Hình phạt tử hình trong pháp luật Việt Nam và mối quan hệ với việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền về bãi bỏ hình phạt tử hình

05/08/2022

Tóm tắt: Sau khi trở thành thành viên chính thức của các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Đối với hình phạt tử hình, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong lộ trình tiến tới việc hạn chế tối đa các tội phạm có thể bị áp dụng án tử hình. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vì nhiều yếu tố nội tại của quốc gia, Việt Nam chưa thể loại bỏ hoàn toàn chế tài này ra khỏi luật hình sự. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam về án tử hình, đánh giá những yếu tố tác động đến việc duy trì án tử hình của Việt Nam và mối quan hệ giữa việc duy trì án tử hình với việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền, và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn các khuyến nghị này.
Từ khoá: Quyền sống, hình phạt tử hình, bãi bỏ hình phạt tử hình, Ủy ban nhân quyền, Việt Nam.
Abstract: Vietnam, as an official member of international treaties on human rights, has made efforts in improving the legal regulation system to better ensure the fundamental human rights. As for the death penalty, Vietnam has made great strides in the road to minimize the crimes subject to the death penalty. However, due to internal factors, Vietnam has not been able to entirely abolish the death penalty from the criminal laws. Within the scope of this article, the authors give out an analysis of the provisions of international laws and Vietnamese ones on death penalty, assessments of the factors that affect the keeping of the death penalty in Vietnam and the relationship between the death penalty upholding and implementation of the recommendations of the Human Rights Commission, and also propose a number of recommendations for better enforcement.
Keywords: Right to life; death penalty; abolition of the death penalty; Human Rights Commission, Vietnam.
 ÁN-TỬ-HÌNH_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan tình hình áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới và ở Việt Nam
Quyền sống là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người và được xem là một quyền tuyệt đối và được chính thức được ghi nhận bởi Tuyên ngôn thế giới về quyền con ngườinăm 1948 (UDHR) và tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa trong các văn kiện quốc tế quan trọng khác về quyền con người như: Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước về quyền trẻ em, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác a-pác-thai…
Trong mối quan hệ với quyền sống, án tử hình trở thành một đề tài được rất nhiều quốc gia quan tâm và là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trên thế giới. Án tử hình là hình phạt được áp dụng nhằm tước bỏ tính mạng của một con người khi người đó bị kết án về tội phạm nghiêm trọng bởi một tòa án được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật[1]. Hiện nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ hình phạt tử hình. Tuy nhiên, hình phạt tử hình vẫn tiép tục tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đông dân cư. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến xu hướng rõ ràng bãi bỏ hình phạt tử hình hoặc ngừng áp dụng phạt tử hình trên thực tế ở nhiều quốc gia[2]. Điều đáng nói là, trong danh sách các quốc gia vẫn còn duy trì án tử hình hầu hết lại là các quốc gia nằm tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của nhà nước pháp quyền và sự tiến bộ của xã hội, xuất hiện một trào lưu mới coi việc áp dụng hình phạt tử hình là không cần thiết, không công bằng hoặc không hiệu quả. Quan điểm cần phải loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi xã hội dân chủ và văn minh nhằm bảo đảm việc thực hiện hiệu quả quyền sống của con người đã được pháp luật quốc tế ghi nhận[3].Bên cạnh đó, ICCPR và các công ước quốc tế liên quan cũng khuyến khích các quốc gia bãi bỏ hoặc hạn chế dần và có lộ trình để tiến tới xoá bỏ hoàn toàn án tử hình.
Ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập ICCPR. Từ thời điểm đó đến nay, Việt nam đã nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền dân sự, chính trị, trong đó có quyền sống. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì án tử hình đối với các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bao gồm: các tội phạm về ma túy và tham nhũng, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng và sức khỏe của con người, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và an toàn công cộng, các tội phá hoại hòa bình, các tội chống lại loài người và tội phạm chiến tranh.
Tại các phiên bảo vệ báo cáo quốc gia về việc thực hiện quyền con người theo chu kỳ UPR và báo cáo việc thực hiện Công ước ICCPR, Việt Nam đã nhận được 11 khuyến nghị về việc bãi bỏ án tử hình đến từ 27 quốc gia thành viên khác nhau như Pháp, Ý, Phần Lan, New Zealand… thực tế, từ sau khi trở thành thành viên chính thức của các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của con người, đối với hình phạt tử hình, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong lộ trình tiến tới việc hạn chế tối đa các tội phạm có thể bị áp dụng án tử hình. Tuy nhiên, để bãi bỏ hoàn toàn chế tài này ra khỏi luật hình sự tại thời điểm này là điều không dễ dàng vì nó phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố nội tại của quốc gia.
2.Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền sống và hình phạt tử hình
Điều 3 UDHR khẳng định "Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Điều 6 ICCPR tiếp tục cụ thể hóa Điều 3 UDHR, trong đó nêu rằng: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện” (Khoản 1). Nhằm tránh việc sử dụng án tử hình một cách tuỳ tiện, các khoản 2,3,4,5,6 Điều 6 ICCPR đã đặt ra các điều kiện khi áp dụng hình phạt tử hình tại các quốc gia gồm:
(i)    chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện;
(ii) việc áp dụng hình phạt tử hình không được trái với những quy định của ICCPR và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng;
(iii)            hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết;
(iv)            bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin và quyền được xét ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt;
(v)              không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai;
(vi)            không được viện dẫn Điều 6 để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình.
Ngoài những nội dung trên đây, Bình luận chung số 6 (năm 1982), Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee - HRC) - cơ quan được lập ra theo ICCPR để giám sát việc thực hiện Công ước này của các quốc gia thành viên - đã bổ sung một số khía cạnh về nội hàm của quyền sống[4].
Ngoài Bình luận chung số 6, HRC còn thông qua Bình luận chung số 14 (năm 1984). Văn bản này nhấn mạnh rằng, chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân là nguy cơ lớn nhất đe dọa quyền sống và yêu cầu các quốc gia hạn chế và chấm dứt các cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt là không thiết kế, thử nghiệm, chế tạo, tàng trữ, triển khai và sử dụng các loại vũ khí hạt nhân - những hành vi mà theo HRC cần bị coi là phạm tội ác chống nhân loại[5]. Như vậy, việc bảo đảm quyền sống của mỗi người liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản khác, bao gồm những quyền về nhân thân, các quyền trên lĩnh vực dân sự, chính trị (như quyền tự do an ninh, an toàn cá nhân, quyền được tôn trọng sự toàn vẹn về tính mạng, phẩm giá, nhân tính, danh dự, uy tín, … quyền được sống trong hòa bình, chống lại xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo,..) cũng như các quyền về kinh tế-xã hội (như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền thoát khỏi nghèo đói, chống lại thiên tai, dịch bệnh, suy dinh dưỡng, kém phát triển,...[6]
Liên hợp quốc cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên, để đảm bảo quyền sống, cần tạo lập, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, chống phân biệt chủng tộc, sắc tộc, hay bất cứ sự phân biệt kỳ thị nào khác, chống chiến tranh và chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân, hóa học hay sát thương hàng loạt khác, tăng cường đối thoại, hợp tác phát triển, bảo đảm quyền sống của trẻ em ngay từ bào thai, thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và các dịch bệnh dẫn đến tước đi quyền sống nhất là trẻ sơ sinh và bà mẹ mang thai, hay những nhóm dễ bị tổn thương,.. Các quốc gia thành viên còn áp dụng hình phạt tử hình, có nghĩa vụ bảo đảm những thủ tục tố tụng trong những vụ việc mà bị can, bị cáo bị xét xử với mức án tử hình, phải được thực hiện một cách công bằng nhất, bao gồm những khía cạnh như: không áp dụng hồi tố, xét xử công khai, được giả định vô tội, bảo đảm các quyền bào chữa, kháng cáo và xin ân giảm.... Mặc dù ICCPR không bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình nhằm đảm bảo quyền sống của con người; tuy nhiên, các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó và chỉ được áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất[7]. Ngoài ra, việc giới hạn áp dụng hình phạt này cũng được coi là một hình thức bảo đảm quyền sống.
Tại Việt Nam, trong tất cả các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay, quyền sống đã được ghi nhận và bảo vệ như một trong các quyền con người cơ bản. Tuy nhiên, chỉ đến khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, quyền sống và việc bảo vệ quyền sống lần đầu tiên đã được quy định thành nguyên tắc hiến định với đầy đủ khái niệm và nội hàm của quyền sống. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Thực thi các quy định của Hiến pháp và các cam kết quốc tế về quyền con người có liên quan, hệ thống pháp luật Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền sống, đặc biệt cho trẻ em ngay từ khi còn trong bào thai (từ tuần thứ 12 trở lên) của con người, Công ước về quyền trẻ em năm 1989 đã khẳng định: “Trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời”. Nhằm thực hiện tốt hơn các quyền cơ bản của con người (trong đó có quyền sống), Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ Luật Hình sự (BLHS) và Tố tụng hình sự theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng. Tính từ khi BLHS đầu tiên được ban hành năm 1985 đến nay, BLHS đã được sửa đổi, bổ sung 08 lần (vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999, 2009, 2015 và 2017), trong đó có 02 lần sửa đổi cơ bản, toàn diện là vào năm 1999 và năm 2015. Nhìn chung, các văn bản luật này đều khẳng định, tử hình là hình phạt đặc biệt và chỉ được áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, qua các lần sửa đổi, bổ sung BLHS, cho thấy xu hướng giảm dần các tội và phạm vi các tội có thể phải chịu án tử hình, cụ thể như bảng so sánh dưới đây:
Untitled_972.png
Biểu đồ mô tả diễn biến các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong các Bộ luật hình sự của Việt Nam[8]
3. Mối quan hệ với việc thực thi các khuyến nghị về quyền sống và bãi bỏ án tử hình của Uỷ ban Nhân quyền
3.1. Khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền liên quan đến hình phạt tử hình
Tháng 12/2017, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia thứ ba về việc thực hiện ICCPR đã được Ủy ban Nhân quyền (HRC) xem xét vào tháng 3/2019. Ngày 25/3/2019, HRC thông qua Bản khuyến nghị về báo cáo định kỳ thứ ba của Việt Nam. Liên quan đến hình phạt tử hình, HRC lưu ý Việt Nam rằng, hình phạt tử hình vẫn được Việt Nam áp dụng với các tội phạm, bao gồm các tội liên quan đến chất gây nghiện, tội phạm kinh tế và các tội phạm khác. Điều này là không đáp ứng giới hạn trong các tội nghiêm trọng nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 6 ICCPR.
HRC đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam như sau: Cân nhắc việc đưa ra một lệnh đình chỉ áp dụng hình phạt tử hình, và phê chuẩn hoặc tham gia Nghị định thư tùy chọn thứ hai của Công ước, nhằm xóa bỏ án tử hình; Cho đến khi có một lệnh đình chỉ áp dụng hình phạt tử hình, sửa đổi Bộ luật Hình sự để giảm hơn nữa số các tội có hình phạt tử hình trong khung hình phạt, và đảm bảo việc trừng phạt bằng án tử hình chỉ áp dụng với các tội phạm nghiêm trọng nhất, tức là các tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến chủ ý giết người; Đảm bảo rằng án tử hình không phải là lựa chọn bắt buộc và, nếu được áp dụng thì không bao giờ vi phạm các điều khoản của Công ước.
HRC có cơ chế xem xét định kỳ sẽ giám sát, theo dõi việc thực hiện các khuyến nghị của mình. Khi công bố các khuyến nghị, HRC lựa chọn khoảng ba khuyến nghị làm khuyến nghị theo dõi và yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo lại kết quả thực hiện các khuyến nghị đó trong hai năm. HRC cũng sẽ chỉ định từ một đến hai thành viên của Uỷ ban làm Báo cáo viên đặc biệt theo dõi quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị này. Sau khi nhận được báo cáo của các quốc gia thành viên, Báo cáo viên chuyên trách chuẩn bị một bản thảo báo cáo tóm tắt thông tin do quốc gia thành viên và các bên liên quan khác cung cấp. Sau đó, toàn bộ thành viên HRC sẽ thảo luận về báo cáo tiếp theo trong phiên họp công khai và thông qua đánh giá và xếp hạng cuối cùng cho mỗi quốc gia thành viên, mà các đánh giá và xếp hạng đều được công khai[9].
HRC công bố các tiêu chí đánh giá xếp hạng kết quả thực hiện khuyến nghị của các quốc gia thành viên như sau:
- Hạng A (phản hồi/hành động đáp ứng yêu cầu): các quốc gia được xếp hạng A nếu có những hành động đáng kể trong việc thực hiện các khuyến nghị của HRC.
- Hạng B (phản hồi/ hành động đáp ứng một phần yêu cầu): các quốc gia thành viên được xếp hạng này nếu đã có các bước để thực hiện khuyến nghị song vẫn cần tiếp tục cung cấp thêm thông tin hoặc có thêm các hành động cụ thể khác.
- Hạng C (phản hồi/ hành động không đáp ứng được yêu cầu): Trong trường hợp quốc gia thành viên tiếp nhận các Khuyến nghị nhưng những hành động được tiến hành hay những thông tin được cung cấp không liên quan hoặc không nhằm thực thi các khuyến nghị.
- Hạng D (không hợp tác với HRC): không nộp Báo cáo về việc thực hiện các khuyến nghị sau khi HRC đã nhắc nhở.
- Hạng E (phản hồi/hành động trái ngược với các khuyến nghị): quốc gia áp dụng các biện pháp dẫn tới những hệ quả trái ngược với khuyến nghị của HRC hoặc từ chối thực hiện các khuyến nghị[10].
Tại Bản khuyến nghị về báo cáo định kỳ thứ ba của Việt Nam năm 2019, HRC đã chọn ba khuyến nghị, trong đó khuyến nghị liên quan đến quyền sống và hình phạt tử hình, được xác định là khuyến nghị theo dõi của Việt Nam. HRC cũng đưa ra thời hạn cho báo cáo khuyến nghị của Việt Nam vào ngày 29/3/2021 và báo cáo định kỳ tiếp theo là vào ngày 29/3/2023. Vì vậy, Việt Nam cần chú ý hơn đến các khuyến nghị theo dõi trong quá trình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền[11].
3.2. Nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị của Việt Nam
Việc thực hiện các khuyến nghị của HRC có vai trò quan trọng đối với quá trình thực hiện ICCPR mà Việt Nam là thành viên.
Thứ nhất, Bản khuyến nghị của HRC thể hiện mong muốn, yêu cầu của Uỷ ban Công ước đối với quốc gia thành viên. Các khuyến nghị được đưa ra rất cụ thể như các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc các biện pháp cụ thể khác mà quốc gia nên thực hiện.
Thứ hai, việc thực hiện khuyến nghị có mối liên quan mật thiết với nghĩa vụ báo cáo mang tính bắt buộc của quốc gia thành viên. Trong quá trình xây dựng Hướng dẫn cho các quốc gia về báo cáo cho Ủy ban Công ước, Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng các quốc gia cần thiết lập một thiết chế phù hợp để xây dựng báo cáo và tạo cơ chế phối hợp để thực hiện và theo dõi các khuyến nghị của Ủy ban Công ước. Hướng dẫn cũng chỉ ra rằng tài liệu cốt lõi chung của các quốc gia thành viên nên cung cấp thông tin chung về các biện pháp và quy trình, nếu có, để đảm bảo phổ biến rộng rãi và theo dõi hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Công ước, và các biện pháp được áp dụng để thực thi các khuyến nghị trước đó của Ủy ban Công ước.
Hướng dẫn này cũng được nhắc lại trong các tài liệu hướng dẫn riêng đối với báo cáo thực thi từng điều ước quốc tế về quyền con người. HRC lưu ý rằng các báo cáo định kỳ cần tính đến các thông tin về thực hiện các khuyến nghị trước đó của HRC, cũng như thông tin về các nỗ lực phổ biến các khuyến nghị tới người dân và việc thành lập cơ chế cấp quốc gia để đảm bảo theo dõi các khuyến nghị này. Theo đó, khi xây dựng các báo cáo quốc gia định kỳ (trừ báo cáo lần đầu) phải tính đến các khuyến nghị trước đây của HRCvà cung cấp thông tin về kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các khuyến nghị đó. Thông tin này là minh chứng cho những nỗ lực của các quốc gia thành viên trong quá trình triển khai thực hiện Công ước - đây là điều mà mọi quốc gia đều mong muốn có thể thể hiện rõ nét nhất[12].
Thứ ba, tất cả các báo cáo của quốc gia thành viên, Bản khuyến nghị và Báo cáo theo dõi, bao gồm thông tin về xếp hạng việc thực hiện các khuyến nghị được công khai. Do đó, Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên sẽ chịu những tác động tiêu cực (như tác động kinh tế hoặc ngoại giao) nếu việc thực thi khuyến nghị không thỏa đáng. Thực tiễn cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia thành viên đều cố gắng thực hiện các khuyến nghị của HRC. Ví dụ, HRC đã chỉ ra rằng kể từ năm 2014, 52% các khuyến nghị đã được thực hiện đầy đủ hoặc một phần[13].
Thứ tư, nhiều khuyến nghị của HRC trùng lặp với các khuyến nghị của các Ủy ban Công ước khác, khuyến nghị được chấp nhận theo cơ chế rà soát kiểm điểm định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền (UPR) và các cam kết từ Chương trình nghị sự về Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Do đó, việc triển khai thành công các khuyến nghị của HRC cũng giúp Việt Nam tăng cường việc thực thi các khuyến nghị UPR và các khuyến nghị của các điều ước quốc tế khác về quyền con người.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện khuyến nghị của HRC đóng vai trò quan trọng vì nó giúp: tăng cường việc thực hiện các khuyến nghị về quyền con người khác, các khuyến nghị được chấp nhận của UPR, thúc đẩy sự tiến bộ về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, do đó, cải thiện cuộc sống cho người dân của các quốc gia thành viên; và cuối cùng cải thiện vị thế của quốc gia trước cộng đồng quốc tế.
3.3. Sự chưa tương thích của pháp luật Việt Nam
Để đánh giá khả năng, mức độ của Việt Nam trong thực hiện khuyến nghị của HRC liên quan đến hình phạt tử hình, cần làm rõ thực trạng và xu hướng của pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Đối với khuyến nghị về xóa bỏ hình phạt tử hình, Việt Nam chưa thể đáp ứng vào thời điểm hiện tại, bởi hình phạt này vẫn được quy định trọng BLHS và được thi hành trên thực tế. Chính sách của Việt Nam là thực hiện giảm thiểu, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình; tuy nhiên, lộ trình này chưa thể hoàn tất trong những năm tới.
Đối với các khuyến nghị của HRC về giảm hơn nữa số lượng các tội danh có khung hình phạt tử hình và hình phạt này chỉ áp dụng với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến chủ ý giết người, pháp luật hình sự Việt Nam còn điểm chưa tương thích. Mặc dù số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình đã giảm nhiều trong BLHS năm 2015, hình phạt tử hình vẫn được áp dụng đối với các tội phạm kinh tế. Trong tương lai, xu hướng là tiếp tục giảm số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình; phạm vi và lộ trình giảm sẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
HRC đồng thời khuyến nghị Việt Nam tham gia Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR. Trong các quy định của Nghị định thư, nổi lên hai yêu cầu chính liên quan đến Việt Nam: yêu cầu về việc không thi hành án tử hình và yêu cầu về thực hiện các biện pháp cần thiết để bãi bỏ hình phạt tử hình (Điều 1). Việt Nam khó có thể đáp ứng hai yêu cầu trên, bởi, như đã đề cập, hình phạt tử hình được quy định trong luật và tồn tại trên thực tế.
Thực tiễn xét xử cho thấy, các Tòa án vẫn còn áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm và cũng chưa có cơ sở để khẳng định rằng, khả năng thi hành án tử hình đã được loại trừ hoàn toàn trên thực tế. Điều này có nghĩa là pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị định thư liên quan đến việc không thi hành án tử hình[14].
Với thời gian báo cáo khuyến nghị và báo cáo định kỳ, Việt Nam khó có thể hoàn thành nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị về hình phạt tử hình do sự chưa tương thích giữa pháp luật và quy định của Công ước, đặc biệt là quy định của Nghị định thư tùy chọn thứ 2. Việt Nam sẽ thực hiện khuyến nghị theo lộ trình, chấp nhận thời gian tới có thể bị HRC xếp loại B hoặc C.
4. Thay cho lời kết
Bãi bỏ hình phạt tử hình là một vấn đề mang tính chính trị - pháp lý sâu sắc. Do vậy, vấn đề này cần phải được xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng diễn biến tình hình tội phạm; các biện pháp phòng, chống tội phạm hiện hành cũng như khả năng trấn áp tội phạm bằng chế tài khác thay thế cho hình phạt tử hình, đồng thời, cân nhắc các yếu tố về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa để có những đánh giá phù hợp về khả năng bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang thực hiện theo lộ trình để từng bước thu hẹp phạm vi, giảm số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam cho thấy, hình phạt tử hình được áp dụng chủ yếu với những loại tội phạm sau: tội giết người; các tội phạm về tham nhũng; các tội phạm về ma túy; tội hiếp dâm trẻ em. Dù không có tính ràng buộc, thực tiễn xét xử phản ánh thực tế cuộc sống, là căn cứ đáng tin cậy để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự bao đảm phù hợp với các quan hệ xã hội đang tồn tại và sẽ phát triển trong tương lai[15]./. 

 


*TS. NGUYỄN TOÀN THẮNG - Viện Trưởng Viện Luật So Sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội,
**TS. NGUYỄN THỊ HỒNG YẾN - Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội,
 ***THS. LÃ MINH TRANG - Giảng viên Bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
[1] EU JULE, Khả năng Việt Nam gia nhập Nghị định Thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo ICCPR, phát hiện và khuyến nghị số 9, tại https://www.vn.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Death%20Penalty-VN.pdf, ngày truy cập 8/3/2020.
[3] Hơn 20 năm qua, hơn 50 quốc gia đã xoá bỏ án tử hình ra khỏi hệ thống luật pháp của mình. Xem: https://www.diplo-matie.gouv.fr/en/french-foreign-policy/human-rights/death-pen-alty/the-death-penalty-round-the-world/; Liên hợp quốc, Bãi bỏ tử hình, Xu hướng và Triển vọng, 2015, xem tại https://www.ohchr. org/EN/newyork/Documents/Moving-Away-from-the-Death- Penalty-2015-web.pdf, truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2020.
[4] The Office of High Commissioner on Human Rights, The General Comment No.36, at https://www.ohchr.org/Documents/HRBodies/CCPR/GCArticle6/GCArticle6_EN.pdf, truy cập ngày 10.10.2020.
[5] Vũ Công Giao, Thực hiện quy định về quyền sống trong Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Tổ chức nhà nước tại https://tcnn.vn/news/detail/18412/Thuc_hien_quy_dinh_ve_quyen_song_trong_Hien_phap_nam_2013all.html, truy cập ngày 8/3/2021.
[6] The Office of High Commissioner on Human Rights, The General Comment No.36, at https://www.ohchr.org/Documents/HRBodies/CCPR/GCArticle6/GCArticle6_EN.pdf, truy cập ngày 10.10.2020.
[7] Điều 6 ICCPR.
[8] Bộ Tư Pháp, Eu & UNDP, Báo cáo nghiên cứu “Khả năng của Việt Nam gia  nhập  Nghị  định thư  tùy  chọn  thứ    hai  về bãi  bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)”, Hà Nội tháng 9/2019, tr.26.
[9] Quy chế hoạt động của Uỷ ban Nhân quyền, Điều 75 (CCPR/C/3/Rev.11 ngày 09/01/2019).
[10] Để biết thêm thông tin về hệ thống phân loại theo dõi của Ủy ban, xem: https://tbiNET.ohchr.org/Treaties/CCPR/Shared%20Document/1_Global/INT_CCPR_FGD_8108_E.pdf. Để biết thêm thông tin về quy trình theo dõi, xem Lưu ý của Ủy ban Nhân quyền về quy trình đối với khuyến nghị theo dõi tại kết luận quan sát, CCPR/C/108/2 (2013), tại https://tbiNET.ohchr.org/Treaties/CCPR/Shared%20Document/1_Global/INT_CCPR_FGD_8108_E.pdf.   
[11] Human Rights Committee, Concluding observations on the third periodic report of Viet Nam, CCPR/C/VNM/CO/3, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CCPR/C/VNM/CO/3&Lang=En, truy cập ngày 24/3/2021.
[12] Tài liệu hướng dẫn các quốc gia thành viên nộp tài liệu báo cáo về việc thực hiện các điều khoản cụ thể của Công ước theo quy định của Điều 40 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, CCPR/C/2009/1 (2010), các đoạn 19, 20, 32.
[13] OHCHR, Ủy ban Nhân quyền xếp hạng kết quả theo dõi cao nhất đối với năm quốc gia, ngày 13/12/2019 (“Từ năm 2014, 52% các hành động theo dõi thực hiện bởi các quốc gia đã được Ủy ban quyết định phần lớn hoặc một phần thỏa đáng (Xếp hạng “A” và “B”), tại https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/HumanRightsCommitteeFollowUp.aspx.
[14] MOJ, UNDP và EU, Khả năng của Việt Nam gia nhập Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 2019, tr. 32.
[15] Xem Thuyết minh của Ban soạn thảo về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), https://hanam.gov.vn/svhttdl/Pages/Du-thao-Bo-luat-Hinh-su-(sua-%C4%91oi)-va-cac-van-ban-lien-quan351271480.aspx, truy cập ngày 24/3/2021.