính, tổ chức của bên mời thầu và các bên dự thầu cũng như giữa các bên dự thầu với nhau. Sự thông đồng giữa bên mời thầu và bên dự thầu cũng như giữa các bên dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ luôn được xem là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh và do đó luôn bị xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Xét trong bối cảnh mua sắm công và nền kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh - với tư cách như một quy luật sinh tồn đối với các doanh nghiệp - luôn gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải giảm chi phí sản xuất và đổi mới, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tham nhũng trong mua sắm công mang sẽ đến nhiều lợi ích cho các công ty yếu kém và ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách cạnh tranh hiệu quả. Mức độ tham nhũng càng cao càng tạo ra nhiều rào cản gia nhập cao hơn vào các thị trường “béo bở”, dẫn đến một sân chơi không đồng đều và mức độ cạnh tranh thấp hơn, từ đó cho phép các doanh nghiệp định giá cao hơn giá thị trường. Ở chiều ngược lại, các thị trường có rào cản gia nhập cao và được đặc trưng bởi chi phí cận biên giảm và chi phí cố định cao cũng chính là cơ hội để tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng[7]. Các nền kinh tế thị trường mở, về nguyên tắc, ít rào cản gia nhập sẽ không tạo ra cơ hội và động lực cho tham nhũng trong mua sắm công. Bằng chứng thực nghiệm cũng có xu hướng khẳng định rằng, mức độ tham nhũng tỉ lệ nghịch với cạnh tranh và tham nhũng có xu hướng cao hơn ở các quốc gia có nền kinh tế duy trì mức độ cạnh tranh thấp[8]. Nhà kinh tế học Hoa Kỳ Robert Klitgaard, khi nghiên cứu về tham nhũng đã khẳng định sự xuất hiện của độc quyền và gian lận trong đấu thầu cộng với sự tùy tiện trừ đi trách nhiệm giải trình chính là nguyên nhân của tham nhũng trong mua sắm công và ngụ ý rằng, việc thúc đẩy cạnh tranh có thể có tác động đến việc chống tham nhũng[9]. Một số nhà nghiên cứu khác lý giải rằng, do quy mô và tính kém hiệu quả của các hành vi phản cạnh tranh trong đấu thầu mua sắm công sẽ làm biến dạng cấu trúc thị trường theo hướng thúc đẩy các mối quan hệ đặc quyền và hiện tượng “đi đêm” với chính phủ, dẫn đến những tương tác không lành mạnh giữa các cơ quan công quyền và doanh nghiệp. Điều này lại làm tổn hại đến sự phát triển của một số lĩnh vực nhất định, làm suy yếu tăng trưởng và làm tăng nhu cầu nhà nước phải có lập trường can thiệp, tạo ra một vòng luẩn quẩn nuôi dưỡng tham nhũng[10].
Thúc đẩy cạnh tranh và chống tham nhũng nói chung và tham nhũng trong hoạt động mua sắm công có nhiều mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong một phạm vi nhất định, pháp luật cạnh tranh và pháp luật về chống tham nhũng trong mua sắm công đều theo đuổi các mục tiêu tương tự nhau, cố gắng giải quyết những thất bại và rối loạn chức năng của thị trường cũng như đảm bảo rằng các doanh nghiệp cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và giúp việc mua sắm công đạt được giá trị đồng tiền tốt nhất. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi gian lận thầu trong mua sắm công và hành vi tham nhũng, giữa pháp luật về kiểm soát hành vi gian lận thầu trong mua sắm công và pháp luật phòng, chống tham nhũng đã cung cấp cho chúng ta cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật cạnh tranh vì mục tiêu nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong hoạt động mua sắm công.
3. Vai trò của pháp luật về cạnh tranh trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công
Như đã nêu, mối quan hệ giữa pháp luật về cạnh tranh và pháp luật phòng, chống tham nhũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Những thị trường có tính cạnh tranh cao sẽ kèm theo xu hướng đẩy lùi tham nhũng nói chung và tham nhũng trong hoạt động mua sắm công nói riêng. Do đó, bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp chính là một giải pháp quan trọng góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống tham nhũng về mua sắm công. Pháp luật cạnh tranh đóng vai trò tích cực trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công thông qua các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể thực hiện hành vi gian lận thầu và quy định về chính sách khoan hồng.
Thứ nhất, quy định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi gian lận thầu. Trên thực tế, gian lận thầu trong mua sắm công liên quan đến tham nhũng thể hiện qua các hành vi sau:
- Hành vi thông đồng liên quan đến mối quan hệ theo chiều ngang giữa các nhà thầu trong mua sắm công, những người âm mưu loại bỏ yếu tố cạnh tranh khỏi quy trình. Gian lận trong đấu thầu là cơ chế thông đồng điển hình trong các hợp đồng công: các nhà thầu tự xác định xem ai sẽ “thắng” trong cuộc đấu thầu, và sau đó sắp xếp các hồ sơ dự thầu của họ - ví dụ, bằng cách xoay vòng giá thầu, đấu thầu bổ sung hoặc bao thầu - theo cách để đảm bảo rằng nhà thầu được chỉ định được lựa chọn theo quy trình cạnh tranh có chủ đích.
- Hành vi tham nhũng xảy ra khi các tổ chức công quyền hoặc quan chức sử dụng quyền lực công để trục lợi cá nhân, ví dụ bằng cách nhận hối lộ để đổi lấy việc đấu thầu. Mặc dù thường xảy ra trong quá trình mua sắm, các trường hợp tham nhũng sau khi đã giao kết và hoàn thành hợp đồng cũng có thể phát sinh. Tham nhũng tạo thành mối quan hệ theo chiều dọc giữa quan chức công quyền có liên quan, đóng vai trò là người mua trong giao dịch và một hoặc nhiều người đấu thầu, đóng vai trò là người bán trong trường hợp này.
Khoản 1 Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Như vậy, ngoài trách nhiệm bồi thường khi hành vi gian lận thầu trong mua sắm công gây ra thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự, các chủ thể liên quan còn có thể phải đối diện với hai loại trách nhiệm pháp lý nghiêm trọng là trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Các hình thức xử lý đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định số 75). Giữa Điều 6 và Điều 7 có sự phân hoá rõ ràng về mức xử phạt tiền với tư cách là hình thức xử phạt chính đối với các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm dựa trên tiêu chí về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận. Theo đó, đối với tất cả các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh được liệt kê tại Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018, nếu thuộc trường hợp bị cấm theo Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018 và các doanh nghiệp tham gia thoả thuận là các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 01% đến 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận theo khoản 1 Điều 6 Nghị định số 75; nếu các doanh nghiệp tham gia thoả thuận là các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, mức xử phạt tiền là từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp là các bên tham gia thỏa thuận theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 75. Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, các doanh nghiệp thực hiện hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (cả theo chiều dọc và chiều ngang) đều có thể bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh (khoản 2, khoản 3 Điều 6 và khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 75. Đối với doanh nghiệp, khi chế tài ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế thì đồng thời cũng khiến doanh nghiệp bị suy yếu khả năng thực hiện các hành vi tương tự trong tương lai. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Cạnh tranh năm 2018, hành vi gian lận thầu trong mua sắm công không thuộc trường hợp được hưởng miễn trừ trong mọi trường hợp. Ngoài trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự cũng là một biện pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa và xử lý các hành vi gian lận thầu trong mua sắm công theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thái độ cứng rắn và khiêm khắc của pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi gian lận thầu trong mua sắm công ngoài đóng vai trò “trừng phạt” các hành vi vi phạm, khôi phục lại các tổn thất, thiệt hại gây ra bởi hành vì thì còn là những trở lực rất lớn, rất đáng kể khiến các chủ thể chủ động ngăn mình tham gia vào các hành vi gian lận thầu trong mua sắm công, đồng thời cũng làm suy giảm đáng kể khả năng các chủ thể này thực hiện các hành vi tương tự trong tương lai.
Thứ hai, quy định chính sách khoan hồng (leniency program). Chính sách khoan hồng là một quy định mới của Luật Cạnh tranh năm 2018 nhằm mục đích gia tăng khả năng phát hiện và xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh nói chung và gian lận thầu trong mua sắm công nói riêng. Chính sách khoan hồng cho phép doanh nghiệp tham gia vào các hành vi gian lận thầu trong mua sắm công có cơ hội được miễn giảm mức tiền phạt nếu doanh nghiệp tự nguyện khai báo để giúp cơ quan cạnh tranh phát hiện, điều tra và xử lý hành vi này[11]. Các hành vi gian lận thầu và gian lận thầu trong mua sắm công, nhìn chung, là rất khó phát hiện trên thực tế vì các chủ thể sau khi thoả thuận thì như một lẽ thường tình thường cố gắng bằng mọi cách để che giấu hành vi[12]. Những khó khăn này có thể còn đáng kể hơn trong các vụ việc gian lận thầu mua sắm công có yếu tố tham nhũng, với sự tham gia của cơ quan - cá nhân công quyền. Thực tiễn cũng cho thấy, các cơ chế phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trước đây đã không còn nhiều tác dụng vì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đang có xu hướng ngầm hóa do nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh ngày càng cao. Điều này làm cho việc phát hiện và điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trở nên khó khăn, phức tạp. Vì vậy, chính sách khoan hồng với khả năng doanh nghiệp được miễn hoặc giảm đáng kể mức xử phạt sẽ đủ khả năng khiến các doanh nghiệp chủ động hỗ trợ Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia phát hiện và xử lý các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách khoan hồng tại Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018 là một cơ chế mới giúp phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng để kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hiệu quả hơn khi chính sách này khiến các thỏa thuận phi pháp trở nên rủi ro hơn, có nhiều khả năng bị phá vỡ hơn và buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc đến việc liệu có nên tham gia vào các thỏa thuận kém an toàn hay không.
4. Giải pháp nâng cao vai trò của pháp luật cạnh tranh trong phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu mua sắm công
Thứ nhất, trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi gian lận thầu:Để ngăn chặn các hành vi tham nhũng thông qua gian lận thầu trong các hoạt động mua sắm chính phủ, chúng tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất chính là phải thiết lập một cơ chế để phát hiện và xử phạt công bằng, với các biện pháp trừng phạt và hình phạt chuyên biệt dành cho dạng thức hành vi này, bao gồm cả chế tài dân sự và hình sự. Mặc dù mức xử phạt tiền đối với các hành vi này đã tăng lên đáng kể và trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Các khoản tiền phạt hành chính thường lên tới 10% giá trị doanh thu của doanh nghiệp được tính theo năm tài chính liền trước năm tài chính thực hiện hành vi vi phạm. Điều này dường như là chưa đủ sức răn đe vì một số doanh nghiệp có thể coi mức phạt tiền này đối với hành vi chống cạnh tranh hoặc tham nhũng chỉ là như một dạng thức của chi phí kinh doanh nên có thể bỏ ra. Do đó, với những hành vi gian lận thầu gắn liền với tham nhũng trong mua sắm công cần có những mức xử phạt tiền cao hơn so với hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cần cân nhắc đến yếu tố về tư cách tham gia thầu trong tương lai của doanh nghiệp vi phạm. Đề xuất này dựa trên cơ sở thực tế rằng, những thiệt hại về uy tín và việc không đủ tư cách tham gia đấu thầu cạnh tranh có thể là tác hại lớn hơn, đáng kể hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời đóng vai trò là một biện pháp răn đe hiệu quả hơn.
Thứ hai, về chính sách khoan hồng:Thực tế cho thấy việc xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm khắc là chưa đủ để phát hiện, điều tra và xử lý thành công các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Kinh nghiệm của các quốc gia như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản cho thấy, việc bổ sung chính sách khoan hồng song hành với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc là cần thiết để phát hiện và xử lý các gian lận thầu vì mục đích tham nhũng trong mua sắm công[13]. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường việc áp dụng chính sách khoan hồng, bao gồm cả tuyên truyền, phổ biến lợi ích của chính sách khoan hồng đến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, việc giới hạn số lượng các doanh nghiệp được hưởng chính sách khoan hồng tối đa chỉ 03 doanh nghiệp theo quy định tại Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018 hiện nay chưa thực sự phù hợp, cần gia tăng số lượng giới hạn này lên nhiều hơn nữa để tăng hiệu quả, tăng khả năng đạt được mục đích của chính sách khoan hồng trong tương lai với vai trò là công cụ ngăn ngừa và phát hiện các hành vi gian lận thầu trong hoạt động mua sắm công có liên quan đến hành vi tham nhũng.
Thứ ba, tăng cường thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh:Cơ quan cạnh tranh có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cả gian lận thầu và tham nhũng. Do đó, trong tương lai, pháp luật cạnh tranh Việt Nam cần quy định những chính sách phù hợp để nâng cao vai trò của cơ quan cạnh tranh, bao gồm cung cấp cho cơ quan cạnh tranh một tầm nhìn rõ ràng về mục đích và các ưu tiên chiến lược của cơ quan, một cấu trúc phù hợp và các quy trình minh bạch, các trường hợp hợp lý và quản lý dự án thực hành nguồn nhân lực hiệu quả cũng như các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả. Cơ quan cạnh tranh cần được trao thêm nhiều công cụ điều tra và phương pháp tiếp cận khác nhau để bắt đầu điều tra, bao gồm các phương pháp chủ động như sàng lọc các hồ sơ dự thầu công khai, thông báo và giám sát những người tham gia đấu thầu cũng như các phương pháp phản ứng như phản ứng với các khiếu nại hoặc áp dụng chính sách khoan hồng./.
 

 


[1] Kiều Gia Như (2011), Mua sắm công - Công cụ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, tr. 9.
[2] OECD (2010), Roundtable on collusion and corruption in public procurement, Global Forum on Competition, p.9.
[8] Emerson, P (2006), Corruption, Competition and Democracy, tlđd.
[9] Marie Chêne (2016), The linkages between corruption and violation of competition laws, Anti-Corruption Helpdesk (Transparency International), p. 2.