Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội và báo chí trong hoạch định chính sách y tế

01/05/2009

Y tế, cùng với giáo dục, luôn luôn nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, kinh phí dành cho y tế đều được nâng lên so với năm trước. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chính sách được nghiên cứu và xây dựng, hoàn thiện nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Tuy nhiên, cho đến nay, bức tranh về chính sách y tế của Việt Nam vẫn còn dang dở với nhiều bất cập chưa thể khắc phục. Phải chăng, giao hẳn trọng trách chăm sóc sức khỏe lên vai Bộ y tế là chưa phù hợp? Vai trò của các tổ chức xã hội và báo chí  - nơi tiếp cận cộng đồng gần nhất- đến đâu trong quá trình xây dựng các chính sách y tế? Thực trạng và những tồn tại cần khắc phục trong việc xây dựng chính sách y tế của nước ta hiện nay như thế nào? Đó là ba trong nhiều vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất tại Hội thảo “Xây dựng chính sách Y tế tại Việt Nam” do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội), Trung tâm công tác lý luận (Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Hội Y tế Cộng đồng Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Vĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Vũ Anh- Phó chủ tịch thường trực Hội y tế công cộng Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định vai trò quan trọng của các hiệp hội, tổ chức xã hội, các chuyên gia trong việc tham gia vào quá trình nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định các chính sách, pháp luật nói chung và chính sách y tế nói riêng của nhà nước. Bởi hơn hết, những tổ chức xã hội, hiệp hội là những cơ quan có đầu mối đến người dân, có liên quan trực tiếp và gần nhất đến các lĩnh vực của đời sống thực của xã hội. Thực hiện tốt vai trò này, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí sẽ giúp cho việc hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước sát hợp với yêu cầu cuộc sống, phát huy trí tuệ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tạo cơ sở đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Bàn về vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng chính sách Y tế, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương -Trưởng Bộ môn chính sách Y tế Trường Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh: Xây dựng chính sách Y tế quốc gia không còn chỉ khu trú vào các mối quan hệ giữa các công chức Chính phủ và các chính trị gia. Các tổ chức xã hội dân sự - Civil society organisations(CSOs) như các hiệp hội nghề nghiệp, công đoàn, Hợp tác xã, các tổ chức mang tính cộng đồng, Hội nhà báo, các tổ chức phi Chính phủ... ngày càng tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách y tế và trong cả quá trình triển khai thực thi cũng như giám sát việc thực hiện các chính sách này. Việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự sẽ cải thiện sự đáp ứng của các dịch vụ y tế với nhu cầu người dân.
Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, việc tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, của báo chí vào quá trình hoạch định chính sách pháp luật nói chung, chính sách, pháp luật về y tế nói riêng vẫn còn mờ nhạt, hạn chế, thể hiện ở cơ cấu tổ chức, môi trường hoạt động, mức độ tham gia, tác động của xã hội dân sự đến quá trình hoạch định chính sách. Dù đã có một số bước phát triển trong thời gian qua song hiện nay mức độ tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vẫn còn hạn chế, chỉ thể hiện ở mức độ “mời tham gia” mà ít có tính chủ động, độc lập đối với Chính phủ. Các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa thực sự tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính sách cũng như việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức này còn hạn chế. Theo Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nếu các tổ chức xã hội dân sự lại tiến gần với việc hành chính hóa (một số tổ chức xã hội vẫn có biên chế Nhà nước, hưởng lương ngân sách) thì mức độ tham gia hoạch định chính sách pháp luật và vai trò trong việc xây dựng quy trình hoạch định chính sách y tế sẽ càng trở nên thiếu tính hiệu quả, thiếu chủ động và mờ nhạt hơn. Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông lại có ưu thế rất lớn trong việc có thể đóng góp xây dựng những chính sách đúng đắn, phù hợp khi là nơi dễ tiếp cận cộng đồng, dễ phát hiện vấn đề cần cho người dân và dễ giám sát tình hình thực hiện chính sách y tế trong cuộc sống. Do đó, đa số ý kiến trong hội thảo đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội và truyền thông vào quy trình xây dựng chính sách y tế, hướng tới độc lập hơn nữa với Chính phủ, nâng cao tính phản biện đối với các chính sách đã xây dựng. Trong thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội...và báo chí, các cơ quan truyền thông trong quá trình xây dựng các chính sách y tế để các chính sách được xây dựng, thực thi một cách có hiệu quả và đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bàn về thực trạng chính sách y tế thời gian qua, các đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta đang đối mặt với những vấn đề ngổn ngang về chính sách y tế. Chúng ta đã có nhiều quyết sách lớn liên quan trực tiếp đến hệ thống y tế, như: Nghị quyết 46/NQ-TƯ của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chỉ thị 24 - CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; đang gấp rút hoàn thiện Luật khám chữa bệnh (sẽ được đưa xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây)… Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân với các nội dung: tiếp tục cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ về đầu tư nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã các bệnh viện lao, ung biếu, tâm thần, chuyên khoa nhi...;tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp y tế, trong đó dành ít nhất 30% ngân sách cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, những quyết sách ấy được hiện thực hóa trong thực tiễn cuộc sống như thế nào và triển khai đến đâu mới là vấn đề cần quan tâm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục khám bệnh, chữa bệnh - Bộ Y tế cho hay, một số chính sách y tế đã được ban hành trong thời kỳ đổi mới nhằm thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, tăng thêm nguồn lực và giải quyết một số khó khăn cho hệ thống y tế của chúng ta, như: chính sách thu một phần viện phí; chính sách về hành nghề y tế tư nhân; nâng cấp bệnh viện tuyến cơ sở, trang thiết bị và nhân lực y tế; chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, miễn giảm phí cho người có công với đất nước, xã hội hóa y tế… đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận, một số chính sách triển khai còn chưa hiệu quả hoặc chưa được triển khai hết. Ví dụ, chính sách xã hội hóa đã xuất hiện sự lạm dụng việc sử dụng trang thiết bị y tế trong công tác chuẩn đoán, điều trị và lạm dụng một số thuốc đắt tiền trong công tác khám và chữa bệnh làm tăng thêm chi phí của người dân (65% chi phí trong y tế là do người dân chi trả); Việc thiếu hụt nhân lực y tế, kinh phí, trang thiết bị, hành lang pháp lý cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả của những chính sách y tế đang và sẽ triển khai.
Đồng ý với ý kiến hiện nay chúng ta còn ngổn ngang các vấn đề về chính sách y tế, các đại biểu cho rằng, nhiều chính sách y tế của chúng ta triển khai không thực sự hiệu quả, đôi lúc còn lúng túng. Đưa ra rất nhiều ví dụ về thực trạng chính sách y tế hiện nay, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục không ngừng quan tâm xây dựng và hoàn thiện chính sách y tế sao cho phù hợp với thực tế và định hướng của Đảng, Nhà nước ta. Ví dụ như: Phát triển y tế là phát triển hệ thống y tế công hay hệ thống y tế tư nhân?; Với hệ thống y tế công nhưng nguồn lực chảy ra hết các phòng khám tư nhân thì có đúng không?; giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng sâu vùng xa hiện nay như thế nào để người dân có thể tiếp cận và hưởng thụ thành quả của xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khi cán bộ y tế ở khu vực này đang thiếu về số lượng, trình độ?; Làm thế nào để bảo đảm công bằng xã hội trong lĩnh vực y tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Ủy viên thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định, hiện nay, vấn đề y tế và việc xây dựng chính sách y tế đang rất được quan tâm. Các tổ chức xã hội dân sự cũng đã tổ chức các cuộc nghiên cứu, lấy ý kiến những chuyên gia đầu ngành về y tế, lắng nghe phản hồi của người dân về tình hình thực hiện chính sách y tế trong cộng đồng để tìm ra hướng khắc phục những bất cập, tồn tại trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách y tế. Để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống thì rất cần có sự tham gia sâu hơn của các tổ chức xã hội dân sự và cơ quan báo chí thông qua việc tham gia ngay vào quy trình đầu tiên của việc hoạch định chính sách, đóng góp ý kiến phản biện và giám sát việc thực hiện chính sách.
Sự phối hợp tổ chức buổi trao đổi ý kiến chuyên gia về vấn đề “Xây dựng chính sách Y tế ở Việt Nam” của Hội Y tế công cộng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp và Trung tâm nghiên cứu lý luận đánh dấu một cách làm mới của xã hội khi tương tác giữa nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự trong quá trình hình thành chính sách và pháp luật ngày càng được mở rộng, bắt đầu từ tham vấn chủ động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đến những hoạt động tổ chức nghiên cứu sâu và nghe các góc nói, đóng góp của các tổ chức dân sự và các cơ quan báo chí vào quá trình hoạch định chính sách nói chung, chính sách y tế nói riêng./.