Nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế về phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay

26/11/2021

Tóm tắt: Bảo vệ sự an toàn và phát triển bình thường của trẻ em là một trong những vấn đề cốt lõi của nhà nước hiện đại. Do đó, Liên hợp quốc và các quốc gia luôn coi trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích các quy định về phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em trong các văn bản pháp luật quốc tế; thực trạng nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế về vấn đề này ở Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị.
Từ khóa: Nội luật hóa, pháp luật quốc tế, bóc lột tình dục trẻ em, Bộ luật hình sự Việt Nam.
Abstract: Protection of the safety and normal development of children is one of core issues of the modern government. Therefore, the United Nations and countries attach importance to improving the system of legal framework applicable to the prevention and combating of child sexual exploitation. Within the scope of this article, the authors provides discussions and an analysis of regulations on prevention and combat of crimes of child sexual exploitation in international legal documents; the status of internalizing the provisions of international law on this issue in Vietnam and also provides a number of recommendations.
Keywords: Internalization, international law, child sexual exploitation, Penal Code of Vietnam.
 BẢO-VỆ-TRẺ-EM.1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet 
1. Các quy định về phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em trong các văn bản pháp luật quốc tế
Nằm trong nội hàm khái niệm bạo lực tình dục, bóc lột và lạm dụng tình dục đối với trẻ em được Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về quyền trẻ em (CRC) coi là một hình thức xâm hại tình dục, bao gồm “việc xúi giục hay ép buộc trẻ em tham gia bất kỳ hoạt động tình dục trái pháp luật nào; việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm hay các hoạt động tình dục trái pháp luật khác; việc sử dụng có tính chất bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn hay trong các tài liệu khiêu dâm”[1]. Nội dung này được nhắc lại một cách nguyên văn hoặc trích dẫn ở nhiều văn bản quốc tế mà tiêu biểu là Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (OPSC).
Tuy nhiên, cả CRC và OPSC chưa tiếp cận bóc lột tình dục trẻ em như hành vi chuyên biệt. LHQ đã đưa ra định nghĩa một cách tổng quát về bóc lột tình dục: “là bất kỳ hành vi lạm dụng tình dục nào dù đã hoàn thành trên thực tế hay ở dạng cố gắng thực hiện đối với người ở vị trí dễ bị tổn thương, người phụ thuộc vào quyền lực hay lòng tin để thu được bao gồm nhưng không giới hạn những lợi ích tiền bạc, xã hội hoặc chính trị từ việc lạm dụng người đó[2]. Các cách tiếp cận khác hiện nay chủ yếu mô tả việc bóc lột tình dục đối với trẻ em như một hình thức lạm dụng trẻ em khi buộc trẻ em thực hiện hoặc bị thực hiện các hành vi tình dục để đổi lấy một thứ gì đó (ví dụ như thức ăn, chỗ ở, ma túy, rượu, thuốc lá, tình cảm, quà tặng, tiền bạc…). Yếu tố bóc lột thể hiện ở việc có một bên được hưởng lợi thông qua hoạt động tình dục liên quan tới trẻ em và đây là yếu tố dùng để phân biệt giữa lạm dụng và bóc lột tình dục. Trẻ em là nạn nhân của sự bóc lột tình dục khi trẻ em tham gia vào một hoạt động tình dục để đổi lấy một lợi ích hoặc đơn giản chỉ vì một lời đề nghị về một lợi ích từ một bên thứ ba hoặc từ thủ phạm, thậm chí lời đề nghị đó có thể xuất phát từ chính bản thân trẻ em. Hội đồng Châu Âu ghi nhận khái niệm bóc lột trẻ em bao gồm các trường hợp khi trẻ em hoặc người khác được nhận hoặc được hứa hẹn sẽ nhận được các hình thức thù lao hoặc lợi ích vật chất khác, một khoản thanh toán hay tặng thưởng để đổi lại việc trẻ em đó tham gia vào hoạt động tình dục, kể cả khi khoản thanh toán, thù lao hay tặng thưởng đó không được thực hiện; và cả việc cố ý cho trẻ em chưa đủ tuổi quan hệ tình dục chứng kiến việc lạm dụng tình dục hoặc một hành vi tình dục bất kể việc trẻ có tham gia hoạt động tình dục đó hay không[3].
Thông qua nhiều văn kiện khác của LHQ và các tổ chức thành viên, khái niệm bóc lột tình dục trẻ em được tiếp cận thông qua các dạng hành vi được biểu hiện trên thực tế như: bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, bóc lột tình dục trẻ em thông qua mạng intermet, bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động mại dâm, sử dụng trẻ em vào các cuộc biểu diễn khiêu dâm và trong các văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (hay nói cách khác là các tài liệu khiêu dâm trẻ em), bóc lột tình dục trẻ em thông qua hoạt động du lịch và lữ hành, mua bán (buôn bán) trẻ em, tảo hôn, thông qua các tập tục hoặc truyền thống có hại…[4]. Đây là những “hình thức nô lệ thời hiện đại, không phù hợp với quyền con người, nhân phẩm và giá trị của con người và gây nguy hại đến phúc lợi của cá nhân, gia đình và toàn xã hội”[5]. Mỗi hình thức có các khía cạnh bóc lột khác nhau liên quan đến tình dục trẻ em. Do đó, việc phân loại các hình thức này có ý nghĩa nhất định đối với các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này.
Trong số các hình thức của hành vi này, bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại được đề cập khá nhiều trong các văn bản pháp lý quốc tế với nội hàm bao gồm các hình thức bóc lột trẻ em như mại dâm trẻ em, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, hay bóc lột tình dục trẻ em thông qua hoạt động du lịch và lữ hành, buôn và bán trẻ em… Bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại phản ánh mục đích của hành vi bóc lột tình dục trẻ em là tước đoạt một cách không công bằng của hành vi này đối với trẻ em. Chương trình hành động của LHQ về phòng chống buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em đã xác định rõ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này là những tội nghiêm trọng và phải bị xử phạt nghiêm khắc. Đặc biệt là những đối tượng như: những người trung gian, những người giúp sức và trục lợi như các đại lý, hãng buôn, chủ chứa, những khách mua dâm, cảnh sát và những người khác có liên quan đến hành vi phạm tội này. Tuyên bố Stockholm và Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về chống bóc lột tình dục trẻ em lần thứ nhất cũng đưa ra và xác định bản chất của hành vi này[6]. Hội nghị quốc tế lần thứ hai về chống bóc lột tình dục trẻ em tại Yokohama năm 2001 tiếp tục nhấn mạnh yếu tố thương mại của hành vi bóc lột tình dục trẻ em[7]. Mặc dù  yếu tố thương mại của hành vi bóc lột tình dục trẻ em không còn xuất hiện trong văn kiện của Hội nghị quốc tế lần thứ ba tại Rio de Janeiro[8], nhưng nghiên cứu mục đích thương mại của việc bóc lột tình dục trẻ em vẫn có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh phòng, chống bóc lột tình dục trẻ em của LHQ và các tổ chức thành viên. Cụ thể, OPSC buộc các nước thành viên phải hình sự hóa và quy định những hình phạt thích đáng đối với các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có các hành vi bóc lột tình dục trẻ em, liên quan đến mại dâm trẻ em[9], và liên quan đến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em[10]. Các loại tội phạm trên phải bị xử lý nghiêm khắc nếu nó xảy ra trên lãnh thổ quốc gia thành viên và được coi là tội phạm có thể bị dẫn độ trong các Hiệp ước dẫn độ nào giữa các quốc gia thành viên. Điều 7 OPSC cũng yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp bắt giữ và tịch thu tài sản được tội phạm sử dụng cũng như tiền do phạm tội này mà có. Trên tinh thần đó, Chỉ thị số 2011/93/EU của Liên Minh châu Âu cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên vận dụng mọi biện pháp nhằm bắt giữ và tịch thu số tiền phạm tội[11]. Ngoài vai trò là cơ sở để phân biệt giữa hành vi lạm dụng tình dục và bóc lột tình dục, cách tiếp cận từ “mục đích thương mại” cũng phản ánh rằng, bóc lột tình dục trẻ em là một phương thức thu lợi nhuận mang tính chuyên nghiệp của tội phạm, và đây là đặc trưng của mạng lưới tội phạm có tổ chức. Do vậy, khuôn khổ pháp lý của LHQ về việc ghi nhận bóc lột tình dục vì mục đích thương mại là một dạng của bóc lột tình dục, thường liên quan tới tội phạm có tổ chức, có trọng tâm và động lực chính là lợi ích kinh tế[12].
Bóc lột trẻ em trong hoạt động mại dâm (mại dâm trẻ em), trong các cuộc biểu diễn khiêu dâm và trong việc sản xuất các văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em cũng là những hành vi bóc lột tình dục mà LHQ cũng như của các tổ chức khu vực yêu cầu các quốc gia thành viên sử dụng các biện pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, khái niệm của các hành vi này chỉ mới được quy định rõ ràng trong khung pháp lý quốc tế trong OPSC. Điều 2 Nghị định thư này định nghĩa “mại dâm trẻ em”, và “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em” như sau:
“2. Mại dâm trẻ em là việc sử dụng trẻ em trong các hoạt động tình dục để lấy tiền hay bất kỳ giá trị trao đổi nào khác.
3. Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em nghĩa là bất kỳ sự trình bày nào, bằng bất kỳ phương tiện gì, về trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách thực sự hoặc mô phỏng, hay bất cứ sự trình bày nào về các cơ quan sinh dục của trẻ em, mà chủ yếu là nhằm các mục đích tình dục”.
Đối với hoạt động mại dâm trẻ em, các thiết chế khu vực thậm chí còn quy định rộng hơn khi cho rằng việc “hứa trả tiền để đổi lấy việc trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục” cũng thuộc phạm vi khái niệm này[13], bất kể lời hứa hay khoản thanh toán đó đã được thực hiện hay chưa, thực hiện đối với trẻ em (bị bóc lột) hay đối với bên thứ ba. Như vậy, chỉ cần tồn tại một lời hứa đơn thuần về việc trao đổi để trẻ em thực hiện hành vi tình dục là đủ để cấu thành mại dâm trẻ em. Đối với văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, các thiết chế khu vực cũng mở rộng hơn trong việc ghi nhận các dấu hiệu xác định khái niệm này, bao gồm dấu hiệu “mô tả trực quan bất kỳ người nào có vẻ là trẻ em thực hiện hành vi khiêu dâm một cách thực sự hoặc mô phỏng, phỏng hoặc bất kỳ mô tả nào về cơ quan sinh dục của bất kỳ người nào có vẻ như là trẻ em”[14]. Theo dấu hiệu này, văn hóa phẩm khiêu dâm không nhất thiết phải ghi lại hoặc mô phỏng trực tiếp hoạt động tình dục trẻ em, mà chỉ cần mô tả hoạt động tình dục của người “có vẻ như là trẻ em”. Trên cơ sở đó, các thiết chế khu vực đều yêu cầu hình sự hóa các hành vi liên quan đến hình thức lạm dụng này như: “sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào hàng, bán hoặc sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ em cho các mục đích trên[15]. Đối với hành vi sử dụng trẻ em trong các cuộc biểu diễn khiêu dâm, các văn bản của LHQ đề cập đến việc bóc lột trẻ em trong các cuộc biểu diễn trực tiếp nhằm mục đích gợi dục mà không có ghi âm, ghi hình. Các chế định khu vực cũng ghi nhận và yêu cầu hình sự hóa các hành vi cụ thể trong khái niệm này theo phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như tuyển dụng, dụ dỗ, sai khiến, ép buộc để trẻ em tham gia vào các cuộc biểu diễn khiêu dâm với mục đích bóc lột hay trục lợi; thậm chí cố ý tham dự một cuộc biểu diễn khiêu dâm có sự tham gia của trẻ em cũng cấu thành hành vi bóc lột này.
Cùng với sự xuất hiện và phổ biến của mạng internet, tình trạng bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em thông qua phương tiện thông tin, truyền thông cũng gia tăng. Hành vi này đề cập đến việc sử dụng thông qua phương tiện thông tin, truyền thông chẳng hạn như mạng internet như một phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội. Yếu tố sử dụng “công nghệ thông tin, truyền thông” hay “sử dụng mạng máy tính” được xác định là các yếu tố cơ bản để cấu thành hành vi này[16]. Cũng giống như hành vi bóc lột tình dục trẻ em thông thường, hành vi bóc lột tình dục trẻ em thông qua phương tiện thông tin, truyền thông cũng có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tất cả các hành vi có tính chất bóc lột tình dục trẻ em mà một số hoặc toàn bộ các giai đoạn có kết nối với môi trường không gian mạng, cụ thể: (1) bóc lột tình dục khi trẻ em đang kết nối internet (chẳng hạn dụ dỗ, thao túng, đe dọa trẻ em để thực hiện hành vi tình dục thông qua webcam), (2) xác định và/ hoặc “mồi chài” trẻ em vì mục đích bóc lột tình dục thông qua phương tiện thông tin, truyền thông (cho dù hành vi tình dục sau đó được thực hiện trực tiếp hay thông qua phương tiện thông tin, truyền thông); (3) phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào bán, sở hữu hoặc cố ý đạt được quyền truy cập vào tài liệu bóc lột tình dục trẻ em thông qua phương tiện thông tin, truyền thông (ngay cả khi hành vi lạm dụng tình dục được mô tả trong tài liệu được thực hiện không được truyền dẫn thông qua phương tiện thông tin, truyền thông)[17].
Bóc lột tình dục trẻ em thông qua hoạt động du lịch và lữ hành là một khía cạnh mà các Công ước quốc tế đặc biệt chú ý và đặt ngang hàng về mức độ nguy hiểm với các hình thức bóc lột tình dục khác như mại dâm trẻ em, mua bán trẻ em, các hình thức khiêu dâm trẻ em. Thuật ngữ này tập trung vào tình trạng là trẻ em đang bị bóc lột tình dục trong một bối cảnh cụ thể. Khái niệm lữ hành trong bối cảnh này chỉ việc đi lại từ nơi này tới nơi khác cho bất kỳ mục đích nào, còn khái niệm du lịch chỉ hoạt động kinh doanh của các tổ chức thương mại trong việc cung cấp các kỳ nghỉ, các chuyến đi đến các địa điểm được ưa thích. Vì vậy, phạm vi của khái niệm này không chỉ bao gồm dịch vụ du lịch truyền thống mà còn bao gồm cả các hình thức di chuyển khác như đi công tác, kinh doanh, du học cả truyền thống hay theo diện trao đổi sinh viên, người lao động dịch chuyển hoặc các hình thức di chuyển khác có nhập cảnh dài hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý trong việc phòng chống hành vi này là vai trò của các cơ quan tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch như khách sạn, các công ty lữ hành, công ty vận tải, hãng hàng không, quán bar hay nhà hàng. Họ có thể trở thành bên trung gian tiếp tay cho hành vi bóc lột tình dục trẻ em dù vô tình hay cố ý, nhưng họ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm. Do đó, LHQ đã đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh, về quyền con người, quyền trẻ em, Các nguyên tắc về kinh doanh trong việc tôn trọng và hỗ trợ việc ngăn ngừa và ứng phó với nạn bóc lột tình dục trẻ em, cũng như trong Quy tắc Đạo đức du lịch toàn cầu của WTO.
Đối với các hành vi bóc lột trẻ em khác như mua bán trẻ em (buôn trẻ em), tảo hôn, các tập tục hoặc truyền thống có hại, các hành vi này có phạm vi rộng và có thể được tiến hành vì nhiều mục đích, trong đó có mục đích bóc lột tình dục trẻ em. Riêng hành vi mua bán trẻ em (buôn trẻ em), thì bóc lột tình dục trẻ em là một trong những mục đích phổ biến. Bên cạnh các hình thức bóc lột khác như lao động, dịch vụ cưỡng bức, nô lệ, khổ sai và lấy đi các bộ phận cơ thể, hành vi mua bán trẻ em thường kết hợp với các hoạt động bóc lột mại dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác như nô lệ tình dục, cưỡng bức hôn nhân hoặc biến trẻ em thành nô lệ thông qua hôn nhân... Do đó, Điều 3 OPSC quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên phải ghi nhận trong pháp luật hình sự nước mình hành vi mua bán trẻ em để bóc lột tình dục là tội phạm[18]. Khác với hành vi buôn bán người, dấu hiệu phương thức, thủ đoạn phạm tội sẽ không phải là dấu hiệu bắt buộc mà chỉ cần mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột là đã đủ điều kiện cấu thành mua bán trẻ em. Đối với tảo hôn, hoạt động này có thể dẫn đến hoặc chính là một hình thức bóc lột tình dục trẻ em[19] khi việc kết hôn với trẻ em được tiến hành nhằm đổi lấy sự thanh toán bằng hiện vật, hàng hóa hay tiền mặt chẳng hạn như của hồi môn, một lợi ích hay để hỗ trợ gia đình. Ở một số quốc gia, trẻ em là nạn nhân của tội hiếp dâm có thể bị ép buộc phải kết hôn với thủ phạm để thủ phạm khỏi bị truy tố[20]. Như vậy, đây không chỉ là hành vi bóc lột mà còn là hành vi hợp pháp hóa tội phạm khác. Việc tảo hôn cũng có thể là một hình thức ngụy trang cho việc buôn trẻ em nhằm bóc lột tình dục khi có các yếu tố như lựa chọn, chứa chấp, vận chuyển, chuyển giao hoặc nhận trẻ em với mục đích khai thác, chẳng hạn như hôn nhân mà trẻ em hoàn toàn lệ thuộc, hoặc bị buộc phục vụ gia đình hay phục vụ tình dục. Việc tảo hôn cũng chính là hành vi bán trẻ em trong các trường hợp bị cưỡng ép kết hôn để đổi lấy lợi ích vật chất[21], chẳng hạn để xóa bỏ khoản nợ của gia đình hay để đảm bảo kinh tế gia đình. Đối với các tập tục hoặc truyền thống gây tổn hại tới sức khỏe của trẻ em, khuôn khổ pháp lý của LHQ quy định rõ ràng là nghiêm cấm và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp để bài trừ các tập tục và truyền thống đó[22].
2. Thực trạng nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế về phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC, đồng thời, cũng là quốc gia tích cực trong việc cụ thể hóa tinh thần của CRC cũng như các văn bản quốc tế có liên quan để xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ quyền trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực và bóc lột tình dục. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015), bản chất pháp lý của các hành vi được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của Liên hợp quốc đã được làm rõ tại các quy định sau:
Điều 142 - Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;
Điều 144 - Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;
Điều 145 - Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi;
Điều 146 - Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi;
Điều 147 - Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm;
Điều 151 - Tội mua bán người dưới 16;
Điều 153 - Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi;
Điều 327 - Tội chứa mại dâm;
Điều 329 - Tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Các quy định này đã xác định rõ các hành vi bóc lột tình dục đối với trẻ em theo các tiêu chuẩn của LHQ, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống cũng như xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này. Điều này khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại của những loại tội phạm nguy hiểm này, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tác hại của tội phạm đối với sự phát triển bình thường về mọi mặt của trẻ em. Đặc biệt, với việc phòng, chống tội phạm bạo lực và bóc lột tình dục thông qua du lịch và lữ hành, tuy không có các quy định đặc thù nhưng BLHS lại cung cấp đầy đủ khuôn khổ pháp lý và hoàn toàn có thể sử dụng làm căn cứ để xử lý các hành vi này[23]. Tuy nhiên, so với khung pháp lý của LHQ, khung pháp lý của Việt Nam còn một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về độ tuổi để xác định một người là trẻ em và được bảo vệ chống lại các hành vi bóc lột tình dục đối với trẻ em, Điều 1 Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Quy định này cũng thể hiện xuyên suốt trong các Điều 142, 144, 145, 146, 147, 151, 153 BLHS năm 2015. Theo đó, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ không phải là đối tượng bảo vệ của các điều luật này. Chẳng hạn người thực hiện hành vi mua bán người đối với người dưới 16 tuổi sẽ phạm vào tội mua bán người dưới 16 tuổi, còn nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của tội mua bán người. Quy định về mốc độ tuổi như các quy định này chưa phù hợp với nội dung Công ước CRC; bởi lẽ, theo Công ước CRC, người dưới 18 tuổi vẫn được coi là trẻ em.
Thứ hai, BLHS năm 2015 đã hình sự hóa một số hành vi bóc lột tình dục trẻ em cùng một số hành vi có liên quan, đồng thời tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức tảo hôn và mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với một số tội phạm mà trước đó đã bị BLHS năm 1999 quy định trách nhiệm hình sự nặng hơn. Ví dụ, hành vi “giao cấu với người dưới 13 tuổi” đã được giảm trách nhiệm hình sự từ phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 4 Điều 112 BLHS năm 1999 xuống phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015; hành vi chứa mại dâm đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi phải được thực hiện đối với từ 2 người trở lên thì mới được áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 327 BLHS năm 2015 thay vì chỉ cần áp dụng đối với một người như BLHS năm 1999. Việc “khoan hồng, nhân đạo” này được đánh giá là không phù hợp với tinh thần của Công ước CRC[24].
Mặt khác, đối với tội mua dâm người dưới 18 tuổi, và tội môi giới mại dâm, BLHS năm 2015 đều trừng trị nghiêm khắc việc phạm tội đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Mặc dù không có quy định về tội mua dâm và môi giới mại dâm đối với người dưới 13 tuổi, nhưng theo quy định của Điều 142 BLHS năm 2015, bất kỳ hành vi giao cấu nào đối với người dưới 13 tuổi cũng được coi là hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, đối với người dưới 13 tuổi, Điều 142 BLHS năm 2015 chỉ đề cập tới các hành vi “giao cấu” hoặc “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” với người dưới 13 tuổi. Các hành vi này được hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng không bao gồm các hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm người dưới 13 tuổi như đối với người từ 13 đến dưới 16 tuổi tại Điều 328 BLHS năm 2015 hay hành vi chào mời, cung cấp người  dưới 13 tuổi nhằm mục đích bóc lột tình dục mại dâm.[KCT1]  Trong trường hợp người có hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm hoặc mua dâm mà nạn nhân là trẻ em duới 13 tuổi, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (đối với trường hợp người đó là khách mua dâm trẻ em) hoặc với vai trò là người đồng phạm khác như chủ mưu trợ giúp cho hành vi hiếp dâm trẻ em (khi người đó có hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, việc xác định tội danh và mức hình phạt sẽ gặp nhiều khó khăn nếu nguời phạm tội chứa chấp, môi giới, mua dâm có sự nhầm lẫn về độ tuổi của nạn nhân, trong trường hợp đã có sự thỏa thuận hoặc trao đổi tiền và lợi ích vật chất nhưng hành vi giao cấu chưa xảy ra, hoặc trường hợp đã thực hiện hành vi chào mời, giới thiệu, cung cấp trẻ em, làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm người dưới 13 tuổi nhưng hành vi này độc lập với hành vi giao cấu của người thực hành. Như vậy, quy định này của BLHS năm 2015 chưa bao hàm đầy đủ các tình tiết tăng nặng liên quan đến các hành vi bị cấm theo yêu cầu của OPSC.
Đối với các dấu hiệu của hành vi mua bán người nói chung và hành vi mua bán người dưới 16 tuổi nói riêng, BLHS năm 2015 đã nội luật hóa hầu hết các nội dung chính của hành vi buôn người cũng như buôn trẻ em theo Nghị định thư Palermo. Mặc dù BLHS năm 2015 đã quy định về hành vi tổ chức tảo hôn và cưỡng ép kết hôn, nhưng như đã đề cập, các hành vi này hoàn toàn có thể được sử dụng để ngụy trang hành vi buôn người, trong một số trường hợp đây chính là hành vi buôn người nhằm bóc lột tình dục. Trong khi đó, mục đích cưỡng ép kết hôn, hay cưỡng ép và tổ chức tảo hôn chưa được ghi nhận trong dấu hiệu của tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Thứ ba, vẫn còn một số hành vi được quy định trong OPSC mà BLHS năm 2015 chưa quy định hoặc chưa quy định đầy đủ. Ví dụ, hành vi ép buộc trẻ em biểu diễn khiêu dâm và hành vi sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em. Hai hành vi này đều bị nghiêm cấm trong phạm vi của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003[KCT2]  (Điều 16, Điều 26) và Luật Trẻ em năm 2016 [KCT3] (Điều 6, khoản 7 Điều 4). Luật An ninh mạng năm 2018[KCT4]  và Luật Công nghệ thông tin năm 2006 [KCT5] cũng nghiêm cấm những thông tin có nội dung “đồi trụy” và xử phạt hành chính đối với những hành vi liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chỉ quy định về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nói chung (Điều 326) và Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) mà chưa quy định về hành vi liên quan đến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và cũng chưa xác định cụ thể thế nào là “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em”. Tình tiết tăng nặng trong Điều 326 BLHS năm 2015 cũng không phải là việc sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em. Đồng thời, sự bảo vệ của những quy định trên trong BLHS cũng chỉ cung cấp cho những người dưới 16 tuổi liên quan tới tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Bên cạnh đó, Điều 326 BLHS năm 2015 chỉ xử lý các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy nếu chứng minh được mục đích nhằm phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy đó chứ chưa hình sự hóa hành vi sở hữu văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em theo tinh thần của OPSC.
Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 chưa quy định rõ về các hành vi bóc lột tình dục trẻ em thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là hoàn toàn chưa nội luật hóa hành vi “mồi chài” đối với trẻ em để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục. Trong khi đó, đây là một hành vi được quy định và cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế. Điều 147 và Điều 328 BLHS năm 2015 quy định hành vi dụ dỗ trẻ em để thực hiện hành vi tình dục là một phần của của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hành vi “mồi chài”, theo kinh nghiệm của các thiết chế khu vực và pháp luật một số quốc gia, có bản chất khác với dụ dỗ và được coi như một tội phạm độc lập. Theo đó “mồi chài” hay “gạ gẫm trẻ em vì mục đích tình dục” là hành vi của một người trưởng thành thông qua phương thiện thông tin, truyền thông, cố ý đề nghị gặp trẻ em nhằm mục đích thực hiện các hành vi tình dục trẻ em như thực hiện hành vi giao cấu hoặc tạo ra văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, với những hành vi tiếp theo được biểu hiện trên thực tế để dẫn đến cuộc gặp gỡ[25]. Bản chất của hành vi này là thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, chiếm được lòng tin của trẻ em hoặc của người giám hộ trẻ em để tiếp cận trẻ em với mục đích thực hiện hành vi tình dục. Các dấu hiệu quan trọng của hành vi này bao gồm: (1) hành vi được thực hiện một cách cố ý, không chỉ đơn giản là trò chuyện về tình dục đối với trẻ em, mà còn phải cố ý với cả lời đề nghị gặp trẻ em vì mục đích tình dục sau đó và cố ý trong việc xây dựng mối quan hệ với trẻ em sau lời đề nghị; (2) mục đích của hành vi gạ gẫm phải hướng tới việc thực hiện hành vi tình dục với trẻ em, bao gồm bạo lực hoặc bóc lột tình dục, và mục đích này phải được hình thành trước khi hành vi đó hoàn thành; (3) hành vi được thực hiện thông qua phương tiện thông tin, truyền thông; và (4) hành vi chỉ được hoàn thành khi các hành vi ngay sau đó đóng vai trò quan trọng dẫn đến cuộc gặp với mục đích mà người thực hiện hành vi đã đề ra[26]… Do vậy, hành vi “mồi chài” hay “gạ gẫm vì mục đích tình dục này” khác hoàn toàn so với hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động, xúi giục nằm trong nội hàm của hành vi dụ dỗ quy định tại Điều 147 và Điều 328 BLHS năm 2015.
3. Kiến nghị
Để bảo đảm nội luật hóa đầy đủ quy định của LHQ về phòng, chống tội phạm bóc lột tình dục trẻ em ở Việt Nam, các tác giả kiến nghị:
Một là, sửa đổi Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 theo hướng nâng độ tuổi của trẻ em lên dưới 18 tuổi; sửa đổi các Điều 142, 144, 145, 146, 147, 151, 153 BLHS năm 2015 thành các hành vi thực hiện tội phạm đối với người dưới 18 tuổi, tương ứng với các tội danh: Tội hiếp dâm người dưới 18 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 18 tuổi; Tội dâm ô với người dưới 18 tuổi; Tội sử dụng người dưới 18 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Tội mua bán người dưới 18; Tội chiếm đoạt người dưới 18 tuổi.
Hai là, sửa đổi Điều 328 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định về hành vi làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm người dưới 13 tuổi như tình tiết tăng nặng tại khoản 3 Điều 328. Theo đó, khoản 3 Điều 328 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
Điều 328. Tội môi giới mại dâm
… 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:…
c) Đối với người dưới 13 tuổi nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 Bộ luật này.
Ba là, bổ sung hành vi mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức hôn nhân, tảo hôn trong Điều 150 BLHS năm 2015 về tội mua bán người và Điều 151 BLHS năm 2015 về tội mua bán người dưới 18 tuổi. Theo đó, khoản 2 Điều 150 và khoản 2 Điều 151 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
Điều 150. Tội mua bán người, tội buôn người
… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:…
f) Nhằm cưỡng bức hôn nhân,…
Điều 151. Tội mua bán người dưới 18 tuổi
… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:…
k) Nhằm cưỡng bức hôn nhân;
l) Nhằm tổ chức tảo hôn”
Bốn là, hình sự hóa hành vi sở hữu văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em theo tinh thần của OPSC với bản chất khác hẳn hành vi tàng trữ. Trong BLHS, hành vi tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy chỉ cấu thành tội phạm khi mục đích của nó để tiến hành các hành vi khác như sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến văn hóa phẩm khiêu dâm. Trong khi đó, hành vi sở hữu văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em là một tội phạm độc lập và có những đặc điểm riêng so với hành vi tàng trữ và được quy định cụ thể trong OPSC. Do vậy, cần ghi nhận đây là một trong các hành vi cấu thành của tội sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm tại khoản 1 Điều 147 BLHS năm 2015. Theo đó, khoản 1 Điều 147 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:
Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, hoặc tàng trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
 Năm là, bổ sung quy định của BLHS liên quan đến việc bóc lột tình dục trẻ em thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, đặc biệt là hành vi “gạ gẫm trẻ em vì mục đích tình dục” hay “mồi chài” thông qua mạng internet là tội phạm./.
 

 


[1] Điều 34 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
[2] UN Secretariat, Secretary-General’s Bulletin on Special Measures for Protection for Sexual Exploitation and Abuse, 9 October 2003, https://undocs.org/pdf?symbol=en/ST/SGB/2003/13, truy cập ngày 6/6/2021.
[3] Các Điều 19, 20, 21, 22, 23 Công ước của Hội đồng Châu Âu về bảo vệ trẻ em khỏi bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục (Công ước Lanzarote).
[4] Interagency Working Group, Terminology Guidelines for the Protection of Children from Sexual Exploitation and Sexual Abuse, Luxembourg, http://www.ecpat.org/wp-content/uploads/2016/12/Terminology-guidelines_ENG.pdf, truy cập ngày 6/6/2021.
[5] The 1st World Congress against Commercial Sexual Exploitation of Children (1996), Declaration and Agenda for Action, UN High Commissioner for Refugees, Stockholm, p.1.
[6] Văn kiện này đưa ra định nghĩa của bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại là: “Sự lạm dụng tình dục được tiến hành bởi người trưởng thành có trả thù lao bằng tiền hoặc hiện vật cho trẻ em hoặc bên thứ ba. Trong hoạt động này trẻ em được coi như một đối tượng thương mại”. Xem: The 1st World Congress against Commercial Sexual Exploitation of Children (1996), Declaration and Agenda for Action, UN High Commissioner for Refugees, Stockholm, p.1.
[7] Second World Congress Against Commercial Sexual Exploitation of Children (2001), Yokohama Global Commitment, UN High Commissioner for Refugees, Yokohama, p.1.
[8] Văn kiện này chỉ đề cập đến hành vi bóc lột tình dục trẻ em với ý nghĩa là “tất cả các hình thức bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục người dưới 18 tuổi trong mọi hoàn cảnh: trong gia đình và gia đình, trong trường học và cơ sở giáo dục, trong các cơ sở chăm sóc và công lý, trong cộng đồng và tại nơi làm việc”. Xem: The 3rd World Congress against Sexual Exploitation of Children and Adolescents (2008), The Rio de Janeiro Declaration and Call for Action to Prevent and Stop Sexual Exploitation of Children and Adolescents, UN High Commissioner for Refugees, Rio de Janeiro, p.1.
[9] Các hành vi mại dâm trẻ em bị cấm trong Điều 3 OPSC bao gồm: Chuyển giao, sở hữu, mua hoặc cung cấp trẻ em cho hoạt động mại dâm trẻ em.
[10] Các hành vi liên quan đến văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bị cấm tại Điều 3 OPSC bao gồm: Sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc sở hữu văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.
[11] European Parliament và European Council (2011), Directive 2011/93/EU of the European Parliament and of the Council of 13 December 2011 on combating the sexual abuse and sexual exploitation of children and child pornography, and replacing Council Framework Decision 2004/68/JHA, Publications Office of the EU, Luxembourg, p.6.
[12] Interagency Working Group, tlđd (3), tr.39.
[13] Khoản 2 Điều 19 Công ước của Hội đồng Châu Âu về bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
[14] Điều 2 của Chỉ thị EU 2011/93.
[15] Điều 3 (1c) Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.
[16] UN Office on Drugs and Crime, Study on the Effects of New Information Technologies on the Abuse and Exploitation of Children, Vienna, 2015, p.21.
[17] Interagency Working Group, tlđd (3), tr.40.
[18] Điều 3 Nghị định thư không bắt buộc về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của LHQ.
[19] Riggio E.C, Unrecognised Sexual Abuse and Exploitation of Children in Child, Early and Forced Marriage, ECPAT International, Bangkok, Thai Land, 2015, p.66.
[20] CEDAW and CRC Committees (2014), Joint general recommendation No. 31 of the Committee on the Elimination of Discrimination against Women/general comment No. 18 of the Committee on the Rights of the Child on harmful practices, Đoạn 23, p.7.
[21] General Assembly of the United Nations, (2010), Report of the Special Rapporteur of the Secretary General on the Sale of Children, Child Prostitution and Child Pornography, Doc. A/65/221, 4 August 2010, Đoạn 22, p.7.
[22] Khoản 3 Điều 24 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em,
[23] UN Office on Drugs and Crimes, 2018. Child Sexual Exploitation in Travel and Tourism: A brief analysis of domestic legal frameworks in Cambodia, Lao PDR, Thailand and VietNam, UNODC, p.3.
[24] Vietnam Association for Protection of Child’s Rights (VACR), Sexual Exploitation of Children in Viet Nam, Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Viet Nam to the Human Rights Council 32th Session (January - February 2019) UPR third cycle 2017 – 2021, 2018, p.6.
[25] Định nghĩa được đưa ra bởi Điều 23 Công ước Lanzarote.
[26] Xem Committee of the Parties to the Council of Europe Convention onthe protection of children againstsexual exploitationand sexual abuse, Opinion on Article 23 of the Lanzarote Conventionand its explanatory note, Council of Europe, Luxembourg, 2015, p.9

 [KCT1]hành vi chào mời, cung cấp người dưới 13 tuổi nhằm mục đích bóc lột tình dục nằm trong nội hàm của hành vi mô giới mại dâm, được quy định trong khoản 3 Điều 3 OPSC. Mặc dù đối với các quy định hiện hành vẫn có thể xử lý hình sự hành vi này nhưng trách nhiệm hình sự chưa tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội này với người dưới 13 tuổi so với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi
 [KCT2]Các tác giả đã sửa theo yêu cầu của ban biên tập ạ
 [KCT3]Các tác giả đã chỉnh sửa theo yêu cầu
 [KCT4]Các tác giả đã chỉnh sửa ạ.
 [KCT5]Các tác giả đã chỉnh sửa theo yêu cầu