Nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

22/10/2021

Tóm tắt: Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khi đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý lãng phí vẫn còn hạn chế... lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”. Lãng phí đã, đang và tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và năm tiếp theo; đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Từ khóa: Nâng cao hiệu quả; thực hành tiết kiệm; chống lãng phí; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Abstract: Thrift and fight against waste are stipulated in the Constitution of 2013: “Agencies, organizations and individuals must practice thrift, fight waste... in socio-economic activities and governmental administration". The document of the 13th National Congress of the Party, when it comes to thrift practice and combating waste, clearly states: "The mandate of prevention and combat against corruption and waste... has not provided with any noticeable progress .. the detection and resolution of corruption and waste have been in a limited manner... corruption and wastefulness... have been still serious, complicated... increasingly sophisticated, causing frustration in society". Waste has been and continues to impede socio-economic development, cause frustration among the people, and pose a serious challenge to the leadership of the Party and the management of the State. In order to improve the efficiency of thrift practice and waste prevention, within the scope of this article, the authors provide clarification of the situation and results of thrift practice and anti-waste in 2020; a number of solutions to practice thrift, fight waste in 2021 and the following years;  recommendations for further improvement of the efficiency of thrift practice and fight waste in our country in the coming time, to the successful implementation of the Resolution of the 13th Party Congress.
Keywords: Efficiency Improvement; thrift practice; combating wastefulness; report of the Government on the results of thrift practice and anti-waste in 2020; Resolution of the 13th Party Congress.
 ĐẠI-HỘI-ĐẢNG-XIII_1.jpg
1. Tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020
Theo Báo cáo số 221/BC-CP ngày 08/7/2021 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 (Báo cáo của Chính phủ), năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do thiên tai, dịch bệnh, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH), góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch[1]; 02/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch[2]). Nhiều bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp nhà nước báo cáo có đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí[3].
Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc đóng góp cho NSNN và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực[4].
Bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: (1) Vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chất lượng báo cáo còn bất cập; (2) Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; (3) Việc quản lý, sử dụng NSNN còn một số bất cập, gây lãng ph; (4) Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí; (5) Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên còn tồn tại; (6) Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm; (7) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân và một số lĩnh vực khác còn một số tồn tại, bất cập[5]...
Hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,...[6].
2. Giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và năm tiếp theo được thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; đề ra trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021 là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới; phát triển nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các ngành chế biến, chế tạo; tháo gỡ khó khăn, khôi phục các hoạt động dịch vụ..., để phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế cao; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, cấp bách; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Triển khai thực hiện Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, với mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống KTXH, góp phần tạo nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH năm 2021. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các hoạt động, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.
Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: (i) Tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan. Quản lý chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; (ii) Phổ biến, tuyên truyền và triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Quản lý nợ công; quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để giảm thiểu chi phí vay. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong nợ công để phục vụ công tác quản lý; (iii) Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công; xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công. Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền; (iv) Tăng cường vai trò các cơ quan quản lý nhà nước ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và thực hiện của dự án. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công. Phân bổ vốn đầu tư công phải đảm bảo thời gian theo quy định; rà soát, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; (v) Đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN và phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội; (vi) Đẩy mạnh rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN; cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu; (vii) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Thực hiện điều tiết một cách hợp lý giá trị tăng thêm từ đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại. Khai thác quỹ đất đai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách hiệu quả, tiết kiệm; (viii) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý theo quy định pháp luật về kinh doanh. Ban hành quy định hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (ix) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ và trong bổ nhiệm, đề bạt tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: quản lý, sử dụng đất đai; các dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, nhà công vụ; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh do NSNN cấp kinh phí; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết; hiện đại hóa quản lý hành chính, hoàn thiện, đẩy mạnh hoạt động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí[7].
3. Kiến nghịhoàn thiện Báo cáo của Chính phủ[8] về tình hình, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta trong thời gian tới
Lãng phí đã, đang và tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta trong thời gian tới, trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề sau đây:
Một là, làm rõ tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta thời gian qua đang ở mức nào (nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng); cơ cấu lãng phí trong từng lĩnh vực (nhân lực, vật lực, tài lực, nhất là lãng phí đất đai, tài nguyên, khoáng sản) để có giải pháp đặc thù, hiệu quả đối với từng lĩnh vực. Cần dự báo trong thời gian tới, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta (về thực trạng, diễn biến, cơ cấu, tính chất) như thế nào. Vì có đánh giá và dự báo đúng, đủ tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới có cơ sở để tập trung và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hai là, xác định đúng, trúng và đủ hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta thời gian qua. Trên cơ sở đó, Chính phủ mới có cơ sở đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 và các năm tiếp theo; cụ thể là:
-Về hạn chế, Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung và làm rõ 2 hạn chế: (i) Lãng phí ở nước ta thời gian qua “vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”[9], [10]; (ii) Tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng và kỳ vọng của nhân dân (vì theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2020 là năm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao nhưng cũng mới được 61%)[11] và làm rõ trong số tài sản được thu hồi và chưa được thu hồi, có bao nhiêu % là tài sản bị thất thoát, bao nhiêu % là tài sản bị chiếm đoạt để có cơ sở xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đưa ra được những giải pháp sát, đúng, hiệu quả.
-Về nguyên nhân của hạn chế, Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ thêm 5 nguyên nhân của 2 hạn chế nêu trên: (i) Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống lãng phí, nhất là công tác thể chế hóa các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; (ii) Thực thi pháp luật về phòng, chống lãng phí còn chưa nghiêm. Chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cơ quan truyền thông trong công tác phòng, chống lãng phí; (iii) Công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống lãng phí chưa hiệu quả, chủ yếu mới dừng lại ở mức bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền; (iv) Đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước bỏ trốn còn nhiều[12]. Ví dụ, vụ việc bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bỏ trốn và bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội bỏ trốn trước hết gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án, bản thân người phạm tội không bị trừng phạt mà còn không răn đe được những người không vững vàng trong xã hội và vì vậy, tài sản bị thất thoát do phạm tội cũng không được thu hồi, thậm chí còn tiếp tục bị lãng phí; (v) Chưa kết hợp đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng và cũng tránh tham nhũng gây ra lãng phí[13].
Ba là, trên cơ sở hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nước ta thời gian qua, Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm 03 nhóm giải pháp sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần quán triệt nghiêm túc và kịp thời thể chế hóa các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các văn bản liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: (i) Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (ii) Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; và gần đây là (iii) Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Hoàn thiện pháp luật để bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống lãng phí.
Thứ ha,Chính phủ cần thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước bỏ trốn[14]. Theo Bộ Công an, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng[15]. Ngăn chặn tội phạm trốn ra nước ngoài là vấn đề lớn hiện nay đặt ra cho công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, lãng phí nói riêng. Chính phủ cần thống kê số lượng đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước bỏ trốn, nhất là những đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng này để có giải pháp khắc phục; tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về tư pháp, nhất là pháp luật về truy nã, dẫn độ tội phạm.
Thứ ba,Chính phủ cầnkết hợp đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng và cũng tránh tham nhũng gây ra lãng phí[16].  Vì tham nhũng, lãng phí - đúng như Bác Hồ đã nói - đều là hậu quả của quan liêu. Do đó, muốn loại trừ lãng phí phải kết hợp với loại trừ tham nhũng; tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị thất thoát, bị thiệt hại; chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí cao như lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thuế./.

 


[1] Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 3,23% (kế hoạch dưới 4%); Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 7% (kế hoạch khoảng 7%); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu: xuất siêu 7,1% (kế hoạch dưới 3%); Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP 34,4% (kế hoạch 33%-34%); Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 1-1,5% (kế hoạch 1-1,5%), trong đó: giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo lớn hơn 5% (kế hoạch 4%); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị 3,88% (kế hoạch dưới 4%); Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 28 giường bệnh (kế hoạch 28 giường bệnh); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,85% (kế hoạch 90,7%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90% (kế hoạch 90%); Tỷ lệ che phủ rừng 42% (kế hoạch 42%). Nguồn: Báo cáo số 82/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020.
[2] Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2,91% (kế hoạch khoảng 6,8%); Tỷ lệ lao động qua đào tạo 64,5% (kế hoạch 65%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 24,5% (kế hoạch 25%). Nguồn: Báo cáo số 82/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
[3] Chính phủ (2021), Báo cáo số 221/BC-CPngày 08/7/2021 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.
[4] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21/7/2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
[5] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021),Tlđd.
[6] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021),Tlđd.
[7] Chính phủ (2021),Tlđd.
[8] Chính phủ (2021),Tlđd.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.92-93.
[10] Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
[11] Báo Nhân dân điện tử https://nhandan.com.vn.
[12] Bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...
[13] Thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm qua cho thấy, không ít vụ án tham nhũng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước như: (i) Vụ các đối tượng tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình “lạm quyền” trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường thay đổi kết quả các dự án đấu thầu đất đai để trục lợi[13]...; (ii) Vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật Bản) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế; (iii) Vụ Thanh tra thuế ở Chi cục thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa; (iv) Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng ở Bình Dương gây thiệt hại 67 tỷ đồng.
[14] Bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...
[15] https://phaply.net.vn/ngan-chan-toi-pham-bo-tron-ra-nuoc-ngoai-van-de-lon-hien-nay-a211496.html.
[16] Thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm qua cho thấy, không ít vụ án tham nhũng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước như: (i) Vụ các đối tượng tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình “lạm quyền” trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường thay đổi kết quả các dự án đấu thầu đất đai để trục lợi[16]... (ii) Vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật Bản) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế; (iii) Vụ Thanh tra thuế ở Chi cục thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa; (iv) Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng ở Bình Dương gây thiệt hại 67 tỷ đồng.