Hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng

03/08/2022

Tóm tắt: Để đạt được mục đích thu và quản lý thuế hiệu quả, pháp luật quy định người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 còn quy định việc nộp hồ sơ khai thuế phải được thực hiện trong thời hạn nhất định. Quá thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà người nộp thuế không hoàn thành nghĩa vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, các vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng được quy định khá chi tiết, tạo ra cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xử phạt đối với các vi phạm này. Tuy nhiên, các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng vẫn còn tồn tại một số bất cập cần được hoàn thiện.
Từ khóa: Thuế giá trị gia tăng, vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: For purpose of effective tax collection and management, it is required by law taxpayers to accurately, truthfully and fully declare all items in the tax return. In addition, the Law on Tax Administration of 2019 stipulates that the submission of tax declaration must be done within a time limit. Submission of tax declaration beyond the deadline and taxpayer’s failure to fulfill their obligations, they will be subject to administrative sanctioning. Currently, administrative violations regarding the deadline for submitting value-added tax declaration are regulated in details, thereby which establishes a legal ground for the competent person to impose sanction for violations. However, the provisions on sanctioning of administrative violations to failure of in-time submission of value-added tax declaration still contains a number of shortcomings needing to be further improved.
Keywords: Value added tax; violation; sanctioning of an administrative violation.
 HỒ-SƠ-KHAI-THUẾ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (Value added tax - VAT) là sắc thuế có nguồn gốc từ thuế doanh thu và Cộng hòa Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật thuế giá trị gia tăng vào năm 1954. Khai sinh từ nước Pháp, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La Tinh và nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã chính thức áp dụng thuế giá trị gia tăng. Tính đến nay đã có khoảng 180 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế giá trị gia tăng, các quốc gia khác cũng đang trong thời kỳ nghiên cứu loại thuế này[1].
Để đạt được mục đích quản lý và thu thuế giá trị gia tăng hiệu quả, pháp luật quy định người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 còn quy định việc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng phải được thực hiện trong thời hạn nhất định. Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy đinh xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP (Nghị định số 125) quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; trong đó, xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì những quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đã phát sinh những bất cập nhất định.
2. Một số bất cập trong các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng
Thứ nhất, Nghị định số 125 chưa quy định rõ trường hợp nào áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo, trường hợp nào áp dụng hình thức phạt tiền đối với hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày”.
Theo Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng bị áp dụng hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nếu cảnh cáo áp dụng với hành vi mang tính chất nguy hiểm thấp cho xã hội thì hình thức phạt tiền được áp dụng với hành vi gây nguy hiểm hoặc đe dọa gây nguy hiểm cao cho xã hội. Hình thức xử phạt này được áp dụng để đánh vào lợi ích kinh tế của các chủ thể vi phạm nhằm thể hiện sự trừng trị, răn đe, giáo dục.
Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với các hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ”. Như vậy, việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo phải đồng thời thỏa mãn hai điều kiện là “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày” “người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì cũng chính hành vi này lại có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Vậy căn cứ vào tiêu chí nào để người có thẩm quyền lựa chọn hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền?
Hiện nay, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP không có quy định tiêu chí cụ thể để căn cứ vào đó người có thẩm quyền lựa chọn hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền. Theo Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì “cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”. Như vậy, có thể thấy, nếu chủ thể vi phạm hành chính không phải là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì cảnh cáo chỉ được áp dụng khi hội đủ hai điều kiện: (i) Vi phạm hành chính không nghiêm trọng; (ii) Vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ.
Theo Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ” quy định tại khoản 1 bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp chủ thể có hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày” nhưng không có tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tiền theo khoản 2. Thế nhưng vấn đề phát sinh là nếu chủ thể vi phạm có hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ” thì người có thẩm quyền vẫn có thể áp dụng hình thức phạt tiền theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì tình tiết giảm nhẹ là căn cứ để giảm mức tiền phạt bởi “mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Một tình huống đặt ra như sau: một cá nhân thực hiện hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày”. Khi xử phạt thì cá nhân này có một tình tiết giảm nhẹ là “người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi. Vậy người có thẩm quyền sẽ xử phạt chủ thể này bằng hình thức cảnh cáo hay phạt tiền 1.000.000 đồng đến dưới 1.750.000 đồng đối với cá nhân do có tình tiết giảm nhẹ?
Rõ ràng, trong trường hợp này, pháp luật hiện hành đã không có tiêu chí cụ thể nhằm tạo ra cách áp dụng pháp luật thống nhất. Điều này dẫn đến thực trạng là việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở “tùy nghi hành chính”[2]. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP vô hình trung đã đồng nhất cảnh cáo và phạt tiền, trong khi hậu quả pháp lý của hai hình thức xử phạt này là rất khác nhau.
   Thứ hai, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định về giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng không phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
   Khoản 1 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: “Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc quy định mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình”.
   Như vậy, quyền giải trình chỉ được áp dụng đối với các vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng nếu thỏa mãn hai điều kiện: “i. Mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân (từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức)” và “ii. người vi phạm có yêu cầu được giải trình”. Vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng có mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó là 12.500.000 đồng đối với cá nhân (15.000.000 đồng đối với tổ chức). Như vậy, theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì tất cả các vi phạm hành chính thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đều không phát sinh quyền giải trình.Tuy nhiên, theo Điều 37 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì bất cứ vi phạm hành chính nào về thuế mà việc lập biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử thì cũng phát sinh quyền giải trình.
Cụ thể, Điều 37 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định: “Các trường hợp giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm: hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử. Việc giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Quy định trên có nghĩa là bất cứ vi phạm hành chính nào về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà việc lập biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử thì cũng phát sinh quyền giải trình. Nói cách khác, hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ” bị phạt cảnh cáo mà việc lập biên bản vi phạm hành chính bằng phương thức điện tử thì cũng phát sinh quyền giải trình. Điều này rõ ràng không phù hợp với quy định về các trường hợp được giải trình tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020[3].
   Thứ ba, Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định chưa hợp lý về mức tiền phạt đối với hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế”.
Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 ngày đến 90 ngàybị phạt tiền thấp từ 4.000.000 đến 7.500.000 đồng. Trong khi đó, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế” bị phạt tiền từ 7.500.000 đồng đến 12.500.000 đồng đối với cá nhân. So với hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 ngày đến 90 ngày”, hành vi quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP mang tính nguy hiểm cao hơn. Do đó, nhà làm luật quy định mức tiền phạt tiền cao hơn là hợp lý.Tuy nhiên, việc giới hạn “trong trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền bị phạt sẽ bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn 5.750.000 đồng đối với cá nhân và 11.500.000 đồng đối với tổ chức” lại tỏ ra bất hợp lý vì trong một số trường hợp mức tiền phạt của hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 ngày đến 90 ngàycòn cao hơn hành vi vi phạm được quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP.
Thứ tư, kỹ thuật lập pháp trong Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP không theo quy chuẩn thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Hiện nay, cách quy định mức phạt trong các nghị định rất khác nhau, không theo một quy chuẩn cụ thể. Đa phần nghị định quy định mức phạt đối với cá nhân; sau đó, quy định đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt đối với cá nhân (như Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình[4]). Tuy nhiên, lại có nghị định quy định mức phạt đối với tổ chức, sau đó quy định mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt đối với tổ chức. Một trong những nghị định quy định theo chiều đảo ngược này là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đối với Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP, có những hành vi Chính phủ quy định mức tiền phạt đối với cá nhân (như Điều 10 xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn; Điều 11 xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế; Điều 12 xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phai nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn). Ngược lại, có những hành vi lại được Chính phủ quy định mức tiền phạt đối với tổ chức (Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế)[5].
Điều 13 xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định theo chiều đảo ngược, tức là quy định mức tiền phạt đối với tổ chức, đối với cá nhân thì người có thẩm quyền khi xử phạt sẽ phải chia ra một nửa (1/2). Rõ ràng đây là cách quy định không hợp lý và không hề có tính khoa học nếu xét về kỹ thuật lập pháp. Điều này dẫn đến thực trạng là nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì sẽ không thể áp dụng pháp luật chính xác. Đối với người có thẩm quyền xử phạt thì cách quy định này tiềm ẩn nguy cơ rất cao về việc áp dụng mức tiền phạt không chính xác đối với chủ thể vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Trên cơ sở phân tích những bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị hoàn thiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tang như sau:
Một là, điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CPngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đưa ra nguyên tắc xây dựng hình thức xử phạt để áp dụng với các hành vi vi phạm. Theo đó, hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Như vậy, một khi hành vi vi phạm được nhà làm luật quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo thì có nghĩa đây là vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản. Đối chiếu với Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày” có tính chất đơn giản và không nghiêm trọng. Do đó, quy định việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với vi phạm này là hợp lý. Minh định chế tài xử phạt cũng sẽ xóa bỏ nghịch lý là cùng một vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như nhau nhưng có trường hợp bị phạt tiền, có trường hợp chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Theo tác giả, khi tiến hành sửa đổi Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP, Chính phủ không nên tiếp tục quy định cũng chính hành vi này có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền. Với tư duy này, có thể sửa đổi Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP theo hướng:
“Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 06 ngày đến 30 ngày…”
Hai là, Chính phủ cần bãi bỏ quy định về các trường hợp được quyền giải trình trong Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP mà không phù hợp với Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Trong trường hợp nhận thấy sự cần thiết của những trường hợp này thì phải tiến hành sửa đổi và ghi nhận ngay trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Ba là, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CPđưa ra nguyên tắc hợp lý trong việc xây dựng các khung tiền phạt. Theo đó, quy định khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt không quá lớn. Các khung tiền phạt trong một điều luật phải được sắp xếp theo thứ tự mức phạt từ thấp đến cao. Việc sắp xếp các khung tiền phạt trong một điều luật phải theo thứ tự mức phạt từ thấp đến cao nhằm bảo đảm phân hóa tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Vì lẽ đó, chủ thể vi phạm hành chính ở khung tiền phạt cao hơn trong một điều luật phải bị phạt tiền cao hơn so với chủ thể vi phạm hành chính ở khung tiền phạt thấp hơn. Điều này mới bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc xử phạt. Do đó, tác giả kiến nghị Chính phủ cần bãi bỏ quy định giới hạn “trong trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền bị phạt sẽ bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn 5.750.000 đồng đối với cá nhân và 11.500.000 đồng đối với tổ chức” tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP. Như vậy, bất cứ chủ thể nào thực hiện hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế” cũng có mức tiền phạt cao hơn chủ thể thực hiện hành vi “nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 ngày đến 90 ngàybị phạt tiền thấp từ 4.000.000 đến 7.500.000 đồng. Trong trường hợp nhận thấy sự cần thiết đề cao tính nhân đạo trong trường hợp “số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế” thì Chính phủ có thể quy định nội dung này thành một tình tiết giảm nhẹ tại Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP[6]. Theo đó, khi xử phạt, người có thẩm quyền áp dung tình tiết giảm nhẹ này để phạt mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này để quyết định mức tiền phạt tối thiểu của khung tiền phạt vừa bảo đảm tính phân hóa vừa bảo đảm tính nhân đạo trong xử phạt vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
Cuối cùng, vi phạm hành chính về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức. Do đó, trên cơ sở cách quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020[7], Chính phủ cần thống nhất cách quy định mức phạt tiền đối với toàn bộ hành vi vi phạm trong Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP. Theo đó, cần quy định theo chiều thuận là mức tiền phạt đối với cá nhân, còn đối với tổ chức thì mức tiền phạt sẽ gấp hai lần./.

 


[1] Lê Quang Thuận, Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính, Tạp chí Tài chính số 636, 2016.
[2] Cao Vũ Minh, Bàn về quyền tùy nghi trong hoạt động của các cơ quan hành chính, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 11, 2013.
[3] Cao Vũ Minh, Giải trình trong xử phạt vi phạm hành chính và những nội dung pháp lý cần hoàn thiện, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn số 50, 2022.
[4] Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: “Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
[5] Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định: “Mức phạt tiền quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức”.
[6] Hiện nay, Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP quy định tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn.
[7] Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định mức phạt cao nhất trong từng lĩnh vực đối với cá nhân. Sau đó mới đến mức phạt cao nhất trong từng lĩnh vực đối với tổ chức.