Xu hướng xét xử trực tuyến ở Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam

24/10/2021

Tóm tắt: Trên thế giới, việc áp dụng mô hình xét xử trực tuyến thay thế cho các phiên tòa được thực hiện theo mô hình truyền thống đã và đang trở thành xu thế và được áp dụng ngày càng nhiều và phổ biến. Ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình xét xử trực tuyến còn gặp phải một số khó khăn, thách thức trong cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật về tố tụng tại Việt Nam, xét xử bằng hình thức trực tuyến vẫn là một xu thế trong bối cảnh bùng phát của dịch bệnh. Việc kéo dài thời gian đưa ra xét xử dù vì lý do bất khả kháng cũng làm ảnh hưởng rất nhiều tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm xét xử trực tuyến ở Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc, các tác giả rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc chuyển đổi từ xét xử trực tiếp sang xét xử trực tuyến trong tương lai.
Từ khóa: Xét xử trực tuyến, Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19.
Abstract: In the world, the rise of virtual hearing or remote hearing to replace the traditional court (face to face’s court) has become more and more widely. Although in the context of Vietnam, the application of virtual hearing model may face some challenges in understanding and implementing provisions of procedure laws of Vietnam. However, virtual hearing or remote trial is still need to be considered in the context of the outbreak of COVID-19 disease currently. The extension of the trial time even for force majeure reasons also greatly affects the legitimate rights and interests of citizens. Based on experiences of the United States of America, Singapore and China and possible conflicts of this model with current procedural principles, this article propose some suggestions for Vietnam in the transition from face-to-face to virtual hearing in the future.
Keywords: Virtual hearing, remote trial, judicial principle, court cases, COVID-19 disease.
 TQ-XÉT-XỬ-TRỰC-TUYẾN.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Từ cuối năm 2019 tới nay, trong tình hình bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV2 (COVID-19) trên toàn thế giới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với tốc độ đường truyền Internet và sự phổ biến của các thiết bị thông minh, việc chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến được áp dụng trong nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, từ các lĩnh vực thuộc về công tác hành chính - điều hành, thực hiện các dịch vụ - thủ tục hành chính công, tới thương mại điện tử, giáo dục - giảng dạy. Tại Việt Nam nói riêng và trên toàn Thế giới nói chung, việc chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin trong cuộc sống không chỉ giúp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng hình thức xét xử trực tuyến (virtual hearing hay remote trial) thay thế cho cách xét xử truyền thống. Theo hướng dẫn của Tòa án tối cao bang Victoria (Australia), “xét xử trực tuyến được hiểu là phiên xét xử được tổ chức bởi các phương tiện nghe nhìn mà không cần sự có mặt trực tiếp của người tham dự[1].Mặc dù, trên thế giới chưa có một cách hiểu thống nhất về xét xử trực tuyến, nhưng có thể hiểu một cách chung nhất, xét xử trực tuyến là việc thực hiện công tác xét xử nhưng những người tham gia xét xử, bao gồm cả tòa án, kiểm sát, luật sư, bị cáo, người bị hại, đương sự, nhân chứng không cùng lúc có mặt tại phòng xử án mà tham gia phiên tòa thông qua một phương tiện nghe nhìn trên nền tảng internet.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xét xử trực tuyến đem lại một số lợi ích nhất định: một mặt, việc xét xử trực tuyến để tránh tập trung đông người trong một không gian kín và hạn chế di chuyển để tránh biến phiên tòa xét xử trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm; mặt khác, trong thời gian tiến hành xét xử, sẽ có nhiều tình huống phát sinh vì lý do dịch bệnh, ví dụ như hạn chế di chuyển, người tham gia tố tụng là người nhiễm bệnh (F0) hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh (F1, F2) dẫn tới việc kéo dài thời gian xét xử, gây ảnh hưởng tới quyền con người, quyền lợi hợp pháp của người tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến cũng mang lại một số lợi ích khác như tiết kiệm thời gian, chi phí dành cho việc di chuyển trong trường hợp phải di lí bị cáo hoặc di chuyển của người bị hại, nhân chứng, chuyên gia. Nhờ những lợi ích đó, xét xử trực tuyến đã và đang trở thành xu hương trên thế giới và được nhiều quốc gia áp dụng. Việc áp dụng mô hình xét xử trực tuyến không phụ thuộc vào việc hệ thống pháp luật đó là tố tụng tranh tụng (như Hoa Kỳ, Singapore) hay tố tụng thẩm vấn như Trung Quốc.
1. Xét xử trực tuyến ở Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc
1.1. Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ, việc xét xử trực tuyến xuất hiện khá lâu với hình thức sơ khai. Năm 1995, CourtCall, một công ty ở California cung cấp các dịch vụ luật sư thực hiện xét hỏi và trình bày quan điểm thông qua điện thoại trước Tòa, và nhiều bang cũng đã chấp nhận các dịch vụ tương tự như vậy trước đại dịch Covid-19[2].
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy đến, hoạt động xét xử trực tuyến được thúc đẩy mạnh hơn bởi việc sử dụng các ứng dụng như Zoom hoặc Microsoft Teams[3]. Có khoảng 38 bang bắt đầu sử dụng các phiên tòa trực tuyến nhằm đảm bảo hoạt động của Tòa án trong bối cảnh giãn cách xã hội. Luật Viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế nhằm ứng phó Virus Corona ngày 27/3/2020 (The Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act - CARES) cho phép các Tòa án liên bang tiến hành xét xử các vụ án dân sự, và một số vụ án hình sự nếu có sự đồng ý của bị cáo, với sự hỗ trợ của các công cụ phát sóng truyền hình trực tiếp hoặc thông qua điện thoại. Theo thống kê, tính đến ngày 30/3/2021, các thẩm phán ở bang Texas đã tổ chức khoảng 1.800 phiên tòa trực tuyến, với hơn 12.500 người tham gia. Tại bang Michigan, các Tòa án đã tổ chức hơn 100.000 giờ xét xử trực tuyến từ ngày 01/4/2020 đến 18/5/2020[4].
Hầu hết Tòa án các bang đều có hướng dẫn riêng cho việc tham dự các phiên tòa trực tuyến thông qua các ứng dụng như Zoom hoặc Microsoft Teams. Ví dụ ở bang Massachusetts, khi một cá nhân tham dự một phiên tòa trực tuyến thì sẽ được Tòa án thông báo trước cho người đó cùng với mã số ID và mật khẩu phòng họp của ứng dụng Zoom để người đó có thể tham dự phiên tòa trong phòng họp trực tuyến của ứng dụng này vào thời gian đã được ấn định. Trong trường hợp này, người không thể tham dự thì phải nhanh chóng liên hệ với phía Tòa án để hoãn phiên tòa. Hướng dẫn này cũng gợi ý về cách chuẩn bị không gian và tài liệu tại nơi của người tham gia phiên tòa trước khi bắt đầu vào phòng xét xử trực tuyến, cũng như các bước xử lý nếu xảy ra sự cố về thiết bị hoặc kết nối mạng[5].
Tính chất công khai của các phiên tòa trực tuyến này được thực hiện đa dạng theo quy định của từng bang. Một số khu vực như thành phố San Francisco của bang California, quận Harris của bang Texas, và bang Michigan, Tòa án phát sóng truyền hình trực tiếp về quá trình xét xử trực tuyến của Tòa án cho công chúng và bất kỳ ai cũng có quyền theo dõi. Tuy nhiên, một số nơi khác lại yêu cầu những người muốn theo dõi phiên tòa phải nộp yêu cầu để được xem xét, chấp thuận. Ở bang New Orleans, việc công chúng tiếp cận, tham dự phiên tòa trực tuyến phụ thuộc vào quyết định của từng thẩm phán. Tại thành phố New York, công chúng chỉ có thể xem các phiên xét xử trực tuyến từ màn hình trong các tòa án. Ở Los Angeles và Miami, công chúng hoàn toàn không thể tiếp cận các phiên tòa trực tuyến[6].
1.2. Singapore
Từ tháng 3/2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, bên cạnh việc ban hành các nguyên tắc phòng dịch như hạn chế số người tham dự phiên tòa, khai báo y tế khi tham dự phiên tòa, cơ quan tư pháp Singapore đã quyết định áp dụng hình thức xét xử trực tuyến nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Việc áp dụng hình thức xét xử trực tuyến được áp dụng với Tòa án Dân sự, Tòa án Gia đình, Tòa án Thanh niên, và Tòa án Hình sự thông qua hội nghị từ xa (teleconference) hoặc video đối với cả cấp Tòa Phúc thẩm và Tòa Cấp cao[7]. Trước đó, từ năm 2016, Tòa án Thương mại quốc tế Singapore (SICC) đã bắt đầu khuyến khích các thẩm phán quốc tế áp dụng mô hình hội nghị từ xa để giúp các bên xảy ra tranh chấp giải quyết các vấn đề mà không cần gặp mặt trực tiếp. Ngay từ thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Singapore đã mong muốn áp dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật hiện đại và trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa hệ thống tòa án của mình[8].
Ngày 7/4/2020, Singapore đã ban hành Luật về Covid-19[9]. Theo quy định của Điều 28 Luật này, Tòa án có thể yêu cầu người bị buộc tội hoặc nhân chứng đưa ra bằng chứng thông qua đường truyền video trực tiếp hoặc truyền hình trực tiếp được được Chánh án phê duyệt. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, người bị buộc tội hoặc nhân chứng có thể xuất hiện thông qua video trực tiếp, liên kết truyền hình trực tiếp hoặc liên kết âm thanh trực tiếp được tạo bằng công nghệ truyền thông từ xa. Bên cạnh đó, Luật về Covid-19 cũng quy định rõ các điều kiện bắt buộc phải thỏa mãn trong trường hợp người bị buộc tội hoặc nhân chứng đưa ra bằng chứng thông qua một phương tiện từ xa hoặc tham gia xét xử thông qua video trực tuyến.
Cụ thể, đối với người bị buộc tội, việc đưa ra bằng chứng hoặc tham gia xét xử trực tuyến chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian xác định và từ một nơi trong trụ sở Tòa án hoặc Nhà tù của Singapore và thực hiện công nghệ liên lạc từ xa. Đối với nhân chứng, dù đang sinh sống tại Singapore hay bất kỳ địa điểm nào khác, có thể xuất hiện hoặc đưa ra bằng chứng trong thời gian quy định từ một địa điểm do Tòa án chỉ định bằng cách sử dụng công nghệ liên lạc từ xa, nếu người đó là nhân chứng chuyên môn hoặc là nhân chứng thực tế và các bên tham gia tố tụng đồng ý sử dụng công nghệ liên lạc từ xa. Bên cạnh đó, nhân chứng hoặc người bị buộc tội còn phải thỏa mãn các điều kiện của Tòa án về cơ sở vật chất và kỹ thuật (khoản 2 Điều 28).
Để thực hiện mô hình xét xử trực tuyến một cách thống nhất, Tòa án tối cao Singapore đã ban hành bộ quy tắc tham dự phiên tòa xét xử, quy định những quy tắc ứng xử mà người tham gia phải thực hiện nếu muốn tham dự và phổ biến cụ thể trên trang chủ của Tòa án tối cao[10]. Theo đó, người tham gia phiên tòa phải đáp ứng các yêu cầu của Tòa án như: quy tắc  về sử dụng, phông nền tại địa điểm người tham dự; quy tắc về trang phục tham dự, nghi thức tại thời điểm diễn ra phiên tòa; quy tắc đặt tên hiển thị. Bên cạnh đó, người tham gia phiên tòa được yêu cầu không quay phim, ghi âm, chụp ảnh phiên tòa, trong trường hợp vi phạm, sẽ bị Tòa án xử phạt. Từ đầu tháng 4/2020, các phiên tòa trực tuyến ở Singapore đã được thực hiện với mục đích “duy trì khả năng tiếp cận công lý ngay cả trong thời kỳ đại dịch”.[11]
1.3. Trung Quốc
Ở Trung Quốc, từ năm 2005, việc sử dụng các thiết bị công nghệ và mạng Internet để hỗ trợ cho việc xét xử đã được thực hiện. Năm 2005, một Tòa án ở tỉnh Quý Châu đã sử dụng ứng dụng Tencent QQ, một ứng dụng nhắn tin trực tuyến, để hỗ trợ cho một vụ án hôn nhân và gia đình khi một bên không thể trực tiếp tham dự phiên tòa. Các trường hợp tương tự cũng đã được ghi nhận tại một số phiên tòa khác nhằm hỗ trợ những người lao động nhập cư gặp khó khăn trong việc tham gia các phiên tòa dân sự; và các Tòa án khác ở Quý Châu tiếp tục sử dụng công cụ này trong các phiên tòa rút gọn; vào năm 2007, phiên tòa hình sự đầu tiên được xét xử trực tuyến được thực hiện để giải quyết một vụ trộm cắp ở Thượng Hải[12].
Tháng 9/2009, Tòa án Cấp cao Bắc Kinh đã hoàn thành một trang web phát trực tiếp các phiên tòa diễn ra trên toàn thành phố Bắc Kinh để công chúng trên cả nước có thể truy cập xem và quan sát. Tháng 3/2010, Tòa án Cấp cao tỉnh Hà Nam cũng tiến hành xét xử trực tuyến như một phần trong nỗ lực cải thiện tính minh bạch tư pháp[13]. Ngày 27/9/2017, hệ thống China Trials Online được thành lập để nhằm mục đích phát sóng và lưu trữ các phiên tòa trên toàn Trung Quốc[14]. Tính đến ngày 31/12/2017, có tổng số 3.314 Tòa án (khoảng 94%) đã kết nối với hệ thống China Trials Online; hơn 560.000 phiên tòa được phát sóng trực tiếp, trung bình khoảng 4.000 phiên tòa trong một ngày[15]. Tuy nhiên, về cơ bản, các phiên tòa này vẫn diễn ra theo mô hình xét xử truyền thống với đầy đủ người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa.
Tiến xa hơn, Trung Quốc bắt đầu theo đuổi mô hình “Tòa án trực tuyến” (Internet Court), được thành lập đầu tiên tại thành phố Hàng Châu vào tháng 8/2017. Sau đó, các toà án tương tự được thành lập ở Bắc Kinh và Quảng Châu vào tháng 9/2018[16].
Phạm vi xét xử của các phiên tòa trực tuyến chủ yếu giới hạn ở các tranh chấp dân sự, thương mại, bao gồm: tranh chấp về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, tranh chấp tài chính liên quan đến hành vi trực tuyến, các khoản vay được mua hoặc thực hiện trực tuyến, các vấn đề về tên miền, các vụ việc về tài sản và quyền dân sự liên quan đến mạng Internet, trách nhiệm sản phẩm phát sinh từ việc mua hàng trực tuyến và một số tranh chấp hành chính nhất định.
Theo mô hình xét xử trực tuyến, tất cả các khâu của thủ tục tố tụng cho việc giải quyết vụ án được thực hiện trực tuyến như: nộp đơn khởi kiện, thụ lý đơn; đại diện của các bên trong vụ kiện được xác định bằng phần mềm nhận dạng khuôn mặt; việc án phí nộp trực tuến; nộp bằng chứng của vụ án; phiên tòa được diễn ra qua hệ thống phát sóng trực tiếp (livestream); các quyết định, bản án của Tòa án. Tuy nhiên, việc tham gia vào các thủ tục xét xử trực tuyến này là tự nguyện, do các bên tham gia tố tụng được quyền lựa chọn. Nếu một bên phản đối việc xét xử trực tuyến thì họ sẽ được tham gia phiên tòa theo thủ tục truyền thống[17]. Các bên tham gia vụ kiện có thể tải ứng dụng “Mobile Court” từ WeChat để thực hiện vụ kiện tại các phiên tòa trực tuyến này[18].
Ở Bắc Kinh, thời hạn trung bình để giải quyết một vụ án theo thủ tục trực tuyến là 40 ngày; một phiên tòa trực tuyến trung bình kéo dài 37 phút; gần 80% đương sự trước tòa án trực tuyến Trung Quốc là cá nhân và 20% là tổ chức doanh nghiệp; và 98% các phán quyết đã được chấp nhận mà không bị kháng cáo[19].
Qian Du, Chánh án Tòa án trực tuyến Hàng Châu, cho biết hai năm hoạt động (từ 2017 đến 2019), Tòa án trực tuyến Hàng Châu đã ban hành khoảng 20.000 phán quyết và thời gian xét xử trực tuyến trung bình cho mỗi vụ án đã được tiết kiệm 65% so với các phiên tòa xét xử theo mô hình truyền thống[20].
Khi đại dịch Covid 19 bùng nổ, các hoạt động xét xử trực tuyến được đẩy mạnh ở các phiên tòa dân sự, thương mại lẫn hình sự trên phạm vi toàn quốc. Tháng 2/2020, Tòa án quận Hải Nam, Ô Hải, Nội Mông Trung Quốc đã tiến hành một phiên tòa trực tuyến: Thẩm phán và thư ký có mặt ở phòng xét xử; Kiểm sát viên thì ở tại văn phòng của Viện kiểm sát; bị cáo thì ở cơ sở tạm giữ với hai cảnh sát phía sau, và tất tham gia xét xử thông qua hệ thống thu phát hình ảnh, âm thanh trực tuyến[21].
Trước tình hình mới của dịch bệnh Covid 19, ngày 17/6/2021, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành “Quy tắc tố tụng trực tuyến trong hệ thống Tòa án nhân dân” (Rules of Online Litigation of People's Court), trong đó quy định về các trình tự, thủ tục tiến hành các thủ tục tố tụng trực tuyến. Theo đó, đối với lĩnh vực dân sự, hành chính thì tố tụng trực tuyến được thực hiện từ khâu nộp đơn khởi kiện, nộp chứng chứng, đến khâu xét xử; trong lĩnh vực hình sự, tố tụng trực tuyến chỉ được thực hiện giới hạn ở một số vụ việc rút gọn và tại phiên tòa xét xử. Bộ quy tắc ghi nhận 5 nguyên tắc cơ bản cho tố tụng trực tuyến là: (1) khách quan và hiệu quả; (2) hợp pháp và tùy chọn; (3) theo định hướng bảo vệ quyền; (4) thuận tiện cho người dân; (5) an toàn và đáng tin cậy. Như vậy, chỉ những vụ việc có được sự đồng ý của các bên và các bên có khả năng tham gia hoạt động trực tuyến thì mới được tiến hành tố tụng trực tuyến. Ngoài ra, bộ quy tắc này còn ghi nhận cách ứng phó trong trường hợp gặp các sự cố như mất kết nối Internet, mất điện, thiết bị hư hỏng,…[22]
2. Xét xử trực tuyến vụ án hình sự tại Việt Nam: những thách thức đối mặt
Trong lịch sử hoạt động của tố tụng Việt Nam, xét xử trực tuyến là một hình thức xét xử hoàn toàn mới. Do đó, việc áp dụng hình thức xét xử này vào thực tiễn sẽ phải đối mặt với không ít các câu hỏi và thách thức từ khía cạnh lập pháp, thi hành pháp luật và đảm bảo về mặt cơ sở hạ tầng.
2.1. Khả năng xung đột với một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng
-Nguyên tắc xét xử trực tiếp
Xét xử trực tiếp là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xét xử được pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính ghi nhận[23].
Theo từ điển tiếng Việt, “trực tiếp” là “có quan hệ thẳng với đối tượng, không qua khâu trung gian, trái với gián tiếp[24]. Xét xử trực tiếp là việc xét xử một cách trực tiếp, giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng với nhau, không thông qua một khâu trung gian nào. Như vậy, nếu nhìn nhận từ góc độ ngôn ngữ học, việc thực hiện hoạt động xét xử trực tuyến dễ bị nhận định là có khả năng dẫn đến xung đột với nguyên tắc xét xử trực tiếp trong tố tụng. Bởi lẽ, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ số để thu và phát âm thanh, hình ảnh của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trên một hệ thống chung, chứ không tiến hành trực tiếp giữa các đối tượng này.
Tuy nhiên, việc phân tích một nguyên tắc pháp lý cần dựa vào góc độ pháp lý chứ không thể chỉ máy móc dựa trên góc độ ngữ nghĩa.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên tắc xét xử trực tiếp thực chất là nhằm để ngăn chặn tình trạng xét xử theo hồ sơ (xét xử bút lục) mà không quan tâm đến diễn biến phiên tòa, tức chỉ dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ để đưa ra phán quyết[25]. Do đó, chữ “trực tiếp” ở đây cần được hiểu là trực tiếp kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa thay vì chỉ kiểm tra, đánh giá chứng cứ thông qua việc đọc hồ sơ; chứ không phải hiểu một cách máy móc “trực tiếp” là “mặt đối mặt”.
Theo quy định của pháp luật tố tụng, nguyên tắc xét xử trực tiếp đòi hỏi Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng các phương thức sau: (1) hỏi, nghe ý kiến của người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; (2) xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; (3) công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; (4) nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo đó, nếu Tòa án thực hiện việc xác định sự thật vụ án bằng các phương thức trên, thì về mặt pháp lý, Tòa án đã đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp. Khi xem xét đối chiếu giữa các phương thức này với việc hoạt động xét xử trực tuyến, có thể thấy, hoạt động xét xử trực tuyến được vận hành dựa trên các phương thức tương tự, có nghĩa là Tòa án xét xử trực tuyến cũng phải xác định sự thật vụ án bằng các hoạt động hỏi, nghe ý kiến người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng, và kiểm tra chứng cứ. Điểm khác biệt duy nhất là các hoạt động này diễn ra thông qua hệ thống công nghệ số thu và phát âm thanh, hình ảnh chứ không phải diễn ra theo cách “mặt đối mặt”.
Vì vậy, nếu xét trên phương diện pháp lý, hoạt động xét xử trực tuyến đã đảm bảo các yêu cầu đặt ra của nguyên tắc xét xử trực tiếp, cũng như không có sự xung đột pháp lý giữa hoạt động xét xử trực tuyến và nguyên tắc xét xử trực tiếp.
-Nguyên tắc xét xử công khai, quyền bình đẳng của công dân trong tham dự phiên tòa và vấn đề quyền riêng tư của bị cáo, đương sự
Xét xử công khai là một nguyên tắc hiến định, khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai”. Việc Tòa án xét xử công khai là nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động xét xử, đảm bảo sự giám sát của quần chúng nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án; từ đó, làm tăng trách nhiệm của người tiến hành tố tụng khi tham gia phiên tòa, khiến họ phải điều chỉnh hành vi và quyết định tố tụng phù hợp với quy định pháp luật dưới sự giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, xét xử công khai cũng góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hoạt động xét xử trực tuyến trong mối liên hệ với nguyên tắc xét xử công khai sẽ dẫn đến câu hỏi rằng ai sẽ được quyền truy cập hoặc theo dõi diến biễn của phiên tòa trực tuyến này. Liệu sẽ là một hệ thống đóng mà chỉ có những người tham gia phiên tòa được truy cập trên hệ thống, hay sẽ là một hệ thống mở cho công chúng được quyền truy cập vào theo dõi phiên tòa trực tuyến này. Và nếu mở thì mở đến mức độ nào, đến mức bất kỳ ai đều có thể truy cập nếu có một thiết bị công nghệ (như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính,…) hay chỉ những cá nhân đã có đăng ký trước với Tòa án thì mới được cung cấp tài khoản và mật khẩu để theo dõi, và điều kiện để được đăng ký theo dõi phiên tòa là gì.
Việc trả lời các câu hỏi này không hề dễ dàng cho các nhà lập pháp, và tùy thuộc vào câu trả lời khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau về việc hoạt động xét xử trực tuyến có xung đột và làm giới hạn nguyên tắc xét xử công khai, giảm đi tính minh bạch của nền tư pháp hay hoạt động xét xử trực tuyến càng làm mở rộng, phát triển nguyên tắc này và gia tăng sự minh bạch của hoạt động tư pháp.
Đồng thời, việc tổ chức trực tuyến phiên tòa cũng dẫn đến một lo ngại khác về quyền riêng tư của bị cáo, đương sự trong vụ án. Nếu việc phát sóng phiên tòa trực tuyến được thực hiện quá rộng, bất kỳ ai cũng xem được thì sẽ mở rộng nguyên tắc xét xử công khai, nhưng đồng thời cũng dẫn đến việc không giữ được bí mật về nhân thân và các vấn đề đời tư của bị cáo, đương sự.
Mặt khác, trong liên hệ với nguyên tắc xét xử công khai, hoạt động xét xử trực tuyến cũng không bảo đảm sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật khi có thể dẫn đến sự chọn lọc tham dự phiên tòa của các công dân dựa trên khả năng tài chính của họ để có thể sở hữu thiết bị công nghệ hiện đại và khả năng mà họ truy cập mạng internet đến mức độ nào thì có thể tham dự và xem phiên tòa trực tuyến[26]. Ở chiều ngược lại, ở các phiên tòa truyền thống, bất kỳ người dân nào cũng đều có thể vào phiên tòa để xem mà không tốn bất kỳ chi phí nào khác. Tại Singapore, một số lo ngại việc đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận công lý trong điều kiện áp dụng hình thức xét xử trực tuyến do sự chênh lệch về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật. Do đó, để đảm bảo tất cả mọi người đều có sự tiếp cận ngang nhau với phiên tòa trực tuyến, Tòa án đã lường tới trường hợp cung cấp một phòng họp có đầy đủ tiện nghi (đường truyền internet, thiết bị,…) đặt ngay trong cộng đồng dân cư[27].
Theo một số thống kê, tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó chỉ có khoảng 63,1% sử dụng điện thoại thông minh, là phương tiện cơ bản để có thể kết nối trực tuyến, và chỉ có khoảng 70% người dân có sử dụng mạng internet[28]. Nếu hoạt động xét xử trực tuyến được thực hiện, một số lượng lớn người dân sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các phương thức cơ bản trong việc kết nối để tham dự và theo dõi các phiên tòa này. Việc đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận các phiên tòa trực tuyến là một thách thức cần xem xét.
-Nguyên tắc xét xử công bằng
Trong phiên tòa hình sự, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử công bằng. Do đó, khi xem xét hoạt động xét xử trực tuyến trong liên hệ với nguyên tắc xét xử công bằng cần phải xem xét đến việc bị cáo được xét xử theo hướng truyền thống và xét xử trực tuyến có sự khác biệt nào về kết quả xét xử hay không, và sự khác biệt đó có đủ để phá vỡ tính chất công bằng của việc xét xử hay không.
Theo một số khảo sát tại Hoa Kỳ, việc xét xử trực tuyến có thể dẫn đến những kết quả bất lợi rõ rệt cho phía đối tượng bị xét xử. Ví dụ, một nghiên cứu về các phiên điều trần tại ngoại cho thấy, các bị cáo có phiên điều trần trực tuyến phải trả số tiền bảo lãnh cao hơn từ 54 đến 90% so với những bị cáo thực hiện điều trần trực tiếp[29]. Hoặc một nghiên cứu khác cho thấy, các phiên tòa về nhập cư có xu hướng ra phán quyết trục xuất người nhập cư nhiều hơn khi phiên tòa diễn ra trực tuyến so với các phiên tòa trực tiếp[30].
Có thể lý giải cho xu hướng trên trong hoạt động xét xử trực tuyến là bởi, khi xét xử trực tuyến, giữa người xét xử và người bị xét xử không có sự giao tiếp “mặt đối mặt” (face to face) mà chỉ giao tiếp thông qua màn hình điện tử, từ đó người xét xử không thể có được những tương tác về mặt cảm xúc đối với người bị xét xử để từ đó có những ảnh hưởng đến phán quyết của mình. Ở chiều ngược lại, các phiên tòa truyền thống diễn ra trong sự tương tác trực tiếp về mặt cảm xúc của thẩm phán và người bị xét xử, từ đó cảm xúc của thẩm phán tất yếu sẽ ảnh hưởng phần nào đến phán quyết của họ. Do đó, có thể kết luận rằng, việc xét xử trực tuyến sẽ dẫn đến các phán quyết lý tính cao hơn, còn xét xử theo hướng truyền thống sẽ có nhiều khả năng dẫn đến các phán quyết chứa nhiều cảm xúc cá nhân hơn.
Như vậy, việc triển khai hoạt động xét xử trực tuyến song song với việc xét xử theo hướng truyền thống sẽ dẫn đến sự mất công bằng của các bị cáo ở các phiên tòa khác nhau. Một bị cáo bị xét xử trực tuyến sẽ mất đi cơ hội tương tác về mặt cảm xúc với thẩm phán so với một bị cáo được xét xử theo mô hình truyền thống, từ đó nhiều khả năng dẫn đến các phán quyết khác nhau giữa hai bị cáo này. Đây là một thách thức cần phải giải quyết khi triển khai hoạt động xét xử trực tuyến để đảm bảo quyền được xét xử công bằng của bị cáo.
2.2. Khả năng tác động tiêu cực đến tính hiệu quả của việc xét xử
Tính hiệu quả của việc xét xử được đánh giá bằng việc xác định sự thật của vụ án thông qua các phương thức được quy định có dẫn đến kết quả đúng đắn hay không. Các phương thức được quy định mà thẩm phán phải sử dụng để xác định sự thật vụ án bao gồm: (1) hỏi, nghe ý kiến của người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; (2) xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; (3) công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; (4) nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong các phương thức nói trên thì hỏi, nghe ý kiến của người tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập là phương thức cơ bản xác định sự thật về vụ án. Trong hoạt động xét xử trực tuyến, có thể thấy, thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác không thực hiện việc xét hỏi “mặt đối mặt”, mà thông qua màn hình thiết bị điện tử. Từ đây, một vấn đề nảy sinh là Hội đồng xét xử không thể quan sát một cách trực quan sinh động đối với thái độ, cảm xúc biểu hiện trên gương mặt của người bị xét hỏi, cũng như các cử chỉ cơ thể của họ để từ đó có nhận định về tính chân thật của lời khai, về thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo của họ.
Mặt khác, cũng bởi việc không thể tương tác trực tiếp mà phải thông qua thiết bị điện tử dẫn đến hiệu quả của việc xét hỏi không cao, việc sử dụng các chiến thuật xét hỏi nhằm tìm ra những điểm sai lầm trong lời khai có thể không đạt được hiệu quả bởi người bị hỏi có nhiều thời gian để suy nghĩ về câu trả lời, cũng như không bị sự dồn ép bởi áp lực vô hình từ người xét hỏi[31]. Một số luật sư tại Singapore cho biết, việc xét xử trực tuyến cũng ảnh hưởng khá lớn tới sự biểu đạt, phản ứng ngôn ngữ, giọng điệu, âm lượng lời nói của người tham gia phiên tòa, đặc biệt là các đương sự trực tiếp liên quan tới vụ việc[32].
Do đó, hoạt động xét xử trực tuyến chỉ có thể lấy thông tin đơn thuần của ngôn từ lời khai, mà không thể thu thập thêm các thông tin ẩn khác được thể hiện thông qua thái độ, cử chỉ của người bị xét hỏi. Từ đó, có thể làm giảm đi tính hiệu quả trong hoạt động xét xử ở một mức độ nhất định.
2.3. Mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông
Một thách thức khác để thực hiện hoạt động xét xử trực tuyến là thách thức về mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Có thể thấy, xét xử trực tuyến là hoạt động diễn ra với nhiều người tham gia; và khác với một phiên họp trực tuyến thì việc xét xử trực tuyến còn đòi hỏi phải đảm bảo cho người dân được quyền truy cập để tham dự và xem phiên tòa. Do đó, việc xét xử trực tuyến đòi hỏi kỹ thuật hạ tầng về đường truyền mạng internet và hệ thống máy chủ thực hiện việc trực tuyến là rất cao để có thể đảm bảo cho phiên tòa diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.
Theo thống kê, tốc độ kết nối mạng internet của Việt Nam thông qua mạng internet di động là 56, còn thông qua mạng internet cố định là 60, thấp hơn thứ hạng của các nước khác đã thực hiện hoạt động xét xử trực tuyến rất nhiều, ví dụ như Hoa Kỳ xếp hạng lần lượt là 18 và 11, Trung Quốc 05 và 17, Úc 08 và 56, Hàn Quốc 02 và 04, còn Singapore 20 và 01[33]. Từ đây cho thấy, tốc độ đường truyền mạng internet của Việt Nam là một bài toán cần phải giải quyết để có thể thực hiện hoạt động xét xử trực tuyến.
Mặt khác, khi thực hiện việc xét xử trực tuyến cũng cần phải tính đến các sự cố bất khả kháng khiến việc xét xử bị gián đoạn do yếu tố cơ sở hạ tầng như: mất điện, một người tham gia mất kết nối, loa hoặc camera ghi hình bị hỏng, hệ thống bị quá tải,….thì sẽ được xử lý theo các phương án như thế nào để đảm bảo việc xét xử và việc lưu trữ các phiên tòa xét xử.
3. Gợi mở cho Việt Nam từ kinh nghiệm xét xử trực tuyến ở Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc
Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai phiên tòa trực tuyến của Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, và các đánh giá, phân tích các khả năng xung đột giữa xét xử trực tuyến và các nguyên tắc pháp luật tố tụng hiện hành cũng như tính khả thi trong thực tiễn và các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng của Việt Nam, chúng tôi cho rằng, trong tương lai, việc áp dụng phiên tòa bằng hình thức trực tuyến tại Việt Nam hoàn toàn có tính khả thi. Kinh nghiệm xét xử trực tuyến ở các nước ở Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc mở ra những gợi mở sau đây:
Một là, về nguyên tắc tham gia phiên tòa: Theo kinh nghiệm của Singapore, Tòa án cần công khai các nguyên tắc tham gia phiên tòa, cách thức tham gia cũng như quy định cụ thể số người tham gia trong cùng một phiên trực tuyến để đảm bảo chất lượng đường truyền Internet (tối đa 50 người bao gồm cả thẩm phán, luật sư, đương sự). Tòa án cũng cần quy định cụ thể các yêu cầu về lễ nghi, trang phục, phông nền (trắng, đơn sắc), không gian đối với người tham dự (ví dụ như trong không gian yên tĩnh), thậm chí có các khuyến nghị về thiết bị đường sử dụng để tham gia phiên tòa, thường máy tính cá nhân được khuyến nghị sử dụng thay vì điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Tòa án cũng cần chuẩn bị màn hình truyền hình trực tiếp ngay tại trụ sở tòa án để những người không thể tham gia phiên xét xử bằng hình thức trực tuyến có thể theo dõi diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Tòa án cần yêu cầu cụ thể những người tham dự trực tiếp tại trụ sở Tòa án cần phải thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng như khai báo y tế, đo thân nhiệt, xuất trình giấy tờ cần thiết.
Hai là, về giới hạn áp dụng phiên tòa trực tuyến: Kinh nghiệm của Trung Quốc, Singapore cho thấy, Tòa án cần đưa ra giới hạn của việc xét xử trực tuyến, ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Trước mắt Việt Nam có thể cho phép các vụ án, vụ việc ở cấp sơ thẩm, có tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng được phép áp dụng hình thức xét xử trực tuyến. Đối với vụ án hình sự, phiên tòa trực tuyến chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, vụ án rõ ràng, đơn giản. Trong dân sự chỉ nên áp dụng đối với các tranh chấp có giá trị tài sản không lớn. Trong tương lại, qua quá trình đánh giá và tổng kết thực tiễn, sẽ mở rộng hơn các vụ án, vụ việc ở mức độ cao hơn.
Ba là, kinh nghiệm của Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy, người tham dự phiên tòa bằng hình thức trực tuyến cần phải thể hiện ý chí bằng văn bản. Nếu có người nào đồng ý xét xử trực tuyến thì thực hiện đối với người đó, còn người nào không đồng ý trực tuyến thì vẫn triệu tập ra phiên tòa xét xử bình thường. Nghĩa là một phiên tòa có thể có người trực tuyến, có người có mặt ở phiên tòa (ví dụ 02 bị cáo, 1 bị cáo trực tuyến, còn 1 bị cáo thì ra tòa). Hoặc nếu người bị hại hoặc nhân chứng mong muốn tham gia phiên tòa theo hình thức trực tuyến vì lý do dịch bệnh, khoảng cách địa lý thì có thể tham gia theo hình thức trực tuyến.
Bốn là, về phương diện kỹ thuật: Nhằm đảm bảo sự trung thực của phiên tòa trực tuyến, người tham gia bằng hình thức này cần phải đáp ứng được yêu cầu về tốc độ đường truyền tại địa điểm họ tham gia phiên tòa bằng hình thức trực tuyến. Tại địa điểm tham dự cần có thiết bị ghi hình bao gồm hai thiết bị quay phim để một máy chiếu rõ được mặt và một máy chiếu rõ toàn bộ cơ thể của bị cáo, đương sự trong vụ án để thẩm phán có thêm sự quan sát về hành vi, cử chỉ thái độ, cảm xúc của người cho lời khai. Vì vậy, người tham dự bằng hình thức trực tuyến cần chứng minh được với Tòa án về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật mà họ đã có.
Năm là, về sự đăng ký tham dự phiên tòa: Kinh nghiệm của các nước cho thấy, thời gian xét xử, cách thức đăng ký tham dự phiên tòa và số lượng người đăng ký cần được niêm yết công khai, thuận tiện, dễ dàng cho người dân. Theo đó, người dân có thể đăng ký tham dự phiên tòa với một số lượng người xem nhất định. Việc được lựa chọn người tham dự phiên tòa được áp dụng nguyên tắc thứ tự. Từ đó, tránh tình trạng quá tải, hoặc tình trạng lo ngại về quyền riêng tư của bị cáo và các đương sự tham gia xét xử.
Sáu là, về vấn đề quay phim, ghi âm, chụp hình phiên tòa: Kinh nghiệm của các nước cho thấy, dù diễn ra bằng hình thức thông thường hay bằng hình thức xét xử trực tuyến, dể bảo vệ quyền riêng tư của những người tham gia phiên tòa, đặc biệt là đương sự, bị cáo, người bị hại, thậm chí là người làm chứng, cần có hướng dẫn cụ thể về việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh đối với những người tham dự phiên tòa. Có hai phương án Việt Nam có thể them khảo: thứ nhất, phương án mềm, tức là cho phép việc các cá nhân, tổ chức khác thực hiện hành vi quay phim, ghi âm, chụp ảnh cho những người trực tiếp liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên không đồng ý (ví dụ như người bị hại đồng ý nhưng bị cáo không đồng ý, nguyên đơn đồng ý nhưng bị đơn không đồng ý) thì việc ghi âm, ghi hình, chụp ảnh không được phép thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức khác theo dõi vụ việc; thứ hai, quy định nghiêm cấm việc quay phim, chụp hình, ghi hình (tương tự như Singapore)./.
 

 


[1] Nguyên văn tiếng Anh: A virtual hearing is a court hearing conducted by audio-visual means, where cases are progressed without the need for participants to attend the Court in person.
[2] Fredric I. Lederer & Ctr. for Legal & Ct. Tech., “Virtual Hearings in Agency Adjudication,” Draft Report for the Administrative Conference of the United States, 13 April 2021, p.5, https://www.acus.gov/report/virtual-hearings-agency-adjudication-draft-report, truy cập ngày 11/7/2021.
[3] Joseph Raczynski, “The current status of the (virtual) courts,” Thomson Reuters, 22 July 2020, https://www.thomsonreuters.com/en-us/posts/legal/virtual-courts/, truy cập ngày 15/7/2021.
[4] Xem Jason Tashea, "The legal and technical danger in moving criminal courts online," The Brookings Institution, 6 August 2020, https://www.brookings.edu/techstream/the-legal-and-technical-danger-in-moving-criminal-courts-online/, truy cập ngày 15/7/2021.
Deniz Ariturk, William E. Crozier, and Brandon L. Garrett, "Virtual Criminal Courts," The University of Chicago Law Review Online, 16 November 2020, https://lawreviewblog.uchicago.edu/2020/11/16/covid-ariturk/, truy cập ngày 16/7/2021.
National Center of State Courts, “State court judges embrace virtual hearings as part of the ‘new normal’,” https://www.ncsc.org/newsroom/public-health-emergency/newsletters/videoconferencing, truy cập ngày 16/7/2021.
[5] Tham khảo thêm tại https://www.mass.gov/info-details/guide-to-virtual-hearings, truy cập ngày 15/7/2021.
[6] Deniz Ariturk, William E. Crozier, and Brandon L. Garrett, "Virtual Criminal Courts," The University of Chicago Law Review Online, 16 November 2020, https://lawreviewblog.uchicago.edu/2020/11/16/covid-ariturk/, [truy cập ngày 16/7/2021].
[7] Xem: Lydia Lam, “Some Singapore court hearings to take place via video conference as judiciary rolls out Covid-19 measures,” Channel New Asia, 26 March 2020; Chan See Ting, “Zooming in on Virtual Hearings,” Law Gazette, May 2020.
[8] Viva Dadwal and Mark Beer, “What we can learn from Asia Court’s of the future,” World Economic Forum, 2 November 2018, https://www.weforum.org/agenda/2018/11/what-we-can-learn-from-asia-s-courts-of-the-future/.
[9] https://sso.agc.gov.sg/Act/COVID19TMA2020, truy cập ngày 17/7/2021.
[11] Shirley Tay, “Inside Singapore’s move to virtual court hearings,” Govinsider, 14 Jul 2020
[12] Changqing Shi , Tania Sourdin, and Bin Li, "The Smart Court – A New Pathway to Justice in China?". International Journal for Court Administration, 12 (1), p.4. DOI: http://doi.org/10.36745/ijca.367, truy cập ngày 14/7/2021.
[13] Changqing Shi , Tania Sourdin, and Bin Li, "The Smart Court – A New Pathway to Justice in China?," International Journal for Court Administration, 12 (1), p.4. DOI: http://doi.org/10.36745/ijca.367, truy cập ngày 14/7/2021.
[14] Tham khảo hệ thống này tại http://tingshen.court.gov.cn/court/0.
[15] Guodong Du, and Meng Yu, “You Can Watch Trials in Chinese Courts on the Internet Now,” China Justice Observer, 20/5/2018, https://www.chinajusticeobserver.com/a/you-can-watch-trials-in-chinese-courts-on-the-internet-now, truy cập ngày 12/7/2021.
p ngày 13/7/2021]
[17] Falk Lichtenstein and Dorothee Ruckteschler, "Virtual court proceedings in China," Business Law Magazine, 28 February 2018, https://www.deutscheranwaltspiegel.de/businesslaw/archiv/virtual-court-proceedings-in-china/, truy cập ngày 14/7/2021.
[18] Mimi Zou, "Virtual Justice in the Time of Covid-19," Oxford Law Faculty, 16 March 2020, https://www.law.ox.ac.uk/business-law-blog/blog/2020/03/virtual-justice-time-covid-19, truy cập ngày 13/7/2021.
[19] Tara Vasdani, "Robot justice: China’s use of Internet courts," The Lawyer's Daily, https://www.lexisnexis.ca/en-ca/ihc/2020-02/robot-justice-chinas-use-of-internet-courts.page, truy cập ngày 14/7/2021.
 
[21] “China Focus: China moves courts online amid coronavirus epidemic,” Xinhuanet, 18/2/2020, http://www.xinhuanet.com/english/2020-02/18/c_138795315.htm, truy cập ngày 15/7/2021.
[22] Xem thêm tại "SPC releases rules on online litigation of courts," Beijing Internet Court, 22 June 2021, https://english.bjinternetcourt.gov.cn/2021-06/22/c_377.htm, truy cập ngày 14/7/2021.
[23] Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 225 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 152 Bộ luật Tố tụng hành chính.
[24] Hoàng Phê và tập thể tác giả (2011), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 1349.
[25] Xem thêm Nguyễn Đức Hùng, Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012, https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=10/80/15/&doc=108015868339773108725000310367008798609&bitsid=06c3f4ff-9d6c-4685-948e-fdf1261c2d7e&uid=, truy cập ngày 15/7/2021.
[26] Xem thêm Alicia Bannon and Janna Adelstein, “The Impact of Video Proceedings on Fairness and Access to Justice in Court,” Brennan Center for Justice, 20 September 2020, https://www.brennancenter.org/our-work/research-reports/impact-video-proceedings-fairness-and-access-justice-court, truy cập ngày 15/7/2021
[27] Tlđd, Shirley Tay, “Inside Singapore’s move to virtual court hearings,” Govinsider, 14 Jul 2020.
[28] Xem thêm Kiến An, “Lượng người dùng smartphone ở Việt Nam đứng trong top 10 toàn cầu,” Báo điện tử VOV, ngày 03/6/2021, https://vov.vn/cong-nghe/sanh-dieu/luong-nguoi-dung-smartphone-o-viet-nam-dung-trong-top-10-toan-cau-863220.vov, truy cập ngày 15/7/2021; và Trần Trung, “Những đánh giá về mức độ sử dụng smartphone của người Việt,” Báo điện tử Bnews, ngày 11/5/2021, https://bnews.vn/nhung-danh-gia-ve-muc-do-su-dung-smartphone-cua-nguoi-viet/195299.html, truy cập ngày 15/7/2021.
[29] Xem thêm Shari Seidman Diamond et al., “Efficiency and Cost: The Impact of Videoconferenced Hearings on Bail Decisions,” Journal of Criminal Law and Criminology 100 (2010), p.893.
[30] Xem thêm Frank M. Walsh and Edward M. Walsh, "Effective Processing or Assembly-Line Justice - The Use of Videoconferenceing in Asylum Removal Hearings," Georgetown Immigration Law Journal 22 (2008), p. 271-272.
[31] Eric Scigliano, “Zoom Court Is Changing How Justice Is Served,” The Atlantic Magazine, May 2021 Issue, https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2021/05/can-justice-be-served-on-zoom/618392/, truy cập ngày 15/7/2021.
[32] Tlđd, Chan See Ting, “Zooming in on Virtual Hearings,” Law Gazette, May 2020.
[33] Tham khảo Speed Test Global Index May 2021, https://www.speedtest.net/global-index, truy cập 16/7/2021.