Quy định về ứng dụng công nghệ tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và một số vấn đề đặt ra trong thi hành

25/11/2021

Tóm tắt: Trong phạm vibài viết này, tác giả tập trung trình bày, phân tích những điểm mới trong quy định về ứng dụng công nghệ tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ ra những hạn chế trong thi hành quy định này và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện Luật Doanh nghiệp cũng như pháp luật chuyên ngành cho tương thích với các thay đổi tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Từ khóa: Doanh nghiệp, công nghệ số, quy định về ứng dụng công nghệ, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Abstract: Within the scope of this article, the author focuses on discussions and analysis of new contents in the legal regulations on technology application in the Law on Enterprises of 2020, also points out shortcomings in the implementation of this regulation and gives out a number of recommendations for further improvements of the Enterprise Law as well as the particular laws so that they are in consistences with new contents under the Enterprise Law of 2020 in coming time.
Keywords: Enterprise; digital technology; business registration; Law on Enterprises of 2020.
 CHỮ-KÝ-SỐ.jpeg
1. Công nghệ số - Yêu cầu tất yếu của nền kinh tế Việt Nam và các lợi ích của công nghệ số đem lại cho doanh nghiệp
Công nghệ số hay còn gọi là chuyển đổi số, là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT).
Ở vào thời điểm hiện tại, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang định nghĩa lại cạnh tranh và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau[1]. Do đó, việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, trong các quan hệ thương mại, dân sự của doanh nghiệp là vấn đề mang tính sống còn không những đối với doanh nghiệp tại Việt Nam mà còn tại nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Theo thống kê, 3 trong số 5 doanh nghiệp có giá trị lớn nhất trên thế giới – Apple, Google và Microsoft – đã xây dựng hoạt động kinh doanh của mình trên các mô hình kinh doanh nền tảng[2].
Ở nước ta, tính đến thời điểm năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh[3]. Với số lượng khá lớn doanh nghiệp đang hoạt động như trên thì việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định yêu cầu hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới được ưu đãi đầu tư để thúc đẩy tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư[4].
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/04/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội[5].
Về phía doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích sau: Thứ nhất, xóa bỏ khoảng cách trong quản trị doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào trong quản lý doanh nghiệp, sẽ kết nối các bộ phận trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp lại với nhau, giúp cho quá trình thông báo, đưa ra quyết định hoặc xử lý vấn đề được thực hiện một cách nhanh chóng; thứ hai, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp vì một khi các bộ phận trong doanh nghiệp có sự kết nối với nhau thì việc quản lý báo cáo, các khoản thu chi tài chính trong doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn; thứ ba, giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, bởi lẽ công nghệ số giúp doanh nghiệp giảm các chi phí tài chính do thực hiện thao tác thủ công truyền thống vốn tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp so với những doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ hóa.
2. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về ứng dụng công nghệ trong thành lập và quản trị doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2020 được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Các thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ đang ở vào giai đoạn phát triển “chín” nhất và đóng vai trò quan trọng đến doanh nghiệp. Chẳng hạn, Công ty Space X của tỷ phú Elon Musk trình làng công nghệ Internet vệ tinh trong năm 2021, dự kiến sẽ phủ sóng tại Việt Nam trong năm 2022. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ cao nhất thế giới. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển[6]. Trong bối cảnh đó, việc ban hành mới LDN năm 2020 với những thay đổi thích nghi với sự phát triển của công nghệ trên thế giới là cần thiết. Về cơ bản, LDN năm 2020 có những quy định đột phá trong ứng dụng công nghệ số ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, LDN năm 2020 cho phép việc sử dụng dấu doanh nghiệp bằng chữ ký số.
Theo quy định của LDN năm 2020, dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử[7]. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Có thể nói, từ năm 2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể không cần dùng đến dấu theo dạng thức truyền thống, dấu khắc bằng đồng hoặc bằng cao su, tốn kém chi phí tài chính không nhỏ. Theo ước tính, trung bình để khắc một con dấu bằng đồng hoặc bằng cao su tại Tp. Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp phải tốn từ 500.000 đồng đến – 700.000 đồng/dấu. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể sử dụng dấu dưới dạng chữ ký số - một dạng thức giao dịch điện tử. Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/09/2018 về quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng; theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác. Về hình thức, chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gích với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký[8].
Việc cho phép doanh nghiệp sử dụng chữ ký số thay cho dấu doanh nghiệp không những làm giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, mà còn bắt nhịp với sự thay đổi công nghệ số đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Ngoài ra, quy định trên phản ánh nỗ lực cải cách thể chế môi trường kinh doanh, hướng đến xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ 4.0 mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện là một thực tế khách quan không thể đảo ngược được trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Thứ hai, LDN năm 2020 cho phép công ty cổ phần gửi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bằng đa phương thức, trong đó có ứng dụng công nghệ.
Trước năm 2021, theo quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 139 LDN năm 2014,  người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc, nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn…. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông.Về phía công ty, nếu không tuân thủ quy định trên thì nghị quyết của ĐHĐCĐ có thể bị cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông trong 6 tháng liên tục nộp đơn yêu cầu tòa án hoặc trọng tài hủy bỏ.
Với quy định trên, tất cả các công ty cổ phần tại Việt Nam đều phải gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ đến các cổ đông có quyền biểu quyết qua đường bưu chính có dán tem, tống đạt trực tiếp đến cho cổ đông mặc dù các công ty này có thể gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ đến cổ đông bằng các phương thức khác như thư điện tử, fax, tin nhắn,… Song, điều quan trọng nhất, nhằm đảm bảo tính hợp pháp cho cuộc họp ĐHĐCĐ thì các công ty cổ phần đều phải gửi thông báo mời họp bằng thư bảo đảm, tốn kém chi phí tài chính không ít cho họ. Ở các công ty đại chúng có quy mô lớn như: Công ty ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) hay Công ty cổ phần Khí Việt Nam (PV Gas)… vốn có số lượng cổ đông cá nhân nhỏ lẻ trong và ngoài nước rất lớn thì quy định tại khoản 2 Điều 139 LDN năm 2014 về gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ bằng phương thức bảo đảm đã gây tốn kém chi phí tài chính lớn cho các công ty này.
Tuy nhiên, từ năm 2021, theo quy định của khoản 2 Điều 143 LDN năm 2020, thông báo mời họp ĐHĐCĐ được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của cổ đông và đăng trên trang thông tin điện tử của công ty.Theo đó, các công ty cổ phần tại Việt Nam có thể gửi thông báo mời họp ĐHĐCĐ bằng đa phương thức như qua đường bưu chính, qua thư điện tử, qua điện thoại, qua fax, email, zalo, viber…, tất cả đều có giá trị pháp lý như nhau. Có thể nói rằng, quy định của khoản 2 Điều 143 LDN năm 2020 có ý nghĩa tích cực cả về phương diện ứng dụng công nghệ và tài chính, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, tiết giảm được các chi phí tài chính và gia tăng hiệu quả cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, LDN năm 2020 bổ sung quy định cho phép thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) được tham dự và biểu quyết tại các cuộc họp HĐQT thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.
Trước năm 2021, theo quy định của LDN 2014, thành viên HĐQT của công ty cổ phần tham gia dự họp và biểu quyết tại cuộc họp HĐQT thông qua 4 hình thức: trực tiếp; ủy quyển cho người khác; hội nghị trực tuyến hoặc hình thức tương tự khác; gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua thư, fax, thư điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh bổ sung hình thức tham dự họp và biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty, LDN năm 2020 còn bổ sung quy định cho phép các thành viên HĐQT được tham dự họp biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác (khoản 9 Điều 157).Quy định của LDN năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với thực tiễn ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch Covid–19 bùng phát, việc ứng dụng công nghệ số cho các cuộc họp ĐHĐCĐ hoặc của HĐQT, vào việc thông qua quyết định, lấy ý kiến của cổ đông, của các nhà quản lý doanh nghiệp để ra các quyết sách liên quan đến hoạt động kinh doanh đã giúp cho các doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn, giảm bớt thời gian, chi phí tài chính.
3. Những hạn chế trong thực hiện quy định về ứng dụng công nghệ tại Luật Doanh nghiệp năm 2020
Thứ nhất, nhận thức của doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp vẫn còn là rào cản lớn.
Khi bàn về nút thắt thể chế tại Việt Nam, đánh giá của nhóm Kaufmann và Khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng, mức độ thực thi pháp luật tuân thủ pháp quyền chưa ổn định, thậm chí được đánh giá thấp trong khu vực[9]. LDN năm 2020 đã tạo ra bước đột phá trong việc cho phép doanh nghiệp sử dụng dấu doanh nghiệp dưới dạng chữ ký số. Song, vấn đề đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ sử dụng dấu dưới dạng công nghệ số đó từ năm 2021 vẫn là dấu hỏi lớn. Trong hơn 30 năm qua (từ năm 1990), đa số doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc sử dụng dấu doanh nghiệp dưới dạng thức truyền thống trong các giao dịch dân sự, thương mại với sự thừa nhận rộng rãi của các đối tác trong quan hệ đó. Để thay đổi thói quen đó là điều không dễ dàng. Vì vậy, việc phổ biến các quy định đột phá về ứng dụng công nghệ tại LDN năm 2020 đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là cần thiết để giúp doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng các quy định trên vào quản trị doanh nghiệp, qua đó giảm các chi phí tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.
Thứ hai, cần bảo đảm sự thống nhất giữa LDN năm 2020 với các văn bản luật chuyên ngành nhằm thực thi các quy định về công nghệ số tại LDN năm 2020.
LDN năm 2020 điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các văn bản luật chuyên ngành khác điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Theo quy định của Điều 3 LDN năm 2020, trường hợp có xung đột giữa LDN năm 2020 với các văn bản luật chuyên ngành trong các quy định về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp, ưu tiên áp dụng theo các quy định của luật chuyên ngành. Thực tế cho thấy, nhiều văn bản luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chuyên ngành như: dịch vụ pháp lý (Luật Luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012), công chứng (Luật Công chứng năm 2014), đấu giá tài sản (Luật Đấu giá tài sản năm 2016), bảo hiểm (Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010)… vẫn quy định về các thủ tục, phương thức trực tiếp (offline) thay vì phải trực tuyến như quy định tại LDN năm 2020. Chính sự thiếu thống nhất trong kết nối giữa LDN năm 2020 và các luật chuyên ngành sẽ làm cản trở cuộc cải cách mang tính đột phá của LDN năm 2020 về công nghệ số. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi LDN năm 2020, việc hoàn thiện các đạo luật chuyên ngành trong thời gian tới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ số vào việc thành lập, hoạt động, tổ chức quản lý của doanh nghiệp cho phù hợp với những thay đổi tích cực trên tại LDN năm 2020 là nội dung quan trong mà hoạt động lập pháp tại Việt Nam không thể bỏ qua.
Thứ ba, quy định về công nghệ số tại LDN năm 2020 vẫn chưa áp dụng trong thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Thủ tục giải thể doanh nghiệp là một thủ tục “khai tử” các doanh nghiệp kinh doanh thất bại trên thương trường, bảo vệ lợi ích của chủ nợ, người lao động, lợi ích của Nhà nước, khắc phục tình trạng doanh nghiệp “mất tích” bất hợp pháp như thời gian qua.
Nhiều năm qua, thủ tục giải thể doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa có sự cải cách tương xứng với thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại các LDN. Từ LDN năm 1999 cho đến LDN năm 2005, LDN năm 2014 và hiện tại là LDN năm 2020 đều bỏ ngỏ việc cho phép nhà đầu tư thực hiện thủ tục giải thể bằng phương thức online. Đến thời điểm hiện tại, theo quy định tại LDN năm 2020, các doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải nộp hồ sơ giải thể, các thông báo về giải thể doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp (offline) tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Hạn chế này đã gây khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số trong thủ tục giải thể doanh nghiệp là cần thiết. Việc không cho phép nhà đầu tư nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp online đã kéo dài qua nhiều thập niên thực thi các đạo luật doanh nghiệp tại Việt Nam mà đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được luật hóa tại LDN năm 2020, là bước lùi đáng kể so với quy định về thành lập doanh nghiệp hay quản trị công ty tại LDN năm 2020. Điều đó làm giảm hiệu quả thực thi LDN năm 2020, chưa đáp ứng trọn vẹn nguyện vọng của nhà đầu tư mong muốn có những ứng dụng công nghệ đồng bộ trong cả lĩnh vực thành lập doanh nghiệp lẫn lĩnh vực giải thể doanh nghiệp.
4. Kết luận và kiến nghị
Trong nền kinh tế thị trường, công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp[10]. Trong hoàn cảnh đó, LDN năm 2020 đã có những quy định đột phá về viêc ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định tích cực thì LDN 2020 cũng bộc lộ những hạn chế cần hoàn thiện:
Thứ nhất, LDN năm 2020 cần luật hóa việc nộp hồ sơ và các thông báo giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức trực tuyến cho phù hợp với thực tế phát triển công nghệ hiện nay, góp phần tích cực vào cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, qua đó giảm chi phí tài chính, thời gian, công sức cho doanh nghiệp.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành như Luật Luật sư năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Giá năm 2012… theo hướng ứng dụng công nghệ số triệt để trong thành lập doanh nghiệp cho tương thích với các thay đổi tại LDN năm 2020 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy đinh tại Luật Đầu tư năm 2020 mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đòi hỏi phải có giấy phép/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì các quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Giá năm 2012, Luật Kế toán năm 2016,… cũng cần có sự sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ xin cấp “giấy phép con” thông qua ứng dụng Internet như các quy định tiến bộ tại LDN năm 2020./.

 


[1] Xem: David L Rogers (Phạm Anh Tuấn dịch), “Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số”, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018, tr.91.
[2] Xem: David L Rogers (Phạm Anh Tuấn dịch), “Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số”, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018, tr.108.
[3] Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 28/04/2020 tại Hà Nội
[4]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-chu-dong-tham-gia-cuoc-cach-mang-cong-5715.
[5] Xem: Mục II Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/04/2020 về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV. 
[6] Trích từ Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html.
[7] Xem: Điều 43 LDN năm 2020.
[8] Xem: Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
[9] Xem: TS. Đoàn Duy Khương (Chủ biên), “Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO”, Sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, 2013, tr. 56, 57.
[10] Xem: TS. Trang Thị Tuyết, “Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp”, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tr.177