Hà Nội nỗ lực chống suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội

01/06/2009

Chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đã và đang là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đặt ra cho mọi cấp, mọi ngành và địa phương trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là mội trong những nội dung và mục tiêu được đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội Khóa XII đang diễn ra. Nhân dịp này, NCLP xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô – một trong những địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ chung này của nước ta. Đây có thể coi là một kinh nghiệm tốt để các Đại biểu Quốc hội tham khảo trong quá trình xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp Quốc hội.
Untitled_977.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hà Nội với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngày 19/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2009/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP. Tiếp đó, ngày 14/02/2009, Thủ tướng Chính phủ lại có Công điện số 226/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và các cơ chế chính sách, nhất là các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, kiến nghị kịp thời những khó khăn, vướng mắc để Chính phủ khẩn trương điều chỉnh, bổ sung chính sách, giải pháp cho phù hợp nhằm phấn đấu bảo đảm thực hiện sáng tạo và có hiệu quả cao các nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, giữ vững sự ổn định và phát triển hợp lý, bền vững của đất nước.
Thống nhất và quán triệt nghiêm túc chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm 2009, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và các sở, ban ngành, các cấp của thành phố Hà Nội đã sớm bắt tay vào việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động chung toàn thành phố. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng, xác định rõ nội dung công việc, đơn vị chủ trì và tiến độ thời gian triển khai thực hiện, đề cao trách nhiệm cá nhân, bám sát thực tiễn, chủ động chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về kích cầu đầu tư, tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động Thủ đô, quý I năm 2009 kinh tế - xã hội Hà Nội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 5,7%, trong đó kinh tế nhà nước tăng 2,2% (kinh tế nhà nước trung ương tăng 2,6%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 0,9%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 9,7% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,8%. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý thực hiện đạt 5.581 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2008; bằng 19,8% so với kế hoạch năm 2009. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 19.199 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán năm; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 3.500 tỷ đồng, đạt 14,3% dự toán kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 460.251 tỷ đồng, tăng 1,35% so cuối tháng trước và giảm 0,36% so cuối năm 2008, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,35% và tăng 10,1%, phát hành giấy tờ có giá tăng 1,94% và giảm 4,71%. Tổng dư nợ cho vay tháng 3/2009 đạt 276.156 tỷ đồng, tăng 1,43% so tháng trước và tăng 4,04% so cuối năm 2008, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,65% và tăng 4,52%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,13% và tăng 3,37%.
 Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Hà Nội có sự giảm sút, thu hút được 60 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 42 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, số dự án chỉ bằng 83% (60/72), vốn đầu tư đăng ký chỉ bằng 7% (42 triệu USD/575 triệu USD). Tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ tăng 19,9%. Mức tiêu thụ nhiều chủng loại hàng hóa, nhất là hàng cao cấp trên thị trường giảm xuống rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 8,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 4,4%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm từ 5% đến 15%, trong đó một số mặt hàng giảm mạnh: linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (giảm 20,1%), hàng thủ công mỹ nghệ (giảm 23,5%), xăng dầu tạm nhập tái xuất (giảm 34,5%)... Riêng mặt hàng gạo xuất khẩu quý I năm 2009 tăng 4,3% so cùng kỳ, than đá tăng 10,8%, hàng khác tăng 72,9%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn giảm 48,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 36,2%. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm 18,1% so cùng kỳ, khách nội địa tăng 9,7%. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 20%. Chỉ số giá tiêu dùng so cùng kỳ năm trước tăng 15,18%, chỉ số giá vàng tăng 5,82%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 10,48%. Tốc độ tăng giá bình quân một tháng trong cả quý một là 0,4%).  Thành phố đã giải quyết việc làm trong quý một cho 7.000 người trên 21.000 lao động đăng ký (kế hoạch 2009 là giải quyết việc làm cho 126.000 người); tặng trên một triệu suất quà cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, các hộ nghèo và người nghỉ hưu với tổng kinh phí 184,6 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 181 tỷ đồng, còn lại từ nguồn vận động quyên góp)...
2. Một số nhiệm vụ, giải pháp  
Những kết quả trên đã chứng tỏ sự đúng đắn và nỗ lực trong chỉ đạo và thực tế triển khai Kế hoạch chống suy giảm, duy trì ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó, toàn Đảng bộ và Chính quyền Thủ đô sẽ quyết tâm tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2009, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
Trên cơ sở những bài học và kết quả thực tế thời gian qua, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
 2.1 Kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Thứ nhất, Hà Nội tiếp tục chủ động đối thoại, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các cơ chế chính sách, thủ tục liên quan về vốn, thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, thị trường... trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản thành phố mới ban hành (số 878/UBND-KT ngày 05/2/2009 về việc triển khai Quy chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại; số 879/UBND-KT ngày 05/2/2009 về việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố...). Thực hiện tốt chính sách về hải quan, thu phí, ân hạn nộp thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; triển khai giải pháp cụ thể cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế xuất nhập khẩu.
Box
Năm 2009, thành phố Hà Nội dự kiến kế hoạch kích cầu với tổng số 18.000 tỷ đồng, cụ thể tập trung vào 06 nhóm dự án là:
- Các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: bố trí đủ vốn cho 35 dự án, công trình thuộc nguồn vốn ngân sách kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với số vốn đầu tư bổ sung là 2.000 tỷ đồng.
- Các dự án xây dựng hạ tầng xã hội: 800 tỷ đồng, trong đó xây dựng trường học, xoá phòng học tạm...(600 tỷ đồng); xây dựng bệnh viện, trạm y tế...(200 tỷ đồng).
- Các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT và xã hội hoá đầu tư trên địa bàn thành phố: 6.300 tỷ đồng
- Các dự án xây dựng hạ tầng đô thị (đặc biệt là giao thông): 1.800 tỷ đồng
- Các dự án xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn (xây dựng đê, kè, hệ thống thuỷ lợi và giao thông nông thôn...): 5.000 tỷ đồng
- Xây dựng nhà ở xã hội (nhà cho công nhân khu công nghiệp, nhà tái định cư, xoá nhà dột nát): 2.100 tỷ đồng
Thứ hai, Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống chế biến thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh đối với từng ngành hàng, mặt hàng có sức sản xuất lớn, có khả năng xuất khẩu, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Khuyến khích sản xuất hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh...; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động. Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến (ISO 9000, 14000...).
Thứ ba, Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa; bổ sung, hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác xúc tiến xuất khẩu, đồng thời triển khai giải pháp khai thác thị trường nội địa. Triển khai kịp thời các chính sách của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công thương điều hành linh hoạt hoạt động ngoại thương theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát hàng nhập khẩu, cân đối nguồn nguyên liệu nhập khẩu và có chính sách khuyến khích gia công tăng kim ngạch xuất khẩu các ngành nghề sử dụng nhiều lao động và vật tư trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan. Định kỳ giao ban với các doanh nghiệp có giá trị sản lượng, doanh thu, giá trị xuất khẩu lớn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ tư, Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng chương trình hỗ trợ xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, tập trung mạnh vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô nhân dịp các sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra trên địa bàn, tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp xuất khẩu để tìm kiếm thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm và thương hiệu. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Phối hợp với các tổ chức khoa học công nghệ tổ chức các Hội chợ Công nghệ trong nước và quốc tế, Hội chợ Khoa học công nghệ, Chợ Thiết bị công nghệ… Nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động Chợ Công nghệ ảo trên mạng Internet. Triển khai các giải pháp hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và khả năng cạnh tranh.
Thứ năm, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc  thực hiện các chỉ tiêu và danh mục dự án xã hội hóa. Tổ chức triển khai công tác xúc tiến đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư vào các dự án có sử dụng đất. Đẩy nhanh tiến độ một số dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo cơ chế BT, BOT, BTO để khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước.
 Thành phố sẽ tập trung đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, sớm triển khai các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm nằm trong danh mục kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; ưu tiên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng kỹ thuật nông thôn, các dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, các công trình phục vụ dân sinh bức xúc.
Thứ sáu, Hà Nội đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị, tập trung vào công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại quy chế “một cửa’, “một cửa liên thông”. Đặc biệt quan tâm cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Đồng thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính đặt ra các thủ tục trái với quy định, các hành vi sách nhiễu hoặc vô cảm khi giải quyết công việc. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.
Thứ bảy, Hà Nội tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan trong việc xây dựng, triển khai Chương trình và kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 18/02/2009 về triển khai các giải pháp tiền tệ nhằm thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ và các hướng dẫn có liên quan của các bộ, ngành trung ương. Các sở, ban, ngành cần kịp thời tham mưu với UBND Thành phố triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, thực hiện việc hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đúng đối tượng; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về thuế thu nhập cá nhân, về hoãn, giãn thuế doanh nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng lạm dụng biến động về nguồn hàng, giá cả để đầu cơ nâng giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tăng cường quản lý thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, kinh doanh trái pháp luật.
Thứ tám, Hà Nội triển khai khẩn trương, có hiệu quả các đề án, dự án hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn: điện nông thôn, củng cố tu bổ hệ thống đê điều, cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, thoát nước và hạ tầng kỹ thuật liên vùng; tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ về giao thông nông thôn và hạ tầng xã hội. Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về công tác thú y, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, bảo vệ thực vật. Chủ động phòng, chống, phát hiện sớm và xử lý các dịch bệnh trên gia cầm, gia súc và cây trồng; triển khai việc hỗ trợ đầu tư công nghệ sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, giúp nông dân tiêu thụ hiệu quả nông sản hàng hoá; hỗ trợ xây dựng các trung tâm tiếp thị nông sản, các cơ sở cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, các trung tâm kiểm định chất lượng hàng hoá; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh tại các huyện ngoại thành khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
2.2  Bảo đảm an sinh xã hội
Cùng với việc quan tâm tới các giải pháp về kinh tế, Hà Nội tiếp tục quan tâm thực hiện tốt và có hiệu quả cao các nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, cụ thể là:
Thứ nhất, Hà Nội tiếp tục quan tâm giải quyết kịp thời, đầy đủ các chính sách đã ban hành về hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và người dân ở các vùng khó khăn, vùng xa trung tâm, người hưởng lương có thu nhập thấp, người về hưu; rà soát, xây dựng các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, sơ kết đánh giá việc thực hiện các chính sách theo chuẩn nghèo hiện hành, điều tra, khảo sát, các hộ nghèo, cận nghèo để cân đối nguồn lực hỗ trợ và áp dụng các chính sách theo chuẩn nghèo mới. Rà soát, xây dựng kế hoạch xóa nhà dột nát trên địa bàn thành phố, thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp và người lao động ở các khu công nghiệp tập trung.
Thành phố khuyến khích phát triển hệ thống phân phối hiện đại, thuận tiện cho người tiêu dùng, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả, chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành, nhất là kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, liên kết độc quyền nhằm thao túng thị trường và giá cả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố để bảo đảm dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, tạo bình ổn giá, phục vụ đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn và thiên tai bất thường. Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các đợt hạ giá bán hàng để kích thích tiêu dùng, nhất là trong các dịp ngày nghỉ, ngày lễ.
Thứ hai, Hà Nội nỗ lực thực hiện tốt các chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm giải quyết tốt các chính sách đối với người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đào tạo chuyển đổi nghề... Thực hiện tốt các các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, bố trí đủ vốn cho thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội.
Thứ ba, Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thị trường lao động, tăng cường hoạt động của Sàn giao dịch việc làm thành phố; đào tạo nghề, triển khai cấp thẻ học nghề cho thanh niên vùng thu hồi đất đất nông nghiệp do giải phóng mặt bằng, vùng đô thị hóa nhanh. Tổ chức theo dõi, phối hợp kịp thời giữa các bên để giải quyết những vướng mắc về quan hệ lao động trong các khu công nghiệp, hạn chế tranh chấp lao động, đình công; đề xuất cơ chế hỗ trợ người lao động bị mất việc làm. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội để phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho người lao động, đặc biệt lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân. Tổ chức triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng chính sách, người lao động có thu nhập thấp, cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đời sống khó khăn. Hỗ trợ các dự án xây dựng nhà vệ sinh gia đình cho các hộ ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa.
 Thành phố giao cho các thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc phát sinh với UBND thành phố để xem xét, xử lý kịp thời; đồng thời tăng cường hoạt động thông tin và tuyên truyền các cơ chế, chính sách của trung ương và của thành phố để các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh và thực hiện tốt chính sách…
  Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách trên, UBND Thành phố mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn cùng hợp tác, khai thác các cơ hội do chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước và thành phố mới ban hành, phát huy tối đa nội lực, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra./.